Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

NÓI LẠI CHUYỆN PHIM XICH LÔ BỊ CẤM

– Dương Minh: CHUYỆN QUAY PHIM CYCLO QUA CON MĂT GIÁM SÁT VIÊN (Trần Nhương).
 Tôi đã đọc bài viết “Nói lại chuyện phim Xích- lô”. Có thể nói ngay rằng đó là những dòng viết chân thực của tác giả khi kể về sự ra đời và thành công của phim Cyclo vào cái năm 1995 ấy, cả những “trục trặc”, khó khăn đến với người đạo diễn tài năng và số phận bộ phim sau đó ở Việt Nam. Tôi hoàn toàn đồng cảm với những câu hỏi trong bài viết trên: “Tại sao có vụ cấm chiếu phim Xich lô? Tại sao lại có chuyện đối xử kì quái, bất công với đạo diễn Trần Anh Hùng như thế?”…“Tôi cứ tự hỏi tại sao Liên hoan phim Venise năm 1995 người ta trao giải Sư tử vàng cho phim Xích lô?...Chả lẽ LHP Venise chỉ nhằm chống Việt Nam? Chả lẽ vì chống Việt Nam Ban Giám khảo lại hạ mình để trao giải cho một bộ phim mà người Việt Nam cho là thấp kém?” .

Thời điểm đó, người viết bài này là một cán bộ bảo vệ lĩnh vực Văn học- Nghệ thuật tại bộ phận thường trực phía Nam của Cục A25. Nhờ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tôi có may mắn được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức giám sát phim Cyclo. Tôi xin kể thêm vài điều liên quan đến phim Cyclo để bạn đọc được rõ.
Như bài viết đã nêu, sau khi kịch bản phim Cyclo qua các cấp thẩm định, Cục Điện ảnh có văn bản Giám định nội dung kịch bản trình lãnh đạo Bộ VHTT ký quyết định cho phép quay phim. Căn cứ vào đề xuất của Cục Điện ảnh trong bản Giám định nội dung kịch bản phim, Bộ VHTT ra quyết định cho phép Hãng phim Giải Phóng cung cấp dịch vụ cho hãng Les Productions Lazenec thực hiện bộ phim truyện Cyclo của đạo diễn Trần Anh Hùng tại Việt Nam (Quyết định số 501 HTQT/QĐ ngày 6-4-1994 do Thứ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Trung Kiên ký). Đây là hai văn bản có tính pháp lý giúp đoàn làm phim có thể tiến hành các bước khởi quay ở Việt Nam. Ngoài ra, Hãng phim Giải Phóng sẽ chịu trách nhiệm ký nhiều công văn, giấy giới thiệu khác liên hệ với công an, quản lý đô thị, chính quyền địa phương, đơn vị, cơ quan… nơi đoàn phim đến quay phim. Để “cung cấp dịch vụ”, phục vụ đoàn phim nước ngoài nói chung và phim Cyclo nói riêng, Hãng phim Giải Phóng cũng phải thành lập một ê kíp đầy đủ cho một đoàn làm phim bao gồm Chủ nhiệm, Trợ lý Đạo diễn, các tổ âm thanh- tiếng động, đạo cụ, ánh sáng, hậu cần, phục trang, phiên dịch… để giúp việc cho các bộ phận của đoàn làm phim chính. Nhiệm vụ của Giám sát viên đoàn phim là giám sát để đạo diễn làm đúng theo kịch bản đã được duyệt và làm đúng theo những lưu ý mà bản giám định kịch bản phim của Cục Điện ảnh quy định. Nói thì đơn giản thế nhưng người cán bộ giám sát đoàn phim phải nghiên cứu kỹ kịch bản, thuộc từng phân cảnh và cố gắng hiểu ý đồ của đạo diễn trong từng phân cảnh ấy muốn nói cái gì, có phù hợp, xuyên suốt với chủ đề của tác phẩm không…và trên cơ sở đó cần phát hiện ra ý đồ xấu của đạo diễn, của kịch bản để có thể báo cáo lãnh đạo đề nghị Bộ Văn hoá cho dừng ngay việc thực hiện bộ phim. Với quyền hạn và nhiệm vụ như vậy, công việc đó không hề dễ dàng và rất dễ gây “oan gia”, nếu người giám sát phim thiếu kiến thức cảm thụ văn học nghệ thuật, thiếu am hiểu, học hỏi về lĩnh vực mình bảo vệ, cộng thêm sự thiếu trung thực trong báo cáo. Đã có những vụ việc cười ra nước mắt trong chuyện đi giám sát đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam, nhưng đó lại nằm ngoài nội dung của bài này. Quay lại chuyện làm phim Cyclo, đối với một kịch bản phim truyện phức tạp, đa nghĩa với những nhân vật như những ý niệm, không có tên riêng: Anh Nhà thơ, Bà chủ, anh Cyclo, anh Đau răng, anh Chơi dao, Thầy Ru con, Người chị, Ông nội,… Diễn biến tâm lý các nhân vật có phần phức tạp, câu chuyện xoay quanh chuyện đời một anh chàng đạp cyclo trẻ tuổi nghèo khổ bị xô đẩy tham gia vào một băng nhóm tội phạm. Ống kính của Trần Anh Hùng săm soi vào cuộc sống sinh hoạt, quan hệ, diễn tả tâm lý, tình cảm, hành động, những hành vi tội ác của các nhân vật trong cuộc sống “dưới đáy” xã hội, phần “chìm” của Sài Gòn- TPHCM những năm 1990 khi toàn xã hội bắt đầu bước vào phát triển kinh tế thị trường. Tuy là vậy, tôi vẫn nhận ra đằng sau những hành động tội ác lạnh lùng ấy là những giằng xé nội tâm của nhân vật, những níu kéo của cái thiện trước cám dỗ của đồng tiền và những vô lý, đắng cay ở phía sau hành vi tội ác. Những giằng xé nội tâm ấy, đạo diễn Trần Anh Hùng đã tập trung phản ánh qua nhân vật Nhà thơ- một tay dao búa, cánh tay phải, người cầm đầu nhóm đàn em của Bà chủ (do Lương Triều Vỹ đóng). Một nhân vật có tính cách đầy mâu thuẫn, rất mẫn cảm và trắc ẩn nhưng cũng rất nguy hiểm, giết người chuyên nghiệp. Y đưa người yêu (Người Chị của anh Cyclo, là biểu tượng của sự trong trắng, hồn nhiên, cái thiện) vào hoạt động mại dâm, nhưng lại liên tục dằn vặt, ân hận (nhân vật thể hiện bằng việc chảy máu cam mỗi khi xúc động, cái thiện được đánh thức). Cuối cùng Nhà thơ kết thúc cuộc đời bằng cách tự sát (châm lửa đốt mình) do bế tắc, dằn vặt. Một điển hình nữa là nhân vật Bà chủ (do Như Quỳnh đóng), cuối cùng đã “phục thiện” giải thoát cho anh cyclo trở về với gia đình, sau khi đứa con trai ngẩn ngơ của Bà chủ bị tai nạn do xe ô tô cán chết. Và yên tâm nhất là cái kết của phim với sự trở về đoàn tụ của cả gia đình anh cyclo, vui vẻ đi chơi tết trên chiếc cyclo số phận. Hình ảnh lớp học của các em học sinh tiểu học với tiếng học bài yên bình và chiếc máy bay dân dụng vút bay trên bầu trời là những báo hiệu của một cuộc sống hướng tới sự thanh bình, dựng xây hạnh phúc trên đất nước này. Cảm nhận như vậy nhưng tôi cũng nhiều lần trao đổi với đạo diễn Trần Anh Hùng về nội dung kịch bản mỗi khi có dịp, cho đến lúc hiểu được phần nào tư tưởng anh muốn truyền tải qua bộ phim này. Tôi còn trao đổi nhiều lần về nội dung kịch bản phim với đạo diễn Trần Thanh Hùng, lúc đó là Giám đốc Hãng phim Giải Phóng- một con người nhạy cảm, một nhà quản lý tài năng, người đã đẩy mạnh công tác tiếp thị, đưa về cho hãng phim đang rất khó khăn nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ làm phim với nước ngoài. Tôi nhớ anh Thanh Hùng đã rất quý trọng tài năng và nhận xét tốt, tin tưởng vào phẩm chất của Trần Anh Hùng. Chính vì vậy, tôi đã hoàn toàn yên tâm về các báo cáo của tôi lên lãnh đạo ủng hộ việc làm phim Cyclo. Tôi đã ký vào các biên bản giám sát quay phim hàng ngày, cũng như ký vào giấy niêm phong các hộp phim đã quay cùng với đạo diễn Trần Anh Hùng và Chủ nhiệm phim Nguyễn Văn Đây, đại diện cho Hãng phim Giải Phóng trong bộ phim này. Tôi cũng đã soạn công văn để lãnh đạo ký đồng ý gửi Phòng Kiểm tra Xuất Nhập Văn hoá phẩm- Sở Văn hoá Thông tin TPHCM cho xuất phim đi nước ngoài làm hậu kỳ.      
 Tôi còn nhớ chúng tôi đã đề nghị ĐD Trần Anh Hùng xem xét sửa chữa một số cảnh như: Đoạn phim nói về bốn anh bộ đội phục viên nghèo đi buôn gặp nhau, uống rượu tại quán vỉa hè và cùng hát say sưa bài hát “Đời mình là một khúc quân hành”- của Nhà thơ- Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, nói chuyện về chiến tranh. Một anh trong nhóm đó là anh 47, là người của băng nhóm tội ác hôm nay. Không phải vì nó không đúng sự thực lúc đó, mà vì nó phản ánh sự thực một cách trực diện, cay đắng quá. Trong văn học, các tác phẩm của Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Đỗ Chu… cùng nhiều nhà văn khác cũng nói về đời sống bộ đội sau chiến tranh đầy khó khăn, vất vả, người lính trở về loay hoay với kinh tế thị trường, nhiều người còn bị bắt giam vì phạm tội, hoặc bị vạ lây, mất mát bởi kinh tế thị trường… Nhưng ở đây lại là điện ảnh, là phim truyện. Một cảnh nữa cũng đề nghị sửa, đó là cảnh cây AK47, một vũ khí biểu tượng cho sự tự hào đã theo anh bộ đội trên khắp các chiến trường cho đến ngày chiến thắng, thế mà đạo diễn cho cây AK47 nã đạn liên thanh vào chùm hoa đu đủ (hoặc hoa cau tôi không nhớ rõ lắm) làm hoa, lá rơi lả tả. Chúng tôi hiểu ý tác giả, nhưng để tránh hệ luỵ … Sau Trần Anh Hùng xử lý cảnh này là cho màn hình tối sầm, chỉ có âm thanh chát chúa tiếng đạn nổ mà thôi… Một cảnh nữa, cũng là cảnh gây sốc cho số đông người xem Việt Nam, nhất là những người ít xem phim nước ngoài, đó là cảnh giết người của Thầy Ru con. Ý đạo diễn muốn người xem thấy một cảnh tượng giết người ghê rợn nhưng lại được tiến hành một cách bình thường như việc phải làm, như một việc tự nhiên, ăn một miếng bánh hay uống một ly trà đá…Ở kịch bản ban đầu, Trần Anh Hùng cho Thầy Ru con dùng móng sắt móc vào cổ họng nạn nhân giật ra, cận cảnh thấy cả những sợi gân, thịt nhầy nhụa máu… Qua góp ý Hùng đã sửa chữa, ngoài ra, khi dựng phim Hùng cũng tự cắt bỏ đi nhiều bối cảnh so với phim đã quay mà chính bản giám định kịch bản phim không yêu cầu. Với sự nỗ lực cao của đạo diễn Trần Anh Hùng và tài năng nghệ thuật của anh trong phim Cyclo, đã đưa anh tới giải thưởng Sư tử vàng danh tiếng tại Liên hoan phim Venise lần thứ 52 vào năm 1995 ấy. Và tôi cũng biết rằng sẽ rất lâu nữa điện ảnh Việt Nam mới có lại một thành công như phim Cyclo ở các LH phim lớn như Venise.
 Tôi cũng không hiểu vì sao Bộ VHTT lúc đó lại tiến hành “kiểm điểm” anh Trần Thanh Hùng, Giám đốc hãng phim Giải Phóng trong việc thực hiện “cung cấp dịch vụ” làm phim Cyclo. Phải chăng là Bộ dựa vào một số bài báo phê phán phim Cyclo để làm kết luận của Bộ về phim này? Không thể dùng quyết định hành chính để “xếp xó” một tác phẩm nghệ thuật được. Tại sao lúc đó Bộ VHTT không đề nghị Hội đồng Nghệ thuật của Hội Điện ảnh VN – là hội nghề nghiệp -  xem xét, cho ý kiến trước khi kết luận về phim Cyclo? Tôi nghĩ, nói lại chuyện liên quan đến phim Cyclo của Trần Anh Hùng là cần thiết và từng người trên cương vị chức trách của mình liên quan đến phim Cyclo cần nói rõ quan điểm của mình, những điều mình biết, để công luận và những ai quan tâm đến phim Cyclo và tác giả Trần Anh Hùng được rõ sự thể là thế.         

   Hà Nội, tháng 4/2011  - NÓI LẠI CHUYỆN PHIM XICH LÔ BỊ CẤM 
 Nguyễn Trọng Tạo blog
NTT: Những lệnh cấm được phát ra từ bộ VHTT trước đây thường được cho là có sức ép của an ninh A25. Nhưng lệnh cấm bộ phim Xích lô (Cyclo), theo ông Thái Kế Toại lúc đó đang là trưởng A25 thì, ông hoàn toàn không biết vì sao. Dưới đây là bài viết của ông nói rõ sự việc này được gửi trực tếp cho nguyentrongtao.org.

NÓI LẠI CHUYỆN PHIM XICH LÔ

THÁI KẾ TOẠI
(
Đại tá - Nguyên Giám đốc ĐACAND)

Ngoảnh đi ngoảnh lại từ khi phim Xích lô bị cấm chiếu ở Việt Nam đã 16 năm. Mười sáu năm gần như là khoảng cách một thế hệ, nhiều đồng nghiệp trẻ trong làng điện ảnh thì hầu như không biết đến chuyện này. Một số đồng nghiệp già thì không biết đầy đủ. Mấy người biết đầy đủ thì im lặng. Trong mấy năm vừa rồi tôi có nêu lại việc này với Cục Điện ảnh. Những người lãnh đạo cũ trong cuộc thì đã nghỉ hưu. Người mới thì dường như cảm thấy mình không có trách nhiệm trả lời về một vụ án oan trong làng điện ảnh đã thuộc về quá khứ. Tôi cũng đã nghỉ hưu, gần như giã từ các hoạt động điện ảnh để tập trung làm mấy tác phẩm văn học cuối đời nhưng tôi cứ băn khoăn về câu hỏi Tại sao có vụ cấm chiếu phim Xich lô? Tại sao lại có chuyện đối xử kì quái, bất công với đạo diễn Trần Anh Hùng như thế? Tại sao một bộ phim của người đạo diễn người Việt với các diễn viên Việt Nam về đề tài đương đại Việt Nam, quay tại thành phố Hồ Chí Minh, được giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venise danh giá. Lần đầu tiên người Việt được giải Sư tử vàng, một giấc mơ và có lẽ còn lâu nữa mới lại có một sụ kiện như thế mà giới lí luận phê bình điện ảnh im lặng không bàn đến một lời, trừ một vài bài “đánh’’ không có động cơ nghề nghiệp.
Tôi là một người trong cuộc. Lúc đó tôi đang là Trưởng phòng An ninh Văn hóa quốc gia, A25 Bộ Công an.
Chuyện bắt đầu như thế này:
Vào đầu thập niên 90 người Việt có một tài năng điện ảnh kiệt xuất. Người đó là đạo diễn Trần Anh Hùng.
Trần Anh Hùng tên Pháp là Guy Phimasset sinh ngày 5- 6- 1966 tại Mỹ Tho, quốc tịch Pháp. Bố mẹ TAH quê ở Nam Đàn, Nghệ An, theo đạo Thiên chúa, di cư vào Nam từ 1954, sang Lào sinh sống từ 1973, rồi sang Pháp năm 1975, hiện làm nghề may quần áo ở Pháp. TAH có một người em trai tên là Dũng sinh năm 1968 tên Pháp là Henry Phimasset, tốt nghiệp ngành kinh tế thương mại. Từ phim Xích Lô anh Dũng làm trợ lý đạo diễn cho TAH.
Tại Pháp TAH học và đậu tú tài văn chương bậc A, học Đại học Triết một năm rồi bỏ để thi vào học Trường Điện ảnh Lumière bốn năm, quay phim ngắn Thiếu phụ Nam Xương trong trường. Học xong chương trình TAH không thi tốt nghiệp, ở nhà viết một loạt kịch bản chào bán cho các hãng phim như:
 Thiếu phụ Nam Xương, Hòn Vọng Phu, Thánh Saint Julien L’ Hospitalien,
Phim trinh thám dựa theo một cuốn tiểu thuyết của Nhật, năm nay đã quay tại Nhật.
Phim về cuộc chiến của giặc Cờ Đen ở Việt Nam năm 1910.
Phim về đời sống người Việt ở Pháp.
Mùi đu đủ xanh. Phim đã được sản xuất.
Cyclo (Xich lô). Phim đã được sản xuất.
Rượu đế củ kiệu. Đề tài Việt Nam dự định quay ở Hà Nội.
Những ngày không mưa. Đã quay ở Hà Nội.
Năm 1991 lần đầu tiên TAH về Việt Nam để chọn cảnh cho phim Mùi đu đủ xanh nhưng không thực hiện được việc quay phim ở Việt Nam vì lí do tài chính mà chỉ có thu thanh tiếng động Việt Nam trong tháng 10- 1992.
Tại Liên hoan phim Cannes 1993 Mùi đu đủ xanh đoạt Giải Caméra vàng. Ngày 15-7-1993 Trần Anh Hùng cùng Christophe Rosignon Giám đốc hãng LAZENNEC FILM vào Việt Nam mang phim Mùi đu đủ xanh chiếu báo cáo cho Hội đồng duyệt phim quốc gia và xin đi khảo sát thực tế cho kịch bản phim Xich lô.
Từ tháng 2 đến tháng 5.1994 TAH vào sửa chữa và trình duyệt kịch bản phim Xich lô. Trong thời gian này  phim Mùi đu đủ xanh được gửi đi dự giải OSCAD, lọt vào chung kết cùng bốn phim khác. TAH cùng Trần Nữ Yên Khê nữ diễn viên vợ của TAH, Rosignnon và Giám đốc Hãng phim Giải phóng Trần Thanh Hùng đi Hollywood dự lễ trao giải OSCAD năm 1994.
Cần nói một chút về ảnh hưởng của phim Mùi đu đủ xanh. Tôi quan sát thấy bộ phim này mang đến một giọng điệu kể chuyện lạ khác với cách kể chuyện truyền thống trong phim của chúng ta và cách tác giả khai thác những chi tiết đời sống nông thôn Nam Bộ một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Một vài nghệ sĩ đã mượn tôi kịch bản Mùi đu đủ xanh để tham khảo. Sau đó tôi thấy quả là ngôn ngữ Trần Anh Hùng có tác động tạo ra sự chuyển biến ở một số tác phẩm, trong đó có thể nói có cả nghệ sĩ cỡ hàng đầu trong nước. Trong bối cảnh lúc ấy, sự tác động đó là quý giá.
Ngày 6-4-1994 Thứ trưởng BVHTT Nguyễn Trung Kiên ký Quyết định số 501 HTQT/QĐ đồng ý cho phép Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ cho hãng Lazenec Film thực hiện bộ phim truyện Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng tại Việt Nam.
Xin nói thêm để có kịch bản trình duyệt lãnh đạo Bộ VHTT các chuyên viên, lãnh đạo Cục Điện ảnh, Vụ HTQT Bộ VHTT và A25 trong đó có tôi đã phải đọc và giúp tác giả sửa chữa nhiều lần. Đến khi nội dung kịch bản đạt yêu cầu, có chính kiến của A25 ủng hộ, Cục Điện ảnh ra văn bản Giám định nội dung kịch bản trình lãnh đạo Bộ VHTT ký quyết định cho phép sản xuất phim. Tôi phải đọc kịch bản Xích lô nhiều lần. Với bản thảo lần cuối cùng tôi chấp nhận được về nội dung và tin rằng với ý đồ của TAH, cách trình bày câu chuyện đầy ấn tượng của anh sẽ có một bộ phim độc đáo.
Vì phim được thực hiện chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, lại do Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ nên A25 giao cho A25B tức bộ phận thường trực của A25 ở phía Nam do anh Trương Hòa Bình phụ trách, trong đó có bộ phận của đơn vị tôi anh Hoàng Phước Thuận và anh Bùi Dương Minh phụ trách công tác bảo vệ.
Phim Xích lô quay trong 77 ngày từ 4-11-1994 đến 11-2-1995. Trong thời gian đó giám sát viên A25b liên tục làm việc cùng đoàn phim. Tôi được nghe báo cáo có những cảnh trên hiện trường thấy có thể gây tác động không tốt, cán bộ A25b còn yêu cầu thay đổi chi tiết. Ví dụ trường đoạn đứa bé con mụ trùm băng cướp bôi sơn đỏ vào người chạy ra đường bị xe chẹt chết, giám sát viên không yên tâm vì mầu đỏ có thể gây phản cảm đã đề nghị TAH thay bằng sơn màu xanh lơ. TAH đã đồng ý thay đổi nhiều phân đoạn theo ý các cán bộ giám sát.
 Từ 21-4 đến 6-5- 1995 thu tiếng động thật cho phim tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn có cán bộ giám sát của A25b.
Từ 29-8 đến 9-9-1995 Trần Anh Hùng cùng các Đoàn nghệ sĩ của Xich lô đi dự Liên hoan phim VENISE lần thứ 52 tại Italya. Trong đoàn có diễn viên Lê Văn Lộc vai Xich lô, Đinh Hoài Ngọc trợ lý đạo diến kiêm phiên dịch của đoàn phim, hai vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Văn Đây Chủ nhiệm kiêm diễn viên Thầy ru con.
Đêm 9-9-1995 phim Xích lô được đăng quang nhận Giải thưởng lớn Sư tử vàng. Tôi và nhiều  đồng nghiệp, nghệ sĩ điện ảnh cũng xúc động vì cái tin này. Lần đầu tiên một đạo diễn người Việt Nam còn rất trẻ, một phim về Việt Nam hiện tại, làm tại Việt Nam với các diễn viên Việt Nam được một giải thưởng vào loại danh giá nhất của điện ảnh thế giới. Đấy là một dịp để quảng bá cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam và cho cả tương lai của điện ảnh Việt nam nữa nếu nó quy tụ được những người con tài năng đang sống ngoài đất nước.
Nhưng thật đáng tiếc, ngay sau đó tôi được nghe đã có những phản ứng bất lợi cho Xích lô. Sớm nhất là ý kiến của ông Lý Chánh Trung từ bên Pháp về làm xao động tại thành phố Hồ Chí Minh.. Trong lúc dư luận ồn ã như vậy thì bản phim nhựa chưa về đến Việt Nam. Hầu hết người Việt Nam chưa biết mặt mũi bộ phim được Giải Sư tử vàng là thế nào.
Tôi nhớ một buổi chiều nóng nực cuối tháng 9-1995 tại phòng họp của Cục Điện ảnh, phòng họp thôi, ngày ấy chưa có phòng chiếu hiện đại như bây giờ, Xich lô được trình chiều bằng băng video. Thành phần xem phim gồm có Hội đồng duyệt phim quốc gia và một số cán bộ của Ban tuyên huấn, Bộ VHTT, Hội ĐAVN. Công an có anh Khổng Minh Dụ, tôi và anh Nguyễn Trọng Đạo. Tôi thấy nội dung phim vẫn như kịch bản nhưng cách dựng phim và sử dụng âm thanh, màu sắc của Trần Anh Hùng đã tạo ra một ấn tượng dữ dội. Bây giờ thì cái kiểu âm thanh đó đã trở nên bình thường vì người ta đã quen với âm thanh Xơ rao các phim bom tấn của Mỹ của châu Âu nhưng lúc đó tôi thấy mấy gương mặt thật tội nghiệp. Có người còn la hét đòi giảm âm lượng. Âm thanh của phim gây sốc cho những người thần kinh yếu. Trong không khí oi bức, nhộn nhạo với cách tổ chức chiếu phim cẩu thả, Xích lô đã tạo ra một ấn tượng để tự giết nó. Cuối cùng có một cuộc hội ý nhưng lộn xộn và ý kiến không thống nhất, đợi bàn lại với một buổi chiếu bản phim nhựa.
Sau buổi chiếu có các bài báo Suy ngẫm sau khi xem phim Xich lô- Giải thưởng Sư tử vàng của Nguyễn Tường trên báo Tuần tin tức số 40 (2-8/10/1995), Phim Cyclo: Việt Nam là phương tiện hay là đối tượng phản ánh trên báo Văn Hóa ngày 15-10-1995.
Hình như có một thế lực vô hình nào đó tạo ra sụ trấn áp Xich lô. Trong cơ chế bộ máy của chúng ta người lãnh đạo nhiều khi rất sợ những người cực đoan tả khuynh hay nhân danh bảo vệ chế độ XHCN như thế. Chẳng lẽ vài người như thế lại tài giỏi, sáng suốt hơn một guồng máy làm việc của chúng tôi ư? Một guồng máy chuyên môn trực tiếp với nghề nghiệp phải nghĩ kỹ hơn họ chứ.
Bộ trưởng Bộ VHTT đã yêu cầu Hãng phim Giải phóng kiểm điểm về việc hợp tác với Hãng Lazennec làm phim Xích lô. Sau đó có quyết định cấm chiếu phim Xích lô ở Việt Nam. Còn tôi và A25 không được hỏi ý kiến về việc này. Tôi dự định khi có một buổi họp đàng hoàng hơn với bản phim nhựa sẽ phát biểu chính kiến của mình. Tất nhiên là tôi bảo vệ đạo diến Trần Anh Hùng và người bạn của tôi Trần Thanh Hùng Giám đốc Hãng phim Giải phóng một người đầy nhiệt huyết và mạnh dạn tìm cầu nối điện ảnh nước nhà với thế giới.
Vậy mà tôi cứ chờ … Cuối cùng cho đến nay không hề có một buổi họp như thế. Tôi không rõ những cá nhân nào đã làm các văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTT ra một quyết định vội vã như vậy. Với một quyết định của ông Bộ trưởng Bộ VHTT người ta đã coi Trần Anh Hùng như một nghệ sĩ chống chế độ, ra tiếp một cái lệnh cấm anh về nước trong nhiều năm.
Quay lại nội dung phim Xich lô. Bộ phim đã gây ra sự phân hóa cao độ trong số người đã được xem phim. Tôi hỏi ý kiến một số nghệ sĩ, người khen thì khen hết lời. người chê thì cũng chê thậm tệ. Nhưng tựu trung người ta đều cho rằng nó trình bày thực trạng xã hội một cách táo bạo mới mẻ quá. Ấn tượng của nó mãnh liệt quá. Các bài báo lên án phim Xích lô nói gì? Người ta cho là bộ phim đầy những hình ảnh bạo lực, nhiều cảnh sex và hiện thực trong phim không đúng với thực tế Việt Nam.
Sau này các đĩa phim Xích lô được bán chui ở trong nước nhưng bản quay trộm chất lượng xấu. Anh Ba Đây có cho tôi mượn một cái băng video din, tôi lại cho bạn tôi Lê Cẩm Lượng ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh sao lại cho sinh viên xem.
Tôi cứ tự hỏi tại sao Liên hoan phim Venise năm 1995 người ta trao giải Sư tử vàng cho phim Xích lô? Lẽ ra các nhà phê bình phim Việt Nam phải giải đáp câu hỏi đó. Có lẽ vì sợ hãi Bộ VHTT mà họ im lặng. Không một ai bênh vực cho bộ phim tội nghiệp đó.
Chả lẽ LHP Venise chỉ nhằm chống Việt Nam? Chả lẽ vì chống Việt Nam Ban Giám khảo lại hạ mình để trao giải cho một bộ phim mà người Việt Nam cho là thấp kém? Lý trí của một người tỉnh táo có thiện chí giải đáp câu này không khó lắm.
Ở phim Xích lô, Trần Anh Hùng trình bày một phong cách khác hẳn Mùi đu đủ xanh. Tôi cho rằng với những đạo diễn có biên độ phong cách giữa các tác phẩm xa nhau như vậy là một tài năng. Nhịp điệu của Xích lô co dãn thất thường,chất liệu và cốt truyện Á Đông được trình bày với các thủ pháp ấn tượng hậu hiện đại. Các hình tượng mang tính ẩn dụ cao, mang cả tinh thần triết học, nó cho người ta thấy cuộc sống các xã hội Á Đông kiểu như Việt Nam đang vươn tới thị trường và thế giới hiện đại như thế nào cùng cái giá mà nó phải trả, cái giá rất đắt, thậm chí kinh hoàng. Tuy vậy TAH đã đưa ra được lời giải cho câu hỏi đó. Gìn giữ gia đình là chỗ cứu rỗi cho con người. Thực trạng xã hội đen hôm nay sau 15 năm cho thấy đã vượt qúa xa những cảnh báo của anh.
Sau này hệ lụy của vụ Xích lô còn theo tôi và Trần Anh Hùng khi tôi chuyển sang làm Giám đốc Điện ảnh CAND. Giữa năm 1998 tôi hợp tác với Hãng Laennec Film. Tôi đã tạo điều kiện cho TAH về nước đi thăm Hà Nội và một số nơi để viết một kịch bản phim mới. Chúng tôi nói chuyện nhiều về những biến đổi của Hà Nội. Đầu tiên Hùng muốn ba người đàn bà Hùng yêu quý cùng đóng trong một bộ phim. Như Quỳnh, Lê Khanh, Trần Nữ Yên Khê. Sau Hùng định hình ý tưởng, cho ba người này vào dòng xoáy của một gia đình gốc Hà Nội lâu đời đang rạn vỡ vì các tác động của đời sống hiện đại. Hùng vẫn băn khoăn về việc bảo vệ các giá trị của gia đình Á Đông. Đó là kịch bản phim Những ngày không mưa.
Kịch bản Những ngày không mưa cũng phải sửa chữa nhiều lần, cuối cùng cũng được ĐACAND chấp nhận và chuẩn bị trình Cục Điện ảnh thì rắc rối lại rơi xuống.
Báo Quân đội nhân dân ngày 23-8-1998 đăng bài Nội và Sài Gòn thời mở cửa qua cách nhìn phiến diện của đạo diến Trần Anh Hùng. Bút pháp của tác giả khá chuyên nghiệp, có thể là một nhà phê bình chuyên nghiệp ở Cục Điện ảnh nhưng ký tên Hạnh Lê.
Tiếp theo báo Văn Nghệ số 36 ngày 5-9-1998 đăng bài Cần một chữ Tâm khi làm phim về Việt Nam. Tác giả là Phạm Viết Đào, một người đã có nhiều chỉ trích gay gắt ngành điện ảnh.
Điều có vể vô lý và không đàng hoàng cho lắm là sự phê phán nhằm vào một kịch bản còn ở thời kỳ bí mật, chưa trình duyệt, chưa công bố chỉ có những người có trách nhiệm mới được cầm nó, lý lẽ phê phán với những tiêu chí không phải là tiêu chí nghệ thuật, phiến diện, thô thiển, nặng về quy chụp chính trị. Để thêm nặng đòn người ta còn lật lại cả phim Xích lô, tức là Trần Anh Hùng chống Việt Nam có cả quá trình, có cả hệ thống quan điểm..
Thời gian này tại Bộ VHTT đangcó mâu thuẫn của một vài người với Cục Điện ảnh, với anh Nguyễn Khoa Điềm về vấn đề hợp tác làm phim với nước ngoài. Theo tôi mâu thuẫn này không phải là bản chất vấn đề hợp tác làm phim với nước ngoài mà xuất phát từ một góc độ khác nhưng hợp tác làm phim với nước ngoài là một cái cớ tốt nhất có thể lợi dụng vì nó rất dễ bị khai thác về chính trị. Anh em nghệ sĩ chúng ta nhiều khi bị những cú đòn oan trong một xã hội lỏng lẻo về pháp luật như thế.
Trần Anh Hùng đưa cho tôi bản thảo bài viết của anh để trả lời hai bài báo ở trên.
Về phim Xích lô TAH viết:
Để nói rõ sự thật về tôi, trước hết tôi xin nói đến vấn đề bạo lực trong phim Cyclo. Người ta thấy bạo lực trong phim này rất ghê tởm. Tôi cho đó là điều tốt. Bạo lực phải đưa ra một cảm giác ghê tởm. Đây không phải là một loại bạo lực giải trí. Và phim này đoạt giải Sư Tử Vàng tại Venise không phải “về thành công trong thể loại phim bạo lực” như có người Việt Nam mới viết trên báo. Trong liên hoan Phim Venise không có phân biệt thể loại.
“Chúng tôi trao giải Sư Tử Vàng cho phim Cyclo về phong cách thể hiện bạo lực”. Đây là lời nói của ông Jorge Semprun thì cái từ “bạo lực” trong miệng ông có một giá trị đặc biệt.
Jorge Semprun là một nhà văn, cũng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Tây Ban Nha trước kia. Và cái điều quan trọng nhất có liên quan đến bạo lực là ông ta đã bị giam trong trại tập trung của Đức trong Thế Chiến Thứ Hai, ông đã thấy cái bạo lực và cái chết của mình rất rõ ràng.Vậy thì ông ta thừa biết bạo lực là như thế nào và thế nào là cái nhìn đạo đức về bạo lực và thế nào là kích động bạo lực.
Khi tôi làm phim Cyclo tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi… Cái mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền Điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.
Và tôi chọn một con đường đi cực kỳ khó khăn là vì phim Cyclo không phải là một loại phim dễ thương. Sự giằng xé giữa cái thiện và cái ác là một đề tài rất nặng nề, rất khó xử. Đã nói đến cái thiện và cái ác thì đừng nói đến sự cân bằng giữa hai khái niệm này. Cái ác thường phô trương một cách ly kỳ. Còn cái thiện thì không. Cái thiện không phải là loại sức mạnh biểu hiện ở bên ngoài. Phim Cyclo gắn bó rất chặt chẽ với cái ý này. Để tránh sự giả tạo và để gần sự thật, phim Cyclo dành cho cái thiện một chỗ đứng đặc biệt, đó là giữa hai hình ảnh, giữa hai cảnh, ở khoảng trống giữa hai hàng chữ. Phong cách mô tả cái thiện qua âm bản tạo cho tâm hồn thèm muốn cái thiện và đi tìm nó. Ai cũng biết trong xã hội nào cũng có mảng sáng và mảng tối. Đó cũng có nghĩa là thiện và ác. Tôi muốn thể hiện cái ác ghê gớm bao nhiêu thì sự tồn tại và giá trị của cái thiện càng lớn bấy nhiêu.
… Tôi xin kể một giai thoại rất riêng tư đã đến với tôi trong liên hoan Phim Venise làm cho tôi hiểu rõ vì sao tôi phải đấu tranh quyết liệt để thuyết phục những nhà sản xuất phải để cho tôi làm phim nói tiếng Việt. Việc này là rất phức tạp vì không có một lý do gì khiến cho một người Pháp bỏ tiền ra để làm một cuốn phim không nói gì về dân tộc của họ. Không có lý do gì ngoài tình yêu tha thiết của tôi đối với Việt Nam mà thuyết phục được họ.
…Sau khi xem phim Cyclo chiếu lần đầu tiên ở Venise, tôi hỏi bố tôi xem phim thấy thế nào, có được không?
-   Ba phải xem lại vì đoạn đầu của phim, nước mắt nó cứ ứa ra làm ba chẳng thấy gì cả.
-   Sao vậy ba?
-   Thì… trên màn ảnh khổng lồ, ba thấy những khuôn mặt Việt Nam, mà trong đó chứa đầy sự trưởng thành của con. Họ nói tiếng Việt tại liên hoan phim lớn này làm ba xúc động
Đây là lời nói của một người cha khoan dung.
Nhưng tôi rất tin ở lời nói này bởi vì tôi chợt nhớ cảm xúc tự hào của tôi khi tôi nghe âm thanh của những câu nói bằng tiếng Việt vang lên trong Liên hoan Phim Cannes với cuốn phim đầu tay của tôi.
Do những rắc rối ở nội bộ đơn vị tôi, một nhóm người vì cá nhân chống lại việc làm phim Những ngày không mưa, Những ngày không mưa phải chuyển sang Hãng phim truyện Việt Nam do nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát mới lên Giám đốc. Và cuối cùng do tài ngoại giao khéo léo của Hồng Ngát, phim đã làm xong và được công chiếu ở Việt Nam. Những người cản bước Trần Anh Hùng đã không thực hiện được ý đồ đen tối của họ. Niềm vui của Hãng phim truyện Việt Nam cũng là niềm vui của tôi, bởi trước đây khi còn ở A25 tôi đã coi đây là chỗ thân thiết của mình, nơi tôi vào ngành điện ảnh với bộ phim đầu tay cùng đạo diễn Vương Đức, phim Cỏ Lau.
Đúng là phim Xích lô là một chuyện buồn của ngành điện ảnh Việt Nam. Một bài học điển hình về cách đối xử với tài năng nghệ thuật và các tác phẩm đỉnh cao của bộ máy quản lý nghệ thuật một nước tiểu nông. Nhưng vụ phim Xich lô không chỉ liên quan đến vài ba cá nhân trong cuộc. Nó ảnh hưởng đến những vấn đề lớn hơn đối với nền điện ảnh của chúng ta. Tác hại lâu dài của nó vẫn còn đang ám ảnh đời sống điện ảnh với những cách hành xử vô lối tùy tiện. Và cũng không ít chuyện buồn đã diễn ra như thế trong mấy chục năm qua. Nhiều số phận nghệ sĩ phải trả giá, nhiều tác phẩm bị chìm nổi. Những con người ấy, những tác phẩm ấy đang đợi chúng ta nói lại về họ… Đó cũng là điều tâm huyết của tôi muốn nói với các đồng nghiệp điện ảnh của mình.
Tháng 8- 2010

-Cyclo - Xích Lô 1995 [Full]



-2 -Mùi Đu Đủ Xanh - 1993 [Full] | Trần Anh Hùng


--
3-Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt 2006 [Full]

Tổng số lượt xem trang