Đảng vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật MTTQVN sửa đổi do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu rõ: Về Ban công tác Mặt trận, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định trong Luật về Ban công tác Mặt trận, vì hiện nay Ban công tác Mặt trận đã được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương. Đây là tổ chức đang triển khai nhiều hoạt động của MTTQVN ở cơ sở. Do đó, việc luật hoá mô hình này trong luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới phương thức công tác của MTTQVN trong giai đoạn hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, tới khu dân cư.

“Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thừa nhận vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản trong thời gian qua. Ban công tác Mặt trận là cánh tay nối dài, là phương thức để triển khai hoạt động của Mặt trận ở cấp xã hiệu quả hơn, do đó cũng cần được ghi nhận trong luật, tạo cơ sở pháp lý để Ban này hoạt động. Tổ chức và hoạt động cụ thể của Ban công tác Mặt trận sẽ do Điều lệ MTTQVN quy định. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định về Ban công tác Mặt trận và xin được chỉnh lý lại như trong dự thảo Luật" - ông Lý cho hay.

Trước ý kiến đề nghị không quy định nguyên tắc “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo MTTQVN” trong dự án luật vì quy định này chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQVN, Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi thảo luận đã cho rằng, lịch sử đã chứng minh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu hoạt động của Mặt trận Dân tộc Thống nhất đến MTTQVN ngày nay. Vì vậy, một trong những đặc thù trong tổ chức và hoạt động của MTTQVN là Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách vừa là tổ chức thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp (Ảnh: XH)
Giám sát của Mặt trận là phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Về hoạt động giám sát của MTTQVN, dự thảo luật đã xác định giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội, mang tính nhân dân nhằm hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Bởi vì thông qua hoạt động giám sát của mình, Mặt trận góp phần kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm; phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. 
Kết quả giám sát được thể hiện thông qua kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống. 
Với tính chất như vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý để quy định rõ hơn tính đặc thù trong hoạt động giám sát, về phạm vi giám sát, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát; quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của MTTQVN trong hoạt động giám sát cũng như quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát để tránh trùng lặp với giám sát của cơ quan dân cử.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai còn băn khoăn về việc luật quy định giám sát của Mặt trận chỉ là hỗ trợ cho công tác thanh tra của nhà nước.
“Mặt trận là đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho nhân dân, là giám sát toàn dân. Cho nên giám sát của Mặt trận phải độc lập để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhân dân chứ không phải chỉ hỗ trợ cho thanh tra” – bà Mai nói.
Tại phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: "Tính chất giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khi nào nhân dân thấy rằng những vấn đề mà hoạt động của Nhà nước chưa đáp ứng thì Mặt trận sẽ tham gia giám sát thêm. Ví như việc giải quyết khiếu nại tố cáo mà Chính phủ, Quốc hội làm tốt hết rồi thì Mặt trận không có nhu cầu làm thêm để tránh chồng chéo. Mục tiêu của giám sát là nhằm phát hiện những yếu kém, những điển hình tiên tiến chứ không phải Mặt trận né tránh". 
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, công tác của Mặt trận năm nay sẽ ưu tiên giám sát lời hứa của lãnh đạo các phường xã khi tiếp xúc cử tri.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, dự án luật đủ điều kiện báo cáo với Quốc hội và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội kháo XIII tới đây.
Clip: Phiên họp 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 9.3



Cấp xã không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Cũng trong ngày 9.3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng không nên quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã. 
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, cấp xã là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó, không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 giao cho cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên... 
Hơn nữa, nếu tiếp tục giữ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã như hiện nay thì càng làm cho hệ thống pháp luật tiếp tục phức tạp, nhiều tầng nấc, khó kiểm soát từ phía các cơ quan nhà nước cấp trên; ảnh hưởng đến sự quản lý, điều hành thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.