Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Đời tư Mao Trạch Đông - Phần III. Chương 47


-

Chương 47

Chúng tôi ở lại Vũ Hán thời gian ngắn, rồi lại lên tàu đi về phía Nam, đến Quảng Châu, tình hình càng căng thẳng hơn. Mao triệu tập một cuộc họp bàn về công tác chính trị. Những cán bộ đảng ở cấp cao nhất như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức và Trần Vân cũng phải tham dự. Giờ đây, Mao đã ngờ vực tất cả mọi người xung quanh ông, cho nên người ta phải thực hiện những biện pháp an ninh thật nghiêm ngặt. Nạn đói vẫn tiếp diễn, hàng ngũ lãnh đạo của đảng bị phân hoá đã làm cho tình hình chính trị trở nên bất ổn.

Theo đánh giá, Quảng Châu có nguy cơ bị phá hoại về an ninh. Cuộc họp dự định phải được giữ bí mật tuyệt đối, vì gián điệp từ Hong Kong có thể lọt vào thành phố một cách khá dễ dàng. Mao hoặc những cán bộ lãnh đạo khác của đảng có thể sẽ trở thành mục tiêu của một vụ ám sát nào đó. Năm ngoái, trong khi đang diễn ra cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị ở Thượng Hải. Bộ công an đã phát giác cuộc họp đó chẳng phải là điều bất ngờ đối với cơ quan mật vụ Đài Loan. Thị trưởng thành phố Thượng Hải, Kha Thanh Thế đoán già đoán non, có lẽ trong ban giúp việc đã lộ tin, ông ra lệnh kiểm soát tất cả các đường bưu điện, điện thoại, điện tín đã liên lạc với bên ngoài. Một thời gian dài sau cuộc họp ở Quảng Châu, Bộ công an và Ban thanh tra trung ương mới vỡ lẽ rằng, sở dĩ Đài Loan biết sẽ có đại hội ở Thượng Hải vì mật độ giao thông đường hàng không đến đó tăng mạnh.

Bí thư thứ nhất tỉnh Quảng Châu, Đào Chú tỏ ra khá lúng túng. Ngay sau khi chúng tôi đến, ông triệu tập một cuộc họp lập kế hoạch bảo vệ an ninh. Cuộc họp do bộ trưởng Bộ công an Tạ Phú Trị và thứ trưởng Uông Đông Hưng chủ trì. Tất cả cán bộ chỉ huy cũng như nhân viên công an Quảng Đông đều tham dự cuộc họp này. Cả tôi cũng có mặt, vì tôi chịu trách nhiệm tổ chức việc chăm sóc y tế. Sau cuộc họp về an ninh, tôi triệu tập một cuộc họp với các nhân viên y tế địa phương. Chúng tôi đề ra các kế hoạch chăm sóc y tế cho những người tham dự hội nghị.
Đang trao đổi với giám đốc Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Châu, tôi nhận được một cú điện thoại khẩn cấp từ cô y tá của Giang Thanh. Cô ta bảo, Giang Thanh đang giận dữ, yêu cầu tôi đến gấp. Căn bệnh rối loạn thần kinh của Giang Thanh lại quấy rầy tôi trong khi đang phải làm những việc quan trọng hơn. Tôi đành bỏ dở cuộc họp để xem chuyện gì đã xảy ra.
Khi tôi bước vào biệt thự trong khu nhà khách có tên “Tiểu đáo” của Giang Thanh, toàn bộ nhân viên của bà đã có mặt. Các cô y tá khóc sướt mướt, còn những chàng vệ sĩ, cần vụ nam giới tỏ ra khá căng thẳng. Một nhân viên an ninh túc trực ở đó, Tôn Vĩnh nói: “Lần này thì gay go to rồi”.
Tối hôm trước, một nữ y tá pha nước nóng vào bồn để Giang Thanh tắm. Bỗng nhiên bà kêu ầm lên, vu cho cô y tá cái tội định làm cho bà chết bỏng. Ngoài ra, Giang Thanh còn cho rằng có người âm mưu đầu độc bà bằng thuốc ngủ. Tôi là cấp trên của những nhân viên phục vụ y tế, cuối cùng mọi tội lỗi lại đổ lên đầu tôi.
Tôi tìm cách trấn an đám nhân viên, hứa sẽ bảo vệ họ trước Giang Thanh. Sau đó tôi mới đến thăm Chủ tịch phu nhân. Vừa thấy tôi, bà ném ngay chiếc khăn lau lên bàn, giận dữ hỏi:
- Đồng chí phái đến chỗ tôi những y tá kiểu gì thế, thưa đồng chí bác sĩ. Đồng chí định hại tôi phải không?
Tôi ngồi xuống ghế đối diện, hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Bà nghi ngờ hỏi lại:
- Chuyện gì à! Đồng chí không biết sao?
Tôi giải thích, đang tham dự một cuộc họp nên không ở đây để biết được chuyện gì đã xảy ra.
Giang Thanh kể lại những chuyện tôi đã nghe, y tá định hại bà bằng nước sôi, bằng thuốc ngủ. Giang Thanh nghi ngờ có kẻ muốn ám hại, bảo:
- Nơi đây toàn một lũ ma quái cả.
Tôi giải thích, nước có thể quá nóng nhưng nước trong vòi không thể là nước sôi, hệ thống đun nước tắm không bao giờ có nước sôi, hơn nữa y tá thử trước khi mời bà tắm. Giang Thanh quặc lại:
- Thế đồng chí cho tôi nói dối chắc? Lại còn thuốc ngủ nữa chứ. Màu thuốc khác hẳn, trước kia màu đỏ, nay màu tím, thế là thế nào, đồng chí nói sao đây?
Tôi không có ý ngờ đồng chí nói dối, tôi giải thích. Tôi chỉ nói nước có thể quá nóng, nhưng không phải nước sôi. Thuốc ngủ nhập từ Hong Kong, hàng nhập vào từng thời kỳ khác nhau, màu thuốc có thể thay đổi. Tôi cam đoan, thuốc đã được kiểm định nghiêm ngặt. Không có chuyện sai lầm, cũng không có thuốc độc. Bệnh viện Bắc Kinh đã kiểm nghiệm, niêm phong rồi mới gửi về Quảng Châu. Chỉ có Tiểu Tăng và Tiểu Lý mới có quyền mở niêm phong. Hai y tá này lại được Văn phòng an ninh và Ban y tế trung ương tuyệt đối tin tưởng. Họ hoàn toàn được bảo đảm về chính trị, nếu không họ không được phép phục vụ. Tôi bảo:
- Có thể tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhưng ở đây không hề có bọn quỷ quái nào. Nếu họ có ý đồ xấu, cả Văn phòng trung ương và Ban bảo vệ sức khỏe cũng phải chịu trách nhiệm. Chắc chắn không có điều tồi tệ ấy đâu.
Thế nhưng Giang Thanh vẫn lên án tôi bênh vực, bao che cho cô y tá, không chịu tìm hiểu nguyên nhân, bà nói:
- Đồng chí nhận định chẳng đúng tí nào. Tôi không thèm tranh luận với đồng chí nữa!
Giang Thanh ra lệnh cho tôi gọi ngay Uông Đông Hưng tới.
Tôi bực mình sự quy kết vô lý của Giang Thanh. Bà ta lên án tôi đã tham gia chuyện đầu độc bà.
Uông Đông Hưng tỏ ra rất khéo léo, làm tất cả đế xoa dịu. Giang Thanh kích Uông:
- Đồng chí là thứ trưởng Bộ công an, Chánh Văn phòng an ninh. Vậy đồng chí phải chịu trách nhiệm tất cả những gì xảy ra xung quanh Chủ tịch. Đồng chí cho phép tôi hỏi một câu chứ!
- Dạ, được chứ ạ, thưa đồng chí Giang Thanh!
- Nếu các nhân viên dưới quyền đồng chí có nhiệm vụ phải chăm sóc những người khác, tư cách của họ phải như thế nào?
Uông Đông Hưng vẫn tươi cười:
- Thưa đồng chí Giang Thanh, chắc lại có vấn đề gì đó xảy ra. Tôi tin rằng có thể giải quyết vấn đề này. Chỉ cần chúng ta kiên nhẫn một chút.
Giang Thanh chống lại:
- Trời đất! Làm sao tôi có thể kiên nhẫn được khi tôi vừa mở miệng đã bị ông bác sĩ này đốp chát lại ngay cơ chứ.
Tôi gắng kể lại mọi việc theo cách của tôi nhưng bà đã ngắt ngang lời, tôi chưa kịp nói ba câu:
- Đồng chí im đi! Tôi không muốn nghe nữa.
Sau đó bà lại nhắc tới câu chuyện nước nóng và những viên thuốc độc. Bà nói:
- Tôi có được phép phê bình các y tá của tôi mỗi khi họ mắc sai lầm không? Tôi có thể trông chờ ở bác sĩ điều trị của tôi sự cảm thông không? Không! Thay vào đó chỉ là một bài thuyết trình. Ông ta mắng tôi và chẳng hề coi tôi là một bệnh nhân. Vậy tư cách của ông ta ở đâu? Đồng chí có tin rằng ông ta phục vụ nhân dân tận tuỵ không?
Bà dừng lời để lấy hơi, còn tôi lại tìm cách kể lại câu chuyện một lần nữa. Nhưng bà không cho tôi nói. Bà nói:
- Các bác sĩ và y tá phải chăm lo cho bệnh nhân, chứ không phải cứ đi tranh cãi với bệnh nhân. Ông bác sĩ này thật ngạo mạn. Đây có phải là một kiểu tra tấn về tâm lý không?
Tôi lên tiếng:
- Thưa đồng chí Giang Thanh…
Nhưng bà không cho tôi nói tiếp. Bà quát:
- Đồng chí đừng có nói với tôi nữa! Tôi không thèm tranh luận với đồng chí!
Tôi không chịu nổi nữa. Tôi đứng hẳn dậy, nói:
- Chúng ta đang thảo luận ở đây, theo tôi ai cũng có quyền được phát biểu. Nếu không được phép nói, tôi thấy tôi chẳng có việc gì ở đây nữa.
Tôi bỏ ra khỏi phòng và đóng sập cửa lại, quyết định bỏ việc.
Ở ngưỡng cửa, tôi còn nghe thấy bà nói:
- Thấy chưa, trước mặt đồng chí thứ trưởng, ông ta còn dám làm như thế đó!
Tôi đi dạo quanh vườn lấy lại bình tĩnh. Tôi thấy phải đến gặp Mao ngay, vì chắc chắn ông sẽ đứng về phía người nào đến thuật lại việc này cho ông trước. Nếu ông tin các cô y tá đã tìm cách hãm hại, đầu độc Giang Thanh, trách nhiệm cuối cùng lại thuộc về tôi. Như vậy, rất có thể phải tính đến chuyện tôi sẽ bị bắt giam hoặc thậm chí bị tử hình. Tôi đang định đến Mao trình bày trước khi Giang Thanh bóp méo sự thật với ông. Nhưng tôi không có cơ hội để gặp Mao, vì vệ sĩ của Giang Thanh, Tôn Vĩnh tìm thấy tôi ở trong vườn, triệu tôi trở lại chỗ Giang Thanh và thứ trưởng Uông Đông Hưng. Khi tôi vừa bước vào phòng, Mao phu nhân lên tiếng:
- Đồng chí bị buộc thôi việc và bị quản thúc.
- Được thôi! – Tôi trả lời và quay ngoắt trở ra.
Tôi mừng vì thoát khỏi công việc mà tôi chẳng thích thú gì. Nhưng tôi không muốn bị quản thúc tại gia. Tôi lập tức tới gặp Mao. Lúc đó vào khoảng 2, 3 giờ chiều, Mao cũng vừa tỉnh giấc. Ông vẫn nằm trên giường, mắt nhắm mắt mở, đang nhấm nháp ly trà mà anh vệ sĩ Tiểu Trương của ông vừa mang tới. Tôi bắt đầu:
- Thưa Chủ tịch…
Ông hỏi như thường lệ:
- Có gì mới không?
Tôi nói:
- Đồng chí Giang Thanh đã sa thải và ra lệnh quản thúc tôi.
- Thế ư? – ông rít một hơi thuốc lá, rồi hỏi – Tệ đến thế cơ à? Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Tôi kể cho Mao nghe về những rắc rối Giang Thanh đã gây ra trong lần khám bệnh của bà cách đó vài tháng, về việc bà không hài lòng với kết quả khám bệnh của các bác sĩ. Sau đó tôi kể toàn bộ sự việc vừa rồi, đảm bảo với ông, những viên thuốc ngủ các cô y tá cho bà uống cũng giống như những viên thuốc Mao vẫn thường dùng. Sau khi nghe tôi nói xong. Mao vẫn bình thản tiếp tục rít thuốc. Rồi ông nói:
- Giang Thanh thật vô lý. Chuyện này sẽ ổn thôi. Đồng chí đừng nói gì nữa. Tôi sẽ nói với Giang Thanh. Nhưng đồng chí phải lánh mặt vài hôm. Chúng ta phải làm cho Giang Thanh khỏi mất mặt. Đồng chí hãy nói với các y tá, họ không phải sợ bà ấy. Bà ấy chỉ là con hổ giấy.
Lúc ra đến cửa, tôi chạm trán ngay với Giang Thanh. Bà cũng đến gặp Mao.
Tôi tạm lánh ba ngày. Khi Mao và Giang Thanh cùng Đào Chú đi tham quan xưởng làm đồ sứ nổi tiếng ở Phú Sơn, tôi cùng Chu Đức đi xem một cuốn phim “High Noon” có diễn viên tôi ưa thích, Gary Cooper đóng. Phim thật hấp dẫn.

***

Thực ra, Giang Thanh rất khoái xem tôi bị trừng phạt ra sao. Nhưng có lẽ Mao đã đề nghị bà phải giải hoà với tôi. Hôm từ Phú Sơn về, bà cho gọi tôi tới, và nói:
- Tôi biết Chủ tịch rất tin tưởng vào khả năng y khoa của đồng chí. Nhưng đó không phải là lý do để đồng chí kiêu ngạo. Tôi đã mất bình tĩnh. Tối qua, Chủ tịch bảo tôi thông báo cho đồng chí biết đừng lo lắng gì, an tâm làm việc. Hãy quên đi cuộc cãi vã của chúng ta và hãy hướng về tương lai.
Bà đưa cho tôi Bản tin Nội bộ trong đó Mao đã đánh dấu một bài yêu cầu tôi đọc. Bà nói tiếp:
- Chủ tịch muốn đồng chí quan tâm hơn nữa đến những sự kiện quan trọng của quốc gia.

Tổng số lượt xem trang