1. Sự trăn trở đáng trân trọng
Hiện nay, Chủ tịch là một trong những nhà lãnh đạo mà tôi vẫn giữ được niềm kính trọng. Nghe Chủ tịch nói, tôi nhận thấy một niềm tin hồn nhiên của chính mình ở những ngày xưa. Có hai câu nói của Chủ tịch làm cho tôi rất xúc động:
(1) – Giữa lúc Trung Quốc tuyên bố cả vùng"lưỡi bò" Biển Đông là của họ, có ý bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Chủ tịch đã đến thăm Trung đoàn Hải quân đóng tại đây và dõng dạc tuyên bố: "Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng".
(2) – Mới đây, vào dịp Tết Tân Mão, Chủ tịch tâm sự với bạn đọc Sài Gòn tiếp thị về người thầy ngày xưa đã gửi gắm kỳ vọng vào anh học trò Nguyễn Minh Triết giỏi toán, nay là Chủ tịch nước, chắc chắn sẽ giải được bài toán khó của đất nước: Quốc nạn tham nhũng! Chủ tịch nói những lời ân hận: "Chống tham nhũng là mong mỏi tha thiết và chính đáng của những người dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi tự thấy nhiệm vụ đó tôi chưa làm xong".
Rất tiếc, ngày Chủ tịch về làm Bí thư Thành ủy, anh Năm Tân, bạn tôi (tức Triều, cán bộ Ban Dân vận Trung ương Cục, người đã tiếp sinh viên Nguyễn Minh Triết từ thành phố mới vào bưng), rủ tôi cùng đến thăm nhà tân Bí thư Thành ủy mà tôi không chịu đi. Anh nói: "Chúng mình thường xuyên cung cấp chứng cứ tham nhũng để đồng chí Bí thư quan tâm xử lý". Tôi từ chối ngay: "Tôi không tham gia đâu. Ngày còn là Tổng Biên tập báo, tôi đã quyết liệt chống tham nhũng, quan liêu và đã bị Ban Tư tưởng Văn hóa nhiều lần góp ý. Có lần không phải góp ý với Tổng Biên tập mà với "đảng viên có trách nhiệm". Khi tôi trả lời tôi không sai luật, đồng chí Hữu Thọ tươi cười nói khéo theo kiểu bạn bè: "Một Chính phủ mà trong hơn một tháng bị mày chỉ trích đến 4 ông Bộ trưởng thì sẽ ra sao trước dư luận quốc tế? Mày bạc nhược đến thế à? Vậy thì mày còn ở trong Đảng làm gì?". Anh Năm Tân đã một mình tới nhà Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết. Hai tháng sau đó, có chuyện không vui xảy ra cho anh Năm Tân: bà Kim Em – Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức quận 7 thành phố Hồ Chí Minh – yêu cầu anh Năm Tân rút tên ra khỏi bản đăng ký đi tham quan Hà Nội, để ở lại làm ngay bản kiểm điểm, vì theo công văn của Tỉnh ủy Long An, anh đã kích động nhân dân khiếu kiện về đất đai, chống lại chính quyền Long An (trước khi về hưu, anh Năm Tân là Chủ tịch Liên hiệp Công Đoàn tỉnh Long An, lúc đó đã có Huy hiệu 50 tuổi Đảng, hiện giờ thì đã 60). Trước việc trớ trêu này tôi đã nói đùa với anh Năm: "Dù anh đòi đuổi tôi khỏi Đảng, tôi vẫn cầu mong cho anh không bị đuổi ra trước tôi!".
Xin lỗi Chủ tịch, tôi đã dài dòng, để nói rằng bài toán chống tham nhũng rất khó, và thực ra nó cũng không phải chỉ thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước với quyền hạn hạn chế theo Hiến pháp. Cho nên dù tiếp tục một nhiệm kỳ nữa (việc đó không thể có rồi!) Chủ tịch cũng không thể làm xong được. Do đó tôi muốn Chủ tịch cùng suy ngẫm vấn đề trọng đại này với đất nước, dù đã muộn lắm!
2. Xin cùng nhớ lại Hồ Chí Minh
Trước hết tôi muốn được cùng Chủ tịch nhớ lại những ý kiến của lãnh tụ Hồ Chí Minh:
- "Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, 1986, tập 6, trang 271).
- "Pháp luật phải trừng trị những kẻ bất liêm bất kỳ kẻ đó ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì" (sách đã dẫn, tập 5, trang 245).
- Hồ Chí Minh cho rằng bọn quan liêu, tham nhũng "xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không thương yêu nhân dân" (sách đã dẫn, tập 6, trang112).
- "Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, 1984, tập 4, trang 283).
- "Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để cho họ đề nghị sửa chữa" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, 1984, tập 5, trang 297).
Tựu trung lại, chiếc chìa khóa mà lãnh tụ Hồ Chí Minh muốn trao lại cho chúng ta là Dân chủ, là Nhà nước pháp quyền. Có thể ai đó lớn tiếng hỏi: "Dân chủ nào? Có hai thứ dân chủ, tư sản và xã hội chủ nghĩa?". Dù lâu nay, nhiều người chỉ vì dám trả lời câu hỏi này một cách rạch ròi mà đã phải ngồi tù, nhưng chẳng lẽ trước vận mệnh của Đảng và của dân tộc, những đảng viên có lương tri lại chùn bước, im mồm?! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho chúng ta câu trả lời rất rõ ràng. Người đã cân nhắc từng lời khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ cho Tổ quốc sau 1000 năm quân chủ và 100 năm mất nước. Đó là hai câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cuộc Cách mạng Pháp. Từng là nghiên cứu sinh ở Trường đại học Đông Phương, chắc chắn Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc hơn chúng ta định nghĩa của Lênin về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng tại sao người không trích dẫn? Người không thể thiếu cân nhắc chuyện quan trọng này cho dân tộc. Vậy tôi muốn được cùng Chủ tịch khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn có ý thức vận dụng tư tưởng Dân chủ và Nhân quyền của các nhà hiền triết ở Thế kỷ Ánh sáng mà ngày nay đã có hơn 100 quốc gia vận dụng, để trở thành giàu mạnh hơn nước ta rất xa, đặc biệt là họ ít tệ nạn tham nhũng hơn chúng ta. Thú thật với Chủ tịch, khi xác định điều này, tôi không khỏi day dứt, vì đã phải từ bỏ niềm tin rất trong trẻo từ buổi thiếu thời.
Xin cùng Chủ Tịch nhìn lại tình trạng tham nhũng và cách chống tham nhũng của chúng ta, xem vì sao không thể đạt hiệu quả như các nước dân chủ.
3. Tham nhũng đã sang thế hệ thứ tư
Từ năm 2006, Tổng Bí thư Nông đức Mạnh đã nhận định rất đúng rằng: "Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ". Từ đó đến nay, năm nào ta và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng có tổng kết về vấn đề này. Xin chỉ nêu những kết luận mới nhất:
-Ngày 1/12/2010, Hội nghị tổng kết do Ban Bí thư Trung ương chủ trì kết luận: Hiện nay tham nhũng vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi… như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 đề ra. Tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc, mối quan tâm lớn của toàn xã hội".
-Ngày 6/4/2011, Thủ tướng chủ trì phiên họp tổng kết quý 1/2011 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhận định: "Số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu quyết tâm, ngại đưa ra xử lý các vụ việc ở thời điểm nhạy cảm về chính trị". Nhận xét như vậy có điều tốt là trung thực, nhưng bộc lộ chỗ yếu rất khó khắc phục: Đó là che giấu bớt vì sợ nhạy cảm chính trị!
Về nhận xét của quốc tế:
- Năm 2008, Chương trình Hỗ trợ Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) có một báo cáo khá chi tiết. Báo cáo nêu: "Tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã xảy ra dưới 3 hình thức: Hối lộ còn được gọi là bôi trơn; Tư nhân hóa tài sản Nhà nước trong việc thực hiện chính sách cổ phần hóa; và Mua bán quyền lực"!
Báo cáo của bà Lê Hiền Đức (giáo viên hưu trí ở Hà Nội, người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế tặng Giải thưởng Liêm Chính năm 2009) minh họa cho nhận định nói trên. Bà nói "Ở cấp nào bọn tham nhũng cũng có ô dù cả"!
- Chỉ số thứ hạng tham nhũng của Việt Nam từ năm 1997 đến nay hầu như không thay đổi. Năm 2009, Tổ chức Tư vấn rủi ro xếp ta là nước tham nhũng đứng thứ 3 châu Á, khá hơn Indonesia, Philippin, nhưng tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản thì ta đứng trên hai nước này!
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã rút ra kết luận: Bọn tham nhũng lộng hành khi nguy cơ bị phát hiện thấp và nếu bị phát hiện thì hình phạt nhẹ mà mối lợi thu được thì quá lớn. Cơ chế để phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần phải có hai điều kiện thiết yếu là: tính minh bạch và khả năng kiểm soát. Từ đó người ta rút ra công thức:
Tham nhũng = Nhà nước độc quyền + Quyền quyết định của viên chức thừa hành quá rộng + Khả năng kiểm soát yếu kém.
Chúng ta có thể dùng công thức này để tìm thấy nguyên nhân bất trị của nạn tham nhũng ở nước mình.
Ông Phan Châu Thành đã lần tìm và so sánh tình trạng tham nhũng qua các thời kỳ đã diễn ra như sau:
- Tham nhũng từ năm 1945 -1975 gọi là thế hệ thứ nhất.
Thời ấy, kẻ tham nhũng hành động đơn lẻ, lợi dụng chức quyền chiếm trực tiếp những gì chúng ham muốn. Đội quân chống tham nhũng thời ấy rất hùng hậu bao gồm một xã hội tốt đẹp có đông đảo dân chúng có đạo đức và noi theo tấm gương cần kiệm liêm chính trong sáng của lãnh tụ.
- Từ 1976 -1999, tham nhũng bước qua thế hệ thứ hai.
Bọn tham nhũng buộc mọi người phải "mua" từ công việc, chức vụ, tất cả các quyền lợi chính đáng lẽ ra người dân đương nhiên được hưởng. "Văn hóa chạy chọt" xuất hiện. Cái gì cũng "chạy" được, từ quan hệ, chức tước, đặc quyền, sở hữu đất đai, bằng cấp… Chúng chiếm đoạt những thứ không có giá trị vật chất, nhưng lại dễ dàng thu được tài sản, vật chất. Người trong các lực lượng chống tham nhũng bắt đầu tham gia tham nhũng ngày càng công khai! Tham nhũng trở thành "hiện tượng xã hội bình thường".
Hai vụ tham nhũng vang dội là PMU 18 và Đại lộ Đông Tây cũng chỉ mới ở "trình độ" cấp hai này.
- Từ năm 2000 đến nay, tham nhũng đã sang thế hệ thứ ba.Tham nhũng thiết kế, bố trí, xây dựng và đầu tư, đằng sau mỗi đường dây của chúng là vài ông trùm chủ chốt có quyền thế rất cao. Không thể tìm ra, bắt bẻ tính bất hợp pháp của chúng. Chúng chỉ có thể bị lộ khi có một đường dây tham nhũng khác cạnh tranh, nhưng chưa chắc đã có thể đưa được chúng ra tòa.
- Tham nhũng thế hệ thứ tư xuất hiện từ khoảng năm 2005, đó là các "nhóm lợi ích" thông đồng nhau can thiệp vào hệ thống làm ra chính sách. Bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Trung đã có nhiều bài viết nói về những "nhóm lợi ích" cài cắm ngay khi soạn thảo luật, cơ chế.
Xin dẫn chứng quá trình lớn mạnh của tham nhũng ở ngành đóng tàu để minh họa:
- Cách đây 17 năm, ngày 27 tháng 5 năm 1993 các báo đồng loạt đưa tin sau: Tại Quảng Ninh, cơ quan điều tra đã khởi tố bắt giam ông Ngô Đình Quý – Tổng Giám đốc Liên hiệp Đóng tàu Việt Nam – về hành vi tham ô. Khi là Giám đốc nhà máy đóng tàu Hạ Long, ông Quý bán con tàu Ăngco Vat 01, trọng tải 3000 tấn với giá 1.031.000 USD, thanh toán bằng 3 khoản: 95.700 USD; 1000 tấn thép; 200 kiện đầu lọc thuốc lá. Ông Quý bán thép được 2 tỉ tiền đồng, chỉ nộp quỹ 1, 5 tỉ. Số ngoại tệ ông chỉ nộp 525 triệu đồng (tương đương 50.000USD)…
- Tối ngày 4 tháng 8 năm 2010, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh bắt giam ông Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) – về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó, cơ quan an ninh điều tra khám xét nơi làm việc và hai nhà riêng của ông Bình ở số 10 Ngô văn Sở và 17T6 Khu Trung Hòa, Nhân Chính. "Thiệt hại nghiêm trọng" được biết là khoảng 86.000.000.000.000 đồng.
Như vậy, nếu so sánh vụ án ở ngành đóng tàu năm 1993 thì thấy nó ở cấp tham nhũng thế hệ thứ hai, còn vụ Vinashin năm 2010 đã vọt lên thế hệ thứ ba, và trách nhiệm xử lý đã từ cấp tỉnh vọt lên cấp Bộ Chính trị!
Đồng chí lão thành cách mạng, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có thơ than rằng:
"Quan tham ăn hối lộ,
"Sống như bậc đế vương"
…
"Công lý luôn thuộc kẻ cầm quyền.
"Tai họa đều đổ đầu dân đen"
Một bài báo của tác giả Đỗ Hoàng Linh đăng trên An ninh thế giới của Bộ Công an, nhằm mục đích bảo vệ Đảng, đã phải nhận định rằng: …"Đã trở nên khá phổ biến và có nguy cơ trầm trọng hơn thậm chí khá nhiều đảng viên biến thái đến mức lừa phỉnh, trấn áp, dọa nạt, khống chế quần chúng nhân dân, đặc biệt là những ai dám dũng cảm nói thẳng, nói thật, lên án những hành vi quan liêu, tham ô, tham nhũng, hối lộ, lãng phí của những vị lãnh đạo có quyền chức".
Nhận định này không mới, từ năm 2010, một nhà lý luận hàng đầu của Đảng – Giáo sư Tiến sĩ Mạch Quang Thắng đã viết: "Thật đáng tiếc là cho đến nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái một cách nghiêm trọng!".
4. Còn dùng công cụ thế hệ thứ nhất để chống tham nhũng thế hệ thứ tư
Nguyên nhân của việc không thể ngăn chặn tham nhũng đã được nhiều nhà lý luận của Đảng phân tích khéo léo, nhưng cũng khá rõ ràng. Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, trong bài viết “Dân chủ hóa, phân quyền hóa cơ cấu hệ thống quyền lực Nhà nước theo tư duy pháp quyền biện chứng” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 11/2009 đã viết: Với thực tế nảy sinh tràn lan và kéo dài ngày càng trầm trọng tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu và lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và trong xã hội ta, càng thấy thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là chỗ hổng và yếu kém nhất trong hệ thống tam quyền của Nhà nước, phải được khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế". Hình như ông còn quá e ngại đụng chạm đến khái niệm pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một sáng tạo của Tổng Bí thư Đỗ Mười, nên đã dè dặt đưa ra giải pháp gọi là "Tam quyền phân hợp giám, gọi tắt là Tam quyền phân giám"!
Là người quan tâm đến cải cách tư pháp, chắc Chủ tịch cũng thấy việc "phân công ba quyền" đã không cân đối. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đối với trong Đảng, trước đây chỉ là Ủy viên Trung ương, nay mới vào Ban Bí thư. Tòa án nhân dân tối cao không có quyền xem xét những luật pháp vi hiến, không có quyền mời Thủ tướng ra tòa.
Trong cuộc Hội thảo do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức ngày 25/7/2010, Đại sứ Thụy Điển nói, Việt Nam có nhiều văn bản luật và nhiều tổ chức chống tham nhũng hơn Thụy Điển. Lời nói của vị đại diện một đất nước gần như không có tham nhũng cho ta nhiều suy ngẫm. Trong khi đó cuộc họp mới nhất cho tới khi tôi viết bài này là 6/4/2011, cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an đều cho rằng điều lúng túng nhất là khó phân rõ trách nhiệm của người đứng đầu! Tôi xin phép được nói thẳng rằng: Trong khi tham nhũng đã sang thế hệ thứ tư mà chúng ta còn loay hoay tìm chưa ra cách bổ sung để củng cố công cụ chống tham nhũng của thế hệ thứ nhất! Vừa qua ở Ninh Bình, ông Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, là kẻ đại tham nhũng, là cấp trên của Trưởng Ban chống tham nhũng. Nếu cơ chế chỉ sửa bằng cách giao cho Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban chống tham nhũng thì có hơn gì?
5. “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”
Thưa Chủ tịch nước,
Đại hội VI của Đảng đã rất đúng khi chỉ rõ "Phải nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật". Những đảng viên cộng sản trung thực không được lẩn tránh sự thật! Sự thật là tham nhũng đã sang thế hệ thứ tư mà chúng ta vẫn dùng công cụ chống tham nhũng của thế hệ thứ nhất. Phải nhanh chóng thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân chủ thì mới cứu được chế độ cũng tức là cứu Đảng đang lâm trọng bệnh Tham nhũng!
Từ 2.500 năm trước, nhà hiền triết Platon đã nói: "Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó. Còn nơi nào mà pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì, ở đó tôi nhìn thấy có sự cứu thoát của Nhà nước". Học trò xuất sắc nhất của ông là Aristote, người được Karl Marx coi là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại đã cụ thể hóa tư tưởng của thầy mình, cho rằng quyền lực phải chia làm 3 lĩnh vực: Lập pháp, Tư pháp và Liên hợp. Suốt 2.000 năm, những đầu óc lớn của nhân loại không ngừng tiếp tục khám phá, cụ thể hóa tư tưởng phân quyền mà hai người đánh những cột mốc lớn nhất là J. Locke và Montesquieu. Cho tới nay đã có hàng trăm quốc gia dân chủ vận dụng cách tổ chức Nhà nước theo Tam quyền phân lập và trở nên ổn định và giàu mạnh. Nội dung chủ yếu của nó như Montesquieu viết là:
"Khi mà quyền Lập pháp và Hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện nguyên lão thì sẽ không còn gì là tự do nữa, người ta sợ rằng chính ông ta hoặc Viện ấy chỉ đặt ra Luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền Tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền Tư pháp được nhập với quyền Lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền Tự do của công dân. Quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền Tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa của kẻ có sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết"! Do đó, theo ông, "trong bất cứ quốc gia nào đều có ba thứ quyền: Quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều phù hợp với luật dân sự". Điều nổi bật là ông nhấn mạnh quyền Tư pháp phải nhất thiết được tách ra, độc lập với hai quyền lập pháp và hành pháp. Điều này rất quan trọng, hiện nay nhân loại coi "Tòa án là pháo đài của Tự do"! Trong thế giới văn minh, Dân chủ và Nhân quyền đã trở thành xu thế của thời đại, người ta đề cao những Chính quyền, Nhà nước nào nhằm thực hiện các mục tiêu:
- Xã hội tự do khi Chính phủ bị kiểm soát bởi luật pháp mà mục đích chính là để bảo vệ con người.
- Xã hội được quản lý bởi một chính phủ của luật pháp. Một cá nhân có thể làm bất cứ điều gì luật pháp không cấm; còn quan chức chính phủ chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
Thưa Chủ tịch nước,
Nếu chúng ta thực hiện tam quyền phân lập, thì chẳng những làm đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" mà còn đúng với Karl Marx và Engels. Chúng ta đều biết, từ năm 1866, tại Đại hội Quốc tế ở Giơ-ne-vơ, K. Marx đã thảo ra Chỉ thị gửi các đại biểu của Hội đồng Trung ương lâm thời về một vài vấn đề", đã chấp nhận đấu tranh nghị trường với các nhà nước tam quyền phân lập lúc bấy giờ để đòi ngày làm 8 giờ, lao động trẻ em, lao động phụ nữ, lao động hợp tác, hội công liên và quân đội (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Nhà xuất bản Sự thật, 1974, trang 109). Nội dung chỉ thị này mở đầu cho việc Engels thành lập Quốc tế II năm 1889.
Nếu thực sự có nhà nước pháp quyền thực sự thì có thể:
- Tham nhũng đã không lặp lại ở ngành đóng tàu với mức độ lớn hơn gấp 10 lần mà không truy cứu được trách nhiệm người đứng đầu (cũng như nhiều vụ án khác).
- Không có những vụ án kéo dài như Đại lộ Đông -Tây, không có những vụ làm ngắc ngứ như vụ in tiền polime.
- Chúng ta sẽ không có vụ án bà Ba Sương do Thành ủy chỉ đạo cơ quan điều tra mà cố Thủ tướng Võ văn Kiệt không đồng tình. Và hiện nay, nhân dân cũng đang hết sức băn khoăn vì cuộc điều tra lại mà cơ quan điều tra cũng vẫn đặt dưới quyền chỉ đạo của những người cần có bản án kết tội bà Ba Sương để thực hiện một dự án đất đai đẻ ra tiền!
- Sẽ không có vụ án mới nhất, chẳng những gây phản ứng xấu trong dư luận mà còn vô cùng nguy hiểm. Đó là vụ án Cù Huy Hà Vũ, khiến nhiều đảng viên lão thành không đồng tình và nhiều người dân phản đối. Giáo sư Ngô Bảo Châu, một trí thức lớn được Đảng và nhân dân ta vinh danh là trí tuệ Việt Nam đã phải nhận xét rằng, những người thực hiện vụ án này, dù có ai đó muốn "CỐ TÌNH LÀM MẤT THỂ DIỆN QUỐC GIA CHẮC CŨNG KHÓ MÀ LÀM HƠN". Giáo sư đã tế nhị không muốn nói xa hơn, nhưng người nghe chắc chắn có nhiều cách hiểu xa!
Thưa Chủ tịch, để tránh "nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ" cũng tức là của Đảng, chúng ta cần thực hiện tam quyền phân lập, với nền tư pháp độc lập, đưa Đảng ra khỏi cái bẫy tham nhũng, để "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", lấy lại sự tín nhiệm và tình yêu của nhân dân. Từ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng sẵn sàng và ung dung đối thoại trực tuyến, hoặc trong phòng họp rực rỡ ánh sáng văn minh với những Cù Huy Hà Vũ, để toàn thể nhân dân, toàn thể nhân loại nhìn, hãy nhìn mà "tâm phục khẩu phục". Trong khi chờ đợi, có lẽ Chủ tịch nên bàn với Bộ Chính trị làm một việc vô cùng đại lượng, vô cùng quang minh chính đại là: Trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ!
Ngày 11 tháng 4 năm 2011
TVC
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN