.
Theo quy định mới, nếu các nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng công việc trong gói thầu EPC thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế - Ảnh: VnExpress
– Nguyễn Duy Nghĩa: Thất thế trong buôn bán với Trung Quốc (TBKTSG).
(TBKTSG) - Lâu nay chúng ta vẫn nghe nói quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (năm 1991) và liên tục phát triển với nhịp độ cao trong những năm gần đây.
Thất thế từ nhập siêu
Kim ngạch mậu dịch song phương năm 2010 đã tăng 710 lần so với năm 1991. Buôn bán qua bảy tỉnh biên giới cũng tăng nhanh, chiếm khoảng một phần ba tổng kim ngạch song phương, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong thương mại giữa hai nước. Nhịp độ đó đã khiến thương mại hai nước luôn vượt trước hạn định cam kết cấp cao. Theo đó, cam kết về kim ngạch mậu dịch hai chiều năm 2010 là 15 tỉ đô la Mỹ, năm 2007 đã đạt 15,8 tỉ đô la Mỹ. Cam kết của năm 2010 là 20 tỉ đô la Mỹ, thực tế đã đạt tới 27 tỉ đô la Mỹ.
Công bằng mà nói, thời bị bao vây cấm vận, Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều hàng thô, bình dân. Cùng lúc đó, chúng ta nhập từ thị trường này máy móc thiết bị, nguyên, nhiên liệu tương thích với trình độ sản xuất và khả năng thanh toán, đáp ứng nhanh nhu cầu của nền kinh tế nhỏ lẻ, phân tán, tự phát và bổ sung quỹ hàng tiêu dùng khi sản xuất của ta còn yếu kém.
Nhưng khi tách bạch xuất khẩu và nhập khẩu trong kim ngạch song phương, mới giật mình về sự thất thế trong buôn bán với thị trường láng giềng khổng lồ này. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ngày càng tăng cả về trị giá và tốc độ. Năm 2001 chỉ nhập siêu trên 200 triệu đô la Mỹ, đến năm 2009 đã là 11,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 57,6 lần. Năm 2010, mức nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục leo thang, lên 12,7 tỉ. Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập siêu của Việt Nam. Tỷ trọng đó của năm 2001 chỉ có 18,7%, năm 2009 lên 97,1%, năm 2010 nhảy vọt, bằng 103% tổng nhập siêu của cả nước (có nghịch lý này vì Việt Nam xuất siêu sang một số thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu...).
Thất thế từ nhiều hướng Việt Nam không có quy chế ràng buộc đối với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đơn phương đề ra những quy định oái oăm, thay đổi xoành xoạch, khiến doanh nghiệp xuất khẩu của ta nhiều phen điêu đứng.
Hàng Trung Quốc vào Việt Nam bằng bất cứ cửa khẩu nào, đường bộ, đường biển, hàng không. Trong khi hàng Việt Nam qua Trung Quốc bị buộc phải qua một hoặc một số cửa khẩu được chỉ định.
Hàng Việt Nam chủ yếu loanh quanh ở các tỉnh Tây Nam, cực Nam của đại lục này. Một mặt do ta chưa đủ sức vươn xa, mặt khác do các tỉnh này không có biển, núi non hiểm trở, nên được xài thủy sản, hoa quả của ta vừa tiện, lại rẻ, đỡ phải tải từ phía Bắc xuống. Trong khi đó, hàng Trung Quốc vào bất cứ nơi nào, từ thành phố đến bản làng hẻo lánh và vào cả các phiên hội chợ đưa “hàng Việt về nông thôn”.
Hàng Việt Nam sang Trung Quốc thường là thương hiệu danh tiếng, đầu vị. Hàng Trung Quốc vào Việt Nam đa phần là hàng của các địa phương, giá rất bèo - tiền nào của ấy…
Phương cách thanh toán vẫn sơ khai, tiền trao cháo múc, không an toàn. Rủi ro là thế. Và, chỉ thu được đồng nhân dân tệ, chẳng đủ để nhập hàng. Giả dụ có dư cũng không thể tiêu pha tại các thị trường khác.
Từ ngày mở ra biên mậu, buôn lậu ở khu vực này tăng theo tỷ lệ thuận. Trong số đó không ít là hàng thực phẩm mất vệ sinh, đồ dùng độc hại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực. Còn có những phi vụ mà chợt nghe đã biết tỏng ý đồ của họ, như lùng mua móng trâu, cây mạ khô, rễ cây hồi, cành chè lớn, gốc cây cổ thụ.
Đường biên ngang dọc còn để rộng đường cho những đoàn ngựa thồ chiều chiều oằn mình cõng quặng vừa đào bới, sang Trung Quốc. Không thấy tàu hải giám cản đường tàu Việt Nam chở than lậu sang bán, càng nhiều càng tốt. Từ lâu chợ Ka Long - Móng Cái đã có vài trăm sạp hàng của người từ Đông Hưng sang. Chợ Tân Thanh, Lạng Sơn vừa khai trương, các doanh nhân Trung Quốc nhanh chân mở quầy hàng. Ở chiều ngược lại, thương nhân Việt Nam chỉ có lác đác.
Trong cơn bối rối giải mã nhập siêu từ Trung Quốc người ta trấn an rằng hãy trông mong ở hiệp định khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN. Trong cuộc chơi “khó người khó ta - dễ người dễ ta”, hàng Trung Quốc vừa hùng hậu vừa rẻ sẽ đè bẹp. Chưa vào cuộc đã thấy thua.
Tiên trách kỷ...
Biết vậy, nhưng chuyện không dễ hóa giải. Để bớt nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho dệt may phải phát triển trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Nhưng Nhà máy Dệt 8/3 đã bị san phẳng. Mong “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà đã bị xóa sổ. Muốn tận dụng máy móc, công cụ sản xuất trong nước, nhưng Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đã biến mất, thay vào đó là các cơ ngơi thương mại - dịch vụ hoành tráng.
Thời nay đã quá nhiều lựa chọn để mua các thiết bị gốc, kỹ nghệ nguồn, để có “nền công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nhưng không hiểu nổi tại sao Trung Quốc trúng thầu quá nhiều công trình, và đương nhiên họ mang vào thiết bị, vật tư của nền “công nghiệp sao chép”. Bài học các nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng còn nguyên giá trị.
Ta nhập từ Trung Quốc, đều là hàng hóa hoàn chỉnh, kể cả những thứ được coi là nguyên liệu như vải, xăng dầu, sắt thép... Chỉ riêng chênh lệch giữa giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc với giá sản phẩm thô xuất sang thị trường này đã đè nặng lên nhập siêu của Việt Nam. Ngay những hàng xuất khẩu có lợi thế, như cao su của Việt Nam - đặc sản trong thực đơn công nghiệp ôtô của Trung Quốc đang phát đạt, nhưng họ vẫn có nhiều chiêu thức làm doanh nghiệp xuất khẩu cao su của ta bầm dập. Cơ quan quản lý sáng suốt, hiệp hội hăng hái, nhưng cứ để màn kịch đó diễn đi diễn lại.
Thiết chế liên bộ, lực lượng kiểm tra liên ngành, trạm kiểm soát liên hợp lồng lộng lưới trời, cứ nghĩ con ruồi không lọt. Vậy mà hàng hóa của Trung Quốc cứ ngạo nghễ tràn sang như vào chốn không người, rồi từ cửa khẩu chính, nẻo cánh gà, lối mòn dân sinh, được chính người chúng ta kìn kìn đưa về xuôi như trẩy hội, vui vầy chung sống với hàng Trung Quốc.
Đó chỉ là vài nét chấm phá trong bức tranh thương mại Việt - Trung. Sát nách nền kinh tế đứng thứ hai thế giới mà không tự biết mình, không muốn là mình, nên khó tránh thua thiệt.
-Nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam: Đối sách cho nhà thầu “nội”?
▪ NGÂN - THOAN
23/06/2011 14:21 (GMT+7)
Vài năm nay, tổng mức đầu tư của Việt Nam bình quân đạt khoảng 600.000 tỷ đồng và theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng cao. 23/06/2011 14:21 (GMT+7)
Tuy nhiên, hầu hết các dự án với quy mô lớn hoặc đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài đã từ chối các nhà thầu trong nước để lựa chọn nhà thầu nước ngoài.
Trong 10 năm qua, đối với gói thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhà thầu Việt thắng thầu ở 67% số lượng gói thầu, nhưng trị giá gọi thầu chỉ đạt 39%, trong khi tỷ lệ này đối với nhà thầu Trung Quốc là 48%.
Đặc biệt, có tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hoá chất của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Việc các nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam khiến các nhà thầu Việt Nam đứng "ngoài rìa" và mất hết việc.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: năng lực tài chính của nhà thầu nội hạn chế nên khó thu xếp vốn cho các dự án, kinh nghiệm thiết kế, năng lực quản lý, thiết bị công nghệ lạc hậu và năng suất lao động thấp. Do đó, rất cần các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Chưa có những chế tài đủ mạnh
Ông Dương Văn Cận, Phó tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
"Để thắng thầu thì có hai yếu tố đặc biệt quan trọng là kỹ thuật và tài chính, hay còn gọi là giá gói thầu do nhà thầu chào thầu khi tham gia đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.
Vấn đề kỹ thuật (năng lực, kinh nghiệm) là điều kiện tiên quyết, nhà thầu nhất thiết phải đáp ứng. Nếu không đáp ứng thì cũng không thể trúng thầu, mà nếu có bằng nhiều cách để trúng thầu thì thất bại về sau lại càng lớn.
Vấn đề giá gói thầu là một trong những nội dung được tranh luận và bàn cãi nhiều nhất. Theo quy định của Luật Đấu thầu 2005 thì giá gói thầu là “giá trị gói thầu được xác định trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng dự toán, dự toán được duyệt với các quy định hiện hành”.
Từ khi có Luật Đấu thầu 2005 đến nay, Nhà nước đã có rất nhiều cơ chế đổi mới. Luật Đấu thầu cũng đã có điều luật ưu đãi các nhà thầu trong nước hay các nhà thầu hoạt động tại Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư khi tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam.
Theo quy định thì mức ưu đãi cũng khá hấp dẫn. Đối với gói thầu tư vấn được cộng thêm 7,5% vào điểm đánh giá gói thầu của nhà thầu trong nước; đối với gói thầu xây lắp, cộng thêm 7,5% vào giá đánh giá gói thầu của nhà thầu nước ngoài; đối với gói thầu mua sắm hàng hoá: giá đánh giá của hồ sơ dự thầu của nhà thầu không thuộc diện đối tượng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền tương ứng với giá trị thuế nhập khẩu, phí và lệ phí liên quan đến nhập khẩu phải nộp theo quy định của pháp luật.
Hoặc khi hồ sơ dự án thầu của nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài xếp hàng ngang nhau (bằng điểm nhau) thì ưu tiên xếp hạng cao hơn cho hồ sư dự thầu trong nước.
Tất cả những ưu đãi đó của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế các dự án ở Việt Nam là rất lớn. Tận dụng những ưu đãi này sẽ tạo sức cạnh tranh rất cao đối với nhà thầu trong nước.
Tuy nhiên, những lợi thế này hình như chưa đủ mạnh, chưa có sức hấp dẫn các nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Có thể là các dự án, gói thầu đấu thầu quốc tế đã vượt quá tầm năng lực cạnh tranh của các nhà thầu nội.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang “dĩ hoà vi quý” với các nhà thầu nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Nhà thầu này chấp nhận hết trong khi đàm phán, nhưng thực tế sau đó khi thực hiện hợp đồng lại không tuân thủ các điều khoản ghi trong hợp đồng. Còn về phía chúng ta, thì chủ đầu tư lại không mạnh tay với các nhà thầu vi phạm.
Có chuyên gia qua kinh nghiệm nhiều năm đã đúc rút ra tới 9 loại vi phạm hợp đồng phổ biến của các nhà thầu Trung Quốc. Điều đó cho thấy hoặc trong cơ chế hoặc trong quản lý chúng ta chưa có những chế tài đủ mạnh để lựa chọn được những nhà thầu xứng tầm quốc tế. Hay nói một cách gián tiếp, đó cũng là thiệt thòi về công ăn việc làm, về quyền lợi của các nhà thầu trong nước.
Đối với những gói thầu tổng thầu, đặc biệt là những gói thầu EPC có quy mô lớn, sau khi trúng thầu, nhà thầu nước ngoài lấy lý do họ đã thắng thầu thì được toàn quyền điều hành, kể cả đưa cả một hệ thống dịch vụ vệ sinh, ăn uống... từ nước ngoài vào, mà chúng ta chưa có một chế tài pháp luật để làm hàng rào ngăn cản".
Chủ đầu tư nên có tầm nhìn rộng hơn
Ông Vũ Quý Hà, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)
"Để cải thiện năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam, về phía nhà thầu cần tích lũy học hỏi kinh nghiệm từ các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt là khi tham gia làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài để xây dựng chiến lược phát triển của riêng mình theo điều kiện Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các nhà thầu, tổ chức chuỗi liên kết kinh doanh đủ năng lực, đủ vốn nhận thầu EPC các dự án có quy mô từ vừa đến lớn...
Về phía các chủ đầu tư, nên có tầm nhìn rộng hơn về lợi ích của giao thầu EPC cho nhà thầu Việt, vì nhà thầu Việt không chỉ đơn thuần kiếm doanh thu mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động và kỹ sư Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, ngành cơ khí chế tạo và thị trường khoa học, công nghệ trong nước.
Để vượt qua các nhà thầu nước ngoài, cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài ở ngay trên thị trường trong nước và thị trường nước bạn, hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, nếu giữa các tập đoàn, tổng công ty xây dựng trong nước có sự hợp tác, đồng lòng, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực thì có thể cạnh tranh, giành chiến thắng ngay trên sân nhà".
Cần những đơn đặt hàng lớn từ Chính phủ
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam
"Muốn làm EPC thì doanh nghiệp phải có lực lượng hoặc am hiểu làm về tư vấn thiết kế. Đây là vấn đề còn yếu nhất của chúng ta.
Thời gian qua, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa xây dựng được các công ty tư vấn thiết kế đủ mạnh như các nhà thầu nước ngoài. Thực tế này buộc các tổng công ty khi nhận tổng thầu phải thành lập các liên doanh với nước ngoài như Lilama đã làm hoặc phải thuê lực lượng tư vấn thuộc các chuyên ngành.
Chính vì sự bất cập này dẫn đến một tình trạng là chúng ta luôn bị động vào khâu thiết kế, tư vấn. Đặc thù với ngành điện, chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện, thì thiết kế và sản xuất thiết bị không thể tách rời nhau, đòi hỏi tính đồng bộ cao ở tất cả các khâu, giữa các hạng mục công trình, giữa các thiết bị, đường ống, điều khiển tự động...
Dự án EPC chúng ta áp dụng đầu tiên ở nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 là một tổ hợp gồm Sumitomo, Misuibabcock, GE và Huyndai Engineering. Với sự kết hợp 4 đối tác mạnh này của thế giới mà dự án còn có lúc trục trặc và tiến độ kéo dài, đưa vào vận hành thương mại chậm hàng năm.
Còn nhớ cách đây mấy năm, Lilama lần đầu tiên được Chính phủ giao cho làm tổng thầu EPC nhà máy điện Uông Bí mở rộng với giá trị hợp đồng EPC khoảng 300 triệu USD. Cộng đồng doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mừng vì Chính phủ đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí có đất phát triển.
Lilama đã dũng cảm đầu tư chất xám, tuyển dụng hàng trăm kỹ sư cơ điện, đầu tư hàng triệu USD mua phần mềm phục vụ công tác điều hành dự án, thuê chuyên gia nước ngoài... Chính những quyết định đầu tư đó mà sau này Lilama mới làm được EPC ở các nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Cà Mau, Vũng Áng ngày nay.
Do vậy, Chính phủ cần có chính sách, cơ chế tiếp tục tạo đơn hàng lớn cho các doanh nghiệp bằng hình thức lựa chọn và chỉ định tổng thầu cũng như tổ chức đấu thầu trong nước. Đồng thời cần có chế tài với các chủ đầu tư.
Nhưng quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực về mọi mặt, đặc biệt về năng lực thiết kế, tư vấn, công nghệ, quản lý nhân sự và tính chuyên nghiệp, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tạo thêm sức mạnh để vững vàng tham gia dự thầu và thắng thầu EPC trên chính đất nước mình".
Dự toán gói thầu vẫn dùng phương pháp từ thời bao cấp
Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam
"Đối với các dự án sử dụng vốn trong nước, nhà thầu muốn thắng thầu chỉ có cách duy nhất là giảm giá so với giá gói thầu, mức thông thường đối với dự án xây dựng giao thông hiện nay khoảng 5 - 10%, thậm chí có nhà thầu quyết thắng bằng cách giảm giá tới 15 - 20%.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, đây là con đường ngắn nhất đưa nhà thầu tới chỗ kiệt quệ và có nguy cơ làm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Hầu hết các chủ đầu tư đều “sợ” các “ông bỏ thầu giá thấp”, nhưng tham chiếu theo quy định vẫn cứ phải chọn nhà thầu này với nhiều sự phiền toái được báo trước trong suốt quá trình triển khai dự án.
Trong khi đó, dự toán gói thầu được lập trên cơ sở định mức, đơn giá xây dựng theo các phương pháp cổ điển có từ thời bao cấp. Đối với dự án xây dựng giao thông hàng trăm, vài trăm hạng mục cho đến nay hầu như vẫn chỉ dùng một phương pháp lập dự toán là phép cộng của các dự toán chi tiết từng hạng mục.
Liệu có thể đề xuất các giải pháp xây dựng đơn giá tổng hợp (theo chỉ tiêu xây dựng) cùng với các tỷ lệ chi phí khác hợp lý (dự phòng xây lắp, trượt giá và biến động giá, chi phí xây dựng công trình phụ trợ đặc biệt nếu có...) để xây dựng dự toán, kèm theo là phương pháp xác định chi phí cho các khối lượng bổ sung, phát sinh làm cơ sở xác định giá gói thầu?
Một trong những phương hướng giải quyết là cần sớm nghiên cứu đề xuất phương pháp xác định dự toán gói thầu và tổng dự toán, tổng mức đầu tư công trình có tham khảo các phương pháp áp dụng ở các nước trong khu vực và quốc tế có trình độ, điều kiện phù hợp với nước ta, đảm bảo cho các nhà thầu xây dựng giao thông được đấu thầu và thắng thầu với giá đủ thực hiện hợp đồng và bảo toàn, phát triển".
Mua sắm Chính phủ không thể là “bình sữa” mãi
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
"Pháp luật về đấu thầu của ta cũng có những ưu tiên cho các nhà thầu trong nước, tuy nhiên các nhà thầu trong nước cũng phải vươn lên để khẳng định mình, mua sắm Chính phủ không thể là “bình sữa” mãi được. Chúng ta phải sử dụng những đồng tiền ngân sách một cách hiệu quả nhất.
Để cạnh tranh lành mạnh, các nhà thầu Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn, hiểu biết về pháp luật, kỹ năng ngoại ngữ, nâng cao công nghệ, năng lực tài chính, chủ động tích lũy kinh nghiệm trong quá trình hợp tác với các nhà thầu uy tín nước ngoài, giảm nguồn lực cho công việc “ngoại giao” và tăng nguồn lực kiến thức đấu thầu.
Đối với lĩnh vực mua sắm công, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được áp dụng với các gói thầu thuộc dự án sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, gói thầu mua sắm tài sản duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, gói thầu sửa chữa lớn của doanh nghiệp nhà nước.
Đấu thầu quốc tế sẽ chỉ áp dụng khi có yêu cầu của nhà tài trợ ODA hoặc khi hàng hóa trong nước chưa sản xuất được, nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng hoặc đã tổ chức đấu thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Còn đấu thầu rộng rãi là hình thức chủ yếu phải áp dụng.
Việc xét duyệt trúng thầu đối với gói xây lắp trên nguyên tắc nhà thầu có giá đánh giá - chi phí tính cho cả đời dự án so sánh trên cùng một mặt bằng các yếu tố về mặt kỹ thuật, tài chính, thương mại - là thấp nhất.
Luật Đấu thầu của Việt Nam và tất cả các quốc trên thế giới đều có sự thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ phát triển của mỗi nước. Nhiều người cho rằng Luật Đấu thầu của ta khác với các nước trên thế giới, sự khác nhau ở đây là đúng. Nhưng sự khác nhau này nhằm bảo về cho lợi ích của nhà thầu trong nước, và bảo vệ túi tiền của người đóng thuế, của ngân sách.
Luật của chúng ta có 9 điểm khác so với khung pháp lý đấu thầu của cộng đồng các nhà tài trợ, cộng đồng các nhà tài trợ thừa nhận và chấp nhận quy định đấu thầu của Việt Nam. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tuân thủ quy định lấy ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan khi xây dựng, sửa đổi và bổ sung Luật Đấu thầu".
Bốn nguyên nhân làm yếu sức cạnh tranh
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
"Theo kết quả phân tích của tôi thì có bốn nguyên nhân chủ yếu cho sự yếu kém về năng lực cạnh tranh của các nhà thầu EPC nước ta.
Thứ nhất, do thiếu kinh nghiệm tổng thầu công trình tương tự. Điều này dễ hiểu và cách bổ khuyết cũng đơn giản, như “nằm gai nếm mật” làm thầu phụ một vài công trình loại này để thu được kinh nghiệm cần thiết.
Thứ hai, do thiếu được trợ giúp về nguồn vốn cần thiết. Thực tế cho thấy, nhận tổng thầu EPC cần nguồn vốn lớn, nhất là ngoại tệ nhưng nhà thầu ít được ngân hàng đáp ứng đủ vì ngân hàng nước ta cũng chưa trường vốn lắm, trong khi các nhu cầu vốn phát triển lại đang tăng nhanh.
Mặt khác, lãi suất khá cao khiến nhà thầu ngần ngại do quay vòng vốn trong tổng thầu EPC tương đối chậm. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho nhà thầu EPC về mặt tài chính.
Thứ ba, do thiếu nhân tài quản lý hợp đồng tổng thầu, như chuyên viên quản lý dự án, chuyên viên quản lý hợp đồng, chuyên viên quản lý và điều phối các khâu thiết kế, cung ứng và thi công, chuyên viên kỹ thuật, chuyên viên tin học, các phiên dịch giỏi... Do đó, nhà thầu phải có chính sách chiêu nạp, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ hợp lý các loại nhân tài trên.
Thứ tư, do cơ chế thị trường xây dựng còn yếu kém.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà thầu Việt, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường xây dựng (bao gồm cả tư vấn, khảo sát, thiết kế), đặt trọng tâm vào phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lao vụ, cho thuê máy xây dựng, cung ứng vật liệu và thiết bị, tài trợ thành lập các tập đoàn tư vấn, thiết kế lớn có cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám lý xây dựng (nhận uỷ thác quản lý các dự án đầu tư, quản lý phần xây dựng công trình thay mặt chủ đầu tư).
Cần kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm quy định hạn chế đưa lao động nước ngoài vào làm việc tại nước ta. Uỷ nhiệm cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng thể chế kiến trúc sư và kỹ sư chuyên nghiệp, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kỹ sư kết cấu, kỹ sư hàn, kỹ sư giám sát, kỹ sư định giá...
Cần kiểm tra chứng chỉ hành nghề theo luật định; cấp giấy phép an ninh quốc gia cho các dự án đầu tư và nhà thầu nước ngoài vào kinh doanh tại các vùng, các ngành nhạy cảm. Lập quỹ dữ liệu về giao nhận thầu công trình xây dựng, tổ chức tổng kết và công bố rộng rãi kinh nghiệm xây dựng các công trình mới, công trình lớn có vốn đầu tư nhà nước. Ban hành Luật Đầu tư công, trong đó đặc biệt ngăn ngừa tình trạng thanh toán dây dưa, gây thiệt hại cho nhà thầu.
Về phía nhà thầu Việt, cần đề cao phẩm chất thành tín trong kinh doanh, cách tân tổ chức quản lý kinh doanh, áp dụng chế độ tổng công trình sư, kỹ sư trưởng thay cho các chức vụ hành chính kỹ thuật. Coi trọng nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, áp dụng hợp đồng FIDIC. Tổ chức chuỗi liên kết kinh doanh đủ năng lực nhận thầu EPC các dự án có quy mô vừa đến lớn. Thành lập và phát triển các công ty lao vụ, cho thuê máy xây dựng, tiến tới gia nhập thị trường nhận thầu quốc tế.
Về phía các tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội Nhà thầu nên có viện nghiên cứu thị trường xây dựng, được Chính phủ đặt hàng nghiên cứu thị trường trong nước và các nước có liên quan, xếp hạng nhà thầu hàng năm theo doanh số; thành lập các hội kỹ sư chuyên nghiệp, hội kỹ sư giá xây dựng, hội kỹ sư giám sát".
* Ngày 19/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC. Theo đó, với các gói thầu EPC mà khả năng các nhà thầu trong nước đảm nhận được trên 50% khối lượng công việc thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế mà phải tổ chức đầu thầu rộng rãi trong nước.