TP - Không phải bất cứ người Trung Quốc nào cũng tin vào những tuyên truyền về “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Nam Hải” cách gọi của người Trung Quốc về Biển Đông) cùng những lời đe dọa dùng vũ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông mà một số tờ báo và trang mạng quá khích tung ra.
Chính “Thời báo Hoàn Cầu” (tờ báo vừa qua tung ra những luận điệu xuyên tạc và kích động) trong một bài báo ngày 21-6 cũng thừa nhận: “Giới học giả Trung Quốc khá bình tĩnh (trong vấn đề sử dụng vũ lực). Trong số 5 học giả được “Thời báo Hoàn cầu” phỏng vấn hôm 20-6, có 4 vị cho rằng: Dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Nam Hải là không sáng suốt.
Đáng chú ý là trên nhiều trang mạng của Trung Quốc từ hôm 22-6 xuất hiện bài viết của ông Ngô Kiến Dân, Viện sĩ Viện Khoa học Châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu Á, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, nhan đề: “Việc Trung Quốc tự kiềm chế trong vấn đề tranh chấp Nam Hải là thể hiện sự tự tin”. Bài báo đã dấy lên phản ứng rất mạnh, ông Ngô phải hứng chịu những trận “ném đá” tơi bời trên mạng từ phía những kẻ đại diện cho tư tưởng hiếu chiến.
Nguyên nhân khiến Viện sĩ Ngô bị phê phán, bị gọi là “Hán gian” bởi ông phản đối việc gây hấn, sử dụng vũ lực với các nước láng giềng. Ông viết: Do thời thế đã thay đổi nên trong quan hệ quốc tế đã xuất hiện tình hình mới, tác dụng của chiến tranh không còn như trước. Trong 3 cuộc chiến tranh diễn ra trong thế kỷ này: Chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq và chương trình Lybia thì 2 cuộc đầu do Mỹ và phương Tây tiến hành với ưu thế quân sự tuyệt đối đánh nước nghèo, nước nhỏ, kết quả là Mỹ và đồng minh sa vào cảnh khốn đốn.
Còn cuộc chiến tranh Lybia đang diễn ra cũng sẽ dẫn đến kết cục đó. Vấn đề Nam Hải là do lịch sử để lại, khinh suất gây chiến tranh là không được. Lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh cần phải giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, phát triển là sáng suốt. Ông phân tích tình hình, vị thế của Đông Á, quan hệ đem lại lợi ích chung lớn đang có giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines rồi khẳng định: “Trước những thách thức cần phải bình tĩnh quan sát, xem xét toàn diện, tối kỵ nôn nóng hành sự, tối kỵ dùng tư tưởng cũ thời chiến tranh và cách mạng để xử lý những vấn đề hiện nay, nếu làm thế sẽ phạm phải sai lầm thời đại”.
Ngay trong muôn vàn ý kiến phản hồi trên Hoàn Cầu và các diễn đàn mạng Trung Quốc khác, bên những ý kiến quá khích, cực đoan, chúng ta vẫn thấy xuất hiện những ý kiến tỉnh táo, có trách nhiệm của những người dân Trung Quốc hiểu biết, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật, như: “Những cái đầu nóng chỉ mang lại tai họa, đầu phải lạnh mới có được quyết sách đúng!”, “Làm gì thì cũng phải tuân thủ Luật quốc tế trước”, “Tôi đã nghi ngờ nhiều năm. Vì sao lại vẽ Nam Hải của chúng ta tới tận cửa nhà người ta. Địa Trung Hải chả phải là biển của riêng nước nào hay sao?”, “Tôi nhìn bản đồ, không tin vào những điều chính phủ nói. Trung Quốc bắt đầu từ thời Minh đã thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, đời Thanh cũng vậy, trước nay đâu có phát triển ra biển. Vậy mà nay lại vẽ bản đồ ra xa đến tận cửa nhà người khác như vậy. Tôi không tin trong lịch sử Trung Quốc đã có những nơi đó…”, “Vấn đề lãnh thổ xưa nay luôn là “được làm vua, thua làm giặc”, không hề như lối nói ngu xuẩn “từ xưa đến nay đã là lãnh thổ của XXX”.
Bản đồ Trung Quốc luôn thay đổi trong lịch sử. Trung Quốc từng là một bộ phận của Mông Cổ, nếu nay người Mông Cổ nhảy ra nói “Trung Quốc là một bộ phận không thể chia cắt của Mông Cổ” thì người Trung Quốc nghĩ sao?”; “Nói thật lòng, là người Trung Quốc tôi dĩ nhiên cho rằng Nam Hải là của Trung Quốc, nhưng sau khi hiểu rõ tình hình và nhìn kỹ bản đồ, tôi mới phát hiện ra rằng Trung Quốc cần rút ra khỏi cuộc tranh chấp với Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nam Hải cách Trung Quốc xa nhưng gần với họ quá. Nếu Nam Hải thật sự trở thành của Trung Quốc thì nói hơi ngoa một chút, người nước họ bơi ra biển là đã “xuất ngoại” xâm phạm lãnh hải nước khác ư? Nếu là người Việt Nam thì bạn sẽ rất buồn”.v.v.
Thu Thủy
Theo báo chí Trung Quốc
Theo báo chí Trung Quốc