Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

3 Quyển Sách về mối quan hệ Việt-Trung

-3 Quyển Sách về mối quan hệ Việt-Trung
Chỉ vào một vài thời điểm rất hiếm hoi trong hơn nửa thế kỷ qua mà nhà cầm quyền CSVN thực sự tiết lộ những hành vi và ý định xâm lấn có tính qui mô, kế hoạch và liên tục của Bắc Kinh đối với lãnh thổ Việt Nam. Vào năm 1979, khi các xung đột lớn diễn ra giữa 2 nước, Lãnh đạo Đảng CSVN đã cho in 3 cuốn sách với tựa đề:
- Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam - Trung Quốc Trong 30 Năm Qua của Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN.
- Phê Phán Chủ Nghĩa Bành Trướng và Bá Quyền Nước Lớn Của Giới Cầm Quyền Phản Động Bắc Kinh của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam.
- Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc của Nhà xuất bản Sự Thật.

JPEG - 36.5 kb
Đính kèm sau đây là nguyên bản của 3 quyển sách này để cung cấp thêm dữ liệu cho độc giả.
PDF - 6.3 Mb
PDF - 2.7 Mb
PDF - 1.9 Mb




Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua
Phê Phán Chủ Nghĩa Bành Trướng và Bá Quyền Nước Lớn Của Giới Cầm Quyền Phản Động Bắc Kinh
Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc

Hai cuốn sách về những lần TQ xuất quân
- Tháng 2 năm 1992, Nhà Xuất bản Văn nghệ Tứ Xuyên, Trung Quốc đã cho xuất bản cuốn 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, của hai tác giả Sa Lực và Mân Lực. Cuốn sách này đã được phát hành rộng rãi mà theo phía Việt Nam là “có nhiều nội dung rất sai trái”.
- Tháng 8 năm 1992, Cục Nghiên cứu, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cho dịch và xuất bản 1.000 cuốn 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, nhưng chỉ phát hành trong nội bộ, không nộp lưu chiểu.
- Từ năm 1990 đến 1993, Trung Quốc đã công bố rộng rãi nhiều cuốn sách khác có nội dung liên quan tới quan hệ hai nước như: Kháng Mỹ viện Việt thực lục, Sự thực về 6 cuộc chiến tranh chống xâm lược của nước Trung Hoa mới, Khai quốc đệ nhất chiến, 10 năm chiến tranh Trung-Việt.

- Tháng 2 năm 1996, sau nhiều nỗ lực và được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao nhất, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho xuất bản 3.700 cuốn Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung, của nhiều tác giả, có nộp lưu chiểu, nhưng chỉ phát hành trong phạm vi hẹp.
Trong bối cảnh những năm đầu thập kỷ 1990 và qua những động thái trên, có thể tạm nêu ra 2 nhận xét sau:
1- Sau những trận xung đột lên tới đỉnh điểm dẫn tới những lần đưa quân sang xâm lược Việt Nam vào những năm 1974, 1979, 1988, tiếp đến là quan hệ giữa hai nước bước vào thời kỳ bình thường hóa với nhiều cuộc thăm viếng cấp cao đôi bên vào những năm 1991, 1992, phía Trung Quốc vẫn không ngừng chuẩn bị dư luận công phu, bài bản về chủ quyền của mình trên Biển Đông cũng như những hành động gây hấn trong quá khứ.

2- Phía Việt Nam không tỏ ra chủ động và có kế hoạch lâu dài như Trung Quốc trong những vấn đề này, từ số lượng các ấn phẩm được đưa ra, từ nội dung sách, cho tới phạm vi công bố.
Ví dụ như trong cuốn 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, các tác giả phía Trung Quốc đã cung cấp nhiều tư liệu, mô tả chi tiết, thậm chí sinh động (đương nhiên theo ý chủ quan của họ) nhiều sự kiện, tính toán từng câu chữ, với lối viết không chỉ nhắm tới mục tiêu chủ quyền, mà còn khích lệ tinh thần dân tộc trong binh sĩ, người dân. Trong khi cuốn Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung do phía Việt Nam xuất bản nặng về nội dung phản bác lại quan điểm nêu ra trong cuốn sách của Trung Quốc, bằng sử liệu chứng minh Hoàng Sa-Trường Sa từ lâu đã là của Việt Nam, mà rất ít thông tin về diễn biến của vụ việc, không lột tả sống động hành động hèn hạ của đối phương và tinh thần hy sinh quả cảm của chiến sĩ ta. Thậm chí, nhiều đoạn trong sách còn trích dẫn những miêu tả của phía Trung Quốc, nhưng không phải là để “phản bác”, mà tựa như phía ta hoàn toàn không có thông tin gì về cuộc gây hấn xâm lược này, đành phải sử dụng cứ liệu lịch sử của họ.

Rõ ràng cuốn sách của Trung Quốc mang tính đại chúng hơn hẳn, còn cuốn của Việt Nam chỉ giúp ích chủ yếu cho giới nghiên cứu (từ nội dung cho tới cách phát hành).

Để góp phần soi chiếu không chỉ sự thực về những hành động gây hấn của Trung Quốc trong quá khứ, mà cả kinh nghiệm đấu tranh trong công luận, xin được trích đăng một đoạn liên quan trong cuốn Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung, còn toàn bộ nội dung, bà con có thể truy cập vào trang Diễn đàn Hoàng Sa-Trường Sa để tải về bản PDF.


Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung

(trích)
IV. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995)
[...] Tháng 1 năm 1988, Trung Quốc cho hải quân ra khu vực quần đảo Trường Sa hoạt động khiêu khích, ngăn cản các tàu vận tải Việt Nam. Họ đã xâm chiếm một số bãi đá ngầm, nhằm xây dựng căn cứ đứng chân làm bàn đạp để mở rộng các hoạt động xâm lược trên quần đảo.
Đặc biệt nghiêm trọng là sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến đấu gồm sáu chiếc, trong đó có ba tàu hộ vệ số 502, 506 và 531 được trang bị tên lửa và pháo cỡ 100 mi-li-mét, vô cớ tiến công, bắn chìm và cháy ba tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam. Khi các tàu cứu hộ Việt Nam mang cờ chữ thập đỏ đến cứu những tàu bị bắn cháy, bắn chìm, lại bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, bao vây, khiêu khích. Cuộc tiến công của Trung Quốc đã gây thêm tội ác mới chống nhân dân Việt Nam làm cho một số cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam bị hy sinh, 74 người bị mất tích.
Phối hợp với các hoạt động quân sự trên biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động đó là “bình thường” và đòi Việt Nam phải “rút khỏi các đảo san hô” ở đây; đổ lỗi cho bộ đội Việt Nam xông lên bắn vào nhân viên khảo sát của Trung Quốc trên bãi đá ngầm Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua) và vu cáo rằng, các tàu của hải quân Việt Nam nã pháo vào tàu hải quân Trung Quốc neo đậu gần đó, dẫn đến hải quân Trung Quốc buộc phải “phản kích để tự vệ”.(1)
Sự thật là thế nào? Điều gì đã làm cho nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa kể từ ngày ra đời, luôn luôn tuyên bố là nước “yêu chuộng hoà bình”, là một trong những nước đã đề ra năm nguyên tắc “chung sống hoà bình”, lại dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, như Trung Quốc đã từng làm đối với một số nước có chung đường biên giới? Điều gì đã làm cho Cộng hoà nhân dân Trung hoa, đã từng tuyên bố chống đế quốc mạnh mẽ, đã từng tích cực ủng hộ nhiều phong trào giải phóng dân tộc và nhiều năm sát cánh cùng Việt Nam chiến đấu vì sự nghiệp chung, nay lại gây ra cảnh đau lòng khi những người lính Trung Quốc xả súng bắn vào cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa?
Mọi người đều biết, sau khi chiếm được quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1 năm 1974, Trung Quốc ra sức xây dựng quẩn đảo này thành một căn cứ quân sự liên hợp có cầu cảng, sân bay làm bàn đạp mở rộng xâm lược xuống quần đảo Trường Sa. Một tờ báo Mỹ đã vạch rõ: “Chiến lược của Trung Quốc dường như là củng cố vị trí trên quần đảo Hoàng Sa trước khi tiến tới quần đảo Trường Sa ở xa hơn nữa về phía nam” (2)… nơi mà từ trước đến nay Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân tới.
Điều này được thể hiện trong lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa, ngày 30 tháng 7 năm 1977 rằng: “Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của VIệt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết”(3)
Trên thực tế, từ năm 1981, Trung Quốc đã đưa Sở chỉ huy của hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu xuống Trạm Giang, trang bị cho hạm đội này những phương tiện đổ bộ hiện đại nhất và xây dựng, mở rộng hàng loạt các cảng quân sự ở đảo Hải Nam. Đồng thời, Trung Quốc cũng xúc tiến mạnh về mặt tổ chức hành chính, để tạo cơ sở cho việc chiếm đoạt lâu dài Hoàng Sa và chuẩn bị thôn tính nốt Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 6 năm 1984, Quốc hội Trung Quốc khoá VI đã phê chuẩn việc thành lập “Khu hành chính Hải Nam” bao gồm cả hai quẩn đảo Hoàng Sa, Trường Sa trực thuộc tỉnh Quảng Đông.
Ngày 13 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam, một tỉnh có địa giới hành chính rộng lớn trên biển Đông bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Liên hợp báo (Đài Loan) nhận xét: “Bằng việc nâng cấp quy chế của đảo Hải Nam, Trung Quốc rõ ràng là đang mưu toan đặt toàn bộ vùng biển Đông và tất cả các đảo ở đó dưới sự kiểm soát của họ, do đó mở rộng tuyến phòng thủ chiến lược phía Nam của họ tới quẩn đảo Spratly (tức Trường Sa) ở cực Nam biển Đông”(4)
Trung Quốc vẽ bản đồ biển Đông theo yêu sách của chính quyền Tưởng Giới Thạch năm 1947, thể hiện một đường biên giới không liên tục chiếm ba triệu ki–lô–mét vuông. Theo đường biên giới này thì Trung Quốc chiếm hầu như toàn bộ biển Đông.
Từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6 năm 1987, hải quân Trung Quốc diễn tập lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa. Về cuộc tập trận này, đài BBC (Anh) đã nhận xét như sau: “Cuộc tập trận hải quân đầu tiên từ trước tới nay, xung quanh quần đảo Trường Sa có lẽ sẽ có những hậu quả rộng lớn khắp vùng Đông – Nam châu Á. Nó làm phức tạp thêm quan hệ giữa Trung Quốc với Malaixia và Inđônêxia. Nó xác nhận mối lo của Inđônêxia rằng, chính Bắc Kinh chứ không phải Matxcơva là mối đe doạ chiến lược lâu dài, thực sự đối với Đông – Nam Á”(5)
Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến (có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa) đi từ đảo Hải Nam xuống phía Nam, trong đó có bốn chiếc được phái đến khu vực quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của hai tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên (là hai bãi san hô còn đang lập lờ mặt nước). Họ xây nhà, cắm cờ Trung Quốc trên hai đảo này, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải của Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do quân đội Việt Nam bảo vệ.
Trong đợt hoạt động nói trên, Trung Quốc đã thành lập một Bộ tư lệnh đặc biệt, sử dụng lực lượng của hạm đội Nam Hải, được tăng cường một bộ phận của hạm đội Đông Hải họ thường xuyên duy trì 20 tàu các loại ở khu vực quẩn đảo Trường Sa. Họ đẩy mạnh các hoạt động ngăn cản, phong toả, khiêu khích trắng trợn bằng vũ lực đối với các tàu vận tải Việt Nam để kiếm cớ gây xung đột vũ trang, dẫn đến sự kiện nghiêm trọng ngày 14 tháng 3 năm 1988.
Để biện hộ cho sự kiện này, Trung Quốc nói rằng: họ buộc phải “phản kích để tự vệ”(!). Theo cách nói đó nghĩa là hải quân Việt Nam là kẻ tấn công, còn hải quân Trung Quốc là kẻ phòng thủ, tự vệ.
Trận “phản kích tự vệ” đó được sách báo Trung Quốc mô tả như sau: Ngày 14 tháng 3 năm 1988, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nổ ra cuộc chiến đấu trên biển Nam Trung Quốc. Cuộc chiến đấu này mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian 28 phút, nhưng nó đã làm cả thế giới quan tâm theo dõi.
Trong khoảnh khắc, trên biển Nam trời đất tối sẫm, tiếng pháo đùng đùng, bốn bề tiếng súng râm ran.
“Trong tiếng pháo đùng đùng, tàu vận tải (số 604) của hải quân Việt Nam chở đầy lính bị bắn chìm tại chỗ, tàu đổ bộ (số 505) và một tàu vận tải khác (số 605) bị bắn trọng thương, kéo theo đám cháy và cột khói đen ngòm, chuồn thẳng. Tàu đổ bộ (số 505) bị chìm trên đường về, còn tàu đổ bộ (số 605) thì bị mắc cạn.
Cuộc chiến đấu không cân sức trên biển vẻn vẹn chỉ diễn ra có 28 phút đã kết thúc với thất bại thảm hại của quân Việt Nam, kết quả một tàu bị chìm tại chỗ, hai tàu bị thương, chết và bị thương hơn 20 tên, mất tích 74 tên. Còn phía Trung Quốc chỉ có một số nhân viên khảo sát và nhân viên khác trên đảo bị thương, ngoài ra không bị tổn thất gì, đấy thật là một trận chiến đấu trên biển đánh gọn và đẹp mắt”(6)
Những đoạn ghi chép trên cho biết phía Việt Nam chỉ có hai tàu vận tải và một tàu đổ bộ, hai loại phương tiện này không phải là phương tiện dùng để chiến đấu, càng không phải là phương tiện để tiến công. Sa Lực – Mân Lực còn mô tả: “Những chiến hạm kiểu mới được trang bị tên lửa biển đối biển và pháo tự động 100 ly hợp đồng tác chiến với tàu ngầm và các loại hạm tàu kiểu mới khác, hình thành lưới lửa dày đặc, khiến quân Việt Nam lâm vào thế trận bị động chịu đòn”(7)
Điều cần nói thêm là, lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Trường Sa năm 1988 có phải “thuần tuý là hoạt động khoa học” như họ nói không?
Chính các tác giả Trung Quốc viết rằng: “Cùng với sự diễn biến ngày càng gay gắt và xấu đi trong mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền Nam Sa giữa Trung Quốc – Việt Nam để giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Tổ quốc, hải quân Trung Quốc đã có sự cố gắng to lớn, đã xây dựng một đội quân tác chiến trên biển và trên đất liền trang bị thêm tàu cứu hộ viễn dương kiểu mới, xây dựng hệ thống dẫn đường vệ tinh hiện đại… Việc chúng ta giành lại chủ quyền lãnh thổ đối với những hòn đảo nào đó ở Nam Sa bị nhà cầm quyền Việt Nam xâm chiếm là trách nhiệm không thể thoái thác”(8)
Rõ ràng, cái gọi là tiến hành khảo sát để “lắp đặt trang bị khảo sát khoa học” theo yêu cầu của tổ chức văn hoá, giáo dục khoa học Liên hợp quốc là bức màn che đậy cho việc thực hiện chủ trương “tiến xuống Nam Sa” của Trung Quốc (phụ lục IV). Đúng như một tờ báo Mỹ đã nhận xét: “Các cuộc thao diễn hải quân của Trung Quốc ở biển Đông đang hỗ trợ cho những ý kiến khẳng định của những người lãnh đạo các nước Đông – Nam Á là Bắc Kinh có những mục đích bá quyền ở khu vực”(9). Trung Quốc đã không thể tìm ra những chứng cứ để chứng minh được rằng, Trung Quốc đã chiếm hữu các quần đảo này từ bao giờ và đã có những hành động thực tế nào để thực hiện việc quản lý thật sự hai quần đảo. Vì vậy, phía Trung Quốc chỉ khăng khăng một cách đơn giản và độc đoán: “Chính phủ các triều đại Trung Quốc đã liên tục thực hiện quyền cai quản hai quần đảo đó”(10)
Trong quyển Hoàng Thanh nhất thống dư địa toàn đồ, bản đồ Trung Quốc đời Thanh, xuất bản năm 1894, ghi chú rõ: “Điểm cực nam lãnh thổi Trung Quốc là Nhai Châu, Quảng Đông, độ Bắc cực 18 độ 13”. Còn quyển Quảng Đông dư địa toàn đồ, bản đồ tỉnh Quảng Đông xuất bản năm 1897 cũng ghi: “Điểm cực nam tỉnh này là mỏm núi bên ngoài cảng Du Lâm 18 độ 09’10””. Trong Đại Thanh đế quốc, bản đồ toàn Trung Quốc trong toàn tập bản đồ mang tên Đại Thanh đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ 4 năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam (phụ lục V). Những bản đồ ấy đều khẳng định cho đến thế kỷ XX lãnh thổ Trung Quốc không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tác giả Sa Lực – Mân Lực dẫn ra vừa mơ hồ về nội dung, vừa không thống nhất về thời điểm lịch sử. Lúc thì họ nói từ đời nhà Đường, lúc thì họ nói từ đời Bắc Tống, các triều đại Trung Quốc đã “thi hành quyền quản lý” hai quần đảo này? Qua các sách sử Trung Quốc như Đường Thư, Dư địa kỷ thắng, Vỹ Kinh tổng yếu, Quảng Đông thông chí,người ta không thấy chép việc sáp nhập các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào đảo Hải Nam.
Sự kiện viên Thái giám nhà Minh, Trịnh Hoà bảy lần sang Tây Dương chép trong Minh sử(11) chỉ là những chuyến đi “đi sứ” của một sứ thần, hoàn toàn không liên quan gì đến hai quần đảo ở biển Đông. Tuyến đường biển mà Trịnh Hoà đã đi là tuyến đường ven theo bờ đại lục Trung Quốc, bờ biển đảo Hải Nam, bờ biển miền Trung Việt Nam rồi đi xuống phía Nam.
Cần nói thêm, Sa Lực – Mân Lực đã viết rằng, đoàn thuyền của Trịnh Hoà đã “nhiều lần thả neo nghỉ ngơi tại đây” (tức là tại Tây Sa và Nam Sa). Điều đó, chứng tỏ các tác giả không hiểu biết gì về các quần đảo này. Thực ra, đó chỉ là các quần đảo san hô, chằng chịt những bãi cạn và đá ngầm, chỉ có thuyền nhỏ có thể ra vào được, còn thuyền lớn vào đó không bị đắm cũng mắc cạn. Đoàn thuyền của Trịnh Hoà (viên Thái giám nhà Minh được vua Minh bảy lần sai đi sứ các nước Đông – Nam Á và Nam Á) “gồm trên 200 chiếc, trong đó 60 chiếc dài 148 mét, rộng 60 mét”(12) sao có thể “thả neo” ở Tây Sa và Nam Sa được?
Không có chủ quyền trong lịch sử đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc làm sao có thể nói mình có quyền “giành lại chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo” thuộc quần đảo này? Những việc làm của Trung Quốc đối với quần đảo này từ những năm 1930 đến nay, không có khả năng biện minh theo luật pháp quốc tế.
Lý lẽ và hành động trên của Trung Quốc khiến cho dư luận quốc tế lo ngại và cảnh giác. Trong bài Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn là chuyện rắc rối(13). Tác giả Brai Oai–nơ (Bary Wain) vạch rõ: “Bằng những lý do chẳng ai biết rõ ra sao (nguyên văn là: bằng những lý lẽ mà không thể hiểu rõ ngay được đối với người trên sao Hoả đáp xuống). Trung Quốc nói rằng, nhóm đảo ấy là lãnh thổ thiêng liêng của họ”. Về những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển Đông, cũng bài báo trên đã nhận xét: “…lập trường của Trung Quốc không chỉ là vô lý mà còn lố bịch nữa”(14)
Những hành động của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng là hành động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực của Liên hợp quốc, là sự chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế. Tờ báo Pháp Libêration vạch rõ: “Cái chính trị pháo thuyền này khơi động những mối lo ngại từ lâu về chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa ở Đông – Nam Á. Các nước trong vùng không khỏi nhận thấy một cách bực dọc rằng, các bản đồ phát hành ở Bắc Kinh chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc kéo dài đến sát bờ biển Malaixia, Philippin và Việt Nam”(15)
Cũng như các triều đại, các Chính phủ trước đây, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước sau khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Việt Nam chủ trương tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, song quyết không để người khác xâm chiếm bộ phận lãnh thổ của Việt nam. Trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh ở đảo Trường Sa (tháng 5-1988) Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định ý chí sắt đá: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”(16)
Với lòng mong muốn giữ gìn tình hữu nghị Việt – Trung, tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; trong các ngày 17, 23 và 27 tháng 3 năm 1988, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán để giải quyết những bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa cũng như các vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam cũng đề nghị, trong khi chờ đợi hai bên cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.(17)
Đáp lại, trong Bị vong lục công bố ngày 12 tháng 5 năm 1988, Trung Quốc xác nhận ý kiến của Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc trong cuộc hội đàm với Việt Nam tại Bắc Kinh, tháng 9 năm 1975 như sau: “Đối với Việt Nam, ngay sau khi họ đưa ra đòi hỏi về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, tháng 9 năm 1975, lãnh đạo phía Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nêu ra với người lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn đang thăm Trung Quốc, phía Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ cổ đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương hữu nghị, bày tỏ “sau này có thể thương lượng””(18)
Bước vào thập kỷ 90, quan hệ hai nước dần trờ lại bình thường. Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc tháng 11 năm 1991 nêu rõ: “Hai bên tuyên bố hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở năm nguyên tắc: “Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hoà bình”. Hai bên xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khôi phục quan hệ bình thường trên các nguyên tắc độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Sau khi bình thường hoá quan hệ, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận sẽ tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước. Chính phủ hai nước cũng đã bày tỏ tán thành tuyên bố về biển Đông của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN họp ở Manila tháng 7 năm 1992. Tuyên bố về biển Đông có đoạn:
“ – Nhấn mạn sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề chủ quyền và quyền tài phán ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực.
- Kêu gọi các bên liên quan kiềm chế nhằm tạo ra một bầu không khí tích cực cho giải pháp cuối cùng đối với mọi tranh chấp.
- Không phương hại tới chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia có lợi ích trực tiếp trong khu vực, quyết tâm thăm dò khả năng hợp tác tại biển Nam Trung Hoa về các vấn đề an toàn hàng hải và giao thông, chống ô nhiễm môi trường biển, phối hợp với các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, các cố gắng chống cướp biển và cướp có vũ trang, cũng như phối hợp trong các chiến dịch chống buôn lậu ma tuý” (19)
Nhân dân Việt Nam mong muốn rằng, thông qua đàm phán, hai bên có thể đi đến một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo ở biển Đông, mang lại hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, biểu thị quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển, hoà nhập vào đời sống pháp luật quốc tế.
Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán để giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Chính phủ các nước trong khu vực đã ra Tuyên bố chung về biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán ở biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực, bày tỏ quyết tâm thăm dò khả năng hợp tác ở vùng biển này. Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển đã có hiệu lực, được thế giới chấp nhận và tôn trọng.
Chuyến đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của đồng chí Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dânh Trung Hoa tháng 11 năm 1994, đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước. Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc nêu rõ: “Hai bên khẳng định lại những thoả thuận tại các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước từ năm 1991 đến nay, kiên trì thông qua đàm phán hoà bình giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Hai bên hài lòng về sự tiến triển của các cuộc đàm phán cấp chính phủ và cấp chuyên viên giữa hai nước…” và “… trước khi vấn đề được giải quyết, hai bên đều không tiến hành những hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực. Hai bên sẽ bàn bạc kịp thời và giải quyết thoả đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước”(20)
Cùng trong chuyến đi thăm này, trả lời các nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân nhấn mạnh: “Đối với một số vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, hai bên cần xuất phát từ vấn đề lớn là giữ gìn quan hệ hữu nghị Trung – Việt, phát triển hoà bình, ổn định ở khu vực, thông qua hiệp thương để giải quyết từng bước”(21)
Tình hình dù phức tạp đến đâu, nếu các bên tranh chấp đều tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết bằng thương lượng hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thì đều có khả năng tìm ra giải pháp phù hợp, bảo đảm cho vùng biển này mãi mãi là vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.
Các tác giả cuốn sách 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, nên đọc lại và suy ngẫm thêm về những lời tuyên bố trên của đồng chí Giang Trạch Dân.
CHÚ THÍCH:
1: Nhân dân Nhật báo, ngày 1-4-1988
2: Theo báo Diễn đàn thông tin quốc tế (Mỹ) ngày 22 – 2 – 1983
3: ED. Xtê – pha – nốp, Trung Quốc bành trướng trên hướng biển,NXB Quan hệ quốc tế, 1980, trang 144.
4: Theo tờ Liên hợp báo (Đài Loan), ngày 2 – 9 – 1987
5: Dẫn theo Tìm hiểu Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam với chiến lược bành trướng trên biển Đông
6,7: Sa Lực – Mân Lực, 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, NXB Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992, tr 9.10
8: Sa Lực – Mân Lực, 9 lần xuất quân lớn của Trung Quốc, NXB Văn nghệ Tứ Xuyên 1992, tr.7
9: Theo báo Người hướng dẫn khoa học đạo Ki – tô (Mỹ), ngày 16-3-1988.
10: Theo Văn kiện Bộ ngoại giao nước CHND Trung Hoa, ngày 30-1-1980.
11: Minh sử: quyển 6, tờ 2b – 7a, quyển 7, tờ 1b – 6a, quyển 304, tờ 2a – 2b (Thư viện quốc gia)
12: Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư, NXB Bắc Kinh – Thượng Hải, 9-1990, trang 480.
13, 14: Bary Wain, Yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa hoàn toàn là chuyện rắc rối, báo Asien wall Street (Hồng kông) 15-4-1994.
15: Liberation (Pháp), ngày 25-3-1988.
16: Bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh tại cuộc mít tinh ở đảo Trưởng Sa, kỷ niêm lần thứ 33 ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân (7-5-1955 – 7-5-1988)
17: Theo Công hàm Bộ ngoại giao CHXHCN Việt Nam gửi Bộ ngoại giao CHND Trung Hoa ngày 17, 23 và 27-3-1988.
18: Nhân dân Nhật báo, ngày 12-5-1988.
19: Báo nhân dân, ngày 24-7-1992.
20,21: Báo nhân dân, ngày 22 và 23 – 11 – 1994

Tổng số lượt xem trang