Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Khu công nghiệp: Tràn lan vì thiếu “nhạc trưởng”

- Khu công nghiệp: Tràn lan vì thiếu “nhạc trưởng”
 -(Dân Việt) - Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các khu công nghiệp (KCN) ở ĐBSCL phát triển đúng hướng, bền vững, tránh tình trạng lãng phí đất đai, tiền của, nguồn nhân lực?
Ông Trần Công Chánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, sẽ thành lập đoàn công tác chuyên trách để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án tại KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ông Chánh nhấn mạnh: Mặc dù giải quyết dứt điểm các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng không phải làm mọi cách cho bằng được mà phải quan tâm đến đời sống của người dân trong vùng dự án.
Dự án Nhà máy giấy Lee&Man tại huyện Châu Thành, Hậu Giang rất hoành tráng.
Một trong những giải pháp để giúp người dân sống được với KCN là phải có công ăn việc làm bằng việc phải đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy. Nhưng thực tế không dễ, bởi vùng ĐBSCL, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém; thiếu tính liên kết vùng là cản ngại lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN.
Theo TS Trần Thanh Bé - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, nếu ở những vùng khác tốn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thì ở ĐBSCL phải tốn đến 13 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao cùng với hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện khiến nhiều KCN, CCN ở ĐBSCL khó thu hút đầu tư, lâm vào cảnh hoang phí nhiều năm qua” - TS Bé nhận định.
Theo đánh giá của các ngành chức năng và chuyên gia, việc quy hoạch, phát triển KCN, CCN của khu vực ĐBSCL chưa gắn quy hoạch với sự phát triển kinh tế- xã hội từng địa phương và kết nối toàn vùng. Hầu hết đều quy hoạch theo hướng đa ngành nghề, thiếu các lĩnh vực tập trung, có chọn lọc. Rồi các tỉnh đua nhau hạ giá thuê đất để thu hút đầu tư nên nhà đầu tư được dịp “ép giá”.
Mỗi tỉnh thành đều quy hoạch xây dựng vài ba KCN với những dự án kêu gọi đầu tư na ná nhau nên mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hơn nữa nhiều dự án đầu tư là của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít, sử dụng công nghệ lạc hậu rồi đua nhau thu hút lao động giản đơn khiến nhiều địa phương khó đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư.
Thạc sĩ Phạm Giang Nam (Trường ĐH Bạc Liêu), hiến kế: Quy hoạch cần điều chỉnh để gắn với phát triển công nghiệp vùng, phương án sử dụng tài nguyên, phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương có KCN. Quy hoạch, cũng phải tính đến: Nhà đầu tư sẽ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN. Đồng thời, có các giải pháp về nguồn nhân lực. Đặc biệt, tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.


-Nông dân lãnh đủ vì khu công nghiệp(Dân Việt) - Cứ tưởng có khu công nghiệp, đời sống nông dân ĐBSCL sẽ sớm mở mày mở mặt, nhưng ngược lại, do mất đất, mất việc làm nên họ càng thêm lao đao.
>> Thu hồi đất để... bỏ hoang
Nông dân trong vùng dự án là những người chịu nhiều thiệt thòi khi giao đất cho các nhà đầu tư. Gia đình bà Trần Thị Mỹ - ở ấp Phú Nhơn, xã Đồng Phú (Châu Thành, Hậu Giang), giao gần 2ha đất đang trồng lúa cho Dự án xây nhà máy đóng tàu của Vinashin. Gia đình được bồi thường một số vốn, chia cho mấy đứa con rồi sau đó chịu cảnh thất nghiệp.
Nhiều khu công nghiệp ở ĐBSCL thu hồi đất xong để đó, khiến người dân khốn khổ.


Bà Mỹ, cho biết: “Nông dân tụi tôi chỉ quen với việc đồng áng, bây giờ không có ruộng thì làm sao mà sống. Nhà nước quy hoạch, thu hồi đất thì dân đều chấp hành. Thế nhưng, lấy đất rồi mà mấy năm nay vẫn bỏ hoang…”.
Năm 2007, khi bàn giao nhà cửa đất đai cho Dự án xây dựng Nhà máy Giấy Lee & Man, nhiều nông dân đã bật khóc khi xa mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Ông Nguyễn Thanh Tồn (ở ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, Châu Thành) cho biết: “Khi công bố quy hoạch, gia đình tui ăn ngủ không yên nhưng phải chấp hành vì tương lai của con cháu sau này. Ai ngờ tới nay dự án này vẫn chưa xong…”. Theo ông Tồn, mấy năm nay nếu vườn cam gần 5 công của ông không bị đốn hạ thì kiếm vài trăm triệu đồng khỏe re.
Ông Lê Văn Ngàn (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), có 1,5ha đất bị quy hoạch theo Dự án Vinashin, được bồi thường gần 750 triệu đồng. Có số tiền lớn, ông chia cho 4 đứa con để làm vốn, số tiền còn lại thì mua 5 công đất ở nơi khác. Ông Ngàn cho biết: “Lúc trước, ruộng đất nhiều nên thu nhập khá, cuộc sống cũng ổn định. Bây giờ diện tích đất bị thu hẹp lại, cuộc sống bắt đầu khó khăn hơn”.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang, các dự án tại KCN, CCN, khu tái định cư do ban này quản lý có diện tích gần 2.000ha, với gần 6.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Song đến nay, chỉ giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư gần 438ha, còn 739 hộ chưa nhận tiền bồi hoàn…
Khi thực hiện dự án xây dựng nhà máy đóng tàu và cụm công nghiệp tàu thủy ở KCN Sông Hậu thì Vinashin ưu tiên đào tạo nghề cho những gia đình bị mất đất để ổn định cuộc sống. Lúc đó, 2 xã Đông Phú và Phú Hữu A (nay là thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) có 35 người được đưa đi đào tạo 1 năm ở Hải Phòng.
Tuy nhiên sau khóa học, hàng chục lao động được trả về quê rồi thất nghiệp vì dự án bị đình trệ. Ông Trần Bá Phước (ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú), người được Vinashin ưu tiên đưa đi đào tạo ở Hải Phòng, rồi chờ việc suốt 2 năm bức xúc: “Gia đình tôi bị giải tỏa mất hết đất, được đưa đi đào tạo rất mừng nhưng về lại không có việc làm nên cuộc sống rất khó khăn. Họ cứ nói chờ nhưng chờ hoài không giải quyết việc làm, vì vậy tôi phải đi kiếm việc khác chứ không làm thì lấy gì mà sống…”.
(Còn nữa)

Tổng số lượt xem trang