Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Đất khát

-Đất khát
Người ta đâu lưu tâm một điều không mơ mà thực là: chúng ta đang sống cạnh lời nguyền tài nguyên. Đất phụ người khi người đã biết phụ đất từ lâu lắm rồi.
Tôi lang thang đi trên một huyện miền núi Chư Sê, Gia Lai. Cái nắng hạn khô khốc đã thiêu cháy rụi những vườn cà phê. Người dân nơi đây tay làm hàm nhai. Vỡ hoang đất là niềm vui của đời cha thì hái quả cà phê là niềm hãnh diện của đời con.

Sự kế tiếp của phù sa lao động không chỉ là sức lực đổ mồ hôi, không chỉ là hình thành bản quán của một luồng dân di cư tìm vùng kinh tế mới, không chỉ là tập quán canh tác...Họ đã biết yêu đất từ nỗi nhọc nhằn của mình. Thậm chí,  ở đó là nỗi niềm yêu trần trụi bằng câu nói của một người trồng cà phê: "Đất ơi, sao lại phụ mình?".
Hòn đất mà biết phụ người ư? Đất biến mất nguồn nước, dù đã cắm mũi khoan đào sâu khoét giếng. Đất xua con suối Tiêm ở làng Hố Lao, xã Ia Tiêm đi đâu mất rồi. Thật không, hay tại con người đã lơ đễnh với một quá trình hao mòn đất và nước để một ngày nhận ra  sự phụ bạc với mùa màng là điều tất yếu?
Trước, thác nước cao ở phía đầu nguồn suối Tiêm đổ con dốc lao ầm ầm, gây âm vang cho sức vóc tự nhiên. Suối có nước là nguồn tắm mát cho hàng nghìn hecta rẫy cà phê. Bao mùa bội thu cây trồng, vật nuôi đều có một phần năng lượng của suối.
Nay, suối buồn thiu với từng giọt nước rỉ ra, các tuôcbin nằm yên như một sự giã từ hoạt động. Suối trơ đáy, người dân hoang mang, nhẩm tính sự thất bát bủa vây lấy cấy cà phê. Ăn không ngon, ngủ không yên, họ sốt ruột cầm dao chặt đi một ít diện tích cây trồng để đào giếng sâu. Lòng đất có nước? Ít thôi, đủ để động viên số tiền chục triệu đồng bỏ ra giữa cái cháy khát thiêu đốt sinh kế của làng. Làng cũng chùng xuống với tiếng thở dài làm hao khuyết cả cái đẹp lênh láng của trăng đêm nơi vùng Tây Nguyên nhiều huyền thoại.
Đem một sản phẩm bảo hiểm đặt trên bối cảnh tự nhiên này, phải chăng là chỉ là một giải pháp tình thế? Mức phí bảo hiểm tối đa cho một hecta đất từ 4,5 - 5,5 triệu đồng, tuỳ vùng, bảo hiểm hạn hán đã tìm thấy dư địa kinh doanh của mình? Tất nhiên, người nông dân làm ăn trên một dải đất đã bội sinh rủi ro với cái nắng thì họ chờ mong điều gì ở mức bảo hiểm nông nghiệp này? Theo hợp đồng, hai bên thống nhất ngưỡng hạn được xác định bằng lượng mưa nhất định đo được tại vùng triển khai hợp đồng bảo hiểm.
Trong thời hạn bảo hiểm, nếu lượng mưa bằng hoặc thấp hơn ngưỡng hạn, nông dân sẽ được bồi thường. Sẽ được bồi thường, có nghĩa mà miếng cơm manh áo đã đành với họ, nhưng tâm lý nơm nớp được- mất giữa muôn vàn tai biến tiếp theo mà tự nhiên không báo trước sẽ nhắc nhở họ một điều là: khi trời không chiều lòng người thì tính đoản khúc của một dịch vụ bảo hiểm chưa phải là cứu cánh duy nhất và mãi mãi. Người ta không thể cầu hạn để hưởng bảo hiểm, người ta cầu mưa thuận gió hoà để đất thôi cơn khát mà tiếp tục bình sinh. Dù cho, giá trị bồi thường sẽ cao hơn mười lần so với mức phí tham gia bảo hiểm. Số tiền bồi thường tỷ lệ nghịch với lượng mưa (thấp nhất 10% so với mức tối đa), được tính theo một công thức chuẩn với số liệu xác định lượng mưa của các trạm khí tượng thuỷ văn trong khu vực canh tác đã mua bảo hiểm. An ủi vội để âu lo nhiều hơn với việc tính mức bồi thường khá đơn giản, chỉ việc lấy thông số lượng mưa ráp vào công thức đã được xác định trong hợp đồng.
Đất khát đã làm cho chén rượu đón khách của người làm vườn nồng cay, nhiều vụn vỡ bên trong sự sóng sánh của rượu. Những giọt mồ hôi rịn xuống đất, đất vẫn khô. Những đêm khuya ai đó trở mình hoang mang vì bản tin thời tiết chuyển màu nóng nắng, nhiệt độ tăng cao. Bóng ai lên rẫy đổ nghiêng trong nắng trong một buổi mai. Người ta đâu lưu tâm một điều không mơ mà thực là: chúng ta đang sống cạnh lời nguyền tài nguyên. Đất phụ người khi người đã biết phụ đất từ lâu lắm rồi.

Tổng số lượt xem trang