Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Hiệu quả hoạt động của các KCX – KCN tại TP.HCM

-Hiệu quả hoạt động của các KCX – KCN tại TP.HCM
(Tamnhin.net) - Được thành lập vào năm 2011, bắt đầu là khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, cũng là KCX đầu tiên của cả nước, đến nay đã 20 năm hình thành và phát triển của các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX - KCN) TP.HCM.

Hội nghị Tổng kết 20 năm Xây dựng và Phát triển các KCX- KCN TP.HCM. Ảnh: Thanh Loan

Tuy còn nhiều khó khăn và những hạn chế trong việc xây dựng và phát triển nhưng những thành quả mà các KCX- KCN tạo ra trong suốt 20 năm đã chứng minh hướng đi của thành phố phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp nền tảng cho sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Những thành quả nổi bật đạt được trong 20 năm qua của các KCX- KCN TP.HCM phải kể đến là:

Thu hút vốn đầu tư đạt 7,7 tỷ USD

Tính đến cuối tháng 3/2011, tổng vốn đầu tư tại các KCX- KCN của TP.HCM đạt 7,7 tỷ USD bao gồm vốn đầu tư của dự án sản xuất công nghiệp, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng KCX- KCN và các dự án cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.

Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 20 năm qua liên tục gia tăng và đạt được kết quả quan trọng. Theo thống kê, hiện có 483 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư 4,024 tỷ USD tại các KCX- KCN, chiếm 42% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của thành phố.

Giai đoạn 2006 – quý I/2011, tổng vốn đầu tư FDI tại các KCX-KCN đạt 2.268,79 triệu USD, tăng 163,25% so với giai đoạn 2001-2005.

Vốn đầu tư trong nước tại các KCX- KCN cũng liên tục gia tăng. Hiện có 733 dự án doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư tại đây với vốn đầu tư đăng kí 39.755,37 tỷ đồng (tương đương 2,66 tỷ USD). Tốc độ thu hút vốn đầu tư tăng dần qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 1996-2000, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 164,26 triệu USD; giai đoạn 2001-2005 đạt 1.057,18 triệu USD, tăng 543,61% so với giai đoạn 1996-2000; giai đoạn 2006-quý I/2011 đạt 1.585,27 triệu USD, tăng 49,95% so với giai đoạn 2001-2005.

Kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ lệ 60%

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các KCX& CN TP cho biết tính từ khi thành lập cho đến hết năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của các KCX, KCN thành phố lũy kế đạt 42.836,84 triệu USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 23.211,83 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12,53% kim ngạch xuất khẩu chung của thành phố, chiếm 25% nếu không kể dầu thô, và chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI trên địa bàn thành phố thì KCX, KCN chiếm tỷ lệ trên 60%.

Tỷ trọng cơ cấu ngành nghề theo vốn đầu tư trong KCX – KCN TP.HCM

Đi đầu trong cải tiến trình độ kỹ thuật, công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý

Nếu như trước đây, công nghệ của các DN trong KCX- KCN thường là các loại công nghệ thâm dụng lao động thì càng về sau, khi độ an toàn của môi trường đầu tư cho phép, các nhà đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, để sản xuất các sản phẩm có độ chính xác trong các lĩnh vực điện tử, cáp quang, vi mạch, bán dẫn, pin năng lượng mặt trời v.v…

5 ngành nghề chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất so với tổng vốn đầu tư đăng kí là: điện tử (25,47%), hóa nhựa (14,93%), cơ khí (13,215), thực phẩm (8,92%) và dệt may (8,84%). Nếu so sánh với năm 2006, các ngành chiếm tỷ trọng lớn là dệt may (12,9%), chế biến thực phẩm (12,4%), điện – điện tử (11,8%), cơ khí (9,6%) thì cơ cấu ngành nghề đầu tư đã có sự chuyển dịch lớn, theo hướng tập trung vàp 4 ngành công nghiệp chủ lực của thành phố là cơ khí, điện- điện tử, hóa nhựa và chế biến tinh lương thực- thực phẩm.

Giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động

Tính đến cuối năm 2010, các KCX- KCN đã thu hút được 255.855 lao động. Trong đó, lao động làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài là 180.607 người, chiếm 35% lao động làm việc trong DN có vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố. Lao động nhập cư chiếm khoảng 70% và tỷ lệ lao động nữ chiếm 63% tổng số lao động.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM phát biểu: KCX – KCN đã góp phần phát triển đội ngũ công nhân có kỹ thuật. Người lao động trở nên năng động hơn, có ý thức học tập, nâng cao tay nghề, trình độ văn hóa, có ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp và hiểu biết pháp luật.

Ông Trần Anh Tuấn trả lời báo chí bên lề hội nghị. Ảnh: Thanh Loan

Tỷ lệ lao động trình độ trung học cơ sở (THCS), phổ thông trung học (PTTH) giảm, thay vào đó là trình độ lao động trung cấp, cao đẳng và đại học ngày càng tăng. Nếu năm 2001, tỷ lệ lao động có trình độ THCS, PTTH chiếm 80%; trình độ trung cấp, cao đẳng là 15% và đại học trở lên chỉ chiếm 5% thì đến năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ THCS, PTTH chiếm 77,5% (giảm 2,5%); trình độ trung cấp, cao đẳng là 12,7% (giảm 2,3%) và đại học trở lên là 9,8% (tăng 4,8% khoảng 20.000 người).

Bên cạnh đó, các KCX –KCN bước đầu đã xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, cùng DN chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần hỗ trợ DN phát triển bền vững.

Cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã phát huy tốt trong 20 năm qua nhằm giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, làm thay đổi phong cách quản lý; đảm bảo tập trung thống nhất đầu mối trong quản lý, hoàn thiện cung cách phục vụ , tạo được lòng tin cho nhà đầu tư.

Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM có 3 KCX và 12 KCN có Quyết định thành lập với tổng diện tích 3.521,37 ha, chiếm 59% so với tổng diện tích quy hoạch dành cho các KCX, KCN tập trung (6.000ha).

Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 22 KCX – KCN tập trung với tổng diện tích 5.939,61 ha, với nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: “Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp tại KCX- KCN hiện hữu. Thực hiện đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghệ tiên tiến, chuyển từ công nghiệp gia công sang chế biến và công nghiệp chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tạo khả năng cạnh tranh; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, bảo vệ môi trường bền vững”, ông Vũ Văn Hòa kết luận.


Thanh Loan

Tổng số lượt xem trang