Có hay không lực lượng "bảo kê"?
Câu chuyện được hé lộ khi cánh phóng viên chúng tôi bất ngờ gặp được một cò đất chuyên nghiệp tên M, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Sau một buổi cùng nhau đi lùng đất, giờ ăn trưa, M được dịp khoe mẽ cái nghề gã ví là "bạc như đất".
Với sự am tường đến chân tơ kẽ tóc về thế giới bất động sản, M thao thao kể: "Trước đây, đất dự án có để hoang cũng chẳng ai thèm ngó. Sau đó, dân anh chị trong vùng mới đứng ra kêu đàn em dọn dẹp, quây lô, mở quán kinh doanh.
Dần dà, khi hệ thống giao thông, hạ tầng hoàn thiện, đất hoang bỗng có giá. Vì lời quá, chính quyền và chủ đất quay lại dẹp quân nhảy dù, nhưng cứ dẹp hôm nay thì mai đâu lại vào đấy. Thấy ớn quá, hai bên ngồi lại với nhau bàn tính, ông có đất sẽ giao cho ông có máu mặt quản lý, quyết định giá cả thuê mướn và chịu trách nhiệm chia cổ phần. Làm như thế sẽ an toàn cho cả hai khi cơ quan chức năng soi xét. Lúc đó ông có đất sẽ lờ đi như không biết, còn ông máu mặt chỉ bị xử lý hành chính với hành vi lấn chiếm".
Rất nhiều dự án chỉ làm duy nhất chức năng cắm biển... treo đất.
Tuy nhiên, theo M, hiện tại, các khu đất dự án chưa triển khai có địa thế đắc lợi trên địa bàn Hà Nội đang thuộc về một vài ông "trùm" có máu mặt. Ví như hàng loạt khu đất trên đường Phạm Hùng (đoạn gần tòa nhà Keangnam) đã được cấp cho chủ đầu tư dự án xây dựng trụ sở văn phòng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các dự án chưa được thực hiện.
Thấy "đất vàng" bị bỏ không, một nhân vật nghe đâu là người nhà với lãnh đạo thành phố đứng ra xin được sử dụng tạm. Chỉ cần một cái gật đầu đơn giản của đơn vị quản lý, toàn bộ khu đất phải tới vài chục nghìn mét vuông đã được chia nhỏ cho thuê lại với mức giá không hề nhỏ.
Thậm chí, nhiều khu đất khác trong các KĐT Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình,... giới buôn đất cũng kháo nhau về một quyền lực được bảo kê từ A đến Z.
Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi quyết định liên hệ với một đầu nậu khác tên Đ., hiện được giới thiệu có khoảng 1.000 m2 đất trong KĐT Nam Trung Yên. Liên lạc với Đ. qua số điện thoại có đầu số 090428... Đ khẳng định: "Chỉ cho thuê 1.000m2 trở lên với giá 40.000 đồng /m2 ở gần Trường tiểu học Nam Trung Yên, mặc dù đất dự án nhưng phải đến 4 - 5 năm nữa mới triển khai. Ai muốn thuê đất thì đến xem ngay, có biên bản giao kèo đàng hoàng".
Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giao kèo cho thuê đất cũng được tính toán kỹ lưỡng để tránh bị... sờ gáy. Mặc dù quảng cáo với khách là có biên bản giao kèo, nhưng thực chất, hai bên thực hiện bằng biên bản miệng theo một nguyên tắc chung: Khi nào dự án triển khai, hợp đồng cho thuê sẽ hết giá trị.
Nếu bên thuê một mực yêu cầu văn bản thì sẽ được giao cho mảnh giấy ghi rất chung chung về diện tích đất, giá cho thuê và đương nhiên, bên cho thuê là một ông chủ đứng tên hoàn toàn xa lạ với khu đất. Có một số trường hợp, việc cho thuê lại đất các dự án còn do chính đơn vị được giao quản lý thực hiện.
Vì sự tinh vi trong cách giao kèo cho thuê đất, mà nhiều lần cơ quan công an vào cuộc nhưng không đủ cơ sở pháp lý để khởi tố.
"Vấn đề khó nói"
Băn khoăn trước hành động trục lợi tiền tỷ từ "đất vàng" bỏ hoang, chúng tôi quyết định quay trở lại tìm gặp ông Nguyễn Hải Đăng, PCT UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Đăng cho biết: "Đã rất nhiều lần, cơ quan chức năng, thậm chí là cả công an đã điều tra, làm rõ về việc cho thuê đất tràn lan trên đường Lê Văn Lương nhưng vẫn bất lực. Mặc dù biết rất rõ, có một đơn vị đứng ra cho thuê đất, nhưng khi vào cuộc thì lại gặp khó khăn, vì toàn bộ hợp đồng cho thuê đất chỉ được thực hiện bằng miệng. Thậm chí, những người đi thuê còn đứng ra thừa nhận lấn chiếm, chứ không thuê của ai cả, đành phải tiến hành xử phạt hành chính. Bên Công an cũng khẳng định, chỉ cần có trong tay một bản hợp đồng cho thuê dạng đất này, sẽ xử lý hình sự ngay".
Điều mà ông Đăng lo lắng hơn chính là việc các chủ đầu tư thứ phát mặc dù đã được bàn giao đất, nhưng lại thiếu trách nhiệm quản lý. Điều này khiến cho chính quyền địa phương phải vất vả trong công tác giải phóng mặt bằng với sự chống đối của những thành phần là dân anh chị xã hội.
"Tấc đất, tấc vàng" giờ còn là nơi đổ phế thải.
Điển hình là cuối năm 2011, nhằm giải tỏa khu đất bị lấn chiếm trong KĐT Nam Trung Yên, khi các lực lượng chức năng đến nơi đã thấy 4 thanh niên đứng 4 góc căn nhà tạm được dựng bằng mái lá châm lửa đốt như thách thức. Rồi các khu đất không có hàng rào che chắn, bỗng trở thành nơi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. "Một sự thật đáng buồn, là tấc đất tấc vàng ngay giữa Thủ đô đang bị lãng phí", ông Đăng trăn trở.
Bất ngờ khi chúng tôi tìm hiểu nhiều khu đất đang bị chiếm dụng khai thác bừa bãi trên đường Phạm Hùng (đoạn gần tòa nhà Keangnam). Toàn bộ khu đất có diện tích 11ha của 23 đơn vị được TP.Hà Nội giao cho Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ - Thanh Xuân (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) quản lý.
Mặc dù có quyết định giao đất từ năm 2008, nhưng đến nay, mới hơn một nửa diện tích này triển khai dự án (trong đó riêng Keangnam là 4,6ha, Tổng cục Hải quan 2ha...). Đa số đất còn lại, các đơn vị vẫn nằm im bất động do vướng mắc nhiều vấn đề (trong đó phải kể đến những Tổng lớn như: Tổng công ty Điện tử và tin học Việt Nam; Tổng công ty Điện lực Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp;...).
Mặc dù chưa triển khai, nhưng thành phố cũng đã tạm giao cho các chủ đầu tư thứ phát, việc còn lại là các chủ đầu tư thứ phát phải hoàn thiện thủ tục tài chính cho Nhà nước. Nghịch lý, cho đến tận bây giờ, các chủ đầu tư vẫn dửng dưng nhìn "đất vàng" của mình sinh lợi tiền tỷ cho cá nhân khác?
Lý giải điều này, ông Vũ Đức Tòng, giám đốc BQLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ - Thanh Xuân, cho biết:"Trước đây ông này không được thì ông khác nhảy vào, nhưng khi cho thuê thì không ký kết gì cả mà chủ yếu là thoả thuận miệng. Khi thành phố giao đất cho các đơn vị triển khai xây dựng thì họ phải tự di chuyển đi chỗ khác ngay. Hoạt động này chỉ là tạm thời, vì trên thực tế từng khu đất đã có chủ của nó rồi. Ngoài ra, trong số này cũng có một vài chỗ là mối quan hệ của thành phố, hiện họ vẫn đang sử dụng, nếu có thông báo tất nhiên họ sẽ di chuyển. Nhưng nói thì dễ, còn họ di chuyển đi đâu lại là cả vấn đề nan giải".
Vương Trần - Quỳnh Chi
Kỳ tới: Khó xử vì công nghệ... "bôi trơn"
Kỳ 1: "Tấc đất, tấc vàng" bị bỏ hoang vô tội vạ
Đua nhau "xẻ thịt" đất công trục lợi tiền tỷ
(Nguoiduatin.vn) - Lợi dụng sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý đối với những lô đất để không, nhiều đối tượng lao vào xâu xé dựng lều, đóng bạt làm nơi kinh doanh thu lợi tiền tỷ. Trong khi đó, tiền của Nhà nước vẫn bốc hơi theo những dự án treo chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện.
"Đất vàng" bỏ hoang đang sinh ra một khoản kếch xù cho một nhóm người "thừa đục thả câu" với muôn vàn rắc rối về môi trường, mỹ quan đô thị và tình hình an ninh trật tự...
Các sân bóng cũng thi nhau mọc lên trên đất bỏ hoang
Cuộc đổ bộ chiếm đất
Thay cho những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại được dựng lên như trong quy hoạch đã được phê duyệt, hàng trăm nghìn m2 đất la liệt trong các quận nội thành của TP. Hà Nội bỗng trở thành các ki -ốt bán hàng, trạm rửa xe, sân bóng mini, gara ô tô... thậm chí là cả quán bia hơi, trà đá. Nhiều người thắc mắc, vì sao những khu đất nằm trên địa thế đắc lợi có giá trị hàng trăm tỷ đồng lại được chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng lạ lùng đến như vậy.
Nhưng ít ai biết, phía sau của sự thay hình đổi dạng đó là những khoản lợi nhuận kếch xù rót vào túi những ông "trùm" ôm đất "treo" để cho thuê lại. Tiền thuế sử dụng đất chưa biết các chủ đầu tư đóng cho Nhà nước ra sao, nhưng hiện trạng cho thấy, nhiều chục tỷ đồng thu lợi bất chính đã làm giàu cho một nhóm người có máu mặt, trong khi người dân vẫn mỏi mòn chờ đợi quỹ đất mong mua được nhà giá rẻ.
Điển hình phải kể đến hàng loạt khu đất chậm triển khai dự án trên đường Phạm Hùng (đoạn từ ngã tư Lê Văn Lương đến cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội). Cách đây nhiều năm, TP. Hà Nội đã có quyết định phân đất cho các Tổng công ty lớn thực hiện các dự án nhà ở, trung tâm thương mại và tòa nhà văn phòng. Mặc dù trên thực tế, các khu đất đã được phân ô chỉ rõ cho các chủ đầu tư, nhưng đã nhiều năm trôi qua các dự án vẫn nằm trên giấy. Thay vào đó, hàng loạt ki -ốt kinh doanh ô tô, sân bóng đá, quán ăn... mọc lên như nấm. Thậm chí, để tận dụng tối đa đất thừa thãi này, các biển hiệu, ki-ốt được căng bạt, dựng rào tôn, thép gai lởm chởm cũng đua nhau chen lấn, giành giật từng m2 còn sót lại. Phía ngoài mặt tiền được mặc định phục vụ kinh doanh, bán lẻ, phía trong được quây tôn, dựng nhà tạm làm nhà kho, xưởng sửa chữa ô tô... Hầu hết, các công trình đều hết sức tạm bợ, phản cảm, gây bức xúc cho người dân.
Cách đó không xa, KĐT Nam Trung Yên (đoạn gần tòa nhà Keangnam), trên cung đường được nối từ đường Phạm Hùng đến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, hàng loạt khu đất chưa triển khai dự án cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một số người dân sống gần cho biết, sau khi con đường này được mở, đã thấy gara rửa xe, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, quán ăn và sân bóng đá,... mọc lên trên mảnh đất mà trước đó được giới thiệu để dành cho những dự án của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước xây dựng các công trình cao tầng.
KĐT Mỹ Đình cũng được liệt kê vào danh sách "nhảy dù" đất dự án nhiều nhất, khi hàng loạt khu đất bỏ không ở đầu và cuối đường Lê Đức Thọ đang bị các nhà hàng, quán ăn "băm" nát thành từng ô nhỏ để chia phần kinh doanh buôn bán. Đáng lưu ý nhất là cuộc "xâm lăng" chiếm dụng khu đất bị bỏ hoang từ nhiều năm nay ở ngã ba trên tuyến đường từ Mai Dịch rẽ vào Lê Đức Thọ. Ông chủ đang giữ "sổ đỏ" của khu đất này là ai vẫn là điều bí mật. Chỉ biết rằng, đã nhiều năm nay, khu đất đã không được ai ngó ngàng tới ngoài những vị chủ quán ăn đang bám vào đó để kiếm bộn tiền.
Sẽ không khó nếu chúng ta muốn biết rõ nghịch lý này. Chỉ cần chạy xe một vòng quanh 4 khu đô thị nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm (TP. Hà Nội) là thấy được hiện trạng đất công bị "xẻ thịt" tại địa bàn các quận Hoàng Mai, Long Biên,... cảnh tượng đất công bị chiếm dụng càng muôn hình vạn trạng. Tình trạng trên không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự xã hội mà còn gây nên sự lộn xộn, ô nhiễm môi trường khiến ai đi qua cũng cảm thấy bức xúc, khó chịu.
Bỏ túi hàng chục tỷ đồng nhờ dự án treo
Trong vai người có nhu cầu mặt bằng lớn để kinh doanh, sau một ngày lân la trà vỉa hè, chúng tôi đã tiếp cận được với H. - một đầu nậu tự xưng đang "ôm" trong tay hàng chục nghìn m2 đất trống thuộc khu vực Đông Nam Hà Nội. Không vòng vo, H. cao giọng: "ở đây cho thuê là ký trực tiếp chủ đất chứ không qua trung gian. Bây giờ bạn không thuê ngay, chỉ tháng nữa thì tìm đỏ mắt cũng chẳng còn đất đâu mà làm". Chúng tôi hỏi điều kiện, thủ tục thuê đất ra sao, H. không ngần ngại: "Sẽ có giấy tờ ký kết giao kèo, hầu hết là đất dự án nên sẽ cho thuê đến khi dự án triển khai thì thôi, nhưng trước khi triển khai sẽ được thông báo ít nhất 6 tháng".
Các quán ăn đang sinh lợi tiền tỷ từ "đất vàng"
Thấy chúng tôi đã thuận, H. giới thiệu luôn: "Nếu muốn làm sân bóng, tennis, tôi hiện có 30.000m2 đất đường Lê Văn Lương kéo dài, giá 25.000đ/m2/tháng và hơn 3.000m2 đất đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài với giá 25.000đ/m2. Gara ô tô thì có: 450m2 đất mặt đường Nam Trung Yên, giá 65.000đ/m2; 3.000m2 nhà xưởng mặt đường Lê Trọng Tấn, giá 40.000đ/m2 và 500m2 ở đường Lê Đức Thọ, mặt tiền 20m, giá 20 triệu/tháng. Đất mở quán bia thì phải thuê với giá cao hơn, từ 70.000 - 120.000đ/m2, tùy thuộc vào vị trí trên các tuyến đường như: Lê Văn Lương kéo dài, Lê Đức Thọ,... Với lý do để tính toán thêm, chúng tôi hẹn H. vào một ngày gần nhất đi xem đất. H. đồng ý và không quên nhắn nhủ: “Các bạn tìm đến đây là đúng gốc rồi, đừng lang thang mà bị bọn cò đất nó cắt mất vài ngàn đồng/m2 thì mệt lắm. Nếu chưa tin đây là giá tốt nhất thì các bạn cứ lên mạng mà tham khảo".
Nghe theo lời gã đầu nậu ôm đất dự án này, gõ trên google với nội dung "cho thuê đất dự án", chúng tôi giật mình khi có hơn 70 triệu kết quả rao thông tin trên. Sau khi tham khảo giá trên mạng, cũng như đối chiếu khung giá chào hàng của H., thử làm nhanh một phép tính đơn giản, với mức giá cho thuê trung bình từ 40.000 - 70.000đ/m2, một khu đất có diện tích 1.000 m2 sẽ đem lợi về cho "cò" mỗi tháng từ 40 - 70 triệu đồng. Trong khi, trong tay H. đang nắm hàng chục nghìn m2 đất, thì mỗi năm bỏ túi vài chục tỷ đồng, một con số siêu lợi nhuận mà chẳng sợ ai... sờ gáy. Vì thế, cũng dễ hiểu vì sao, với sức cuốn hút mãnh liệt này, các chủ đầu tư đang nắm đất trong tay vẫn vô tư... để không.
Mang câu hỏi về trách nhiệm quản lý đến gặp ông Vũ Đức Tòng, giám đốc BQLDA Đầu tư và Xây dựng Láng Hạ (Thanh Xuân) đơn vị được giao trọng trách quản lý một phần các khu đất chưa triển khai dự án nêu trên, chúng tôi nhận được lời giãi bày: "Theo quy định, khi thành phố giao cho Ban san lấp mặt bằng xong thì bàn giao cho thành phố, nhưng thành phố lại giao cho Ban làm cơ sở hạ tầng. Khi chưa có quyết định phê duyệt tỉ lệ 1/500 nên chúng tôi chưa thể làm được hạ tầng. Do đó, chúng tôi chỉ tạm quản lý, trông giữ cho thành phố mà thôi. Cái nút chính ở đây là tài chính, nếu không cho cửa mở về tài chính thì làm cái gì? Khi giao, thành phố bảo chúng tôi trông đi nhưng lại không cho tiền, cho người để trông giữ. Như vậy thì chúng tôi biết trông thế nào", ông Tòng khẳng định.
Vương Trần - Quỳnh Chi
Đón đọc bài sau: Ai "bảo kê" cho việc trục lợi tiền tỷ từ "đất vàng" bỏ hoang?
– Kê khống đất để hưởng đền bù ở Củ Chi – Bài 2: “Dân tự kê khai, tôi chỉ đi xác minh”?(PLTP). –- Bài 1: Đất “trên trời”… rơi vào sổ đỏ (PLTP).- Ông Phó Tổng thanh tra chính phủ làm việc tại Hải Phòng: Không để xảy ra tình trạng quá khích khi tiếp dân (Thanh tra).- Ứng xử tình lý với dân: Thất hứa, dân bất bình (DV).- Đối thoại với dân khi có khiếu nại về đất đai (NLĐ). - Vai trò của truyền thông đối với nguồn lực đất đai (Công Lý).- Phá rừng và chuyện bỏ mạng giữa đại ngàn (VNN). – Phá rừng phòng hộ ở Phú Yên: Huyện bác kết quả xử lý của cấp xã(VOV).- Bộ KH&ĐT đã trình cơ chế chống ‘chạy dự án’ (VEF). - Bộ trưởng KH&ĐT: ‘Không ai có thể nói Bộ mình không tiêu cực’ (ĐV).- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh đối thoại trực tuyến với dân: Không thể sử dụng đất lúa làm sân golf (TT). - Bộ trưởng Vinh: Đã có “thuốc” trị tiêu cực xin – cho (DT).
- Điều dân quan tâm [có thật là dân kg quan tâm tới sở hữu đất đai]
Các cơ quan liên quan đang gấp rút hoàn thành tổng kết việc thi hành pháp luật về đất đai và dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2003.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia liên quan đến công tác sửa đổi luật. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất của lần sửa đổi sắp tới là nội dung “có hay không thừa nhận đa dạng hóa sở hữu đất đai”.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của VnEconomy tại buổi họp báo thông báo tiến độ sửa đổi luật đất đai chiều 7/3, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính cho rằng “người dân không quan tâm tới sở hữu đất đai!”.
Ông Chính nói:
- Việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có những nội dung về sở hữu, gia hạn, hạn điền... là những vấn đề hết sức lớn, đòi hỏi phải có ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 26, Luật Đất đai 2003, có nhiều ý kiến khác nhau về sở hữu. Có ý kiến cho rằng vẫn tiếp tục sử dụng khái niệm “sở hữu toàn dân”, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “toàn dân” là mông lung, thay vào đó nên đa hình thức sở hữu, trong đó có tư hữu đất đai...
Hay vấn đề có chia lại đất nông nghiệp đã giao hay không, có nâng thời hạn, hạn mức giao... cũng vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Gần như tư hữu rồiCó ý kiến cho rằng, nhà nước đã giao cho người dân các quyền, họ đã thực hiện các quyền rồi, hoặc nhà nước đã thu hồi.... giờ chia lại như thế nào được. Vậy quan điểm của Bộ với tư cách là cơ quan tham mưu cho lần sửa đổi này như thế nào trước đề xuất chúng ta nên đa dạng hóa sở hữu đất đai?
Như tôi đã nói ở trên, sở hữu đất đai hiện rất vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau.
Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà quản lý đất đai, tôi thấy câu chuyện về khái niệm sở hữu đất đai chỉ có các nhà nghiên cứu mới tranh luận đến vấn đề này thôi, còn người dân thực ra họ không quan tâm đất đó thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước.
Cái họ quan tâm là họ có được sử dụng lâu dài hay không, và khi nhà nước thu hồi họ được bồi thường như thế nào, có thỏa đáng không mà thôi.
Bên cạnh đó, họ quan tâm là khi sử dụng đất thì họ có được chuyển nhượng, mua bán, thừa kế, thế chấp, cho tặng... hay không.
Tôi cho rằng, dù dưới hình thức nào thì giải quyết được những vấn đề đó mới là vấn đề quan trọng.
Hiện chúng ta đang chia thành mấy loại đất, trong đó quan trọng nhất là đất ở và đất nông nghiệp. Với đất ở thì nhà nước thực hiện giao lâu dài và cho phép người dân có hết các quyền đi kèm. Theo các nhà lý luận, như vậy không khác gì đã thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
Nhưng vấn đề ở chỗ là “danh chính ngôn thuận”, thưa ông?
Tôi lưu ý rằng, kể các các nước có sở hữu tư nhân về đất đai, nếu nhà nước cần lấy đất cho mục tiêu công ích thì người dân vẫn phải thu hồi hoặc trưng thu, trưng mua và dân vẫn phải chấp nhận. Quan trọng cái mà chúng ta đang hướng tới là khi nhà nước lấy đất của dân thì phải vận hành chính sách bồi thường cho thỏa đáng.
Nhưng trước khi quyết định có hay không sở hữu tư nhân về đất đai, cơ quan quản lý có lấy ý kiến nhân dân không thưa ông?
Riêng đối với Luật Đất đai lần nào sửa cũng phải qua hai kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp thứ nhất là Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó ban soạn thảo sẽ tiếp thu rồi trình lấy ý kiến nhân dân. Tiếp đó, trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan thực hiện tiếp tục tổng hợp, trình Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo rồi mới thông qua.
Thời hạn giao đất không có ý nghĩa
Ngoài vấn đề sở hữu, hiện có một nội dung cũng được dư luận quan tâm đó là thời hạn giao đất nông nghiệp sắp hết (2013). Chính điều này đang gây khó dễ cho rất nhiều người dân đang sử dụng đất này khi họ không thể dùng đất đó để thế chấp vay vốn tại ngân hàng...
Điều 20 của Luật Đất đai 1993 đã quy định cụ thể đối với đất nông nghiệp “thời gian sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm; để trồng cây lâu năm là 50 năm. Khi hết thời hạn sử dụng, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng chấp hành mọi quy định về pháp luật đất đai thì nhà nước tiếp tục giao để sử dụng.
Quy định này tiếp tục được khẳng định tại khoản 1, điều 67 của Luật Đất đai 2003. Sau đó chúng ta lại có tiếp Nghị định 81, trong đó điều 34 quy định hướng xử lý tiếp theo khi hết thời hạn sử dụng đất như thế nào.
Đối với trường hợp được tiếp tục được sử dụng đất, luật hiện hành chỉ quy định đơn giản “người đó có nhu cầu, phù hợp quy hoạch, chấp hành nghiêm”. Do đó, sắp tới chúng tôi sẽ có thông tư hướng dẫn xử lý vấn đề này.
Đúng là hiện nay có tình trạng các hộ gia đình mang quyền sử dụng đất nông nghiệp đi thế chấp vay vốn ngân hàng nhưng không được vì trên giấy sử dụng đất chỉ còn 1 năm.
Cũng có một số trường hợp khi được bồi thường, giải phóng mặt bằng đã bị bên đền bù cho rằng sắp hết hạn nên giảm tiền đền bù... Đó là những thiệt thòi cho người dân.
Chính vì vậy, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan công chứng, chứng thực tiếp tục chứng thực cho nhân dân khi thực hiện các quyền liên quan đến diện tích đất họ đang sử dụng như thế chấp, chuyển nhượng...
Thứ hai là yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục cho người nông dân được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng.
Tích tụ ruộng đất là tất yếu
Vậy còn hạn mức đất nông nghiệp, có ý kiến cho rằng chỉ giao vài ba ha thì khó mà có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa được?
Đối với việc có nâng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp lên hay không vẫn còn nhiều ý kiến, có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên vì hiện nay chúng ta chuyển dịch lực lượng lao động ra khỏi nông nghiệp vẫn ít quá, vẫn cần phải bảo vệ người nông dân để họ có đất sản xuất.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu giữ nguyên thì không thể sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp được, không có sản xuất lớn, tập trung được.
Thực tế theo tôi biết, có những hộ ở An Giang có 40 ha nhưng họ phải giấu, nếu không sẽ bị thu hồi.
Do đó, chúng tôi đang tổng hợp tất các các ý kiến trái chiều, kể cả các phân tích trong từng đề xuất để trình các cấp cao hơn.
Còn thời hạn giao đất, nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ thời hạn hoặc phải nâng lên cao hơn?
Đối với đất nông nghiệp, hiện chúng ta quy định là chỉ giao 20 hay 50 năm nhưng vẫn có điều khoản đi kèm là tiếp tục giao nếu có nhu cầu. Như vậy về bản chất thì thời hạn ở đây cũng không có ý nghĩa gì.
Chúng ta giao 20 năm, chẳng hạn còn 1 năm nữa là hết hạn thì vẫn bồi thường như mới được giao.
Theo quan điểm của của tôi, nếu các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp, vẫn tiếp tục làm nông nghiệp thì thời hạn 20 năm không có giá trị gì vì khi hết hạn lại tiếp tục giao cho họ.
Còn hạn điền, hiện chúng ta có gần 70% lao động trong nông nghiệp và phấn đấu sẽ giảm xuống còn 30 -35%, tức là sẽ có một bộ phận rút khỏi nông nghiệp rất lớn.
Cùng với đó, chúng ta cũng chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất lớn trong nông nghiệp. Nếu cứ để mỗi nhà một vài mảnh ruộng như hiện nay thì không thể có sản xuất hàng hóa nông nghiệp được.
Quan điểm của Bộ là phải nâng hạn mức lên. Nhưng có hai hạn mức, đó là hạn mức đất nông nghiệp được nhà nước giao, không thu tiền. Hạn mức này về cơ bản đã giao hết và không có gì thay đổi.
Còn hạn mức về nhận chuyển quyền sử dụng, khi người nhận có kinh nghiệm sản xuất, có vốn thì phải khuyến khích nâng hạn mức lên. Chỉ khi tích tụ nhiều quá thì đánh thuế để quản lý vấn đề này.
-Những vấn đề từ “sở hữu toàn dân” -(TBKTSG) - Tôi rất đồng ý với GS. Võ Tòng Xuân về việc đặt lại quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai, tài nguyên, và rừng biển (bài Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai - TBKTSG số ra ngày 9-2-2012). Đây là điều tôi cũng suy nghĩ từ lâu nay nhân dịp này xin trao đổi những suy nghĩ sơ lược dưới đây. Những điều này cần được nhiều người cùng phân tích sâu hơn.
Ở Việt Nam, khái niệm sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai đặt ra một số vấn đề:
1. Luật Đất đai Việt Nam chủ yếu hạn chế quyền tư hữu về ruộng đất đối với nông dân. Trừ đất ở, đất đai không thuộc về công dân. Trong khi mọi tài sản khác đều có chủ và quyền sở hữu được luật pháp bảo vệ. Như thế Luật Đất đai đã tước đoạt quyền sở hữu của cải của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Ở bất cứ nước nào, của cải lớn nhất của dân là đất nhưng ở Việt Nam thì không thể. Nông dân chỉ có thể là người nghèo hoặc thoát nghèo chứ không bao giờ vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình được.
2. “Nhà nước” có thể lấy lại đất bất cứ lúc nào và giá trị bồi thường là do “nhà nước” quyết định. Chúng tôi để “nhà nước” trong ngoặc kép là vì ở đây có thể là chính quyền cấp huyện hay thậm chí cấp xã.
3. Ở các nước, không có ý niệm sở hữu toàn dân. Như ở Mỹ, quyền công hữu đất đai và tài nguyên thuộc về các địa chỉ rõ ràng: chính phủ liên bang hoặc chính quyền tiểu bang, hay thành phố (60% thuộc tư hữu, 40% thuộc công hữu, trong đó 28% thuộc chính phủ liên bang, 9% thuộc chính phủ bang và chính phủ cấp tương đương tỉnh hay thành phố, 2% thuộc dân da đỏ). Không có đất đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở Việt Nam. Quyền sở hữu và trách nhiệm được quy định rất rõ ràng. Để bảo đảm lợi ích chung của khu vực mà lợi ích có thể mâu thuẫn nhau, đất đai bờ biển có thể thuộc khu vực rộng lớn (vượt trên bang, tỉnh, thành phố) thì có cơ quan công quyền liên tiểu bang/liên tỉnh sở hữu để giải quyết nhu cầu chung về hạ tầng cơ sở. Thí dụ, có Port Authority of New York and New Jersey sở hữu đất đai và bờ biển thuộc hai bang New York và New Jersey để quản lý chung nhằm phát triển giao thông (phi cảng, hải cảng, cầu cống, đường sá nối liền hai bang) hoặc có Tennessee Valley Authority sở hữu đất đai và tài sản khác nhằm chống lũ lụt, xây dựng giao thông, quản lý đất đai, cung cấp điện, phát triển kinh tế chung ở khu vực sông Tennessee. Đây là các công ty công không vì mục đích lợi nhuận, do các bang khu vực cử người quản lý, điều hành, không dựa vào thuế của dân mà dựa vào phí dịch vụ. Đất đai và tài nguyên công thuộc công quyền được quy định rất rõ ràng. Cách quản lý theo khu vực như trên tránh cho việc cạnh tranh xây dựng cảng, khu công nghiệp theo kiểu phong trào như ở Việt Nam.
4. Quan điểm về kinh tế vùng, công quyền vùng, quy hoạch, trách nhiệm vùng gần như chưa có ở Việt Nam. Ngay cả đến cơ sở của ngân hàng trung ương hiện nay nằm ở tỉnh và thành phố có thể bị lợi ích cục bộ ảnh hưởng thay vì thực hiện chính sách vùng. Làm thống kê cũng thế, số liệu cũng bị lợi ích địa phương bóp méo. Đây là điều cần suy nghĩ.
5. “Nhà nước” được định nghĩa là các cơ quan công quyền tỉnh, thành phố và huyện. Cho nên sở hữu toàn dân biến thành sở hữu của các cơ quan công quyền các loại, chứ không còn là thuộc toàn dân thực sự. Chính nhà nước trung ương và tỉnh cũng không biết để quản lý các hoạt động sử dụng đất đai của địa phương (các cơ quan công quyền theo luật chỉ phải theo quy hoạch chung, nhưng địa phương lại có quyền đề nghị thay đổi quy hoạch và thực tế thì quy hoạch chung này chưa chắc đã có và nếu có thì biết ai sẽ kiểm soát việc thực thi và có khả năng kiểm soát đến đâu). Kết quả là đất đai và tài nguyên thiên nhiên không còn nằm trong quyền sử dụng vì lợi ích quốc gia mà vì lợi ích cục bộ, thậm chí để làm giàu cá nhân.
Tôi cũng xin nói thêm một ý về việc thu hồi đất. Hiện nay Luật Đất đai cho phép thu hồi đất với hai loại mục đích:
• Điều 39 - Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng
• Điều 40 - Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.
Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại điều 39 của luật này.
2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Hai mục đích thu hồi đất trên hoàn toàn khác nhau. Điều 39 là vì lợi ích chung. Điều 40 lẫn lộn mục đích chung và mục đích tư. Ở các nước thường chỉ cho phép thu hồi vì lợi ích chung. Lấy đất của nông dân, của một tư nhân này để giao cho một tư nhân khác (làm sân golf chẳng hạn) không thể gọi là vì mục đích chung. Có những trường hợp hiếm hoi cần thu hồi thì cần có luật đặc biệt bảo vệ quyền lợi bình đẳng của tư nhân, không thể coi một tư nhân làm sân golf, làm công nghiệp hơn tư nhân là nông dân. Chỉ cần có sự đi đêm giữa quan chức và nhà đầu tư tư nhân thì nông dân không còn có quyền gì nữa.
-Luật đất đai rắc rối ở Việt Nam – Phần 1: Vụ án bà Ba Sương-basam-Vụ tranh chấp đất đai ở Việt Nam lên báo nuớc ngoài: Vietnam's Contentious Land Law (Asia Sentinel 1-2-12) -- Bài thứ nhất (trong loạt ba bài) về Ba Sương. Tác giả là David Brown, thường "bênh" Nguyễn Tấn Dũng◄
Hiệu đính: David Brown
Ngày 1-2-2012
Đây là bài đầu trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Khi Việt Nam bẻ bánh lái sang con đường tư bản chủ nghĩa cách đây một phần tư thế kỷ, hầu như không có dấu hiệu lùi bước nào từ phía các quan chức và thành viên của ban lãnh đạo cộng sản – những người mà, cho đến thời điểm đó, vốn vẫn giữ một nhiệm vụ lớn lao và phù phiếm là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, nhiều quan chức hăm hở lạm dụng các cơ hội của chương trình đổi mới, hay là cải cách, mang đến tay họ.
Hóa ra một trong những con đường chắc chắn nhất để đi tới sự giàu có ở Việt Nam ngày nay nằm ở việc tước đoạt ruộng đất của nông dân và chuyển hóa đất nông nghiệp vào mục đích kiếm lời mau chóng hơn.
Tháng 1 năm nay, cả nước dồn sự chú ý vào hai câu chuyện có chung chủ đề đó. Vụ việc đầu tiên, bắt đầu từ ngày 5 tháng 1, liên quan đến một vụ nổ súng gây nhiều náo động ở ngoại ô thành phố Hải Phòng. Câu chuyện xảy ra sau khi chính quyền địa phương yêu cầu một ngư dân giao nộp lại mảnh đất mà ông cùng gia đình đã khai hoang làm lợi qua 14 năm lao động cực nhọc. Một số bài báo viết rằng, khu đất đang được cân nhắc làm nơi mở một sân bay mới. (Vụ việc này sẽ được thảo luận ở phần 2 của loạt bài) .
Câu chuyện thứ hai, đưa tin vào ngày 20 tháng 1, liên quan tới việc chấm dứt một nỗ lực kéo dài suốt ba năm nhằm tống bà Trần Ngọc Sương vào tù với tội danh tham ô, nhưng dường như ai cũng biết sự thật là do bà đã chống lại việc chiếm đoạt công ty nông nghiệp đang thịnh vượng của bà – Nông trường Sông Hậu.
Chuyển hóa đất đai (chuyển đổi mục đích sử dụng đất – ND) là cái mà đảng ủy ở thành phố Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ đã nghĩ trong đầu từ năm 2005 khi họ đề nghị lấy lại Nông trường Sông Hậu. Với sự hợp tác của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Mỹ, họ có kế hoạch xây dựng một “khu đô thị mới” bao lấy sân bay hiện đại theo quy hoạch của thành phố, ngay trên diện tích 4.000 hecta của nông trang tập thể cũ này.
Tuy nhiên, trước tiên họ phải xử lý bà Trần Ngọc Sương. Bà Sương năm đó 56 tuổi, làm giám đốc nông trường được 7 năm. Trước đó, bà là trợ lý chính của cha mình – một sĩ quan Mặt trận Giải phóng Miền Nam giải ngũ, năm 1978 được giao nhiệm vụ xây dựng một nông trang tập thể tại khu đầm lầy khổng lồ nọ ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thành công của hai cha con đã trở thành một huyền thoại ở Việt Nam, một trong những thành tựu chói sáng trong những năm tháng khốc liệt sau khi “cuộc chiến tranh chống Mỹ” kết thúc và đất nước thống nhất.
Cho tới năm 2005, Nông trường Sông Hậu vẫn bán gạo và cá cho các thị trường trong và ngoài nước, làm ăn có lãi. Mặc dù bị tái cơ cấu để trở thành công ty cổ phần vào năm 1991 nhưng nông trường vẫn tiếp tục trung thành với một số điểm quan trọng trong các sứ mệnh của nó khi thành lập, đó là mang lại thu nhập ổn định và phúc lợi xã hội cho khoảng 3.000 hộ nông dân trong nông trường. Bà Sương sẽ không để họ bị thất vọng.
“[Sông Hậu] là ví dụ có thật cuối cùng về việc sản xuất nông nghiệp dựa theo các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” – Bà Sương kể, bà đã nói với các lãnh đạo đảng ủy địa phương như vậy tại một cuộc họp vào tháng 10 năm 2007. “Cá nhân tôi không lấy một xu tiền không chính đáng nào cả. Các đồng chí bảo tôi ‘không theo kịp thời đại’, quá lạc hậu để có thể lãnh đạo một doanh nghiệp như thế. Vâng, tôi sẵn sàng trao trả quyền lãnh đạo cho những người tôi đã đào tạo qua nhiều năm”.
“Các đồng chí muốn giao Sông Hậu cho ai đó – liệu họ có coi nông trường như máu thịt của mình không? Sông Hậu là một cộng đồng làm nông có năng suất cao. Nếu họ biến Nông trường Sông Hậu thành khu công nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra với nhân dân ở đây”?
Tầng lớp lãnh đạo Cần Thơ chưa hình dung lo ngại về cái giá phải trả về mặt xã hội mà bà Sương đã thấy trước. Hình như họ lập luận rằng những nông dân bị mất quyền sở hữu sẽ có thể tìm việc trong các nhà máy mới mở hoặc tại các sân gôn mà họ dự định xây nên trên những đồng lúa và ao cá kia. Và họ có ngay Phương án B.
Nếu cần phải trừng trị ai đó, luật pháp Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội không giới hạn về số lượng. Có một số đáng ngạc nhiên những hành động mà về nguyên tắc là sai luật pháp, nhưng lại thường xuyên được dung thứ, bởi vì nếu luật pháp mà được thực thi thì cả hệ thống sẽ bị tê liệt. Tuy nhiên, những hành động ấy lại có thể được tận dụng để đẩy một kẻ chống đối vào đúng đường lối theo “luật pháp.”
Tháng 9 năm 2008, bà Sương bị Tòa án huyện Cờ Đỏ buộc tội biển thủ 9 tỷ đồng (428.857 USD theo tỷ giá hiện tại) của Nông trường Sông Hậu. Khi vụ việc bị đưa ra xét xử vào tháng 8 năm 2009, bà bị buộc tội lập quỹ trái phép, kết án 8 năm tù. Bốn người cấp dưới chịu án nhẹ hơn.
Bà Sương kháng cáo. Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới.
Khi tình hình diễn biến có vẻ như bà Sương thật sự sẽ phải ngồi tù, vụ án trở thành câu chuyện [đăng tải] trên trang nhất của các báo lớn ở Việt Nam. Một loạt nhà cách mạng lão thành, nổi bật có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, đã vận động bảo vệ bà Sương. Những người ủng hộ bà Sương lập luận rằng xây dựng một quỹ vì mục đích phúc lợi xã hội, tuy không báo cáo, là một cách hoàn toàn đạo đức để tránh nạn quan liêu và trong trường hợp này không phải là phi pháp, vì quỹ ấy đã được lập từ nhiều năm trước đó.
Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, một vị anh hùng trong mắt giới cải cách ở Việt Nam, đã nhận ra mối liên hệ giữa các vấn đề khi ông viết một lá thư gửi đảng ủy Cần Thơ, tháng 5 năm 2008. “Tôi biết đây là ý của các đồng chí chứ không phải của công tố viên khi khởi tố vụ án [bà Sương]” – ông Kiệt viết. “Bà đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý”. Hơn nữa, ông còn viết: “Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương thu hồi đất của nông trường để xây khu công nghiệp”.
Xúc động trước những tấm ảnh bà Ba Sương gầy guộc mỏng manh nhưng không cúi đầu trước vành móng ngựa, công luận hoàn toàn ủng hộ bà. Tại Hà Nội, tâm lý tức giận với chính quyền Cần Thơ bao trùm – đó là phản ứng điển hình của trung ương khi các quan chức địa phương kém tài có những hành động làm dấy lên cơn phẫn nộ của dư luận.
Tháng 5 năm 2010, sau khi công tố viên của trung ương tìm ra những vi phạm về thủ tục tố tụng, Tòa Tối cao Việt Nam bác bỏ bản án.
Chừng như không nao núng, tháng 2 năm 2011, Công an Cần Thơ báo cáo rằng kết quả điều tra sâu hơn đã cho thấy các bằng chứng mới về tội trạng của bà Sương. Tháng 8, công tố viên tiếp tục bổ sung tội tham ô cho bà Sương và các nhân viên cấp dưới.
Bạn bè bà Sương không chịu thua. Vũ khí mà họ chọn là “Mặt trận Tổ Quốc”, một tập hợp các nhóm, hội dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, có mục đích “đại diện cho toàn thể nhân dân”. Không bao lâu sau khi có phán quyết mới của tòa, Mặt trận đã đề nghị phải sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý sai phạm của bà Sương, nếu thật sự có sai phạm.
Mặt trận cũng tổ chức điều tra riêng và khuyên Chánh án Tòa Tối cao trong một công văn nói rằng bà Sương vô tội. Họ lập luận rằng quỹ phúc lợi được lập năm 1994, rất lâu trước khi bà Sương trở thành giám đốc nông trường, và vào thời điểm ấy, quỹ không hề phi pháp. Hơn thế nữa, Mặt trận tỏ ý không tán thành: “Việc điều tra đã làm hoen ố tên tuổi của một nông trường từng rất có uy tín với các lãnh đạo cấp cao và từng thu được nhiều thành tựu nổi bật”.
Và cuối cùng, có vẻ như chính quyền Cần Thơ đã chấp nhận hủy bản án. Không phải vì họ đồng ý rằng bà Sương vô tội, mà như họ nói vào ngày 19 năm 1, đó là “do những đóng góp của bà Sương và gia đình cho Nhà nước”.
Kỳ sau: Tiếng súng ở Tiên Lãng
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Luật đất đai rắc rối ở Việt Nam – Phần 2: Tiếng súng ở Tiên Lãng basam--Vụ tranh chấp đất đai ở Việt Nam lên báo nuớc ngoài: Vietnam's Contentious Land Law - Part 2 (Asia Sentinel 3-2-12) -- Bài thứ 2 trong loạt 3 bài mà tôi đã giới thiệu hôm qua. Bài này nói về vụ Tiên Lãng◄
Người dịch: Đan Thanh
Hiệu đính: David Brown
Ngày 2-2-2012
Tiếng súng ở Tiên Lãng
Đây là phần hai trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Đầu tháng qua, dân chúng Việt Nam mệt nhoài sau một năm lạm phát cao vọt và tăng trưởng kinh tế thấp, đã dồn cả sự chú ý vào Tết (âm lịch) với vài tuần được nghỉ ngơi. Ở nơi xa, miền Nam, cuộc thử thách kéo dài với nữ anh hùng lao động Trần Ngọc Sương cũng đã sắp kết thúc – chính quyền địa phương quyết định hủy bỏ bản án buộc tội bà biển thủ công quỹ từ cái nông trường thịnh vượng cuối cùng của đất nước.
Sau đó một bản tin bất thường từ huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng – thành phố cảng phía đông Hà Nội – đã gây chấn động cho toàn thể dư luận. Một ngư dân cùng gia đình ông ta đã chống lại cả một lực lượng lớn thực thi lệnh cưỡng chế. Sử dụng mìn tự chế và súng hỏa mai mua ở chợ đen, họ đã làm bị thương hai bộ đội và bốn công an, trong đó có cả chỉ huy công an địa phương.
Giống như trong vụ Nông trường Sông Hậu, ở đây, quyết tâm của chính quyền trong việc giành quyền kiểm soát đất nông nghiệp màu mỡ cũng lại là nguyên nhân kích động vụ việc xảy ra.
Năm 1997, Đoàn Văn Vươn chuyển đến sinh sống ở làng Vinh Quang và thuê 9 hecta đất ngập mặn ven biển từ Ủy ban Nhân dân xã. Vốn là kỹ sư có qua đào tạo, Vươn bắt đầu xây các con đập, cống thoát nước và ao chuôm cần thiết để nuôi cá nuôi tôm. Không ai nghĩ Vươn cùng gia đình sẽ thành công, nhưng sau nhiều năm phấn đấu và thử nghiệm, trại cá đã thu được nguồn lợi nho nhỏ. Những người đi tiên phong khác cũng đã theo gương Vươn. Cho đến năm 2004, khoảng 20 hộ gia đình ở huyện Tiên Lãng đã có trại cá, bao phủ một diện tích xấp xỉ 250 hecta đất mà trước đó được coi như là vô giá trị. Bản thân Vươn đã khai hoang thêm 11 hecta lấn biển, đưa doanh nghiệp gia đình của mình tới chỗ khai thác 20 hecta ao cá.
Tuy nhiên, vào năm 2005, các ngư dân ở Tiên Lãng đã nhận được một thông báo kinh hoàng từ chính quyền huyện. Thông báo nói rằng vùng đầm lầy mà họ thuê sẽ bị chính quyền thu hồi lại khi hết hạn cho thuê. Sẽ không có đền bù nào cho những gì họ đã cải thiện được.
Tất cả đất đai của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên kể từ năm 1993, cá nhân và doanh nghiệp đã được trao “quyền sử dụng đất”. Đối với phần lớn nông dân thì điều đó có nghĩa là họ được phân phối một mảnh đất từ hợp tác xã trước kia, để sử dụng trong thời hạn 20 năm.
Vì lý do nào đó không rõ, ông Vươn chỉ được thuê đất có 14 năm kể từ năm 1993. Ông nhận lệnh phải rời đi vào thời hạn cuối cùng là năm 2007.
Vươn và những người nông dân nuôi cá khác cho biết, họ tin rằng – theo truyền thống ở nông thôn – thời hạn thuê mảnh đất mà họ đã khai hoang, phát triển sẽ thường xuyên được gia hạn. Hơn thế nữa, cũng như tất cả những nông dân khác, họ tưởng là nếu chính quyền lấy lại một mảnh đất nào đó, vì mục đích công nào đó, thì họ sẽ được đền bù cho những nỗ lực phát triển đất đai của họ.
Các ngư dân nuôi thủy sản phản đối. Chính quyền huyện không động lòng. Tòa án huyện giữ nguyên lệnh của chính quyền, yêu cầu nông dân trả lại đất. Nông dân kháng án lên tòa cấp thành phố.
Như đã thành thông lệ ở Việt Nam, tòa Hải Phòng đưa đơn kháng án ra trọng tài – một thẩm phán tòa địa phương – với hy vọng là vụ tranh chấp sẽ được giải quyết ngoài hệ thống tòa án. Thủ tục ấy đưa đến một bản ghi nhớ vào tháng 4/2010, “tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận tìm phương án giải quyết”.
Theo tin tức từ báo chí, huyện Tiên Lãng đồng ý gia hạn cho thuê đất sau khi hết hạn, còn các nông dân nhất trí rút lại khiếu nại. Văn bản do Vươn và đại diện của các gia đình nông dân nuôi cá khác ký, cùng với đại diện chính quyền huyện là Giám đốc Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng. Trọng tài sau đó cộp con dấu đỏ vào phán quyết của tòa phúc thẩm.
Không chần chừ, chính quyền huyện chơi bài nuốt lời hứa. Các nông dân chỉ vừa rút lại đơn khiếu nại thì chính quyền huyện tuyên bố rằng phán quyết của tòa địa phương vẫn có hiệu lực. Một lần nữa họ buộc Vươn phải giao nộp trại cá. Tuyệt vọng, Vươn quyết tâm chống lại. Khi công an, có thêm viện binh là bộ đội – tổng cộng 80 người có vũ trang – tiến vào nông trại của ông vào buổi sáng mồng 5 tháng 1, Vươn cùng gia đình đã bắn những phát đạn làm cả nước bừng tỉnh.
Không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây. Trại cá của Vươn bị tàn phá, ba ngôi nhà bị san phẳng và số cá trị giá khoảng 250.000 đôla bị những kẻ lạ khoắng sạch. Vươn cùng em trai bị tống giam với tội danh cố ý giết người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đối với công luận Việt Nam, anh em Vươn là anh hùng.
T.S. Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình luận rằng “Có thể coi sự việc vừa qua ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về cả luật đất đai và việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Một người nông dân tốt, thuần chất, ham lao động mà phải bảo vệ quyền lợi đất đai của mình bằng vũ khí tự tạo thì quả là cùng cực. Con người ai cũng tin vào công lý và tin vào công lý đó được pháp luật bảo vệ. Những người nông dân khai phá đất nuôi thủy sản ở Tiên Lãng chắc chắn cũng tin như vậy. Rồi tới tòa án, nơi rất công bằng, mà những chân lý giản dị như họ tự hiểu cũng vẫn không nhìn thấy. Họ phải tự quyết liệt một mình trong vô vọng”.
Ông Võ và các chuyên gia về chính sách đất đai khác phê phán giới chức Tiên Lãng, và Phó Chủ tịch TP Hải Phòng biện hộ cho các sai lầm căn bản trong việc giải thích và thực thi pháp luật, nhưng đó không phải vấn đề thực sự ở đây. Vấn đề thực sự là lương tri và sự đúng đắn, tôn trọng mối quan hệ gắn kết giữa người nông dân với mảnh đất mà họ lao động trên đó – như nhiều người đã bình luận.
Thủ tướng Dũng ra lệnh cho chính quyền TP Hải Phòng tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra vụ nổ súng ở Tiên Lãng, và cách xử lý tình hình ở nơi này. Có lẽ vài cái đầu sẽ rơi; công luận Việt Nam rõ ràng rất hy vọng là anh nông dân Vươn sẽ không ở trong số đó.
Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Tấn Dũng và các đồng sự của ông ta trong chính phủ và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản là những người phải xử lý một vấn đề còn rộng lớn hơn thế. Luật đất đai hiện thời của Việt Nam đang là một quả bom nổ chậm, sẽ nổ vào năm 2013 – nếu không có những cải cách căn bản thì những bi kịch kiểu như vụ Đoàn Văn Vươn sẽ là mối đe dọa đối với một nửa dân số trong nước.
Kỳ sau: Sự khôn ngoan của người nông dân
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012-- Luật đất đai rắc rối ở Việt Nam – Phần 3: Sự khôn ngoan của những người nông dân basam---Vụ tranh chấp đất đai ở Việt Nam lên báo nước ngoài: Vietnam's Contentious Land Law -- Part 3 (Asia Sentinel 3-2-12) -- Bài thứ 3 trong loạt 3 bài. (Tác giả David Brown, mà tôi cho là có "thói quen" bênh ông thủ tướng, kết luận bằng câu này: "No commentator has suggested that the officials were simply trying to do what they believed the land law required them to do" (Có thể là các quan chức chỉ làm điều mà họ nghĩ luật đất đai bắt buộc họ phải làm"!) For good reasons, Mr. Brown! Luật bắt phải phá nhà ông Vươn?)
Người dịch: Đỗ Quyên
Hiệu đính: David Brown
Ngày 3-2-2012
Đây là phần cuối trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Đối với gần như tất cả nông dân trên toàn quốc, đổi mới ở Việt Nam – cuộc cải cách kinh tế đã chấm dứt nỗ lực thảm hại của Việt Nam nhằm xây dựng một nền kinh tế kiểu Xô Viết trong những năm sau “cuộc kháng chiến chống Mỹ” – có ý nghĩa như một sự chấm dứt chế độ nông trang tập thể. Các hợp tác xã với quy mô tương đương một làng đều bị giải tán – trừ một số rất ít ngoại lệ – và mỗi gia đình làm nông đều được thuê đất với thời hạn 20 năm. Được tự do lao động trên những mảnh đất của cá nhân và hưởng lợi từ chính lao động của mình, họ đã tạo ra một mức tăng trưởng kỳ lạ trong năng suất nông nghiệp.
Trong 15 năm kể từ 1993, sản lượng nông nghiệp tăng hơn 100% (hơn gấp đôi – ND). Cho đến năm 2008, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cá và tôm nuôi, thậm chí ngay cả khi nhân lực dư thừa dịch chuyển từ làng xã ra làm việc ở các khu công nghiệp mới nở rộ.
Tuy nhiên, năm tới (2013), đợt thuê đất thời hạn 20 năm đầu tiên sẽ hết hạn. Tại Việt Nam, dường như có một quan điểm đồng thuận rằng cần phải xem lại luật đất đai. Vấn đề là xem lại thế nào. Diễn giải theo nghĩa đen thì các điều khoản có hiệu lực từ năm 1993 cho phép nhà nước lấy lại nông trang khi hết hạn cho thuê đất, mà không buộc phải đền bù. Theo các chuyên gia, dường như niềm tin của nông dân – rằng họ có thể giữ quyền tiếp tục lao động trên đất đai của mình – đúng là chỉ là niềm tin. Nó không có cơ sở pháp lý trong luật Việt Nam.
Những phát biểu học thuật gần đây khẳng định một quan điểm chung, cho rằng sự mơ hồ của luật đất đai hiện hành, sự thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính, cùng nguồn lợi nhuận mà những kẻ trong cuộc mau chóng có được khi cướp đất nông nghiệp của dân và chuyển hóa đất ấy sang các mục đích sử dụng khác, là nguyên nhân chính thúc đẩy tham nhũng trong chính quyền. Nhiều năm nỗ lực và ban hành thủ tục dường như chỉ làm tăng thêm nhiều cơ hội kiếm chác phi pháp. 90% khiếu nại dân sự gửi tới tòa án là có liên quan đến tranh chấp đất đai.
Thậm chí ngay cả khi quá trình không bị tham nhũng thẩm thấu vào, thì việc chuyển đổi đất đai từ mục đích chính là làm nông sang làm khu công nghiệp, bất động sản, đường xá và sân gôn, cũng là vấn đề ngày càng gây lo ngại. Bộ Nông nghiệp Việt Nam tính toán rằng trong giai đoạn 2001-2006, 376.000 hecta đất trồng lúa đã bị thu hồi, làm hơn 1 triệu nông dân bơ vơ. Luật sửa đổi luật đất đai năm 2003 – nhằm kích thích “phát triển” bằng cách đơn giản hóa các hợp đồng lớn – có vẻ như lại làm tăng tốc độ nông dân mất đất. Trong số 31.000 đơn khiếu nại liên quan đến đất đai trong năm 2007, khoảng 70% phản ánh việc được đền bù không thỏa đáng cho số đất bị thu hồi.
Chưa có bằng chứng vững chắc nào cho thấy bộ chính trị đã quyết định sửa đổi hiến pháp Việt Nam, bản hiến pháp với nội dung nêu rõ rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý.” Tuy nhiên, vụ nổ súng hồi đầu tháng 1 của một gia đình nông dân nhằm vào lực lượng cảnh sát được điều tới để cưỡng chế thu hồi 20 hecta đất nuôi cá của họ đã thể hiện vấn đề theo cách trần trụi nhất.
Phân tích vụ Tiên Lãng, tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị bình luận: “Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.”
Giờ đây, dường như chỉ có một hành động quyết liệt của Đảng và chính phủ – nhằm bảo vệ quyền sở hữu của nông dân đối với mảnh đất mà họ đã lao động trên đó – mới có thể thỏa mãn dư luận Việt Nam. Chỉ có một thứ quyền không thể mơ hồ – là quyền sở hữu, chuyển nhượng, mở rộng hoặc cải thiện chất lượng đất đai tùy theo ý muốn của người nông dân – mới có thể xoa dịu nỗi lo sợ của họ. Nói tóm lại, Đảng và chính phủ chịu sức ép phải luật hóa truyền thống làng xã.
John Gillespie – một giáo sư Úc gần đây có nghiên cứu về cách thức các tòa án địa phương ở Việt Nam xử lý tranh chấp về quyền sở hữu – cho rằng còn nhiều ưu điểm khi đi theo hướng trên. Các thẩm phán, theo thông lệ, thường đẩy những người dân kiện tụng đến gặp trọng tài hòa giải, còn trọng tài thì có xu hướng rất mạnh là đề xuất phương án giải quyết dựa trên “lương tri và tình cảm của dư luận” hơn là căn cứ vào văn bản pháp luật. Gillespie phát hiện ra rằng họ làm thế bởi vì hòa giải chắc chắn là có khả năng cao hơn nhiều so với đương đầu cãi vã, trong việc đem lại một kết quả lâu bền cho tranh chấp đất đai.
Đó là giải pháp được hướng đến khi Đoàn Văn Vươn và các nông dân Tiên Lãng khác kháng cáo đối với lệnh của tòa án địa phương buộc họ phải rời khỏi trại cá mà họ đã lao động từ rất lâu và rất vất vả khó khăn để xây dựng nên. Các nông dân cùng với đại diện huyện Tiên Lãng đã nhất trí với cái giải pháp giữ thể diện mà trọng tài đưa ra. Tuy nhiên, chủ tịch huyện và chủ tịch xã của ông Vươn – hai anh em – nuốt lời.
Giấy trắng mực đen, hàng nghìn bài báo về vụ nổ súng ở Tiên Lãng đã xuất hiện trên báo chí Việt Nam, và còn hàng nghìn bài viết nữa được đăng tải trên không gian blog rất sinh động ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ động cơ của quan chức địa phương – những người đòi Đoàn Văn Vươn phải trả lại khu đất đầm lầy cho thuê và cuối cùng đã quyết định thu hồi trại cá của ông Vươn bằng vũ lực.
Quan chức địa phương nói với một cán bộ điều tra thuộc Mặt trận Tổ Quốc rằng họ muốn giúp chính phủ tránh phải trả một khoản tiền đền bù lớn, nếu thực sự một sân bay mới sẽ được xây dựng dọc bờ biển, như đã có tin đồn. Dân làng thì nói, cũng với nhân viên điều tra đó, rằng họ tin là các quan chức muốn kiếm chác bằng việc bán lại trại cá, và quả thật là đã có nhiều người mua xếp hàng sẵn sàng rồi.
Đây là một phép đo xem công chúng nghi ngờ tới mức nào những nguyên nhân bí mật đằng sau việc nhà nước thu hồi tài sản ở Việt Nam, mà chưa một nhà phân tích nào nói ra rằng: các quan chức chỉ đang cố làm điều mà họ cho là luật đất đai khiến họ phải làm.
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
-
Luật Đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 4
Ai hưởng lợi trên đất nông thôn VN? (BBC 31-1-12) P/v TS Đặng Kim Sơn◄- Điều gì đằng ẩn sau “luật đất đai” lạ kỳ ở Tiên Lãng?(Petrotimes). - Sẽ thanh tra hoạt động quản lý và sử dụng đất đai (TTXVN).-
Luật Đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 4
Tác giả: David Brown
Người dịch: Đan Thanh
Hiệu đính: David Brown
13-2-2012
Đôi khi, một sự vụ gây sốc nào đó sẽ thay đổi tư duy chính trị của một quốc gia. Vụ nổ súng ở Tiên Lãng ngày 5-1 – khi các quan chức cố đuổi một gia đình nông dân khỏi mảnh đất của họ với lý do bịa ra là đã hết thời hạn cho thuê – có thể là tiếng súng thay đổi luật chơi ở Việt Nam.
Các nhà bình luận, viết bài cho những tờ báon nội địa và các blog chính trị ở Việt Nam, bảo rằng cuộc đối đầu giữa gia đình tuyệt vọng kia và cảnh sát – những kẻ kéo đến để cướp lại nông trang của họ – đã khiến cho nhiều người, kể cả các lãnh đạo trong đảng Cộng sản, phải nghĩ khác đi về “vấn đề đất đai”.
Ở đây có thể đã có sự thổi phồng từ phía báo chí. Tuy nhiên, các quyết định của chính phủ vào ngày 10-2 vẫn khiến người ta tin rằng đã diễn ra một sự thay đổi về mô hình.
Năm tuần trôi qua kể từ khi gia đình Đoàn Văn Vươn sử dụng súng hỏa mai và mìn tự chế chống lại lực lượng cảnh sát và quân đội kéo đến cưỡng chế trang trại nuôi cá rộng 20 hecta của họ (xem phần 2 loạt bài này để biết thêm chi tiết). Cánh nhà báo, trích lời những người dân làng không ngại mở miệng, đã đổ xô về hiện trường trong những ngày sau khi vụ nổ súng xảy ra và nhanh chóng đập tan cách giải thích của quan chức địa phương về vụ việc. Các chuyên gia về luật đất đai tuyên bố quan chức không có cơ sở pháp lý nào để thu hồi giấy cho ông Vươn thuê đất hoặc từ chối đền bù cho ông. Một số vị tướng về hưu lên án việc sử dụng quân đội để thi hành lệnh cưỡng chế, các thẩm phán đã nghỉ hưu chê trách việc tòa án cấp huyện bác bỏ kháng cáo của ông Vươn.
Chính quyền ở cấp cao hơn – lãnh đạo TP Hải Phòng và chính quyền trung ương ở Hà Nội – phản ứng khá chậm. Quan chức thành phố dường như hoàn toàn không muốn tìm hiểu gì về câu chuyện Tiên Lãng, và nói chung đều cố ý làm chệch hướng những ý kiến phê phán. Trong khi đó, đoàn điều tra của các bộ và các viện trên trung ương cử xuống đã đem về những báo cáo đáng báo động.
Vào ngày 16-1, chỉ vài ngày trước Tết âm lịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lệnh cho Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng phải điều tra và báo cáo đầy đủ sự việc.
Trong khi đó, giới bình luận trên các báo nội địa và blog chính trị phát hiện thấy một ý nghĩa lớn hơn trong vụ việc. Một cựu phó thủ tướng nói: “Vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước”. Một nhà phân tích khác nhấn mạnh rằng: “có lẽ ít ai ngờ kịch bản khuấy động dữ dội từ Tiên Lãng sẽ như một sóng dung nham tràn lên miền đồng bằng dư luận khắp cả nước”.
Các tác giả bình luận về sự dè dặt của chính quyền. Một số người nhận thấy một ý nghĩa đặc biệt trong việc chính quyền không đưa ra “định hướng chính thức” nào với báo chí – một chỉ dấu cho thấy trung ương muốn vụ Tiên Lãng được bàn thảo rộng rãi. Một số băn khoăn tự hỏi trung ương có đang học từ bài học của Trung Quốc hay không, tìm giải pháp ôn hòa cho cuộc đối đầu kéo dài giữa dân làng và cảnh sát ở Ô Khảm mới cách đây vài tuần không.
Quan điểm thú vị nhất khẳng định có một sự thay đổi căn bản trong nhận thức của chế độ về tâm trạng bất mãn sâu xa với chính quyền địa phương tham nhũng và lạm quyền. Những gì đáng chú ý và được nhớ đến nhiều nhất gắn với lời kêu gọi của Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm 2011, đề nghị chỉnh đốn lại hàng ngũ cấp dưới của đảng. Một tác giả viết: Rõ ràng đã có một sự thay đổi về nhận thức, về sự xem lại “lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền”. Các nhà phân tích này dường như đi đến kết luận rằng giới lãnh đạo Việt Nam có khả năng và có lẽ sẽ thúc đẩy thay đổi thật sự, thông qua vụ Tiên Lãng, để quét sạch nạn lạm quyền ở cấp làng xã, cấp huyện.
Do vậy, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thu hút được sự chú ý tuyệt đối khi ông họp báo với các phóng viên, công bố kết luận của Thủ tướng – phê chuẩn ngày 10-2 sau khi Thủ tướng chủ trì cuộc họp cấp cao nhất về vụ Tiên Lãng.
Ông Đam nói, các đại biểu tham dự cuộc họp kéo dài cả ba giờ đồng hồ này đã nhất trí rằng, cốt lõi là sự yếu kém của lãnh đạo huyện và xã trong xử lý vấn đề đất đai. Các quan chức đó đã ra những quyết định sai lầm cả khi cho ông Vươn thuê đất lẫn khi định lấy lại đất. Họ càng sai lầm hơn nữa khi sử dụng vũ lực và muốn xử lý ông Vươn ngay trước Tết âm lịch.
Quan chức địa phương cũng bị buộc tội hình sự vì hành động cho máy xúc phá ba ngôi nhà của gia đình ông Vươn trên mảnh đất của ông, và để cho kẻ trộm vào xúc hết cá tôm trong đầm nhà ông Vươn.
Ông Đam nói thêm, chính quyền TP Hải Phòng đã không điều tra thỏa đáng, không đánh giá trách nhiệm của người làm sai và cũng không cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và công luận. Phải đến báo cáo gần đây nhất của họ, chính quyền Hải Phòng mới tỏ ra quan tâm thích hợp đến mức độ nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc.
Ông Đam nói rằng thủ tướng đã chỉ thị cho chính quyền Hải Phòng cho ông Vươn sử dụng lại đất. Họ sẽ phải xem xét sửa chữa những bất ổn về pháp lý và tố tụng trong vụ việc của ông Vươn, để ông Vươn có thể tiếp tục sử dụng đất mà ông được thuê. Ngoài ra, chính quyền Hải Phòng còn phải khởi tố hình sự các quan chức địa phương đã tổ chức phá ba căn nhà trên mảnh đất của ông Vươn. Họ cũng phải xem xét các tình tiết giảm khinh truy tố ông Vươn vì tội cố ý giết người thi hành công vụ.
Cuối cùng, Thủ tướng chỉ thị cho chính quyền Hải Phòng làm rõ ai cho phép quan chức Tiên Lãng theo đuổi mối thù hằn với ông Vươn, và giải thích tại sao sau khi vụ việc xảy ra, lại có sự chậm trễ trong việc xác định các bên vi phạm cũng như chậm báo cáo chính quyền trung ương về kết quả điều tra.
Ông Đam nói thêm rằng, bên cạnh những yếu kém của tầng lớp lãnh đạo địa phương và thành phố, thủ tướng và các đồng sự cũng thừa nhận những vấn đề căn bản trong Luật Đất đai – vốn dĩ đã có nhiều sửa đổi – của Việt Nam. Ông nói, tình trạng của luật hiện nay là rất phức tạp, nhiều mâu thuẫn, không theo kịp các bước phát triển mới, và là một thách thức đáng kể với những cán bộ địa phương ít được đào tạo về quản lý.
Vì các lý do này, theo ông Đam, bộ chính trị và chính phủ quyết tâm sẽ rà soát lại toàn bộ Luật Đất đai. Liên quan đến việc đó là vấn đề sửa đổi hiến pháp Việt Nam.
Nhìn chung, đây là những điều công luận Việt Nam muốn nghe. Rất hiếm khi nhà nước thừa nhận có vấn đề hệ thống, nhưng, trên thực tế, đó là những gì họ vừa làm. Cho dù bây giờ chính quyền có thể sửa đổi cơ chế cho thuê đất theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn hay không, để phòng ngừa quan chức địa phương làm lợi cho họ – đây là chuyện hoàn toàn khác.
Nếu như đây là chuyện đã xảy ra, thì người dân hẳn đã thấy Hà Nội phản ứng theo một cách khác không như vụ việc Tiên Lãng này. Suy cho cùng thì đây là một chế độ do thành phần bào thủ thống trị. Quá trình ra quyết định nội bộ diễn ra một cách bí mật mà nhân dân không rõ. Đã nhiều năm qua – chẳng hạn vào năm 1997 khi hàng chục nghìn nông dân nghèo nổi dậy chiếm đóng văn phòng đảng ủy xã và tuần hành về thị trấn ở tỉnh Thái Bình – chính quyền không hề ngại phải dùng bạo lực để dập tắt những phản kháng ở nông thôn.
Như một số nhà phân tích đã chỉ ra, có thể ông Trọng, ông Dũng và các đồng sự của họ ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp đã nghĩ lại về những việc cần phải làm để gìn giữ chấp nhận của dân chúng đối với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cách xử lý của chính quyền đối với những vấn đề đặt ra sau vụ nổi dậy của gia đình ông Vươn, người chống lại những côn đồ ở địa phương, dường như cho thấy chính quyền đang nỗ lực nhằm nắm bắt và phản ứng phù hợp với ý kiến dư luận.
Ông Trọng – người được bầu làm tổng bí thư đảng một năm về trước – đã gọi việc kiềm chế nạn lạm quyền của các cán bộ đảng ở địa phương là vấn đề sinh tử của chế độ. Bộ chính trị cũng ý thức rất rõ về những gì người dân Việt Nam mong muốn: ổn định xã hội và phát triển có trật tự, theo hướng tiến đến một hệ thống chính quyền tự do hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn và bao quát hơn. Liệu chính quyền có làm được như thế hay không là điều chưa biết rõ.
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
-Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng (NVP)-Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng là chuyện sở hữu đất đai. Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra tuần này có bài của GS Võ Tòng Xuân (Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai) đặt vấn đề thẳng thắn: “Luật Đất đai hiện tại đã được thiết kế với nhiều lỗ hổng khiến các viên chức nhà nước có cơ hội lạm dụng và tham nhũng. Lý do mấu chốt nhất là khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái “toàn dân” ấy”.
Tác giả ghi nhận một thực tế: “Những người “chủ trang trại” cũng như những người “chủ ruộng vườn” vẫn chưa hết lòng đầu tư cho phần đất được Nhà nước giao vì họ vẫn thấp thỏm sợ một ngày không ngờ sẽ bị tước đi mọi đầu tư của mình trên khu đất này. Họ sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
Từ đó, tác giả đề nghị: “Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ “hạn điền 3 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai của nhân dân. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp”.
Ngoài ra, trên số báo này còn có bài phỏng vấn TS Phạm Duy Nghĩa, bài “Giải pháp tồi hay giải pháp căn cơ?”, đưa ra ba lựa chọn đối với chính quyền khi giải quyết vấn đề đất đai.
Số báo tuần trước, TBKTSG cũng đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai, qua hai bài viết:
- Sở hữu đất đai nhìn từ vụ Tiên Lãng
- Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai
Xin mời mọi người mua báo để đọc.
Từ đó, tác giả đề nghị: “Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ “hạn điền 3 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai của nhân dân. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp”.
Ngoài ra, trên số báo này còn có bài phỏng vấn TS Phạm Duy Nghĩa, bài “Giải pháp tồi hay giải pháp căn cơ?”, đưa ra ba lựa chọn đối với chính quyền khi giải quyết vấn đề đất đai.
Số báo tuần trước, TBKTSG cũng đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai, qua hai bài viết:
- Sở hữu đất đai nhìn từ vụ Tiên Lãng
- Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai
Xin mời mọi người mua báo để đọc.
Thời hạn và hạn điền - những thúc giục từ thực tế (TT 10-2-12) -- Bài Đặng Hùng Võ
Nên có sở hữu tư nhân về đất đai (NLĐ 10-2-12) -- Ý kiến Thang Văn Phúc
Bài học Thái Bình: Nhân sự Tiên Lãng hay nhân sự Hải Phòng? (VNN 9-2-12)
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lên tiếng về Tiên Lãng (VNN 10-2-12)
Nếu lãnh đạo Tiên Lãng đặt mình vào người nông dân thì đã khác (ĐV 10-2-12) -- P/v cựu bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc
- - Phỏng vấn ông Đinh Tiến Dũng, tổng KTNN: Năm 2012, kiểm toán chuyên đề về quản lý đất đai, khoáng sản… (SGTT). - Ở Mỹ, nông dân sở hữu đất vĩnh viễn (DV).- Phỏng vấn TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam: Trao quyền sở hữu cho người sử dụng ruộng đất (TP).
Vụ Tiên Lãng: Toàn văn kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế (VNN 10-2-12) -- Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng (VnEx 10-2-12) --Vietnam farmer a hero after shootout with police (AP 10-2-12) Vụ chống cưỡng chế ở Tiên Lãng- "Cung đàn lạc điệu": Đoàn Văn Vươn với hàng loạt sai phạm trong quá trình sử dụng đất (CAND 7-2-12)Vụ chống cưỡng chế ở Tiên Lãng:Thành ủy Hải Phòng nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị (VnEx 7-2-12) Đình chỉ chức chủ tịch huyện Tiên Lãng(VNN 7-2-12) -- Kỷ luật quan chức đầu tiên vụ Tiên Lãng (BBC 7-2-12) Có bao nhiêu bộ, ngành vào cuộc vụ Tiên Lãng? (VNN 7-2-12)- GS.Tương Lai: Nhìn từ Tiên Lãng (Hải Phòng): Ngẫm về thân phận công dân (ĐĐK). - Ích lợi của dân trong quan điểm của chính quyền Tiên Lãng (SGTT). - Một ngày sống trong chòi cùng vợ ông Đoàn Văn Vươn (PN Today). - Tiên Lãng từng ‘trải thảm’ đón người khai phá bãi bồi (ĐV). - Dưới biển sợ thiên tai, trên bờ sợ “độc chiêu” của xã (NNVN). - Phận… mô hình (NNVN).- Vụ Đoàn Văn Vươn: “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ quản lý vĩ mô” (GDVN). – PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện: Bài học về tổ chức xã hội trên nền tảng luật pháp (SGTT). – Phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng, UVTƯ Đảng khóa VII-IX, cựu Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ khóa IX: Vụ Tiên Lãng: Các bộ, ngành trung ương thiếu nhạy cảm (PLTP). - Suy ngẫm “tâm thư” của Tướng Nguyễn Quốc Thước(Petrotimes). – Tiên Lãng xa mà gần (SGTT). -- Dân là gốc (TP). – TS Tô Văn Trường: HIẾN PHÁP VÀ LUẬT ĐẤT ĐAI – (Người Lót Gạch). Bản gốc của bài: Sửa Luật Đất đai: Nên công nhận quyền sở hữu đất (NLĐ). – Rùa không biết luật (SGTT). -- Giao đất thời hạn ngắn: Làm trì trệ nền nông nghiệp (DV).- Ông Vũ Trọng Bình, Viện phó Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – Bộ NN & PTNT: Nên bỏ thời hạn giao đất nông nghiệp (PLTP). – TPHCM thí điểm thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (Vietstock). - Nguyên Ngọc: Đất và nông dân(Tia sáng).
- “Lỗ hổng” khi thu hồi đất lúa, đất nông nghiệp? (Tầm nhìn).
-Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Nông dân bị ép “lên lầu” TN-Thủ tướng Trung Quốc lên tiếng về đất đai -BBC-- Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Sóng gió Ô Khảm (Tầm nhìn).
Wukan challenges party line democracy (Financial Times)- Các nhà lãnh đạo TQ và các học giả cho rằng TQ kg phù hợp với dân chủ và nên phát triển chậm lại. Đặng tiểu bình đã từng nói rằng dân chủ kiểu phương tây, với hành pháp, tư pháp, lập pháp là quá phức tạp cho TQ.
Trung Quốc: Where Wukan has led, Beijing will not follow (FT 8-2-12) -- David Pilling
Trung Quốc: The Muddle Kingdom (FP 8-2-12) -- China has a serious PR problem
Trung Quốc: The Muddle Kingdom (FP 8-2-12) -- China has a serious PR problem
Cải cách đất đai ở Trung Quốc: Chinese Leader Backs Land Rights (WSJ 6-2-12) -- Việt Nam bắt chước được rồi đấy!- Xung đột đất đai ở Trung Quốc: Đứng về dân hay “quan”? (NNVN). – Thủ tướng Trung Quốc bảo vệ đất đai của nông dân (VNE).- Nông dân Trung Quốc: Không hài lòng với chính sách đất đai (SGTT/WSJ, CSM, Reuters). -- Gần một nửa nông dân Trung Quốc bị trưng thu đất đai một cách bất công – (RFI). – Gần một nửa nông dân Trung Quốc bị thu hồi đất(TN). - Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Những Ô Khảm mới (TN). – Trung Quốc: 20 năm, nông dân mất gần 7 triệu ha đất (NLĐ).-- Biểu tình ở Trung Quốc: Hệ lụy kinh tế hay bất công xã hội? (TVN). - Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc: Sóng gió Ô Khảm (TN). - Trung Quốc cam kết bảo vệ nông dân (TT). – Thủ tướng Trung Quốc lên tiếng về đất đai – (BBC). – « Thí điểm » Ô Khảm mang lại hy vọng cho giới cải cách Trung Quốc – (RFI).- Xung đột đất đai ở Trung Quốc (NNVN). -Trung Quốc: lần đầu tiên dân làng Ô Khảm được bầu trực tiếp lãnh đạo – (RFI).- – Trung Quốc: Dân làng Ô Khảm được tổ chức bầu cử công khai (SGGP). - Hồng Kông đăng quảng cáo châm biếm Hoa Lục – (RFI). – Người Hoa lục bị gọi là ‘châu chấu’ – (BBC).
-------