Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Sao lại bắt doanh nhân kê khai tài sản?

-Sao lại bắt doanh nhân kê khai tài sản?-
21/7/2016, 11:09 (GMT+7)
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Một khi quyết định bỏ vốn ra làm ăn, các doanh nhân chọn hình thức công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn đều hiểu rất rõ trách nhiệm của họ được hạn định trong khoản vốn họ bỏ ra. Giả thử công ty phá sản, nợ nần ngập đầu thì họ sẽ mất hết tiền đã góp còn tài sản riêng ở nhà của họ không có chủ nợ nào có thể đụng vào được. Khái niệm trách nhiệm hữu hạn là vậy, là một bảo đảm cho mọi người yên tâm làm ăn ở mức họ chấp nhận được.


Thế mà dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã bổ sung những điều liên quan đến doanh nghiệp với điều 112 - Kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, trong đó quy định: “Người giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”.

Thiết nghĩ ở đây đã có sự nhầm lẫn trong quá trình soạn thảo. Công ty đại chúng có một số nghĩa vụ phải công khai minh bạch hoạt động với công chúng như phải công bố nhiều loại thông tin như báo cáo tài chính, báo cáo tình hình quản trị công ty... Qua các công bố này, công chúng có thể nắm rõ chủ tịch HĐQT một công ty hiện đang nắm bao nhiêu cổ phiếu, được trả thù lao bao nhiêu...

Chính nhờ tổng hợp các thông tin này mà một số tổ chức nghiên cứu hay một số tờ báo lớn có thể lập ra danh sách những người giàu nhất thế giới hay giàu nhất từng nước. Đó là bởi họ sẽ cộng hết các tài sản được công khai, tính ở mức thị giá để phỏng đoán tổng tài sản của những nhân vật này.

Nhưng điều đó không có nghĩa những người giữ chức vụ chủ chốt ở doanh nghiệp bị buộc phải kê khai tài sản. Tài sản của họ là quyền tư hữu, được bảo vệ bởi luật pháp, không ai được quyền bắt họ công khai. Bill Gates có thể được tờ Forbes định giá giàu nhất thế giới với tổng tài sản 76 tỉ đô la Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa Bill Gates ngồi kê khai hết mọi tài sản ông ta có. Báo chỉ tính toán số cổ phiếu và các tài sản công khai của ông ta rồi cộng lại ra con số đó.

Tài sản của một doanh nhân ở một doanh nghiệp thì có thể công khai nhưng tài sản riêng của ông ta ở nhà, như có bao nhiêu xe, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu đất thì làm sao bắt ông ta kê khai được. Thu nhập của tổng giám đốc một công ty thì có thể biết rõ nhưng tổng thu nhập của ông ta là chuyện riêng của ông ấy với cơ quan thuế và cơ quan thuế khi tính toán thuế thu nhập cá nhân cũng phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin thu nhập này, theo luật định.

Đây là một bổ sung vào Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ có tác động tiêu cực lên cộng đồng doanh nhân, gây ra những lo ngại không đáng có. Chưa kể ở Việt Nam tính đố kỵ người giàu lại càng có cơ hội lan rộng và giàu tự nhiên bị xem như một trọng tội. Những người soạn thảo có lẽ cũng không lường hết thực tế là nhiều tổng giám đốc đi làm thuê, thành viên hội đồng quản trị là thành viên độc lập, không nắm cổ phần nào của doanh nghiệp họ lãnh đạo. Bắt những người có phần vốn kê khai tài sản bên ngoài phần góp vốn của họ tại doanh nghiệp đã là chuyện không khả thi thì chuyện bắt những người làm thuê, những thành viên độc lập kê khai tài sản của họ sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra.

Đọc thêm:

- Lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại bị kiểm soát tài sản, thu nhập

- Tại sao phải kiểm soát tài sản của các “ông chủ” tư nhân?



>> Nguy cơ “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng”?


Chống lại có khi chúng tôi chết trước!Đây là câu nói của ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - khi nói công tác phòng chống tham nhũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (Hội nghị chống tham nhũng) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4.3.2016.


Phát biểu tại Hội nghị chống tham nhũng, ông Nguyễn Hồng Diện, quyền Chánh thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định “Không có trường hợp nào tặng quà, nhận quà tặng trái với quy định của pháp luật.”. Tuy nhiên ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, người dân không công nhận điều này.

Nói rõ hơn về nguyên nhân, ông Đạt so sánh: “Cả nước Nga rộng như thế mà chỉ có hơn 1,2 vạn người thuộc diện kê khai tài sản, trong khi chúng ta có hơn 1 triệu người kê khai tài sản. Nhưng vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không “truy nguyên”. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra” ( bài “Đi ăn cơm 25.000 đồng nhưng “tặng nhau” phong bì hàng nghìn USD!”- Dân trí ngày 5.3).

Thực ra, điều ông Đạt nói đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận với rất nhiều ý kiến khác nhau khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng và thảo luận sửa đổi một số điều của luật này. Đó là, những ai nên thuộc diện cần kê khai để đảm bảo tính khả thi và kê khai xong thì sử dụng những bản kê khai đó như thế nào… Tất cả đã thành luật. Nhưng vấn đề là, tại sao một vị nguyên đại tá công an, nay đứng đầu Cục Chống tham nhũng như ông Đạt vẫn nhắc lại với không ít bức xúc?

Đứng đầu một đơn vị chống tham nhũng, ông Đạt thấy không ổn khi hầu hết các cơ quan, các địa phương đều báo cáo không phát hiện ra tham nhũng ở đơn vị mình. Thực tế, việc phát hiện hầu hết là do nội bộ tố cáo, khi đó các cơ quan truyền thông và lực lượng chức năng vào cuộc mới … lộ tham nhũng. Ngay tại Hội nghị chống tham nhũng này, Ông Nguyễn Quang Thái - Phó cục phó trưởng Cục Thi hành án Hà Nội – rất tự hào khi cho rằng dù thi hành án là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng nhưng nhờ “phòng là chính” nên thời gian qua Hà Nội không phát sinh trường hợp tham nhũng nào (!) …

Tổng quan hơn, ông Đạt đề nghị: Bộ Tư pháp đánh giá trong số 9 giải pháp phòng ngừa tham nhũng đến nay đã làm được cái gì, cái gì chưa được và làm được thì ở mức nào. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến việc sử dụng bản kê khai tài sản của các vị quan chức.

Một trong những giải pháp được cho là rất cơ bản phòng chống tham nhũng chính là việc kê khai tài sản. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên ông Phạm Trọng Đạt đặt câu hỏi “Chẳng hạn như việc kê khai tài sản nói bây giờ là hình thức, vậy tại sao ta cứ để mãi thế không sửa?”. Không dừng lại ở đó, ông Đạt nói thẳng: “vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không truy nguyên. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra. Kê khai tài sản, thu nhập phải minh bạch và quản lý được thì hãy kê khai.”

Có lẽ đây là điều rất “nóng” bấy lâu trong dư luận, chỉ có khác là, những bức xúc này được chính vị đứng đầu một lực lượng chống tham nhũng thốt lên ở một diễn đàn chống tham nhũng.

Chắc chắn một điều, nếu với những vị thuộc diện phải kê khai tài sản được công khai, dù có dấu diếm dưới nhiều hình thức, nhưng với tai mắt của nhân dân, của các lực lượng chức năng thì cái đuôi tham nhũng kiểu gì cũng lộ diện. Vậy liệu cái lý bảo vệ bí mật riêng tư cho mỗi cá nhân để không muốn công khai tài sản có thể so sánh, có đủ thuyết phục dư luận khi vấn nạn tham nhũng với các nhóm lợi ích ngày càng phức tạp và tinh vi? Tại sao ở nhiều nước tiên tiến, việc kê khai tài sản và công khai minh bạch chúng lại được thực hiện rộng rãi, lẽ nào họ không biết bảo vệ những bí mật cá nhân?

Vậy tại sao những điều mà ai cũng thấy bất cập nhưng không sớm được sửa để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn?

Phải chăng, như ông Đạt chia sẻ “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết' trước” (Vietnamnet ngày 5.3). Về vấn đề này, Dân trí từng có bài “Nguy cơ “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng”?” (ngày 30.12.2015). Đó là lời cảnh báo của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại …”

Vương Hà

Tổng số lượt xem trang