Bẫy tiền tệ của Trung Quốc
from Minh Biện by Bài Viết Của Bạn Đọc
(bài của GS Krugman đăng trên NY Times ngày 3/4/2009 — bạn đọc Dr. Trần dịch)
Trong các giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chánh, nhiều nhân vật hài hước từng nói đùa rằng thương mại giữa chúng ta và Trung quốc sau cùng đã trở nên công bằng và cân đối: họ bán cho chúng ta các món đồ chơi nhiễm độc và hải sản ô uế, chúng ta bán cho họ chứng khoán gian lận.
Nhưng trong hiện tại, cả hai phía của cuộc giao dịch đó đã đổ vỡ. Một mặt, sự ham chuộng của thế giới đối với hàng hóa Trung quốc đã sụt giảm nặng nề. Xuất khẩu của TQ đã bị rơi rụng trong vài tháng gần đây và hiện đang 26% thấp hơn so với cách đây một năm. Mặt khác, người Trung quốc rõ ràng đang trở nên hồi hộp lo ngại về các chứng khoán gian lận họ mua của chúng ta.
Nhưng cho dù vậy Trung quốc dường như vẫn còn nhiều trông đợi không thực tế. Và đó là một vấn đề nan giải cho tất cả chúng ta.
Một tin chấn động hồi tuần rồi là một bài diễn văn của Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung quốc, trong đó ông kêu gọi thành lập một “đơn vị dự trữ tiền tệ chung toàn thế giới”.
Nhóm lo sợ hoang tưởng của Đảng Cộng hòa lập tức cảnh báo một âm mưu đen tối nhằm làm Hoa kỳ buông rơi vị thế đồng đô la. Nhưng bài diễn văn của ông Zhou thật ra đã thú nhận vị thế yếu kém của Trung quốc. Trên thực tế, ông ta nói rằng Trung quốc đã tự đưa họ vào một cái bẫy đô la, và không thể tự giải thoát mà cũng không thể thay đổi các chính sách đã đưa họ vào cái bẫy đó từ lúc ban đầu.
Vài điều về quá trình sự việc. Trong những năm đầu tiên của thập niên hiện nay, Trung quốc bắt đầu tạo ra những món thặng dư mậu dịch lớn lao và cũng bắt đầu thu hút những món đầu tư vốn liếng đáng kể từ nước ngoài. Nếu Trung quốc đã cho phép thả nổi tỉ giá hối đoái - cũng như, Canada - thì việc này đã dẫn đến việc vinh thăng giá trị tiền tệ của họ, và từ đó đã làm chậm lại việc tăng trưởng xuất khẩu của Trung quốc.
Nhưng thay vào đó Trung quốc giữ giá trị đồng yuan ít nhiều bị gắn chặt với đồng đô la. Để làm như vậy, họ phải mua đô la khi đồng tiền này đổ vào như cơn thác lũ. Sau nhiều năm, các thặng dư mậu dịch này tiếp tục tăng cao - và cùng với đó là số lượng tài sản ngoại quốc Trung quốc thu gom được.
Còn câu chuyện hài hước về chứng khoán gian lận thật ra không công bằng. Ngoài việc không suy nghĩ chín chắn khi mua vào số lượng lớn tài sản địa ốc vào lúc giá đang cao chót vót, người Trung quốc mua dự trữ phần lớn chỉ là các tài sản rất an toàn, đó là các công khố phiếu Hoa kỳ - gọi tắt là T-bills - tạo nên phần lớn tổng số tài sản. Nhưng trong khi T-bills an toàn và không bị vỡ nợ, lại cho tiền lời rất thấp.
Có chăng một chiến lược sâu xa đằng sau việc dự trữ hàng đống tài sản thiểu lợi nhuận như vậy? Có lẽ không đâu. Trung quốc thu mua hai ngàn tỉ đô la T-bills, làm Cộng hòa Nhân dân trở thành Cộng hòa T-bills - cũng theo cách Anh quốc lập nên đế chế của họ: trong một lúc đãng trí, thiếu suy xét.
Và chỉ mới vài ngày nay, dường như lãnh đạo Trung quốc mới tỉnh thức và nhận ra rằng họ có một vấn đề nan giải.
Tiền lời thấp dường như không quấy rầy họ cho lắm, ngay cả hiện nay. Nhưng họ rõ ràng lo ngại sự thật là 70% các tài sản đó đều trên đơn vị đô la, do đó bất cứ sự sụt giảm giá trị đồng đô la nào trong tương lai cũng đều đồng nghĩa với một sự lỗ lã vốn liếng to lớn cho Trung quốc. Từ đó ông Zhou đề nghị rằng nên tạo dựng một đơn vị tiền tệ mới theo kiểu cách S.D.R, tức là quyền lợi rút tiền đặc biệt, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế giữ các tài khoản của họ.
Nhưng cần chú ý nhiều vấn đề lớn nhỏ khác tại đây: S.D.R’s không phải là tiền thật sự. Đây chỉ là các đơn vị kế toán trong đó giá trị được đặt theo một rổ tiền tệ từ đô la, Euros, Yên Nhật, và Pounds Anh quốc. Và không có điều gì ngăn cản Trung quốc trong việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của họ và tránh xa đồng đô la.
Thật ra từ việc giữ một rổ dự trữ thích ứng theo các thành phần của S.D.R’s cũng sẽ không có gì khác ngoài sự thật là Trung quốc nay có quá nhiều đô la đến mức không thể bán ra mà không làm giảm giá trị đồng đô la và châm ngòi cho việc lỗ vốn liếng mà lãnh đạo Trung quốc đang sợ hãi.
Vì vậy, thật ra lời đề nghị của ông Zhou chỉ là một lời thỉnh cầu rằng ai đó làm ơn cứu Trung quốc khỏi các hậu quả của các sai lầm trong việc đầu tư. Điều này sẽ không xảy ra.
Và việc kêu gọi một phương pháp giải quyết thần kỳ nào đó cho vấn đề Trung quốc quá thặng dư đồng đô la chứng tỏ: các lãnh đạo Trung quốc không thể nắm được sự thật rằng luật lệ cuộc chơi đã thay đổi từ căn bản.
Cách đây hai năm, chúng ta sống trong một thế giới trong đó Trung quốc có thể để dành nhiều hơn họ đầu tư, và có thể tiêu thụ số thặng dư tiết kiệm đó tại Hoa kỳ. Thế giới đó nay đã không còn nữa.
Đã vậy, ngay hôm sau ngày đọc diễn văn về đơn vị tiền tệ dự trữ mới, ông Zhou đọc một bài diễn văn khác trong đó ông ta dường như xác quyết rằng tỉ lệ tiết kiệm cực cao của Trung quốc sẽ không thay đổi, vì đó là kết quả của Khổng tử Luận, đặt nặng giá trị “chống hoang phí”. Trong khi đó, “đây không phải lúc” Hoa kỳ tiết kiệm hơn. Nói cách khác, chúng ta hãy tiếp tục theo đuổi đường lối hiện tại.
Các điều này cũng sẽ không xảy ra.
Để kết luận, Trung quốc đã không thể đối mặt với các sự thay đổi khó khăn chúng ta cần đối phó trong cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều tương tự như vậy cũng xảy ra với người Nhật bản, Âu châu - và chính chúng ta.
Và sự thất bại trong việc đối mặt với các hiện thực mới là lý do chính mà, cho dù ló dạng vài tin tốt - cuộc hội nghị thượng đỉnh G-20 đã đem lại kết quả nhiều hơn tôi từng nghĩ sẽ đạt được - cuộc khủng hoảng lần này có thể sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm.
------------
Ô Uế Hoa kỳ
from Minh Biện by Bài Viết Của Bạn Đọc
(bài của GS Paul Krugman đăng trên New York Times ngày 30/3/2009 — do bạn đọc Dr. Trần dịch)
http://www.nytimes.com/2009/03/30/opinion/30krugman.html?_r=1
Mười năm trước trang bìa báo Time đăng hình ông Robert Rubin, khi đó là Bộ trưởng Ngân khố, Alan Greenspan, khi đó là Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, và Lawrence Summers, khi đó là Phó Bộ trưởng Ngân khố. Báo Time đặt tên cho bộ ba này là “ủy ban cứu rỗi thế giới”, ghi công trạng họ về việc đã dẫn đầu hệ thống tài chánh thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng có dáng dấp quá đáng sợ vào thời điểm đó, cho dù đó chỉ là một hạt cát phù du so với những điều chúng ta đang trải qua hiện nay.
Tất cả các đấng nam nhi trên trang bìa đó đều là người Hoa kỳ, nhưng chẳng ai xem đó là điều kỳ dị. Dù sao đi nữa, vào năm 1999 Hoa kỳ là một lãnh tụ không ai dám chất vấn về việc đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu vào lúc đó. Vai trò lãnh đạo đó chỉ đặt nền tảng một phần vào sự giàu có của Hoa kỳ; nhưng ở mức độ quan trọng hơn còn phản ảnh tầm vóc của Hoa kỳ như là một khuôn mẫu tiêu biểu. Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ, mọi người thầm nghĩ, là một quốc gia luôn biết cách phải làm gì trong ngành tài chánh.
Mũi tên thời gian nay đã làm vật đổi sao dời.
Khỏi cần quan tâm sự thật rằng hai thành viên trong ủy ban nay đã chịu đầu hàng dưới lời nguyền của tạp chí [Time], sự tuột dốc uy tín thông thường hay theo sau việc được nâng lên hàng cao trọng trong giới truyền thông (ông Summers, hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, vẫn còn nhiều sức mạnh). Quan trọng hơn nhiều là quy mô chúng ta tự khen tụng sự bền vững của ngành tài chánh - các sự khen tụng thường được chúng ta nêu lên khi chúng ta giảng dạy cho các quốc gia khác về việc cần thiết phải thay đổi phương cách làm việc - đã chứng tỏ chỉ là các điều sáo rỗng.
Thật vậy, ngày nay Hoa kỳ trông giống như một Bernie Madoff của các nền kinh tế, trong nhiều năm Hoa kỳ được ngưỡng mộ, ngay cả kinh sợ, nhưng hóa ra đó chỉ là một sự lừa dối từ lâu nay.
Thật đau đớn nếu đọc lại một bài ông Summers giảng dạy vào đầu năm 2000, khi cuộc khủng hỏng kinh tế của thập niên 1990 đang dịu xuống. Bàn luận về các nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng đó, ông Summers chỉ ra các điều mà nhiều quốc gia gặp khủng hoảng bị thiếu sót - và qua đó ngụ ý rằng Hoa kỳ có đầy đủ. Các điều đó bao gồm “các ngân hàng đầy tràn tiền vốn và được giám sát” và một nền kế toán thương nghiệp đáng tin cậy, minh bạch. Hết biết.
Một trong các nhà phân tích ông Summers dẩn chú trong bài giảng đó là kinh tế gia Simon Johnson. Trong một bài đăng trên báo Atlantic số hiện hành, ông Johnson, từng giữ chức Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện đang là giáo sư tại MIT, tuyên bố rằng các khó khăn hiện nay của Hoa kỳ “gợi nhớ sửng sờ” các cuộc khủng hoảng tại các nơi như Nga và Argentina - bao gồm vai trò có tính quyết định của các nhà tư bản bè phái.
Tại Hoa kỳ cũng như tại thế giới thứ ba, ông viết, “các nhóm có quyền lợi thương mại hàng đầu - các nhà tài phiệt, trong trường hợp Hoa kỳ - đã giữ vai trò trung tâm trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng, họ đặt cược ngày một lớn, với sự ngầm ủng hộ của chính phủ, cho đến khi xảy ra một sự sụp đổ không thể tránh khỏi. Đáng báo động hơn nữa, họ đang sử dụng ảnh hưởng của họ để ngăn chặn một cách thật chinh xác các loại hình cải cách cần thiết và mau lẹ để lôi kéo nên kinh tế khỏi bị rớt chúi mũi xuống đất”.
Không ngạc nhiên, khi đọc rằng một bài trên báo New York Times hôm qua, về sự đáp lại Tổng thống Obama sẽ nhận được tại Âu Châu, có tựa đề “Chủ nghĩa Tư bản nói tiếng Anh đang bị truy tố”.
Hiện nay, để cho công bằng thì chúng ta phải nói rằng Hoa kỳ chẳng phải là quốc gia duy nhất trong đó các ngân hàng đang bị điên cuồng. Nhiều lãnh đạo Âu Châu vẫn đang phủ nhận các khó khăn kinh tế và tài chánh toàn lục địa, trong khi các khó khăn, sa sút đó cũng sâu xa như của chính chúng ta - mặc dù các quốc gia của họ với mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẻ có nghĩa rằng người dân chúng ta rất có thể sẽ phải trải qua các sự khốn khó cao hơn nhiều. Dù vậy, sự thật là cuộc khủng hoảng đã gây thiệt hại về tính đáng tin cậy của Hoa kỳ, và theo đó là khả năng lãnh đạo.
Và đó là điều hết sức xấu xa.
Cũng như nhiều kinh tế gia khác, tôi đã tái thẩm định cuộc Đại Khủng hoảng, tìm kiếm các bài học khả dĩ có thể giúp chúng ta tránh được việc đó xảy ra lần nữa. Và một điều nổi bật từ lịch sử các năm đầu thập niên 1930 là quy mô trong đó thế giới phản ứng lại cuộc khủng hoảng đã bị làm què quặt vi các nền kinh tế lớn trên thế giới đã không thể hợp tác.
Chi tiết cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta rất khác, nhưng sự cần thiết hợp tác vẫn không giảm đi chút nào. Tổng thống Obama đã rất đúng, chính xác, hồi tuần rồi khi ông tuyên bố: “Tất cả mọi người trong chúng ta đều sẽ phải thẳng bước ngõ hầu để vực dậy nền kinh tế. Chúng ta không muốn một tình trạng trong đó vài quốc gia đang cố gắng phi thường và các quốc gia khác không làm như vậy”.
Vậy mà đó chính xác là tình trạng chúng ta đang gặp phải. Tôi không tin rằng ngay cả các cố gắng kinh tế của Hoa kỳ là đầy đủ, nhưng các nổ lực này đi xa hơn hầu hết các quốc gia giàu có đã và đang có ý muốn thực hiện. Và cuộc họp thượng đỉnh G-20 tuần này sẽ phải là một dịp cho ông Obama càu nhàu và rượt theo các lãnh đạo Âu Châu, để họ chịu hợp tác.
Nhưng vào các ngày này, các lãnh đạo nước ngoài không còn lòng dạ nào nghe lời giảng dạy của giới chức Hoa kỳ, ngay cả khi - như trong trường hợp này - Hoa kỳ đã đúng.
Cuộc khủng hoảng gây nhiều phí tổn. Và một trong các phí tổn đó là thiệt hại cho uy tín Hoa kỳ, một tài sản mà chúng ta vừa bị mất ngay khi mà chúng ta, và cả thế giới, đang cần đến nhất.
-------------
Sự thần bí của thị trường
from Minh Biện by Bài Viết Của Bạn Đọc
(bài của GS Paul Krugman đăng trên New York Times ngày 27/3/2009 — bạn đọc Dr. Trần dịch)
http://www.nytimes.com/2009/03/27/opinion/27krugman.html?_r=1
Hôm thứ Hai, ông Lawrence Summers, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia, trả lời các chỉ trích về kế hoạch của chính quyền Obama nhằm tài trợ cho tư nhân để họ mua lại các tài sản khó tiêu thụ, “Tôi không biết bất cứ kinh tế gia nào,” ông tuyên bố, “lại không tin rằng các thị trường vốn liếng hoạt động tốt hơn, trong đó tài sản có thể được trao đổi mậu dịch, là một ý kiến hay”.
Để qua một bên trong khoảnh khắc câu hỏi đúng hay sai, về một thị trường trong đó số người mua phải được hối lộ để họ tham gia có thể thật sự được mô tả như “hoạt động tốt hơn”. Ngay cả nếu đó là đúng, ông Summers cần ra ngoài nhiều hơn. Nhiều kinh tế gia đã tái xác định ý kiến trước đây từng hữu hảo của họ về các thị trường vốn liếng và buôn bán tài sản, dưới sự soi sáng của cuộc khủng hoảng hiện tại.
Nhưng điều ngày càng rõ ràng sau vài ngày vừa qua là các viên chức cao cấp nhất trong chính quyền Obama vẫn còn bị siết chặt bởi sự thần bí của thị trường. Họ vẫn còn tin tưởng vào sự kỳ ảo của thị thành tài chánh và vào sự tinh thông của các nhà phù thủy thực hiện các ma thuật này.
Trong quá khứ, sự thần bi của thị trường không luôn luôn chỉ huy các chính sách tài chánh. Hoa kỳ vượt qua cuộc Đại Khủng hoảng với một hệ thống ngân hàng được điều hành chặt chẽ, điều đó làm tài chánh là một ngành kinh doanh ù lì, thậm chí tẻ nhạt. Các ngân hàng thu hút người gởi tiền bằng cách cung cấp các địa điểm chi nhánh thuận tiện và có khi một hai cái bánh nướng miễn phí; họ cho vay trên số tiền thu hút được, và chỉ đơn giản như vậy.
Và hệ thống tài chánh không chỉ buồn chán, mà còn, theo tiêu chuẩn hiện nay, nhỏ. Ngay cả trong thời kỳ “các năm sôi động”, thị trường mạnh như bò mộng của thập niên 1960, tài chánh và bảo hiểm cộng lại vẫn ít hơn 4% Tổng Sản lượng Nội địa. Sự bất trọng yếu tương đối của ngành tài chánh còn được phản ảnh trong danh sách các cổ phiếu tạo thành Dow Jones Industrial Average, trong đó cho đến năm 1982 không bao gồm đến một công ty tài chánh.
Điều đó nghe quá cổ lỗ sĩ so với các tiêu chuẩn hiện nay. Tuy vậy chính cái hệ thống tài chánh chán chường, thô xưa đó đã phục vụ cho một nền kinh tế làm tăng trưởng gấp đôi các tiêu chuẩn sinh sống trong vòng một thế hệ.
Sau năm 1980, đương nhiên, một hệ thống tài chánh rất khác biệt trồi lên. Trong thời đại giải tỏa điều hành của Tổng thống Reagan, hệ thống ngân hàng theo thể thức xưa cũ được ngày càng thay đổi, thêm vào các phương cách giải quyết nhanh nhạy trên một tầm vĩ đại hơn. Hệ thống mới vĩ đại hơn nhiều so với thể chế trước đó. Ngay trước cuộc khủng hoảng hiện nay, tài chánh và bảo hiểm chiếm 8% Tổng Sản lượng Nội địa, hơn gấp đôi so với thị phần của hai ngành này trong thập niên 1960. Trước đầu năm vừa qua, chỉ số Dow bao gồm năm công ty tài chánh - trong đó có các công ty khổng lồ như AIG, Citigroup, và Bank of America.
Và tài chánh không còn chán chường nữa. Ngành này thu hút nhiều bộ óc thông minh đỉnh đạc nhất của chúng ta và làm một số chọn lọc nào đó trở nên giàu có vô cùng.
Nằm dưới kết cấu một tân thế giới hùng vĩ của ngành tài chánh là một quy trình chứng khoán hóa. Các món nợ không còn chỉ trong vòng tay người cho mượn. Thay vào đó, các món nợ được bán cho người khác, người này xẻ nhỏ, dồn cục, nhào nặn các món nợ riêng lẻ để tạo thành các tài sản mới. Nợ bất động sản thiểu tín dụng, nợ thẻ tín dụng, nợ xe hơi - tất cả bị bỏ vào cái cối xay nhuyễn của hệ thống tài chánh. Đầu ra phía bên kia, theo dự định, là các mối đầu tư tối hảo AAA. Và các phù thủy tài chánh được phong thưởng sung túc cho việc họ giám sát quá trình này.
Nhưng các nhà phù thủy đều gian dối, cho dù họ có hiểu biết hay không, và ma thuật của họ hóa ra chẳng có gì hơn là một bộ sưu tập các thủ thuật rẻ tiền trên sàn diễn. Hơn hết, điều hứa hẹn chính của chứng khoán hóa - rằng việc này sẽ làm hệ thống tài chánh trở nên hùng mạnh hơn nhờ vào việc trải rộng hơn các hiểm nguy - hóa ra là một điêu dối trá. Các ngân hàng sử dụng chứng khoán hóa để tăng nguy cơ, chứ không giảm đi, và trong quá trình đó họ làm nền kinh tế dễ, chứ không khó, bị tổn thương hơn do gãy vỡ tài chánh.
Sớm muộn gì thì tất cả mọi việc chắc chắn trở nên tồi tệ, và cuối cùng đã xảy ra. Bear Stearns thảm bại, Lehman thảm bại, nhưng hơn hết là, chứng khoán hóa cũng thảm bại.
Các điều này đem chúng ta trở lại phương pháp tiếp cận cuộc khủng hoảng tài chánh của chính quyền Obama.
Phần lớn cuộc bàn thảo về kế hoạch [giải tỏa] tài sản khó tiêu thụ chỉ tập trung vào chi tiết và các con tính đại số, và rất nên như vậy. Ngoài ra, tuy nhiên, điều nổi bật là tầm nhìn được biểu hiện cả trong nội dung kế hoạch tài chánh và trong các lời phát biểu của viên chức chính phủ. Thực chất, chính phủ dường như tin rằng một khi các nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, thì việc chứng khoán hóa - và ngành kinh doanh tài chánh - sẽ tái lập vào ngay chỗ đã rời khỏi vào một hai năm trước đây.
Công bằng mà nói thì các viên chức đang kêu gọi có thêm điều hành. Thật vậy, hôm thứ Năm, ông Tim Geithner, Bộ trưởng Ngân khố, đưa ra nhiều kế hoạch tăng cường điều hành mà nếu đưa ra không lâu trước đây đã bị cho là cực đoan, quá đáng.
Nhưng tầm nhìn căn bản vẫn còn nguyên, đó là một nền tài chánh dù ít dù nhiều vẫn giống như cách đây hai năm, cho dù bị chế ngự bởi các luật lệ mới.
Như các bạn có thể suy đoán, tôi không chia sẻ tầm nhìn đó. Tôi không nghĩ rằng đây chỉ là một hoảng loạn tài chánh, tôi tin rằng cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay đại diện cho sự thất bại của toàn bộ mô hình ngân hàng, của một ngành tài chánh tăng trưởng quá đáng đã gây thiệt hại nhiều hơn các điều lợi. Tôi không tin chính quyền Obama có thể hồi sinh chứng khoán hóa, và tôi không tin chinh quyền này nên cố gắng làm như vậy.