(Toquoc) – Hai tháng nay, liên quan Biển Đông có một số động thái quan trọng.
Các báo và hãng thông tấn thế giới đưa các phân tích về các sự kiện liên quan Biển Đông:
Theo Tân Hoa xã, các quan chức hàng hải Trung Quốc cho biết ngày 14/4, một tàu tuần dương ở tỉnh Quảng Đông bắt đầu cuộc hành trình để tham gia hoạt động tuần tra ở vùng Biển Đông mà người Trung Quốc gọi là Nam Hải.
Tàu "Haixun-31" đã rời cảng Zhuhai để tới Sanya, một quân cảng ở tỉnh Hải Nam. Tàu này sẽ tham gia hoạt động tuần dương chung lớn nhất từ trước tới nay do nhà chức trách hàng hải ở Quảng Đông, Hải Nam và Thượng Hải tổ chức vào giữa tháng 4 này. Tàu "Haixun-31", cùng với tàu "Haibiao-32" của Quảng Đông và tàu "Haixun-21" của Thượng Hải là những lực lượng chính của hoạt động tuần tra chung này.
Việc tuần tra được nói là nhằm giám sát môi trường biển, kiểm tra các tuyến đường biển chính, các dấu lộ trình, cơ sở khác trên biển và đảm bảo trật tự, an toàn cho tàu thuyền.
Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Trường Sa?
Hoàn cầu Thời báo, ấn bản bổ sung của Nhân dân Nhật Báo, mới đây đăng bình luận nhan đề "Quân đội Trung Quốc cần thiết lập căn cứ quân sự quy mô lớn tại Trường Sa để bảo vệ nguồn tài nguyên Nam Hải". Tác giả Đới Hy, Đại tá Không quân và là nhà bình luận về các vấn đề chiến lược, nhận định rằng, nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ là "loại bỏ bất đồng để cùng phát triển", nhưng trước tình hình hiện nay ở Biển Đông, Trung Quốc đã "gạt bỏ bất đồng" mà chưa nỗ lực để "cùng phát triển”.
Trung Quốc chỉ muốn thúc đẩy phát triển và khai thác nguồn tài nguyên ở biển này, nhưng hiện lại chưa có một giếng dầu hay mỏ khí nào ở đó. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, trữ lượng dầu khí tại khu vực bồn trũng chính lên tới hàng chục tỷ tấn. Cuối thập niên 1990, các nước láng giềng đã hợp lực với các tập đoàn dầu khí quốc tế để khoan hơn một nghìn giếng trong vùng biển Trường Sa, phát hiện hơn 200 điểm có dầu khí và khai thác hơn 180 mỏ. Năm 1999, sản lượng dầu hàng năm của các nước này đạt trên 40 triệu tấn và sản lượng khí đốt là 31 tỷ m3, gấp 7 lần so với sản lượng dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc chỉ đạt mức 2,5 tỷ m3.
Việt Nam đã chia vùng biển quanh quần đảo này thành hàng trăm lô mời thầu và đang ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí với Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức... mỗi năm kiếm được hơn 10 tỷ USD từ dầu khí. Cuối năm 2004, Việt Nam đã xây đường băng trên đảo Trường Sa để máy bay loại vừa có thể hạ cánh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa xúc tiến khai thác một giếng dầu hay mỏ khí nào tại biển này.
Tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào các vùng biển đảo là không hề phóng đại. Trung Quốc không thể giàu mạnh nếu không có nguồn lợi biển và không bảo đảm được an ninh cho các tuyến giao thương hàng hải. Trung Quốc cần hiểu rõ tính cấp bách trong việc phát triển Nam Hải. Cần chạy đua với các nước láng giềng, áp dụng các chính sách ưu đãi đặc biệt, khuyến khích các địa phương, các công ty và các cá nhân tích cực phát triển và khai thác nguồn dầu khí ở vùng biển này.
Tài nguyên Nam Hải không chỉ giới hạn về nguồn dầu lửa và khí đốt, nên việc phát triển Nam Hải cần được hoạch định một cách kỹ lưỡng và sử dụng các biện pháp đa dạng, cân nhắc tới mọi yếu tố. Phát triển dầu khí phải là hoạt động chính trong bước tiếp theo.
Một căn cứ quy mô lớn phải được thiết lập tại Nam Hải, một vị trí chiến lược của tuyến hàng hải quốc tế phải được sử dụng để cung cấp các dịch vụ toàn diện cho các tàu của Trung Quốc và nước ngoài. Căn cứ này sẽ là tiền đề cho sự hiện diện ngoài khơi của Trung Quốc trên thế giới. Một khi dây chuyền hàng hải bao gồm các ngành đánh cá, sinh học biển, dầu khí, vận tải, du lịch dịch vụ… được thành lập sẽ trở thành động lực kinh tế lớn lao cho tỉnh Hải Nam và cả nước Trung Quốc. Một khi là lợi ích của quốc gia thì sự tham gia của hải quân.
Cần thiết lập căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa, với các cơ sở dành cho máy bay trực thăng và các loại hình tác chiến khác. Hải phận và không phận rộng lớn ở Nam Hải sẽ trở thành địa điểm huấn luyện quân sự không chỉ bảo vệ phát triển kinh tế của Nam Hải mà còn thúc đẩy hiện đại hóa quân đội.
Cần phản ứng mạch lạc và minh bạch
Tiến sĩ Ulises Granados, tác giả của nhiều bài nghiên cứu liên quan vấn đề Biển Đông, phát biểu trên BBC như sau :
Ngày 10/3, TTh Philippines Gloria Arroyo đã ký thành luật Đạo luật Cộng hòa 9522, tái khẳng định chủ quyền với hơn 7100 đảo, bao gồm một số trong vùng Trường Sa tranh chấp và cả vùng Trung Sa (Macclesfield) bị Trung Quốc và Đài Loan tranh chiếm. Trước đó, ngày 8/3, tàu Trung Quốc đã đối đầu với tàu Mỹ USNS Impeccable, cách đảo Hải Nam khoảng 120 cây số về phía Nam. Điều thú vị là cả hai vụ này đều liên quan đến diễn biến xây dựng hải quân của Trung Quốc và liên quan chính phủ Obama tại Mỹ.
Toàn bộ vấn đề có ảnh hưởng to lớn trong vùng bởi vì nó có thể dính dáng tới vụ tàu USNS Impeccable và vì thế cũng liên quan tới ý định của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển. Theo Jane's Defense Weekly, Trung Quốc đã điều động tàu ngầm hạt nhân Jin ở Hải Nam và đã xây cơ sở hạ tầng ngầm dưới biển ở căn cứ Sanya tại đảo này. Tàu Impeccable, một tàu thám thính không vũ trang, được cho là đang dò tìm ở dưới đáy biển, nhưng có lẽ đúng hơn nó đang thu thập thông tin cho Hải quân Mỹ về hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trong vùng.
Cần lưu ý là đạo luật của Philippines và vụ va chạm tàu Trung Quốc - Mỹ xảy ra vài tuần sau khi Barack Obama nhậm chức tổng thống. Cả hai vấn đề có vẻ đòi hỏi chính phủ mới ở Mỹ có phản ứng mạch lạc.
Trước hết, đạo luật của Manila không chỉ nhắm tới hạn chót 13/5 của Liên Hiệp Quốc, mà nó còn có thể nhằm buộc Mỹ bày tỏ thái độ về khả năng giúp Philipinnes chống Trung Quốc nếu xảy ra đụng độ ở Trường Sa, hoặc ít nhất cũng giúp Manila hiện đại hóa quân đội. Sử dụng "lá bài Trung Quốc" cũng có thể tái tục thảo luận về tương lai Hiệp định Quân lực Mỹ - Philipinnes, mà lâu nay bị một số dân biểu Philipinnes chê trách là bất công cho nước họ. Chính quyền Arroyo có thể đang muốn đẩy Washington phải có thái độ chủ động hơn về "mối đe dọa Trung Quốc".
Trong khi đó, vụ va chạm tàu USNS Impeccable hơi giống biến cố máy bay Mỹ EP-3 tháng Tư 2001, khi nó phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam vài tháng sau khi George W Bush lên nắm quyền.
Lúc này, lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt phe quân đội, có thể đang thăm dò chính sách hải quân của chính quyền Obama cho vùng Viễn Đông. Hoặc ít nhất họ muốn thăm dò chính phủ Mỹ, bị phe bảo thủ Mỹ cho là "mềm yếu trong quan hệ quốc tế", có dám gây áp lực với Trung Quốc giữa cơn khủng hoảng tài chính hay không. Đa số các nước trong vùng cũng muốn sớm biết đâu là ưu tiên thực sự của chính quyền đảng Dân chủ Mỹ.
Dù mưu tính thực sự của Bắc Kinh là gì, thì Trung Quốc, Mỹ và Philipinnes cần củng cố biện pháp xây dựng lòng tin, minh bạch ở Biển Đông. Họ cần thông báo trước về các hoạt động dân sự và quân sự, để tỏ thiện chí. Mặc dù UNCLOS và Tuyên bố 2002 về Hành xử Các bên ở Biển Đông, do Trung Quốc và ASEAN ký, không mang tính ràng buộc, có nhiều khiếm khuyết đáng nói, nhưng hai tài liệu này vẫn là khung quan trọng cho hợp tác khu vực.
Thật kỳ lạ, ít nhất đối với Trung Quốc, nước này có thể muốn ASEAN cập nhật Tuyên bố 2002 bằng một chữ ký của Mỹ như quan sát viên bên ngoài. Bởi vì như thế có thể phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh, tức là theo dõi Mỹ ở vùng Biển Đông, đặc biệt khi mà việc can dự trực tiếp của Mỹ tại Biển Đông là khả năng sắp xảy ra. Sự can dự không trực tiếp dính líu tới yêu sách ở Trường Sa, bởi vì ngay từ trước Chiến tranh thế giới thứ II, chính phủ Mỹ đã tránh nêu quan điểm về tính chất pháp lý của các yêu sách lãnh thổ. Nhưng sự can dự ngày nay của Mỹ là nhắm tới sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc trên biển.
Tính minh bạch là yêu cầu khó nhưng vẫn là đòi hỏi chính trị trong vùng. Giữa Trung Quốc và Mỹ, rất cần khai thông liên lạc giữa hai quân đội để tránh các vụ như USNS Impeccable.
Trung Quốc, Philipinnes và Việt Nam cần công bố tiến triển thực sự của thỏa thuận thăm dò địa chấn ba bên năm 2005, theo đó các công ty dầu khí ba nước sẽ tìm kiếm tiềm năng dầu và khí đốt ở một số vùng của Trường Sa. Chi tiết đang được giữ bí mật và ASEAN và Đài Loan bị gạt ra khỏi dự án.
Các biện pháp minh bạch có thể giúp cho một Biển Đông ổn định hơn trong tương lai gần, vì những tuyên bố hành xử, giống như thỏa thuận 2002, sẽ luôn chỉ là giấy vụn nếu không được thực thi trong thực tế.
TNS McCain nhấn mạnh tự do thông thương trên biển
Ngày 7/5, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, TNS bang Arizona ông John McCain đã đến Việt Nam và đã có một cuộc họp báo ở Hà Nội. Trước các nhà báo, ông đề cập về vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc và tàu Mỹ USS Impeccable gần đây trong vùng Biển Đông, TNS cho rằng đây là một thách thức an ninh mới đối với nhân loại, và tuyên bố Mỹ từ lâu đã ủng hộ quan điểm tự do đi lại trên toàn thế giới và sự tự do này phải bao gồm cả ở Biển Đông. Mỹ có lợi ích trong lưu thông đường biển tự do trong khu vực và trong việc giải quyết hòa bình những tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa và các vị trí khác.
Mạng tin Asia Times và Le Courrier đã trở lại sự kiện ngày 8/3, khi hai tàu Trung Quốc cản đường tàu thăm dò Impeccable của Mỹ, ở vùng biển cách đảo Hải Nam khoảng 120 km.
Vụ việc cho thấy có lẽ quân đội Trung Quốc không còn chịu đựng được việc tàu Mỹ do thám ngay sát cạnh bờ biển của họ. Nhưng đáng chú ý là nó cũng phản ánh sự quyết tâm của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.
Và nếu trước đây, các vấn đề an ninh liên quan đến Biển Đông không được lãnh đạo Trung Quốc hay dư luận xem là ưu tiên vì quá xa vời, thì ngày nay lại khác. Dân chúng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn, kể cả về quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Đài Loan, Việt Nam, Brunây, Philippinnes, Malaysia. Cho nên, có thể xem cuộc đọ sức với Mỹ đầu tháng 3 như là một tín hiệu của chính quyền Bắc Kinh, cho thấy họ không chỉ có quyết tâm mà còn có khả năng bảo vệ điều mà họ xem là quyền lợi của mình ở Biển Đông.
Bài báo cũng dự đoán có khả năng xảy ra những vụ va chạm khác trong thời gian sắp tới, nhưng cho rằng sẽ không có gì quá nghiêm trọng, ít ra là trong ngắn hạn. Washington cần tiền của Trung Quốc, còn Bắc Kinh cũng cần Mỹ để tiếp tục công cuộc hiện đại hóa. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi, không còn như trước.
Một trong những hệ quả là quan hệ vốn rất lạnh nhạt giữa ông Obama và Tổng thống Philippinnes, bà Arroyo, đang được hâm nóng. Báo Daily Inquirer của Philippinnes ghi nhận là vào ngày 14/3, ông Obama đã gọi điện thoại cho bà Arroyo, nhắc nhở rằng ông rất gắn bó với liên minh chiến lược giữa hai nước, và Mỹ tôn trọng thỏa thuận hỗ trợ quân sự gọi tắt là VFA giữa hai bên. Thỏa thuận này cho phép Mỹ đóng quân trên những căn cứ lưu động tại Philippinnes khi cần thiết./.