Quy hoạch khai thác quặng bô-xít ở Đắc Nông
SỨC ÉP CỦA TRUNG QUỐC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TBT NÔNG ĐỨC MẠNHNguyên Phong
Mặc dầu bị kiểm duyệt và khiển trách, từ tháng 10.2008 đến nay, báo chí Việt Nam đã công bố nhiều phát biểu, kiến nghị của các nhà khoa học, nghiên cứu, văn hoá và cách mạng lão thành yêu cầu dừng ngay dự án khai thác quặng bô-xít ở Đắc Nông với Trung Quốc.
Bãi bùn đỏ Nalco Damanjodi (Ấn), sau khi khaithác bôxit
(không cỏ mọc, không một loại vi sinh, không sự sống).
Những tài liệu được công bố đưa ra những luận cứ xác đáng cho thấy tai hại và nguy cơ về nhiều mặt của dự án này : phi kinh tế, tiếp tục bán rẻ tài nguyên, đi ngược chủ trương phát triển bền vững, gây ra những hậu quả ghê gớm là phá hoại môi trường (làm cạn kiện nguồn nước của một khu vực đang đứng trươc nguy cơ thiếu nước ; biến Đắc Nông thành một vùng bùn đỏ), huỷ diện không gian sinh tồn, xã hội và văn hoá của đồng bào các dân tộc hiện đang sinh sống ở Đắc Nông (1).
Điều mà các tài liệu ấy không dám nói tới hoặc chỉ nói bóng gió là nguy cơ về an ninh, quốc phòng : sự có mặt của nhân viên Trung Quốc (hiện là hàng trăm, sẽ lên tới từ 10 000 đến 20 000 người, có nhiều dấu hiệu chứng tỏ đây là những quân nhân mặc thường phục) tại « nóc nhà của Đông Dương », một khu vực mà ngay thời kì thịnh trị nhất của chế độ Pol Pot, Trung Quốc cũng chưa thể có mặt.
Trong cuộc họp báo ngày 4.2, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biện minh cho dự án sai lầm nguy hiểm này bằng cách nói rằng dự án này « đã được nêu trong nghị quyết đại hội X của Đàng và Bộ chính trị đã ba lần nghe, kết luận về phát triển bôxít Tây Nguyên ». Nhưng, như Hoà Vân đã chỉ rõ trong bài Bô-xít và Tây Nguyên (đã đăng trên Diễn Đàn), nếu trong báo cáo kinh tế được Đại hội X thông qua có một câu « căn cứ vào nguồn lực và hiệu quả, Nhà nước tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để phát triển những sản phẩm quan trọng của nền kinh tế, như : lọc hoá dầu, khai thác quặng và luyện thép, phân bón, hoá chất, xi măng, khai thác bô - xít và sản xuất alumin, bột giấy gắn với trồng rừng, một số sản phẩm cơ khí chế tạo », thì chính Đại hội X ấy cũng đã thông qua Bản báo cáo chính trị (quan trọng hơn) trong đó không còn chuyện bôxít nữa, mà thậm chí còn nhấn mạnh « có chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô ».
Tìm lại các văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam trong 10 năm qua, càng thấy rõ phương án bôxít Tây Nguyên này do Trung Quốc đề ra từ năm 2001 và liên tục làm sức ép đối với Việt Nam. Và trong việc này, trách nhiệm của cá nhân tổng bí thư Nông Đức Mạnh là không thể chối cãi.
Thật vậy, trong « Tuyên bố về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Công hòa nhân dân Trung Hoa » công bố ngày 25.12.2000 (lúc đó tổng bí thư ĐCS Việt Nam là Lê Khả Phiêu, ĐCS Trung Quốc là Giang Trạch Dân) hoàn toàn không nói gì tới khai thác quặng bô xít, mà thậm chí còn nhấn mạnh tới việc hợp tác khoa học kĩ thuật trong cả lĩnh vực « bảo vệ môi trường » (xem toàn văn tuyên bố trên mạng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kì).
Lần đầu tiên danh từ bôxít xuất hiện là ngày 3.12.2001 trong « Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh » (xem toàn văn : mạng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kì) cụ thể là trong điểm thứ 6 :
« 6- Hai bên xác định trong thế kỷ mới cần tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa hai nước theo phương châm bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả, bổ sung ưu thế cho nhau, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển; tích cực khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp hai bên khai thác thêm thị trường hàng hóa của hai nước, tăng cường đầu tư và hợp tác, mở rộng quy mô hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thực hiện các dự án hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.
Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông.
Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức thương mại thế giới. Trung Quốc tích cực ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. »
Trước hết, một nhận xét về hình thức : cả đoạn này nói về khuôn khổ chung hợp tác hợp tác « kinh tế, thương mại, khoa học kĩ thuật và các lĩnh vực khác », nhưng bỗng nhiên lại gài một điểm cụ thể, và chỉ một điểm đó thôi « nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông ». Có lẽ đây là một văn kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử ngoại giao quốc tế : tại bất cứ một trường ngoại giao nào, nếu một sinh viên viết một tuyên bố chung như vậy, chắc sẽ bị đánh trượt và đưa ra khỏi trường ngay lập tức.
Suối Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) trong xanh nay trở thành suối máu. Trung Quốc đã ngừng khai thác mỏ bô-xit ở đây và đang "khẩn trương" mở suối máu, bãi bùn đỏ ở Tây Nguyên
Vậy mà văn kiện đó đã được kí kết và công bố. Điều chắc chắn là « dự án bô-xít nhôm Đắc Nông » này không do phía Việt Nam nêu ra, và « Bộ chính trị » chưa hề « nghe », chứ chẳng nói gì là « kết luận ». Vậy thì đó là đề nghị của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra : tổng bí thư Nông Đức Mạnh có đọc thấy câu văn quái gở ấy trước khi đặt bút kí không ?
Bốn năm sau, tháng 11.2005, ông Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam. Thông báo chung công bố ngày 2.11.2005 (xem bản tin của VietNamNet) không thấy nói gì tới việc này (2).
Tháng 11.2006, ông Hồ Cẩm Đào sang Việt Nam chuyến nữa. Lần này thông báo viết : « Từng bước cải thiện cơ cấu mậu dịch, cố gắng thực hiện phát triển cân bằng và tăng trưởng bền vững thương mại hai chiều. Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xít Đắc Nông… ». Một lần nữa, dự án Đắc Nông lại được nêu ra, và chỉ có nó được kể tên. Hai chữ « tích cực » của năm 2001 (khi ông Mạnh đặt bút kí lần đầu) nay được thay bằng « khẩn trương ». Thôi thúc như đòi nợ, hay mệnh lệnh, uy hiếp ?
Tóm lại, do sự nhẹ dạ năm 2001, lãnh đạo ĐCSVN, đứng đầu là tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã tự đặt mình vào một thế lưỡng nan : chịu sức ép của Trung Quốc, thực hiện dự án Đắc Nông, thì sẽ phạm một sai lầm và tội ác to lớn, và sẽ mất hết uy tín trong dân và trong đảng, và sẽ bị cộng đồng quốc tế khinh bỉ ; huỷ bỏ dự án này, thì sẽ bị Trung Quốc trả đũa, thậm chí dùng những biện pháp săng-ta với những cá nhân lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong mọi cuộc săng-ta, kẻ làm săng-ta cũng phải tính tới lợi ích xa hơn là lợi ích trước mắt. Nếu đủ sáng suốt, ông tổng bí thư, hay ít nhất các đồng chí của ông trong Bộ chính trị, cũng có thể kiên trì giải thích cho ông Hồ Cẩm Đào thấy bàn tay quá lộ liễu của Trung Quốc sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền có thể làm cho họ mất cả chì lẫn chài.
Về phần công luận Việt Nam, tất nhiên không có cách nào khác hơn là nghiêm chỉnh tố cáo một sai lầm, một tội ác, ở thời điểm này, còn tránh được.
Nguyên Phong
(1) Ngoài những bài đã đăng hay được giới thiệu trên Diễn Đàn, độc giả có thể đọc thêm bài của Nguyễn Trung trên Tuần Việt Nam và của Dương Thanh Tùng trên mạng của Cơ quan thanh tra Chính phủ.
(2) Theo những nguồn tin « nội bộ » đáng tin cậy, thì trong chuyến đi này, ông Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu gặp toàn thể Bộ chính trị ĐCS Việt Nam. Tại cuộc gặp này, họ Hồ nói một câu đại ý : Trung Quốc không can dự vào việc sắp xếp nhân sự sắp tới của Đại hội X, nhưng chỉ yêu cầu « một điều », là « không thay đổi tổng bí thư ». 5 tháng sau, ông Nông Đức Mạnh tái cử tổng bí thư ĐCSVN (tháng 4.2006).
Phản kiến nghị bauxite
Bạn nghĩ thế nào về một thông cáo báo chí mà người soạn thảo thậm chí không dám ký tên nhưng lại gọi bản kiến nghị của 135 người vời đầy đủ họ tên, cơ quan công tác là “hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”. Trong số 135 người ký tên đấy đếm sơ sơ cũng có gần 50 người là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ, hàng chục người là nhà văn, nhà báo hay nghệ sĩ, có cả những tên tuổi được coi là rực rỡ trong khoa học Việt Nam hiện đại như Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Quang Riệu, Phạm Xuân Yêm, Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận…
Nhưng trong mắt của kẻ giấu tên ở Bộ Công thương thì những trí thức này chẳng có milligram giá trị nào, và những ý kiến phản biện xã hội của họ “rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”, “hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”.
Có bao nhiêu cái mũ có thể chụp, Bộ Công thương đã đem chụp hết vào đầu các trí thức này, chắc là để chuẩn bị cho mai kia nếu có cái tròng nào cần quăng vào cổ họ thì sẽ đem ra quăng nốt. Bộ này còn sử dụng thế lực của mình để làm một cuộc truyên truyền trên mặt trận báo chí. Cụ thể, Bộ Công thương đề đạt : “rất mong các đ/c lãnh đạo các cơ quan thông tin báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi tới công chúng”.
Với “đề đạt” này của Bộ Công thương, người ta có thể trông đợi sẽ có một trận mưa sa bão táp cuộc tổng tiến công vào giới trí thức mà cường độ và mức độ có thể không kém trận chiến truyền thông chống cha Kiệt ngày nào (mà một trong những người lĩnh xướng chính là Phó Tổng GĐ Đài truyền hình Việt Nam*). Nhất là khi Bộ Công thương đã có “nhời” nhờ giúp đỡ với Bộ 4T của anh Hợp, anh Doãn. Tất nhiên, những lời đề nghị giúp đỡ thực sự với các lãnh đạo báo chí, nếu có thì hẳn đã phải được đưa ra sớm hơn thời điểm Bộ Công thương phát thông cáo báo chí của mình cho 300 nhà báo vào ngày 28/4.
Nếu đọc một số tờ báo trong mấy ngày này, người ta đã thấy gió có phần chuyển hướng. Điển hình nhất là bài trên báo Nhân Dân mà anh Huy Đức đã phân tích hết sức chính xác và tỉ mỉ và cũng đoán được có mùi bàn tay can thiệp của nhóm lợi ích nào đó trong đấy. Có thể kể thêm bài trên Lao Động của Hà Văn Thịnh.
Ngay trên Tuần Việt Nam- tờ báo trực thuộc Bộ 4T-từ xưa tới nay vẫn thoải mái đăng các bài phản biện chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì ngày 26/4 cũng vội vàng đăng bài của một “bạn đọc” có tên Thái Nam giảng dạy về cách phản biện xã hội “Phản biện phải khách quan, mang tính khoa học và xây dựng, không được lồng vào tham vọng cá nhân hay động cơ chính trị, nói năng như thế là có dụng ý tát nước theo mưa, không phải là phản biện. Có thể nói, sự kích động quá lộ liễu như thế tự nó bóc trần mục đích và động cơ cá nhân của những người "tát nước theo mưa".
Ba ngày sau đó, cũng trên Tuần Việt Nam, TS. Phạm Gia Minh (người từng đòi đổi tên Hà Nội thành Thăng Long khi Hà Nội nhập Hà Tây trước đây) viết một bài mang tinh thần hà văn thịnh. Bài TS. Phạm Gia Minh khéo léo hơn bài của giảng viên Hà Văn Thịnh ở chỗ không phải tán vuốt kết luận Bộ Chính trị như ông Thịnh mà trích dẫn Tây Tàu loằng ngoằng Ngụy Trưng, Thái Tông đủ kiểu nhưng vẫn rút lại ở một lập luận có tính răn đe: “Chúng ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản biện “té nước theo mưa“ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả.”
Hiểu nôm na thì đây là lời răn của Chúa mà có lẽ ông Minh hay ông Thịnh chỉ là những người đoán trước ý. Các ông cũng là những người “thức thời” nên đã nhanh chóng tìm cách khẳng định rằng phản biện như các ông mới là phản biện xịn, là “hiến kế” cho Đảng, là hiền thần Ngụy Trưng hiến kế cho minh quân Thái Tông, chứ phản biện như mấy thằng cha kia là phản biện đểu, là luận điệu “thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí”. Túm lại, chúng nó không phải là “lương thần” như các ông. Vẫn là cái tư duy bẩm cụ, cụ cho con xin miếng thịt.
Trở lại với bài viết của Bộ Công thương, kể ra dù sao nếu so sánh giữa Xuân Quang trên Nhân Dân, Hà Văn Thịnh trên Lao Động với kẻ không dám ký tên ở Bộ Công thương thì có thể có những quan sát thú vị. Xuân Quang là bồi bút đích thực rồi, không có gì để nói. Có lẽ Xuân Quang cũng là một bút danh ít được dùng đến (có lẽ chỉ dùng đến khi làm chuyện ám muội đáng xấu hổ) nên xem ra giới nhà báo cũng ít người biết thực ra đó là ai. Có thể coi Xuân Quang là một tay lính đánh thuê, một Chí Phèo làng báo. Hà Văn Thịnh là kẻ giữa dòng, ngoái sáng trái, nhìn sang phải, vừa muốn là trí thức nói những điều mình muốn nói, vừa muốn được Đảng tin dùng (chú ý cách ông đối lập “những người trung thực” với Đảng và ông tự đặt mình vào thế ở giữa, bị cả hai bên ghét bỏ). Nhưng ông Thịnh dù sao cũng còn dám chịu trách nhiệm cá nhân khi ký tên thật mình vào bài trên báo Lao Động. Nghĩa là dù sao ông vẫn còn chút liêm sỉ của một kẻ tự biết là mình hèn. Còn cái công văn của Bộ Công thương chửi 135 trí thức là lũ bịa đặt, kích động và đề nghị Bộ 4T vào cuộc tuyên truyền thì thậm chí người chịu trách nhiệm công văn này còn không dám ký tên mình (cho dù văn bản đó được một ông Thứ trưởng Bộ Công thương đọc trong cuộc họp báo). Đó là cái dũng, cái liêm, cái sỉ của kẻ làm quan ở nước ta? Chửi người khác thì rất hăng nhưng không dám lưu tên mình cho thiên hạ soi vào.
Và lời đề nghị của Bộ Công thương nhờ các lãnh đạo báo “chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi đến công chúng” xem ra vấp phải sự thờ ơ của hầu hết các báo. Đa số các báo tuy không dám đưa tin về kiến nghị của 135 nhà khoa học và nhà hoạt động văn hóa-xã hội nhưng cũng tự biết thẹn không (hay chưa) dám tham gia chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Bộ Công thương, chống những kẻ “tiểu khí” này.
Tất nhiên nếu bao giờ Ban Tuyên giáo và Bộ 4T dứt khoát xuống tay thì lúc đó lại là việc khác. Nhưng với kết luận khá dè dặt, ôn hòa và xoa dịu của Bộ Chính trị thì cú phản đòn của Bộ Công thương xem ra có phần quá tay và lố lăng, thậm chí là phản tác dụng, gây thêm phẫn nộ trong dư luận. Trừ bọn làm nghề đĩ bằng bút hay bọn chuyên ngửi rắm thiên hạ để đoán hướng gió thì không nói.
Ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ chính quyền nên xử lý vụ này trên tinh thần cầu thị và tiếp thu thay vì tìm cách khích động chiến dịch đấu tố chống bọn trí thức lầm đường lạc lối, kích động dư luận, tiếp tay cho các tổ chức phản động. Khi xưa Hiến chương 77 cũng chỉ từ 200 công dân Tiệp Khắc ký tên phản đối chính quyền Tiệp Khắc bắt giam một ban nhạc Rock để rồi phát triển thành một phong trào dân quyền có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.
*Nhà bình luận Hà Văn Thịnh của báo Lao Động cũng từng góp phần mình trong chiến dịch đó với bài viết "Đáng rủa sả thay" mắng TGM Kiệt.