Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Khảo sát hồ sơ thềm lục địa của Việt Nam.

Khảo sát hồ sơ thềm lục địa của Việt Nam.

Tìm hiểu hồ sơ thềm lục địa của Việt Nam:
Việt Nam được gì và mất gì?
Trương Nhân Tuấn

“...Biển Đông là hải đạo huyết mạch của kinh tế thế giới. Nơi này cũng là hải đạo huyết mạch cho TQ. Vì thế, ngoài những quyết định điên rồ không tính trước của lãnh đạo TQ, xác suất TQ đánh các đảo VN hiện nay là 0%. Do đó các lo ngại của nhiều người VN tuy chính đáng, nhưng hoàn toàn không có căn bản...”

I . Khái niệm về thềm lục địa

Thềm lục địa của một quốc gia là phần đất liền của quốc gia đó nối dài ra và chìm dưới đáy biển. Khái niệm về «thềm lục địa» tương đối mới, chỉ có vài mươi năm nay. Chủ quyền về thềm lục địa có từ năm 1942, nguyên nhân do việc khai thác dầu khí: hai nước Anh Quốc (bảo hộ xứ Trinité et Tobago) và Vénézuela đồng ý chia với nhau vùng thềm lục địa có nhiều mỏ dầu khí ở ngoài giới hạn lãnh hải 3 hải lý. Nhưng chính thức là lời tuyên bố của TT Truman ngày 28 tháng 9 năm 1945: “thềm lục địa có thể được xem như là phần đất liền nối dài ra biển, do đó chủ quyền của quốc gia này ở phần lục địa kéo dài là việc tự nhiên”. TT Truman tuyên bố quyền tài phán và khai thác tài nguyên thiên nhiên của HK một vùng «thềm lục địa» được giới hạn bởi vùng nước sâu không qua 200 mét.

Bắt đầu thời điểm này, các học thuyết về thềm lục địa được phát triển, theo tiến bộ của kỹ thuật khai thác dầu khí dưới đáy biển, được áp dụng vào thực tiễn qua các công ước về luật Biển.

Công ước Genève 1958 công pháp hoá khái niệm về thềm lục địa, trong lúc các công ước khác về lãnh hải và vùng tiếp cận, về đại dương (biển cả) và việc đánh bắt và bảo vệ hải sản trên biển cả được ký kết và thông qua. Chỉ đến ngày 10-6-1964 công ước về thềm lục địa mới được đi vào hiệu lực sau khi có 22 nước tham gia phê chuẩn.
Chiều rộng của thềm lục địa vào thời điểm đó được xác định một cách đơn giản: là nơi mà độ dốc của bờ triền thềm lục địa thình lình thay đổi. Chiều rộng thềm lục địa được xác định là khoảng cách từ bờ đến vùng nước có độ sâu 200m. Vì thông thường, bờ triền của thềm lục địa thay đổi đột ngột ở khoảng 200 m chiều sâu.

Định nghĩa của thềm lục địa (điều 1) theo công ước 1958 (đi vào thực tế năm 1964):

• Khu vực dưới đáy biển, tiếp cận với bờ biển, gồm mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cho đến độ sâu 200m. Như thế chiều rộng thềm lục địa có thể xa hơn chiều rộng hải phận 3 hải lý.
• Thềm lục địa có thể kéo dài ra đến nơi mà độ sâu của nước còn có thể cho phép khai thác tài nguyên.
• Thềm lục địa của các đảo cũng được tính theo tiêu chuẩn của thềm lục địa đất liền.
Quyền tài phán và khai thác thềm lục địa của quốc gia được định nghĩa ở điều (2): các quốc gia duyên hải có quyền chủ quyền như thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa.

Quyền chủ quyền và quyền được khai thác của các quốc gia duyên hải là một đặc quyền, không một quốc gia nào khác có thể thăm dò và khai thác tài nguyên nếu không có sự đồng ý của quốc gia có chủ quyền.

Quyền chủ quyền của quốc gia ở thềm lục địa là một quyền tự nhiên, không phụ thuộc vào việc chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa hay cần đến một sự tuyên bố nào (như trường hợp các vùng đất hay đảo).

Song song với các quyền hạn, quốc gia duyên hải cũng phải có nghĩa vụ đối với thềm lục địa của mình, gồm các việc: không làm ảnh hưởng đến vùng nước và vùng trời phía trên thềm lục địa, không được cản trở việc đánh cá, tôn trọng tự do hàng hải của tàu thuyền cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, không được ngăn cản các nước đặt dây cáp ngầm…

Nhưng sự phát triển khoa học kỹ thuật đã cho phép con người khai thác được ở những vùng biển sâu hơn, công ước 1958 về thềm lục địa trở nên lỗi thời. Nhờ khoa học kỹ thuật ngưòi ta nhận ra rằng thềm lục địa không hẵn chấm dứt ở nơi mà bờ triền thay đổi độ dốc, tức khoảng 200 m nước độ sâu, mà nó còn kéo dài ra ngoài, gồm các phần bờ triền, vùng trầm tích và phần bờ rìa thềm lục địa.

Khái niệm về thềm lục địa được xác định lại do luật biển 1982 ở điều thứ 76: thềm lục địa của một quốc gia duyên hải bao gồm mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, là phần đất tự nhiên của lãnh thổ quốc gia này kéo dài ra biển, cho đến bờ rìa của thềm lục địa.

Thềm lục địa tùy theo địa hình, địa mạo của đáy biển có thể kéo dài rất xa bờ, hay ở rất cận bờ (như trường hợp các hố sâu đến 11.000 m ở phía đông của Phi và Nhật Bản ; ngược lại, vùng thềm lục địa phía Nam VN có thể kéo dài nối liền cho đến Mã Lai và Nam Dương).

Do đó thềm lục địa pháp lý được thống nhất cho mọi trường hợp: Trường hợp bờ rìa thềm lục địa cách đường cơ bản không quá 200 hải lý thì chiều rộng thềm lục địa pháp lý được xác định ở mức 200 hải lý. Nếu bờ rìa của thềm lục địa xa hơn đường cơ bản 350 hải lý thì bề rộng thềm lục địa được xác định ở 350 hải lý.

II. Phương pháp xác định thềm lục địa mở rộng:

Vùng thềm lục địa phía ngoài lằn ranh 200 hải lý được gọi là thềm lục địa mở rộng. Tùy theo cơ cấu địa tầng (tactonique des plaques) thềm lục địa mỗi nơi mỗi khác, chiều rộng thềm lục địa do đó khác nhau. Nhiều quốc gia duyên hải nhưng không mở rộng được thềm lục địa theo như ý muốn. Thí dụ, có những nơi bờ biển Phi Luật Tân vừa ra khỏi bờ vài hải lý thì là hố thẳm (hố Mindanao), không có thềm lục địa. Không có thềm lục địa, hay thềm lục địa quá ít thì không thể mở rộng.

Trường hợp hai quốc gia duyên hải đối diện, việc mở rộng thềm lục địa cũng phải tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Việc phân chia sẽ được chiếu theo điều 76 của bộ Luật Quốc Tế về Biển 1982, theo qui tắc hướng dẫn về Khoa Học và Kỹ Thuật của Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (CLCS/11/Add. 1) và các Qui Định về Thủ Tục của Ủy Ban (CLCS/ 40/ Rev. 1). Thí dụ hai nước duyên hải Việt Nam và Mã Lai là điển hình cho trường hợp này.

Xác định chiều rộng của thềm lục địa là xác định đường bờ rìa phía ngoài của thềm lục địa, gọi là đường ranh giới bên ngoài.

Đường ranh giới bên ngoài của thềm lục địa mở rộng được xác định bởi ba yếu tố: Khoảng cách, địa chất và độ sâu. Có 3 cách xác định đường ranh giới bên ngoài thềm lục địa:

1/ Đường ranh giới bắt buộc.

a) Áp dụng cho trường hợp địa tầng thềm lục địa rộng hơn 350 hải lý. Đường ranh giới bắt buộc là đường nối các điểm cách đường cơ bản 350 hải lý.

b) Đường ranh giới là đường nối các điểm cách đường đồng đẳng 2.500m một khoảng cách 100 hải lý. Tức là, trước hết xác định đường nước sâu 2500m dọc theo bờ biển của quốc gia, sau đó từ đường nước sâu này (gọi là đường đồng đẳng 2.500m), cộng thêm 100 hải lý. Nối các điểm đầu mút 100 hải lý ta có đường ranh giới bên ngoài thềm lục mở rộng (nhưng không quá 350 hải lý).

3/ Đường ranh giới được xác định theo công thức Hedberg: chiều rộng thềm lục địa mở rộng được tính từ “chân của bờ triền” (Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý.

3/ Đường ranh giới xác định theo Công thức Gardiner: chiều rộng của thềm lục địa mở rộng tính theo tỉ lệ với 1% độ dày của lớp trầm tích. Tức là, thềm lục địa mở rộng 100 hải lý thì lớp trầm tích nơi này phải có độ dày là 1 hải lý.

Các quốc gia duyên hải có thể lựa chọn phương pháp có lợi nhất cho mình hay kết hợp cả ba yếu tố để xác định đường ranh giới bên ngoài thềm lục địa mở rộng.

III. Thềm lục địa mở rộng của Việt Nam

Việt Nam vừa nộp hai Hồ Sơ liên quan đến thềm lục địa mở rộng, lần lượt ngày 6 và ngày 7 tháng 5 năm 2009. Hồ Sơ ngày 6 nộp chung với Mã Lai, nội dung trình bày ranh giới hải phận 200 hải lý của mỗi nước cùng với khu vực thềm lục địa mở rộng chung giữa hai nước.

Hồ Sơ nộp ngày 7 liên quan ranh giới hải phận 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, thuộc khu vực phía bắc biển Đông.

Cả hai Hồ Sơ được thiết lập dựa trên tinh thần điều 76, phần thứ 8 của bộ luật Quốc Tế về Biển 1982. Cả hai Hồ Sơ được viết bằng tiếng Anh, có thể tham khảo tại trang web Oceans and Laws of the Sea (Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea), trang “Submissions, through the Secretary-General of the United Nations, to the Commission on the Limits of the Continental Shelf, pursuant to article 76, paragraph 8, of the United Nations Convention on the Law of the Sea of 10 December 1982” của Liên Hiệp Quốc. (Chúng tôi có dịch hai hồ sơ này và giải thích sơ lược ý nghĩa của nó, mọi người có thể tham khảo tại trang web Thông Luận, ngày 09/05/2009).

1/ Hồ sơ nộp chung giữa Mã Lai và Việt Nam:

Hồ sơ gồm hai phần.

Phần một: xác định vùng thềm lục địa mở rộng chung giữa hai nước Việt Nam và Mã Lai. Trên bản đồ 1 là vùng được tô màu cam, ranh giới được định nghĩa theo đoạn 5.1 (*). Tọa độ các điểm xác định đường ranh giới được liệt kê trong bảng 1 (*).

Bản đồ 1: vùng được tô màu cam trên bản đồ là khu vực « thềm lục địa mở rộng » chung của hai nước Việt Nam và Mã Lai


Phần hai: Đường ranh giới thềm lục địa mở rộng được vẽ màu cam trên bản đồ 2.

Đường này nằm ngoài khá xa, về phía bắc của khu vực « thềm lục địa mở rộng chung » của VN và Mã Lai. Theo bản đồ, đường ranh giới này ở khoảng giữa bờ VN (Nha Trang – Đại Lãnh) và bờ biển phía bắc đảo Palawan của Phi.

Tọa độ các điểm xác định đường ranh giới này được liệt kê trong bảng 2 và định nghĩa theo đoạn 7.2 (*). Để ý các tọa độ trong bảng 2, các điểm được tính theo công thức Hedberg: chiều rộng thềm lục địa mở rộng được tính từ “chân của bờ triền” (Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý.

Nhưng ở đây, các điểm “chân bờ triền - FOS” là nằm trên bờ triền nào?

Theo nội dung bảng 2 (*), 78 điểm xác định đường ranh giới nằm trên các vòng cung mà tâm là các điểm FOS 01, FOS 02, FOS 03, FOS 04, FOS 7 ; bán kính là 60 hải lý.

Như thế, các điểm “chân bờ triền – FOS” cũng sẽ nằm trên các vòng cung có tâm là các điểm trong bảng 2 (*) và có bán kính là 60 hải lý.

Sau khi kiểm nghiệm, các điểm FOS 01, FOS 02, FOS 03, FOS 04, FOS 7 thuộc vùng các đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bản đồ 2: đường màu cam là đường xác định khu vực thềm lục địa mở rộng của Việt Nam


Như thế, việc ghi nhận đầu tiên là hiệu lực các đảo Trường Sa được tính trong vùng thềm lục địa mở rộng và không tính trong hải phận của các nước (ở đây là Phi Luật Tân va Mã Lai). Vùng «thềm lục địa mở rộng», khoanh màu đỏ theo bản đồ 3, có thể thuộc về Việt Nam (vì đến nay Phi không lên tiếng phản đối). Việc Phi không phản đối có thể do dàn xếp, trao đổi trước. Ở đây, trao đổi là các đảo Trường Sa của VN trong vùng ZEE 200 hải lý của Phi thì không tính hiệu lực.

Bản đồ 3: vùng khoanh đỏ là khu vực thềm lục địa mở rộng của VN do hiệu lực các đảo Trường Sa


Một số điều ghi nhận khác là:

- Đường cơ bản Việt Nam vẫn giữ nguyên theo Tuyên Bố 22 tháng 11 năm 1982. Đây là một điều lợi cho VN, vùng nước phía trong đường cơ bản được xem là nội thuỷ. Đường giới hạn 200 hải lý của VN được đo từ đường cơ bản. Khu vực biển đối diện với Mã Lai, điểm A6 (đảo Hòn Hải, cách bờ 74 hải lý) được làm tâm điểm để tính ranh giới vùng biển phía ngoài 200 hải lý. Điều khiến cho Mã Lai chấp nhận việc này, giải thích tương tự trường hợp của Phi, là do sự thỏa thuận trước. Các đảo thuộc Trường Sa của VN trong khu vùng biển ZEE của Mã Lai, bù lại, không tính hiệu lực.

- VN và Mã Lai có chung một vùng « thềm lục địa mở rộng », là khu vực được giới hạn bởi hai đường ranh giới 200 hải lý của hai nước, khu vực này trên bản đồ 2 tô màu màu cam, chưa được phân định theo Hồ Sơ nộp chung.

2/ Hồ Sơ Vùng Phía Bắc Việt Nam (VNM-N Area):

Một số điều ghi nhận sau đây:

Theo bản đồ 4 và các dữ kiện đính kèm (*), thềm lục địa VN được mở rộng dựa trên hai tiêu chuẩn: Công thức Gardiner, tính 1% độ dày của trầm thích và Nguyên tắc “chân của bờ triền” (Foot Of the Slop – FOS) + 60 hải lý (Công thức Hedberg).

Bản đồ 4: khu vực khoanh đỏ (tác giả vẽ thêm) là thềm lục địa mở rộng của VN (miền bắc biển Đông)


- Hồ Sơ khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam.

- Tuy nhiên, các đảo thuộc quần đảo HS thì không thấy nhắc nhở đến trong việc xác định đường giới hạn hải phận giữa VN và TQ.

- Hồ Sơ của Việt Nam thì được sự trợ giúp của Trung Tâm Hải Học Quốc Gia, Southampton, Vương Quốc Anh.

IV. Phản ứng của Trung Quốc

Sau khi các Hồ Sơ của Việt Nam nộp thì ngày hôm sau phía TQ gởi 2 công hàm phản đối đến Tổng Thư Ký LHQ. Nội dung hai công hàm này giống nhau, tóm lược như sau:
Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi ở các đảo và vùng nước chung quanh trong biển Nam Trung Hoa. TQ có quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các đảo, vùng nước chung quanh cũng như dưới mặt đáy biển và thềm lục địa. Nhà nước TQ thường xuyên lập lại ý kiến này và việc này được sự hiểu biết rộng rãi trong cộng đồng quốc tế… Chiếu theo điều 5 của Phụ Đính I của Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa, TQ trân trọng yêu cầu Ủy Ban không xét Hồ Sơ của Việt Nam (và Mã Lai).
Đính kèm công hàm có tấm bản đồ chín gạch hình chữ U.

Nhiều người sớm vội cho rằng phản đối của TQ khiến hồ sơ của VN không được cứu xét và VN sẽ mất vùng thềm lục địa mở rộng. Thực ra không có điều gì chắc chắn. Điều 5, phụ đính I: có nội dung như sau: Dans le cas où il existe un différend terrestre ou maritime, la Commission n’examine pas la demande présentée par un État partie à ce différend et ne se prononce pas sur cette demande. Toutefois, avec l’accord préalable de tous les États parties à ce différend, la Commission peut examiner une ou plusieurs demandes concernant des régions visées par le différend. (Trong trường hợp có tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải, Ủy Ban sẽ không xét hồ sơ của nước có quan hệ đến tranh chấp và không tuyên bố về hồ sơ này. Tuy nhiên, nếu có sự thỏa thuận giữa các quốc gia tranh chấp, Ủy Ban có thể xét một hay nhiều hồ sơ liên quan các vùng có tranh chấp).

Hành động này của TQ chưa chắc vô hiệu hoá Hồ Sơ của Việt Nam. LHQ sẽ xét yêu cầu của TQ có hợp lý hay không? Nếu yêu cầu này không hợp lý thì chính yêu cầu của TQ không được cứu xét chứ không phải Hồ Sơ của VN. Và nếu, giả sử hồ sơ VN không được xét, VN vẫn có thể trở lại tuyên bố 1982 (theo bản đồ 5 ở dưới) để đòi hỏi chủ quyền các đảo và vùng biển của mình, tương tự hiện nay TQ không nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng, vì không có « thềm » để mở, như họ vẫn dành Biển Đông qua lý do có chủ quyền các đảo HS&TS (theo công hàm ông Đồng) với bản đồ chữ U.

Nhưng việc phản đối của TQ lần nữa cho thấy cái tai hại của công hàm ông Phạm Văn Đồng đồng thời cũng cho dư luận thế giới thấy sự ngang ngược phi lý của TQ.

Nhưng việc này tạo cho phía VN một cơ hội: VN nên nhân dịp này yêu cầu đưa toàn vụ tranh chấp chủ quyền HS & TS ra trước một trọng tài quốc tế.

V. Kết luận

1/ Được và mất qua hai hồ sơ thềm lục địa mở rộng của VN:

Nếu ta lấy một thang điểm, từ -5 đến +5 điểm, chủ trương của VN qua Tuyên Bố 22 tháng 11 năm 1982 là 5 điểm. VN được tất cả, vùng biển và thềm lục địa của VN theo bản đồ 5, các quần đảo HS và TS có 100% hiệu lực, vùng nước giữa HS và TS là nội thuỷ.

Hai hồ sơ của VN vừa qua có thể cho 2 điểm, do giữ được hệ thống đường cơ bản, giữ được hiệu lực một phần các đảo TS, một phần thềm lục địa mở rộng đồng thời khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS.

Bản đồ 5:


2/ Trở lại chủ trương phân chia Biển Đông của quý ông Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn. Nội dung chủ trương này đăng trên Talawas như sau:
1. TẠM THỜI gác việc tranh giành các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa sang một bên để bàn về việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (continental shelf) ở Biển Đông.

2. Thương lượng với các nước chung quanh Biển Đông (Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,
Brunei, Phillippines) để chia Biển Đông ra thành những vùng kinh tế của mỗi nước, theo đúng luật biển UNCLOS (United Nations Law of the Sea) [5] và tiền lệ quốc tế, tức là:

(a) Mỗi nước được 1 vùng EEZ 200 hải lý (370 km) tính từ "đường cơ sở" (bờ)
(b) Phía nam Biển Đông có một thềm lục địa rất lớn tên là Sunda Shelf, theo UNCLOS thì các nước quanh đó (kể cả Việt Nam) được tính thêm ra tối đa 350 hải lý.
(c) Khi khu kinh tế hay thềm lục địa của hai nước trùng nhau, thì chia hai theo nguyên tắc vẽ một đường trung tuyến từ ranh giới trên đất liền.
(d) Các đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) là đảo nhỏ, không nuôi sống được người, nên không được tính EEZ mà chỉ cho tối đa một lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý; tức là, các đảo đó không ảnh hưởng đến việc phân chia EEZ và thềm lục địa.
So sánh với hồ sơ của VN vừa nộp, ta thấy có những điểm sai biệt rất cơ bản:

• Về hệ thống đường cơ bản, mặc dầu không có ghi lại trong chủ trương ghi lại ở trên, nhưng ý kiến của ông Dương Danh Huy, trên diễn đàn x-café, là chống hệ thống đường cơ bản của VN. Theo ông, hệ thống này không phù hợp với luật Quốc Tế về Biển, do đó phải huỷ bỏ. Ý kiến này cũng là ý kiến của ông M. Valencia trong đề nghị giải quyết biển Đông. Tôi đã chống lại ý kiến này, cũng trên x-café. Nhưng thực tế, hồ sơ VN vẫn giữ được hệ thống đường cơ bản trong hồ sơ của mình mà không bị ai phản đối. Nếu chủ trương của ông Huy được áp dụng thì VN mất trọn vẹn vùng biển nội hải, phía trong đường cơ bản, bề dày có nơi lên đến 74 hải lý, diện tích có thể hàng chục ngàn cây số vuông.

• Về hiệu lực các đảo. Hồ sơ VN chủ trương các đảo TS có hiệu lực (từng phần) trong khi giải pháp của ông Huy thì các đảo không có hiệu lực. Nếu áp dụng giải pháp của ông Huy thì VN bị mất vùng thềm lục địa khoanh đỏ theo bản đồ 3, diện tích ước lượng lên đến vài chục ngàn cây số vuông.

Nếu tính theo thang điểm ở trên, phương pháp của ông Huy sẽ là -5 điểm, vì chủ trương này không hề đem lại một lợi lộc nào cho VN ngoài những mất mát rất lớn: mất hệ thống đường cơ bản (tức mất vùng nước nội thuỷ mà bề dày có nơi ra tới 74 hải lý), mất vùng thềm lục địa mở rộng (bản đồ 3) và chưa chắc lấy lại HS và TS. Điều quan trọng hơn hết, vấn đề tranh chấp với TQ vẫn không thể giải quyết. Việc này thể hiện rõ rệt qua bản đồ đính kèm công hàm phản đối của TQ. Như thế, một giải pháp làm mất đảo, mất biển, mất thềm lục địa… mà không hề đem lại cho VN một lợi ích gì, đe dọa của TQ vẫn còn, người ta có quyền đặt câu hỏi ông Huy và ông Phạm Quang Tuấn đang tranh đấu cho quyền lợi của ai ? Quí độc giả Talawas có lẽ đã hiểu vì sao tôi đã chống kịch liệt, đôi khi với lời lẽ gay gắt, qua những bài vừa rồi trên Talawas. Quí vị cũng thấy bây giờ ai đúng, ai sai ? Hồ sơ của VN vừa nộp, dầu không dành được nhiều lợi ích, nhưng không mất mát, tôi biết chắc là không thể do công lao “la làng” nhiều tháng nay của tôi trên các báo chí. Nhưng điều khẳng định là do công lao và sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ VN. Nhưng không thể do những vận động của ông Dương Danh Huy với sự phụ họa của nhiều người khác trên các “hệ thống” truyền thông.

3/ Về ý nghĩa biển chữ U và công hàm ông Phạm Văn Đồng:

Công hàm phản đối của TQ về hồ sơ thềm lục địa mở rộng của VN cho thấy vùng biển mà TQ vạch trong trong bản đồ chữ U là do hiệu quả các đảo HS và TS. Nguyên văn trích từ công hàm phản đối gởi Tổng Thư Ký LHQ ngày 8 tháng 5 năm 2009: China has indisputable overeignty over the islands in the South China Sea and the adjacent waters, and enjoys sovereignty rights and jurisdiction over the relevant waters as well as the sea seabed and subsoil thereof (see attached map). The about position is consistently held by the Chinese gouvernment, and is widely know by the international community.

Tôi có viết thế này trong bài “Chủ quyền VN tại bãi Tu Chính - Vũng Mây và vùng trũng Nam Côn Sơn”:
Đây là hậu quả của một sự sơ suất to lớn, phía VN dường như không hề màng đến các lý lẽ của TQ, sai lầm kéo dài từ năm 1958 đến nay.

Sai lầm vì, các viên chức VN lạc quan đã đành, học giả VN cũng vậy, nhưng thật ra phần lớn đều thiếu tầm nhìn, chỉ giải thích vấn đề theo cảm tính, theo ý muốn của mình mà bất chấp thực tế đã xảy ra như thế nào. Đến hôm nay một số học giả VN vẫn loay hoay với hỏa mù của TQ tung ra, mất thời giờ tìm hiểu và giải thích ý nghĩa tấm bản đồ chữ U, còn gọi là bản đồ 9 gạch hay bản đồ « lưỡi bò », mà không biết rằng đó chỉ diện, là hỏa mù có công dụng đánh lạc hướng VN (và cả thế giới), làm cho phía VN nếu không mất thì giờ thì cũng trở thành khinh địch.

Việc loay hoay này thấy rõ qua buổi « hội thảo biển Đông » vừa qua trong nước. Có người mất không biết bao nhiêu thời gian để tìm hiểu và chứng minh « biển lười bò » không thể là biển lịch sử của TQ v.v… Nhưng các việc đó đều vô ích.
Lần nữa, những gì tôi đã viết đều đúng: biển chữ U là do hiệu lực các đảo HS và TS. Các học giả VN đã mất thì gì vô ích.

Tôi cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần: chủ quyền của TQ tại hai quần đảo này đến từ công hàm của ông Phạm Văn Đồng và việc này đã được đông đảo dư luận quốc tế công nhận.

Ông Dương Danh Huy, ông Phạm Quang Tuấn và nhiều người khác đã phủ nhận các việc này.

Tôi cho rằng đây là một sai lầm lớn, nếu không nói là chạy trốn sự thật.

Tôi cũng đã cho rằng TQ có thể vịn vào công hàm ông Đồng để đánh VN bất cứ lúc nào. Việc này đã chứng minh ít nhất 2 lần: 1974 tại HS và 1988 tại các đảo TS.

Nhưng một vài điều cần nói thêm, nhân bài viết “Hoàng Sa - Trường Sa, một bài học cho xứ nhược tiểu” trên Talawas của Dũng Vũ.

TQ muốn đánh VN để dứt điểm các đảo TS lắm, nhưng họ có dám đánh không ?

Tôi có viết thế này trả lời phỏng vấn các bạn trên x-café 13-9-2008:
Tôi cho rằng không. Có nhiều yếu tố để tôi phát biểu như thế. Thứ nhất là tương quan khả năng, VN không phải là Iraq và TQ thì còn kém rất xa đối với Hoa Kỳ, không thể đánh một trận mà « ổn định thiên hạ ». TQ chưa chắc thắng nhanh chóng trong khi về lâu dài Việt Nam lại có khả năng làm cho TQ xuất huyết đến chết. Nhưng trường hợp TQ thắng nhanh thì TQ cũng chết trong lâu dài. Tức là cách nào rồi thì TQ cũng thua. Người ta thường ví VN và TQ như môi với răng, nhưng đó là chuyện đã xưa. Ngày nay VN đang ở vị trí yết hầu của TQ. Các nhà chiến lược TQ nên nghiên cứu điều đó để không có những quyết định sai lầm. Thứ hai, về kinh tế, TQ hiện nay bắt buộc phải phát triển trên 10%/ năm mới có thể giải quyết một thị trường nhân công của các tỉnh nội địa là khoảng 16 triệu người một năm. Phát triển dưới 10% là xã hội bất ổn. Vì thế TQ không bao giờ dám phiêu lưu làm một cuộc chiến mà phần thua biết chắc trong tay. Thứ ba là về chính trị. Người ta đã lấy cái gương của Gruzia để răn đe VN nhưng người ta chưa thấy các hậu quả về kinh tế trong tương lai mà Nga sẽ gặp phải. Cuộc « chiến tranh lạnh mới » giữa Nga và Tây Phương này sẽ chấm dứt rất nhanh chóng. Các nước trong NATO không can thiệp vào Gruzia vì Hắc Hải không phải là Địa Trung Hải. Nhưng nếu TQ đánh VN để chiếm hữu biển Đông thì lập tức các nước ASEAN sẽ không ngồi yên. Việc này sẽ lôi kéo theo Nhật Bản và Hoa Kỳ. Vì biển Đông có tầm quan trọng chiến lược như là Địa Trung Hải. Biển này quan trọng cho các nước Châu Âu bao nhiêu thì biển Đông cũng quan trọng như thế cho các nước ASEAN, Nhật Bản. Tư thế của TQ sẽ không an toàn chút nào.

Vì thế tôi cho rằng, ngoại trừ nhóm lãnh đạo TQ có những tính toán sai lầm, TQ sẽ không bao giờ dám đánh VN để chiếm biển Đông.
Hơn nữa, vừa qua HK đã gởi thêm các lực lượng hải và không quân tăng cường vùng biển Thái Bình Dương ngay sau khi có những “đụng chạm” với TQ trên biển Đông.
Theo nguồn tin quân sự Hoa Kỳ (ngày 13-5-2009), Bộ Tư Lệnh Không Quân đã điều động thêm hai phi đội F-22A Raptors đến căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản. Trước đó vào tháng 3, một phi đội F-22A Raptors cũng đã từng được điều động tới đảo Guam trong một thời gian khi xảy ra biến cố tàu khảo cứu đại dương của Hoa Kỳ bị một số tàu Trung Cộng khiêu khích phía nam đảo Hải Nam trên hải phận quốc tế. HK cũng điều động thêm lực lượng không quân tối tân nhất bên cạnh việc chuyển thêm 7 tàu ngầm nguyên tử tới khu vực Thái Bình Dương.

Ngày 3 tháng 5 vừa qua, tàu ngầm nguyên tử USS Jacksonville cặp bến quân cảng Pearl Harbor và tới mùa thu này một số tàu ngầm nguyên tử tối tân hơn thuộc thế hệ Virginia-Class như USS Hawaii và USS Texas cũng sẽ tới Nhật. Thời chiến tranh lạnh, tỉ lệ tàu ngầm Hoa Kỳ hoạt động ở Đại Tây Dương chiếm 60% và Thái Bình Dương chiếm 40%. Nay tỉ lệ này đảo ngược lại. Tin tức quân sự cho hay cho đến cuối năm nay 31 tàu ngầm loại tấn công nhanh sẽ hoạt động tại Thái Bình Dương và chỉ còn 22 chiếc hoạt động ở Đại Tây Dương. Trong số này, 18 chiếc đóng tại Pearl Harbor, 3 chiếc tại đảo Guam, 6 chiếc ở California, cho thấy sự thay đổi cách đánh giá tình hình quân sự dài hạn của Hoa Kỳ đối với sự gia tăng sự đe doạ của Trung Cộng mỗi ngày một lộ rõ hơn với khu vực Thái Bình Dương nói chung và khu vực biển Đông nói riêng. (Theo Cali Today)
Cũng nên nhắc lại, TQ đánh HS của VN năm 1974 vào lúc “đồng minh” đang chuẩn bị “tháo chạy” và đánh TS năm 1988 cũng là thời điểm Liên Xô đang bán cho TQ vũ khí trị giá khá nhiều tỉ đô la và cũng là thời điểm bức tường Bá Linh sắp đổ, là những “thời cơ vàng” cho TQ. Nhưng nay tình thế hoàn toàn bất lợi cho TQ. Tài liệu của Bộ Quốc Phòng HK « Military Power of the People’s Republic of China 2009 » vừa công bố cho thấy sự quan tâm lớn lao của HK về sự phát triển và vũ trang của TQ. HK sẽ không để yên cho TQ muốn làm mưa làm gió trên Biển Đông.

Biển Đông là hải đạo huyết mạch của kinh tế thế giới. Nơi này cũng là hải đạo huyết mạch cho TQ. Vì thế, ngoài những quyết định điên rồ không tính trước của lãnh đạo TQ, xác suất TQ đánh các đảo VN hiện nay là 0%. Do đó các lo ngại của nhiều người VN tuy chính đáng, nhưng hoàn toàn không có căn bản.

Trương Nhân Tuấn

© Thông Luận 2009

(*) tham khảo bảng 1 và bảng 2 và các chi tiết khác tại:
Join Submission to the Commision on the Limits of the Continental Shelf pursuant to Article 76, Paragraph 8 of the United Nations Convention on the Law of the Sea 1982 in respect of the southern part of the South China Sea - Part I: Executive Summary
Malaysia & Socialist Republic of Vietnam – May 2009
Submission to the Commision on the Limits of the continental shelf pursuant to Article 76, Paragraph 8 of the United Nations Convention on the Law of the Sea 1982 Partial Submission in Respect of Vietnam’s Extended Continental Shelf: North Area (VNM – N) Part I – Executive Summary. April 2009.
--------------------
Theo ông Trương Nhân Tuấn thì Việt Nam không bị thiệt thòi nhiều, vậy có tin này • Ðại hội Việt Nam Cộng Hòa: Tường trình về việc nạp hồ sơ thềm lục địa tới Liên Hiệp Quốc
cũng lạ . Xem thêm phần phỏng vấn .

Tổng số lượt xem trang