Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Những kẻ cướp bóc bị bắn chết giữa cảnh lộn xộn của các cuộc nổi loạn chống người Trung Quốc ở Papua New Guinea

173.Nổi loạn chống người TQ tràn ngập ở Ghi-nê

Rowan Callick, Phóng viên tại châu Á-Thái Bình Dương
Ngày 23-5-2009

Papua New Guinea đang quay cuồng bởi những cuộc nổi loạn dính líu tới hàng chục ngàn người dân, làm bốn người chết và nhiều người bị trấn áp tại những thành phố lớn khi những cửa hàng do người Hoa làm chủ bị cướp phá.

Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Michael Thomas Somare ngày 14-4-2009 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh (hình của trang web tòa đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ)
-
Quốc hội Papua New Guinea [PNG] đã phải hình thành một nhóm gồm 15 thành viên của các đảng để điều tra về các cuộc nổi loạn, bao gồm “việc xem xét lại những loại hình kinh doanh được điều hành bởi những người Á châu, và những căn nguyên của sự oán hận từ dân chúng chống lại những người Á châu liên quan tới các hoạt động kinh doanh này.”

Chuỗi hành động bạo lực và phá hoại đã bắt đầu hai tuần trước, với một trận ẩu đả giữa những công nhân Trung Quốc và công nhân PNG tại một nhà máy tinh chế quặng nickel được xây dựng như là bộ phận của dự án Ramu trị giá 1,4 tỉ đô la do tập đoàn khổng lồ của nhà nước Trung Quốc Metallurgical Construction Corporation, cổ đông đa số, thực hiện. Ba công nhân Trung Quốc với những vết thương nghiêm trọng đã được di chuyển khỏi nơi xảy ra ẩu đả, tại bờ biển phía nam Madang, để đưa tới bệnh viện ở Port Moresby. Ba chục xe cộ đã bị hỏng hoặc phá hủy và 70 người PNG đã bị buộc tội bởi cuộc ẩu đả.

Ít ngày sau đó, một cuộc biểu tình tuần hành đã được tổ chức tại Port Moresby để trao kiến nghị tới chính phủ đòi giảm lượng người nhập cư từ Á châu – một thuật ngữ chung để ám chỉ trước hết là những người từ Trung Quốc đại lục và người Malaysia nhưng cũng chủ yếu là người gốc Hoa. Những người phản kháng đã đòi Chính phủ phải bảo vệ các quyền công dân cẩn trọng hơn nữa và siết chặt an ninh biên giới nói chung.

Noel Anjo, chủ tịch một nhóm được gọi là các tổ chức phi chính phủ [NGO] và Đối tác Liên minh Xã hội Dân sự, tuyên bố: “Chúng tôi chào đón những nhà đầu tư lớn. Chỉ có những người ngoại quốc tập trung quá đông vào những hoạt động kinh doanh nhỏ là chúng tôi muốn họ phải rời bỏ, vì những người PNG có thể kinh doanh loại này được.”

Những cửa hàng thức ăn nhanh được biết đến như là “đồ ăn hộp” và các loại hình kinh doanh nhỏ khác được điều hành bởi những người Á châu ngay lập tức đã phải đóng cửa ở Port Moresby và các thành phố khác khi các cuộc phản kháng lan rộng

Những hoạt động bán lẻ như vậy là lối điển hình cung cấp kênh phân phối chính cho người PNG để gây dựng hoạt động kinh doanh. Thế nhưng phần lớn chúng đã bị tiếp quản trong nhiều năm gần đây bởi những người chủ Á châu với nguồn hàng hoá rẻ hơn rất nhiều.

Cuộc nổi loạn trước hết loang rộng đến thành phố thứ hai của PNG, Lae, và tiếp đến là Madang và lan sang vùng Cao nguyên, tới Kainantu, Goroka, Wabag và Mount Hagen. Giá cả các mặt hàng cơ bản đã tăng vọt trong khi các cửa hàng của thành phố đã phải đóng cửa trong nhiều ngày.

Ít nhất ba kẻ cướp đã bị bắn chết vào tuần trước và trong tuần này trong các cuộc cướp bóc các cửa hàng do người châu Á làm chủ, trong khi một tên cướp thứ tư bị giẫm đạp tới chết trong một trận xô đẩy hỗn loạn.

Malcolm Kela Smith, cựu binh người Úc tại Việt Nam đã trở thành một thương gia thành công và là Thủ hiến vùng Cao nguyên Đông phần, đã phải đối mặt với một đám đông khổng lồ tại Công viên Hòa bình ở Goroka và đã chấp nhận trình bản kiến nghị của họ tới quốc hội. Ông nói: “Tôi đã để ý thấy sự giận dữ trên những nét mặt của những người trẻ tuổi của chúng ta, và rõ ràng là một số người đã có những nỗi bất bình chính đáng.”

Các nghị sĩ phần lớn đã đổ lỗi cho các cuộc nổi loạn là do nạn thất nghiệp, hiện đang diễn ra tại các thành phố lên tới 80%, đặc biệt trong số thanh niên. Cựu chánh án và là Thủ hiến thành phố Madang Arnold Amet nói rằng tình trạng đói nghèo, được tiếp sức bởi nạn thất nghiệp, đang dẫn tới “một cảm giác xác thực về những mối bất bình.”

Thủ tướng tạm quyền, ông Puka Temu, đã xin lỗi về những cuộc tấn công này, khi nói rằng: “Trong khi Thủ tướng của chúng ta Michael Somare đang ở nước ngoài để cố gắng quyến rũ các nhà đầu tư tới nước ta, thì ở đây chúng ta có một nhúm những kẻ lưu manh và phần tử cơ hội chủ nghĩa đang hành động đúng là trái ngược.”

Ông Somare vào tuần trước đã tới Nhật Bản và vào tháng trước đã ở Trung Quốc.

Tờ nhật báo National – sở hữu bởi công ty gỗ của Malaysia Rimbunan Hijau – đã có bài xã luận viết: “Sự hiện diện áp đảo của người Á châu trong hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các khu trung tâm trên khắp đất nước đã tạo nên một không khí bùng nổ cho các cuộc nổi loạn.

“Có một nhận thức cho rằng các quan chức chính phủ tham nhũng đã mở những cửa cống cho tràn ngập làn sóng với quá nhiều người Á châu vào PNG, nhiều người không có những khả năng thích hợp.”

Rhona Nadile, quan chức có trách nhiệm cấp chiếu khán nhập cảnh, đã cho biết rằng những công nhân Trung Quốc được đưa vào nước này là để cho dự án nickel Ramu, họ được miễn trừ các thủ tục pháp lý mà những người ngoại quốc khác đang làm việc ở PNG phải có là nói được một trong ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pidgin hoặc tiếng Motu.

Bà đã cho Phòng Thương mại Úc ở PNG biết rằng “chúng tôi đã làm theo những chỉ dẫn của chính phủ là cung cấp các giấy phép lao động.”

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009



Ba Sàm lưu ý: Hiện rất nhiều trang báo, tin nước ngoài đưa chuyện nầy, kể cả báo của Tàu. Mời các báo đài trong nước tiếp sức đăng ngay cho các ông bà nghị ngó, không chệch “lề phải” đâu mà sợ.
————–
THE AUSTRALIAN

Looters shot dead amid chaos of Papua New Guinea’s anti-Chinese riots

Rowan Callick, Asia-Pacific editor |

Tổng số lượt xem trang