Không rõ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Đình Đàn, dựa trên cơ sở nào để nói rằng: “Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite”. Ở thời điểm ông Đàn tuyên bố, 18-5-2009, Quốc hội vẫn chưa khai mạc, Chính phủ chưa báo cáo và các đại biểu chưa thảo luận. Hơn hai tuần trước, 4-5, khi tiếp xúc cử tri tại Phường Giảng Võ, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng nói, Chính phủ sẽ dành “một phần trong Báo cáo về Kinh tế xã hội” để đánh giá về bauxite. Để rồi, chiều 14-5, khi “Kết luận phiên họp UBTVQH” ông đã phải yêu cầu Chính phủ “chuẩn bị một báo cáo chuyên đề riêng về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên”.
Như vậy, mặc dù Thủ tướng đã giao cho một số bộ, ngành đưa “bô-xít Tây Nguyên” vào báo cáo chung. Và, khi nói với cử tri, có thể cá nhân Chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ Thủ tướng cách làm này. Nhưng, ông vẫn phải kết luận như trên sau khi “một số đoàn đại biểu và các cơ quan của Quốc hội muốn có một báo cáo riêng về bauxite”.
Khác với những cơ quan nhà nước khác, “Quốc hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số” (Điều 4, Luật Tổ chức Quốc hội). Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ngay cả Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ có mỗi người một phiếu và không ai có thể phát ngôn thay cho 493 đại biểu của dân. Trước đây, Chủ tịch Nông Đức Mạnh đã thể hiện vai trò này một cách thành công khi ông, thay vì “kết luận” các phiên họp của Ủy ban Thường vụ hay của Quốc hội, đã tóm tắt các ý kiến thảo luận rồi “xin biểu quyết”.
Trong bộ máy nhà nước, có những thiết chế cần những cá nhân quyết đoán để ra mệnh lệnh, có những thiết chế cần sự dẫn dắt để ý kiến đa số có điều kiện hình thành. Cũng là là một con người nhưng khi nhận lãnh “vai” nào thì phải hành xử đúng như những quy định về “vai” ấy đã được ghi trong Hiến pháp.
Có lẽ, vì Quốc hội có hơn 90% đảng viên nên ông Trần Đình Đàn tin “chắc chắn là Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ” sau khi nhấn mạnh khai thác baxite đã thành “chủ trương của Đảng” và có “kết luận của Bộ Chính trị”. Chưa nói về nguyên tắc “Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện làm thay”, cách hiểu “Kết luận của Bộ Chính trị” của một số tổ chức và cá nhân thời gian qua cho thấy cũng rất cần “quán triệt”.
Bộ Chính trị nhấn mạnh “chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết” vì có rất nhiều lao động phổ thông Trung Quốc xuất hiện trên công trình Tân Rai. Bộ Chính trị yêu cầu “lựa chọn công nghệ hiện đại” vì có nhiều băn khoăn về loại công nghệ đang được đưa vào Tây Nguyên; vì, nói là “thí điểm” mà cả hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai đều chỉ sử dụng một nhà thầu là tập đoàn Chalco của Trung Quốc với cùng công nghệ.
Bộ Chính trị kết luận: “Riêng dự án Nhân Cơ, phải rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường” là để khẳng định: “Nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”, chứ không phải là đương nhiên triển khai thực hiện. Khi Bộ Chính trị yêu cầu: “Ban cán sự đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội”, là không chỉ muốn cung cấp thông tin mà còn đòi hỏi các cơ quan này phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát.
Trong buổi tiếp xúc cử tri hôm 4-5, Chủ tịch Quốc hội cũng thừa nhận, “không chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bô-xít Tây Nguyên”. Không riêng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nghe được đòi hỏi ấy của người dân Việt Nam, các đại biểu Quốc hội về Hà Nội trong kỳ họp này chắc chắn cũng đã được cử tri của mình gửi gắm. Với những chủ trương liên quan không những tới môi trường mà còn là “an ninh quốc gia” như khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì vấn đề không chỉ là “quy mô, tầm cỡ của dự án” ở mức một tỷ hay “600 triệu đôla” mà là “lòng dân” mới là yếu tố quan trọng nhất để Quốc hội đặt lên bàn nghị sự.
Huy Đức
------------
- Nghĩ Gì Về Quốc Hội Của Dân Ta?
-
Nghĩ Gì Về Quốc Hội Của Dân Ta?
. Đinh Tấn Lực
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy từng nhận định: “Một xã hội không cho mọi người tự do trình bày ý kiến của mình là một xã hội chết rồi. Trong quá khứ, chúng ta mắc quá nhiều sai lầm bởi không ai cho chúng ta được tự do trình bày ý kiến riêng của mình, trong tất cả các lĩnh vực, từ lớn đến bé, từ quân sự đến kinh tế. Không phải không biết mà không dám nói, nhiều người biết nhưng không dám trình bày”.
Cụm từ khóa trong nhận định đó không phải là Không Biết hay Không Dám Nói.
Cụm từ khóa trong nhận định đó là: Không Ai Cho.
Câu hỏi nảy sinh tại chỗ: Ai Đó Là Ai? và Ta Đây Là Ai?
Ngày 15-9-1985 là ngày đổi tiền trên cả nước, mở đầu cho chính sách giá-lương-tiền. Đến tháng 12 năm đó diễn ra kỳ họp lần thứ 10 Quốc hội khóa VII. Ngày cuối cùng của kỳ họp, người ta thấy một phụ nữ miền Nam phúc hậu, ăn trầu bỏm bẻm lên diễn đàn phát biểu ý kiến cuối cùng trước khi bế mạc. Người phụ nữ ấy chính là bà Sáu Trầu, khi ấy 48 tuổi, đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long.
Bài phát biểu đặt ra khá nhiều câu hỏi đột thẳng vào vai trò lãnh đạo trong việc đưa ra quyết sách giá-lương-tiền. “... Ai phụ trách chuẩn bị và chuẩn bị như thế nào? Chúng tôi cho rằng 10 năm qua (75-85 - ĐTL) chưa lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá-lương-tiền vừa qua. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh các cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã xô xát, bao nhiêu tiêu cực: vo tròn giá hay nâng giá vì thiếu tiền lẻ và mua bán tiền lẻ... Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền nhưng ưu thế gì mà phát huy. Giá cả tăng 5-7 lần so với trước, có thứ gấp 10-15 lần, đội rất xa giá thị trường. Chúng tôi chứng kiến cảnh bắt và tịch thu hàng của người tự sản, tự tiêu vì bán giá thấp hơn giá nhà nước quy định, đạo lý gì phải làm như vậy? Đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - PV) nói rằng tỷ giá công nông hiện nay đã rất hợp lý, thậm chí nông dân còn có lợi nhiều hơn trước. Chúng tôi chưa nhất trí với nhận định đó”... Giọng bà vang đến đâu cả hội trường vỗ tay rần rần đến đó.
10 phút cho bài phát biểu dài gần bảy trang trong điều kiện tiếng vỗ tay lấn át tiếng đọc. “Tôi cố đọc nhanh và lớn để mọi người nghe. Vì chỉ được phát biểu 10 phút, nếu lố giờ sẽ bị mời xuống” - bà kể.
…Bây giờ ngồi lại tâm sự chuyện cũ, bà cười hiền: “Hồi mới trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi có hỏi anh Mười Quẹo - đại biểu khóa trước rằng làm đại biểu Quốc hội khó không. Anh đùa: Dễ! Vỗ tay và ăn cơm thôi! Chừng đi họp tôi mới biết nói lên tiếng nói của cử tri có khi không dễ dàng”...
(Trích báo Pháp Luật Thành Phố ngày 21/4/2009)
Đó là bản Kiến Nghị Về Quy Hoạch Và Các Dự Án Khai Thác Bauxite Ở Việt Nam của tập thể trí thức Việt Nam gửi lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ngày 12 tháng 4 năm 2009.
Bản Kiến Nghị đã gián tiếp hồi đáp nhận định dẫn trên của vị Nghệ sĩ khả kính Trần Văn Thủy ở hai điểm: Biết và Dám Nói, ngay cả trong một hoàn cảnh nghiệt ngã thập diện mai phục và một tâm lý chung của Nỗi Ngán Ngẫm Thường Ngày từng khiến mọi người nhếch mép Thế A! trước mọi bản tin thời sự.
Bản Kiến Nghị còn trực tiếp hồi đáp sự mong đợi của toàn thể Nhân Dân Việt Nam ở đôi hia bảy dặm, rằng sau 1/3 thế kỷ thống nhất đất nước nhưng ly tán lòng người, nó đã vượt qua mọi ngăn cách quá khứ, quan điểm chính trị, lãnh vực chuyên nghiệp, khoảng cách địa dư… để chỉ tập trung vào cốt lõi duy nhất là tương lai của một Việt Nam yêu dấu. Với kết quả thực tiễn là trang mạng Bauxite Việt Nam trở thành nơi tập trung trí tuệ VN về một chuyên đề không biên giới.
Phải chăng, đó cũng là lằn ranh của câu hỏi nêu trên: Ai Đó Là Ai? và Ta Đây Là Ai?
Đã vậy, liệu là yếu tố “không cho nói” còn giá trị bao nả?
Quốc Hội là tấm gương phản ánh lòng dân trước những nguy cơ đối với cả dân tộc, chắc chắn không thể nào làm ngơ khi nhân dân đang đau đáu ưu lo về một cái lưỡi bò đang liếm sạch mặt tiền Đông Hải của đất nước, và lăm le đến cả mặt hậu Tây Nguyên nữa. Cũng không thể nào làm ngơ về các lãnh vực chủ quyền độc lập xương máu của toàn dân được giao cho ngoại bang toàn quyền quản trị.
Đừng để Việt Nam biến thành một xã hội chết rồi.
Hãy hành xử đúng đắn và đúng mức quyền hạn của một Đại Biểu Nhân Dân.
Hãy nêu gương cho báo chí Việt Nam hành xử đúng đắn và đúng mức Đệ Tứ Quyền của họ.
20/5/2009 – Nhân ngày khai mạc phiên họp Quốc Hội kỳ 5 khoá 12.