Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Thạch Sơn vẫn như... ngày ấy: Dân chờ đến bao giờ?

---------Trách nhiệm của đầy tớ là gì ? chủ có mà chờ đến ......!!!
Thứ Ba, 05/05/2009, 17:04 (GMT+7)

Thạch Sơn vẫn như... ngày ấy: Dân chờ đến bao giờ?

Anh Nguyễn Văn Hùng và con trai bên giếng nước khoan chưa từng được dùng một ngày, cách bãi xỉ Nhà máy Supe khoảng 300 m. Nước tại đây có mùi tanh nồng và váng rỉ, thậm chí không dùng để tắm giặt được.

Báo cáo của Cục Bảo vệ môi trường không được Bộ Y tế đề cập khi đánh giá tình trạng ung thư ở Thạch Sơn.

>> Thạch Sơn - bây giờ vẫn như... ngày ấy!

Năm 2005, đoàn khảo sát của Cục Bảo vệ môi trường và Viện Công nghệ môi trường đã về Thạch Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) lấy mẫu phân tích, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên cho đến nay, hàng loạt câu hỏi: Tỷ lệ ung thư tại Thạch Sơn có cao bất thường hay không, có liên quan như thế nào với sự ô nhiễm do Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao gây ra... vẫn chưa có câu trả lời.

Bản báo cáo bị quên lãng

Theo báo cáo ngày 16-1-2006 của đoàn khảo sát, hàm lượng các chất khí sulfur oxide, chì, sulfur hydro, amoniac, acid hydro... trong môi trường không khí của xã đều vượt quá tiêu chuẩn VN cho phép. Hầu hết các giếng nước tại Thạch Sơn đều không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước ngầm và nước dùng cho sinh hoạt, hàm lượng kim loại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.





Tỷ lệ ung thư ở Thạch Sơn cao gấp 2,6 lần cả nước?!

Trên Báo Tia Sáng (Bộ Khoa học Công nghệ) ra ngày 25-12-2008, tác giả Trần Anh Tuấn trích đưa kết quả nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia: Ở nước ta cứ 100.000 dân thì có 106 nam và 59 nữ chết vì bệnh ung thư.

Áp dụng tỷ lệ này cho làng Thạch Sơn với dân số khoảng 7.000, chúng ta kỳ vọng sẽ chỉ có khoảng sáu người chết vì bệnh ung thư nhưng trong thực tế, ở làng này mỗi năm có 15 người chết vì ung thư. Nói cách khác, tỷ lệ chết vì ung thư ở Thạch Sơn cao hơn tỷ lệ quốc gia đến 2,6 lần! Như vậy, không thể nói rằng “tỷ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.


Trong mẫu rau muống trồng ở mương dẫn nước vào ruộng thông với mương thoát nước xỉ của Công ty Supe, thậm chí còn phát hiện cả chất thalium - một nguyên tố phóng xạ. Ao, hồ, môi trường đất cạnh bãi thải của các công ty, hàm lượng kẽm cao gấp bốn lần tiêu chuẩn cho phép trong đất nông nghiệp, hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn 40 lần và có khả năng tích tụ trong cơ thể con người qua dây chuyền thực phẩm, có thể gây bệnh khi nồng độ đủ lớn.

Cũng theo báo cáo này, tại Thạch Sơn trong vòng 14 năm (1991-2005) có 106 người chết do ung thư, chiếm 34,86% số người chết. Có chín nhà cả vợ lẫn chồng, bảy nhà có cả cha mẹ và con, ba nhà có ba người chết trở lên đều do ung thư...

Tháng 11-2006, phát biểu trước Quốc hội, nguyên Bộ trưởng TN&MT Mai Ái Trực đặt nghi vấn: “80% ca bệnh ung thư có liên quan đến môi trường cho nên chúng tôi nghĩ ngay ở những nơi nào đó có ô nhiễm môi trường mà có bệnh ung thư, có nghĩa là nó có liên quan”.

Giữa tháng 2-2007, một lãnh đạo Bộ Y tế đã công bố: Tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư tại Thạch Sơn không cao hơn các địa phương khác, không bất thường so với các địa phương khác. Số liệu này được lấy từ một cuộc điều tra của Trường đại học Y Hà Nội và không nhắc đến báo cáo của Cục Bảo vệ môi trường được khảo sát trước đó.

Chở thùng phuy đi lấy nước sinh hoạt. Chạy giữa làng là con mương thoát nước của Nhà máy Supe bám đầy cặn vàng.


Không thể tiếp tục chờ đợi
Những người dân ở Thạch Sơn thì có suy nghĩ thực tế hơn: Nếu xác định rõ ràng “thủ phạm” gây bệnh ung thư thì dân làng mới có thể tính đến chuyện đòi bồi thường, đòi khắc phục hậu quả. “Cứ “lập lờ” như suốt mấy năm nay thì đã không được nhà nước giúp đỡ gì mà lại còn bị người trong huyện phân biệt đối xử. “Có mớ rau, con cá mang ra chợ bán cũng không dám nhận mình là người Thạch Sơn vì sẽ bị họ chối đây đẩy là “không mua đồ ở làng ung thư”” - bà Quản Thị Lâm, một người dân, cho biết.
Trao đổi với PV về tình trạng mà người dân Thạch Sơn đang gánh chịu, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bức xúc: “Tôi cho rằng lúc này cơ quan nhà nước (cụ thể là Bộ Y tế) cần phải có kết luận về nguyên nhân của những người chết do ung thư ở Thạch Sơn có phải do môi trường ô nhiễm hay không. Có như vậy mới có biện pháp ngăn chặn, cảnh báo và chính sách hỗ trợ cho họ”.
GS Lê Thế Trung cho biết: “Theo tôi, ngay lúc này, tất cả chúng ta phải cùng vào cuộc. Ngành y tế phải tiếp tục tìm nguyên nhân của những cái chết có phải do ung thư không hay họ chết vì bệnh già, tim phổi. Ngoài ra, mức phạt 16 triệu đồng cho những lỗi trên của doanh nghiệp là quá ít và không đủ sức mạnh để răn đe. Còn nếu nói rằng vì không có tiền nên không thể nghiên cứu đề tài về ung thư Thạch Sơn? Đây là một lý do thoái thác, vô trách nhiệm trước cái chết diễn ra hàng ngày”.
PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường:
Biết là lâu nhưng vẫn phải đợi
Theo tôi biết, hồ sơ về vi phạm môi trường của đơn vị này đã khá dày. Ngay từ bốn, năm năm trước, công ty này đã có những hành vi vi phạm môi trường.
Hiện Bộ Khoa học Công nghệ đã chi vài tỷ đồng đầu tư cho một cuộc điều tra khảo sát để kết luận thực hư sự việc này như thế nào.
Trách nhiệm của chúng tôi là bảo vệ môi trường sạch đẹp, nếu môi trường ô nhiễm thì phải cải thiện môi trường để bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, việc làm này cần phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Trước mắt phải đợi các nghiên cứu của ngành y tế và khoa học công nghệ để khẳng định rõ ràng tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư ở đây có cao hay không, nếu cao thì nguyên nhân do đâu.
Công ty Supe Lâm Thao đã nhiều lần vi phạm môi trường, chúng tôi đều xử lý nghiêm túc theo quy định. Tuy nhiên theo tôi, chế tài với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường hiện nay còn “nhẹ tay”, phạt vài chục triệu đồng với một doanh nghiệp thì không giải quyết gì được nhiều. Sắp tới, khi những quy định về chế tài được sửa đổi theo hướng kiên quyết, nặng tay hơn, chúng tôi tin mọi việc sẽ khác.
Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:
Môi trường ở Thạch Sơn rất ô nhiễm
Năm 2005, chính tôi đã đến Thạch Sơn để xem xét tình trạng ô nhiễm môi trường. Đầu tháng 6, sau khi cử đoàn đi khảo sát, với tư cách là cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường khi đó, chính tôi đã ký văn bản báo cáo về hiện trạng ô nhiễm môi trường tại xã Thạch Sơn. Văn bản nêu số liệu người chết vì bệnh ung thư tại địa phương này chiếm 34,86% toàn bộ số người chết.
Trước đây, Công ty Supe phốt phát Lâm Thao còn sử dụng quặng pirit để sản xuất, sau đó xả quặng ra bãi, không chôn lấp đã khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. 200 hộ dân tại khu vực Mon Dền gần bãi xỉ đã không chịu nổi mà phải tự di chuyển đến nơi khác ở, và tỷ lệ những người đã sống ở Mon Dền chết vì ung thư lên đến 60%-70%.
Chúng tôi đã kiến nghị ngành y tế phải nghiên cứu toàn diện, xác định nguyên nhân gây ung thư tại khu vực; đề nghị Chính phủ cấp nước sạch cho dân Thạch Sơn, đề nghị tỉnh Phú Thọ phải xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường. Riêng với Công ty Supe có bãi xỉ khổng lồ, phải xây dựng lại nơi chôn lấp đạt yêu cầu, không cho rò rỉ chất độc ra môi trường nữa. Đây là việc nhà máy phải làm chứ không phải là kiến nghị gì nữa. Trong văn bản này, chúng tôi đã ghi rõ yêu cầu với Nhà máy Supe: “Hoàn thành việc xử lý triệt để các nguồn chất thải trước ngày 31-12-2006”. Tuy nhiên, về sau này nhà máy có báo cáo là do vướng một số khó khăn về tài chính nên xin lùi tiến độ hoàn tất bãi chôn lấp đến cuối tháng 12-2008.
Theo MAI MINH - TỐ NHƯ
Pháp Luật TP.HCM

Tổng số lượt xem trang