Pháp Luật TP.HCM Vụ dân kiện Vedan bị Tòa án huyện Long Thành từ chối: Tòa dưới, tòa trên bất nhất 16-05-2009
TAND tỉnh Đồng Nai bảo phải thụ lý theo luật, Tòa án huyện Long Thành trả lời chờ thương lượng không xong mới thụ lý (!?).
TAND tỉnh Đồng Nai bảo phải thụ lý theo luật, Tòa án huyện Long Thành trả lời chờ thương lượng không xong mới thụ lý (!?).
Trước khi Vedan đưa ra gói hỗ trợ 25 tỷ đồng cho nông dân TP.HCM và hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, có thông tin hàng ngàn hộ dân gửi đơn kiện Vedan đến TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) nhưng bị tòa này từ chối thụ lý. Việc từ chối này là đúng hay sai, lý do gì từ chối..., phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã trực tiếp đi hỏi những người cầm cân nảy mực trong vụ kiện này.
Chờ kết quả thương lượng... coi sao đã!
Trước đây, trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Hạnh, Chánh án TAND huyện Long Thành, nói: “Hầu hết đơn khởi kiện đều chỉ nêu chung chung là yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại mà không nêu rõ các khoản đòi bồi thường cụ thể gồm những gì và số tiền bồi thường là bao nhiêu. Do vậy, chúng tôi chưa thể thụ lý vụ án. Chúng tôi đang chờ các nguyên đơn bổ sung đơn kiện và cung cấp chứng cứ. Đối với các trường hợp không bổ sung và đã hết thời hiệu thì chúng tôi đành trả lại đơn...”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM mới đây, ông Huỳnh Thanh Liêm, Phó Chánh án tòa này, cho biết tòa đã nhận được khoảng 50 đơn kiện của người dân. “Nhưng tòa đã trả lại đơn và hướng dẫn người dân gửi đơn đến... hội nông dân. Nếu người dân đồng ý nhận, tòa sẽ trả đơn trực tiếp. Nếu không tòa sẽ ra thông báo từ chối thụ lý nên hiện nay không còn đơn kiện nào của nông dân tại tòa” - ông Liêm nói.
Trả lời lý do từ chối thụ lý đơn, ông Liêm giải thích: “Thứ nhất, tòa trả đơn để hội nông dân thương lượng với Vedan. Thứ hai, từ khi phát hiện sai phạm của Vedan đến nay, chưa thấy có văn bản của cơ quan chức năng nào xác định Vedan gây thiệt hại cụ thể là bao nhiêu. Dù biết rõ ràng là nông dân bị thiệt hại do Vedan gây ra nhưng nếu tòa thụ lý thì phải rõ con số chính xác. Chưa có thì tòa chưa thể thụ lý được”.
Trước câu hỏi tại sao không thụ lý đơn trước rồi sau đó yêu cầu các cơ quan chuyên môn xác định thiệt hại, ông Liêm trả lời: “Nếu đã thụ lý rồi mà đợi cơ quan chuyên môn xác định mức độ gây hại của Vedan thì không biết đến bao giờ. Quan trọng nhất là hội nông dân thương lượng được với Vedan để khỏi phải đến cơ quan pháp luật khởi kiện. Cuối cùng, nếu không thương lượng được nữa thì... tòa sẽ thụ lý”.
Về việc tòa có yêu cầu nông dân bổ sung đơn kiện hay không, ông Liêm trả lời: “Không nhớ!”.
Đơn kiện có cơ sở là phải thụ lý
Ông Lê Thành Văn, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, cho biết sau khi TAND huyện Long Thành báo cáo về việc nhận nhiều đơn khởi kiện Vedan, chánh án tỉnh đã chỉ đạo tòa này nghiên cứu và xử lý đơn theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, tòa phải phân loại đơn kiện để xử lý: đơn nào đủ cơ sở thì thụ lý, đơn nào cần bổ sung thì phải thông báo cho người dân biết để bổ sung, đơn nào không có cơ sở thì trả đơn kiện. Trong cuộc họp giao ban quý I của ngành tòa án tỉnh Đồng Nai mới đây, chánh án tỉnh cũng đã nhắc lại việc này.
Ông Văn cũng cho biết đến nay, ông chưa nghe Tòa án huyện Long Thành báo cáo về việc từ chối đơn kiện Vedan của người dân. Ông Văn phân tích, khi nhận đơn kiện (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện), nếu thấy đơn nêu rõ các yêu cầu luật định mà thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa thì tòa phải thụ lý. Nếu đơn chưa rõ thì tòa yêu cầu bổ sung, quá thời hạn mà người khởi kiện không bổ sung thì tòa mới trả đơn khởi kiện. Chỉ có trường hợp đơn khởi kiện không có cơ sở thì tòa mới trả lại ngay (ví dụ trong vụ Vedan, một người đang làm ăn, sinh sống ở Tây Ninh, chẳng có mối liên hệ nào với sông Thị Vải mà cũng nhào vô kiện thì tòa trả đơn ngay). Cụ thể trong vụ Vedan, đơn kiện của người dân đôi bờ Thị Vải bị thiệt hại chỉ cần nêu rõ yêu cầu Vedan bồi thường bao nhiêu là tòa phải thụ lý.
“Luật quy định cung cấp chứng cứ là nghĩa vụ của đương sự trong suốt quá trình tố tụng. Người dân có thể cung cấp chứng cứ ngay từ lúc khởi kiện nhưng đó không phải là yêu cầu bắt buộc để tòa thụ lý hay không thụ lý vụ kiện” - ông Văn nhấn mạnh.
Tòa từ chối đơn kiện là sai
Như vậy, theo phân tích của phó chánh án TAND tỉnh Đồng Nai có thể thấy việc từ chối thụ lý đơn kiện của TAND huyện Long Thành là hoàn toàn sai luật. Cả hai lý do mà phó chánh án TAND huyện Long Thành, ông Huỳnh Thanh Liêm, đưa ra đều không thuyết phục. Việc hội nông dân ba tỉnh, thành thương lượng với Vedan chỉ mới diễn ra sau này và theo luật, đó cũng không phải là lý do để tòa trả lại đơn kiện. Tương tự, việc tòa viện dẫn chưa có văn bản của cơ quan chức năng xác định mức độ gây thiệt hại của Vedan để từ chối đơn kiện cũng là điều không có trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Các trường hợp trả lại đơn khởi kiện - Thời hiệu khởi kiện đã hết; - Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; - Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trừ một số trường hợp; - Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của bộ luật này mà người khởi kiện không đến tòa án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng; - Chưa có đủ điều kiện khởi kiện; - Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Khi trả lại đơn khởi kiện, tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. (Theo Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự) |
Thụ lý hàng ngàn đơn kiện, tòa giải quyết ra sao? Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai Lê Thành Văn, vụ Vedan dù có hàng ngàn đơn kiện cũng chưa hẳn đã là vụ án phức tạp nên tòa tỉnh chưa chắc quyết định lấy lên để xét xử nếu tòa huyện đã thụ lý. Khi đó, tòa huyện có thể gộp xử chung cùng một vụ án như vụ án có nhiều đồng nguyên đơn. Nhưng khả năng này hiếm vì phiên xử sẽ kéo dài trong nhiều ngày và bản án sẽ... dài loằng ngoằng, rất khó khăn cho cả người tiến hành tố tụng và các đương sự. Cách tốt nhất là tòa sẽ phân loại từng nhóm nguyên đơn để xử trong cùng vụ án. Chẳng hạn, tòa sẽ nhập các nguyên đơn chuyên nuôi trồng thủy sản vào cùng một vụ, các nguyên đơn chuyên đánh bắt vào cùng một vụ. Hoặc cũng có thể gộp các nguyên đơn cùng xã, cùng khu vực để nhập chung vào một vụ... Nói chung, tòa sẽ phân loại để tách ra nhiều vụ án sao cho việc nghiên cứu, xét xử được tiến hành thuận lợi và tốt nhất. |
-----------------
Muốn phát triển đất nước cần một Nhà Nước pháp quyền, hãy làm việc theo đúng pháp luật, cần một tổ chức vì lợi ích nhân dân, (liệu hội Nông dân đã làm đúng chưa), một nền kinh tế phát triển ....???? . Hãy xem Hội Nông Dân làm gì ???
Chủ Nhật, 17/05/2009, 08:54 (GMT+7)
Nhiều sai phạm trong các dự án của Hội Nông dân VN
TT (Hà Nội) - Kết thúc kiểm toán tại Hội Nông dân VN, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị thu nộp ngân sách trên 4 tỉ đồng chi sai mục đích, đồng thời kiến nghị dừng việc lập, phân bổ vốn hàng loạt các dự án của hội.
KTNN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra toàn diện chất lượng công trình và việc thanh quyết toán một số hạng mục thuộc dự án trung tâm phục hồi chức năng và hỗ trợ nông dân khu vực phía Bắc.
Kết luận của KTNN nêu rõ báo cáo quyết toán ngân sách năm 2007 của Hội Nông dân VN chưa đảm bảo tính đúng đắn, trung thực; một số đơn vị thuộc hội không phản ánh hoạt động dịch vụ vào báo cáo tài chính (gần 1,5 tỉ đồng); quỹ hỗ trợ nông dân chưa phản ánh số phí ủy thác, hoa hồng dịch vụ phải thu gần 750 triệu đồng. Đối với chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, việc chi sai nguồn, thi công sau thiết kế, thanh toán sai khối lượng lên đến trên 3 tỉ đồng...
Về việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề”, hội đã sử dụng sai mục đích, chi không hiệu quả tới hơn 5 tỉ đồng, chiếm 59,3% tổng chi từ năm 2003-2007. Do đó, KTNN kiến nghị Hội Nông dân VN thu nộp ngân sách thêm 4 tỉ đồng gồm thuế, các khoản xuất toán thu hồi, các khoản giảm quyết toán thu hồi nộp ngân sách; kiến nghị giảm cấp phát của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giảm khác trên 1,3 tỉ đồng.>>>>> Vậy ai bảo vệ nông dân, họ thừa biết nông dân làm sao biết tính toán đòi bồi thường những gì và cụ thể bao nhiêu . Tính toán thiệt hại cũng cần có cơ sở .... khác gì đánh đố nhau >>> Trên 70% dân số Việt Nam là nông dân, nông dân nuôi sống đất nước này vậy mà ... sao mà chua xót vậy !!!