(LĐ) - Cuối tháng 5, từ các tiểu thương ở chợ đến các nhà phân phối lớn là các siêu thị tại TPHCM đều lần lượt nhận được thông báo tăng giá bán sản phẩm của nhiều nhà cung cấp, sản xuất. Trước tình hình này, các nhà phân phối đang ra sức kìm giữ giá bằng nhiều biện pháp.
Mức tăng giá đợt này dao động từ 3-20%, nhưng trải đều ở các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo nhiều DN, việc kìm giữ giá bằng cách dự trữ nhiều hàng tồn với giá cũ cũng chỉ có thể cầm cự trong 1-2 tháng.
----------- Đã được cảnh báo và cũng đã có câu hỏi >>>> về kích cầu ???
Kinh tế 5 tháng đầu năm (TBKTSG 28-5-09)(TBKTSG) - LTS: Giữa tuần này Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường “Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 và tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm”.
Cần phân tích đúng tình hình kinh tế sắp tới
TS. Lê Đăng Doanh
1. Nguy cơ tái lạm phát ngày càng bộc lộ rõ: chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,44%, nhiều mặt hàng đã tăng giá từ 7-15% do tăng giá đầu vào như điện, nước, xăng dầu và do yếu tố tâm lý “tăng lương”.
Chính sách tiền tệ và tín dụng nới lỏng nhằm phục vụ chính sách kích thích kinh tế đã đẩy nhanh tốc độ gia tăng của các phương tiện thanh toán: dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 4-2009 tăng 11,16% so với tháng 12-2008, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,4% so với mức tăng 5,53% của cùng kỳ năm trước trong khi GDP quí 1 chỉ tăng 3,1%.
Tốc độ đưa tiền ra lưu thông đang tiếp tục được đẩy mạnh với tổng phương tiện thanh toán tháng 4 tăng 3,43% so với tháng 3-2009, dư nợ tín dụng tăng 4,86% so với tháng 3-2009. Xu thế này đang tiếp tục trong tháng 5 nếu không có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Chắc chắn rằng sau một quí nữa, khối lượng phương tiện thanh toán gia tăng này sẽ được phản ánh qua mức tăng giá.
Trong khi kinh tế thế giới có những dấu hiệu hồi phục nhất định, tốc độ suy giảm sản xuất chậm lại có thể dẫn đến giá dầu thô và giá nguyên vật liệu sẽ tăng trở lại do cân đối cung - cầu trên thị trường thế giới thay đổi, thậm chí chỉ do tâm lý đầu tư và tiêu dùng có cải thiện đã có thể dẫn đến tăng giá, kéo theo giá xăng dầu, phân bón, chất dẻo, hóa chất mà nước ta nhập khẩu sẽ tăng lên.
Nhập khẩu sẽ tăng ngay do yếu tố giá trong khi xuất khẩu sẽ khó có thể tăng theo cùng nhịp độ vì giá xuất khẩu không thể dễ dàng được nâng lên và khối lượng xuất khẩu còn tùy thuộc nhiều vào sự hồi phục của các thị trường lớn của chúng ta như Mỹ, EU, Nhật, đều đang suy thoái nặng.
Nguy cơ nhập siêu tăng và sức ép lên cán cân vãng lai và tỷ giá đồng tiền Việt Nam là khó tránh khỏi. Nếu điều này diễn ra thì đây là sự trùng hợp bất hạnh giữa chính sách tiền tệ nới lỏng trong nước và sự tăng giá nguyên vật liệu trên thế giới, điều đã diễn ra trong quí 1 và 2 năm 2008 và nước ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái lạm phát mới.
Điều này nhất thiết phải tránh và còn có thể hạn chế và tránh được, nếu có sự điều chỉnh kịp thời.Cũng cần tính đến tác động của hàng Trung Quốc đang đổ vào thị trường nước ta với quy mô chưa từng thấy, thậm chí sẽ có thể còn tăng lên nếu chúng ta không có đối sách có hiệu quả và sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu với các mặt hàng tương tự của nước ta còn gay gắt hơn. Trung Quốc hồi phục sớm hơn và cải cách mạnh mẽ hơn cũng sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.
2. Trong khi ghi nhận nỗ lực của Chính phủ ngăn chặn suy giảm kinh tế, dư luận không thể không ghi nhận những thiếu sót, yếu kém trong điều hành giữa các bộ, các địa phương trong thực hiện chính sách.
Xin đơn cử vài ví dụ:“Gói kích cầu” có quy mô, nếu tính ra đô la Mỹ, tương đương 9 tỉ đô la sau khi đã được nâng từ 1 tỉ đô la lên 6 tỉ đô la, cần được công bố tường minh và đầy đủ như một chỉnh thể, có phân biệt rõ giữa các biện pháp kích thích và các dự án đầu tư đã được quyết định từ trước để doanh nghiệp biết có bao nhiêu biện pháp kích thích, địa chỉ của cơ quan chịu trách nhiệm là ở đâu.
Do được công bố qua nhiều lần, được bổ sung tại những thời điểm khác nhau nên hình thù, quy mô chính xác của “gói kích cầu” hiện nay chưa được công luận hiểu rõ.Ngoài ra, đã đến lúc Quốc hội cần có nghiên cứu và đánh giá độc lập về thực chất của cam kết đầu tư nước ngoài, chất lượng thẩm định những dự án có quy mô hàng tỉ đô la về các mặt hiệu quả kinh tế, môi trường, về sự phù hợp giữa dự án đầu tư và quy hoạch ngành, vùng của nền kinh tế quốc dân.
Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy không ít dự án FDI đã khai tăng vốn, tăng quy mô để lợi dụng xin đất (song lại rất phù hợp với tâm lý “thành tích” và “nhiệm kỳ” của quan chức địa phương), dẫn đến những con số cam kết FDI cao kỷ lực.
Cam kết thực hiện dự án của chủ đầu tư thiếu tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ, không ít nhà đầu tư nhận cả trăm héc ta đất nay không thực hiện (như ở Phú Yên) hay chậm thực hiện (ở rất nhiều nơi trong cả nước), để cả ngàn héc ta đất bị hoang hóa trong khi nông dân không có đất canh tác. Có rất nhiều vấn đề cần phân tích đánh giá chính xác trên cơ sở lợi ích lâu dài của nền kinh tế quốc dân đằng sau những con số được công bố.
Cũng cần xem xét tình hình thực hiện việc mở rộng thủ đô Hà Nội đã đem lại tiến bộ gì cho quản lý kinh tế, quy hoạch và đời sống của người dân. Nhiều doanh nghiệp phản ánh thực trạng không ít sở, ban ngành của bộ máy chính quyền Hà Nội mở rộng cho đến nay vẫn có quá nhiều phó giám đốc sở, quá nhiều trưởng, phó phòng và công việc bây giờ còn chậm, chậm hơn khi chưa sáp nhập. Tình trạng úng ngập, kẹt xe, ô nhiễm môi trường không hề có cải thiện nếu không nói là còn trầm trọng hơn.
Bộ Công Thương cũng cần giải trình trước Quốc hội căn cứ để cuối năm 2008 Bộ đề nghị Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng xuất khẩu 13% cho năm 2009 trong khi các dấu hiệu suy giảm cũng đã rất rõ ràng và nay lại đề nghị Quốc hội điều chỉnh xuống còn tăng 3%!
3. Cần xây dựng một kế hoạch 2010 và phần nào cả 2011 phù hợp với yêu cầu vượt qua khủng hoảng, tái cấu trúc nền kinh tế và cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính-ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cải cách hành chính để tạo ra xung lực mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp.
Hệ thống doanh nghiệp cần được tái cơ cấu theo tín hiệu của thị trường thế giới đang thay đổi và có sự chuyển dịch. Các doanh nghiệp phá sản hay “chết lâm sàng” cần được tái cấu trúc, sáp nhập hoặc mua lại để tái sinh các doanh nghiệp đó dưới dạng một doanh nghiệp mạnh hơn. Các chính sách đầu tư cần điều chỉnh để hỗ trợ quá trình này.
Chúng ta trân trọng những nỗ lực của Chính phủ, những thành tựu trong nông nghiệp, sự ấm lên của xây dựng, song tình hình kinh tế, đời sống xã hội đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh hơn trong chất lượng điều hành và phối hợp giữa các bộ và các tỉnh, thành phố. Bài học đẩy mạnh cải cách trong khủng hoảng cách đây 10 năm khi Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp 1999, Chính phủ lập Tổ Công tác chỉ đạo việc thực hiện có hiệu quả, bỏ 186 giấy phép con, thể hiện sự đột phá về tư duy kinh tế và cải cách hành chính cần được xem xét để vận dụng cho tình hình hiện nay.
Thất nghiệp và lạm phát
GS. Trần Hữu Dũng
Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề thất nghiệp, sau đó là nguy cơ tái phát lạm phát (nguy hơn nữa là thất nghiệp và lạm phát có thể sẽ xảy ra cùng lúc). Sự suy thoái của kinh tế Việt Nam phần lớn là do sự suy thoái của toàn thế giới, Nhà nước tiêu tiền để kích cầu nội địa tuy cũng có tác động phần nào nhưng sẽ không là bao vì muốn thật sự có kết quả thì số tiền đó phải là rất lớn, mình không có đủ. Nếu phát hành thêm tiền để cho đủ thì lại sớm đi vào lạm phát như đã nói ở trên. Với ngân sách hạn hẹp của chúng ta thì số tiền hiện nay nói là để “kích cầu” nên dùng để lo cho những vấn đề y tế, xã hội (và giáo dục nữa!) thì có hiệu quả hơn cho phát triển dài hạn. Tránh những biện pháp vá víu tạm thời mà hiệu quả lại rất ít. Về ngắn hạn, hãy mong rằng kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi, kéo chúng ta ra khỏi tình trạng suy thoái hiện nay.
Để tăng hiệu quả kích cầu
TS. Vũ Hoàng Linh
Dù gói kích cầu ban đầu đã được công bố từ năm 2008 nhưng mãi cho tới mấy ngày gần đây các chi tiết cấu thành của gói kích cầu mới được công bố. Và ngay cả các chi tiết này cũng có sự lẫn lộn giữa nguồn tạo vốn và mục đích sử dụng.
Ví dụ trong gói tín dụng tương đương 8 tỉ đô la mới được công bố thì có 20.000 tỉ đồng phát hành trái phiếu chính phủ mới. Nhưng việc phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ chỉ là nguồn tạo vốn chứ không phải là kích cầu.
Thêm nữa, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến về việc cho vay hỗ trợ lãi suất có thể dẫn tới đảo nợ (hay vốn từ các khoản vay đổ vào thị trường chứng khoán) nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có biện pháp để giải quyết vấn đề này.
Một mặt vẫn tuyên bố không cho phép đảo nợ nhưng mặt khác lại không biết làm thế nào để ngăn cản tình trạng này. Những thông tin xung quanh các khoản cho vay không được công bố rộng rãi khiến cho người ta không thể đánh giá được chính xác mức độ đảo nợ hay hiệu quả của kích cầu bằng cho vay hỗ trợ lãi suất.
Để cải thiện chính sách kích cầu, theo tôi, cần làm một số việc như sau:
- Đánh giá nghiêm túc hiệu quả của các chính sách kích cầu đã được tiến hành cho tới nay.
- Tránh các nhầm lẫn không đáng có như coi phát hành trái phiếu chính phủ cũng là một phần của chính sách kích cầu.
- Đầu tư công của Nhà nước nên hướng tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn vốn bị bỏ quên lâu nay; và đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, chất lượng nguồn nhân lực. Những lĩnh vực đầu tư này không những làm tăng cầu của Chính phủ mà còn có tác dụng dài hạn trong việc tạo ra một lượng vốn con người, vốn công nghệ cần thiết cho sự phát triển trong tương lai. Trong đầu tư không chỉ quan tâm tới số lượng đầu tư theo nghĩa làm sao giải ngân thật nhanh, chi tiêu thật mạnh mà cần quan tâm tới chất lượng đầu tư.
- Bên cạnh nông dân, cũng cần có các chương trình hỗ trợ cho người thu nhập thấp và trung bình và chịu thiệt hại nhiều bởi khủng hoảng để tăng tiêu dùng xã hội, tức kích cầu tiêu dùng. Có một số nhóm đối tượng có thể xác định được khá dễ dàng như các công nhân mất việc làm ở thành phố, nhân công ở các làng nghề xuất khẩu... Sớm triển khai rộng rãi chương trình bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội ở nông thôn.
- Một khía cạnh khác không hoàn toàn liên quan: trong việc thiết kế gói kích cầu cần có sự tham gia của các nhà kinh tế.