(Bài đăng cho tuần báo ngày mai, 08-15/06/09 trên báo Sinh viên Việt Nam)
Duong Giap & Sue Purnell
Một cách nghĩ, cách học tập khác sẽ tạo ra một con người khác. Một con người khác sẽ tạo ra một thế giới khác. Điều này cần được nhìn nhận, thảo luận và thực hiện.
Tin và nhớ hay hoài nghi và cải tiến?
Năm 2001, tôi nhận ra có một thế giới giáo dục khác so với những gì mà tôi trải nghiệm. Và tôi muốn thấy nó. Cho nên, tôi đã tạm dừng khóa học cao học sắp kết thúc ở trong nước để sang Hàn Quốc bắt đầu lại từ đầu. Một thế giới học tập mới mở ra trước mắt tôi.
Chín năm sau, ở trường Đại học Liverpool xứ Anh quốc xa xôi, tôi và một người bạn - Sue Purnell - trò chuyện về sự khác nhau giữa các nền giáo dục Á-Âu, đặc biệt là giáo dục Việt Nam và Anh. Chúng tôi cùng nhất trí với nhau rằng, có những nền giáo dục khác nhau hiện hữu. Chúng tôi thích thú khi nhận ra điều đó, và cả hai đều muốn phám phá sự khác biệt đó, để hiểu chúng rõ hơn. Chúng tôi cho rằng, sẽ tốt hơn nếu vấn đề này được thảo luận rộng rãi, để qua đó, hiểu rõ hơn nền giáo dục của chúng ta, và trong một mức độ nào đó, giới thiệu những khái niệm mà chúng tôi cho rằng sẽ giúp ích cho sinh viên Việt Nam.
Khi nghĩ về quãng thời gian học Đại học, điều rõ nhất mà tôi nhớ được là ngày ngày cắp sách đến giảng đường, nghe và chép bài mà hầu như không đặt câu hỏi bao giờ. Hầu như không có thảo luận hoặc làm việc theo nhóm. Sinh viên luôn tin tưởng rằng những điều được giảng dạy là chân lý, là những tri thức tốt nhất. Chúng tôi học theo cách tin và nhớ, chứ không phải là nghi vấn và cải tiến. Chúng tôi cố gắng để “biết điều đó” chứ không phải “biết làm thế nào”.
Ở Hàn Quốc, mọi chuyện tốt hơn. Ở đó, chúng tôi làm việc theo nhóm cùng giáo sư và các sinh viên khác. Chúng tôi thảo luận thường xuyên. Điều duy nhất làm tôi không hài lòng ở đó là khoảng cách và thái độ bề trên thái quá của các vị giáo sư Hàn Quốc. Sinh viên coi giáo sư như một ông vua con, có lẽ là do văn hóa khổng giáo đặc thù của Hàn Quốc. Dù không thích, nhưng tôi biết cách người Hàn Quốc làm việc là hiệu quả. Bằng chứng là họ đã đạt được những thành tựu rất đáng khâm phục. Còn cách mà chúng ta làm việc thì không. Chúng ta đã không thể tiến hành công cuộc phát triển đất nước thành công như mong đợi.
Sau đó, mọi việc thay đổi rất nhiều khi tôi sang Áo để làm nghiên cứu sinh và khi sang Liverpool làm việc. Ở hai nơi này, mọi người làm việc khác hẳn người Hàn hoặc người Việt. Sinh viên và giáo sư khá bình đẳng với nhau. Thảo luận và làm việc cùng nhau đôi khi thân thiết như với bạn bè. Cách làm việc kiểu châu Âu như thế này đặt nền tảng trên cơ sở cá nhân, nhưng mọi việc đều được tiến hành thông qua thảo luận, phác thảo, lên kế hoạch và cải tiến sao cho tốt hơn. Trong lớp học, chúng tôi có thể đặt câu hỏi và thảo luận bất cứ lúc nào. Cách làm việc này rất hiệu quả, thể hiện ở thành quả mà người châu Âu đạt được. Vậy thì, câu hỏi tự nhiên phải đến là: chúng ta có thể học hỏi được gì từ hai cách làm việc này? Và chúng tôi có thể chia sẻ được điều gì với các bạn? Chúng tôi đã đề xuất một vài gợi ý để các bạn xem xét:
Độc lập hơn nữa
Đây là điều quan trọng nhất. Vì không có nó, người học sẽ phụ thuộc vào giảng viên mãi mãi. Một đứa trẻ trưởng thành khi có thể sống độc lập. Một người sẽ chỉ là một học viên thực sự, và sau đó là một học giả, khi người đó có thể suy nghĩ và học tập độc lập theo cách của riêng mình.
Ở Việt Nam, học viên trông chờ vào giảng viên trong việc tìm kiếm, xử lý và tổ chức tri thức. Giảng viên là người cung cấp tất cả những tri thức mà học viên cần. Người học thường chỉ học trong giáo trình mà ít khi tìm kiếm những nguồn tài liệu khác, rất thụ đông và ít cố gắng để phát triển tư duy độc lập và tư duy phê phán. Người học thường lảng tránh nêu ý kiến hoặc đặt câu hỏi, nhưng lại sẵn lòng nghe giảng và tuân theo chỉ dạy. Ngày qua ngày, điều này hình thành một thói quen phụ thuộc, tin tưởng, và thậm chí tôn thờ những điều được dạy. Cách học này truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo ra mẫu người phụ thuộc kiểu-học-sinh, thậm chí ngay cả khi họ đã tốt nghiệp hoặc đã trở thành giảng viên đại học. Khả năng phát triển tri thức mới và cách tư duy phong phú hoàn toàn biến mất.
Linh động hơn nữa
Sự vật hiện tượng biến đổi không ngừng. Thế giới liên tục thay đổi, và sự thay đổi được gia tốc theo thời gian. Sinh viên được đào tạo cho những ngành thậm chí vẫn còn chưa xuất hiện. Vậy chúng ta xử trí thế nào? Cách duy nhất là linh động hơn, và tự thân vận động để hình thành thói quen đặt câu hỏi không ngừng. Để làm được điều đó, người học không nên gắn chặt vào bản thân một kiến thức cụ thể nào đó, mà phải học cách thu thập, phân tích, phê phán và sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau. Những điều mà chúng ta học ở giảng đường, có thể đã trở thành lỗi thời trước khi tốt nghiệp. Vậy thì tại sao lại vùi đầu vào học thuộc những thứ đó? Điều chúng ta cần học là cách học, cách tìm kiếm tri thức thông qua thư viện, mạng internet và cách đặt những câu hỏi đúng. Và sau cùng là cách liên kết các ý tưởng với nhau để hình thành những ý tưởng mới.
Phê phán hơn nữa
Trong giáo dục đại học, phê phán không có nghĩa là phê bình kiến thức của giảng viên. Phê phán thực chất là đặt câu hỏi, thảo luận, nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, suy nghĩ bằng nhiều cách khác nhau. Văn hóa Việt không khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi hay nghi ngờ tính đúng đắn của giáo trình. Nhưng như chúng tôi đã nói, phát triển tư duy phê phán là bước đầu tiên để cải tiến chất lượng giáo dục, và mỗi chúng ta cần phải trình bày, trao đổi và thảo luận nhằm tìm kiếm những ý tưởng mới, phong phú đa dạng.
Sáng tạo hơn nữa
Trong nền kinh tế tri thức, vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà là những ý tưởng mới, phát minhvà sự sáng tạo. Ý tưởng mới taọ ra công nghệ, cách thức tổ chức và làm việc mới. Cùng với tư duy phê phán và tư duy độc lập, tư duy sáng tạo cần được nhấn mạnh như một trong những mục tiêu tối quan trọng của giáo dục đại học. Nếu không có những điều này, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ không thể góp phần vào cuộc chiến chống đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống và xây dựng Việt Nam thành một nước giàu mạnh.
Làm việc theo nhóm
Ngày nay hầu như không có công việc nào mà có thể thực hiện chỉ bởi một người. Trong mỗi công sở, cơ quan, mọi người đều phải làm việc cùng nhau trong một tập thể gắn kết. Do đó, làm việc theo nhóm là cách duy nhất để đạt được thành tựu đáng kể. Cách làm việc theo nhóm sẽ liên kết tất cả những điều đã thảo luận ở bên trên lại với nhau. Mỗi người qua đó tạo sự thành công không chỉ cho mình mà còn cho những người khác cùng nhóm. Chúng ta thất bại, thường thì không phải là do thiếu người giỏi, mà vì những người giỏi không biết cách làm việc hiệu quả cùng nhau. Tuy nhiên, làm việc theo nhóm chỉ có thể thành công khi mọi người cởi mở, tôn trọng ý kiến và cách suy nghĩ của người khác.
Giao tiếp hiệu quả
Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong xã hội tri thức. Giao tiếp hiệu quả cho phép các ý tưởng mới, tri thức và giải pháp lưu thông để tạo ra các giá trị mới. Giao tiếp cũng là yếu tố sống còn để đảm bảo làm việc theo nhóm được thành công. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, rất nhiều khó khăn và thất bại xảy đến có nguyên nhân từ sự giao tiếp kém hiệu quả chứ không phải sự thiếu vốn đầu tư hoặc tri thức.
Chuyên nghiệp
Những thói quen hình thành từ nền văn minh nông nghiệp đã ngăn cản chúng ta phối hợp và làm việc quả, mà thể hiện rõ nhất là thói quen suy nghĩ và làm việc nghiệp dư như: không có kế hoạch rõ ràng, làm việc và chơi cùng lúc, thích đối phó, v.v. Điều này trái ngược hẳn với phong cách chuyên nghiệp: con đường duy nhất để thành công trong sự cạnh tranh toàn cầu; tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao mà thông qua đó, xã hội sẽ ngày càng phát triển và vị thế của đất nước vì thế sẽ được nâng lên. Nhưng phong cách chuyên nghiệp không phải là món quà trời cho. Đó là kết quả của quá trình đào tạo không ngừng, đòi hỏi sự chú ý của sinh viên trong từng hoạt động. Điều này quả thật không dễ, nhất với những người xuất phát từ đất nước có nền văn minh nông nghiệp như Việt Nam. Nhưng nó hoàn toàn có thể đạt được. Chuyên nghiệp là cách duy nhất đảm bảo mọi kế hoạch và hành động có thể thành công.
Đó là những điều mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn. Chúng tôi rất vui nếu bạn đã biết những điều này. Nếu chưa, bạn hãy thử (hoàn toàn miễn phí), và suy ngẫm một chút về nó xem sao. Chúng có thể biến bạn thành một người khác hẳn, và mang đến cho bạn một thế giới khác, thú vị.
Nguyên bản tiếng Anh xin đọc tại blog Giáp Văn: There is a different world.
---------- Có đi mới tới, cái chính là chúng ta có thể vượt lên chính mình !!!!Làm thế nào để tiếp thu được nhiều kiến thức?
Chào các bạn,
Làm thế nào để tiếp thu được nhiều kiến thức? Chúng ta có thể thấy sự khác biệt rất rõ giữa mọi người. Hai sinh viên ra trường cùng bằng cấp, nhưng sau một thời gian thì kiến thức 2 người khác nhau hoàn toàn, một người thì vẫn cứ tù mù, trong khi người kia thì thông thái ra bội phần, và người tù mù lại có thể là người ra trường với hạng cao hơn. Hai người cùng vào làm một hãng, cùng một lúc, cùng một loại công việc, một người thì lên vù vù, một người thí cứ ì ạch một chỗ. Điều gì đã xảy ra?
Có nhiều cách để lý giải hiện tượng này trong thực tế, nhưng hai điểm quan trọng nhất để lý giải là, thứ nhất, khả năng làm việc chung với mọi người và, thứ hai, khả năng tiếp thu kiến thức. Và hai điều này, thực ra liên hệ mật thiết với nhau.
Chúng ta nghĩ là cứ học nhiều, như là đọc sách nhiều, thì có nhiều kiến thức. (Học ở đây nói theo nghĩa hẹp—ngồi xuống dở sách ra học hay nghiên cứu điều gì đó). Chúng ta thường nghĩ rằng tiếp thu kiến thức là tích cực nhồi kiến thức vào đầu, như là mang từng bao gạo vào kho gạo cho đầy. Đó đúng là một cách tiếp thu kiến thức. Nhưng cách đó vừa chậm vừa mệt (Vác mấy bao tạ nhất định là phải mệt, phải không các bạn. :-) ).
Thực ra, kíến thức như ánh sáng mặt trời, chiếu tự nhiên trên vạn vật. Tâm trí là căn nhà dưới ánh mặt trời. Chỉ cần mở toang hết các cánh cửa lớn nhỏ thì ánh sáng ùa vào tràn ngập, chiếu sáng từng ngỏ ngách tăm tối trong nhà. Cách tiếp thu kiến thức như vậy vừa nhanh, vừa nhẹ, vừa dễ, vừa hiệu lực, phải không các bạn?
Tiếp thu kiến thức không phải là ì ạch khiêng kiến thức vào nhà kho, mà là mở toang mọi cánh cửa để kiến thức ùa vào. Hai cách tiếp thu này khác nhau, và có thể làm cho kiến thức của hai người khác nhau như 100 và 1 đó các bạn. Không thể xem thường được.
Nhưng điều gì là các cánh cửa tâm trí? À, câu này trả lời thì hơi mệt, vì danh sách thì quá dài. Chúng ta cần nghiên cứu một cách nhớ ngắn gọn hơn. Câu trả lời ngắn nhất và đầy đủ nhất là “cái tôi”, nhưng lại quá trừu tượng, cho nên ta cần phải cụ thể hóa “cái tôi” trong một vài thí dụ điển hình. Nói chúng là: Tất cả những gì liên hệ đến việc định hình “Tôi”—định hình bạn à ai—đều là các cánh cửa có thể đóng kín tâm trí mù lòa hay mở rộng cho ánh sáng trí tuệ.
Ví dụ:
• Bằng cấp: Tôi đã có tiến sĩ, chỉ người có tiến sĩ trở lên mới có gì đáng cho tôi chú tâm nghe.
• Tuổi tác: Tôi đã thất thập cổ lai hi, con ruồi bay qua là biết ruồi đực hay ruồi cái. Mấy đứa con nít nói bậy bạ phiền quá.
• Danh tiếng: Tôi đức cao danh trọng, mấy người vô danh tiểu tốt sao cứ lép nhép hoài?
• Tiền bạc: Tôi đã thành triệu phú, mấy bà hàng rong thì biết gì mà bàn luận?
• Kinh nghiệm: Tôi đã làm việc này 20 năm rồi, có gì phải biết nữa?
• Địa vị: Tôi là lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, mấy chú biết gì mà láp nháp?
• Thái độ: Toàn là một đám lăng nhăng; kẻ sĩ thông thái thức thời về quy ẩn.
• Nơi chốn: Học phải có nơi, như trường học hay thư viện, không phải là tất cả mọi nơi, và nhất định không phải là ngoài đường ngoài chợ.
• Giờ giấc: Học phải có giờ học, không phải là tất cả mỗi phút mỗi giây trong ngày.
• Con người: Học là phải có thầy giỏi hẳn hoi, không phải là bất kỳ ai trên đời cũng có cái gì đó mà mình có thể học.
• Vạn vật: Phải học với thầy có bằng cấp kinh nghiệm; mưa nắng, con đường, cây cỏ, chó mèo, có gì học được?
• Thứ bậc: Học từ thầy chứ làm sao học ngược từ học trò được?
• Gốc gác: Mấy chàng ở Lào Cai thì có gì để học? Dân Trung kỳ (hay Bắc kỳ hay Nam kỳ) thì có gì để học?
• Tôn Giáo: Mấy người mê tín dị đoan thì có gì để học? Dân Công giáo Hố Nai thì có gì để học? Dân Hòa Hảo thì có gì để học? Dân Hồi giáo thì toàn là khủng bố, có gì để học?
• Đủ rồi: Tui biết bao nhiêu đó đủ rồi, không cần biết thêm gì hết.
• Thông thái: Cả thiên hạ say chỉ mình ta tĩnh.
Danh sách này có thể dài vô tận, các bạn ạ. Nhưng nói vắn tắt thì: Tất cả những gì giúp ta định hình, định danh, định tính chính mình, đều là những cánh cửa của tâm trí. Nếu chúng ta cứ mở toang chúng ra, thì ánh sáng trí tuệ sẽ ùa vào.
Người ta hay nói “Học một biết mười”, có chuyện đó không các bạn? Thưa có. Nếu các cánh cửa của tâm trí của bạn mở toang, bạn nhìn một chuyện, có thể hiểu ra đến 10 chuyện, trong khi những người khác cũng nhìn sự kiện đó chỉ thấy có 1 chuyện hay ½ chuyện mà thôi.
Và ở đầu bài chúng ta có nói đến khả năng làm việc chung với mọi người như là một yếu tố, bên cạnh yếu tố tiếp thu kiến thức, để lý giải cho thành công, nhưng trong bài ta chẳng nói gì đến điểm này cả. Tại sao? Thưa, lý do là nếu ta mở toang hết các cánh cửa của tâm trí, thì ta sẽ làm việc tốt với tất cả mọi người. Người khiêm tốn và rộng mở như thế luôn luôn rất giỏi về làm việc nhóm (teamwork). Làm việc tốt với mọi người là hệ quả đương nhiên của sự mở rộng tâm trí. Mở rộng các cánh cửa của tâm trí vừa giúp ta tiếp thu kiến thức, vừa giúp ta làm việc tốt với mọi người.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ.
Mến,
Hoành
© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use