Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Luật sư Lê Công Định là ai?

Luật sư Lê Công Định là ai?
Sau đây là tổng hợp một số bài viết có liên quan đến Luật sư Lê Công Định, người vừa bị bắt khẩn cấp trưa 13/6/2009. Nguồn được lấy nguyên văn từ các báo trong và ngoài nước, qua đó, ta có một cái nhìn rõ hơn về chân dung người Luật sư này.

Ra đi và mang về.... (Kỳ 7)
Vào cuộc cạnh tranh toàn cầu...

(Nguyễn Văn Tiến Hùng - Tuổi Trẻ Online ngày 25/2/2006)

TT - Thông tin mới nhất của luật sư (LS) trẻ này là anh đã tách ra khỏi một công ty luật hàng đầu của VN để thành lập một công ty luật mới với kế hoạch “trong sáu tháng nữa sẽ thành công ty luật mạnh và trong tương lai gần sẽ thành một tập đoàn LS mạnh trong khu vực”.

Ý tưởng mới nhất anh gửi cho tôi qua mail: “Sẽ chờ cơ hội lập một trường đại học luật tư nhân”... Lại thêm một câu chuyện khó tin từ LS Lê Công Định.

Từ tầng hầm của phòng chưởng khế Sài Gòn

LS Lê Công Định sinh năm 1968, cử nhân luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cử nhân luật ĐH Tổng hợp TP.HCM, cao học luật ĐH Tổng hợp Tulane, Hoa Kỳ. Thành viên Đoàn LS TP.HCM, thành viên Hiệp hội LS Hoa Kỳ; thành viên hội đồng đại diện cho VN, Hiệp hội LS châu Á - Thái Bình Dương. Hiện đang giảng dạy về luật VN cho SV quốc tế trong chương trình trao đổi giữa khoa luật ĐH Cần Thơ và ĐH Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2), hiện là LS thành viên Công ty DC Lawyers.
Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của phòng chưởng khế Sài Gòn trước 1975.

Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.

Cũng thời điểm đó, LS Triệu Quốc Mạnh tập hợp những nhân vật rất giỏi luật của Sài Gòn mở lớp luật ở ĐH Tổng hợp TP.HCM với tiêu chí dạy “theo tinh thần pháp lý thế giới”. “Tôi nghĩ mãi rồi quyết định bỏ việc để đi học tiếp”. Lúc qua trường luật xin xác nhận điểm để miễn một số môn, một thầy giáo cũ biết chuyện tròn mắt hỏi: “Mày có khùng không mà đi học cái lớp vớ vẩn?”.

Nhưng trong cái lớp học ấy, LS Triệu Quốc Mạnh có những bài giảng nổi tiếng về tinh thần pháp lý thế giới; thầy Võ Phúc Tùng (tiến sĩ luật bảo vệ luận án cuối tháng 4-1975) làm Định say mê với “khế ước và nghĩa vụ” theo chuẩn mực của Pháp. Thầy Lương Văn Lý dạy rất hay về công pháp quốc tế... Đó là những giáo sư giỏi nhất chuyện “hạ đo ván” sinh viên trong các kỳ thi.

Càng học, Định thấy hiểu rõ hơn những gì anh đọc trong căn hầm của phòng chưởng khế hồi xưa. Thầy Tùng tạo một ấn tượng lớn từ kiến thức uyên bác cho tới tư cách trong cuộc đời. Có thời điểm khó khăn, phải đi sửa đồng hồ kiếm sống nhưng ông vẫn vô tư: “Học tiến sĩ khó cỡ nào còn học được thì nhằm nhò gì những cái đơn giản này!”. Ông nhận Định làm học trò dạy tiếng Pháp.

Suốt tám năm trời, hai thầy trò cặm cụi ba buổi tối mỗi tuần. Mỗi buổi học xong hai giờ ngôn ngữ, thầy trò lại xoay qua bàn chuyện văn chương Pháp với Victor Hugo, Alexandre Dumas... Có bữa cúp điện, hai thầy trò đốt đèn dầu, mồ hôi nhễ nhại. Chính cái vốn tiếng Pháp dưới ánh đèn dầu này đã tạo điều kiện cho Định vào làm ở văn phòng luật Coudert Brothers. Vị LS đại diện văn phòng này ở Sài Gòn vì mê tiếng Pháp của anh mà nhận vào. Năm đó Định 26 tuổi. Rồi một bước ngoặt mới: suất học bổng đi Pháp...

Đến Paris và Columbia…

“Trước những năm 1997, tôi nghiên cứu luật trong nước, thấy luật mình còn thiếu nhiều quá, muốn làm một điều gì đó nhưng kiến thức không có. Tôi thèm một chuyến đi du học Pháp. Nhưng hồi đó, những suất học bổng chỉ có cán bộ ngành tòa án hoặc người ngoài bộ mới được. Rồi năm 1997, lần đầu tiên người ta cho các đoàn LS dự tuyển các suất học bổng. Tôi bước chân ra khỏi đại sứ quán mà như bay trên mây với suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).

Vài tháng sau, một ngày đang lang thang ngao du ở châu Âu, có một tin vui không kém: tôi giành được học bổng Fulbright đi Mỹ. Thông tin này thay đổi nhiều thứ với tôi.

Sau vài tháng học ở Paris, tôi nhận ra đại học Pháp thời điểm đó vẫn là sự kéo dài của hệ thống thực dân cũ: trì trệ, bảo thủ. Năm 1998-1999 mà cả trường chỉ có hai máy photo, mượn một đống sách từ thư viện phải mất 3-4 giờ đồng hồ chờ đợi để photo. Giáo sư thì như một vị thánh trên giảng đường, bắt học thuộc lòng y như ở VN chứ không dạy về tư duy pháp lý.

Tôi tranh thủ học thêm một khóa triết của Trường đại học Sorbonre theo lời khuyên của thầy Tùng (“Phải biết căn bản triết học để hiểu nền luật pháp”), đến tháng 5-1999 tôi rời Paris, bỏ luôn những môn thi cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6-1999) để sang Mỹ học cao học luật ở ĐH Tulane - Columbia”.

“Tôi ủng hộ án lệ!”

Đó là câu đầu tiên và là sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện của LS Định. Anh mang ra hai quyển Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 -2004 (đó là những bản án ở cấp giám đốc thẩm sửa sai các vụ án khó ở tòa cấp dưới và được xem như một ví dụ về việc áp dụng các điều luật khi xét xử những vụ án tương tự như vậy) rồi nói một cách tự hào: “Đây là một bước rất nhỏ của án lệ tại VN!”.

Do những đặc thù của VN, án lệ là một quãng đường đầy khó khăn và nhiều tranh cãi. Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: “Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó”. Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.

Và sự “nổi tiếng” của LS Định lại là sự “khùng”. Không ít lần anh từng bị các quan chức một bộ nhắn gửi: “Thằng đó khùng hay sao mà tuyên bố này nọ hoài”. Đó là khi anh truy đến cùng các nguyên nhân khiến luật chưa ra đời đã trở nên lạc hậu: “Bộ luật dân sự của Napoléon xây dựng cách đây 200 năm; Bộ luật dân sự Đức xây dựng cách đây 100 năm - không hề được sửa bởi trước đó những bộ luật này đã kế thừa được hệ thống luật bất thành văn của hàng ngàn năm trước và quan tòa, khi xét xử, nếu thấy không phù hợp thực tế bèn giải thích theo thực tiễn để thay đổi tinh thần của nó.

Đó là sửa luật theo án lệ. Tức nền tảng luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và ở các nước, chỉ có quan tòa là người duy nhất giải thích luật, còn ở ta ai muốn giải thích cũng được cả. Nó làm cho luật pháp mất tính thống nhất và vị trí độc lập của quan tòa không cao. Chúng ta có quá nhiều luật nhưng nhiều khi “không xài được” hoặc vừa thông qua đã “chết” rồi vì thiếu tính thực tiễn. Tôi ủng hộ án lệ và chắc chắn luật về án lệ sẽ giải quyết được những điều mà trong thực tiễn chưa có.

Ở VN, người ta có thể trả lại đơn kiện và nói: luật chưa có, Quốc hội chưa ban hành, tôi không xử được. Nhưng ở nước ngoài, người ta sẽ kiện ngay quan tòa vì tội không ban phát công lý”.

Tạm gác giấc mơ tiến sĩ

“Hồi xưa tôi mê luận án tiến sĩ và từng sưu tầm hàng trăm cái ở Paris, từng được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tulane nhưng rồi về nước, một đam mê khác lấn dần vào công việc hằng ngày của tôi: gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền. Tham gia các vụ việc với chính quyền thành phố hoặc các công ty lớn của Nhà nước... tôi thấy vui nhất là ý thức các vị đã có những thay đổi rất rõ. Vụ VN Airlines, vụ Liên đoàn Bóng đá bị thua kiện và mất tiền ở nước ngoài… đã làm người ta giật mình.

Mới đây, trong một cuộc họp của UBND TP.HCM, tôi ngồi nghe ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Làm gì thì làm, phải tuân thủ những qui định pháp lý, tránh để bị kiện” mà thấy mừng. Đã có những vụ mà chính quyền không thể đơn thuần ra quyết định hành chính, ví dụ thành phố “thuê lại quyền sử dụng” công viên 23-9 từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà chuyện đó đâu đơn giản: họ cử LS, quăng sách luật ra bàn, cãi nhau tóe lửa...

Tôi nhớ lại LS Đặng Khải Minh, một Việt kiều nhưng tinh thần của ông thì hết sức VN, tìm mọi cách nâng đỡ và vun vén cho LS Việt, ông khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hết mọi điều kiện để LS VN mình có thể sánh ngang với khu vực và thế giới khi tham gia cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa đào tạo những LS trẻ để họ nâng tầm. Giờ đây chúng tôi có thể sang Singapore hay bất cứ quốc gia nào tham gia các vụ kiện, có thể tranh cãi từng từ ngữ với các LS, buộc họ sửa cả văn bản tiếng Anh hay đưa ra các ý kiến pháp lý trong các hợp đồng mua bán, tài trợ... tầm quốc tế cho khách hàng VN.

VN hiện tại chỉ có khoảng hai văn phòng luật đủ mạnh để làm chuyện đó. Tình trạng cạnh tranh cũng đang làm cho LS VN yếu thế thay vì phối hợp để nâng tầm trên trường quốc tế. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”.

Nhiều người đã ra đi và nhiều người đã trở về, với một hành trang đầy đặn và một khát vọng về các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Mỗi người trong họ đi trên những con đường khác nhau để cùng gặp nhau trong một nỗ lực.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

(Kỳ cuối: Rạng danh đất Việt)

-------------------------------

Trả lại hào khí Diên Hồng
(Lê Công Định - Pháp Luật TPHCM ngày 5/3/2006)

Lịch sử Việt Nam là lịch sử thăng trầm của một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây.

Những khoảng khắc hòa bình hầu như ngắn ngủi. Sau 1975 niềm vui độc lập và thống nhất, với biết bao máu và nước mắt vô tội đổ xuống, đã không kéo dài bao lâu. Đất nước triền miên rơi vào khủng hoảng, hết khủng hoảng kinh tế, đến khủng hoảng đạo lý và bây giờ khủng hoảng niềm tin. Điều đó suy cho cùng có nguyên nhân nội tại từ chính sự nhu nhược của mỗi con người chúng ta.

Bốn ngàn năm lịch sử đã kết nối từng cá nhân thành một dân tộc, hun đúc nên khát vọng Đại Việt, đưa chúng ta đi hết chiến thắng này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập tự chủ và thống nhất giang sơn về một mối. Thành tựu ấy có được là do sự quật khởi của hào khí Diên Hồng qua các thời đại.

Tiếc thay khi chuẩn bị bước vào nền thái bình thịnh trị, sự nhu nhược đã thế chỗ cho tinh thần quật khởi! Kẻ thì bỏ nước ra đi, trốn tránh. Người thì ở lại nhẫn nhục, muộn phiền. Bọn cơ hội thừa dịp thi thố sự đồi bại, biến giang sơn chung thành món mồi riêng tư béo bở.

Vì nhu nhược, chúng ta không dám phản kháng thói hạch sách, nhũng nhiễu của lớp quan lại mới, chấp nhận dùng tiền vượt qua trở ngại. Đến khi nhìn lại, quốc nạn tham nhũng và quan liêu đã lan tràn, bất trị.

Vì nhu nhược, chúng ta che tai không dám nghe lời nói ngay thẳng, mặc nhiên dung túng sự dối trá và xu nịnh. Đến khi bừng dậy, đạo đức đã suy đồi, khó sửa.

Vì nhu nhược, chúng ta hài lòng với những gì đang có, cố tin vào sự ổn định giả tạo, đắm mình vào những lễ hội vô nghĩa liên miên. Đến khi nghĩ lại, xung quanh đã đầy dẫy ung nhọt, không còn thuốc chữa.

Vì nhu nhược, chúng ta bịt mắt trước những bước đi vũ bão của các dân tộc láng giềng. Đến khi tỉnh ngộ, sự tụt hậu quá rõ ràng, không còn cơ may rút ngắn khoảng cách.

Để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong … quán nhậu! Chí khí kiểu “sĩ phu Bắc Hà” ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa?

Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó. Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc.

-------------------------------

Tại sao không nên sợ 'đa nguyên'
(Lê Công Định - BBC ngày 13/4/2006)

Hai chữ “đa nguyên” từ lâu là điều húy kỵ đối với xã hội và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Liệu đa nguyên thực sự ghê gớm đến nỗi mỗi khi nói đến ai cũng phải e dè?

Đã khi nào chúng ta nghiêm túc phân tích thế nào là đa nguyên và ảnh hưởng của một hệ thống đa nguyên chưa?

Hãy bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế

Trước thời kỳ đổi mới và mở cửa năm 1986, xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã là hai chủ thể duy nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Thời ấy, hai chữ “tư doanh” được đồng nghĩa với điều xấu xa tồi tệ, bởi lẽ người ta luôn tin tưởng, một cách thiếu cơ sở, rằng khu vực tư doanh chỉ toàn bọn gian thương, bóc lột, và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ bị “lật đổ” nếu tư nhân được phép sở hữu tư liệu sản xuất và hưởng giá trị thặng dư.

Nhắc đến kinh tế tư nhân chẳng khác gì âm mưu “đảo chính” và “lật đổ” nền kinh tế quốc dân!

Sau Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua cái bóng của chính mình khi chấp nhận cho tư nhân tham gia vào hoạt động kinh tế. Công nhận nền kinh tế nhiều thành phần thực chất là thừa nhận đa nguyên kinh tế.

Sự đa nguyên này không những không làm mất đi “độc lập chủ quyền” về kinh tế của đất nước, mà còn làm Việt Nam ngày càng ít lệ thuộc hơn vào viện trợ từ khối xã hội chủ nghĩa.

Kết quả hẳn nhiên ai cũng thấy: chế độ chính trị của Việt Nam vẫn đứng vững trong khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã.

Trong khuôn khổ luật pháp, các công ty nhà nước cạnh tranh lành mạnh và luôn ở thế thượng phong so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư trong nước.

Sự đa nguyên kinh tế tiến thêm một bước khi các công ty nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh mới này, thế chủ động ở những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia vẫn do chính các công ty nhà nước nắm giữ, tất nhiên cũng trong khuôn khổ do luật pháp ấn định.

Kết quả sau hai mươi năm Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách cải tổ nền kinh tế, mà thực chất là đa nguyên kinh tế, là chúng ta có được một nền kinh tế đang chuyển mình vươn ra thị trường quốc tế với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu mà sản phẩm chất lượng cao “made in Vietnam” đã làm không ít đối thủ nước ngoài phải e ngại ngay chính sân nhà của họ.

Gạo, cà phê, cá basa, tôm, giày da … là những minh chứng hùng hồn. Như vậy, đa nguyên không đáng ngại, mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp.

Đa nguyên chính trị đã và đang hiện hữu

Nói đến đa nguyên trong lĩnh vực chính trị ai cũng giật mình lo ngại, bởi lẽ từ lâu người ta vẫn luôn tin tưởng, một cách thiếu cơ sở, rằng nền chính trị nhiều đảng phái tất yếu dẫn đến sự tranh giành quyền lực và làm suy yếu chủ quyền của đất nước.

Đa nguyên, một lần nữa, là điều húy kỵ, là “diễn biến hòa bình” đe dọa độc lập chủ quyền dân tộc. Vậy phải chăng ở Việt Nam chưa từng có đa nguyên chính trị?

Hãy bình tâm nhìn lại lịch sử. Mặt trận Việt Minh là một tập hợp thành công các đảng phái chính trị cho mục tiêu giành độc lập dân tộc từ 1941 đến 1945.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng là một tập hợp thống nhất các chính khách và trí thức yêu nước ngoài Đảng Cộng sản ở miền Nam trong cuộc chiến chống lại chính quyền Sài Gòn từ 1960 đến 1975.

Cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, hai đảng Dân chủ và Xã hội vẫn sát cánh cùng Đảng Cộng sản trong suốt quá trình tranh đấu giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Hai đảng này chỉ chấm dứt hoạt động vào năm 1987.

Hiện nay Mặt trận tổ quốc vẫn là diễn đàn hiến định dành cho người ngoài Đảng Cộng sản phát biểu chính kiến của mình trong việc xây dựng đất nước. Như vậy, đa nguyên chính trị đã và đang vẫn hiện hữu ở đất nước chúng ta và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập và điều tiết thành công nền chính trị đa nguyên đó.

Nay chúng ta, hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài nước, đang đứng trước một vận hội mới - một thời cơ vàng - ngàn năm có một để chấn hưng đất nước.

Sự thành công của đa nguyên kinh tế đang đòi hỏi một mô hình khác của đa nguyên chính trị. Liệu Đảng Cộng sản dám chấp nhận thách thức của thời đại, vì quyền lợi chung của dân tộc, đưa nền chính trị đa nguyên hiện tại dấn thêm một bước?

Làm được điều đó là vượt qua cái bóng của chính mình và sẽ để lại tiếng thơm muôn đời. Bản lĩnh và trí tuệ của một đảng cầm quyền là nhận thức được bước ngoặc lịch sử này để quyết đoán đề ra và thực thi một sách lược thích hợp.

Ngược lại, nếu cứ cố thủ trong những thành trì lý luận lung lay sẽ càng chuốc thêm thất bại tất yếu của lịch sử, mà có khi phải trả giá bằng máu của biết bao nhiêu người.

Mô hình nào cho đa nguyên chính trị?

Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi. Vậy mô hình nào sẽ phù hợp? Nên nhớ rằng khi tiến hành đa nguyên về kinh tế, một bài toán hóc búa đã được đặt ra là liệu các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là giới đầu tư nước ngoài, có thể câu kết nhau lũng đoạn nền kinh tế quốc gia hay không?

Bài toán này sau đó đã có lời giải đáp hữu hiệu: dù thuộc thành phần kinh tế nào các doanh nghiệp cũng đều mang tư cách pháp nhân Việt Nam, và được thành lập và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam.

Các điều kiện để được cấp phép và nghĩa vụ nộp thuế là hai trụ cột điều tiết sự tham gia của giới đầu tư tư nhân vào những thành phần khác nhau của nền kinh tế. Điều này hoàn toàn có thể ứng dụng vào lĩnh vực chính trị.

Có thể nói mẫu số chung của hơn 80 triệu đồng bào trong và ngoài Đảng Cộng sản là: thứ nhất, mọi người Việt Nam đều có cùng nguyện vọng chấn hưng Tổ quốc chung của tất cả, không phân biệt đảng phái, tín ngưỡng, thành phần và giới tính; thứ hai, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là mục tiêu tối hậu của mọi chính sách kinh tế, chính trị và xã hội trong tương lai.

Từ mẫu số chung đó, vấn đề còn lại sẽ là đảng nào có thể giới thiệu được người tài để lèo lái con thuyền đất nước. Sự cạnh tranh giữa các đảng phái đương nhiên phải công bằng và trong khuôn khổ luật pháp.

Tất nhiên, lịch sử sẽ sòng phẳng với công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Mô hình chính trị đa nguyên tương lai nên bảo đảm rằng người do Đảng Cộng sản giới thiệu sẽ chiếm một tỷ lệ chi phối nhất định tại quốc hội và các cơ quan công quyền.

Điều này cũng giống như khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ cổ phần chi phối dành cho cổ đông là nhà nước luôn được duy trì. Ngoài ra, việc điều tiết nền chính trị đa nguyên phải bảo đảm rằng các “bộ sức mạnh” như bộ quốc phòng, bộ công an, bộ tư pháp, các lực lượng vũ trang … vẫn thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản do công lao bất hủ của Đảng này trong công cuộc tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc và do sứ mệnh của Đảng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Những bộ ngành liên quan đến kinh tế, thương mại, tài chính, giao thông … nên mở rộng cửa để các nhà kỹ trị có tài kinh bang tế thế giúp dân giúp nước.

Mô hình mới của nền chính trị đa nguyên như vậy chắc chắn sẽ tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vào cuộc tranh đua thành cường quốc kinh tế trong khu vực, chữa được quốc nạn tham nhũng và rửa được quốc nhục nghèo hèn.

Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục vai trò lịch sử của mình một cách tâm phục khẩu phục từ phía nhân dân và bạn bè quốc tế. Kẻ đối nghịch sẽ mất đi lý do để chỉ trích.

Kết luận: chuyện xứ Campuchia

Thay cho lời kết luận, tôi xin kể một mẩu đối thoại giữa tôi và anh bạn đồng nghiệp người Campuchia khi tôi có dịp sang Phnom Penh làm việc năm ngoái.

Trong lúc chuyện trò, được biết anh bạn này và một người bạn của anh ta đều là thành viên Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia của Thủ tướng Hun Sen - cả hai là luật sư gốc Campuchia, cùng tốt nghiệp luật khoa tại Mỹ và đang giữ những chức vụ quan trọng trong Chính phủ Hoàng gia Cambodge, một người hiện là Thứ trưởng Bộ thương mại - tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì hai người “Campuchia kiều” tại Mỹ này lẽ ra phải là đảng viên Funcipech của Hoàng thái tử Ranaridth.

Người đồng nghiệp của tôi giải thích rằng Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia là một đảng được tổ chức tốt và tập hợp nhiều nhân tài nên phần lớn trí thức Campuchia đều lựa chọn đảng này để tham gia xây dựng đất nước. Lời giải thích này khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về một lẽ đời đơn giản như vậy …

-------------------------------

Bài học Miến Điện
(Lê Công Định - BBC ngày 1/10/2007)

Sự kiện quân đội Miến Điện sử dụng vũ lực đàn áp những cuộc tuần hành hòa bình dẫn đầu bởi các vị sư dũng cảm một lần nữa minh chứng hùng hồn tính xác thực của lý thuyết bạo lực cách mạng của Lenin, người thầy vĩ đại của Cách mạng Nga 1917.
Lenin nhận định rằng giai cấp thống trị ở mọi thời đại không dễ dàng chấp nhận từ bỏ quyền lực, dù họ đang ở thế yếu chăng nữa, trừ phi quần chúng dùng bạo lực cách mạng thách thức và lật đổ địa vị thống trị ấy.

Lenin cũng xác định rằng chính quyền là mục tiêu của mọi cuộc cách mạng và chỉ bằng cách giành chính quyền, thành quả cách mạng mới được bảo đảm. Gần 100 năm trôi qua, lý thuyết đó vẫn là bài học lớn về cách mạng và vận động quần chúng làm cách mạng.

Quyền lực chính trị thường gắn liền với lợi ích kinh tế. Chỉ nhờ vào quyền lực, giai cấp thống trị mới có thể khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia theo ý riêng của mình. Dù đóng vai trò chính trong quy trình tạo lập của cải xã hội, đại đa số quần chúng bị trị vẫn không thể can dự vào công việc hoạch định chuyện quốc kế dân sinh và phân chia lợi tức thu được từ hoạt động sản xuất chung của toàn bộ nền kinh tế.

Số đông người làm công nghèo khổ vẫn vật vã với đời sống khó khăn chồng chất trong khi giới cầm quyền và đám con ông cháu cha thì sống xa hoa và hưởng thụ. Từ phân tích thực trạng xã hội như vậy của nước Nga và tranh thủ sự bất mãn tột cùng của người dân Nga nghèo khổ, Lenin đã nhanh chóng tập hợp được lực lượng cách mạng và tiến hành thành công cuộc Cách mạng 1917 lừng danh.

Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ ở Bắc Âu vào thời ấy. Giới vua chúa của những nước này đã chấp nhận chia sẻ quyền lực và tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội khác nhau cùng tham chính thông qua hiến pháp dân chủ và quốc hội đa thành phần. Mọi giới, không phân biệt quý tộc, địa chủ, tư sản hay thợ thuyền, thông qua các đảng phái khác nhau, đều có cơ hội đóng góp ngang bằng cho quốc gia, mà không cần dùng đến bạo lực cách mạng, vì chính quyền là của chung.

Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ tất phải đến
Tất nhiên, chia sẻ quyền lực luôn là quyết định đau đớn của giai cấp thống trị, vì ở Bắc Âu vương quyền đã tồn tại hàng trăm năm, không thể chuyển giao trong phút chốc dù họ là những bậc minh quân cấp tiến chăng nữa. Đã có những cuộc tranh luận nảy lửa và thương lượng sóng gió, nhưng cuối cùng tư tuởng dân chủ của thời đại vẫn chiến thắng. Các chế độ quân chủ độc đoán nhờ vậy đã chuyển mình nhẹ nhàng sang thể chế dân chủ pháp trị, ít khốc liệt và ít trả giá hơn nếu so với nước Nga và thậm chí một số nước Tây Âu đương thời.

Bài học về chia sẻ quyền lực ấy đã được nhiều nước học hỏi, đặc biệt sau Đệ nhị thế chiến.

Nhật Bản là một ví dụ về sự thành công của việc chuyển đổi từ thể chế chính trị chuyên chế sang dân chủ. Tầm vóc và tầm nhìn của giới lãnh đạo Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn được lưu truyền và ca tụng đến tận ngày nay vì chính họ đã anh minh quyết định chia sẻ quyền lực kịp thời, giúp tạo mọi nguồn lực đưa nước Nhật đến địa vị siêu cường kinh tế từ hơn 5 thập kỷ qua.

Tiếc thay chính quyền độc đoán ở Miến Điện đã không còn đủ sáng suốt để nhận biết và học hỏi kinh nghiệm chuyển giao quyền lực trong hòa bình đáng quý nói trên ở Bắc Âu và Nhật Bản mà lại chọn giải pháp đàn áp bằng bạo lực thường thấy ở những thể chế độc đoán. Tất nhiên người dân Miến Điện rồi đây cũng sẽ được sống trong tự do dân chủ, song cái giá mà dân tộc Miến Điện phải trả sẽ khó lường và e rằng không nhỏ.

Bạo lực chỉ chuốc lấy oán hận. Oán hận chồng chất sẽ tạo nên những cơn địa chấn cách mạng không lường truớc, có thể làm sụp đổ bất kỳ vương triều nào, dù thoạt trông có vẻ vững chắc nhất. Dẫu người dân Miến Điện vừa vuột mất thêm một cơ hội lịch sử để tạo lập nền dân chủ vĩnh cửu cho mình, song ngày chiến thắng cuối cùng của họ và những người yêu chuộng tự do dân chủ trên toàn thế giới tất phải đến vì dân chủ là nhịp thở của thời đại, là mạch đập của hàng triệu trái tim nhân loại và, quan trọng hơn, đó là lòng dân. Vấn đề chỉ còn là thời gian …

-------------------------------

Bàn về 'Chính danh' trong thể chế pháp trị
(Lê Công Định - BBC ngày 4/7/2006)

Không cần phải chờ đến kết quả “bầu cử” vào ngày 26 và 27 tháng 6/2006 vừa qua tại Quốc hội, ngay từ lúc bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ đảm nhận những chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.

Dư luận không hề ngạc nhiên khi biết các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng lần lượt được “tấn phong”vào những vị trí then chốt đó. Điều đáng tiếc là không một ứng cử viên nào khác xuất hiện để tranh cử và hòa thêm vào dàn đồng ca dân chủ tại diễn đàn nghị viện mặc dù đã có nhiều ý kiến đề nghị như vậy.

Trước khi Quốc hội bỏ phiếu chọn Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng thậm chí còn thừa nhận đã dành phần lớn thời gian trước đó cho công việc nghiên cứu lý luận và “chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội”, và để trấn an các đại biểu của dân, ông cam kết sẽ có “quyết tâm cao và phương pháp đúng” để làm tròn trọng trách của người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao.

Đối với hoạt động nghị viện dân chủ trên thế giới, điều này quả nhiên lạ lùng, bởi lẽ Chủ tịch Quốc hội là một chức vụ chính trị, rất nhiều người muốn “tranh dành”, các ứng viên phải vận động tranh cử và tìm cách chứng minh mình có nhiều kinh nghiệm nghị trường và, quan trọng hơn, có đủ khả năng điều hành một quốc hội đa thành phần đại diện nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội. Họ không thể là người “khiêm tốn”, tự thừa nhận mình thiếu kinh nghiệm và không cần vận động gì cả, mà vẫn được … “bầu” với tỷ lệ đa số hầu như tuyệt đối.

Dân chúng choáng váng khi nghe các bộ trưởng biện minh cho yếu kém bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng.
Ở khía cạnh khác, trong những phiên họp chất vấn bộ trưởng trước diễn đàn Quốc hội vừa qua, dân chúng một phen choáng váng khi nghe các bộ trưởng, sau khi trả lời quanh co một số vấn đề mà đại biểu của dân cần được giải đáp thỏa đáng, đã biện minh cho sự yếu kém trong quá trình thực thi chức trách của mình bằng cách viện dẫn các quyết định của Đảng, thay vì nêu ra cơ sở pháp lý thuyết phục.

Rõ ràng họ, và không chỉ có họ, luôn cố tình quên rằng luật pháp và lợi ích dân tộc là điều duy nhất cần phải được thượng tôn. Thiếu vắng tinh thần thượng tôn luật pháp và mất đi sự tín nhiệm của cộng đồng dân tộc, thì dù có cầu viện đến bất kỳ khiêng mũ che chắn nào chăng nữa và dẫu có tại vị lâu đến đâu chăng nữa, người dân vẫn không tâm phục và nhìn nhận những chức phận kiểu như vậy.

Thể chế hiện hành

Cơ chế bầu cử nhiều tầng trước các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó những đại biểu “ẩn danh” (tại Đại hội X con số này là 1.176) mặc nhiên “đại diện” quốc dân chọn ra các nguyên thủ quốc gia, là một thực tế lịch sử, dù muốn hay không, từ nhiều năm nay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Khoan bàn đến ưu điểm và nhược điểm của một cơ chế bầu cử như vậy. Trước hết hãy nhìn khía cạnh “chính danh” của quy trình lựa chọn các thành viên trong bộ máy lãnh đạo quốc gia hiện nay. Đối với một thể chế nhà nước pháp trị, sự “chính danh” gắn liền với tính hợp hiến, nghĩa là việc bầu cử nguyên thủ quốc gia để quốc dân “chọn mặt gửi vàng” phải được minh định trong Hiến pháp, chứ không từ bất kỳ văn kiện chính trị nào khác.

Theo Hiến pháp Việt Nam, Điều 84.7, Quốc hội - vốn do toàn dân bầu ra - có quyền “bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”.

Trên thực tế, có thể nói thẳng, ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt gần đây, khi dư luận gây áp lực buộc Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình từ chức, thậm chí còn đề nghị cách chức ông này, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã “tiết lộ” rằng việc cách chức hoặc miễn nhiệm một bộ trưởng thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chứ không phải của Thủ tướng.

Ai cũng biết Quốc hội chỉ “hợp thức hóa” kết quả lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng.
Tất nhiên, Hiến pháp hiện hành không cho phép Thủ tướng cách chức một bộ trưởng, nhưng cũng không trao thẩm quyền đó cho Ban Bí thư. Theo Điều 84.7 nêu trên, chỉ Quốc hội có quyền phê chuẩn việc cách chức bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng. Như vậy, tuy thực quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức bộ trưởng thuộc về Ban Bí thư, song thẩm quyền này không “chính danh” vì không được hiến định.

Rộng hơn, không chỉ riêng việc bổ nhiệm, miễn nhiệm hay cách chức này, mà toàn bộ quy trình thông qua quyết định cũng như đề cử cán bộ cho hoạt động nhà nước trong và ngoài các kỳ Đại hội Đảng, cũng đều không chính danh như vậy.

Việc điều hành hệ thống quản lý nhà nước với cơ chế thông qua những quyết sách quan trọng và bầu chọn nguyên thủ quốc gia, mà trên thực tế do một đảng chính trị quyết định, dù là đảng cầm quyền, một lần nữa cho thấy Đảng, chứ không phải nhà nước, đang cai trị quốc gia. Thể chế chính trị như vậy, trong ngành chính trị học, được định danh là “đảng trị”, chứ không phải “pháp trị”.

Tiến đến thể chế pháp trị thực sự

Trong xu thế dân chủ hóa hoạt động của Đảng và xã hội sau Đại hội X, cần phải từ bỏ thể chế “đảng trị” nói trên để chuyển sang thể chế “pháp trị”, đặt đảng cầm quyền và mọi hoạt động của đảng này dưới sự giám sát minh bạch của luật pháp.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay tại Việt Nam. Vai trò lãnh đạo này đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động của Đảng, vốn ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và vận mệnh dân tộc, lại không được luật pháp chi phối cụ thể và do vậy khiếm khuyết tính chất chính danh như đã nêu trên. Danh không chính thì ngôn không thuận.

Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng rất nhiều người đã không tâm phục khẩu phục khi bị buộc phải mặc nhiên trao quyền “đại diện” cho 1.176 đại biểu tham gia Đại hội X - mà họ không được biết danh tính - thay mặt họ thông qua các quyết sách quan trọng, trong đó có việc lựa chọn nguyên thủ quốc gia. Hiến pháp không thể mặc nhiên bị các văn kiện của Đảng “qua mặt” và Quốc hội không thể bị những quyết định của Đảng đặt trước “việc đã rồi” trên thực tế.

Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của thiểu số 3 triệu người.
Đối với một nhà nước pháp trị, mọi hoạt động liên quan đến quốc gia đều phải minh bạch. Chuyện của một đảng cầm quyền không chỉ là chuyện riêng của đảng ấy, và chuyện của 83 triệu dân không chỉ là chuyện riêng của một nhóm thiểu số 3 triệu người, thậm chí 1.176 người.

Để củng cố vị trí lãnh đạo của mình trong hiện tại, thay vì phải cầu viện đến lập luận thiếu thuyết phục về sự “lựa chọn của lịch sử” trong quá khứ, cần phải chính danh hóa mọi hoạt động của Đảng Cộng sản bằng luật pháp, đồng thời trao cho người dân thực quyền thách thức năng lực của những ứng viên do Đảng giới thiệu, thậm chí đề cử những ứng viên ngoài Đảng tham gia hoạt động nghị trường và điều hành quốc gia.

Nói cách khác, phải chuyển từ thể chế đảng trị sang pháp trị để đạt được “ngôn thuận” trong nhân dân.

-------------------------------

Đọc sử để nhìn nhận hôm nay
(Lê Công Định - BBC ngày 2/5/2009)

Từ khi bắt đầu vào đại học lúc 17 tuổi đến nay, tôi vẫn giữ thói quen đều đặn hàng năm dành khoảng hơn một tháng đọc sách vở và tài liệu viết về đề tài Việt Nam, quá khứ cũng như hiện tại, chủ yếu nhằm giúp trao dồi vốn kiến thức hạn hẹp của tôi về lịch sử nước nhà.

Tôi thường chọn thời gian làm công việc nhẹ nhàng, nhưng đầy hào hứng này vào độ trung tuần tháng 3 đến cuối tháng 4 mỗi năm. Đó cũng là khoảng thời gian của một năm thường gợi nhớ trong tôi nhiều biến cố vui buồn lẫn lộn, vừa hào hùng nhưng cũng vừa bi thương, của dân tộc.

'Vai trò Tây Nguyên'

Năm nay, trong số những sách vở và tài liệu tôi đọc có một quyển sách đặc biệt mà năm 18 tuổi tôi đã có dịp xem qua, đó là tập hồi ký "Bên dòng Lịch Sử, 1940-1965" của Linh mục Cao Văn Luận, nguyên Viện trưởng Đại học Huế và Giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn. Hơn 20 năm trước tôi đọc quyển sách mang tính chất sử liệu này chủ yếu với ý định tìm hiểu các diễn biến lịch sử, mà vì nhiều lý do khác nhau thầy cô "dạy sử" của tôi ở trường trung học và cả những nhà "nghiên cứu" sử học sau 1975 tránh đề cập đến hoặc cố tình diễn giải sai lệch.

Tuần vừa rồi có dịp mượn lại "Bên Dòng Lịch Sử" từ người bạn lớn tuổi để tra cứu một số chi tiết cần cho công việc nghiên cứu cá nhân, tôi xem lại tập sử liệu một cách say mê, bởi lẽ lần đọc này mang đến cho tôi tâm trạng khác trước, gần như là khám phá mới lạ. Quả thật Linh mục Cao Văn Luận có nhiều cơ hội tiếp xúc và đối thoại với các nhân vật lịch sử khác nhau của Việt Nam ở hai bên chiến tuyến trong giai đoạn từ 1940 đến 1965, nhờ vậy thiên hồi ký của ông đã dẫn dắt người đọc đi qua các biến cố lịch sử trọng đại của đất nước một cách sinh động và lôi cuốn.

Trong phần kể về cuộc gặp gỡ và trò chuyện lần đầu tiên với cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vào nửa đầu năm 1948 tại Đà Lạt, mà Linh mục Cao Văn Luận gọi là "câu chuyện bên lò sưởi năm 1948" (xem từ trang 165 đến 171 của bản in năm 1972), ông có nhắc đến một chi tiết lý thú trong nội dung câu chuyện mà tôi nghĩ ít nhiều liên quan đến một sự việc nghiêm trọng gần đây ở nước ta.

Khi được Linh mục Cao Văn Luận hỏi về chính sách của mình đối với Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954), ông Ngô Đình Diệm lúc ấy là nhà cách mạng khả kính tại Việt Nam, đã đề cập đến vấn đề Tây Nguyên như sau: "... ít người để ý là người Pháp lập ra Hoàng Triều Cương Thổ, để biến tất cả vùng cao nguyên Trung và Nam Phần thành đất thuộc địa trực tiếp của Pháp." Linh mục Cao Văn Luận không khỏi ngạc nhiên vì Cụ Ngô Đình Diệm dường như xem Tây nguyên là chuyện hệ trọng đối với chủ quyền quốc gia, mà khi ấy dù chưa cầm quyền ông vẫn trăn trở về vận mệnh đất nước trước ý đồ của thực dân Pháp.

Linh mục Cao Văn Luận tường thuật tiếp:

"Ông Diệm trầm ngâm một lúc. Tôi vẫn im lặng. Những lời ông nói ra nửa như suy tư, nửa như phân trần với tôi:

- Vùng Cao Nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt Miên Lào. Ai chiếm giữ được Cao Nguyên này có thể gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người Pháp gọi vùng Cao Nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình trên thực tế, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng Cao Nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ quyền quốc gia nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên lại phải xin thông hành!

"Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam."

Ngô Đình Diệm, theo lời kể của LM Cao Văn Luận
Tôi (tức là Linh mục Cao Văn Luận) chợt nhớ đến một cuốn sách khảo luận về địa dư Đông Pháp (tức là Đông Dương thuộc Pháp), không nhớ rõ tác giả, và tôi đem những ý kiến được nêu lên trong tập sách này trình bày lại với cụ Diệm:

- Cụ nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách viết đại ý rằng Pháp muốn ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía tây, muốn để dân tộc Việt Nam dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng Cao Nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam, vừa canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng Triều Cương Thổ, đặt trực thuộc Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó rồi."

Tiếp theo, tại trang 194 và 195, Linh mục Cao Văn Luận kể rằng vào năm 1953 khi ông gặp cụ Ngô Đình Diệm lần thứ hai ở Paris, cụ Diệm một lần nữa nhắc lại vấn đề Hoàng Triều Cương Thổ với nhiều ưu tư và lo lắng hơn, khiến mọi người có mặt lúc ấy đều tỏ ý trách cứ cựu hoàng Bảo Đại mải mê ăn chơi mà không lưu tâm đến bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã vậy còn trao hết cho người Pháp toàn quyền khai thác Tây nguyên.

Sử học trung thực

Đọc sử giúp người đời nay có được cơ hội "ôn cố tri tân", học hỏi điều hay lẽ phải của đời trước để làm điều hữu ích cho dân tộc.
Đọc xong những đoạn đối thoại quan trọng này trong "Bên Dòng Lịch Sử", tôi hạ quyển sách xuống với tâm trạng bàng hoàng. Chuyện của hơn 60 năm trước đây thật chẳng khác lắm so với vấn nạn của ngày hôm nay. Có điều những nhân vật lịch sử ngày ấy, như cụ Ngô Đình Diệm chẳng hạn, xem chừng rất quan tâm đến lợi ích, chủ quyền và thể diện của quốc gia. Họ trăn trở về điều này và xem Tây Nguyên thực sự là vấn đề ưu tiên trong chính sách của các chính quyền miền Nam thời bấy giờ, nhất là giữa bối cảnh có nhiều kẻ mang dã tâm xâm lược Việt Nam dù công khai hay ẩn ý.

Thật đáng trân trọng biết bao cách viết sử trung thực, tất nhiên theo nhãn quan và hiểu biết tối đa của tác giả, trong đó lối diễn đạt và sử dụng ngôn ngữ chừng mực, thể hiện sự tôn trọng dành cho mọi nhân vật của một thời đã qua, đặc biệt với cả những người không cùng chính kiến với mình. Chính vì vậy, đọc các công trình khảo cứu của giới học giả ở miền Nam trước đây, nhất là trong lĩnh vực sử học mà tôi yêu thích, kẻ hậu sinh ở lứa tuổi tôi thường cảm thấy an tâm và có thể đặt phần lớn niềm tin vào những thông tin và kiến thức mà mình tiếp nhận. Bởi lẽ ít ra các tác giả đó không có gì phải lo sợ khi muốn viết sự thật và trình bày nhận định thật của mình.

Cái hay của sử học trung thực là giúp người đời sau hiểu được các diễn biến lịch sử trong quá khứ, bác bỏ lối đánh giá sai lệch với dụng ý bôi nhọ những nhân vật lịch sử ở bên kia chiến tuyến. Song điều quan trọng hơn cả, đọc sử giúp người đời nay có được cơ hội "ôn cố tri tân", học hỏi điều hay lẽ phải của đời trước để làm điều hữu ích cho dân tộc hầu lưu tiếng thơm muôn đời.

Tất nhiên, không chỉ có gương tốt, lịch sử còn đặc biệt răn dạy người đời sau bằng cả gương xấu. Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay, không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật "thân bại danh liệt" như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết 30 năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Bất giác tôi cầu mong điều đó đừng xảy ra...

-------------------------------

(Luật sư Lê Công Định trong ngày bị bắt khẩn cấp 13/6/2009)
Vai trò xây dựng án lệ của toà án (Bản tin Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Số 8, ngày 26/7/2003)
Trích: “Hệ thống tòa án Việt Nam hiện tại được tổ chức và vận hành thuần túy như một thành phần của bộ máy công quyền hơn là cơ quan tư pháp với vai trò duy trì công lý trong một cộng đồng có nhiều quyền lợi đa dạng. Tuy hành xử quyền tài phán, một trong ba quyền nền tảng của hệ thống quyền lực quốc gia, tòa án lại hoạt động như một cơ quan hành pháp, và các thẩm phán cũng chỉ đơn thuần là những công chức mẫn cán của bộ máy công quyền đó.”
Tính minh bạch trong hoạt động của toà án (Đặc san Nghề Luật, Trường Đào tạo các Chức danh Tư pháp, Số 7 năm 2004)
Trích: “Thách thức lớn nhất của thời-đại-WTO là Chính phủ có đủ dũng khí thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm tự nâng mình và nâng cả dân tộc lên một tầm cao mới hay không. Hơn bao giờ hết, chúng ta thật sự cần những nhà kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Không có họ, khó có thể có được một chính quyền chuyên nghiệp, quản trị quốc gia một cách khoa học. Trở ngại ở đây là lề lối lựa chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo các cơ quan công quyền.”
Một thế hệ dấn thân - Tặng các bạn thanh niên tham gia hai cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 và 16/12/2007 tại Hà Nội và Sài Gòn Gửi ông Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (22/12/2007)
Tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa của Đoàn Luật sư TP HCM (Ls Lê Công Định là người chấp bút) 05/1/2008
Trích: “Ông (Võ Văn Kiệt) ý thức được bộ mặt lem luốc của đất nước ra sao trước cộng đồng quốc tế khi các cơ quan tư pháp vẫn còn là công cụ do Đảng và bộ máy công quyền chi phối, đó là chưa nói đến tham nhũng đã khiến công lý trở thành điều xa xỉ đối với người dân thấp cổ bé họng. Ông hiểu rõ và muốn thoát khỏi lối mòn tiếp cận vấn đề vừa đơn giản, lạc hậu, vừa bế tắc của các bộ ngành và viện nghiên cứu do nhà nước kiểm soát.
Trích: “Gần đây những cuộc đột nhập văn phòng luật sư để tịch thu tài liệu và máy tính hoặc khám xét hành lý của các luật sư tại phi trường ở Việt Nam đã dấy lên mối quan ngại về sự công khai xâm phạm bí mật nghề nghiệp luật sư, một trong những chuẩn mực văn minh mà bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới cũng tôn trọng.”
Trích: “Trong lần đọc lại sử sách nước nhà năm nay, không hiểu vì sao tôi lại quan tâm nhiều đến các nhân vật “thân bại danh liệt” như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Hoàng Cao Khải, rồi tự hỏi không biết 30 năm nữa, nếu còn sống, tôi sẽ biết thêm những cái tên nào tương tự như vậy trong lịch sử hiện đại của dân tộc. Bất giác tôi cầu mong điều đó đừng xảy ra…”
_____________
Khai dân trí
Đại sứ Hoa Kỳ Michael Marine đã có buổi nói chuyện ngắn, nhưng lý thú, vào chiều ngày 20/9/2006 tại Sài Gòn về quan hệ Việt-Mỹ. Ông đã có một số nhận xét đáng chú ý về nạn tham nhũng nghiêm trọng và sự thiếu minh bạch của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Sau bài phát biểu là phần hỏi đáp theo thông lệ. Thính giả hôm ấy, ngoài báo giới, phần đông là giới trí thức ở những lĩnh vực khác nhau, một số có tên tuổi trong xã hội.
Người thông thái không đến từ câu trả lời mà từ câu hỏi. Nghe nội dung và cách hỏi người ta có thể nhận biết được người hỏi ở thang bậc nào của chỉ số trí tuệ, và thậm chí, văn hóa. Tất cả những câu hỏi hôm ấy, đáng buồn thay, không thể hiện được tầm vóc của “trí tuệ Việt” mà thiên hạ đang cổ súy. Dù vậy, nhận định vui hay buồn về “trí tuệ Việt” không phải là chủ đề của bài viết này.
Buổi nói chuyện ngắn về đề tài ngoại giao của ông Đại sứ Mỹ chiều hôm ấy khiến người ta ưu tư về một đề tài khác không kém phần quan trọng, đó là giáo dục. Trong số những người đặt câu hỏi hôm ấy, đáng chú ý có một vị xưng danh là “chuyên gia kinh tế”. Vị này hỏi rằng Việt Nam nên theo đuổi chính sách phát triển kinh tế nào khi mà nền kinh tế tự do luôn mang đến nhiều bất ổn xã hội và rối loạn chính trị, với bằng chứng là ở Thái Lan ngày 19/9/2006 đã xảy ra đảo chính quân sự!
Thính giả hôm ấy quả thật kinh ngạc trước lối tư duy như vậy. Ai cũng biết cuộc chính biến vừa qua ở Thái Lan không những không mang đến bất ổn xã hội mà còn giúp giải quyết tình trạng rối loạn chính trị đang đi đến cực điểm do nạn tham nhũng bất trị của Chính phủ Thaksin Shinawatra gây ra, chứ không phải xuất phát từ chính sách kinh tế tự do của ông cựu Thủ tướng này. Mặt khác, trên thực tế, hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nhân quả nào giữa chính sách kinh tế tự do với đảo chính quân sự, bất ổn xã hội và rối loạn chính trị. Có thể kể ra nhiều bằng chứng hiển nhiên ngược lại với nhận định nông cạn ấy.
Rõ ràng những suy nghĩ kiểu như trên là điều thường thấy trong một nền giáo dục ít quan tâm đến việc trang bị cho cá nhân những kiến thức khả dụng và kỹ năng phân tích độc lập. Niềm tin của vị “chuyên gia” đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những “định đề”, đặc biệt trong lĩnh vực sử học, đã gắn chặt vào đầu óc các thế hệ sinh viên Việt Nam sau khi họ được nhào nắn khéo léo trong khuôn khổ nền giáo dục hiện tại. Ai cũng tưởng lời thuyết giảng trên giảng đường là chân lý bất biến, không cần chứng minh, kể cả những người hay hoài nghi và tin rằng mình khá tự chủ.
Nhìn vào hệ thống giáo dục từ trước đến nay có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc đề cao suy nghĩ cá nhân và phương pháp nghiên cứu độc lập hoàn toàn thiếu vắng tại các trường trung học và giảng đường đại học. Mục tiêu giáo dục chỉ nhằm nhồi nhét kiến thức đủ để đối tượng của nền giáo dục trở thành những chiếc đinh ốc chỉ biết nhảy múa theo nhịp điệu vận hành của cỗ máy nhà nước và xã hội đã được hoạch định sẵn chương trình hoạt động theo “cơ chế”.
Học sinh và sinh viên thì lười biếng tìm hiểu nguồn gốc và cơ sở của các kiến thức và thông tin được “mớm” cho mình, vì bậc cha chú và thầy cô không khuyến khích thói quen tranh luận, đối thoại, và thậm chí từ chối thừa nhận dấu ấn cá nhân trong nhân sinh quan. Giới nghiên cứu học thuật thì lờ đi hoặc ít quan tâm đến việc chú giải chi tiết nguồn gốc thông tin mà mình viện dẫn trong các công trình và luận án khoa học, vì có vẻ khắp nơi người ta mặc nhiên ăn cắp ý tưởng của người khác mà không cảm thấy ngần ngại hay xấu hổ.
Mặt khác, chưa bao giờ ở xã hội Việt Nam lại có nhiều tiến sĩ như vậy. Một thời dân chúng nhạo báng quan chức không được học hành tử tế, nhưng giờ đây, như để tránh ánh mắt miệt thị của dân chúng, vị quan to nào cũng rủng rỉnh một mảnh bằng tiến sĩ hoặc chí ít là thạc sĩ. Nạn mua bán bằng cấp do tâm lý chuộng nhãn hiệu trí tuệ bề ngoài hơn thực học báo hiệu thực trạng suy đồi không tránh khỏi của nền giáo dục cùng hệ lụy của nó là suy đồi đạo đức.
Cải cách giáo dục tại Việt Nam xem ra là một vấn đề nan giải, không chỉ đơn thuần được giải quyết bằng cách trả lương cao cho giới giáo chức hoặc tăng cường kiểm soát quy trình soạn thảo nội dung sách giáo khoa. Thật ra, tương lai hệ thống đào tạo nhân tài cho quốc gia tùy thuộc vào việc khi nào nhà nước chấm dứt sự can thiệp nghiệt ngã vào nội dung giảng dạy ở bậc trung học và đào tạo ở bậc đại học. Giáo dục là một lĩnh vực chuyên môn cần được dành quyền tự trị một cách tối đa. Chỉ người tiêu dùng, tức phụ huynh trả tiền cho con em đi học và chính người đi học, có quyền thẩm định chất lượng sản phẩm giáo dục của các cơ sở đào tạo. Không cần quá lo ngại tình trạng lừa đảo thường thấy trong hoạt động đào tạo vì luật pháp và xã hội đã có đủ những công cụ cần thiết để xử lý.
Dân trí chỉ có thể được “khai hóa” khi người dân được cung cấp kiến thức và thông tin đa chiều để tự mình thẩm định và tiếp nhận nội dung của kiến thức và thông tin ấy. Trường lớp, một công cụ của giáo dục, chỉ thủ giữ vai trò hướng dẫn và cung cấp phương pháp tư duy và phân tích cho đối tượng của nền giáo dục. Người dân, khi tranh luận, thậm chí thách thức, những kiến thức và thông tin sai lệch sẽ không gặp rắc rối về phương diện pháp lý với nhà cầm quyền, hay tối thiểu cũng nhận được sự bảo đảm và bảo vệ của luật pháp. Chỉ như vậy thì nền giáo dục mới hoàn thành được trọng trách “khai dân trí” của mình.
Nguồn: Địa chỉ gốc trên tạp chí Tia Sáng (nay không còn hoạt động): http://www.tiasang.com.vn/news?id=1039

Tiếp theo ""chị Ba"" Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những thành viên chủ chốt trong nhóm phản động, chống đối chế độ hoạt động trong nước đã bị bắt giữ ngày 24/5/2009 tại TP.HCM, vào hồi 11h10 ngày hôm qua (13/6), Cơ quan An ninh điều tra (Bộ CA) đã bắt, khám xét khẩn cấp đối với Lê Công Định (bí danh ""chị Tư""), theo điều 88 Bộ luật Hình sự do có các hành vi cấu kết với bọn cầm đầu phản động nước ngoài, hoạt động chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Vậy Lê Công Định là ai?
Ôm mộng "ứng cử viên tổng thống"
Sinh ngày 1/10/1968, tại TP.HCM, Định đã có con đường quan lộ hanh thông đến ai cũng phải mơ ước: năm 1989, tốt nghiệp ĐH Luật TP.HCM; từ năm 1990 - 1991 là chuyên viên Phòng Công chứng số 1 TP.HCM; từ 1991 - 1993 là nhân viên Văn phòng Đoàn luật sư TP.HCM... Năm 2000, sau khi học thạc sỹ luật học tại Mỹ, Định đã làm việc tại nhiều văn phòng luật sư danh tiếng và năm 2009 Định thành lập Công ty Luật TNHH một thành viên Lê Công Định, trụ sở 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Được Nhà nước nuôi ăn học tới nơi tới chốn, nhưng Định sớm có tư tưởng chống đối chế độ. Từ năm 2005, Lê Công Định móc nối với Nguyễn Sỹ Bình (bí danh ""chị Hai""), là đối tượng cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ""đảng Nhân dân hành động"" tại Mỹ và ""đảng Dân chủ Việt Nam"" để bàn thảo kế hoạch hoạt động, tìm cách lôi kéo, hình thành tổ chức phản động trong nước. Định cũng là thành viên chủ chốt trong nhóm đối tượng chống đối do Bình chỉ đạo, hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ Cộng sản tại Việt Nam bằng phương thức lập ra các tổ chức chính trị đối lập như ""đảng Lao động"", ""đảng Xã hội"" nhằm tập hợp lực lượng để gây rối loạn lớn ở trong nước.
Là luật sư, Định đã được phân công phụ trách cải cách hành chính, ủng hộ luật pháp cho các tổ chức chính trị, phối hợp phát triển tổ chức ở trong nước và liên hệ với tổ chức phản động ""Việt Tân"" và nhóm hành động (được gọi là ""nhóm nghiên cứu Chấn"" do Trần Huỳnh Duy Thức - bí danh ""chị Ba"" trực tiếp chỉ đạo tại TP.HCM). Từ năm 2005 đến nay, Lê Công Định có vai trò tham mưu đường hướng hoạt động cho số đối tượng chống đối ở trong nước, như Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội; Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung ở TP.HCM; tham mưu góp ý xây dựng cương lĩnh của tổ chức ""Tập hợp thanh niên dân chủ"", một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ và châu Âu.

Ảnh minh họa
Lê Công Định bị bắt tại nhà riêng
Ôm mộng sẽ trở thành ""ứng cử viên tổng thống"" của chính phủ mới sau khi lật đổ chế độ Cộng sản tại Việt nam, Lê Công Định đã nhiều lần sang Mỹ, Thái Lan gặp Nguyễn Sỹ Bình bàn bạc, đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời cơ ""ngàn năm có một"" mà Định cho là sẽ xảy ra vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Lê Công Định cũng tích cực tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm mang tựa đề ""Con đường Việt Nam"" và là người trực tiếp soạn thảo ""Tân Hiến pháp"", gồm 9 chương, 106 điều để chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay. <<<<<:::: ....="" i="" l="" r="" v="" y="">>>>>


Ngoài ra, Lê Công Định có quan hệ chặt chẽ với số đối tượng cầm đầu của các tổ chức phản động lưu vong, như Hà Đông Xuyến (nhóm ""Việt tân""), Phạm Nam Định (nhóm ""Họp mặt dân chủ""), Đoàn Viết Hoạt (nhóm ""Viễn tượng Việt Nam"", được các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong chấm, chọn đưa ra nước ngoài tham gia khóa huấn luyện về phương thức ""đấu tranh bất bạo động"".

""Diễn đàn"" tuyên truyền chống chế độ
Hồ sơ của Cơ quan An ninh điều tra cho thấy, từ 2005 đến nay, Lê Công Định đã trực tiếp biên soạn hàng chục đầu tài liệu đăng tải trên các đài, báo, trang web thù địch ở nước ngoài với nội dung công khai tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kêu gọi phải thay chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Thực hiện ý đồ của các phần tử thù địch ở trong và ngoài nước, lợi dụng việc bào chữa cho số đối tượng chống đối chế độ như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải, Lê Công Định đã thông qua các luận cứ bào chữa để thực hiện ý đồ biến các phiên tòa xét xử các bị cáo trên thành ""diễn đàn"" tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước XHCN Việt Nam, lên án chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền... Định còn lợi dụng các vấn đề nhạy cảm như Hoàng Sa, Trường Sa và tình hình triển khai dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên để kích động tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước; tham gia loạt tài liệu do Trần Huỳnh Duy Thức biên soạn có nội dung bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Căn cứ tài liệu của Lê Công Định do Trung tâm Điện toán - Truyền số liệu khu vực II cung cấp và quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan An ninh điều tra - CA TP.HCM, Sở VH-TT&DL TP.HCM đã có Kết luận giám định số 76/KLGĐTP, khẳng định: ""Tài liệu của Lê Công Định có những nội dung phản động, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; vi phạm các quy định tại khoản 1, 2, 4 điều 10 của Luật Xuất bản và Luật Báo chí"", đồng thời kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với các cơ quan báo chí chiều 13/6, lãnh đạo Tổng cục An ninh - Bộ CA cho biết, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng số lượt xem trang