Nông dân chúng tôi xin phản biện-- Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
LTS: Đọc phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong và Phó chủ tịch tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng trong bài viết Quanh câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo , bạn đọc Hoàng Kim (Đồng Tháp) có ý kiến không đồng tình và muốn được trao đổi lại.
LTS: Đọc phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong và Phó chủ tịch tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng trong bài viết Quanh câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo, bạn đọc Hoàng Kim (Đồng Tháp) có ý kiến không đồng tình và muốn được trao đổi lại.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn giới thiệu ý kiến của bạn đọc này:
Các ngày vừa qua, báo chí đã tập trung phản ảnh những bất hợp lý trong cách điều hành của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trong việc xuất khẩu gạo. Trong đó có hai vấn đề nổi bật là: công văn số 48/CV/HH ký ngày 20-2-2009 của VFA (được hiểu là ngừng xuất khẩu chủ yếu vì lý do an ninh lương thực), khiến doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo khi giá đang cao, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân. Và việc VFA phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo là vượt quá chức năng và không công bằng hợp lý.
Về việc giải thích ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, ông Phó cục trưởng Cục dự trữ quốc gia Dương Thành Trung khẳng định: “dự trữ gạo quốc gia (dự trữ lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực – tác giả chú thích) không ảnh hưởng nhiều đến giá và sản lượng lúa gạo xuất khẩu” (1)
Tôi giả sử, ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực là hợp lý, thì “an ninh lương thực không thể đặt lên vai nông dân”. Năm rồi ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, các chuyên gia dự tính nông dân thiệt hại khoảng 400 triệu đô la Mỹ.
Về việc VFA phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo không công bằng hợp lý thì VFA đã “xin trả quyền quản lý xuất khẩu gạo” (2) Và Chính phủ cũng đã chỉ đạo: “Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát cơ chế xuất khẩu gạo, làm rõ những mặt được, những hạn chế của cơ chế xuất khẩu gạo”. (3)
Qua những điều vừa nêu, tôi xin được trao đổi cùng ông Trương Thanh Phong và ông Huỳnh Thế Năng như sau:
1. Xin được trao đổi với ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA
Ông nói: “Thực tế việc điều hành xuất khẩu gạo hiện nay là do Chính phủ, hiệp hội chỉ là người thừa hành” (Quanh câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo - Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online). Thế nhưng khi các doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội có ý kiến giao việc phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho Bộ Công Thương, ông Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên lại không đồng ý với lý do: “theo quy định khi gia nhập WTO, cơ quan nhà nước không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp” (4). Vậy nông dân chúng tôi phải tin ai đây?
Chính phủ sắp xem việc xuất khẩu lúa gạo là kinh doanh có điều kiện. Trong đó việc trang bị kho chứa lúa và nhà máy rất quan trọng. Vậy theo ông có bao nhiêu doanh nghiệp trong VFA đảm bảo điều kiện kho bãi và nhà máy xay xát? Tổng công ty Lương thực miền Nam, nơi ông làm tổng giám đốc, đảm bảo được bao nhiêu phần trăm những điều kiện đã nêu? Nếu VFA không đảm bảo được thì làm sao áp dụng cho các doanh nghiệp khác?
Về thương hiệu gạo xuất khẩu, VFA phải tạo thương hiệu cho mình, nông dân chúng tôi dù sản xuất nhỏ lẻ nhưng sẽ tạo được vùng nguyên liệu cho VFA, trên nguyên tắc: “muốn cho nông dân trong một vùng trồng cùng một giống lúa thì điều kiện tiên quyết là giống lúa đó phải tăng thu nhập cho nông dân hơn các giống nông dân đang sử dụng”.
VFA xuất khẩu gạo, vậy hàng năm VFA xuất những chủng loại gạo gì? Số lượng ra sao? VFA phải cung cấp số liệu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biết để hướng dẫn cơ cấu giống lúa cho chúng tôi. Hiện nay nông dân chúng tôi chọn giống hên xui.
Năm nào VFA cũng bán gạo xuất khẩu 5% tấm cùng loại rẻ hơn gạo Thái Lan từ 50 -100 đô la Mỹ/tấn (năm nay rẻ hơn từ 100 – 200 đô la Mỹ/tấn). Nông dân chúng tôi muốn biết tại sao lại như vậy?
2. Kính thưa ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Việc phản ảnh đúng đắn, đúng mực, “tiếp cận” nhiều thành phần, nhiều góc độ, làm cho VFA thay đổi, làm cho Chính phủ phải chỉ đạo “rà soát lại”, thì tại sao “chúng ta không nên làm ầm ĩ vấn đề này”, như ông có ý kiến trong bài Quanh câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo? (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)
VFA được giao xuất khẩu gạo, lại ký công văn số 48/CV/HH ngừng xuất khẩu gạo với lý do không hợp lý, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, vậy dư luận lên tiếng theo tôi là đúng. Còn nếu công văn này VFA ký do lệnh của tổ điều hành xuất khẩu gạo, thì VFA phải lên tiếng cho công luận biết.
VFA bán lúa gạo của chúng tôi không hợp lý, gây hại cho nông dân chúng tôi trong nhiều năm, với thiệt hại quá lớn, thì nông dân chúng tôi có quyền yêu cầu tìm ra một cơ chế xuất khẩu gạo thích hợp hơn, trong đó VFA chỉ đơn thuần là doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Chứ tại sao nông dân chúng tôi lại “góp ý” rồi “năn nỉ” VFA làm tốt hơn?! Nếu ông thấy VFA đúng, xin ông nêu ra và chứng minh cụ thể. Xin đừng nói chung chung.
Đôi điều trao đổi cùng quý ông. Nếu có gì mạo phạm xin lượng thứ.
_____________________________________
(1) www.nld.com.vn ngày 10/6/2009, bài: “Oan cho gạo dự trữ quốc gia”
(2) Tienphong Online ngày 05/06/2009, bài “VFA xin trả quyền quản lý xuất khẩu gạo”
(3) Tuoitre Online Ngày 10/6/2009, bài : “Rà soát cơ chế xuất khẩu gạo”
(4) Vietnamnet Ngày 04/06/2009, bài: “Xuất khẩu gạo thua thiệt, lỗi ở điều hành”