Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

Tri Thức Mở: Hỏi và Đáp

Tri Thức Mở: Hỏi và Đáp


1. Tôn chỉ, mục đích của nhóm Tri Thức Mở là gì?


Tôn chỉ và mục đích của nhóm Tri Thức Mở, xin xem tại: Tri Thức Mở: Tôn chỉ, Mục đích và Cách thức làm việc.

2. Có cần thiết phải biên dịch (hay cứ để nguyên bản tiếng Anh)?


Có nhiều người đặt câu hỏi này với lý do:


-Những người cần tri thức này thì đều có thể đọc tiếng Anh, nên không cần biên dịch.

-Bản dịch e sẽ không chính xác so với nguyên bản.



Trả lời:


-Không phải tất cả những người cần tri thức này đều có thể đọc được nguyên bản tiếng Anh, nhất là sinh viên. Số người cần tri thức thì nhiều, nhưng số người giỏi tiếng Anh để để đọc tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh ở Việt Nam còn rất ít.

-Việc biên dịch, chuyển ngữ không thể đảm báo chính xác tuyệt đối, dù là với bất cứ ngôn ngữ nào. Nhưng giữa một bên là không-gì-cả và một bên là các khóa học được biên dịch cẩn thận để tất cả mọi người đều có thể sử dụng, chúng tôi chọn cái thứ hai. Qui trình trình biên dịch gồm ba bước: biên dịch, hiệu đính và lấy phản hồi sẽ đảm bảo cho việc biên dịch đạt độ chính xác cao nhất có thể.

3. Lợi ích của việc biên dịch các khóa học này là gì?
Việc biên dịch các khóa học của các trường Đại học hàng đầu thế giới như Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Oxford, v.v... sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, cả trước mắt cũng như dài hạn:
-Lợi ích trước mắt (1-10 năm): Sử dụng làm tài liệu học tập, tham khảo miễn phí cho sinh viên, giảng viên hay bất cứ ai có nhu cầu.
-Lợi ích trung hạn (10-20 năm): Tạo mẫu so sánh, đối chiếu chương trình giảng dạy bậc Đại học của Việt Nam với chương trình của các trường Đại học hàng đầu thế giới, góp phần nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy Đại học của Việt Nam.
-Lợi ích dài hạn (20-50 năm): Góp phần hoàn thiện hệ thống thuật ngữ, khái niệm khoa học tiếng Việt - nhất là với các ngành khoa học mới - và khung tư duy khoa học cho cộng đồng.
Hơn một trăm năm về trước, người Nhật đã tiên phong biên dịch những tác phẩm khoa học, triết học, văn học phương Tây ra tiếng Nhật, tạo nền tảng tri thức và tư duy khoa học, thúc đẩy nước Nhật phát triển. Qua đó thấy được lợi ích to lớn của việc biên dịch và tập hợp tri thức hiện đại cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
4. Những tài liệu nào cần biên dịch?
Tất cả những tài liệu thuộc về khóa học đó, như: giới thiệu khóa học, bài giảng, bài tập, audio/video nên được biên dịch đầy đủ. Tuy nhiên, việc này tùy thuộc vào khả năng của biên dịch viên và đặc trưng từng khóa cụ thể. Nếu nguồn lực bị giới hạn, chúng tôi ưu tiên biên dịch những phần quan trọng nhất như giới thiệu khóa học, bài giảng.
5. Việc biên dịch có vi phạm bản quyền không?
Việc biên dịch không vi phạm bản quyền vì các khóa học đều là Open Course Ware. Tuy nhiên, việc biên dịch và phổ biến tài liệu phải tuân theo qui định của Creative Commons Licensenhóm Tri Thức Mở.
6. Có giới hạn về ngôn ngữ hoặc nguồn tài liệu không?
Chúng tôi không giới hạn về ngôn ngữ của tài liệu. Còn nguồn tài liệu được lấy tại OpenCourseWare Consortium.
7. Ai có thể sử dụng các tài liệu này, có phải trả tiền không?
Bất cứ ai có nhu cầu đều có thể sử dụng các tài liệu này. Hoàn toàn miễn phí!
8. Nhóm có qui định, ràng buộc gì với các thành viên không?
Tri Thức Mở là một nhóm mở, không có ràng buộc gì với thành viên. Tham gia, làm việc và rút khỏi nhóm đều hoàn toàn tự nguyện.
-------------
Mô hình đại học LHQ... ở giai đoạn này đang miễn phí... nhưng khóa 2010 thì chưa chắc... nhanh chân xem sao...

Đại học mở LHQ
Mô hình đại học nào có thể giúp Việt Nam tăng tốc đào tạo chuyên gia? Mô hình nào thích nghi mà phẩm chất vẫn tốt? Hay là kết hợp giữa đại học mạng và đại học truyền thống? Hay chỉ đơn giản là đưa sinh viên du học? Đó là những câu hỏi cần được các nhà quyết định chính sách tại VN nghiên cứu.
Có một mô hình vừa xuất hiện toàn cầu trong tháng này: Liên Hiệp Quốc loan báo tổ chức một đại học trực tuyến, miễn phí. Bản tin nhan đề “UN Announces Launch of World’s First Tuition-Free, Online University” là một bản thông cáo báo chí do cơ quan LHQ phổ biến. Bản tin đề ngày 19-5-2009, và đăng trên báo Tân Tây Lan www.scoop.co.nz ngày Thứ Năm 21-5-2009. Tin nàỳ cũng đăng ở UPI, ABC News, và nhiều thông tấn khác. Đây có thể là một mô hình giáo dục rẻ tiền, mà các nhà quyết định chính sách tại VN cần nghiên cứu để bắt chước, mô phỏng, hoặc áp dụng một phần, hoặc kết hợp với mô hình giáó dục đại học truyền thống, hoặc có thể xin sử dụng các học trình và tài liệu giáo dục đã có sẵn của các đại học LHQ và tương tự. Bởi vì, không thể để kéo dài tình trạng sinh viên VN bỏ học ngang chỉ vì kẹt tiền học phí, và rồi như hiện nay, giáo dục đại học đã trở thành một đặc quyền của giai cấp cán bộ vì con em được hưởng chính sách ưu đãi giáo dục, hay của người có tiền vì gánh chịu nổi tiền học phí đại học, hay người ở các thành phố lớn vì con em đi học nhưng không phảỉ trả tiền phòng, tiền ăn… như các em vùng xa lên tỉnh học.
Tình hình cải tổ hệ giáo dục còn khẩn cấp hơn, vì học phí tại VN vẫn tăng liên tục. Bản tin VietnamNet ngày 21-5-2009, cho biết học phí đại học tăng lên 255.000 đồng/tháng trong năm 2009 – có nghĩa là cao hơn một chút 1/3 tiền lương tháng của một công nhân lương tối thiểu, và nếu cộng thêm tiền phòng, tiền ăn, tiền xăng, tiền mua sách giáo khoa thì kể như là thê thảm. Thế là, sẽ hoang phí biết bao nhiêu bộ óc của tuổi trẻ Việt Nam, khi các em phải nửa đường bỏ học.
Bản tin LHQ cho biết, cơ quan UN Global Alliance for Information and Communication Technology and Development (GAID, Liên Minh Toàn Cầu LHQ vì Phát Triển và Kỹ Thuật Viễn Thông và Thông Tin) đã thiết lập ngôi trường tân lập có tên University of the People (Đại Học Nhân Dân) để cung cấp học vấn đại học cho quần chúng.
Lễ công bố thành lập đại học này thực hiện trong buổi họp báo tại bản doanh LHQ ở New York. Shai Reshef, người sáng lập đại học này nói rằng đại học mở cửa cho hàng trăm triệu người có thể ngồi nhà tự học với chi phí tối thiểu, vì chỉ cần nối mạng Internet, còn sách giáo khoa thì cũng đưa lên mạng miễn phí, phương pháp dạy thực hiện là qua mạng, và hỗ trợ giáo dục bằng cách bạn học giúp nhau (peer-to-peer teaching).
Reshef nói là chỉ mới mở ra có 2 tuần lễ, mà không có quảng cáo ầm ĩ gì hết, Đại Học này của LHQ đã có khoảng 200 sinh viên từ 52 quốc gia ghi danh học – điều kiện căn bản ghi danh là phải có bằng trung học và trình độ Anh Ngữ vừa đủ. Địa chỉ đại học này là: http://www.uopeople.org.
Bản tin cho biết, sinh viên sẽ được đưa vào mỗi lớp 20 người, sau đó sinh viên có vào xem các bải giảng hàng tuần, thảo luận chủ đề học với các bạn cùng lớp, và làm bài thi đều qua mạng Internet.
Đại học mạng LHQ hiện có các giáo sư thiện nguyện, các sinh viên bậc hậu đại học và các sinh viên từ các lớp khác có thể giúp sinh viên giảỉ đáp thắc mắc, với cố vấn và tham khảo.
Lệ phí duy nhất tính tiền với sinh viên là tiền ghi danh 15 tới 50 Mỹ Kim, tùy theo nơi sinh viên cư ngụ, và lệ phí thực hiện cho mỗi kỳ thi là từ 10 tới 100 Mỹ Kim.
LHQ cho biết, để Đại Học này có thể tự tồn tại, sẽ cần tới 15,000 sinh viên và 6 triệu Mỹ Kim, trong đó ông Reshef hiến tặng 1 triệu đô từ tiền túi của ông.
Thực ra, chuyện học qua mạng không có gì mới lạ, vì hiện đã có 200 đại học Mỹ lên mạng, trong đó khoảng 100 trường vào chung mạng www.YouTube.com, một mạng mà bạn có thể vào tự học gần như đủ thứ, từ chuyện sửa chữa nhà cửa, cho tới học hát, học vẽ, học ảo thuật, và vân vân. Tuy nhiên, Đại Học LHQ với chương trình nghiêm túc như thế hẳn nhiên là sau những cuộc nghiên cứu, và được hỗ trợ từ nhiều học giả toàn cầu. Văn bằng của trường này, tất nhiên có giá trị ở những nơi cơ quan này có mặt hoặc có hoạt động. Như thế, đây cũng là mô hình mà VN cần nghiên cứu.
Có một suy nghĩ nữa, trong trường hợp Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN từ chối mở đại học mạng, vì sợ không kiểm soát nổi lý lịch những người muốn học cao, hay vì bất kỳ lý do gì khác, thiết tưởng các vị trí thức ở quê nhà nên mở ra một đại học Internet tư thục.
Hiện nay, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hàng trăm trí thức đã ký tên vào bản Kiến Nghị xin ngăn cản dự án bauxite Tây Nguyên, bây giờ có thể thấy rằng hoàn toàn không có thể nào ngăn nổi dự án này. Có ký thêm 10 bản kiến nghị nữa cũng vô ích. Chính ở giây phút này, các vị trí thức nên chọn kế hoạch đầu tư lâu dài, một hướng đi của cụ Phan Châu Trinh: lấy giáo dục làm phương tiện cứu nguy đất nước.
Mở trường đại học kiểu truyền thống thì chắc chắn là Đảng CSVN sẽ cấm, vì họ không muốn ai cạnh tranh cả. Thế nên, giải pháp Đại Học Internet không chỉ thích nghi cho Bộ Giáo Dục đang muốn tiết kiệm, mà còn thích hợp cho các vị trí thức muốn tìm một phương tiện chuyển biến hòa bình cho đất nước.
Đại học Internet của LHQ là một mô hình nghiêm túc, rất cần được nghiên cứu để áp dụng theo hoàn cảnh thích nghi ở VN.
Trần Khải

Tổng số lượt xem trang