Thứ Hai, 6 tháng 7, 2009

Độc giả phản biện “Tổng thu nhập một tháng của nông dân”

Độc giả phản biện “Tổng thu nhập một tháng của nông dân”
06/07/2009 17:23 (GMT + 7)
"Tôi thật sự choáng váng khi đọc “Bức thứ hai: “Tổng thu nhập một tháng của người nông dân” đăng trên Vietnamnet ngày 28/6/2009 của tác giả Nguyễn Quang Thiều; choáng váng về cách tư duy, cách thu thập số liệu và cách tính toán tổng thu nhập một tháng... của tác giả" - một độc giả đã viết như vậy.

Sau khi đăng tải "6 bức thư của đứa con gửi những người nông dân" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, TuanVietNam/VietNamNet đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả.

Để tôn trọng tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam xin đăng tải một số bài viết quanh câu chuyện này.

Mời đọc nội dung "6 bức thư của đứa con gửi những người nông dân":

Thư của đứa con những người nông dân
Bức thứ hai: “Tổng thu nhập một tháng của người nông dân”
Bức thư thứ ba: Số phận những người đàn bà thôn quê
Bức thư thứ tư: Sự lựa chọn kinh hoàng
Bức thư thứ năm: Vẫn chỉ là xóa nạn mù chữ (?)
Bức thư thứ sáu: “Chúng tôi đang mất làng”

Trước hết, tôi có thể khẳng định rằng, tác giả thiếu nhất quán giữa việc sử dụng các thuật ngữ “doanh thu”, “thu nhập”, “tổng thu nhập”, “thực thu” của hộ gia đình.

Niên giám thống kê (2007) đã ghi rõ: “Thu nhập của hộ gia đình là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật mà hộ và các thành viên của hộ nhận được trong một thời gian nhất định, bao gồm: (1) Thu từ tiền công, tiền lương; (2) Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (3) Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất); (4) Thu khác được tính và thu nhập (không tính tiền rút tiết kiệm, bán tμi sản, vay thuần tuý, thu nợ và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được)”.

Như vậy, tổng thu nhập một tháng một khẩu của hộ gia đình sẽ bằng tổng thu nhập một năm của hộ gia đình chia cho số khẩu của hộ gia đình và chia cho 12 tháng. Xin hỏi ông Nguyễn Quang Thiều, ông có khẳng định được các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp chỉ có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, mà không có bất cứ khoản thu nào khác không? Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình nông dân có phải chỉ thu thập và tính toán đơn giản từ sản lượng lúa, ngô trên ruộng canh tác của hộ gia đình nông dân không? Chẳng hạn, thu từ chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm, thu từ trồng rau, chuối... tại vườn của hộ gia đình. Có bao nhiêu hộ gia đình nông dân chỉ có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp như ông quan sát và tính toán?

Ảnh minh họa: agro.vn

Thứ hai, với số liệu ông đã đưa ra trong bài báo, tôi kiểm tra phép nhân của ông và thấy rằng ông đã tính sai, thấp hơn gần 40% so với phép nhân đúng. Cụ thể: Tính doanh thu từ sản lượng lúa của một khẩu bằng (=) 1,2 sào ruộng nhân với 2 vụ lúa/năm, nhân với 2 tạ thóc/một sào, nhân với 250000 đồng/tạ, kết quả là 1200000 đồng (1,2 * 2 * 2 * 250000 = 1200000), chứ không phải 1000000 đồng như ông đã tính.

Cũng vẫn theo thông tin ông đưa ra là doanh thu từ sản lượng ngô sen giữa 2 vụ lúa của “1,2 sào lúc này tính ra tiền xấp xỉ lúa”, thì tổng doanh thu của một người nông dân trong một năm từ lúa và hoa mầu trên mảnh ruộng của họ sẽ là 1800000 đồng chứ không phải là 1300000 đồng như ông đã tính.

Như vậy, trong một năm ông đã “ỉm gọn” 500000 đồng (1800000 – 1300000) của một người nông dân rồi đấy (mới chỉ tính theo mức giá lúa thấp nhất do ông đưa ra). Ngay chỉ một phép tính nhân đơn thuần ông cũng làm sai, thử hỏi những thông tin khác ông đưa ra trong bài báo của mình có thể tin được không? Trong bài báo, ông khẳng định “nếu có sai số thì cũng chỉ rất nhỏ, khoảng 5%”, nhưng riêng việc tính toán ông đã sai khoảng 40%.

Nhà báo tự khảo sát số liệu và tính toán tỉ mỉ như ông là tốt, nhưng cần phải đảm bảo khách quan, khoa học, thực tế và quan trọng là phải có trách nhiệm với độc giả, nếu không, sẽ bị gán cho cụm từ “Nhà báo nói láo” đã được lan truyền trong dân gian.

Thứ ba, tôi thật sự kinh ngạc là nhà báo như ông mà chưa tiếp cận với số liệu thống kê, nhất là Niên giám thống kê (nếu đã tiếp cận Niên giám thống kê, ông sẽ hành xử khác). Niên giám thống kê được xuất bản hàng năm (in thành sách và đưa lên internet, địa chỉ: http://www.gso.gov.vn), trình bày các số liệu về kinh tế, xã hội, trong đó, có số liệu về thu nhập bình quân đầu người một tháng theo 5 nhóm thu nhập, khu vực thành thị, nông thôn và theo vùng...

Số liệu được trình bày ở Bảng 1, Bảng 2 dưới đây chỉ là ví dụ cụ thể về các số liệu trong Niên giám thống kê năm 2007. Bảng 1 cho thấy, thu nhập bình quân 1 người một tháng ở khu vực nông thôn năm 1999 đã là 225000 đồng, tăng liên tục qua các năm và đến năm 2006 đã tăng lên 506000 đồng (tăng 124,9% so với năm 1999). 172000 đồng (Bảng 2) là thu nhập bình quân 1 người/tháng ở nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm 1) và 1122000 đồng là thu nhập bình quân 1 người/tháng của nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm 5) ở khu vực nông thôn trong năm 2006. Thử hỏi con số 40000 đồng là tổng thu nhập của 1 người/tháng do ông khảo sát có đáng tin cậy không.

Bảng 1: Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá thực tế phân theo thành thị, nông thôn và theo vùng




Đơn vị tính Nghìn đồng


1999 2002 2004 2006






CẢ NƯỚC 295 356 484 636
Phân theo thành thị, nông thôn




Thành thị 517 622 815 1058

Nông thôn 225 275 378 506
Phân theo vùng




Đồng bằng sông Hồng 280 353 488 653

Đông Bắc 210 269 380 511

Tây Bắc
197 266 373

Bắc Trung Bộ 212 235 317 418

Duyên hải Nam Trung Bộ 253 306 415 551

Tây Nguyên 345 244 390 522

Đông Nam Bộ 528 620 833 1065

Đồng bằng sông Cửu Long 342 371 471 628

Nguồn: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=8029

Bảng 2: Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng năm 2006 theo giá thực tế phân theo 5 nhóm thu nhập

Đơn vị tính: Nghìn đồng


Chung Theo nhóm thu nhập (*)

Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 4 Nhóm 5
CẢ NƯỚC 636 184 319 459 679 1542
- Thành thị 1058 304 575 808 1116 2488
- Nông thôn 506 172 287 394 552 1122

(*) Nhóm 1 là nhóm có thu thập thấp nhất, nhóm 5 là nhóm có thu nhập cao nhất

Nguồn: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=8029

Khi ông biết được các số liệu tôi vừa đề cập ở trên, chắc ông sẽ hỏi: Các số liệu về thu nhập bình quân 1 người được trình bày trong Niên giám thống kê được khảo sát như thế nào? Xin thưa, đó chỉ là một phần thông tin thu thập được từ cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê tiến hành theo chu kỳ 2 năm khảo sát một lần. Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình cũng được biên soạn thành ấn phẩm riêng và cũng đưa lên trang web của Tổng cục Thống kê (địa chỉ truy cập: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=8182).

Cuộc khảo sát mức sống (KSMS) năm 2006 được triển khai trên phạm vi cả nước với quy mô mẫu 45.945 hộ (36.756 hộ điều tra thu nhập, 9.189 hộ điều tra thu nhập và chi tiêu) ở 3.063 xã/phường, đại diện cho cả nước, 8 vùng, khu vực thμnh thị, nông thôn và tỉnh/thành phố. Cuộc Khảo sát được tổ chức thu thập thông tin theo 2 kỳ trong năm 2006 và bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp của điều tra viên đối với chủ hộ và đối với cán bộ chủ chốt xã, phường.

Cuộc KSMS hộ gia đình nói trên đã được các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm thẩm định mẫu, phương pháp khảo sát cũng như kết quả xử lý, tổng hợp. Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình cũng đã được sử dụng khá rộng rãi trong và ngoài nước.

Thứ tư, ông đưa ra lý do “vì bài báo không thể dài hơn”, nên ông “không thể kê khai những gì mà những người nông dân phải chi tiêu một cách cụ thể hàng ngày”. Quả thật, tôi, và có lẽ nhiều bạn đọc khác không thể chấp nhận được lý do này đối với bài báo chưa đầy 3 trang, lại đăng trên báo điện tử, thử hỏi lý do ông đưa ra có chính đáng không. Ông không dám đưa ra những số liệu chi tiêu hàng ngày của những người nông dân mà ông khảo sát được, vì số tiền chi tiêu này sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số tổng thu nhập là 40000 đồng ông khảo sát được. Nếu ông đưa ra số chi tiêu, chắc chắn ông sẽ không lý giải được tại sao tổng thu nhập chỉ có 40000 đồng, nhưng chi tiêu của người nông dân lại lớn hơn nhiều tổng thu nhập của họ.

Tôi tin chắc ông đã làm phép so sánh giữa tổng thu nhập với chi tiêu của người nông dân mà ông đã khảo sát được, nhưng ông không đưa ra số liệu so sánh này với một lý do hết sức ấu trĩ, không thể tin được. Sự trung thực của ông cũng có thể đo được qua việc bao biện “vì bài báo không thể dài hơn”, trong khi bài báo chưa đầy 3 trang.

Cuối cùng, tôi sẽ đề cập đến “phân cấp giàu nghèo là vấn đề đương nhiên của mọi xã hội phát triển” như ông đã khẳng định, nhưng ông cho rằng đã “quên lãng những vùng nông thôn” là hoàn toàn thiếu căn cứ. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp xoá đói, giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ nghèo chung của nước ta đã giảm liên tục và giảm mạnh qua các năm (Bảng 3). Năm 1998, tỷ lệ nghèo chung của cả nước là 37,4%, đến năm 2006, tỷ lệ này chỉ còn 16,0%, năm 2008 chỉ còn 13,5%, kết quả này đã được thế giới ghi nhận, nhưng ông thì không. Tại sao?

Bảng 3: Tỷ lệ nghèo[1] chung phân theo vùng

Đơn vị tính: %


1998 2002 2004 2006 2007 2008(*)
Cả nước 37,4 28,9 19,5 16,0 14,8 13,5
- Đồng bằng sông Hồng 29,3 22,4 12,1 8,8 9,5 8,4
- Đông Bắc 62,0 38,4 29,4 25,0 26,5 25,9
- Tây Bắc 73,4 68,0 58,6 49,0 21,4 19,8
- Bắc Trung Bộ 48,1 43,9 31,9 29,1 23 21
- Duyên hải Nam Trung Bộ 34,5 25,2 19,0 12,6 3 2,3
- Tây Nguyên 52,4 51,8 33,1 28,6 12,4 11,1
- Đông Nam Bộ 12,2 10,6 5,4 5,8 9,5 8,4
- Đồng bằng sông Cửu Long 36,9 23,4 19,5 10,3 26,5 25,9
(*) số liệu sơ bộ





Nguồn: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=435&idmid=3

Chỉ tính riêng các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với 61 huyện nghèo nhất nước, chúng ta có thể tìm thấy (trong vòng 0,34 giây) trên Internet[2] đã cho 167.000 kết quả liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về 61 huyện nghèo nói trên. Một vài chính sách dẫn ra dưới đây chỉ là ví dụ cụ thể cho kết quả tìm kiếm nói trên.

Ảnh minh họa: gsm.vn

Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về xúc tiến thương mại đối với 61 huyện nghèo; Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/04/2009 về phê duyệt đề án Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020; Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Quyết định 70/2009/QĐ-TTg về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo... Chúng ta truy cập Trang tin điện tử của Uỷ ban Dân tộc (http://cema.gov.vn), cũng tiếp cận được “Nhóm: Chính sách dành cho 61 huyện nghèo nhất nước”.

Ấn phẩm Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2006 (tôi đã giới thiệu ở trên) đã viết rất rõ “Trong năm 2006 có 90% số hộ nghèo theo diện bình chọn của địa phương được hưởng lợi từ dự án/chính sách thuộc Chương trình 135 hoặc Chương trình 143, trong đó các vùng nghèo như Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ đều đạt trên 90%.

Ba chính sách có tỷ lệ hộ nghèo được hưởng lợi cao nhất là miễn giảm chi phí/khám chữa bệnh cho người nghèo (81%), miễn giảm học phí cho người nghèo (50%) và tín dụng ưu đãi với người nghèo (40%). Chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo được hưởng lợi đạt mức cao nhất cả nước và cách xa các vùng khác (Tây Bắc 41% và Đông Bắc 34%). Hai vùng có tỷ lệ hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách giúp đỡ nhà ở, đất ở cao nhất là Tây Bắc (17%) và Đồng bằng sông Cửu Long (16%). Đối với chính sách nước sạch cho người nghèo Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo được hưởng lợi cao nhất (27%) trong khi các vùng còn lại tỷ lệ này trong khoảng 2-13%.

Có 85% số hộ tự đánh giá cuộc sống của gia đình năm 2006 được cải thiện hơn so với 5 năm trước, 10% như cũ và 5% giảm sút, trong đó tỷ lệ hộ tự đánh giá có cuộc sống được cải thiện ở nông thôn cao hơn thành thị, các vùng nghèo cao hơn các vùng khác. Một trong những nguyên nhân cuộc sống như cũ hoặc giảm sút chủ yếu là do hộ có người ốm, đặc biệt là ở nông thôn”.

Như vậy, hàng loạt các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất nước nói riêng và tỷ lệ nghèo giảm mạnh và giảm liên tục qua các năm. 90% hộ nghèo được hưởng lợi từ các chính sách, dự án và 85% số hộ tự đánh giá cuộc sống được cải thiện hơn so với 5 năm trước... như đã dẫn ở trên, thế mà ông lại viết “nói thẳng ra chúng ta đã từng bỏ rơi họ”. Tôi thực sự bị sốc với nhận định thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn của nhà báo Nguyễn Quang Thiều.

Tôi cũng là người được sinh ra và lớn lên (từ 1960 đến 1977) ở một xã thuần nông (Quỳng Phụ, Thái Bình). Trong thời gian sống ở quê, tôi đã từng làm tất cả những việc người nông dân ở đó đã làm, từ việc vớt bèo, nấu cám, cầy bừa ruộng, tát nước, gánh phân, cấy, gặt, đập, trục lúa cho đến xay lúa, giã gạo, chăn trâu, cắt cỏ... nên tôi rất thấu hiểu sự nghèo, khổ của người nông dân. Mỗi khi có dịp về quê, tôi thực sự ngạc nhiên với sự thay đổi của quê nhà.

Đến nay, nhiều hộ đã có nhà cửa khang trang, có ti vi, xe máy, một số hộ có tủ lạnh, bếp ga, nhiều nông dân đã có điện thoại di động. Song, quê tôi cũng có hộ nghèo, những hộ nghèo cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể các cấp, nhưng nếu lấy tổng thu nhập bình quân tháng của người nông dân quê tôi để nói chung cho tất cả nông dân là không khoa học.

Đành rằng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 vẫn còn ở mức 13,5%, chưa đạt mục tiêu đề ra (12%), nhưng không thể phủ nhận tất cả những thành quả giảm nghèo mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong suốt thời gian qua. Giảm nghèo vẫn là chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiều năm tới của Đảng và Nhà nước ta, chứ không phải “bị bỏ rơi” như nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã than.

  • Đoàn Dũng
[1] Tỷ lệ hộ nghèo được tính theo thu nhập bình quân 1 người 1 tháng với chuẩn mới của Chính phủ giai đoạn 2006-2010, trong đó thành thị 260 nghìn đồng; nông thôn 200 nghìn đồng.

[2] Gõ cụm từ “chính sách, 61 huyện nghèo” trở thanh cụng cụ tìm kiếm của trang web: http://www.google.com.vn


<<<:::: hay là ở phản hồi của bạn đọc >>>

Họ và tên: Sinh vien
Địa chỉ:
Email: bajamin@yahoo.com

Tôi thấy nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết phù hợp với quê tôi. Thực sự đời thu nhập của nông dân là rất thấp (nếu ko muốn nói là cực kỳ thấp). Thu nhập là sản lượng lúa chứ làm gì có thu nhập khác. Nuôi lợn hay trồng chuối thực ra không đáng kể. Nuôi lợn là lấy công làm lãi, lấy phân bón mà thôi. Trồng cây ăn quả chỉ ăn trong nhà, không đáng tiền. Người nông dân mới chỉ đỡ vất vả hơn chứ thực ra vẫn kém xa so với thành thị.

Họ và tên: đỗ văn quân
Địa chỉ: Hà Nội
Email: quanxhh@yahoo.com

E rằng bài viết của tác giả Đoàn Dũng đang tô màu hồng quá. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật. Cuộc sống của người nông dân Viêt Nam đang ở đâu. Nên so sánh với những nước có điều kiện tương tự như VN xêm nông dân của họ đã thực sự đổi đời thế nào. Hãy so sánh giữa sự đóng góp và sự thụ hưởng lợi ích của họ. Hãy làm cái gì đó để giúp người nông dân, dù chỉ là lòng can đảm nói lên một cách trung thực cuộc sống của họ.

Họ và tên: Lê Ngọc Minh Thư
Địa chỉ: Tokyo, Japan
Email: hutait2002@yahoo.com

Thưa ông Dũng,
Trước hết cá nhân tôi xin hoan nghênh thư phản hồi của ông về bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều (NGT) về thu nhập của người nông dân. Cá nhân tôi, 1 người cũng sinh ra và lớn lên ở 1 làng quê thuần nông, có vài trao đổi sau với bài phản biện của ông:
1. Tác giả NQT đã tương đối chính xác phản ánh thực trạng cuộc sống của người dân và thu nhập của họ
2. Tôi chỉ trích 1 lý luận của ông "Xin hỏi ông Nguyễn Quang Thiều, ông có khẳng định được các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp chỉ có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, mà không có bất cứ khoản thu nào khác không? Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình nông dân có phải chỉ thu thập và tính toán đơn giản từ sản lượng lúa, ngô trên ruộng canh tác của hộ gia đình nông dân không? Chẳng hạn, thu từ chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm, thu từ trồng rau, chuối... tại vườn của hộ gia đình. Có bao nhiêu hộ gia đình nông dân chỉ có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp như ông quan sát và tính toán?
Xin thưa với ông rằng, những hộ dân có điều kiện làm thêm ở phạm vi t rang trại để có thể cải thiện đáng kể thu nhập thì có lẽ chỉ chiếm 0.1 %. Còn thu nhâp từ chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ thì có lẽ chỉ đủ trả tiền điện và mua quần áo mới ngay khai giảng năm học cho con. Xin ông hãy về sống với người nông dân để biết họ sống thế nào, và đừng nên đem niên giám thống kê ra để phản biện. Cái đó chỉ để cho sinh viên học vẹt viết luận văn.

Họ và tên: Phạm Quốc Long
Địa chỉ: Seoul
Email: pqlobg05@yahoo.com

Tôi không hiểu tác giả muốn nói điều gì qua bài viết này, phản pháo "cái nhìn phiến diện" của nhà báo Nguyễn Quang Thiều hay muốn chứng minh rằng người nông dân không cực khổ. Tôi nghĩ người viết bài này chưa bao giờ nếm trải hay chứng kiến một lần cuộc sống cơ cực của những người nông dân nghèo khổ. Những con số, những bảng thống kê thật nực cười và vô nghĩa. Với những con số vô tri vô giác đó, ngày nào báo đài cũng nói đất nước ta đang ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được cải thiện đâu biết rằng hố ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo đang bị đào sâu. Tôi đã sống quanh những người nông dân lam lũ nên tôi rất cám ơn nhà báo NQT đã viết những bài viết xúc động và sâu sắc như vậy. Có thể nhà báo đã tính sai đi mấy chục mấy trăm ngàn nhưng không thể vì thế mà bảo rằng cuộc sống của người nông dân được cải thiện như mong muốn.

Họ và tên: Nguyễn Văn Tiến
Địa chỉ: Vọng Nguyệt
Email: nguyenvantien0123@yahoo.com

Tôi cho rằng tác giả Nguyễn Quang Thiều đã có một loạt bài rất hay. Bài phản biện của Đoàn Dũng cũng là một bài hay giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống của chính chúng ta.
Cách tính của nhà báo Quang Thiều và cách tính của tổng cục thống kê có một điểm chung, đó là tính theo mẫu. Do đó số lượng người dân được điều tra càng lớn thì con số về thu nhập bình quân càng chính xác. Cá nhân một nhà báo thì không thể mở một cuốc điều tra lớn như tổng cục thống kê được. Chúng ta có thể coi con số 40 000 đồng/tháng như một tham khảo về mức thu nhập của những người nghèo nhất Việt Nam hiện nay. Đó là một sự thật, cho dù chúng ta không muốn cũng phải chấp nhận.
Vấn đề đặt là, những con số thống kê trong bài viết này chính xác và khách quan đến mức độ nào ? Điều đó phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là số lượng người đựoc hỏi . Thứ hai là tính khách quan của các con số, người được hỏi có nói chính xác không, cán bộ điều tra ghi chép ra sao.
Lấy 45.945 hộ để đại diện cho hơn 80 triệu dân thì có cho ra một con số tương đối chính xác không. Ở Pháp, nước mà tôi đang sống, tôi thấy rằng hợp đồng lao động của người dân được nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Vì thu nhập của từng người sẽ quyết định người đó có được hưởng trợ cấp xã hội hay không (ví dụ tiền thuê nhà) , nếu đựoc thì là bao nhiêu.. Tiền thuê nhà trẻ cho con cũng phụ thuộc vào mực thu nhập của bố mẹ. Những gia đình có thu nhập thấp thì phải trả ít hơn. Nếu hệ thống lương và thuế không đưọc quản lý tốt thì không thể thực hiện được điều này.
Đến bao giờ nước ta mới quản lý đưọc lương/thu nhập của người dân như các nước phát triển ? Điều này không những phục vụ tốt cho những cuộc điều tra thu nhập chính xác và khách quan mà còn tránh được tham nhũng vì lương bổng đã đưọc minh bạch hoá.
Người ta đâu phải đi gõ cửa từng nhà mà hỏi thu nhập của họ. Vừa không tế nhị, vừa khó có con số khách quan vì nhiều người không bao giờ khai thu nhập thật của mình, vừa bị bó hẹp trong một không gian mẫu (tức số lưọng người đưọc hỏi) hạn chế.

Họ và tên: Lê Hà
Địa chỉ: Tử Du, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Email:

Tôi cho rằng thu nhập một số gia đình nông thôn có nơi còn dưới 40.000 đ. Nhưng phổ biến thì khá hơn, chừng 50. 000- 70.000đ/tháng, không được nhiều như Niên giám. Tôi cũng cho rằng, nông thôn không bị bỏ rơi, nhưng không được quan tâm thoả đáng. Bây giờ chỉ thấy quan tâm đến người giàu thôi.Chẳng tin thì bật ti vi lên mà xem, toàn chuyện cho người nghèo, đố thấy bóng dáng dân quê đâu cả. Nông dân là đáng thương lắm, khốn khổ lắm, không bỏ rơi, nhưng ...quan tâm kiểu được chăng hay chớ.Theo tôi cần phải quay nhìn lại nông thôn một cách trung thực và tử tế. Như thế may ra mới có cái Niên Giám có thể tin được.


Tổng số lượt xem trang