Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Không thể và có thể


Không thể và có thể

(TuanVietNam)- Không thể giải quyết ngay vấn đề lao động TQ ở VN, không thể không ra khơi đánh cá, không thể để xe buýt mang quảng cáo chạy nhong nhong trên đường… Nhưng lại có thể thuyết phục những ông chồng vũ phu chấm dứt tệ đánh vợ sau vài tiếng trò chuyện. Phát ngôn & Hành động ấn tượng tuần này xin liệt kê một vài cái “không thể và có thể” như thế.



“Chưa thể giải quyết lao động chui người nước ngoài”

Theo thống kê từ Tổng cục 3, Bộ Công an, hiện có 35.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Tây Nguyên. Đây có lẽ là con số gần thực tế hơn cả, sau những con số “không đáng kể” về lao động phổ thông người Trung Quốc ở Việt Nam được nêu ra bởi chính quyền cách đây vài tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ảnh Vietnamnet

Trước thực tế này, Bộ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Chưa thể giải quyết lao động phổ thông người nước ngoài trong nước ngày một ngày hai”. (VietNamNet, 30/7)

Lý giải sự khó khăn, bà cho hay: “Chúng tôi phải làm việc với các doanh nghiệp có sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài, giải thích cho họ biết về pháp luật Việt Nam, để họ thấy mình chưa đủ điều kiện lao động ở Việt Nam nên không được cấp giấy phép”.

Cách trả lời của Bộ trưởng nghe sao cứ kỳ kỳ. Lao động phổ thông nước ngoài (tức là công dân ngoại quốc bình thường, không đến mức được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao), vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam, thì cần mạnh tay xử lý theo luật pháp Việt Nam.

Ở trường hợp tương tự, để bảo vệ thị trường nhân công nội địa, nhiều nước trên thế giới hoàn toàn có thể trục xuất ngay tức khắc lao động chui người nước ngoài, mà không phải "làm việc” và “giải thích” nhiều. (Lao động Việt Nam cứ thử ở chui trên đất nước lạ, bị cảnh sát bắt, xem có được nghe giải thích vài ngày về chính sách và pháp luật nước sở tại không?) Không hiểu có gì phức tạp khiến bộ trưởng cứ phải... tế nhị như vậy?

Phải thận trọng khi phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách

Thứ trưởng Nguyễn Quân

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/9/2009, các tổ chức khoa học - công nghệ do cá nhân thành lập sẽ hoạt động trong các lĩnh vực do Thủ tướng quy định.

Một nhà khoa học kiêm Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, TS Nguyễn Quân, cho rằng quyết định này cho thấy “Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do nghiên cứu của mọi tổ chức và cá nhân, quyền dân chủ của công dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chính sách”. (VietNamNet, 3/8)

Tuy vậy, ông Quân cũng nêu rõ chủ trương cần quán triệt, rằng trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển. Do vậy, việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng”.

Vì lẽ đó, Điều 2 của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg cũng quy định: Cá nhân nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền” để được nghiên cứu, thẩm định và tiếp thu, tuy nhiên “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”.

Nhưng liệu các tổ chức, khi không được công khai ý kiến phản biện, có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng phải có cơ chế rõ ràng khi tiếp nhận và hồi âm các ý kiến đó, để tránh tình trạng "nước đổ lá khoai", "bặt vô âm tín" như nhiều trước hợp từng diễn ra từ trước đến nay?

Vẫn ra khơi

Mặc dù Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam, tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở cảng Sa Kỳ vẫn tấp nập ra khơi. Nhiều ngư dân giải thích: “Thì cha ông mình vẫn đánh bắt ở vùng biển đó mà... ”. (Tuổi Trẻ, 4/8)

Vẫn biết cư dân phải ra biển bất chấp những rủi ro, hiểm họa, vì họ không còn đường sống nào khác. Tuy nhiên, cần có chính sách, khuyến nghị rõ ràng với ngư dân, để mặc người dân nghĩ hồn nhiên “trước thế nào, giờ cứ thế” đều không phải là tư duy sáng suốt.

Bởi lẽ, đúng là chúng ta đang ở thời kỳ phức tạp, khi vô số biến động quốc tế xảy ra khiến số phận của các ngư dân và ngành hải sản Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào đường lối ngoại giao cương quyết và mềm dẻo của Nhà nước, chứ không thể cứ đơn thuần nhắm mắt làm theo “truyền thống”, “thói quen” cũ.

Nếu chính quyền không cảnh báo người dân mà cứ để mặc họ “hồn nhiên” như vậy, khi bị “tàu lạ” bắt và phạt vạ, thì ngư dân vẫn là bên phải chịu thiệt thòi lớn nhất.

“Cả nước chẳng nơi nào cấm quảng cáo trên xe buýt như TP.HCM”

Ông Đỗ Kim Dũng

Bà Ninh Thị Thu Hương - Trưởng phòng Quản lý Quảng cáo (Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở) - bức xúc trước quy định “cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải” của UBND TP.HCM, có hiệu lực từ giữa tháng 6 vừa qua. (Tuổi Trẻ, 5/8)

Bà Hương khẳng định: “Quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng là điều mà cả thế giới làm từ lâu rồi. Quản lý có khó không ư? Không khó chút nào: đã có quy định cấm quảng cáo mặt tiền và sau xe, tỷ lệ thích hợp là không được quá 50%, không ảnh hưởng tầm nhìn, không vi phạm an toàn giao thông, không mất mỹ quan, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục”.

Có thể hiểu được nỗi bức xúc của bà Thu Hương cũng như của các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo trên phương tiện giao thông. Thường cơ quan quản lý ở ta có tư duy “không quản được thì cấm”, “khó thì cấm luôn”... cho tiện. Nhưng đằng này, quảng cáo trên xe buýt rõ ràng là vừa làm sinh động cảnh quan đô thị, vừa đem lại doanh thu cho địa phương, mà lại bị cấm thì không hiểu là lẽ làm sao. Chẳng nhẽ để cho oai?

Còn nếu viện lý do “để đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông”, thì ông Đỗ Kim Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam VN – đã đặt câu hỏi khá hữu lý:Vậy nhiều năm qua ta cấm thì an toàn giao thông và mỹ quan đô thị có tốt hơn không?”

Bà Hương là người soạn thảo văn bản phản đối của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trước quy định của TP.HCM. Tuy nhiên, tính cho đến ngày 5/8 khi báo Tuổi Trẻ đưa bài phản ánh về vụ “cấm quảng cáo trên xe buýt”, Bộ vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND TP.

Tuy nhiên, dầu sao đi nữa, chúng ta cũng có thể hy vọng vào một thực tế hay xảy ra ở Việt Nam: Sau vế “không quản được thì cấm” thì sẽ đến vế tiếp sau - “không cấm được thì... thôi”.

Chưa có lệnh, chưa thông báo người nhiễm cúm A/H1N1

Báo Dân trí ngày 5/8 cho biết, có 3 bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 ở chung cư Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) nhưng BQL chung cư không hề hay biết. Cơ quan chức năng lại kiên quyết không cung cấp thông tin vì sợ báo chí gây… hoang mang dư luận.

Ông Nguyễn Nhật Cảm - cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hà Nội - cho biết “đã phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm cúm tại Hà Nội, nhưng Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố chỉ có trách nhiệm báo cáo với Cục Y tế dự phòng chứ không thể cho báo chí biết”, vì theo ông Cảm, báo chí chỉ làm hoang mang dư luận.

Thực ra có làm hoang mang dư luận hay không thì đó là vấn đề điều tiết liều lượng và nội dung đưa tin của báo chí chứ không phải việc mà một viên chức Nhà nước nên “bao đồng”. Ngoài ra, kiểu bưng bít thông tin như thời SARS này không còn thích hợp vào thời điểm hiện nay, khi báo chí đã “đánh hơi” thấy tin tức và người dân thì đang nóng lòng cập nhật thông tin về dịch cúm A/H1N1. Càng bưng bít, sẽ chỉ càng kích thích công luận tò mò thêm.

Điều trớ trêu ở đây là trong khi giới truyền thông hăng hái đưa tin từng giờ từng phút về số người nhiễm mới mỗi ngày - thậm chí có thể còn quá tỉ mỉ và nhiều khi không thật cần thiết – thì cán bộ y tế lại chủ trương ỉm đi để giữ yên dư luận. Hệt như đà điểu chui đầu vào cát để khỏi bị kẻ thù phát hiện!

Đối thoại với 130 ông chồng bạo lực

Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh.
Ảnh: Tiền Phong
Đó là hành động ấn tượng của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, người đã chủ trì buổi nói chuyện với 130 khách mời đặc biệt - là những ông chồng đã từng có hành vi bạo lực gia đình.

Theo Tiền Phong số ra ngày 5/8, buổi nói chuyện đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Các vị khách mời được cung cấp thông tin cơ bản về Luật Phòng chống bạo lực gia đình; được nghe phân tích vai trò của nam giới trong cuộc sống gia đình... Cuối cùng, cũng lại một hành động ấn tượng nữa khi buổi nói chuyện kết thúc, 130 ông chồng đã thực hiện ký cam kết không tái phạm bạo lực.

Quan niệm đặc thù kiểu Á Đông “dạy vợ”, “mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng”, “thương cho roi cho vọt” của giới mày râu cũng như tâm lý “xấu chàng hổ ai” từ phía phụ nữ khiến câu chuyện luôn bị làm cho nhẹ đi. Xã hội cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn bạo lực gia đình, cùng lắm thì tổ dân phố, hội phụ nữ đến hòa giải, khuyên nhủ, giáo dục...

Tóm lại, cuộc đối thoại trên quả là một sáng kiến hay, vì bạo lực gia đình tại Việt Nam xưa nay ít được đưa ra công luận “đấu tố” rầm rộ như thế.

Vấn đề bây giờ chỉ còn là ai sẽ để ý theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết của 130 đức ông chồng kia (và nếu cần thì đưa ra những “chế tài”)? Nếu không làm như vậy, e hiệu quả của sáng kiến đối thoại trên sẽ hạn chế và không kéo dài, hoặc nhiều người sẽ cho rằng đó chỉ là một hành động của Ban Tổ chức nhằm... gây sự chú ý?

Dùng phân bón giả bị phạt, “quả là oan uổng”

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa đưa ra dự thảo nghị định mới trình Chính phủ về xử phạt trong sản xuất kinh doanh phân bón, trong đó có điều khoản: nông dân sẽ bị xử phạt nếu dùng phân bón giả. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 5/8)

Thiện ý của Cục chắc hẳn là ngăn chặn tình trạng nông dân biết phân bón giả, kém chất lượng mà vẫn cố ý mua để dùng, ảnh hưởng xấu tới chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thiện ý bỏ sót vài điểm quan trọng:

1/ nếu bị phạt, nông dân vừa mất tiền vì mua phải hàng giả, vừa mất tiền vì thiệt hại hoa màu nông sản, vừa bị phạt, trong khi họ chỉ là người tiêu thụ sản phẩm phân bón giả; vậy còn “nhà sản xuất” thì sao không phải chịu trách nhiệm ?

2/ nếu nông dân không phân biệt nổi phân bón giả và phân bón thật, lỡ mua nhầm của giả thì sao? <<::: chuyện hàng giả là trách nhiệm của cơ quan chức năng không kiểm soát nổi chứ nhỉ >>>

Đứng trước bài toán hóc búa mà Cục Trồng trọt đặt ra, một nông dân ở thôn Hòa Bình, xã Yên Nghĩa, quận Hà Đông đành chỉ biết kêu oan: “Chăm sóc vườn cam cần nhiều phân bón. Mua phải phân bón giả đã khiến vườn cam điêu đứng cả năm ngoái mà vẫn chưa biết kêu ai, bây giờ nếu lại phải chịu phạt, quả là oan uổng”.

Tổng số lượt xem trang