Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà

Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà

TS Trần Hồng Lưu
An Ninh Thế Giới

Gần đây, khi đọc tờ ANTG thứ bảy, số 730, ra ngày 16/2/2008, của tác giả Hồng Hạc, về "Phát huy dân trí như thế nào?", tôi rất tâm đắc và muốn góp thêm một số ý tưởng nhằm cụ thể hóa hơn diện mạo dân trí nước ta và một vài giải pháp để chấn chỉnh diện mạo đó.

Trên các trang mạng như:chungta.com và gần đây trong chuyên mục Việt Nam lớn hay nhỏ của báo Thanh niên, người đọc được tham khảo nhiều phản giá trị trong tính cách của người Việt Nam, mà có người đã chỉ đích danh là “người Việt xấu xí”.

Một dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, với nhiều truyền thống quý giá đã giúp cho chúng ta giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng, không bị đồng hóa và ngày nay đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, lẽ nào lại chấp nhận để những phản giá trị đó bôi xấu dân tộc.

Cần tiếp tục nhận diện, vạch trần những cái chưa tốt, cổ vũ cái mới, cái tốt để đưa nước ta trở thành một nước văn minh, đem lại cái nhìn thiện cảm hơn trong mắt người nước ngoài. Có thể chỉ ra, những cái chưa hay trong tính cách người Việt, ở đây chỉ kể ra, một trong số đó là.

Thấy sai mà không ai nói, thấy chướng mà không ai sửa. Đây là hiện tượng có thể nói là khá phổ biến ở nước ta mà có nhiều người thấy nhưng rồi lại cứ điệp khúc "biết rồi khổ lắm, nói mãi", nói mãi, viết mãi, phản ánh mãi nhưng không ai sửa và cuối cùng là chủ nghĩa "makeno" (mặc kệ nó), mặc nhiên hình thành trong tâm thế của người dân. Ra đường không ít người "tè" bậy, vẽ bậy, người đi trái chiều, khi đi thì khạc nhổ vô tư, vừa đi vừa hút thuốc, vứt rác như vào chỗ không người. Một số người tốt nhắc nhở thì họ quay lại to tiếng gây sự thậm chí hành hung.

Thiếu văn hóa trong giao thông cũng là biểu hiện của dân trí thấp.

Từ đó tạo ra một bi kịch là “người tốt sợ người xấu”, chẳng hạn trong chỗ đông người, phức tạp như ga tàu, bến xe, nửa đêm về sáng, hay trên xe, trên tàu thấy kẻ xấu móc túi không dám nói, thấy nó làm điều càn rỡ nhưng không bị ngăn cản. Người can thiệp có khi bị coi là hâm, điên, không bình thường.

Lên xe buýt phải nhường chỗ cho người già, trẻ em và phụ nữ như là mệnh lệnh tuyệt đối của đạo đức - mà thời bao cấp đã từng thấy, thì ngày nay rất ít người trẻ tuổi thực hiện.

Ngày xưa, thời chiến tranh người đi bộ đội đảo ngũ sẽ bị dân làng dè bỉu, coi như kẻ hèn nhát, thì ngày nay ít ai nhắc nhở và rồi cũng... thường thôi, kệ nó. Rồi chuyện người khỏe mạnh giả vờ bệnh tật để đi ăn xin trốn tránh lao động, có người biết cũng làm ngơ vì đó là chuyện của... thế giới. Đó là những thói quen rất xấu, lâu dần trở thành chuyện của ai chứ không phải của người Việt Nam?

Dường như xã hội càng văn minh hơn thì con người càng sống khép mình, ít quan tâm tới nhau hơn và ít tình nghĩa hơn? Xã hội càng nhiều thông tin hơn càng hỗn loạn, nếu không có một bộ óc tỉnh táo biết thanh lọc những mớ thông tin đó thì có “nguy cơ con người sẽ chết khát tri thức trên một biển thông tin” như có nhà khoa học đã từng cảnh báo.

Ngày xưa, nếu địa phương nào có người ăn xin thì quan sở tại mất chức. Ngày xưa, người trẻ lên xe, tàu, thấy người già hay trẻ nhỏ mà không nhường chỗ thì bị người khác nhắc nhở. Ngày xưa, thấy người già, trẻ em đi qua đường thì người trẻ phải dắt qua đường, thấy người già mang nặng thì người trẻ nghiễm nhiên phải mang giúp như một mệnh lệnh của lương tâm.

Còn ngày nay... những việc làm đó chỉ có trong chuyện cổ tích, trong mơ. Thực ra, không phải thế, cái “ngày xưa” đó cũng mới đây thôi; cái trong mơ đó cũng đã là sự thật trên đất nước ta thời bao cấp và ngay trong phim ảnh nước ngoài và người ngoại quốc đến Việt Nam lên xe buýt họ vẫn biết nhường chỗ cho người yếu hơn, chứ không phải tìm đâu xa trong chuyện cổ tích.

Những giá trị đạo đức tạo ra văn minh của một nước nằm trong những thói quen hàng ngày của người dân và phải ăn sâu vào tâm thức của họ. Những giá trị đó tuy nhỏ nhưng thiết tưởng có giá trị phổ quát cho bất kỳ một người có văn hóa nào chứ không phải là sản phẩm của một dân tộc nào.

Đừng phủ nhận là xưa khác nay khác. Có những giá trị đạo đức tối thiểu có thể cần phải lưu giữ mãi cho mọi người không kể màu da, sắc tộc nào để chứng tỏ đó là người chứ không phải là động vật khác.

Vậy ngày xưa, chúng ta đã từng làm được thì tại sao ngày nay lại không? Hay những hành vi đạo đức, văn hóa đó đã cũ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Hay điều kiện vật chất ngày nay khác ngày xưa nên không thể làm được? Tất cả chỉ là ngụy biện. Đừng nên phủ nhận sạch trơn cái ngày xưa.

Cái gì cũ nhưng tốt thì vẫn cần phải giữ lại. Cái gì mới nhưng xấu thì phải tìm cách nhanh chóng loại bỏ. Một nền kinh tế thị trường, mọi cái đều có thể quy đổi ra tiền thì liệu có tốt không? Chúng ta có thể chấp nhận một xã hội không có kỷ cương, trật tự, phép nước không nghiêm? Một xã hội con đánh cha, cháu đánh ông, trò đánh thầy, cấp dưới đánh cấp trên?

Một xã hội mà mọi người đều lấy chủ nghĩa thực dụng làm lẽ sống, đồng tiền là mục đích tối cao, để có tiền có thể chà đạp lên lợi ích của người khác? Hay trên tivi, nhất là các chương trình của truyền hình cáp và số, rất nhiều quảng cáo mang màu sắc phản khoa học vẫn tồn tại như: “Xem năm sinh, xem tên của người ấy để đoán ra tương lai, vẫn tồn tại nhan nhản mà các cơ quan chức năng không có sự chấn chỉnh gì cả”.

Không thể lấy mục đích để biện minh cho phương tiện, nhân danh cái mới "giả dạng" để phủ nhận tất cả. Lòng nhân ái, sống có trách nhiệm với mọi người và sự công bằng là những phẩm chất không bao giờ cũ cần phải tiếp tục được lưu giữ, phát huy và trở thành thói quen trong tiềm thức của người dân.

Những giá trị tốt đẹp trong đạo đức: nhân - lễ - nghĩa - trí - tín của Nho giáo khi được chọn lọc vẫn cần được coi là giá trị văn hóa, tinh thần cần được phát huy.

Nhìn ra nước ngoài, gần thôi, chúng ta thấy những hành vi rất nhỏ nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Đi ra đường vứt rác hay nhổ bậy đều bị phạt chứ chưa nói là đi sai đường, trái chiều. Nên chăng những hành vi rất nhỏ này cần phải được chỉnh sửa ngay, kể cả đưa vào luật để mọi người dân làm quen và dần đi vào tiềm thức.

Đó là việc nên làm, tuy nhỏ nhưng nó lại đem lại giá trị văn hóa lớn, để khi nhìn vào người ta biết đó là người Việt Nam vẫn biết sống tình nghĩa, không ích kỷ, không xấu xí như có người nghĩ. Ví như việc đội mũ bảo hiểm ban đầu đưa ra, bị không ít người phản đối, nào là vướng víu, mất mỹ quan, bất tiện v.v... nhưng dần dần mọi người đều thực hiện và dần cảm thấy dễ chịu vì nó đem lại lợi ích cho con người.

Và từ đó đi đến ý thức là nếu ra đường không đội mũ bảo hiểm là lạc lõng. Cần giáo dục người dân biết tuân thủ và làm việc đúng pháp luật. Đối với những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên - những chủ nhân tương lai của đất nước, trong các giờ học về đạo đức, cần tiếp tục giáo dục cho họ những giá trị đạo đức tối thiểu như lòng thương người, ý thức công bằng và trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, để những giá trị này dần thấm sâu vào trí óc họ.

Các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí, cần tiếp tục đưa lên nhiều tấm gương sáng biết sống vì mọi người, biết giúp đỡ người nghèo, sống có văn hóa, có đạo đức, có tình nghĩa.

Làm sao để trong xã hội ta ít dần cái xấu và cái tốt sẽ nhiều lên, không còn những cảnh chướng tai gai mắt, gây phản cảm cho mọi người để nét đẹp văn hóa Việt Nam dù trong thời kỳ hội nhập nhưng không hòa tan, để tạo ra bản sắc văn hóa riêng chỉ có ở người Việt và dân tộc Việt.


Phát huy dân trí như thế nào?
(An Ninh Thế Giới, Hồng Hạc)

Dân trí của một nước là kết quả của quá trình hun đúc, bồi đắp lâu dài thông qua 3 con đường: giáo dục, sự thực thi luật pháp nghiêm minh, nhất quán và sự tự kiểm soát, tự điều chỉnh của xã hội dân sự. Ở nước ta, cả 3 con đường này đều “khấp khểnh, gập ghềnh”. Văn minh đô thị bị xuống cấp trầm trọng thường bị quy tội do dân trí kém. Đã có ai đặt ngược vấn đề: dân trí từ đâu mà ra? Dân trí kém là do đâu? Hoặc giả dân trí cứ xuống cấp dần theo năm tháng?

Chắc hẳn chẳng phải ngẫu nhiên, Hà Nội và TP HCM dường như cùng "đồng khởi” phát động chiến dịch thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Hà Nội chọn thời điểm 1.000 ngày tiến tới 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Một nghìn ngày sẽ làm được bao nhiêu công việc, sẽ thực hiện dự án, kế hoạch gì để Thủ đô có được diện mạo xanh - sạch - đẹp, văn minh đô thị chí ít cũng có thể ngẩng cao mặt sánh với Singapore, Kuala Lumpua, Thượng Hải, Seoul?

TP HCM chọn năm 2008 này là "Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Một năm 365 ngày liệu có đủ thời gian để chuyển biến toàn bộ nếp sống văn minh đô thị của hơn 7 triệu cư dân thành phố? 1.000 ngày cho cả 1.000 năm; một năm để giảm kẹt xe, tắc đường rác ứ đọng, quảng cáo, rao vặt tùm lum... liệu có quá nóng vội và quá tham vọng hay không?

Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Thành Rome không thể xây trong một đêm". Mượn câu này có thể nói rằng: văn hóa, văn minh không thể xây dựng trong một ngàn ngày hay một năm. Một ngày, một năm dài hay ngắn tùy thuộc ở mỗi con người, tùy thuộc vào những công việc và kết quả.

Một năm, mỗi quận ở TP HCM phải tốn 1/2 tỉ đồng để nạo vét, thông cống, kênh mương. Một ngày, lượng rác vô tư ném ra lòng đường, đổ trộm phế thải trên nhiều nẻo đường cửa ngõ Hà Nội, ước tính phải huy động cả một đội quân 300 xe thu gom rác tự chế để khắc phục hậu quả. Một năm ùn tắc, kẹt xe ở TP HCM gây tổn thất hàng nghìn tỉ đồng.

Lập lại trật tự, thực thi nếp sống văn minh đô thị, đó là phải bắt đầu từ những hiểu biết căn cơ nhất về thói quen, nếp nghĩ đã thành "đường mòn" tư duy và hành vi con người. Nói cụ thể hơn, phải truy ra căn nguyên của tình trạng thiếu văn hóa trong đời sống đô thị.

Ở đây lại quy về dân trí. Dân trí của một nước là kết quả của quá trình hun đúc, bồi đắp lâu dài thông qua 3 con đường: giáo dục, sự thực thi luật pháp nghiêm minh, nhất quán và sự tự kiểm soát, tự điều chỉnh của xã hội dân sự.

Ở nước ta, cả 3 con đường này đều “khấp khểnh, gập ghềnh”. Văn minh đô thị bị xuống cấp trầm trọng thường bị quy tội do dân trí kém. Đã có ai đặt ngược vấn đề: dân trí từ đâu mà ra? Dân trí kém là do đâu? Hoặc giả dân trí cứ xuống cấp dần theo năm tháng?

Nhớ lại cách nay chừng hơn 30 năm ở Hà Nội hay TP HCM, bộ mặt thành phố nền nếp, ngăn nắp lắm. Làm gì có cảnh từ trong nhà ném thẳng rác ra ngoài đường? Coi phố sá như nơi thải rác? Làm gì có hình ảnh giữa lòng đường, xác chuột chết nằm chỏng chơ trước bao con mắt người qua kẻ lại? Cũng không ai ra đường “diện” quần đùi hay phơi trần da thịt trước mắt thiên hạ?

Hồi ấy, cứ mỗi chiều thứ bảy, nhà nhà, người người đổ ra đường tổng vệ sinh, quét dọn vỉa hè, lòng đường sạch như ly như lau. Hồi ấy đi xe đạp không được đi hàng ba chứ đừng nói tới chuyện lạng lách, đánh võng, đua xe.

Ngày mới giải phóng, đi trên đường phố Sài Gòn vắng vẻ, xe cộ đều dừng tăm tắp trước đèn đỏ cho dù không thấy bóng dáng cảnh sát. Người lớn, thanh niên, học sinh cho tới trẻ nhỏ đều đi lại từ tốn, nhường nhau giữa ngã tư, ngã năm...

Bao giờ cho tới ngày xưa? Không có lẽ dân trí bây giờ thấp kém hơn ngày trước? Chẳng lẽ đời sống vật chất tăng lên, thu nhập tăng lên trông thấy, thì đời sống tinh thần, văn hóa và đạo đức cũng tụt xuống trông thấy? Có những giá trị được xây dựng hàng trăm năm tưởng là không thể phá vỡ, là bất biến, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã bị sụp đổ, vỡ vụn ngay trước mặt, ngay dưới chân.

Ai bảo có trình độ văn hóa tức là có văn hóa? Có phải cứ có đi học tức là có tri thức, nhân thức? Internet nối mạng vào tận giường là sẽ có văn hóa, văn minh đầy nhà? Điện thoại di động đầy mình mà vẫn chen lấn, tỉnh bơ vượt đèn đỏ, thậm chí còn văng tục vào mặt người khác. Cưỡi trên Spacy, áo váy phất phới, miệng thì xả ra những từ ngữ chợ búa, tay thì xả rác xuống đường.

Một ngày đi trên đường là một ngày chứa chất bao nỗi bực tức mà không biết trút vào đâu cho hả giận. Thôi thì cũng chỉ biết lẩm bẩm: đúng là dân trí thấp kém thật!

Vậy thì làm thế nào để mỗi cá thể sống trong một môi trường có trình độ dân trí cao biết phép tắc ứng xử có văn hóa tối thiểu, tôn trọng cái chung, tuân thủ các quy ước xã hội. Biết xấu hổ khi chen lấn người khác; biết ngượng khi ném rác ra đường; dám chỉ mặt, lên tiếng trước những hành vi bôi bẩn xã hội? Phải nói thẳng, nói thật, sự thật mất lòng dù biết là "thẳng mực tàu đau lòng gỗ".

Mấy chục năm qua, ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh đến mức “bội thực”, phải chăng chúng ta chỉ chú trọng giáo dục lý tưởng chính trị và đạo đức cách mạng một cách chung chung. Điều đó thật cần thiết trong một giai đoạn sống còn của dân tộc dành trọn vẹn giang sơn, bờ cõi.

Song cũng chính trong khoảng thời gian dài dằng dặc ấy, ta quá ít chăm lo giáo dục đạo làm người và ý thức công dân, trách nhiệm công dân trong một xã hội thời bình để mỗi con người có đầy đủ “hành trang” văn hóa bước vào một xã hội văn minh, lịch sự.

Nếp sống văn minh của người Việt Nam ta đã có từ ngàn đời. Nền nếp từ trong gia đình tới nhà trường và lan rộng ra toàn xã hội. Những đức tính như lòng trung thực, tôn trọng người khác là tôn trọng mình và cao hơn là tôn trọng những quy ước của xã hội, dù nhỏ như xã hội làng xã hay rộng ra cả thành phố, đâu phải tìm đâu xa.

Dân ta đã có “trí” rồi, chẳng phải “đốt đuốc” đi tìm. Vấn đề là phải làm "sống lại" dân trí, nâng nó lên ở một cấp độ cao hơn. Một năm ngắn ngủi hay một nghìn ngày có là đủ để đạt được cái đích thực hiện nếp sống văn minh đô thị đang “tụt dốc” không phanh?

Ta vẫn thường nói: muốn vỗ tay thì phải cả hai tay cùng vỗ vào. Muốn vỗ tay thành công chiến dịch cam go, thách thức này, tất yếu phải có cả bàn tay của người dân và bàn tay của chính quyền. Chính quyền phải làm tốt công tác tuyên truyền, tuyên truyền đến từng nhà, từng người, từng lớp học, từng xí nghiệp, công ty.

Chính quyền còn phải tạo điều kiện để người dân thực hiện nếp sống văn minh. Phải có thùng để bỏ rác trên đường, vỉa hè; phải có nhà vệ sinh công cộng cho dân. Một phường, một quận ô nhiễm, rác thải, trật tự giao thông lộn xộn mà cả bí thư, chủ tịch đều làm ngơ như người từ đâu đến thì làm sao dân không "làm bậy".

Dân trí nằm ngay trong dân, phải “đánh thức” dậy ngay! Đã đến lúc phải mạnh tay hơn nữa, thi hành nghiêm chỉnh luật pháp, một yếu tố mang tính cưỡng chế đối với một phần đám đông cố tình vi phạm pháp luật.

Luật pháp cứng rắn, xử phạt nặng tay chính là "đánh" mạnh vào não trạng dân trí. Ngại ngần gì, nấn ná gì mà không dám xử phạt người vứt rác, nhổ bậy ra đường (như ở Singapore, Malaysia... phạt tới cả trăm đôla)?

Tổng số lượt xem trang