Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Tân Cương – Palestine của Trung Quốc?

Tân Cương – Palestine của Trung Quốc?
ASIA TIMES
Mark O’Neill
Thứ Năm, ngày 13-8-2009
Cuốn sách được bán với số lượng tăng vọt như tên lửa cho chúng ta một thể loại phóng sự tốt nhất về cuộc khủng hoảng ở Duy Ngô Nhĩ [Uighur]

“Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục những chính sách của mình ở Tân Cương, thì dần dần họ sẽ đem tới một cuộc chiến tranh sắc tộc như là cuộc chiến giữa Israel và những người Palestine, một cuộc chiến không có cách gì giải quyết nổi và không có hồi kết.”


Đây là ý kiến của tác giả và là nhà báo người Trung Quốc Wang Lixiong, người đã viết lên mảng phóng sự hấp dẫn nhất về khu vực tranh chấp này – cuốn “Vùng Đông Thổ của anh, Miền Tây của tôi.” Nhà xuất bản Locus của Đài Loan ấn hành lần thứ nhất cuốn sách vào tháng Mười năm 2007 rồi đã và đang tái bản với số lượng tăng lên đột ngột nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả trong năm nay. Số sách bán ra trong giới nói tiếng Trung đã tăng vọt khi mà người dân đã phải cố gắng để giải thích những sự kiện gây xúc động sâu sắc tại Thiên Sơn [Urumqi] kể từ khi xảy ra vào tháng Bảy. Tuy nhiên cuốn sách đã không được dịch ra tiếng Anh, và có lẽ sẽ không được dịch, căn cứ trên thực tế là phương Tây và đặc biệt là Âu châu đã phải sửng sốt với những luận điệu của người Hán Trung Quốc tại Tây Tạng và phần lớn họ không hay biết về những gì đang xảy ra tại Thiên Sơn.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, ít nhất có 197 người chết và 1.720 người bị thương trong những cuộc náo loạn sắc tộc vào trưa và tối ngày 5 tháng Bảy. Một đám đông người Duy Ngô Nhĩ, được vũ trang bằng kiếm và gậy gộc, đã kéo tới quảng trường trung tâm, theo tin tức cho hay thì họ phản kháng về vụ giết hại ít nhất là hai người Duy Ngô Nhĩ tại một nhà máy ở Shaoguan, Tỉnh Quảng Đông trong tháng Sáu. Các lực lượng an ninh đã ngăn chặn những người phản kháng và nổ súng, giết hại ít nhất là 12 người. Từ đó đám đông đã nổi cơn thịnh nộ, tấn công và giết những công dân người Trung Quốc gốc Hán không có vũ trang.

Để đối phó với tình trạng bạo lực, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải huỷ bỏ một chuyến công du dự hội nghị G20 ở Rome để trở về nước. Chính phủ trung ương đã phái 130.000 binh lính từ khắp nơi trong nước tới các thành phố lớn ở Tân Cương, nơi mà có khả năng họ phải lưu lại ít nhất là cho tới ngày 1 tháng Mười, là dịp kỷ niệm lần thứ 60 quốc khánh nhà nước Cộng sản này.

Những người muốn hiểu về điều gì đã xảy ra trong tháng qua ở đây thì có thể không gì hơn là nhắm vào cuốn sách của Wang, một tác giả độc lập từng đi đây đi đó khắp vùng Tân Cương, phỏng vấn người dân từ tất cả mọi hạng người sống tại đó. Vào tháng Một năm 1999, ông đã bị tống giam ở đây trong sáu tuần vì “chiếm hữu những bí mật quốc gia”. Trong thời gian bị giam giữ, ông đã giúp đỡ một trí thức người Duy Ngô Nhĩ, người mà sau này khi được trả tự do, đã giới thiệu ông với các vùng thuộc xã hội Duy Ngô Nhĩ thường gần với người Trung Quốc gốc Hán.

Đối với Wang, sự gần gũi tương đồng nhất của vùng này là Palestine. Vào năm 1949, khi những người Cộng sản giành được chính quyền, người Trung Quốc gốc Hán chiếm 6% dân số ở Tân Cương, tương phản với 75% người Duy Ngô Nhĩ. Tới năm 2005, tỉ lệ người Duy Ngô Nhĩ đã rớt xuống 45,9% và tỉ lệ người Hán đã lên tới 39,6%. Giữa năm 1990 và 2000, số người Hán đã gia tăng thêm 1,79 triệu và những sắc dân thiểu số tăng 1,5 triệu.

Sự gia tăng này là kết quả từ chính sách của chính phủ nhằm siết chặt quyền kiểm soát khu vực rộng lớn nhất này của Trung Quốc với một nguồn dự trữ to lớn dầu lửa, khí gas, các loại kháng sản, than đá, bông và những tài nguyên thiên nhiên khác, và cho định cư hàng chục ngàn dân dư thừa. Trong ba thập kỷ đầu của chế độ cai trị Cộng sản, chính phủ đã lệnh cho dân chúng tới định cư ở Tân Cương, trong đó có các binh lính giải ngũ, “các thành phần tội phạm”, “các phần tư hữu khuynh” và “những tầng lớp không được ưa thích” khác. Kể từ năm 1980, chính phủ này đã dùng những lối khuyến khích về kinh tế, đặc biệt là chính sách “Về miền Tây”, trong đó có việc bơm hàng tỉ nhân dân tệ vào Tân Cương và ban cho nhiều quyền lợi trong công ăn việc làm.

“Những người nhập cư gốc Hán này đã đưa đến cuộc đối đầu hàng ngày giữ các sắc tộc, một cuộc chiến giành nguồn tài nguyên và thị trường tiêu thụ, và làm cho việc đối đầu trở thành một chuyện thường ngày,” ông Wang viết. “Điều này có thể dẫn đến ’sự hình thành một kiểu Palestine’ trong xung đột”. Hai cộng đồng này sống phần lớn riêng biệt, ngoại trừ tại nơi làm việc; hôn nhân ngoại chủng rất hiếm xảy ra và thường bị phản đối quyết liệt.

Quyền lực nằm trong tay các quan chức người Hán, đặc biệt trong chính quyền và các lực lượng an ninh; những vị trí hàng đầu để ngỏ cho người Duy Ngô Nhĩ là công việc hành chính, dân sự. Các mối quan hệ giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ, nhất là trong giới trẻ, đã trở nên xấu đi, đặc biệt kể từ khi có các cuộc đánh bom tại khu vực này năm 1997 do những đòi hỏi được độc lập. Nó làm cho người Duy Ngô Nhĩ trở nên bị nghi ngờ trong mắt của người Hán, tại Tân Cương và phần còn lại trên đất nước Trung Quốc, nơi mà họ bị đối xử trong nỗi e sợ và hoài nghi. “Nếu anh cư xử với tôi như là một kẻ ăn cắp, thì tại sao chúng ta lại phải cùng chung một đất nước với nhau?”

Sức mạnh kinh tế ở Tân Cương nằm trong tay người Hán, những người có điều kiện tiếp cận giáo dục, công nghệ, tài chính và thị trường tốt hơn. Các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thiên về thuê mướn người Hán, có vẻ được đào tạo tốt hơn, có khả năng hơn và nói tiếng Phổ thông tốt hơn là người Duy Ngô Nhĩ.

Một trong những công cụ cho “quá trình thực dân hóa” này là Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương [Xinjang Production and Construction Corp], được biết đến dưới cái tên Bing Tuan (nhóm quân đội), một tổ chức của những người được quân sự hóa tới đây khai khẩn, thành lập vào những năm 1950. Hiện tập đoàn này có 2,6 triệu thành viên và kiểm soát một khu vực rộng 75.000 km2. Người sáng lập ra nó là Wang Zhen, một viên tướng kỳ cựu sau đó trở thành Phó Chủ tịch tập đoàn. Vào những năm 1950, ông ta đã xử sự như hoang thú với những người Duy Ngô Nhĩ đấu tranh đòi li khai; cứ với mỗi binh lính bị họ giết là ông ta ra lệnh xử tử năm người đàn ông Duy Ngô Nhĩ trong ngôi làng nơi xảy ra cuộc giết chóc.

Ông ta là một trong ba nhà lãnh đạo người Hán bị người Duy Ngô Nhĩ gọi là “kẻ bạo chúa ở Tân Cương”. Người thứ nhất là Sheng Shicai, một viên tướng được những kẻ dân tộc chủ nghĩa ủng hộ, từng kiểm soát khu vực này từ năm 1933-1944. Người thứ ba là Wang Lequan, từng là bí thư Đảng Cộng sản khu vực này và là người đứng đầu nhóm Bing Tuan từ năm 1994.

Ông Wang coi chính sách về ngôn ngữ và tôn giáo như là một khía cạnh quan trọng của cuộc thực dân hóa này. Nhà thờ Hồi giáo không được phép mở trường học kinh Ko-ran, các học sinh dưới 18 tuổi không được phép tới nhà thờ và không có tôn giáo nào được dạy trong trường học. Các công chức không được phép thờ phượng cũng như không được để râu – thậm chí cho dù là Karl Marx và Lenin cũng từng có râu như vậy.

Tiếng phổ thông Quan thoại là ngôn ngữ trong nhà trường, chính quyền và giao dịch kinh doanh. Việc nắm vững tiếng phổ thông – chứ không phải tiếng Duy Ngô Nhĩ – là yêu cầu thiết yếu cho một sự nghiệp thành đạt trong hầu hết mọi lĩnh vực. Cho nên, trong khi việc dạy tiếng Duy Ngô Nhĩ có ở trong nhiều trường học, nhưng hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã chọn cách gửi con em họ tới học ở các trường nói tiếng phổ thông Quan thoại.

Làm cho nhiều vấn đề trở nên tồi tệ hơn nữa chính là những thay đổi trong văn bản chữ viết của Duy Ngô Nhĩ. Văn bản lúc ban đầu là bằng chữ A-rập, rồi nó đã bị đổi sang chữ Latin vào năm 1962 và tiếp đến là quay trở lại chữ A-rập vào những năm 1980. Như một hệ quả, hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ từng học vào những năm 1960 và 1970 không thể đọc được ngôn ngữ của riêng họ.

“Hầu hết người Hán tới Tân Cương trên 20 năm trước đã học tiếng Duy Ngô Nhĩ, song những người đến đây trong 20 năm nay thì không. Họ cũng không muốn học ngôn ngữ này. Tiếp đến là một lượng chương trình học chính trị khổng lồ, đặc biệt kể từ chuyến viếng thăm của ông Jiang Zemin năm 1998. Mỗi chuyến như vậy là bạn lại phải ghi chép những lời dạy và giữ chúng lại. Khổ sở nhất là các giáo viên trong làng – thu nhập của họ thấp mà lại phải làm việc nhiều cho chương trình dạy chính trị. Họ không có thời gian mà nghỉ ngơi.”

Ở Tân Cương, y như ở Palestine, chẳng thể nào thấy xung đột chấm dứt.

Hiệu đính: Trần Hoàng

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009

——————
ASIA TIMES
Xinjiang – China’s Palestine?
Written by Mark O’Neill Thursday, 13 August 2009
Book sales skyrocket for the best piece of reportage on the Uighur crisis

Tổng số lượt xem trang