Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Trao đổi: 'Dóng' và 'Gióng' trong từ điển


TP - Thánh Gióng hay Thánh Dóng là vấn đề đáng quan tâm. Từ rất lâu, nhiều người dùng Gióng và xem đó là chuẩn, nhưng xem ra cách nghĩ này cần xét lại.

Dóng hay Gióng - như nhiều cái tên khác, thường được thẩm định qua so sánh và liên tưởng, mà ở đây là sự liên tưởng với nhiều từ Hán Việt theo lối lấy các từ đồng âm khác nghĩa để so sánh. Và sự khác là ở những cặp phụ âm như d, r, gi rồi tr, ch hay s, x...

Thường thì có nhiều từ Việt định hình khi có từ Hán na ná, kiểu chung và trung, xa - sa, còn dóng - gióng thì quá ít sách vở đề cập cặp từ này, nên chúng tôi thử đi tìm trong các bộ tự điển dù biết tự điển không phải bao giờ cũng đúng hoàn toàn.

Tôi tâm đắc ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính trên Tiền Phong về Gióng hay Dóng. Tuy nhiên có vài ý cần bàn lại.
Một, ông nói, Dóng hay Gióng không phải là vấn đề chính tả mà là quan niệm. Nhưng ai cũng biết, trong chuyện chữ nghĩa thì chính tả, nói khác đi là quan niệm - sự hiểu biết được thể hiện ở dạng văn tự.
Hai, ông nói từ dũng chỉ có từ khi chúng ta tiếp xúc văn hóa Hán - có chắc không, vì tiếng Việt cả ngàn năm bị lệ thuộc Hán học, mở miệng đã nhân chi sơ. Vả lại, ở đời, cái chưa biết chưa chắc đồng nghĩa với cái chưa có.
Trong Việt Nam tân từ điển (Thanh Nghị, Sài Gòn, 1967) thì Dóng là sự thanh lịch và Giong hoặc Gióng có nghĩa là “đi mau”, hay gióng mía gióng tre (tựa như lóng).
Trong bộ Hán Việt từ điển (Văn Tân, Hà Nội, 1960) chỉ có từ “lá dong” và không có từ giong.
Trong Từ điển Tiếng Việt (Hà Nội, 1996) cặp này có những nghĩa như Dóng hàng, Gióng giả, Gióng một.
Trong khi ấy, ở bộ Hán Việt từ điển (Nguyễn Văn Khôn, Sài Gòn, 1960) là sách rất đáng tin lại không có từ Gióng, song cho biết Dong từng là tên nước nhỏ thời xưa ở Trung Quốc. Sách này cũng cho biết Dóng na ná Dũng và Dóng còn là từ để chỉ cây đa (14 nét), một biểu tượng của sức mạnh.
Cách đây hơn 50 năm, chúng tôi còn nhỏ, học trường thiếu sinh quân ở khu học xá Nam Ninh, thủ phủ của người dân tộc Choang, từng nghe người dân ở đây nói Dúng hay Dóng với nghĩa là Dũng của ta, có thể là một căn cứ nào đó cho những suy luận về từ này.
Trang 222 bộ Hán Việt từ điển khẳng định, Dong là tên một nước ở Tàu thời xưa (14 nét) và có nghĩa là cây đa (cũng 14 nét), có tự dạng hẳn hoi. Chưa thấy sách nào phủ định điều này.
Như thế, phải chăng Thánh Dóng hợp lý hơn Thánh Gióng?

Tổng số lượt xem trang