Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Sinh vì kinh tế, diệt cũng vì kinh tế (Ngô Nhân Dụng)

Sinh vì kinh tế, diệt cũng vì kinh tế (Ngô Nhân Dụng)

Ngô Nhân Dụng

“… Những con người lơ mơ không tưởng đó chỉ giỏi nghề cướp chính quyền và kiểm soát chặt chẽ người dân bằng bạo lực và dối trá. Cuối cùng, cả hệ thống cộng sản đã sụp đổ vì lối làm kinh tế đó không chạy …”
Chủ nghĩa Cộng Sản ra đời từ những phân tích về kinh tế tư bản của Karl Marx. Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu xoá tan giấc mộng hão huyền do Marx gợi ra và được Lenin cùng Stalin xây dựng, cũng bắt nguồn từ lý do kinh tế. Khi các người theo chủ nghĩa cộng sản chỉ tìm cách thủ tiêu lẫn nhau thì chủ nghĩa đó vẫn còn sinh khí. Khi các đồng chí quay ra hối lộ, mua chuộc nhau bằng tiền mặt, thì tòa lâu đài trên cát đã sụp ngay từ nền tảng.


Cuộc chạy đua giữa hai khối tư bản và cộng sản chấm dứt vào năm 1989 không phải vì các tư tưởng tự do đã chinh phục được mọi người và thắng ý thức hệ Mác xít. Cũng không phải vì hệ thống chính trị dân chủ đã đánh bại hệ thống độc tài đảng trị. Thế thắng bại sau cùng được quyết định trong cuộc chạy đua giữa hai lối tổ chức kinh tế khác nhau.

Cuối cùng thì mô hình tổ chức xã hội từ trên xuống dưới kiểm soát toàn dân đủ mọi mặt, với nền kinh tế hoạch định tập trung, đã chịu thua cách tổ chức xã hội theo lối tự do dân chủ với quyền lực phân phối tản mạn, cân bằng và kiểm soát lẫn nhau, và nền kinh tế thị trường năng động.

Ðặc tính quan trọng nhất là trong thế giới gọi là tự do, hoặc gọi là tư bản, quyền quyết định sau cùng là từ dưới lên trên. Hàng triệu người tiêu thụ, hàng triệu các cử tri vô danh có khả năng ảnh hưởng trên những người nắm quyền cao nhất trong các xí nghiệp và các guồng máy nhà nước. Họ được bảo đảm có khả năng và cơ hội sự dụng quyền gây ảnh hưởng này, trong việc mua bán và hành động bỏ phiếu. Có người gọi mô thức đó là “xã hội mở” (open society). Có người gọi đó là một hệ thống bảo đảm sự “tham dự đồng đều” (equal access). Chính nhờ tính chất cởi mở và mọi người tương đối có cơ hội bằng nhau đó cho nên kinh tế ở các nước tư bản đã phát triển, trong khi các nước cộng sản thì trì trệ.

Nếu hệ thống kinh tế chỉ huy và tập quyền có khả năng phát triển lâu dài thì chắc chế độ độc tài đảng trị vẫn còn tồn tại rất lâu. Nikita Kruschev tin vào khả năng đó khi ông đe doạ năm 1961 rằng, “Chúng tôi sẽ chôn vùi các anh!”. Khi Liên Xô đưa tiền nuôi các đảng cộng sản đang thành hình, vũ trang các phong trào giải phóng khắp thế giới, viện trợ cho các nước chư hầu, và khi họ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, tất cả đều là cảnh phô trương sức mạnh kinh tế của hệ thống cộng sản. Nhưng cuối cùng, niềm tin đó bị sự thật kinh tế phủ nhận.

Bởi vì, trái với hình ảnh “như Marx nói hàng hoá phải nhiều như nước chảy ra,” kinh tế các nước cộng sản ngày càng suy yếu vì sau khi các nhà máy và đồng ruộng được tập thể hoá, những người lao động, người nông dân không còn động cơ tự nhiên để tìm cách sử dụng tài nguyên theo lối có hiệu quả cao nhất nữa. Bây giờ, nhiều người cộng sản ở nước ta giải thích rằng hệ thống chỉ huy tập trung của họ “trái với các quy luật kinh tế”. Thực ra, chỉ nhìn qua cũng thấy là nó trái với bản tính của con người.

Trong phần kết luận cuốn hồi ký của Ðoàn Duy Thành, ông vẫn bám lấy niềm tin tưởng vào chủ nghĩa, vẫn hy vọng có một phép lạ nào đó giúp cho giấc mộng cộng sản có ngày thành sự thật. Ông viết: “Bác Hồ dạy muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Ông khen cái khẩu hiệu đó là “chí lý” đồng thời lại nhìn ra, “nhưng khó lắm”. Ông chỉ không có can đảm thú nhận rằng tất cả chủ nghĩa đó chỉ là những ảo tưởng vì con người, loài người không thể sống như vậy. Một nền kinh tế tập thể hoá có thể đạt được những thành công trong bước đầu vì cưỡng bách tích lũy tài nguyên để sử dụng. Nhưng tình trạng đó không thể kéo dài vì năng suất của cả hệ thống ngày càng giảm, một quy luật kinh tế mà chính Karl Marx đã nhìn thấy trong kinh tế tư bản. Cán bộ ở trung ương có thể hoạch định bằng các con số nhưng không thể bảo các công nhân làm việc để cải thiện sản phẩm. Họ cũng không thể đoán trước sẽ phải sản xuất cái gì phù hợp với nhu cầu của hàng triệu con người, không biết làm cách nào để nâng cao phẩm chất và sản xuất với chi phí ít tốn kém nhất. Chỉ có hệ thống thị trường tự do và phân tản mới có cơ hội thí nghiệm các sản phẩm mới, các phương pháp chế tạo mới, và dò dẫm tìm ra sở thích của hàng triệu người tiêu thụ để làm thỏa mãn họ. Chỉ trong hệ thống thị trường tự do mới có các doanh nhân chấp nhận rủi ro làm các cuộc thí nghiệm như vậy. Hệ thống kinh tế chỉ huy không chấp nhận rủi ro, mà cũng không quan tâm đến sở thích của mọi người. Có thể hàng hoá làm ra “như nước chảy” nhưng không ai muốn mua, không muốn sử dụng.

Yegor Gaidar, một nhà kinh tế đã giữ các chức vụ bộ trưởng và thủ tướng ở Nga sau khi chế độ xô viết sụp đổ đã giải thích sự sụp đổ của chế độ với hai nguyên nhân chính: Lúa và Dầu lửa. Ông viết cuốn sách với nhan đề Sự sụp đổ của một đế quốc sau khi tìm trong văn khố những tài liệu cho thấy sự tan rã của đế quốc Liên Xô là do bế tắc kinh tế. Giới lãnh đạo Liên Xô phải bỏ mặc cho các nước Ðông Âu tự giải thoát và những người làm đảo chính Tháng Tám năm 1991 sau cùng đành chịu quy hàng, tất cả đều vì kinh tế không lối thoát.

Trước hết là vấn đề thực phẩm. Trước cuộc Ðại Chiến Thứ Nhất, Nga là nước xuất cảng lúa mì. Chính sách tập thể hoá lúc đầu nâng cao sản xuất nhưng sau đó đã giảm dần so với dân số các thành phố tăng lên. Từ năm 1963 Kruschev đã phải ngưng bán rẻ thóc lúa cho các nước chư hầu, vì chính Liên Xô hàng năm phải nhập cảng thực phẩm. Nhu cầu nhập cảng ngày càng tăng lên mà ngoại tệ mạnh không có vì hàng chế hoá phẩm chất thấp quá không thể xuất cảng được, trừ khi đem trao đổi với các nước chư hầu. Một điều may mắn cho chế độ là nước Nga có một tài nguyên quý giá là dầu lửa. Từ giữa thập niên 1970 giá dầu lửa trên thế giới tăng bốn lần, trở thành nguồn ngoại tệ mạnh giúp Nga mua thực phẩm. Cũng giống như ở các nước chỉ sống nhờ xuất cảng nguyên liệu, giới lãnh đạo Nga ỷ lại vào nguồn tài nguyên đó và không cần nghĩ đến việc cải thiện hệ thống sản xuất ngày càng trì trệ. Nhưng dầu lửa là một món hàng giá cả thất thường, tăng lên tới 140 đô la một thùng rồi lại xuống có khi chỉ còn 20 đô la. Năm 1985, khi Á Rập Sau Ði quyết định bơm dầu lên không hạn chế, giá dầu tụt xuống khiến mỗi năm Nga thiệt mất 20 tỉ Mỹ kim, ngoại tệ sở hữu dần dần đi tới khánh kiệt, phải vay các ngân hàng Tây phương càng ngày càng nhiều. Ðồng thời, Nga bắt đầu bắt các nước chư hầu ở Ðông Âu khi mua dầu phải trả theo giá thị trường quốc tế. Mối liên hệ kinh tế quan trọng nhất trong đế quốc Liên Xô bị cắt đứt.

Năm 1989, Mikhail Gorbachev được ngân hàng Deutsche Bank báo cho biết không thể cho vay nữa vì kinh tế Nga hầu như tê liệt. Chỉ còn một cách là hỏi trực tiếp các chính phủ Tây phương để họ giúp bảo đảm các món nợ của ngân hàng nước họ. Nếu không vay được 100 tỉ Mỹ kim thì nước Nga, nhất là ở các thành phố sẽ có nạn đói.

Biết tình trạng suy yếu kinh tế ở Nga cho nên giới lãnh đạo cộng sản ở Ba Lan, rồi đến Ðông Ðức và Tiệp Khắc đã thay đổi, không còn cương quyết đàn áp dân chúng như cũ nữa. Họ biết rằng Hồng Quân Nga không thể đến cứu họ được khi dân nổi dậy như ở Hungary năm 1956, ở Tiệp năm 1968. Liên Xô không thể đem thiết giáp qua “dẹp loạn” ở các nước chư hầu, vì sợ một hành động như vậy sẽ chấm dứt luôn hy vọng vay được 100 tỉ Mỹ kim để nhập cảng lúa gạo.

Trong tình thế đó, Phong Trào Công Ðoàn Ðoàn Kết ở Ba Lan đã vùng lên, giới trí thức ở Tiệp Khắc công khai đòi dân chủ tự do, người Ðông Ðức chạy tị nạn sang phía Tây ào ạt. Và trong Tháng Mười 1989, khi hàng trăm ngàn dân chúng thành phố Leibzig từ nhà thờ Thánh Nikolai kéo ra xuống đường, chính đám công an xung phong đã buông súng, không bắn vào người dân nữa. Khi Chủ Tịch Gorbachev gặp Tổng Thống Bush ở Malta Tháng Năm, năm 1989, một đề tài chính là vay nợ. Sáu tháng sau, không còn một chế độ cộng sản nào ở Ðông Âu nữa.

Có thể nói, việc các ngân hàng như Deutsche Bank từ chối không cho chính phủ Liên Xô vay đã góp phần giải phóng các dân tộc ở Ðông Âu khỏi ách cộng sản.

Khi tiên đoán một xã hội mới sẽ ra đời sau khi giới vô sản chiếm chính quyền, Karl Marx dùng một thước đo để quả quyết tính chất ưu việt của chế độ mới, là “năng suất lao động” sẽ lên cao nhờ các công nhân làm chủ tập thể các phương tiện sản xuất. Cộng sản sẽ chôn vùi Tư bản chính vì phép mầu “năng suất lao động”. Nhưng Marx chỉ quan tâm đến quyền sở hữu mà không nói gì về phương pháp quản trị các phương tiện sản xuất. Ông sống trong một thế giới kinh tế trừu tượng. Trong cả cuộc đời, ông không bén mảng đến các nhà máy, càng không biết gì về phương pháp quản trị sản xuất. Môn quản trị học đến thế kỷ sau mới ra đời, sau những thí nghiệm của Henry Ford. Cho nên Marx không quan tâm nghiên cứu xem làm như thế nào để tăng “năng suất lao động”. Các lãnh tụ cộng sản từ Lenin đến Fidel Castro cũng đều như vậy. Họ nghĩ rằng cứ bãi bỏ quyền sở hữu tư nhân, thay thế bằng sở hữu công cộng là xong hết.

Những con người lơ mơ không tưởng đó chỉ giỏi nghề cướp chính quyền và kiểm soát chặt chẽ người dân bằng bạo lực và dối trá. Cuối cùng, cả hệ thống cộng sản đã sụp đổ vì lối làm kinh tế đó không chạy.

Tổng số lượt xem trang