Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

“Sự đồng thuận của Bắc Kinh” sẽ không thể kéo dài

“Sự đồng thuận của Bắc Kinh” sẽ không thể kéo dài
THE WALL STREET JOURNAL “Sự đồng thuận của Bắc Kinh” sẽ không thể kéo dài

Đảng chỉ mở ra con đường mới để đi tới thất bại.

GORDON G. CHANG
Ngày 8-11-2009


Tháng trước, Bắc Kinh đã bắt đầu ngăn chặn việc truy cập từ Trung Quốc vào một trang web do chính phủ Đức tài trợ nói về Bức tường Berlin. Sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản châu Âu cuối thế kỷ qua, giờ là biểu tượng bởi việc chọc thủng thứ rào chắn đó cách đây 20 năm, dường như làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó chịu. Lối kiểm duyệt đã trở thành nỗi ám ảnh này cho thấy Trung Quốc có lẽ yếu kém, không phải là một siêu cường mới phất lên như nó vẫn thể hiện cho người ta thấy. Và nếu một nhà nước Trung Quốc hiện đại thực chất là yếu ớt, thì liệu chủ nghĩa Cộng sản có thể tồn tại được ở mọi nơi?

Cho đến nay, nước thành công nhất trong số năm nước Cộng sản còn sót lại [trên thế giới] là Trung Quốc. Kể từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách cải cách ở Trung Quốc, sự kết hợp của nền kinh tế nửa thị trường và sự cai trị cứng rắn đã thành công tốt đẹp để nhiều người có thể nghĩ rằng nó trở thành một mô hình nhân rộng, đôi khi được gọi là Đồng thuận Bắc Kinh. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thừa nhận rằng họ đang thiết lập một khuôn mẫu cho các nước khác, Cộng sản Việt Nam về cơ bản đã áp dụng cùng một công thức tăng trưởng và đã tạo nên “sự kỳ diệu” cho riêng mình. Suốt ba thập niên cải cách của Trung Quốc, đất nước này đã tăng trưởng trung bình 9.9%/ năm; trong chính sách Đổi Mới của Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986, kinh tế đã phát triển với một con số ấn tượng là 7.1%/ năm.
Cải cách kinh tế ở hai nước thuộc khối cộng sản này, bằng nhiều cách, đã gia tăng sức mạnh cho đảng cầm quyền bằng cách tạo nên sự thịnh vượng. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng về cơ bản chính là sự thay đổi hoàn toàn vẻ bên ngoài ở hai quốc gia này. Ví dụ như hai nước không còn “chuyên chế” nữa. Hai quốc gia này không còn quản lý từng cá nhân riêng lẻ, quyết định nơi sống hoặc làm việc của một người hoặc [cho phép] người ta dùng thời gian của mình làm việc gì. Tư hữu hoá tạo ra của cải, và của cải làm nảy sinh bản năng bảo vệ chính nó từ con người, cũng như mong muốn có được thêm nhiều của cải hơn, xung lực đó được thấy rõ ở mỗi con người, từ anh nông dân cho tới những người thuộc tầng lớp trung lưu. Cải cách kinh tế là guồng máy của sự thay đổi trong xã hội, làm cho những xã hội từng là cộng sản này mang đầy màu sắc, tươi tắn và năng động.
Chẳng khác gì một sự thách thức. Tờ bản tin China Labor Bullentin đóng tại Hồng Kông và các ấn phẩm khác cho biết năm 2008 có 127.000 “vụ xô xát lớn” xảy ra ở Trung Quốc, một sự gia tăng rõ rệt so với những năm trước. Chính phủ Việt Nam dường như cũng bị bao vây bởi xu hướng đi lên nói chung về bất đồng quan điểm. Các nhà lãnh đạo trong những xã hội cải cách cần làm cho trí nhớ mình nhạy bén hơn để nghĩ tới Tocqueville, người từng lưu ý rằng nông dân trong thời kỳ tiền Cách mạng Pháp đã tỏ ra ghê tởm chế độ phong kiến hơn cả những nông dân khác đang sống trong điều kiện tồi tệ hơn ở châu Âu. Sự bất mãn dâng lên cao nhất ở nhiều vùng trên đất nước Pháp, nơi đã có nhiều thay đổi tiến bộ nhất. Hơn nữa, Cách mạng Pháp theo sau là một mức cải thiện tình hình kinh tế rất nhanh. Các lãnh đạo Cộng Sản chớ nền tìm nguồn an ủi từ thực tế rằng Tocqueville khi đó đang viết về thế kỷ 18 ở Pháp. Chúng ta thấy cũng xu hướng này đã diễn ra vào cuối thế kỷ 20 ở Thái Lan, Nam Hàn và Đài Loan, tất cả đều đến từ các chính phủ độc tài.
Các lãnh tụ cộng sản cao cấp giờ đây đang phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho tất cả những kẻ độc đoán chuyên quyền đang tiến hành cải: sự thành công về kinh tế gây nguy hiểm cho việc tiếp tục cầm quyền của họ. Họ có thể cố mạnh tay hơn – chiến thuật được Hồ Cẩm Đào ủng hộ – nhưng họ sẽ bị thất bại. “Chẳng ai còn sợ chính phủ nữa cả”, một thương gia nổi tiếng ở Thượng Hải đã nói với tôi vào mùa xuân này. Và người dân Trung Quốc không chỉ mất cảm giác sợ hãi. Có lẽ xu hướng thú vị nhất ở Trung Quốc là sự liên tục chế nhạo các lãnh tụ của họ trên internet và trong các câu chuyện hàng ngày. Vì cách phát âm của từ “con cua đồng” tương tự như từ “hài hoà” trong cuộc vận động gần đây nhất Đảng, tên là “xã hội hài hoà”, hình ảnh con vật đó thường đeo 3 chiếc đồng hồ trên cổ tay – từ đồng âm của “Ba Đại diện”, một cuộc vận động được Giang Trạch Dân đưa ra – đã trở thành biểu tượng cho cả nước phản đối sự kiểm duyệt và nhằm nhạo báng hệ tư tưởng. Khi đất nước Trung Quốc chuyển động theo xu hướng tiến bộ, vị thế của bộ máy quan liệu bị suy giảm.
Điều này cũng đã xảy ra với các nhà lãnh đạo của Liên Xô, và họ đã phản ứng lại bằng cách cố buộc mình phải dính dự vào. Năm 1961, Đảng Cộng sản Liên Xô chính thức bãi bỏ khái niệm về cuộc đấu tranh giai cấp và tuyên bố nó là “đảng của tất cả mọi người”. Thú vị thay, người Trung Quốc bây giờ cũng đi theo cùng một con đường, với chính sách Ba Đại diện của Giang Trạch Dân và nguyên tắc “xã hội hài hòa” của ông Hồ [Cẩm Đào], tránh xa việc đẩy mạnh cuộc cách mạng vô sản. Tuy nhiên, những ý niệm này phụ thuộc vào khái niệm của Bắc Kinh về “thời kỳ đầu của Chủ nghĩa Xã hội”. Theo lý thuyết này, các chính sách định hướng tư bản chủ nghĩa hiện tại của Trung Quốc chỉ dự định mang lại các điều kiện để rồi dần dần – và tất yếu – sẽ dẫn tới trạng thái hoàn hảo của Chủ nghĩa Cộng sản thuần khiết.
Việc xây dựng nên hệ tư tưởng này là chuyện nực cười, thế nhưng Bắc Kinh vẫn nắm lấy ý tưởng này và những ý tưởng khác tương tự như vậy một cách nghiêm túc, tiếp thêm sinh lực cho việc truyền bá chủ nghĩa Marx tại tất cả các trường học trong những năm gần đây. Tất cả những lối bóp méo nhận thức này, mặc dù có khéo léo, cũng chỉ đơn thuần phục vụ cho tính bất hợp pháp của các đảng cầm quyền dưới con mắt người dân, những người không sử dụng các công thức lý thuyết suông. Do các ý kiến của mình bị nghi ngờ, những nhà lãnh đạo cộng sản cải cách có thể duy trì quyền lực của họ bằng cách liên tục ban phát giàu có thịnh vượng, nhưng công việc này khó khăn hơn do những thúc ép miễn cưỡng về tư tưởng.
Trung Quốc trải nghiệm sự tăng trưởng trong ba thập kỷ qua chủ yếu là do sự hình thành và phát triển thành phần kinh tế tư nhân, nhưng Đảng của Tài sản Công – một kiểu dịch theo nghĩa đen của tên Đảng Cộng sản Trung Quốc – không thể tư nhân hoá tất cả các doanh nghiệp còn lại của nhà nước. Để làm như vậy, các nhà lý thuyết lập luận rằng nó sẽ làm suy yếu trụ cột tư tưởng của một đảng cầm quyền. Đó chính là một trong những lý do tại sao việc quốc hữu hoá lại nền kinh tế là một điểm quan trọng trong kế hoạc kích thích kinh tế của Bắc Kinh đã được thông qua cách đây một năm. Chương trình như thế thích hợp với tư tưởng của Chủ nghĩa Marx, nhưng việc loại bỏ doanh nghiệp tư nhân sẽ gắn chặt với tình trạng chậm phát triển trong những năm tới.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như không lo lắng gì trước tiến trình phát triển bị đảo chiều. Sau mọi chuyện, họ chỉ trích Mikhail Gorbachev về việc cải cách quá nhanh, đó là một trong những bài học hời hợt mà họ rút ra được từ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Nhưng các quan chức và các nhà lý luận Trung Quốc đã quên rằng sự thay đổi, một khi đã được bắt đầu, thì không thể lên kế hoạch, ra lệnh hoặc kiểm soát được.
Bắc Kinh rõ ràng là đi trên một lộ trình khác với Moscow trong vấn đề cải cách. Tuy nhiên, chỉ vì các nhà lý luận Trung Quốc phủ nhận chủ nghĩa Gorbachev, không có nghĩa là họ sẽ thành công. Hình như họ đang đi tiên phong trong việc sử dụng phương pháp mới để mà thất bại. Theo nhà sử học ở Harvard, Ross Terrill ghi nhận rằng, Trung Quốc có thể từ từ lái xe ra khỏi vách đá với tốc độ bình thường. Điều này đặc biệt đúng bởi vì, khi Đảng Cộng sản cố gắng trong một giai đoạn gia tăng sự kỳ vọng để làm giảm nhịp độ thay đổi, thì người dân Trung Quốc lại đang đòi hỏi nhiều hơn như thế nữa.
Hai thập kỷ trước đây, các nền kinh tế trì trệ đã giết chết hệ thống cộng sản. Thời gian sắp tới có thể là một nền kinh tế phát triển sôi động và thay đổi xã hội chưa từng thấy dẫn đến sự kết thúc của [Chủ nghĩa Cộng sản]. Đối với Chủ nghĩa Cộng sản, không có những chiến lược để tồn tại lâu dài.


Ông Chang là tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ đang tới gần của Trung Quốc” do nhà Xuất bản Random House phát hành năm 2001
(Bản dịch do một độc giả của BS gửi tới)

Tổng số lượt xem trang