Phạm Nguyên Trường
Trong bài viết của ông Hoàng Sơn phản hồi hai tác giả Nguyễn Chính và Hà Văn Thịnh đăng trên trang mạng Bauxitevietnam có một đoạn như thế này: “Tác giả Nguyễn Chính đã gạch bỏ công thức C + V + M với cái lý do xin hỏi Cụ Các Mác đại lượng chất xám ở đâu? Đó là một câu hỏi khó trả lời, nhưng xin ông Nguyễn Chính hãy lưu tâm, hiện nay báo chí phương Tây lẫn báo chí phương Đông đều dùng thuật ngữ “nước giàu bóc lột nước nghèo”, nếu tác giả cho rằng mình đúng, thì tác giả nên làm bước tiếp theo là yêu cầu xóa bỏ thuật ngữ “bóc lột” khỏi kho tàng từ vựng thế giới. Công nhân lao động còn ông chủ hưởng là do ông chủ có chất xám; nước giàu làm cạn kiệt tài nguyên của nước nghèo là vì nước giàu có chất xám. Anh xám nhiều nên anh hưởng nhiều, mấy bác lãnh đạo nhà ta tham nhũng hàng triệu đô la là nhờ xám nhiều phải không?”. Bài tiểu luận này bàn lại khái niệm “bóc lột” trong những tình huống khác nhau và những lí do chưa thể đưa nó ra khỏi kho tàng từ vựng thế giới.
1. Nước giàu – nước nghèo và công thức của Các Mác
Trong tác phẩm Truy tìm căn nguyên tăng trưởng, tác giả William Easterly [1] đã đưa ra một thí dụ điển hình về quan hệ kinh tế giữa nước giàu và nước nghèo trong giai đoạn hiện nay như sau: “Một ngày tháng 4 năm 1980, Công ty May Desh ở Bangladesh của Noorul Quader cho ra đời những chiếc áo sơ-mi đầu tiên. Trước khi Quader thành lập Desh may mặc chỉ là một ngành nhỏ ở Bangladesh….
Trong năm đầu hoạt động, nhà máy của Quader sản xuất được 43.000 chiếc áo sơ-mi. Nhưng một nhà máy sản xuất được số lượng áo sơ-mi như vậy và xuất khẩu với giá thành 1,28 đô-la mỗi chiếc, đạt tổng doanh thu 55.5000 đô-là vẫn chưa thấm vào đâu nếu so với tiêu chuẩn hiện thời của Bangladesh: con số 55.500 đô-la chưa bằng 1/10.000 giá trị xuất khẩu của Bangladesh năm 1980.
Điều ấn tượng là những gì xảy ra sau đó, câu chuyện về sự lan truyền, những kết quả không ngờ tới và hiệu suất tăng dần. Là kết quả trực tiếp từ nhà máy Desh của Noorul Quader và doanh thu 55.500 đô-la thuở ban đầu, hiện nay, giá trị các mặt hàng may mặc của Bangladesh đạt gần 2 tỷ đô-la, chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu trong cả nước.
Để hiểu rõ tại sao 55.500 đô-la của Quader lại có thể mang lại con số 2 tỷ đô-la hiện nay, chúng ta phải quay trở lại thời điểm trước khi Desh ra đời. Là một cựu quan chức chính phủ với mạng lưới quan hệ rộng trên trường quốc tế, Quader đã tìm được một đối tác cùng thành lập nhà máy sản xuất áo sơ-mi đầu tiên ở Bangladesh. Đối tác này là một nhà sản xuất sản phẩm dệt may tầm cỡ thế giới – Công ty Daewoo của Hàn Quốc…
Daewoo và Công ty May Desh của Quader đã ký một thỏa thuận hợp tác vào năm 1979. Điểm cốt yếu của thỏa thuận này là việc Daewoo sẽ đưa 130 công nhân của Desh sang đào tạo tại nhà máy Pusan của Daewoo. Để đổi lại, Desh sẽ trả các khoản phí và hoa hồng bán hàng cho Daewoo, với giá trị bằng 8% doanh số.
Sự hợp tác này là một thành công lớn – hay thậm chí trên cả tuyệt với nếu đứng từ phía Daewoo”
Đọc đến đây, các nhà mác-xít nhất định sẽ giãy nảy lên mà rằng: “Bọn lãnh đạo” Daewoo quả thật là một lũ uống máu người không biết tanh, chúng bóc lột người ta đến tận xương tủy. Chẳng làm gì cả mà “ăn” những 8% doanh số, khốn nạn đến thế là cùng! Công thức của Mác vĩ đại đúng quá đi chứ còn gì nữa! Vâng, tôi cũng định đồng ý với các đồng chí nếu như ông William Easterly không viết tiếp như thế này: “Các nhà quản lí và công nhân của Desh tiếp thu rất nhanh. Ngày 30 tháng 6 năm 1981, chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động, Quader hủy bỏ thỏa thuận hợp tác. Lúc này, số lượng sản phẩm của Công ty đã tăng vọt từ 43.000 chiếc áo sơ-mi năm 1980 lên 2,3 triệu chiếc năm 1987. Mặc dù Daewoo không bị thiệt hại gì từ vụ hợp tác này nhưng những lợi ích từ sự đầu tư ban đầu vào tri thức đã lan rộng hơn dự tính của Daewoo.
Nhưng ngay cả Desh cũng không thể kiểm soát nổi cơn sốt sản xuất áo sơ-mi đang lan truyền tới những đối tượng khác. Trong suốt thập niên 1980, trong số 130 công nhân của Desh được Daewoo đào tạo, 115 người đã rời bỏ Desh để thành lập các công ty xuất khẩu hàng may mặc riêng của họ. Họ đa dạng hóa sản phẩm tới các sản phẩm găng tay, áo khoác và quần. Chính sự bùng nổ các công ty may mặc do những cựu công nhân của Desh thành lập đã giúp Bangladesh đạt được con số 2 tỷ đô-la doanh thu xuất khẩu từ hàng may mặc như hiện nay”.
Cuộc đời trớ trêu thế đấy, ông Hoàng Sơn ạ! Các Mác dĩ nhiên là một người cực kì thông minh và là một nhà tư tưởng lớn, nhưng công thức C + V + M của ông không thể áp dụng trong trường hợp này hay nó đã không được 115 cựu công nhân của Desh và hàng trăm ngàn người Bangladesh đang sống dựa vào ngành công nghiệp may mặc xuất khẩu chấp nhận. Bởi nếu họ chấp nhận như người Bắc Triều Tiên thì cuộc sống của họ có lẽ đã và sẽ khốn khó hơn rất nhiều. Những người thợ may ở Bangladesh và các ông chủ của họ cũng như những ông chủ hãng Daewoo đã thể hiện trên thực tế hiện tượng cộng sinh hay là bóc lột lẫn nhau, một hiện tượng rất thịnh hành trong tất cả các cơ thể đa bào. Có phải thế không, thưa ông Hoàng Sơn?
2. Đứa nào bảo bác bóc lột… Để em…
Bây giờ xin hãy tạm rời sách vở để về với cuộc sống đời thường, ý tôi muốn nói là về với khu “chợ người” trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) vào một buổi sáng cuối năm và xem xét kịch bản sau đây.
Lúc ấy đã tương đối muộn, nhưng vẫn còn vài chục người đứng ngồi vạ vật trên góc phố, hi vọng có việc làm ngày hôm đó thật là mong manh thì bỗng nhiên có một người đàn ông tà tà đi xe máy tới. Ông ta cần thuê 5 người sửa chữa hàng rào. Mức giá được thỏa thuận một cách nhanh chóng: bằng giá mà những người đang đợi bán sức lao động kia đã nhận trong ngày hôm qua, hôm kia… Và buổi chiều, nếu đấy là những người lao động vui tính và một ông chủ cũng vui tính thì rất có thể ta sẽ được nghe câu mấy câu đối thoại trước khi chia tay của họ như sau:
* May quá, đã tưởng hôm nay không có việc làm. Nếu không có bác thuê thì mai các cháu nhà em sẽ không còn gạo mà ăn…
* Ấy, nếu sau này xảy ra cải cách thì các anh chớ gọi tôi là địa chủ nhá…
* Địa chủ thế nào. Bác đã trả công sằng phẳng lại thuốc nước đầy đủ. Đứa nào bảo bác là địa chủ… Cứ để chúng em…
Chắc chắn là những người nông dân đang chờ bán sức lao động trên các “chợ” người ở đường Bưởi, ở ngã tư Giảng Võ – Đê La Thành, ở khu vực Thanh Xuân, Mai Động… cũng sẽ trả lời tương tự như thế nếu hợp đồng lao động được thỏa thận (giấy hay miệng không quan trọng) một cách sòng phẳng và công khai minh bạch. Ở đây cũng là hiện tượng cộng sinh giữa người chủ vườn và những người nông dân thất nghiệp mà thôi. Nghe đồn rằng, hồi đầu phát động Cải cách ruộng đất, tư tưởng nông dân “chưa thông” cho nên nhiều người nói rằng địa chủ nuôi nông dân chứ không phải nông dân nuôi địa chủ. Công thức của Mác vĩ đại cũng không thể áp dụng trong trường hợp này hay nói cách khác, không được những người trong cuộc chấp nhận. Có phải thế không, thưa ông Hoàng Sơn?
3. Khẩu hiệu “Làm theo… hưởng theo…” và những hình thức bóc lột khác
Một trong những ngộ nhận khủng khiếp nhất của cái thời gọi là quan liêu bao cấp là khẩu hiệu: “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động” do Mác đưa ra trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gotha xuất bản vào năm 1875. Người ta cứ tưởng rằng sau khi đã quốc hữu hóa, tập thể hóa tất cả tư liệu sản xuất, tất cả tư liệu sản xuất đã là của toàn dân rồi thì sẽ không còn hiện tượng người bóc lột người nữa và cái khẩu hiệu đầy nhân bản kia sẽ được đưa vào cuộc sống. Nhưng không phải như thế. Và lần này, để khỏi mang tiếng đạo văn, tôi lại xin trích dẫn một người nữa [2]:
“Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gotha, Marx cho rằng: “Trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản cũng không thể bỏ được nhà nước và pháp luật, và với sự phát triển của sức sản xuất đòi hỏi xã hội phải thực hiện phân phối ‘làm theo năng lực, hưởng theo lao động’ ”. Đây là một ngộ nhận rất lớn, một công thức nói nghe hay nhưng không thể nào thực hiện được. Trước hết xin nói về vế thứ nhất: Làm theo năng lực. Ai đã từng một lần mang giấy tờ đến phòng tổ chức cán bộ trong một cơ quan hay xí nghiệp xã hội chủ nghĩa xin việc hay xin chuyển công tác thì biết ngay các công chức quan liêu của nhà nước có thể phân công lao động “theo năng lực” như thế nào. Mà dù “chưa được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp”, mỗi người chúng ta cũng đều có thể cảm nhận rằng không ai biết rõ được năng lực của ta, thậm chí chính ta cũng không biết rõ năng lực của mình, năng lực của ta chỉ có thể hiển lộ trong quá trình thử và sai, nghĩa là trong một xã hội cạnh tranh với rất nhiều người sử dụng lao động, cho phép ta được quyền lựa chọn công việc mà thôi. Bây giờ xin chuyển sang vế thứ hai. Tôi nghĩ tốt nhất nên nhường lời cho một độc giả góp ý cho Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng trên trang 2 báo Lao động Chủ nhật, số 21/91 (76) ra ngày 9 tháng 6 năm 1991 dưới tiêu đề “Sức lao động có phải là hàng hoá?”. Nội dung bài góp ý như sau:
“Phần nói về chính sách tiền lương trong Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội VII của Đảng có đoạn: ‘Cải cách cơ bản chính sách tiền lương và tiền công theo các nguyên tắc: tiền lương và tiền công phải dựa trên số lượng và chất lượng lao động… thực hiện mối tương quan hợp lí về tiền lương và thu nhập của các bộ phận lao động xã hội’ (một cách nói khác của: hưởng theo lao động – NT). Hai nguyên tắc cơ bản trên đây rõ ràng ngầm cho rằng sức lao động không phải là một loại hàng hóa mà có thể dựa vào ‘số lượng và chất lượng’, bằng một cách tính nào đó xác định được giá trị tuyệt đối của tiền lương, tiền công cũng như tỉ lệ của mức thu nhập của các bộ phận lao động khác nhau. Phương pháp tính toán đó đòi hỏi trước hết phải xác định được chính xác ‘số lượng và chất lượng’ lao động riêng biệt, sau đó phải định được tỉ lệ tiền lương, tiền công cho từng ngành nghề khác nhau.
Song trong thực tế ta thấy rằng nếu coi số lượng và chất lượng lao động là tổn hao lao động sống thì hai chỉ số quan trọng nhất là cường độ và mức độ phức tạp của nó vẫn chưa đo lường được, ngay cả một cách gần đúng. Trước đây ở nhiều nước người ta đã thử đo bằng nhiều cách, cả trực tiếp lẫn gián tiếp nhưng đã phải bó tay, không làm sao xác định được được, kể cả giá trị tuyệt đối cũng như giá trị tương đối.
Nhưng nếu không thể xác định tiền lương, tiền công theo ‘tổn hao lao động sống’ thì có thể xác định theo ‘kết quả’ lao động được không? Ta dễ thấy rằng cách xác định này cũng không hiện thực hơn cách thức trước. Thứ nhất, kết quả lao động cá nhân của rất nhiều ngành nghề không thể nào đo lường được, không thể thể hiện bằng bất kì đơn vị đo lường nào, thí dụ như nhà thơ, giáo viên, lái xe, tổng công trình sư, chủ tịch ủy ban nhân dân… Thứ hai, và điều này là chủ yếu, ngay cả với những kết quả có thể dễ dàng đo được cũng không thể nào so sánh được. Thí dụ trong một ngày cô thợ dệt dệt được 100 mét vải, ông bác sĩ mổ được cho 2 người, còn người nông dân trồng được 30 kg hom sắn thì ta cũng không thể nói rằng người nào làm được nhiều hơn, người nào làm được ít hơn.
Như vậy ta thấy rằng nguyên tắc tính tiền lương và tiền công theo ‘số lượng và chất lượng lao động’ có chăng cũng chỉ có thể áp dụng trong những lĩnh vực hạn hẹp, thí dụ như trả lương cho những người cùng làm một loại sản phẩm trên cùng một loại máy móc. Còn trong toàn xã hội thì nguyên tắc đó không thể thực hiện được. Mọi cuộc cải cách tiến hành trên bàn giấy từ trước tới nay chỉ dẫn tới kết quả: Trả lương theo chức vụ và trả lương theo kiểu bình quân với mối tương quan bất hợp lí giữa các ngành nghề làm triệt tiêu mọi động lực lao động. Phương hướng hiện thực duy nhất là làm như thế giới công nghiệp vẫn làm: Coi sức lao động là một loại hàng hóa, nghĩa là giá trị của nó được xác định bởi qui luật cung cầu của thị trường…”
Tóm lại: Làm theo năng lực hưởng theo lao động là một mệnh đề vô nghĩa, bất khả thi “tại hiện trường”. Trên thực tế, ở đâu chúng ta chỉ thấy một sự tuỳ tiện, đúng như câu dân gian “lẩy” Kiều:
Bắt ở trần phải ở trần
Cho may ô mới được phần may ô
Hình như trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức lao động cũng đã được coi là một loại hàng hóa rồi. Những người vẫn khăng khăng cho rằng công thức của Marx là đỉnh cao của trí tuệ loài người rất nên tập hợp lại và tiến hành một đề tài nghiên Hình như trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức lao động cũng đã được coi là một loại hàng hoá rồi. Những người vẫn khăng khăng cho rằng công thức của Marx là đỉnh cao của trí tuệ loài người rất nên tập hợp lại và tiến hành một đề tài nghiên cứu: Trả lương theo số lượng và chất lượng lao động. Kết quả công cuộc khảo cứu xin gửi về: Kim Jong-Il, Bình Nhưỡng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; Fidel Castro, La Habana, Cuba; Hugo Chavez, Caracas, Venezuela. Chắc chắn là ba ông này sẽ vinh danh tác giả chủ chốt của đề án bằng cách dựng giữa Hà Nội một bức tượng bằng vàng khối, cao to chẳng kém gì tượng Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, V. I. Lenin ở vườn hoa Canh Nông sẽ chỉ còn là một anh lùn đen nhẻm, tội nghiệp mà thôi. Mong lắm thay!
Nhưng chính trong cái chế độ quan liêu bao cấp đó, đúng ra phải gọi nó là chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực, lại tồn tại rất nhiều hiện tượng bóc lột, cả trắng trợn lẫn tinh vi. Trước hết, việc bộ máy quan liêu bắt tất cả mọi người đều phải đi “xin việc” trong khi tài sản là sở hữu toàn dân là nó đã trắng trợn bóc lột nhân phẩm của mọi công dân rồi. Sau nữa, việc nhà nước trả lương rất thấp, nhưng bộ máy nhà nước thì rất cồng kềnh, thủ tục hành chính bị gọi là “hành” là “chính”, trong khi chi tiêu thì cực kì lãng phí (sự lãng phí được thể hiện đầy trên các mặt báo và ngổn ngang hai bên đường ta đi mỗi ngày) thì phải gọi là gì? Đấy chính là sự bóc lột trắng trợn, nhưng lại được che đậy dưới vỏ bọc tinh vi là cán bộ đảng và nhà nước dường như cũng sống đạm bạc chẳng khác gì thường dân. Còn bây giờ, sau khi không thể sống nổi với cái chủ nghĩa xã hội hiện thực đó nữa, sau khi bày ra cái gọi là “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì hiện tượng bóc lột càng được thể hiện trắng trợn hơn bao giờ hết. Rõ nhất là việc qui hoạch giải phóng mặt bằng, có thể biến những người nông dân trở thành tay trắng chỉ trong một đêm và biến một kẻ “trên răng dưới giày” trở thành tỉ phú cũng chỉ trong một đêm. Rồi những tập đoàn lợi ích bắt tay với quyền lực khuynh loát cả chính sách nhà nước. Rồi những vụ tham nhũng, thậm chí tham nhũng cả trong những dự án ODA, cả trong những đợt cứu trợ bão lụt… Thiết nghĩ chẳng cần lấy thêm thí dụ nữa. Ông Milovan Djilas, một trong những lãnh tụ của Đảng Cộng sản Nam Tư (cũ), đã gọi những kẻ có quyền bóc lột trong cái thể chế tự nhận là xã hội chủ nghĩa đó là Giai cấp mới [3]. Thiết nghĩ gọi như thế là hoàn toàn chính xác, vì trong những xã hội cũ không có giai cấp nào vừa bóc lột người dân một cách trắng trợn lại vừa lớn tiếng mị dân đến như thế.
4. Thay lời kết luận
Con người, ngay từ khi sinh ra đã không giống nhau về sức khỏe và trí tuệ, cho nên việc một số kẻ vô lương tâm tìm cách bóc lột đồng loại của mình là điều không thể tránh khỏi. Đấy là những kẻ bóc lột sức lao động trẻ em, đấy là những kẻ bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục, đấy là những kẻ bắt những người nông dân phải lao động trong các lò gạch, hay các khu đào đãi vàng chẳng khác gì nô lệ… Đây không phải là mặt trái của cơ chế thị trường mà là hiện tượng song hành cùng với lịch sử loài người, không thể nào khác được. Cho nên ý kiến của ông Hoàng Sơn: “yêu cầu xóa bỏ thuật ngữ ‘bóc lột’ khỏi kho tàng từ vựng thế giới” là việc làm bất khả thi. Chỉ có điều, khi nói đến bóc lột ta phải rất chú ý để có sự phân biệt. Theo thiển ý việc thu lợi nhuận bất chính từ lao động của người khác bằng cách lừa dối hoặc dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực mới nên được coi là bóc lột. Còn khi hai bên kí kết hợp đồng lao động một cách công khai, minh bạch, trên cơ sở luật pháp hiện hành thì đấy chính là thuận mua vừa bán, không thể coi là có kẻ bóc lột và người bị bóc lột được. Đương nhiên là người lao động thường không có đủ thông tin và ở thế yếu hơn cho nên họ có thể “bán hớ” sức lao động của mình. Nhưng việc bênh vực người lao động trong trường hợp này lại phải được thực hiện trên cơ sở có lí, có tình, trên cơ sở nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí chứ không thể dùng bạo lực, càng không thể dùng bạo lực cách mạng mà giải quyết được.
Tóm lại, hiện tượng cộng sinh giữa các sinh vật đa bào và song hành với nó là hiện tượng bóc lột là câu chuyện của muôn đời. Những người ưu thời mẫn thế, trong khi lên tiếng phản đối hiện tượng bóc lột phải rất thận trong để không rơi vào bẫy của những kẻ tuyên truyền mị dân, mù quáng phản đối những biểu hiện tưởng là bóc lột mà lại không phải là bóc lột và nhắm mắt làm ngơ, thậm chí đồng lõa với những kẻ bóc lột thật sự.
PNT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Chú thích:
[1]. William Easterly, Truy tìm căn nguyên tăng trưởng, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2009, trang 224-226
[2]. http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=11256&rb=0502
[3]. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5484&rb=08