Khu nhà ở của những người lao động nhập cư tại Kuala Lumpur (Malaysia), 25/6/2010 REUTERS/Samsul Said
- Lao động chê thị trường Mã – lai
-Lao động Việt Nam tại Malaysia đang chịu nhiều bất côngTP - Malaysia được coi là thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) chính của Việt Nam. Nhưng phần lớn lao động Việt Nam lại chê, không muốn sang Mã-lai làm việc, kể cả lao động ở các huyện nghèo...
Lao động Việt Nam do Cty Châu Hưng đưa đi làm việc tại Nhà máy Southern Cable – Malaysia. Ảnh: Phong Cầm. |
Do làm ăn chụp giật?
Sau sự cố Libya khiến hơn 10.000 lao động Việt Nam phải về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã chuyển hướng phát triển và mở rộng khai thác đưa lao động sang thị trường Malaysia với ý định coi đây là thị trường trọng điểm của đề án hỗ trợ các huyện nghèo đi XKLĐ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khẳng định, chủ trương chọn Malaysia làm thị trường chính để triển khai đề án hỗ trợ các huyện nghèo cũng sẽ gặp khó, vì chỉ dừng lại ở mục tiêu giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo thì ngay đối tượng tham gia (lao động nhàn rỗi, diện nghèo, trình độ thấp ở nông thôn) cũng chê thị trường Malaysia.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về thị trường Malaysia cho biết, hai năm qua, đơn vị ông có hàng tá hợp đồng nhưng không thể tuyển được đủ nguồn lao động để cung cấp cho đối tác ở Malaysia. “Về địa phương tuyển lao động, mới nói tuyển đi Malaysia, người ta đã lắc đầu rồi” - Vị giám đốc nói.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn coi Malaysia là thị trường chính nhưng đành bỏ lửng để chuyển hướng sang thị trường khác. Về vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, trong số 138 doanh nghiệp tham gia thị trường Malaysia đã có một nửa trong số đó đã chuyển hướng sang các thị trường khác.
Nguyên nhân được cho là quá khó khăn trong công tác tuyển lao động. Còn một số doanh nghiệp vẫn duy trì đưa lao động sang Malaysia nhưng với số lượng nhỏ giọt, làm để giữ thị trường theo chủ trương.
Thực tế Malaysia đang trải thảm đỏ với lao động Việt Nam nhưng số lượng người đăng ký đi Malaysia vẫn rất ít. Ba năm trở lại đây, số lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia giảm đến mức thê thảm. Nếu như vào năm 2006, trung bình một doanh nghiệp đưa được vài trăm tới vài ngàn lao động, thì từ đầu năm tới nay chỉ còn vài doanh nghiệp tên tuổi đưa đi được trên dưới 1.000 người.
Lý giải về việc người lao động, kể cả lao động huyện nghèo nhất cũng chê xuất ngoại, một chuyên gia cho biết, do chính các doanh nghiệp XKLĐ.
“Họ vì lợi nhuận và xem thường khâu tuyển dụng cũng như chất lượng đơn hàng ký kết (lương thấp) nên nhiều lao động sang Malaysia làm việc bị ngược đãi, nợ lương, trả lương không đúng cam kết... liên tiếp xảy ra. Trong khi đó, sự can thiệp, bảo vệ từ phía các doanh nghiệp lại không kịp thời khiến quyền lợi của lao động bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều lao động phải về nước trước thời hạn...”, ông nói.
Lương cao mới hút được lao động
Ông Nguyễn Tiến San - Tham tán, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết, thực ra thu nhập của lao động Việt Nam tại Malaysia hiện không phải là thấp. Lương cơ bản khoảng 21 RM/ngày.
Qua khảo sát, thu nhập bình quân của lao động đạt 900-1.100 RM/người/tháng (khoảng 6-8 triệu đồng). Với lao động có thâm niên (năm thứ tư trở lên) thu nhập 1.200-1.500 RM/tháng, thậm chí có lao động đạt 2.000-3.000 RM/tháng (từ 15 đến 20 triệu đồng). Mức thu nhập như vậy là cao ngang ngửa với lao động làm nghề may tại Đài Loan và một số nghề ở Nhật Bản.
Trước tình trạng lao động đăng ký đi Malaysia giảm sút, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội để đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Malaysia.
Ông Dato’Sh Yahya Bin SH. Mohamed - Cục trưởng Lao động (Bộ Nguồn nhân lực Malaysia) cho biết, nước này đang có nhu cầu tiếp nhận hơn 100.000 lao động nước ngoài/năm. “Chúng tôi đang rất cần lao động phù hợp với công việc và có kỷ luật tốt” - ông Dato’Sh Yahya Bin SH. Mohamed nói.
Tại hội thảo mới đây, bàn cách khôi phục XKLĐ sang Malaysia, nhiều giám đốc doanh nghiệp kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH nên chuyển hướng XKLĐ có nghề để giúp người lao động cải thiện cuộc sống và có thể vận dụng tay nghề, chuyên môn cho công việc sau này khi về nước.
Hiện một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng, như Cty Châu Hưng mới đây đã ký hợp đồng cung ứng 30 kỹ sư công nghệ thông tin sang làm việc cho Nhà máy Idimension MSC SDN BHD tại Malaysia với thu nhập từ 15 triệu đến 25 triệu đồng/người/tháng. Công ty Sovilaco cũng đang triển khai đơn hàng đưa 50 công nhân kỹ thuật, thợ tiện sang Malaysia, thu nhập từ 11 triệu đến 20,5 triệu đồng/người/tháng...
“Nếu các doanh nghiệp tiếp tục chọn những đơn hàng cho thu nhập cao, lao động có trình độ tay nghề thì chắc chắn thị trường Malaysia sẽ thu hút sự chú ý của người lao động. Bản thân người lao động thấy được lợi ích rõ ràng khi đi làm việc ở Malaysia thì không cần tuyên truyền nhiều họ cũng sẽ tham gia” - Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.
Ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu XKLĐ năm 2011 Thời kỳ hoàng kim, năm 2000, khi mới khai thác thị trường Malaysia, chỉ trong vòng 8 tháng sau khi chính thức mở cửa thị trường này (tháng 4-2002), đã có tới 21.240 lao động xuất cảnh sang Malaysia làm việc. Riêng năm 2003, lao động Việt Nam đăng ký sang Malaysia tới 38.227 người. Tuy nhiên, đến năm 2008, số lượng lao động sang Malaysia tiếp tục giảm xuống còn 7.810 người và tiếp tục tuột dốc xuống 2.792 người vào năm 2009. Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, do số lượng đăng ký đi XKLĐ sang Malaysia sụt giảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đưa 87.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2011. |
Phong Cầm
Từ nhiều năm nay, có nhiều vụ ngược đãi, bóc lột hay lừa đảo đối với các lao động Việt Nam tại Malaysia, đặc biệt là một số vụ buôn người, đã được các phương tiện truyền thông loan tải. Bộ luật phòng chống buôn người vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 1/4/2011 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2012.
RFI : Xin thân chào tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng. Malaysia vốn là nước tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Hiện nay, như anh biết, xu hướng lao động Việt Nam sẽ sang Malaysia ngày càng đông hơn. Là đại diện của một tổ chức thường xuyên theo dõi và hỗ trợ để bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam tại Malaysia, anh có thể cho biết, người lao động Việt Nam trong thời gian gần đây có được an toàn không, và có được đối xử công bằng không, thưa anh ?
Nguyễn Đình Thắng : Trước hết, chúng tôi muốn cung cấp một vài con số thống kê về một số người Việt đang lao động tại Malaysia. Hiện nay, chúng tôi ước lượng có khoảng 100.000 công nhân Việt Nam. Có hai thành phần lao động : thứ nhất là những người lao động làm việc trong các công xưởng, và thứ hai là những người làm việc tại tư gia. Số lượng lao động ở tư gia có lẽ sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tương lai trước mắt.
Hiện nay, những người lao động ở Malaysia đang gặp rất nhiều khó khăn, vì một số lý do sau đây.
Lý do thứ nhất, luật lệ của Mã Lai đối với những người lao động ngoại quốc thực sự chưa được áp dụng đúng đắn, tuy rằng có luật, nhưng những người lao động ấy không hề hiểu về luật và không biết quyền của mình được luật lệ hiện hành bảo vệ như thế nào. Thêm vào đó, luật đó có nhiều lỗ hổng, chẳng hạn như, chủ sử dụng lao động có toàn quyền sa thải công nhân bất cứ lúc nào. Chỉ trong vòng 24 tiếng là công nhân sẽ bị trục xuất, vì ngay sau khi bị sa thải, công nhân mất quyền lao động và quyền hiện diện tại Mã Lai. Vì vậy, xem như họ trở thành một người bất hợp pháp. Trong hoàn cảnh như vậy, họ không thể nào thưa kiện được.
Lý do thứ hai là các quốc gia gởi người đi, đặc biệt là Việt Nam, đã không có biện pháp để bảo vệ, đặc biệt là tòa đại sứ Việt Nam tại Malaysia, trong rất nhiều trường hợp lại đứng về phe chủ sử dụng lao động để trấn áp sự lên tiếng của những nạn nhân, có lẽ vì họ lo lắng rằng, [việc làm này] ảnh hưởng đến sự gia tăng số lượng người lao động xuất cảng sang Malaysia trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong các hợp đồng mà các công nhân Việt Nam phải ký vào văn bản tiếng Việt với các công ty xuất khẩu lao động. Có rất nhiều điều khoản vi phạm vào lãnh vực nhân quyền căn bản. Chẳng hạn như, cấm công nhân không được có « quan hệ » trong thời gian sang lao động, tức là quan hệ tình cảm. Hoặc, nữ giới không được quyền có bầu, có thai, không được quyền lấy người bản xứ, không được tham gia vào các hoạt động công đoàn, tôn giáo, hay chính trị tại Mã Lai. Đặc biệt, vấn đề không được tham gia vào công đoàn độc lập của Mã Lai, thì cái đó chọi lại với luật của quốc gia Mã Lai, cho phép các công nhân ngoại quốc gia nhập nghiệp đoàn Mã Lai. Đây là hai yếu tố gây rủi ro rất nhiều cho công nhân Việt Nam khi họ lao động tại Mã Lai.
RFI : Tiến sĩ có thể cho biết, từ đầu năm đến nay, có những vụ việc gì liên quan đến người lao động Việt Nam tại Malaysia không ạ ?
Nguyễn Đình Thắng : Chúng tôi chưa hề thấy trong vụ việc nào liên quan đến tình trạng bóc lột lao động trầm trọng đến mức độ có thể xem là buôn lao động, mà có được sự can thiệp tích cực từ phía tòa đại sứ Việt Nam ở Malaysia. Tất cả các trường hợp mà chúng tôi can thiệp và giải cứu từ ba năm nay, hoặc là chính quyền Việt Nam không hề can thiệp và công ty môi giới đưa công nhân đi không hề can thiệp, bỏ rơi họ hoàn toàn, hoặc nếu có can thiệp thì lại mang tính trấn áp, để bằng cách này, cách kia, đưa công nhân về nước thật sớm, thay vì hỗ trợ cho họ để kiện tụng tranh đấu đòi quyền lợi, đặc biệt là đòi phần lương bổng đã bị chủ sử dụng lao động quỵt.
Tôi e rằng, trong thời gian tới đây, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra, trừ khi chính quyền Việt Nam và đặc biệt là bộ Lao động, Thương binh, Xã hội có chỉ thị rõ ràng. Thứ nhất là đòi hỏi tất cả các đại diện của họ tại các quốc gia, nơi có người Việt Nam đang lao động, như tại Malaysia, phải thực thi đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận là bảo vệ cho công nhân, chiếu theo luật Xuất cảng lao động, chiếu theo các bản hợp đồng mà công ty môi giới đã ký kết. Việc thứ hai là, phải điều tra tất cả các công ty môi giới đã đưa người đi, và đã vi phạm luật pháp Việt Nam, hoặc là vi phạm hợp đồng đã ký kết với công nhân. Trong thời gian qua, chúng tôi đã cung cấp một danh sách khoảng gần 35 tổ chức công ty môi giới như vậy cho chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa hề có công ty nào trong số đó bị điều tra và kỷ luật. Ngược lại, năm ngoái, sáu trong số các công ty được tuyên dương ở Việt Nam nằm trong danh sách các công ty bê bối mà chúng tôi cung cấp.
RFI : Dường như trong khoảng thời gian ba, bốn tháng trở lại đây, ít thấy những vụ việc liên quan đến người lao động tại Malaysia được phát giác, có phải không ạ ?
Nguyễn Đình Thắng : Thực tế, ngay tuần vừa rồi thôi, chúng tôi đã khám phá ra năm, bảy trường hợp vi phạm trầm trọng. Nhưng chúng tôi chưa lên tiếng, bởi vì chúng tôi chuyển các hồ sơ đó sang một tổ chức công đoàn độc lập của Malaysia để phối hợp. Kế hoạch của chúng tôi là tập trung vào một, hai hoặc tối đa là ba trường hợp rất điển hình và rất lớn, có tầm vóc quốc tế, chẳng hạn như liên quan đến một số đại công ty quốc tế. Chúng tôi dùng cái đó để đẩy nỗ lực chống buôn người đến tầm mức cao hơn, thay vì giải quyết những vụ rất nhỏ. Thực sự, chúng tôi vẫn tiếp tục giải quyết những vụ rất nhỏ để giải cứu nạn nhân, nhưng không dồn quá nhiều nỗ lực vào các việc nhỏ.
RFI : Thưa tiến sĩ, theo như tôi được hiểu, tiến sĩ là người rất quen thuộc với khu vực Đông Nam Á và mới đây, tiến sĩ qua dự Hội nghị Xã hội Công dân của các nước thuộc khối Asean, được tổ chức song song với Hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ quốc gia. Trong Hội nghị này, xin tiến sĩ cho biết, vấn đề quyền lợi của người lao động có được đề cập đến không, và nếu có thì được đề cập đến như thế nào ?
Nguyễn Đình Thắng : Có những điểm sau đây liên quan đến người lao động đã được nêu lên trong bản tuyên bố chung. Thứ nhất là người lao động phải được tất cả các chính quyền Asean bảo vệ. Thứ hai là người lao động, dù ở tại quốc gia của họ hay ở một quốc gia Asean khác phải được bảo vệ và có toàn quyền tham gia hoặc thành lập nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho họ. Thứ ba là, người lao động ở ngoài nước phải nhận được sự bảo vệ tuyệt đối của luật pháp, nơi quốc gia sở tại, nghĩa là quốc gia nơi họ đang lao động, như là một công nhân ở quốc gia đó. Điều này liên quan đến sự chênh lệch giữa hợp đồng bằng tiếng Việt mà công nhân phải ký kết với một công ty môi giới và luật pháp của Mã Lai như tôi mới trình bày. Và điểm thứ tư được nêu ra là, những người lao động tư gia, tức là những « gia nhân », tiếng Việt hiện nay gọi là Ô-sin, phải được thụ hưởng tất cả các bảo vệ của luật lao động, mà hiện nay ở rất nhiều quốc gia, họ không được xem như một người lao động thuần túy, họ không được che chở của luật lao động hiện hành. Tình trạng này xảy ra tại Mã Lai, ở Đài Loan và nhiều quốc gia khác. Suốt gần hai năm nay, Indonesia đã ngưng không xuất cảng những người lao động gia nhân như vậy đến Malaysia nữa. Trong khi đó, Việt Nam lại muốn gia tăng gởi số lượng người lao động tư gia. Đó là mối quan tâm của tôi, vì những người lao động đó rất dễ bị bóc lột, vì họ cô thế, một mình sống giữa bốn bức tường.
Tôi xin nhắc lại tình trạng lao động tư gia. Thực sự ra Indonesia và Philippines, hai quốc gia gửi rất nhiều lao động từ trước đến giờ, hiện nay đang có điều đình với chính phủ Malaysia để bảo vệ cho quyền lợi của người lao động tư gia của họ. Trong khi đó, Việt Nam chưa có động thái nào để can thiệp, bảo vệ hay lên tiếng phản đối, trong những trường hợp lao động tư gia bị bóc lột và bị đối xử hết sức tàn nhẫn bởi chủ nhân.
Có một vấn đề nữa chúng tôi muốn nêu ra là, hiện nay, tại Asean thiếu sự phối hợp giữa các chính quyền. Bởi vì buôn người là hiện trạng xuyên quốc gia, nếu có muốn truy tố và điều tra, phải có sự phối hợp giữa nhiều quốc gia, như vậy, mới tránh được tình trạng như chúng tôi đã trình bày. Chủ sử dụng lao động Mã Lai quỵt tiền lương của công nhân Việt Nam, lập tức sa thải họ và giao nạp cho cảnh sát Mã Lai để trục xuất về Việt Nam. Trong khi chính quyền Việt Nam không làm gì để lên tiếng, một khi nạn nhân bị đưa về Việt Nam rồi, không còn cơ hội để mà tranh đấu đòi công lý, quyền lợi cho mình. Hoặc ngược lại, ở Malaysia, đang muốn truy tố, nhưng phía Việt Nam không cho các công nhân là nạn nhân, quay trở lại ra tòa án Malaysia làm nhân chứng, thì cũng không thể nào truy tố được.
Chính vì như thế, chúng tôi sẽ đi vào một số trường hợp thật lớn và sẽ đi đến cùng cho đến khi nào giải quyết được một cách thỏa đáng theo luật pháp hiện nay, hoặc đòi hỏi sự cải tổ luật pháp để chống buôn người một cách hiệu quả hơn.
RFI : Thưa tiến sĩ, như vừa rồi tiến sĩ nói, việc chống buôn người và bảo vệ quyền cho người lao động không phải là vấn đề riêng của từng quốc gia một, mà là vấn đề xuyên quốc gia, đặc biệt là giữa các quốc gia thuộc một khu vực có liên quan mật thiết với nhau, như quan hệ Việt Nam và Malaysia. Vừa rồi luật chống buôn người vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua và sắp có hiệu lực. Vậy thì theo tiến sĩ, những thách thức nào mà các tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt là chính phủ Việt Nam phải giải quyết để có thể thực hiện được mục tiêu đó ? Nhân đây, cũng xin hỏi kèm thêm, thưa tiến sĩ, cái giải pháp như tiến sĩ đang thực hiện cùng với một số cơ quan tại Malaysia cho thấy sự phối hợp giữa xã hội dân sự và chính quyền là một yếu tố rất quan trọng. Như vậy, tiến sĩ có thể cho biết thêm một số kinh nghiệm tại các nước Asean được không ?
Nguyễn Đình Thắng : Trước hết, chúng tôi rất hoan nghênh Việt Nam lần đầu tiên có một luật về phòng, chống buôn người tương đối tổng hợp, hiểu theo nghĩa là có thừa nhận tình trạng buôn lao động. Trước đây luật pháp Việt Nam không thừa nhận tình trạng này, mà chỉ thừa nhận tình trạng buôn phụ nữ và trẻ em nằm trong bối cảnh phần lớn liên quan đến buôn tình dục. Trong khi đó, buôn lao động là thực tế lớn hơn và trầm trọng hơn buôn tình dục rất nhiều. Đây là một bước tiến rất đáng kể.
Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, luật Phòng, chống buôn người vừa được thông qua, không mang tính thực luật. Đó chỉ là một nghị quyết, bởi vì không có các biện pháp trừng trị. Ở trong các đạo luật, khi có sự vi phạm, phải có biện pháp trừng trị. Trong bộ luật này, chỉ nhắc đến, nếu có vi phạm, thì áp dụng hai điều khoản có trong bộ luật Hình sự hiện hành. Nhưng hai điều khoản trong bộ luật Hình sự không liên quan đến việc buôn lao động, chỉ liên quan đến việc buôn phụ nữ và trẻ em mà thôi. Thành ra cái đó là một khiếm khuyết rất lớn. Cái khiếm khuyết thứ hai là định nghĩa về buôn người rất lỏng lẻo, ai muốn diễn giải ra sao cũng được cả. Như vậy, khi truy tố, tùy theo công tố viên, có thể diễn giải tùy tiện diễn giải, đây là buôn người hay không phải.
Bộ luật này như vậy chỉ là một nghị quyết đưa ra quyết tâm phòng buôn người, hơn là chống buôn người thực sự. Dù sao chúng tôi cũng thấy rằng, có thể huy động được xã hội dân sự, người dân, các tổ chức tôn giáo trong nước, kể cả các công ty, doanh gia, giáo viên, sinh viên, v.v. để phổ biến thế nào là buôn người và hướng dẫn cho người dân làm thể nào để phòng ngừa không để trở thành nạn nhân của buôn người. Điều này cũng có thể khai thác được [theo luật này].
Đối với vấn đề truy tố tội buôn người, cần phải tu chính luật hiện nay, thì mới có thể thực hiện được. Nói về bối cảnh chung của khối Asean, càng ngày càng có nhiều quốc gia thông qua các luật phòng, chống buôn người. Có một số quốc gia quan tâm thực hiện các luật của họ một cách nghiêm chỉnh hơn, như là Indonesia, hay Philipppines. Một số quốc gia không nghiêm chỉnh lắm trong việc thực thi đạo luật của họ, như Malaysia hiện nay. Họ thông qua đạo luật, nhưng không quyết tâm thực hiện đạo luật. Cam Bốt cũng vậy. Còn Việt Nam vừa chỉ mới thông qua như chúng tôi mới trình bày.
Hiện nay, các khó khăn là, thứ nhất, các đạo luật của từng quốc gia còn rất nhiều khiếm khuyết. Thứ hai, vấn đề thực thi pháp luật còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là ở các nước như Malaysia hay Việt Nam. Thứ ba là thiếu sự hợp tác giữa các nước. Và đặc biệt là chưa có sự tham gia ngang bằng của các tổ chức thuộc xã hội dân sự và chính quyền, ngoại trừ một vài quốc gia, như Philippines, Thái Lan, chính quyền hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức ngoài chính quyền. Còn ở các nước khác, các tổ chức ngoài chính quyền chưa được sự tôn trọng và đối xử ngang bằng, hợp tình hợp lý.
RFI : Về trường hợp của Thái Lan, như tiến sĩ cho biết, có sự phát triển mạnh hơn, tốt hơn của các tổ chức thuộc xã hội dân sự trong lĩnh vực này. Tiến sĩ có thể cho một ví dụ được không ?
Nguyễn Đình Thắng : Ví dụ như thế này. Khi một cơ quan công lực như cảnh sát, hoặc tuần duyên của Thái Lan nhận diện ra được ổ buôn người, thì trước khi giải cứu cho nạn nhân, họ báo động ngay cho một số tổ chức ngoài chính phủ. Khi họ giải cứu, thì cả hai bên đều có các nhân viên hiện diện để các nạn nhân được bảo vệ. Thay vì, nếu chỉ có cảnh sát vào giải cứu, thì biết đâu, cảnh sát nhận diện sai rằng, đây không phải nạn nhân, mà chỉ là những người vi phạm luật, do đó truy tố và trục xuất họ, trước khi có sự can thiệp của các tổ chức ngoài chính phủ.
Khi các tổ chức ngoài chính phủ can thiệp cùng với cảnh sát, thì họ có ngay các phương tiện tư vấn và bảo vệ, đưa về các nhà tạm trú chẳng hạn, rồi họ phối hợp với các cơ quan công lực, bắt đầu các cuộc phỏng vấn lấy cung để chuẩn bị cho việc truy tố. Đấy là « điểm son » ở Thái Lan, với sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các cơ quan công lực và các tổ chức ngoài chính phủ.
Ở tại Thái Lan, nếu những người lao động gặp trở ngại, bị bóc lột, bị quỵt tiền lương, tai nạn lao động, chủ lao động không bồi thường, hoặc không có bảo hiểm sức khỏe, thì họ có thể liên lạc với các công đoàn, các tổ chức xã hội dân sự từ thiện như nhà chùa, nhà thờ (nếu có các hoạt động xã hội tại đây), các hội thánh Tin Lành. Thành ra họ cũng được bảo vệ. Tuy nhiên, trở ngại lớn đối với những người lao động là họ đến từ các quốc gia mà quyền lợi như một công dân, hay một công nhân không được bảo vệ, nên họ vốn không hiểu được các quyền lợi của mình. Còn một trở ngại thứ hai nữa là ngôn ngữ.
RFI : Thưa tiến sĩ, tóm lại, như tiến sĩ cho biết, so sánh trong mặt bằng các nước Asean, tạm gọi là phát triển hơn, thì Malaysia là nước có nhiều « vấn đề » về lao động nhất, mà đây có thể coi là nước mà Việt Nam gửi nhiều lao động nhất. Như vậy, chắc rằng trong tương lai tổ chức của tiến sĩ sẽ có rất nhiều việc phải làm trong lĩnh vực này, có đúng không ?
Nguyễn Đình Thắng : Vâng, chúng tôi chọn Malaysia làm thí điểm, vì Malaysia là nơi có đông đảo công nhân lao động Việt Nam ngoài nước nhất trên thế giới. Quốc gia thứ hai cũng đông người Việt là Đài Loan. Nên Camsa (Liên minh bài trừ nô lệ mới tại Á Châu) chọn hai quốc gia này làm nơi hoạt động tiên khởi. Trong thời gian tới đây, chúng tôi có ba trọng tâm hoạt động tại Malaysia, cũng như tại Đài Loan.
Trọng tâm thứ nhất là tiếp tục thúc đẩy chính quyền thực thi một cách nghiêm chỉnh các đạo luật mà họ thông qua về vấn đề phòng và chống buôn người.
Thứ hai là, thông tin, hướng dẫn cho người lao động Việt Nam để hiểu về quyền và lợi ích, theo luật Chống buôn người và luật Lao động Mã Lai, cũng như hướng dẫn làm sao họ có thể đi cầu cứu, nếu như họ không tự mình bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.
Thứ ba là chúng tôi tập trung vào tạo dựng và phát triển năng lực, nội lực của các tổ chức ngoài chính phủ của Malaysia để họ có thể bảo vệ, giúp cho những người lao động một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, để họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong quan hệ đối tác với các cơ quan công quyền của Malaysia, và ảnh hưởng đến quá trình lập pháp, nhằm tu chính những khiếm khuyết của đạo luật hiện nay, nhằm hoàn thiện đạo luật phòng, chống buôn người của Malaysia.
RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.