Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Lạc Văn - Duyên tình Việt Trung

04.04.2010
Có những điều ở đời không phải do ta lựa chọn, mối duyên tình láng giềng Việt – Trung trên hai ngàn năm nay cũng vậy. Suốt hơn hai nghìn năm đó, quan hệ tốt xấu, lợi hại cũng tùy lúc. Nhưng có hai yếu tố xuất hiện gần như thường trực trong cả chiều dài lịch sử quan hệ hai nước là sự nghi ngờ của ta với Trung Quốc, và Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh hay thậm chí là sự tồn vong của Đất nước. Mối nghi ngại đó đã trở thành tiềm thức cộng động. Cũng không cần có những nghiên cứu chuyên sâu ta cũng hiểu được lý do. Hơn nghìn năm Bắc thuộc, và sau khi nước ta giành được độc lập, đã bao lần bị Trung Quốc tấn công, từ các triều đại Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đến CHND Trung Hoa. Nhưng cũng phải công bằng mà đánh giá, quan hệ Việt – Trung đã đem lại những giá trị quý giá, đó là sự giao thoa văn hóa, làm phong phú văn hóa Việt. Và ta cũng phải nhìn nhận sự giúp đỡ, ủng hộ quý giá về chính trị, quân sự, kinh tế của CHND Trung Hoa trong những ngày khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi mà ta bị bao vây, chưa nhận được sự công nhận và giúp đỡ nào từ bên ngoài, cũng như sự giúp đỡ to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tuy những sự giúp đỡ đó cũng vì cả lợi ích riêng của Trung Quốc. Giúp Việt Nam, Trung Quốc tránh bị bao vây và đối mặt trực tiếp với những kẻ thù đế quốc là Pháp, và sau là Mỹ. Giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Trung Quốc còn cạnh tranh ngọn cờ đầu với Liên Xô trong phong trào cách mạng và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, cũng như luôn tạo ra không khí chuẩn bị chiến tranh để người dân Trung Quốc bớt chú ý đến những khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng diễn ra lúc bấy giờ. Bất cứ việc gì người ta làm cũng có động cơ, và đó cũng là điều hiển nhiên, không phải vì vậy mà ta đánh giá thấp sự giúp đỡ của họ.
Xác định về tiềm năng của quan hệ Việt – Trung trong tương lai, ta có thể đánh giá sơ qua tiềm lực của Trung Quốc, mục tiêu và chiến lược của họ, chiến lược trong quan hệ với các cường quốc khác, với các nước trong khu vực, chiến lược đối với Việt Nam,và chiến lược của ta, cũng như vị thế địa – chính trị của Việt Nam.
Thứ tự mục tiêu của Đảng và nhà nước Trung Quốc có thể sắp xếp như sau:
- Quan trọng nhất tất yếu sẽ là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và tính chính đáng của nó;
- Ổn định xã hội, đảm bảo phát triển với mục tiêu trở thành siêu cường. Cũng chính những yếu tố này đảm bảo tính chính đáng của vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng;
- Giải quyết những vấn đề liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ, ưu tiên hàng đầu sẽ là vấn đề Đài Loan, Tây Tạng. Nếu là siêu cường, cũng như một người khỏe mạnh, không thể để tồn tại trong mình những trọng bệnh;
- Để có được ổn định xã hội, nhà nước cần phải giải quyết các vấn đề như khoảng cách phân biệt giàu nghèo quá lớn, tình trạng tham nhũng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, vấn đề môi trường, vấn đề dân tộc thiểu số, tín ngưỡng;
- Để đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế, Trung Quốc cần đến vốn, năng lượng và chất xám;
- Tùy theo vị thế của mình, tình hình phát triển trên thế giới trong mỗi thời điểm, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, quan trọng nhất trong đó sẽ là tranh chấp trên Biển Đông. Biển Đông vừa liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vừa là nguồn cung cấp năng lượng với trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt, lại là tuyến đường chiến lược trong vận tải nói chung và vận tải dầu mỏ nói riêng. 80% lượng dầu mỏ đến Trung Quốc đi qua Biển Đông. Biển Đông cũng có vị trí chiến lược để vươn ra ngoài của Trung Quốc;
Đánh giá tiềm lực của Trung Quốc, ta có thể thấy Trung Quốc là cường quốc chính trị, thành viên thường trực của HĐBA LHQ, một trong năm nước có quyền phủ quyết. Trung Quốc là cường quốc kinh tế, hiện tại có nền kinh tế lớn tương đương Nhật Bản, nước đứng thứ hai trên thế giới. Với sự phát triển nhanh của mình, Trung Quốc có tham vọng muốn trở thành siêu cường, cạnh tranh với Mỹ trong tương lai không xa. Điều đó hoàn toàn có thể trở thành sự thực. Trung Quốc cũng là cường quốc quân sự, với chi phí quân sự khoảng 70 tỷ USD trong năm 2009, con số chính thức do Trung Quốc công bố ("China Plans to Boost 2009 Military Spending by 14.9% (Update2)"), con số chi thực có thể vượt 100 tỷ USD, tăng khoảng 15% /năm, chi phí quân sự chỉ sau Mỹ.
Tiềm năng của Trung Quốc rất lớn, với dân số 1,3 tỷ người, diện tích rộng lớn, văn hóa phong phú và lâu đời. Ngoài những nguy cơ gây bất ổn xã hội có thể làm Trung Quốc suy yếu, mất ổn định chính trị cũng có thể gây nên thảm họa. Mầm mống tiềm tàng có thể gây nên khủng hoảng chính trị trong tương lai dài hạn của Trung Quốc chính là thể chế chính trị. Câu hỏi là liệu khi đời sống vật chất đầy đủ, dân trí tăng cao, nhu cầu tinh thần của người dân có đòi hỏi những cải cách, thay đổi nền tảng chính trị hay không, và khi thay đổi thể chế chính trị liệu có gây nên nội chiến hay không. Trong lịch sử Trung Quốc, thay đổi quyền lực, chính quyền, thể chế thường kéo theo nội chiến đẫm máu. Cho dù dân trí nâng cao, không loại trừ được khả năng nội chiến, bởi Trung Quốc không bao giờ thiếu sự chia rẽ, không thiếu những giới quyền lực, quân phiệt, tài phiệt có tham vọng quyền lực.
Nền tảng kinh tế của Trung Quốc hiện tại khá vững. Qua cuộc khủng hoảng vừa rồi ta có thể thấy Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ phát triển rất cao trên 8%, bởi nền kinh tế không chỉ dựa vào xuất khẩu mà tiêu dùng nội địa đã đóng vai trò quan trọng. Kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào khủng hoảng trong tương lai nếu như bong bóng trái phiếu chính phủ Mỹ vỡ. Trung Quốc còn nắm trong tay hơn nghìn tỷ USD trái phiếu đó. Nợ của chính phủ Mỹ là rất lớn, số nợ sẽ còn tăng cao bởi thâm hụt ngân sách của Mỹ trong những năm tới còn trên đà tăng. Khả năng chi trả có thể sẽ thành vấn đề, đòi hỏi phải in thêm tiền. Lạm phát tăng, chi phí tăng, giá thành đồng vốn tăng, nợ tăng, chỉ số tin cậy giảm. Nó như cái vòng luẩn quẩn. Nhưng kịch bản đó nếu xảy ra sẽ kéo theo khủng hoảng toàn cầu, người bị thiệt sẽ không chỉ có Trung Quốc. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc có thể gặp khủng hoảng trong trường hợp bong bóng thị trường nhà đất, chứng khoán tại Trung Quốc vỡ, kéo theo khủng hoảng hệ thống tài chính.
Hiện tại một trong những sức mạnh cạnh tranh, và là động lực phát triển của nền kinh tế Trung Quốc vẫn dựa trên yếu tố nhân công rẻ, sự chăm chỉ của người dân, sự linh hoạt của doanh nghiệp. Nền kinh tế dựa trên sản xuất với công nghệ, giá trị chất xám tương đối thấp hay vẫn được gọi là copy chất xám, sử dụng nhân công nhiều. Nếu Trung Quốc muốn đảm bảo tốc độ phát triển cao trong một giai đoạn dài trong tương lai, và muốn trở thành nước phát triển thì đòi hỏi phải đầu tư rất lớn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi nền tảng quản lí – tư duy, công nghệ - khoa học kỹ thuật, kinh tế và giáo dục mà các nước phương Tây đã phải đầu tư trong vòng hơn hai trăm năm kể từ cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18, Nhật Bản cũng đã trải qua gần một thế kỷ rưỡi, tính từ Minh Trị duy tân, thập niên 60 của thế kỷ 19. Thời gian để Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore trở thành những nước phát triển có ngắn hơn, bắt đầu từ những năm 50-60 của thế kỷ 20, nhưng những nước đó rất nhỏ so với trường hợp Trung Quốc, rất khó để copy mô hình như vậy vào một nước lớn như Trung Quốc. Con số hơn nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ là quá nhỏ với khối lượng công việc như vậy. Nguồn vốn chính sẽ phải là nội lực trong dân, đó là sự tích lũy vật chất và tư duy trong cả quá trình, với Trung Quốc là 31 năm, tính từ năm 1979, khi bắt đầu cải cách. Con đường nào cho sự phát triển kinh tế lâu dài của Trung Quốc, đó là câu hỏi khó, và làm sao cùng lúc đảm bảo được công việc cho 1,3 tỷ dân, đảm bảo được ổn định chính trị - xã hội.
Trong chiến lược vươn ra ngoài, dễ nhận thấy là hướng Biển Đông và Đông Nam Châu Á sẽ là hướng chính của Trung Quốc. Ở phía bắc, tây bắc Trung Quốc có Nga. Tuy không còn là siêu cường, Nga vẫn là cường quốc trên thế giới, thành viên thường trực của HĐBA LHQ, cường quốc quân sự, siêu cường nguyên tử, là một trong hai nước trên thế giới được đảm bảo không có nước nào chủ động gây chiến tranh tổng lực, bởi gây chiến tranh tổng lực với Nga hoặc Mỹ là đồng nghĩa với tự hủy diệt. Tuy mối quan hệ Trung – Nga được cải thiện, hai nước trở thành đối tác chiến lược, sự tin cậy giữa hai nước khó có thể có. Hiện giờ hai nước hợp tác vì cần có nhau. Nga cần tiền, Trung Quốc cần năng lượng và công nghệ quân sự hiện đại, hai bên đều muốn nhìn một thế giới đa cực, đối chọi với thế giới đơn cực của Mỹ, ngoài ra không có sự gắn kết chiến lược lâu dài nào, với bản chất của hai nước lớn nằm cạnh nhau, cả hai vẫn phải đề phòng nhau.
Phía đông Trung Quốc là Thái Bình Dương, bị Mỹ chi phối cùng với những điểm chốt chiến lược từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho đến Đài Loan, Philipines hay xa hơn là Úc. Bản thân Nhật Bản với nền kinh tế, công nghệ cao, là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc, nhất là quan hệ hai nước không thể vượt qua được những tồn đọng của lịch sử đau buồn do chiến tranh thế giới lần thứ hai gây nên. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tranh chấp hải đảo và lãnh hải với Trung Quốc.
Phía tây nam Trung Quốc có Ấn Độ, sẽ là cường quốc mạnh trong tương lai gần, với hơn một tỷ dân và phát triển kinh tế tương đối nhanh. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn có những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ khó giải quyết. Trung Quốc luôn ủng hộ Pakistan, đối thủ chính của Ấn Độ để khống chế Ấn Độ. Chắc chắn Ấn Độ không phải đối thủ dễ bắt nạt. Ngoài Ấn Độ, ở phía tây nam Trung Quốc còn có quân Mỹ đang đóng ở Irak là Afganistan.
Do địa lý Trung Quốc bị bao vây bởi các đối thủ hoặc tiềm năng có thể là đối thủ mạnh. Con đường chính của Trung Quốc để phát triển ảnh hưởng còn lại là phía nam. Từ xưa đến nay, phía nam luôn là hướng tiến của Hán tộc. Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để phát triển ảnh hưởng về phương nam của Trung Quốc, cũng là đối thủ quan trọng nhất trong tranh chấp trên Biển Đông. Chắc chắn trong chiến lược của mình, Trung Quốc không thể để Việt Nam rơi vào vòng ảnh hưởng của Mỹ, vì nếu Việt Nam ngả theo Mỹ, Mỹ có thể tiến sát đến biên giới Trung Quốc, tiếp cận với vùng kinh tế phát triển của Trung Quốc, và bịt cửa ngõ phía nam.
Trung – Mỹ hiện giờ là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, nhưng Mỹ lại không muốn có một đối thủ cạnh tranh trong tương lai. Tuy vậy, khả năng của Mỹ cũng có hạn, không thể ra mặt kìm chế Trung Quốc. Mỹ còn cần Trung Quốc vì Trung Quốc là chủ nợ lớn và đối tác kinh tế hàng đầu, Mỹ cần Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề quốc tế như vấn đề hạn nhân của Triều Tiên hay Iran. Còn với Trung Quốc, Mỹ vừa là đối tác kinh tế chiến lược lớn nhất, Mỹ lại là kẻ thù chính trong ý thức hệ, đối thủ trong tương lai.
Chắc chắn trong chính sách của mình. Trung Quốc đặt Việt Nam thuộc vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hàng xóm quen thuộc, là nước nhỏ, nhưng không dễ bắt nạt, người dân có tinh thần chống Trung Quốc cao. Nếu Việt Nam không phải đồng minh của Trung Quốc thì ít nhất Trung Quốc cũng không thể để Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ, chống Trung Quốc.
Với tiềm lực quân sự của Trung Quốc, phát triển trọng tâm là hải quân và không quân, „chiến lược biển xanh" là mối đe dọa nguy hiểm đối với các nước nhỏ xung quanh. Trung Quốc đầu tư phát triển tàu sân bay, những hạm đội tàu ngầm chiến lược, tàu ngầm với vũ khí truyền thống, những hạm đội tàu nổi, không quân với các máy bay thế hệ 4+ với mục tiêu tiến ra xa bờ, phản ứng nhanh, đảm bảo ưu thế trên đại dương để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài chiến lược đầu tư phát triển lâu dài, mục tiêu cụ thể hiện nay của hải – không quân là gây áp lực, khi cần thiết sẽ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, gây áp lực hoặc giải quyết vấn đề trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Đông Hải Trung Quốc. Một khi vấn đề Đài Loan được giải quyết, áp lực quân sự của Trung Quốc đối với Biển Đông sẽ càng tăng mạnh.
Xét về mặt quân sự, dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Trường Sa không phải khó đối với Trung Quốc, nhưng làm sao bảo vệ được tuyến vận tải – hậu cần xa bờ dài hàng ngàn km dọc theo bờ biển Việt Nam thì là một vấn đề. Nguy hiểm hơn, nếu chiến tranh xảy ra, làm sao Trung Quốc có thể bảo vệ cho tuyến đường vận tải dân sự của mình khi qua Biển Đông. Vả lại, nếu Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Trường Sa, các nước có tranh chấp với Trung Quốc sẽ phải đề phòng, chạy đua vũ trang, như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philipines, Malaysia. Các nước có quyền lợi liên quan đến tuyến vận tải qua Biển Đông, đặc biệt như Mỹ cũng không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Chiếm Trường Sa, Trung Quốc đẩy Việt Nam phải lựa chọn thân Mỹ, chống Trung Quốc, các nước ASEAN cũng không thể yên tâm, tin cậy Trung Quốc. Hiện giờ Trung Quốc đang xây dựng một hình ảnh thân thiện, tin cậy và phát triển trên trường quốc tế. Ngoài ra thương mại hai chiều Việt – Trung có thể đạt 25 tỷ USD trong năm 2010, lợi ích kinh tế không phải nhỏ đối với Trung Quốc. Đánh Việt Nam chiếm Trường Sa, Trung Quốc sẽ phải đối phó với dư luận quốc tế, vì là nước lớn bắt nạt nước bé, và cũng bởi có không ít các nước không ưa sự lớn mạnh của Trung Quốc, ví như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Mỹ. Bản thân chiến tranh cũng có thể gây nên bất ổn tại Trung Quốc, ít nhất là tại phía nam, vùng kinh tế phát triển và năng động nhất của Trung Quốc. Yếu tố ổn định rất cần cho sự phát triển kinh tế.
Do vậy, chính sách của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông là đàm phán song phương. Dùng sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế ép đối thủ để kiếm được nhiều lợi ích nhất. Với khẩu hiệu gác bất đồng cùng nhau khai thác, Trung Quốc từ chỗ không có gì trở thành người nắm thế chủ động, hưởng lợi nhất từ Biển Đông. Trung Quốc cũng tách rời vấn đề tranh chấp Biển Đông với tự do hàng hải quốc tế qua Biển Đông để Mỹ không có cớ nhẩy vào. Hiện tại Mỹ tuyên bố trung lập trong các tranh chấp trên Biển Đông.
Nguy cơ lớn nhất để xảy ra chiến tranh Trung – Việt trên Biển Đông là trong những trường hợp sau:
- Trường hợp quá thuận lợi để Trung Quốc chiếm Trường Sa;
- Trường hợp Trung Quốc gặp khủng hoảng chính trị, an ninh, kinh tế có nguy cơ tổn hại đến tính chính đáng của Đảng, chính quyền. Khi đó nhà cầm quyền có thể tìm đến những giải pháp cực đoan để đánh lạc hướng sự quan tâm, bức xúc của nhân dân vào vấn đề khác, giảm thiểu sự chú ý đến vấn nạn thực tế. Cách dễ nhất sẽ là cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tìm ra một kẻ thù chung cho dân tộc. Hiện tại chính sách của chính quyền Trung Quốc cũng đang dung túng cho chủ nghĩa dân tộc đại Hán. Chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh sẽ làm cho người dân vì cái chung hy sinh cái tôi, xã hội sẽ mang tính đơn sắc hơn, sự khác biệt khó được khoan dung. Dung túng cho chủ nghĩa dân tộc có thể gây nên những hệ quả của nó. Giống như trường hợp nước Đức, cường quốc, nước có lịch sử lâu đời, văn hóa rực rỡ, bị nhục nhã sau thế chiến lần thứ nhất, Trung Quốc cũng đã bị làm nhục suốt từ nửa sau của thế kỷ 19 cho đến giữa thế kỷ 20, môi trường vậy có thể nảy sinh ra chế độ quái gở tương tự như phát xít Đức;
- Trường hợp Trung Quốc muốn khẳng định vị trí siêu cường của mình, Trung Quốc có thể phô trương sức mạnh, sử dụng sức mạnh quân sự;
- Trường hợp Trung Quốc muốn thử sự phản ứng của Mỹ, khi hai cường quốc cạnh tranh hoặc đối đầu, Trung Quốc có thể gây xung đột với các nước yếu hơn trong khu vực, như đã làm vào năm 1979, ngoài mục đích dạy Việt Nam bài học, cứu đồng minh thân tín Khơ-me đỏ, còn là để thử phản ứng của Liên Xô, phép thử hiệp định tương hỗ quân sự Xô – Việt.
Về phía ta, quan hệ Trung – Việt phải là trọng tâm để hoạch định chiến lược. Tiềm năng trong giao lưu kinh tế, văn hóa – thể thao, khoa học – kỹ thuật, du lịch v.v. là rất lớn. Tuy các doanh nghiệp của ta chưa có được các ưu thế cạnh tranh so với Trung Quốc, giá trị nhập siêu cao, nhưng thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, trong tương lai sẽ trở thành thị trường tiêu thụ. Bên cạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Trung Quốc hiện giờ là mối đe dọa đến an ninh, toàn vẹn lãnh thổ lớn nhất của Việt Nam. Cùng với tâm lý nghi ngại trước Trung Quốc của cả chính quyền cũng như người dân, Việt Nam khó có thể lựa chọn trở thành đồng minh của Trung Quốc. Việt Nam cũng không nên chọn đối đầu với Trung Quốc. Những khó khăn chính trị, kinh tế, mất mát vì chiến tranh, trong suốt thời kỳ từ cuối những năm 1970 cho đến 1991 là kinh nghiệm cho ta suy xét, nhất là hiện tại và trong tương lai Trung Quốc mạnh hơn Trung Quốc của quá khứ. Hai nước có thể hợp tác dựa trên lợi ích của cả hai bên, cùng có lợi.
Mấu chốt trong quan hệ hai nước là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Diễn biến Biển Đông rất phức tạp. Trung Quốc và Đài Loan đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, và một số đảo Trường Sa, tuyên bố chủ quyền trên cả hai quần đảo. Ngoài ra còn các nước như Philipines, Malaysia, Brunei tuyên bố chủ quyền với một phần của quần đảo Trường Sa.
Vì thực lực hiện giờ chưa đủ mạnh, chính sách của Việt Nam là kêu gọi giữ nguyên hiện trạng, các bên không làm phức tạp thêm tình hình. Các nước có tranh chấp Biển Đông trong ASEAN đã ký với Trung Quốc bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002, không sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Việt Nam và các nước trong ASEAN muốn đa phương hóa đàm phán với Trung Quốc, tránh bị ép, lép vế.
Vấn đề ở chỗ ASEAN là một tổ chức không đoàn kết, cơ chế hoạt động lỏng lẻo, mức độ phát triển quá trênh lệch giữa các thành viên, và mỗi nước có lợi ích riêng của mình, thậm chí đối ngược với thành viên khác. Trong ASEAN có những nước là đồng minh hoặc có quan hệ đặc biệt thân thiết với Trung Quốc, ví như Myanma, Singapore, Thái Lan. Ngay như Malaysia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nhưng quan hệ hai nước thân thiện, một phần bởi người Hoa kiều nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động kinh tế - tài chính của Malaysia. Ngoài ra các thành viên trong ASEAN cũng không tin cậy lẫn nhau. Vì những lý do đó, ASEAN sẽ không thể có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông.
Ngoài lá bài ASEAN, Việt Nam cố gắng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Dân sự hóa các hòn đảo lớn có điều kiện sinh sống đối với người dân thường, với mục đích biến những bãi đá thành đảo có người dân sinh sống để đòi chủ quyền trên thềm lục địa, và trong trường hợp chiến tranh, kẻ tấn công sẽ bị mang tiếng tấn công các mục tiêu dân sự. Đa phương hóa trong ngoại giao cũng như ngoại giao quân sự, để tiếng nói có trọng lượng hơn trên trường quốc tế. Con bài quan trọng nhất vẫn là Mỹ, như đã nêu, Việt Nam buộc phải nghiêng về Mỹ nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Việt Nam.
Sau khi kết thúc phân định biên giới trên bộ và trên biển trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam có những động thái rõ ràng hơn trong chiến lược bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Gần đây, nhà nước tổ chức hội thảo quốc tế về vấn để Biển Đông, thành lập huyện đảo Hoàng Sa, tiếp nhận các tài liệu quý khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo của cha ông ta, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, các thông tin về hai quần đảo và Biển Đông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí trong nước được chính quyền bật đèn xanh để đưa tin về những hợp đồng lớn mua vũ khí hiện đại cho hải quân và không quân như mua tàu ngầm chạy diesen lớp Kilo, tàu khu trục nhỏ trang bị tên lửa đối hạm, mang theo trực thăng, có khả năng săn ngầm, đối không Gepard, tàu hộ tống trang bị tên lửa đối hạm Tarantul, hệ thông tên lửa phòng thủ biển đất đối hạm K300P Bastion có tầm bắn khoảng 300km, hay như máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ SU30MK2 có khả năng không chiến cũng như diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước, trinh sát và với tầm bay lên tới 3000km, đảm bảo tác chiến trên Biển Đông v.v. Những thông tin như vậy trước đây được coi là tin nhạy cảm, không được đăng. Qua đó, Nhà nước muốn đưa ra một thông điệp đến người dân và quốc tế là Việt Nam sẽ cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chiến lược của Việt Nam là phòng thủ, răn đe. Hải quân và không quân gánh vác trọng trách đó, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với trường hợp chiến tranh cũng như đối phó với chiến lược tằm ăn rỗi của Trung Quốc. Răn đe đối thủ, nếu đối thủ manh động, sử dụng vũ lực, thì sẽ gặp phải tổn thất nhất định. Trong trường hợp Trung Quốc, tác chiến xa bờ, với sự hỗ trợ của không quân có hạn, tuy Trung Quốc có máy bay tiếp nhiên liệu trên không, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định, ngay cả khi Trung Quốc có tàu sân bay, để sử dụng hết khả năng của tàu, đảm bảo an toàn cho bản thân tàu sân bay tác chiến trong khu vực nhỏ như Biển Đông không phải đơn giản, Việt Nam vẫn có thể sử dụng ưu thế địa lý để giảm thiểu ưu thế về vũ khí của Trung Quốc. Nhưng Việt Nam phải luôn kìm chế, ứng xử khéo léo không để đối thủ có cớ gây chiến. Việt Nam có thể cứng rắn trong lập trường, tận dụng vũ khí ngoại giao.
Việt Nam luôn lên tiếng yêu giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế, công ước LHQ về luật biển 1982, bởi Việt Nam tin tưởng rằng những bằng chứng lịch sử mà ta nắm trong tay có tính thuyết phục hơn Trung Quốc. Ngoài một số thư tịch cổ của Trung Quốc từ thời Hán, Nguyên, Minh, Thanh, nhắc đến hai quần đảo, mô tả như địa danh mà tàu Trung Quốc đã đi qua cùng những hiện vật cổ như tiền xu hay mảnh gốm tìm thấy trên đảo, Trung Quốc chưa đưa ra tài liệu khẳng định chủ quyền hay thực thi chủ quyền tại hai quần đảo qua các triều đại mang tính thuyết phục. Cơ sở lập luận của Trung Quốc dựa trên sử liệu cổ, chủ yếu như („Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", tác giả: Lưu Văn Lợi, NXB Công An Nhân Dân):
- "Nam Châu dị vật chí" của Vạn Chấn đời Tam Quốc nói về những điều lạ của các xứ phương Nam;
- "Phù Nam truyện" của Khang Thái đời Tam Quốc nói về việc ông đi sứ Chân Lạp;
- "Dị Vật chí" của Dương Phù đời Đông Hán (25 – 220) nói về những điều lạ;
- "Vũ Kinh Tổng yếu" do Tăng Công Lương, Đinh Độ đời Tống soạn;
- "Lĩnh ngoại đại đáp" của Chu Khứ Phi đời Tống (1178), chủ yếu chép về các nước vùng Đông Nam Á;
- "Chư Phiên chí" của Triệu Nhữ Quát, đời Tống (1225), mô tả về nước ngoài;
- "Đảo Di chí lược" của Vương Đại Uyên đời Nguyên (1349) mô tả địa thế, khí hậu, sản vật, phong tục của hàng trăm nước ngoài Trung Quốc. Vạn lý Thạch Đường được chép thành mục riêng như các nước khác.;
- "Đông Tây Dương Khảo" (1618) của Trương Nhiếp và Vũ Bị chí (1628) của Mao Nguyên Nghĩ nói về con đường từ Trung Quốc đi Ấn Độ Dương;
- "Hải Quốc văn kiến lục" của Trần Luân Quýnh đời Thanh ghi chép những điều tai nghe mắt thấy về nước ngoài từ Đông Á, Đông Nam Á đến Tây Âu. Vạn lý Trường Sa, Thiên lý Thạch Đường được nói tới trong đoạn nói về Việt Nam trên tuyến đường từ Hạ Môn đi Quảng Nam (Việt Nam);
- "Hải Lục" của Dương Bính Nam đời Thanh (1820) chép về 99 nước và khu vực trên thế giới thời đó, kể cả một số nước Châu Âu, Châu Mỹ. Vạn lý Trường Sa, Thiên lý Thạch Đường được nói đến trong đoạn chép về Java. Bản đồ bán cầu đính theo ghi Trường Sa, Thạch Đường ở khu vực Đông Nam Á;
- "Hải quốc Đồ chí" của Ngụy Nguyên đời Thanh (1848) ghi chép về nước ngoài và những việc liên quan đến nghề hàng hải;
- "Doanh Hoàn chí lược" của Bành Ôn Chương đời Thanh (1848) chép về địa lý thế giới. Trường Sa, Thạch Đường không vẽ vào bản đồ Trung Quốc (Hoàng Thanh nhất thống dư địa đồ) mà vẽ vào vùng Đông Nam Á (Nam Dương các đảo đồ).
Phía Trung Quốc còn vin vào công hàm của chinh phủ Việt Nam DCCH ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 bởi thủ tướng Chính Phủ Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng gửi tổng lý Quốc Vụ Viện CHND Trung Hoa Chu Văn Lai, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước CHND Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc (http://en.wikipedia.org/wiki/File:1958_diplomatic_note_from_phamvandong_...). Về pháp lý, đó chỉ là lời tuyên bố một phía, không phải văn bản ký kết cụ thể giữa hai bên như nhượng quyền hay nhượng đất, vả lại vào thời điểm đó, theo hiệp định Geneva cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nằm trong sự quản lí chính thức của Việt Nam CH chứ không phải Việt Nam DCCH. Tuyên bố chỉ có giá trị đối với đối tượng thuộc quyền quản lý chính thức của Việt Nam DCCH trong thời điểm đó, vậy thì cả hai quần đảo đều không phải đối tượng vậy. Còn xét về tình, Việt Nam DCCH và CHND Trung Hoa vào thời điểm đó vừa là đồng chí vừa là anh em thân thiết, cùng chống lại kẻ thù chung là Mỹ, không ai nghĩ anh em lại đi ăn cướp của nhau.
Trung Quốc cũng nên nhớ rằng, trí nhớ của dân tộc Việt Nam rất dài, như lịch sử đã chứng minh, cho dù hơn nghìn năm Bắc thuộc, người Việt vẫn nhớ đến cội nguồn và giành lại được độc lập, chủ quyền. Nước nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, Trung Quốc cũng không tránh khỏi quy luật như vậy. Nguồn: http://www.x-cafevn.org/node/99

Tổng số lượt xem trang