Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Truy điệu sống và những anh hùng vô danh

Lực lượng TNXP Việt Nam đón nhận Huân chương Sao vàng Thanh Niên
Sáng qua 14.7, tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam (15.7.1950-15.7.2010) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Đảng, Nhà nước đã gắn Huân chương Sao vàng lên lá cờ truyền thống của lực lượng TNXP Việt Nam.
———
Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Truy điệu sống và những anh hùng vô danh
Ba lăm năm kể từ khi cuộc chiến tranh kết thúc, những câu chuyện về những người lính đã đi vào cuộc chiến tranh tàn khốc nhất thể kỷ 20 vẫn được kể mãi. Một trong những câu chuyện về những người con anh hùng của tổ quốc trong cuộc chiến tranh giải phóng ấy là những thanh niên xung phong.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày đất nước thống nhất, TuanVietNam xin giới thiệu bài viết cách đây 15 năm của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều về những người anh hùng vô danh ấy.
Tròn hai mươi năm kể từ ngày cuộc chiến tranh kết thúc, câu hỏi vì sao người Mỹ thất bại ở Việt Nam, và nói chính xác hơn là tại sao Việt Nam lại thắng được Mỹ vẫn chưa được trả lời thỏa đáng với tất cả những người Mỹ chờ đợi nó từ lâu nay.
Sau những công trình nghiên cứu bao nhiêu năm nay của các nhà quân sự, các nhà sử học Mỹ là bắt đầu những nghiên cứu của các nhà văn, những người giảng dạy về chiến tranh Việt Nam. Tất cả những nghiên cứu đó chỉ để trả lời cho câu hỏi trên mà thôi.
Năm 1993, tôi được một trường đại học ở Boston- Mỹ mời sang hội thảo về văn học chiến tranh. Một nhà văn nổi tiếng của Mỹ có đọc được một trong hàng vạn tài liệu của Việt Nam mà Mỹ thu được trong chiến tranh, tài liệu đó là một cuốn nhật ký của một nữ thanh niên xung phong. Trong cuốn nhật ký viết dở có nhiều trang nhòa đi vì máu. Nhà văn Mỹ này gặp tôi và nói “có lẽ chúng tôi sẽ xuất bản một cuốn sách mà trong đó là nhật ký của bộ đội Việt Nam. Và cuốn sách đó người Mỹ sẽ tìm được câu trả lời hay nhất. Vì sao người Việt Nam lại chiến thắng người Mỹ”. Nói xong ông hỏi tôi “Thanh niên xung phong là gì“. Tôi đã trả lời ông ta về thanh niên xung phong theo hiểu biết của tôi.
Và cho đến sáng ngày 25-4-1995 những con người đối với nước Mỹ như một huyền thoại lại ngồi trong ngôi nhà bé nhỏ của tôi. Nếu lúc đó, nhà văn Mỹ kia có mặt ở nhà tôi, tôi sẽ tự hào nói rằng: “Đây, những người đang ngồi trước mặt tôi và ông là thanh niên xung phong. Họ cũng là một câu trả lời đối với câu hỏi mà nước Mỹ đang dày vò”.
“Có lẽ chúng tôi sẽ xuất bản một cuốn sách mà trong đó là nhật ký của bộ đội Việt Nam. Và cuốn sách đó người Mỹ sẽ tìm được câu trả lời hay nhất. Vì sao người Việt Nam lại chiến thắng người Mỹ”. Ảnh tư liệu
Họ là Đinh Quang Trung, cựu đại đội trưởng C816 thanh niên xung phong ,người thị xã Hà Đông, y tá C816 , người xã Sơn Đồng, hoài Đức và nguyễn Thành Hợp, đại đội phó,chính trị viên phó, kiêm bí thư liên chi đoàn C816, người Vạn Phúc, thị xã Hà Đông.Buổi sáng hôm ấy họ đến lặng lẽ ngồi trong cái phòng chật hẹp của gia đình tôi. Họ là sứ giả của một cuộc chiến tranh phi thường. Họ là nhân chứng khủng khiếp của sốt rét. Họ trông giống một người đạp xích lô, một người bán xổ số mà tôi vẫn thường gặp trên đường, và khi tôi  đang còn suốt ngày mặc quần đùi, thả diều và đổ dế thì họ đã tạm biệt quê hương để đi vào chiến tranh.
Đó là vào khoảng thời gian cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1965. Sau khi có chỉ thị 71 của thủ tướng Phạm Văn Đồng do Phó thủ tướng Phạm Hùng ký giao cho đoàn thanh niên lao động hồi đó tổ chức lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Theo lời kêu gọi của trung ương đoàn, và sau đó là tỉnh đoàn Hà Tây, nhiều thanh niên đã xung phong lên đường vào mặt trận. Có biết bao lá đơn tình nguyện viết bằng máu. Có những gia đình hai anh em giành nhau đi. Có những người đã có giấy gọi đi đại học đã gác việc đi học để vào mặt trận. Có những người phải chia tay người yêu của mình và hoãn ngày cưới.
Mới thế mà đã 30 mươi năm rồi, bao nhiêu người trong số họ không bao giờ trở về được nữa để bước đến giảng đường và để bước vào phòng cưới.
Cựu đại trưởng C816 Đinh Quang Trung nhớ lại ngày anh lên đường: “Chúng tôi còn nhớ buổi chia tay ở thị xã Hà Đông. Những người không được đi đã khóc và vẫn cố xin đi. Sau buổi tiễn, chúng tôi đi bộ vào chùa Sấu ở Chúc Sơn tập chung. Đi bộ cùng chúng tôi trên đoạn đường gần 10 ki lô mét ấy là bố,mẹ,anh chị em,bè bạn và người yêu của chúng tôi.
Và ở chùa Sấu, C816 được thành lập với quân số của thị xã Hà Đông, huyện Chương Mỹ và Hoài Đức. Quân số theo qui định là 200 người. Nhưng cuối cùng lên đến 224 người, 24 người kia bắt tỉnh đoàn phải chấp nhận họ . Sau buổi lễ tiễn đưa của tỉnh đoàn, xe đưa chúng tôi ra ga Thường Tín. Và con tầu rời ga đi vào mặt trận lúc gần sáng.
Trong chuyến tàu đêm gần sáng ấy có một cô gái Hoài Đức vừa sang tuổi 17. Đó là chị Trung Thị Hảo, bây giờ chị đang ngồi trước tôi ,gầy gò và lam lũ. Ngày ấy chị vừa thi vào trung cấp y và đang đợi kết quả. Chị là con gái út trong gia đình, mẹ mất sớm,nhưng chị quyết ra đi. Chị đã khóc vì sung sướng khi đơn tình nguyện của chị được chấp nhận.
Từ giã làng quê yêu dấu, và người cha hiền lành, chị cùng đồng đội đi thẳng vào ga Đò Lèn, Thanh Hóa, nơi suốt năm tháng ấy không lúc nào ngơi bom Mỹ trút xuống.
Có biết bao lá đơn tình nguyện viết bằng máu. Có những gia đình hai anh em giành nhau đi. Có những người đã có giấy gọi đi đại học đã gác việc đi học để vào mặt trận. Có những người phải chia tay người yêu của mình và hoãn ngày cưới… Ảnh tư liệu
Và anh, Nguyễn Thành Hợp, anh ra đi khi vừa tròn 17 tuổi. Ở ga Đò Lèn , đồng đội đã truy điệu sống anh. Thời gian đó , cầu Đò Lèn  1 bị bom đánh sập .Chiến dịch Pắc Pó được tổ chức để làm cầu Đò Lèn II phục vụ yêu cầu của chiến tranh. Vì phải làm cả ban ngày, 30 người được cử đi thực hiện chiến dịch đó, một nửa số người đó là nữ.Tôi đã tình nguyện. Toàn đơn vị tôi tình nguyện- Anh Nguyễn Thành Hợp kể lại, trước khi đi làm nhiệm vụ, đơn vị đã làm truy điệu sống chúng tôi. Lúc đó tôi nhìn thấy cái chết, nhưng nhìn thấy cái chết như nhìn thấy mây bay.
Lễ truy điệu sống Nguyễn Thành Hợp và đồng đội của anh tổ chức tại vườn bãi thôn Chuế Cầu, huyện Hà Trung. Sau lễ truy điệu sống, những người con trai , con gái ấy,những thanh niên xung phong hay là những thiên thần đã đi thẳng đến nơi dựng cây cầu Đò Lèn II .
Lạ thật – Anh Nguyễn Thành Hợp nói – Lúc đó tôi không hề mảy may để ý đến cái chết, mặc dù biết chắc là chết. Tôi chỉ nghĩ phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và cây cầu đã làm xong, và anh đã không chết. Anh trở về và trở thành đảng viên.
Ngày 7 tháng 6 năm 1968, anh Nguyễn Thành Hợp và chị Trung Thị Hảo tiếp tục vào ngã ba Đông Dương sau ba năm nghĩa vụ ở ga Đò Lèn. Lúc đó,anh Đinh Quang Trung đã chuyển sang quân đội. Họ đã cùng đồng đội của mình chốt ở K12. Đường 20 quyết thắng, và sau khi bác Hồ mất, đường mang tên đường mòn Hồ Chí Minh.
K12 một bên là vách núi dựng đứng vì bom đánh. Một bên là vực sâu. Chỉ có một con đường độc đạo chạy qua. Máy bay Mỹ cứ bay qua K12 là bấm nút trút bom không phân biệt ngày hay đêm, không cần biết có người ở đó hay không. Tất cả các loại bom lớn nhỏ đổ xuống đây như đổ sỏi. Những chiến sĩ thanh niên xung phong sống lẫn với bom, và cứ sau mỗi trận bom, con đường hiện ra, bom lại xóa đi. Cứ như thế triền miên suốt cuộc chiến tranh. Và cứ như thế, nhiều người con trai, con gái của đất quê lụa quê lúa vàng 5 tấn đã nằm xuống với con đường.
Chúng tôi đã dùng mọi cách để phá bom. Nguyễn Thành Hợp nói- chúng tôi không được học cách phá bom, chỉ nghe người khác nói, và chúng tôi tự phá. Có những quả bom từ trường ném xuống sát ngay một xe chở dược phẩm. Nếu phá bom thì mất thuốc cho thương binh. Nếu xe nổ máy thì bom nổ . Cuối cùng thì chúng tôi đã trói quả bom lại và khiêng đi nơi khác như khiêng một con lợn. Nhưng cũng có trường hợp thật đau buồn…
Những chiến sĩ thanh niên xung phong sống lẫn với bom, và cứ sau mỗi trận bom, con đường hiện ra, bom lại xóa đi. Cứ như thế triền miên suốt cuộc chiến tranh. Và cứ như thế, nhiều người con trai, con gái của đất quê lụa quê lúa vàng 5 tấn đã nằm xuống với con đường… Ảnh tư liệu
Anh Hợp không bao giờ quên được. Chị Hảo cũng không bao giờ quên được. đó là một lần, họ phát hiện có một quả bom mắc trong bụi nứa. Đơn vị cử ba người đi phá bom. Khi ba người đến sát quả bom thì….bom nổ.
Chúng tôi như người mộng du đi tìm đồng đội mình- Chị Hảo nói, giọng chị như vẳng từ cách rừng thuở ấy -Và không  ai còn nguyên thi thể. Chúng tôi gom lại và chôn thành ba ngôi mộ.
Những ngày ấy ở K12, ngớt tiếng bom là họ lại hát. Họ tự biên tự diễn. Họ có báo tường. Họ chăm sóc nhau như chị em ruột. Họ ở hầm, ở hang. Mùa mưa nước ngập hết. Những ngày từ mặt đường về, họ phải tát nước hàng tiếng đồng hồ để lấy chỗ ngủ. Giấc ngủ của họ lúc nhúc vắt quanh người. Vắt chui vào tóc, vào lỗ tai. Nhưng đến mùa khô thì họ phải đi gần chục cây số để lấy nước. Họ phải dùng nước vo gạo để rửa mặt. Và đối với các chiến sĩ gái, thiếu nước là một cực hình khủng khiếp. Suốt những năm tháng đó họ chỉ có rau tàu bay, rau sắn và thịt hộp. Bệnh thấp khớp đến với họ, bệnh sốt rét đến với họ và bệnh phụ khoa đến với họ. Tóc họ rụng xuống mỗi sáng như lá rừng cuối thu. Da họ sạm đen, thân hình khô lại.
Hiếm lắm chúng tôi mới được phát nửa hộp sữa bột- Chị Hảo kể- Chúng tôi trải một tấm ni lông ra giữa hầm và đổ tất cả đường sữa vào đó và trộn lên. Rồi tất cả ngồi xúm quanh xúc ăn. Ai ăn được bao nhiêu tùy ý. Chúng tôi không giữ lại để giành… Họ không giữ lại, bởi sau đó họ ra trận địa. Và trong bom đạn dày như cát ném kia , họ có thể không trở về để uống với nhau một cốc sữa hiếm hoi .
Sau một thời gian ở K12, các chiến sĩ nam tiếp tục đi sâu vào chiến trường. K12 ngã ba đông dương, còn lại 90% là nữ. Mỗi sáng thức dậy, những chiến sĩ nữ nhìn nhau lạ lẫm. Họ đã khác với hôm qua quá nhiều. Bom đạn, thiếu thốn và sốt rét đã tàn phá khốc liệt sắc đẹp của họ. Nhiều người trong họ sau khi từ chiến trường trở về đã sống độc thân cho đến bây giờ.
Chúng tôi vừa tiễn đưa một đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng- Chị Hảo nói- Chị ấy tên là Luyện, một nữ thanh niên dũng cảm…Ngày chị Luyện lên đường là ngày cưới của chị đã được chuẩn bị. Chị đã hoãn ngày cưới và xung phong vào mặt trận . Khi hết nghĩa vụ trở về, chồng chưa cưới của chị đã lấy vợ khác. Chị cứ sống như thế cho đến năm 47 tuổi mới lấy chồng. Và chị chỉ sống được với chồng hai năm thì từ giã cõi đời. Những đồng đội thanh niên xung phong đã đến khóc chị và vòng hoa của họ được đặt đầu linh cữu chị suốt cả buổi truy điệu và tiễn đưa cuối cùng.
Năm 1970,chị Trung Thị Hảo từ chiến trường trở về. Chị không dám bỏ khăn trùm đầu vì tóc chị đã rụng gần hết. Rồi những tháng ngày sau đó, có nhiều lúc chị không nhấc nổi chân vì thấp khớp. Năm 1971 chị lấy chồng. Chồng chị là một người lính. Họ lấy nhau bốn năm sau mới có con. Lần đầu tiên nhìn thấy con mình chị òa lên khóc. Con chị, niềm hạnh phúc lớn lao sau bao năm tháng chị mơ ước trong bom đạn lại là một đứa trẻ di tật.
Còn anh Nguyễn Thành Hợp, anh trở về từ chiến trường và thi đỗ vào đại học giao thông. Nhưng anh không thể nào theo hết khóa học. Sốt rét đã một lần chiến thắng anh. Giờ anh đang ngồi trong nhà tôi, da tái đen tóc bạc.
Chị Hảo nói với tôi – Có biết bao ngã ba đồng lộc trên đất nước này. Chúng tôi là những cô gái trên ngã ba ấy. Chỉ có điều, chúng tôi đã hy sinh không giống họ.
Trời đã vào hè, có tiếng ve non đã dậy lên trong vòm lá nhãn trước nhà tôi. Chỉ còn mấy ngày nữa là 30-4. Và tôi là kẻ hạnh phúc, tôi được đón họ trong ngôi nhà bé bỏng của mình. Họ là những người anh hùng vô danh.
Bây giờ, họ đang sống với cuộc đời thường đầy những khó khăn. Nhưng khi tôi hỏi họ có ước muốn gì, những người anh hùng này im lặng. Một lát sau, chị Trung Thị Hảo nói: “Hoài bão cuối cùng của chúng tôi là được trở lại đoạn đường chúng tôi đã sống, đã chiến đấu, đã hát vang trong những ngày chiến tranh tàn khốc. Để chúng tôi nhắm mắt lại, và trong khoảng khắc ấy, những đồng đội của chúng tôi – những chàng trai, những cô gái tuổi 16, 17, 18… Đã chết từ từ hiện lên nguyên vẹn như ngày đầu cách đây 30 năm họ đã đi vào mặt trận”.

Tổng số lượt xem trang