Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Vụ nhà máy thép Thái Hưng: Vì sao dân chưa tin chính quyền?

 Nặc danh nói...
tôi cảm thấy bài báo này là hoàn toàn nói sai sự thật về vụ viêc của nhà máy thép thái hưng.khi các bạn sống ơ xóm 3 xã kim lương huyện kim thành tỉnh hải dương một ngày để chứng kiến nhà máy thái hưng hoạt động thì các bạn sẽ hiểu được nỗi khổ thật sự của người dân..và tôi khẳng định bài báo này là hoàn toàn viết sai sự thật..
ttngbt:  ttngbt đã tìm thêm thông tin về việc bạn nói...chuyện này Thủ tướng Chính phủ đã phải vào cuộc?

TP - Sáu ngày sau khi xảy ra vụ dân bắt quả tang hai xe của Hải Phòng đổ trộm phân phốt xuống ruộng của Hải Dương, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường vào cuộc. Vì sao vụ việc ở một địa phương lại được cơ quan hành chính cao nhất nước quan tâm?

Từ chiếc xe bạc tỷ giam ngoài đồng  >> Kỳ 1:Chuyện giam trâu sắt



TP - Đầu tuần trước, hai chiếc xe bạc tỷ thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam chuyên hút nước thải của một doanh nghiệp Hải Phòng được giải vây khỏi đường làng và cánh đồng tỉnh Hải Dương. Cuộc giải cứu hai con trâu sắt kéo theo việc nhiều người dân bị bắt, vài cán bộ công an bươu đầu. Đây là hệ quả mâu thuẫn âm ỉ và gay gắt giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân địa phương quanh việc xây dựng nhà máy thép trên địa bàn dân cư.
Con trâu sắt sáu bánh đâm đầu xuống ruộng, đuôi vắt ngang đường bê tông. Lốp xịt. Bình ắc quy không còn
Con trâu sắt sáu bánh đâm đầu xuống ruộng, đuôi vắt ngang đường bê tông. Lốp xịt. Bình ắc quy không còn.

Trên quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng dài hơn 100 km, cách trung tâm TP Hải Phòng 10 km là địa phận xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Rẽ phải, vượt đường ngang tàu hỏa chẳng rào chắn rào chung gì, chúng tôi đắm mình trong tích tắc cảm giác vẫn là ngoằn ngoèo đường làng Bắc Bộ “dân cư uốn khúc theo hình con long” thuở nào. Sau tích tắc ấy là lù lù con đường nhựa liên thôn Cổ Phục, ra dáng quê mới. Nó thẳng vút ra cánh đồng Cổ Ngựa bằng dải bê tông be hai bên vuông thành sắc cạnh, đủ rộng cho ba con trâu ngang hàng cùng lúc.
Giờ thì trâu thịt nhường đường cho trâu sắt. Ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch thường trực huyện Kim Thành, phấn khởi, huyện thuần nông Kim Thành nay có trên 100 cơ sở công nghiệp, hai khu công nghiệp Phú Thái và Lai Vu. Tới đây Kim Thành giải phóng thêm ba xã cho công nghiệp kịp tiến độ thi công. Trên trục quốc lộ 5, sẽ có ba cụm công nghiệp là Kim Lương, Quỳnh Phúc và Tuấn Hưng…
Một chiếc xe tải hạng nặng nhãn hiệu Cappellotto, mang biển số 16H 4530, gần như mới nguyên, phủ phục ven đường nhựa liên xóm của thôn Cổ Phục. Cappellotto là tên một trong những hãng hàng đầu thế giới chuyên sản xuất các loại xe tải hút và chở nước thải độc hại.
Hỏi xe ấy có phải chở nước hút bể phốt không, một người đàn ông trong quán nước cạnh đó gọn lỏn: “Phải!”, rồi: “Còn một xe thế này ở ngoài đồng. Ra đó đi rồi quay lại đây tôi kể chuyện cho mà nghe…”.
Xe mới thế mà các lốp trước và sau đều xịt. Nhảo khỏi làng một quãng thì quả có một ô tô tải mới toanh cũng như chiếc trên đường làng. Con trâu sắt sáu bánh đâm đầu xuống ruộng, đuôi vắt ngang đường bê tông dày dễ đến mươi phân. Mấy cái lốp cũng xịt. Bình ắc quy không còn. Biển đăng ký cũng ở Hải Phòng, 16H-4541. Cửa xe cũng đề tên Công ty Thoát nước Hải Phòng
Gần như vừa bóc tem thế kia, cớ chi nó lại bó chân ở đây gần hai tháng trời?
Dân nói có, chính quyền bảo không
Lần tìm thì được biết hai xe tải trị giá gần hai tỷ đồng mỗi chiếc ấy là của Xí nghiệp Tập thể 363, Cầu An Đông, quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Ông Ngô Quang Trị, giám đốc xí nghiệp, cho hay xí nghiệp vừa thực hiện hợp đồng hút phân phốt cho một nhà máy trên địa phận tỉnh Hải Dương.
Hóa ra hai con trâu sắt nằm bất động ở đây là vì chúng là tang chứng của một vụ đổ trộm nước thải ra cánh đồng xã Kim Lương? “Đổ trộm là có thật”, Anh Hoàng Văn Du, xóm 3, thôn Cổ Phục, xã Kim Lương, kể. Cỡ 9-10 giờ sáng 10-7, dân làng bắt quả tang hai ô tô chở nước thải Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng (sau đây gọi tắt là Nhà máy Thái Hưng) đổ trộm xuống đồng và con sông gần đó. Đại diện chính quyền xã Kim Lương, công an và UBND huyện Kim Thành có mặt và lập biên bản hẳn hoi.
Nhà máy tọa ở xã Kim Lương, của một doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư hiếm có, 900 tỷ đồng. Vấn đề còn ở chỗ, theo một số dân sở tại, đấy là nước thải công nghiệp, từng gây tác hại ngay từ khi nhà máy hoạt động thử từ đầu tháng 4-2009.
Ngược lại, chính quyền và doanh nghiệp lại bảo, không có nước thải công nghiệp và không có chuyện đổ trộm? Theo kiến nghị của dân, chính quyền cho lấy ba mẫu nước thải ở hai xe và trên ruộng cánh đồng Cổ Ngựa, nơi nước thải được xả xuống ruộng lúa. Kết quả phân tích của Viện Công nghệ Môi trường do Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) chỉ định cho thấy, các mẫu này có từ 4 đến 11/16 chỉ số vượt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, nhưng đều chưa vi phạm quy định quốc gia về chất thải nguy hại.
Về việc đổ trộm, theo ông Lê Ngọc Sang, cũng không có. Sáng 10-7, thực hiện hợp đồng đã ký giữa Nhà máy Thái Hưng và Xí nghiệp Tập thể 363 về việc hút bể phốt sinh hoạt, hai ô tô đã hút và chở khoảng 5 m3 chất thải ra khỏi nhà máy.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Nhà máy Thái Hưng, cho chúng tôi xem một bản hợp đồng kinh tế “về việc hút và xử lý vận chuyển phân phốt” với Xí nghiệp Tập thể 363. Theo hợp đồng, Thái Hưng phải trả cho xí nghiệp của TP Hải Phòng 300.000 đồng/m3 nước thải bể phốt. Đổi lại, nước bể phốt sau khi hút xong, phía Hải Phòng “phải chịu trách nhiệm vận chuyển và đổ đúng nơi quy định” và “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về địa điểm đổ phân phốt”.
Hợp đồng ký ngày 9-7 thì, một ngày sau, 10-7, hai xe tải của xí nghiệp bị dân bắt quả tang đổ trộm. Chính quyền cấp trên cơ sở thì xác nhận có đổ nhưng không phải đổ trộm mà là đổ theo yêu cầu. Theo đó, hai lái xe đưa nước thải đến đổ xuống cánh đồng Cổ Ngựa, tại ruộng của bà Nguyễn Thị Huyền, trú tại xóm 4, thôn Cổ Phục, “do bà này xin để bón ruộng canh tác”, ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương, nói. “Đấy không phải là nước thải công nghiệp mà là nước bể phốt”. Còn ông Lê Ngọc Sang: “Xác định việc đổ chất thải mang tính bột phát, Nhà máy Thái Hưng không biết. Chính quyền đã tổ chức điều tra rất kỹ và thấy đấy là sự cố chứ không phải cố tình”.
(Còn nữa)
Đón đọc kỳ 2: Giải cứu trâu sắt bằng vũ lực
Vì sao hai bên, dân và chính quyền, lại ở hai cực “có-không” như vậy? Sự khác biệt ấy dẫn đến kết cục gì khi hai con trâu sắt được kéo ra khỏi thôn Cổ Phục để đưa chúng về với chủ ở thành phố Hải Phòng sau gần hai tháng bị dân Hải Dương cầm giữ? 
 
Quốc Dũng

TP - Dù xác định không phải nước thải công nghiệp, không phải đổ trộm, Công an huyện Kim Thành vẫn xử lý các lái xe và đơn vị vi phạm, phạt hành chính 24 triệu đồng. Nhưng hai chiếc xe tải hiện đại vẫn bị dân cầm giữ và cuộc giải tỏa đầu tuần trước đã dẫn đến kết cục tiêu cực, khiến bốn công an bị thương và nhiều người bị bắt.

Dân bảo không, chính quyền nói có
Dân nhận định nước thải do hai xe tải xả ra cánh đồng Cổ Ngựa là độc hại vì họ đã chứng kiến tiền lệ thứ nước này. Theo một số người sống nơi đây, Nhà máy Thái Hưng ở thôn Cổ Phục, xã Kim Lương, không có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu, không chỉ với chất thải lỏng mà cả với khí thải và tiếng ồn.
“Họ thường xả nước thải ra hệ thống tưới tiêu gần nhà máy khiến cá chết nổi trên mương lúc triều cạn”, anh Phạm Văn Hường, thôn Cổ Phục, cung cấp thông tin. Sau khi dân phản ảnh tình trạng đó, nước thải trong nhà máy được hút rồi đổ ra sông Dong, cách nhà máy nước Kim Sơn thuộc xã Lê Thiện, huyện An Hải (Hải Phòng) khoảng cây số.
Nhà máy nước Kim Sơn lấy nước từ sông Dong xử lý thành nước sinh hoạt rồi cấp cho huyện Kim Thành (Hải Dương) và huyện An Hải (TP Hải Phòng).
“Nhà máy Thái Hưng cách khu dân cư chỉ chừng 6 m qua một bức tường. Chúng tôi gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng tỉnh nhưng, đến giờ, họ chưa có hướng giải quyết”, anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Cổ Phục, trần tình. “Chạy thử còn thế. Sản xuất chính thức thì còn thế nào”, chị Nguyễn Hồng Luyến, thôn Cổ Phục, lo ngại.
Chính quyền và doanh nghiệp ý kiến ngược lại. Đây là nhà máy có công nghệ hiện đại, có trang bị hệ thống xử lý chất thải thuộc hàng tốt nhất.
Thứ nhất, do nguyên liệu không phải đi từ quặng sắt, vốn khá dồi dào ở Việt Nam, mà là từ sắt thép phế thải, nhà máy cắt hẳn công đoạn sơ chế từ quặng thành gang. Cắt công đoạn này là cắt một trong những công đoạn ô nhiễm nhất trong dây chuyền chế biến thép.
Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên gần trăm tuổi vẫn ô nhiễm nặng, dù được cải tiến rất nhiều so với trước, chủ yếu chỉ vì tồn tại công đoạn sơ chế, sản xuất gang từ quặng.
Nguyên liệu không phải đi từ quặng sắt mà là từ sắt thép phế thải, đã cắt một trong những công đoạn ô nhiễm nhất trong dây chuyền chế biến thép
Nguyên liệu không phải đi từ quặng sắt mà là từ sắt thép phế thải, đã cắt một trong những công đoạn ô nhiễm nhất trong dây chuyền chế biến thép. Ảnh: QD.
Thứ hai, với ông nghệ hồ quang, bộ phận sản xuất sử dụng nước rất nhiều nhưng tiêu hao nước lại ít. Cái lò luyện thép bằng hồ quang hiện đại nhất nhì châu Á cần không dưới 1.600 m3/giờ để làm mát hệ thống. Nhưng hầu như toàn bộ lượng nước này được hồi lưu để dùng lại. Một lượng nước bốc hơi trong quá trình làm mát và chỉ số nước này mới cần bổ sung, mỗi ngày 30-40m3, mua từ đường ống cấp nước sinh hoạt của thành phố Hải Phòng với giá 5.500 đồng/m3.
Theo TS. Vũ Đức Lợi, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, trong công nghệ sản xuất phô thép, tác nhân gây ô nhiễm là khí thải, đặc biệt là bụi. "Hệ thống lọc bụi của Nhà máy THái Hưng có tới 3120 túi lọc, công suất động cơ hút là 1350 KW. Nếu vận hành tốt, khả năng xử lý bụi là tương đối triệt để", TS Lợi nói.
Tóm lại, không thể có chuyện nước thải từ nhà máy làm cá chết trắng ao. Theo ông Nguyễn Duy Luân, Phó Giám đốc Nhà máy Thái Hưng, đấy chỉ là nước thải sinh hoạt của 220 công nhân sống và làm việc trong khuôn viên nhà máy.
Theo ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kim Thành, chỉ năm ngày sau khi Thái Hưng đi vào hoạt động thử, cơ quan chức năng tiến hành quan trắc ngay và thấy, trong số 26 chỉ số môi trường cho nước thải sinh hoạt, chỉ hai chỉ số cao hơn không bao nhiêu so với tiêu chuẩn cho phép (TCCP) là COD (nhu cầu ô xy hóa học) và coliform (loại vi khuẩn chỉ thị nhiễm phân người).
Vôi bột, gạch đá, liềm, và…
Dù đã xác định không phải nước thải công nghiệp độc hại và không phải cố tình đổ trộm, Công an huyện Kim Thành vẫn xử lý các lái xe và đơn vị vi phạm, phạt hành chính 24 triệu đồng. Tuy nhiên, hai chiếc xe tải hiện đại vẫn bị dân giữ, một số vẫn phản ứng quá khích.
Họ hè nhau lật đổ ô tô, lấy đi một số bộ phận trên xe. Một số còn ném chất bẩn vào cán bộ địa phương, thậm chí, đổ chất bẩn vào bể, giếng nước nhà bà Huyền, người chủ động xin nước thải bể phốt đổ xuống ruộng lúa nhà mình.
“Vi phạm thì đã xử lý. Tài sản của người ta phải trả chứ”, ông Nguyễn Văn Quế, Công an huyện Kim Thành, nói. Thế nhưng “xe vẫn bị giữ hai tháng nay. Ắc quy tháo, lốp xịt. Một xe bị đẩy xuống ruộng. Công an đến là người ta đánh trống bao vây”.
Sáng 7-9, Công an huyện Kim Thành tổ chức cưỡng chế giải tỏa hai ô tô này. Khoảng 100 người tập trung ngăn cản, ném vôi bột, gạch đá, dùng liềm tấn công lực lượng bảo vệ tham gia việc cẩu hai ô tô, làm bốn cán bộ và chiến sĩ công an bị thương.
Còn nữa
Điều tra của Quốc Dũng
Đón xem kỳ 3:  Ống khói lạ nhất thế giới
Hai xe đổ chất thải được xác định là nước bể phốt. Người đàn bà ở địa phương đã thừa nhận là thủ phạm xin đổ nước thải xuống ruộng nhà mình. Những người đổ chất thải không đúng chỗ cũng bị phạt nặng. Vậy cớ sao dân vẫn không buông tha hai chiếc xe đó và một số có biểu hiện quyết liệt với chính quyền? 

>> Kỳ 3: Ống khói kỳ lạ nhất thế giới

TP - Mâu thuẫn, dồn nén, gay gắt, và bùng vỡ. Cái quy luật ấy vừa bộc lộ đầu tuần trước qua xung đột tại cuộc giải cứu hai con trâu sắt ở thôn Cổ Phục. Lỡ đổ cả núi tiền, để tồn tại bên cạnh cái 'núi lửa' ấy, doanh nghiệp đành dùng không ít liệu pháp đặc dị. Kỳ nhất có lẽ là việc họ làm một cái ống khói chẳng giống ai.
Cái mõm ống khói rũ nghiêng không được quay ra khu dân cư mà phải ngoặt vào không gian nhà máy.
Cái mõm ống khói rũ nghiêng không được quay ra khu dân cư mà phải ngoặt vào không gian nhà máy..

Chưa đầy hai năm đầu tiên, theo ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch thường trực huyện Kim Thành, nhà đầu tư trong nước đã chi 700 tỷ đồng trong tổng số 900 tỷ đồng cam kết cho nhà máy. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng, đưa ra con số 162 lao động xã Kim Lương được tuyển ngay vào nhà máy trong tổng số 420 lao động. Vậy nhưng ngày nhà máy đi vào chạy thử cũng là lúc dân xã Kim Lương vẫn phản kháng quyết liệt. Lần sau, phản kháng kinh hơn lần trước.
Rò khí độc chlorine - Đâu là sự thật
Đỉnh điểm là vụ rò rỉ khí độc chlorine khi, chiều 4-3-2010, công nhân Nhà máy Thái Hưng cưa bình chứa khí này, lấy từ đống sắt thép phế liệu nhập trong khuôn viên nhà máy. Khí độc chlorine có trọng lượng riêng nặng hơn không khí. Sau khi thoát ra khỏi bình, nó thường bay là là mặt đất, thay vì bốc lên không trung.
Các lãnh đạo Nhà máy thép Thái Hưng và chính quyền địa phương mà chúng tôi gặp đều khẳng định lượng chlorine thoát ra ngoài không nhiều và không thể gây ngộ độc trên quy mô lớn được. “Bằng chứng là hai công nhân trực tiếp cưa bình sức khỏe vẫn bình thường”, ông Nguyễn Duy Luân, Phó Giám đốc Nhà máy Thái Hưng, quả quyết. Ông Nguyễn Quốc Phong, trưởng ban an toàn lao động nhà máy, cũng cho rằng “20 công nhân khác làm việc cạnh đó không sao”.
Tuy nhiên, khí độc chlorine được bảo “thoát ra với lượng không nhiều” không hiểu bằng cách nào lại leo qua được bức tường cao 2,5 m của nhà máy rồi quét một vệt dài xuyên hai xóm 2 và 3 của thôn Cổ Phục, theo hướng đông nam-tây bắc, kể từ vị trí nhà máy Thái Hưng.
Hỏi cớ sao miệng ống khói lại lạ đời như vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, ngậm ngùi: “Chỉ để giảm tiếng ồn từ ống khói”.
Hỏi cớ sao miệng ống khói lại lạ đời như vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, ngậm ngùi: “Chỉ để giảm tiếng ồn từ ống khói”..
Theo biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành huyện Kim Thành, một ngày sau khi xảy ra sự cố, các thành viên trong đoàn thấy rau màu ở khu ngã ba và ba sào lúa trong khu dân cư gần đó táp lá, một số cây lưu niên cũng héo lá non, cháy sém theo vệt; trên năm hecta lúa lá héo, chuyển màu vàng, trắng, lá rau thậm chí nom như bị cháy.
Y sỹ Đỗ Duy Thái, trưởng trạm y tế xã Kim Lương từ năm 2001, nhận xét chưa từng thấy bà con đến trạm y tế đòi khám nhiều như hôm 6-3, hai ngày sau khi xảy ra sợ cố rò chlorine. Hôm ấy thứ bảy, không huy động được y bác sỹ từ huyện về. Ông Thái chỉ đạo bà con khai báo đầy đủ và “tôi cũng xuống tận thôn để kiểm tra trực tiếp”. Đông quá nên một mình y tá Oanh không khám được hết. Tức là “có khám nhưng chỉ khám được một ít thôi”, ông Thái nói.
Trực tiếp xem sổ sách của trạm y tế xã, chúng tôi thấy tổng cộng có 74 người khai báo, trong đó 16 trường hợp được nhân viên y tế xác nhận bị viêm họng, dị ứng, tăng huyết áp.
Thông tin chúng tôi thu thập từ cơ sở là thế. Vậy mà, công văn ngày 12-3-2010 (tức tám ngày sau khi xảy ra sự cố) của UBND huyện Kim Thành gửi lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin&Truyền thông, và Tổng Biên tập báo Tiền Phong lại trình bày sự việc theo hướng khác. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương sau đó bốn hôm, ngày 16-3, chúng tôi cũng nhận được quan điểm như vậy của chính quyền tỉnh Hải Dương.
Theo đó, “từ ngày 6-3-2010 đến ngày 12-3-2010, số đông quần chúng nhân dân đến yêu cầu nhân viên y tế ghi tên và tự kể bệnh vào sổ chứ không yêu cầu khám, thậm chí, có người còn nhờ khai tên hộ. Chỉ sau khi báo Tiền Phong đăng bài báo... thì ngày 12-3-2010 mới có 50 trường hợp đến yêu cầu khám. Nhân viên y tế trạm xá xã Kim Lương đã tiến hành khám lâm sàng thì chưa có trường hợp nào có dấu hiệu bệnh lý như dân mô tả...”.
Ống khói trong nhà máy
Ống khói trong nhà máy.

Đền bù, nâng cấp cũng chẳng yên

Không hiểu vì lý do gì, trong khi không thừa nhận hậu quả sự cố rò rỉ khí độc chlorine, chính quyền lại chấp nhận để doanh nghiệp đền bù gần 400 triệu đồng cho các hộ và cá nhân tuyên bố bị thiệt hại do khí chlorine.
400 triệu đồng đền bù không giải được nỗi ấm ức của bà con, một bộ phận nhân dân vẫn tiếp tục phản kháng. Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ rò rỉ, “dân đã kéo ra đập phá nhà máy”, ông Phan Ngọc Núi, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, xác nhận.
Với mong muốn yên thân ở vùng đất lúc đầu tưởng là lành này, để giảm tiếng ồn lan tỏa vào khu dân cư cách tường rào nhà máy có sáu mét, nhà máy cho nâng cao tường bao lên gấp đôi, từ 2,5 m lên 5 m. Ven tường bao, còn dựng dãy nhà kho dày tám mét, làm luôn chức năng cách âm.
Với xưởng luyện thép, công xưởng chính của nhà máy, thay vì phải để trống bốn xung quanh để tạo thông thoáng và đối lưu nhiệt, nay cũng bị bịt gần như kín mít, biến công xưởng thành thùng container khổng lồ. “Không rõ sau này đi vào hoạt động chính thức, hàng trăm công nhân có chịu nổi cái nóng bức tỏa ra từ lò hồ quang hàng nghìn độ C”, một nhà khoa học ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đi cùng chúng tôi băn khoăn.
Còn để giảm bụi, hai buồng lọc bụi thuộc loại hiện đại nhất được lắp đặt, đủ giữ lại lượng bụi tạo ra từ lò luyện hồ quang hiện có, nơi được xem tạo ra nhiều bụi nhất của dây chuyền tinh luyện thép. Chưa yên tâm, nhà máy chơi thêm hai buồng khổng lồ như thế. Tổng tốn phí bốn triệu USD, bốn xylo đỏ chót lừng lững một góc trời như tòa chung cư ba tầng.
“Trong thời gian chạy thử, tỉnh chỉ đạo chỉ chạy từ 6 giờ 00 sáng đến 6 giờ 00 tối. Đúng là nhà máy đã đầu tư vài chục tỷ đồng, đầu tư tường bao, bưng thưng toàn bộ hệ thống che chắn lò nung trong lò luyện thép để thu gom tiếng ồn và bụi. Rồi trồng cây xanh, tăng cường bể lắng lọc”, Phó Chủ tịch huyện Kim Thành, Lê Ngọc Sang xác nhận.
Kỳ lạ nhất có lẽ là cái ống khói nối với bốn nhà lọc bụi kiểu túi ấy. Nó có kiểu gần như độc nhất vô nhị ở Việt Nam nếu không muốn nói là thế giới.
Theo GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, ống khói thường được thiết kế vươn thẳng lên trời cao nhằm tận dụng chênh lệch áp suất theo chiều thẳng đứng để đẩy khói lên trên trời, giảm thiểu gây ô nhiễm cho mặt đất. Với thiết kế như thế, không thể nhìn thấy miệng ống khói nếu đứng từ mặt đất.
Nhưng ống khói ở Thái Hưng thì sao? Người ta có thể làm được cái điều tưởng là không thể ấy. Từ mặt đất, từ Quốc lộ 5, chúng tôi đã nom rõ cái mõm trên cùng của ống khói. Vì sao vậy?
Cái ống khói cao 28m ấy trị giá 450 triệu đồng, thoạt kỳ thủy, thẳng vút lên trời xanh. Sau vụ rò khí chlorine, mõm ống khói dài thêm 11m, rồi được bẻ gập gần như nằm song song với mặt đất. Chưa hết, cái mõm rũ nghiêng ấy không được quay ra khu dân cư mà phải ngoặt vào không gian nhà máy.
Hỏi cớ sao lại chơi khác người vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, ngậm ngùi: “Chỉ để giảm tiếng ồn từ ống khói”.
Không ai biết đến bao giờ cuộc chiến nhân danh chống ô nhiễm môi trường ở Kim Lương mới đến điểm dừng. Chưa ai ở địa phương mà chúng tôi gặp đặt câu hỏi, đằng sau phản kháng chống ô nhiễm, thực chất câu chuyện là gì, ai phải chịu trách nhiệm gây nên hành động phản kháng vốn được xem chỉ là cái cớ ấy, cách xử lý “sự đã rồi” ấy phải ra sao để làm yên lòng tất cả các bên về lâu dài chứ không phải để cho yên một nhiệm kỳ “bầu bán” năm năm.
“Né tránh cội rễ của vấn đề khiến một bộ phận không nhỏ nhân dân vẫn không thỏa mãn dù chính quyền và doanh nghiệp cố gắng làm hết sức để giảm thiểu ô nhiễm từ nhà máy”, Nguyễn Uyển, nhà báo lão thành công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam đi cùng đoàn nhà báo thực địa Hải Dương mới đây bày tỏ.
Quốc Dũng
Đón đọc kỳ cuối: Vì sao Thủ tướng Chính phủ vào cuộc?
Bẻ quặt ống khói như thể là thông điệp bằng hình ảnh của Nhà máy Thép Thái Hưng về nỗ lực hết mức của họ tránh gây phiền nhiễu cho các xóm làng bao quanh. Thế mà bất ổn vẫn còn đó, thậm chí có thể không dừng câu chuyện hai chiếc xe tải. Vì sao? 

Từ chiếc xe bạc tỷ giam ngoài đồng -Kỳ cuối:

TP - Sáu ngày sau khi xảy ra vụ dân bắt quả tang hai xe của Hải Phòng đổ trộm phân phốt xuống ruộng của Hải Dương, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường vào cuộc. Vì sao vụ việc ở một địa phương lại được cơ quan hành chính cao nhất nước quan tâm?
Cái ung nhọt ngăn cách chính quyền với dân, không sớm xử lý triệt để, sẽ có nguy cơ di căn sang các vùng khác của địa phương đang trong cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy
Cái ung nhọt ngăn cách chính quyền với dân, không sớm xử lý triệt để, sẽ có nguy cơ di căn sang các vùng khác của địa phương đang trong cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy.

Quan trắc hai ngày, 70 cảnh sát tháp tùng
Công văn số 4971/VPCP-KNTN ngày 16-7-2010 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá tác động, ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư do hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng; kiến nghị biện pháp giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 năm 2010”.
Gần hết quý 3, theo ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ lại có văn bản nhắc nhở ngày 17-8. Đến sáng 7-9, kết quả quan trắc môi trường lần thứ ba ở Nhà máy Thái Hưng được ông Lê Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải dương, chủ trì công bố công khai cho toàn dân xã Kim Lương thông qua đại diện của họ.
Cuộc họp hôm ấy tiến hành sau việc giải thoát hai chiếc xe tải hiện đại của doanh nghiệp Hải Phòng bị người Hải Dương bắt giữ gần hai tháng nay. Trục trặc xuất hiện ở cả hai sự kiện.
Tại cuộc họp, chỉ 9/18 đại diện cộng đồng dân cư giám sát quá trình quan trắc đến dự. Số vắng mặt được lý giải một cách đơn giản, do năm người đến muộn, bỏ về sau khi vướng mắc qua cổng bảo vệ, và bốn người vắng không lý do.
Sự vắng mặt một nửa số đại diện nhân dân thực ra không đơn giản. Đợt quan trắc gần đây nhất, quan trắc lần thứ ba, chính quyền chỉ đạo đáp ứng tối đa đòi hỏi của dân. Không những mời 18 đại diện nhân dân giám sát, đơn vị quan trắc là Viện Công nghệ Môi trường, được Bộ TN&MT giới thiệu, thực hiện không chỉ bốn lần mỗi ngày mà còn làm thêm nhiều chỉ số ngoài yêu cầu.
Ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Kim Thành, nói: “Những ai phản ứng quyết liệt nhất thì đưa máy đến đó để quan trắc”.
Nhưng lại có một hiện tượng không bình thường. Khá hiếm trong đời các nhà quan trắc, trong hai ngày làm việc, 15 và 16-7-2010, nhóm quan trắc được 70 cảnh sát tháp tùng. Lý giải sự bất thường này, ông Lê Ngọc Sang nói: “Để khách quan, chúng tôi yêu cầu trưng dụng cảnh sát môi trường của tỉnh, huyện, bên cạnh đại diện dân, đại diện thanh tra nhân dân”.
Tại buổi công bố kết quả quan trắc sáng 7-9, một người rất có ảnh hưởng trong cộng đồng xã Kim Lương tuyên bố không tin kết luận 132 mẫu phân tích nước thải, khí thải và tiếng ồn đều trong giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật. “Các ông các bà đi quan trắc, đo đạc thế nào, dân chúng tôi có biết gì đâu”, người đàn ông nói.
Phải chăng, quan trắc không phải là cái mà dân cần, và hà cớ gì cuộc quan trắc kỹ chưa từng có phải có hàng mấy chục cảnh sát tháp tùng?
Ô nhiễm chỉ là cái cớ?
Như đã đề cập, ngay khi Nhà máy Thái Hưng đi vào hoạt động tháng 4-2009, dân đã có ý kiến. Sau khi quan trắc các thông số môi trường, trong đó có 26 thông số nước thải, 15 thông số tiếng ồn, và 15 thông số ô nhiễm không khí, “tỉnh và huyện hai lần tổ chức đối thoại với dân, dân vẫn chưa hài lòng”, ông Phan Ngọc Núi, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, nói.
“Dân kiến nghị cứ kiến nghị. Có hay không cải thiện họ cũng bất biết. Có tuyên truyền giải thích nhưng một bộ phận không nghe. Đấy là cái khó”, ông Lê Ngọc Sang phân trần vào thời điểm huyện nhà vừa xong đại hội đảng bộ cấp huyện và cấp xã mà hầu như không có trục trặc gì.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? “Câu hỏi rất chính xác”, ông Sang thốt lên. Suy nghĩ một lúc, ông nói tiếp: “Chuyện xảy ra ở một địa phương không ổn định về an ninh trật tự. Dân lấy ô nhiễm làm cớ để được thể đấu tranh với chính quyền. Mục tiêu là đuổi nhà máy đi bằng được. Bởi vậy, họ có thể sợ, nếu quan trắc đảm bảo tiêu chuẩn rồi thì không có lý do để đuổi nhà máy, không có cớ để phản ứng. Ý thức chủ quan của dân là, ông muốn nói gì thì nói, không cần phải quan trắc gì cả. Vài mươi năm sau mới là bệnh tật chứ bây giờ đâu có thấy”.
Giám đốc Nhà máy Thái Hưng, Nguyễn Văn Tuấn 32 tuổi (đội mũ, đứng giữa), giải thích với các nhà báo và nhà khoa học về nguồn cội cái đầu ống khói kỳ dị
Giám đốc Nhà máy Thái Hưng, Nguyễn Văn Tuấn 32 tuổi (đội mũ, đứng giữa), giải thích với các nhà báo và nhà khoa học về nguồn cội cái đầu ống khói kỳ dị.
Dân có phản ứng từ đầu hay sau khi có sự cố rò khí độc chlorine? “Nhà máy đang xây dựng, chả có lý do gì để phản ứng. Nhà máy chạy thử có bốn ngày mà đã nóng, mà đã tuyên bố có bệnh tật, có một số bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư, chứ đâu đợi đến sự cố. Căng biểu ngữ, cấm vận hoạt động ra vào cổng nhà máy, bế quan tỏa cảng”, ông Sang thông tin.
Theo ông Phan Ngọc Núi, huyện nhà cùng các huyện khác trong tỉnh Hải Dương đang chủ trương công nghiệp hóa nông thôn, thu hút đầu tư, và không tránh khỏi tác động đến môi trường. “Riêng nhà máy này, Tỉnh đặc biệt chú ý”, ông Núi nói.
Nhà máy được “đặc biệt chú ý” như thế nào? Vụ rò khí chlorine ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của dân xung quanh mà chính quyền và doanh nghiệp vẫn khăng khăng không ảnh hưởng. Sự thiếu sâu sát ấy của chính quyền khiến tình hình không dịu đi dù sau đó doanh nghiệp bồi thường gần 400 triệu đồng, dù có gia đình được đền 700.000 đồng cho một sào lúa mà năng suất cao nhất cũng chỉ hai tạ.
Hơn nữa, chỉ sau vụ rò khí chlorine, phương án quản lý các bình khí kiểu như thế mới được đặt ra nhưng chưa rõ ràng dù ông Sang có nói “đã chỉ đạo nhà máy không cho phép cắt bình khí nữa”. Tại sao được “đặc biệt chú ý” như ông Núi nói, sự cố không được ngăn chặn từ trước?
Vừa mới bước vào sản xuất, sự cố rò khí độc chlorine phần nào đó cho thấy nhà máy vẫn mắc căn bệnh kinh niên của các nhà máy khác ở Việt Nam. Đấy là sao nhãng khâu đào tạo kỹ năng cho lao động, sao nhãng khâu giám sát an toàn trong quá trình sản xuất và, nhất là, giám sát thành phần rác thải nhập vào Việt Nam, đánh giá mức độ độc hại của rác thải.
“90% nguyên liệu nhập từ Canada, Mỹ, Úc”, ông Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, Giám đốc Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng, nói. Vậy mà, bình khí chlorine làm bùng nổ xung đột với dân nằm trong số 70.000 tấn nguyên liệu đầu tiên Nhà máy Thái Hưng nhập với số tiền 24.500.000 USD để vận hành thử lò luyện thép.
Với lượng nguyên liệu sắt thép phế thải nhập hằng năm 324.000 tấn để sản xuất 295.000 tấn phôi thép/năm, thế là, nhân dân địa phương vẫn tiếp tục hoài nghi dù chính quyền và doanh nghiệp có cam kết nhiều bao nhiêu đi nữa.
Mổ ung nhọt, tùy thuộc chính quyền
Ông Phan Ngọc Núi nói: “Không thể dễ dàng mời người ta đến đổ vào hàng trăm tỷ đồng đầu tư rồi lại đẩy người ta đi”. Đến thời điểm này, các quan chức mà chúng tôi gặp đều chung ý kiến Thái Hưng đã làm tốt các yêu cầu mà địa phương đặt ra. 400 lao động, chủ yếu đến từ xã Kim Lương, đang háo hức chờ cái ngày mà họ ấp ủ. “Mỗi ngày không hoạt động, họ lỗ 400 triệu đồng”, ông Lê Ngọc Sang tiết lộ.
Nhà máy Thái Hưng sớm hay muộn cũng sẽ được phép chính thức hoạt động. Quyền bấm nút cho nhà máy hoạt động nằm trong tay chính quyền, nhưng ung nhọt tiềm ẩn xung đột lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.
Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ mới đây có ý kiến bằng văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẩn trương “kiến nghị biện pháp giải quyết”. Vấn đề là kiến nghị cái gì và kiến nghị như thế nào khi chính quyền các cấp Hải Dương vẫn tư duy cũ và cách chỉ đạo cũ. Họ chỉ nhìn thấy cái sai của dân chứ chưa thấy ai nói đến bất cập tồn tại từ phía chính quyền.
Tại sao lại cho đặt một nhà máy thép mới quy mô lớn tại Hải Dương trong khi một nhà máy thép khổng lồ khác lù lù ở tỉnh nhà mấy năm nay vẫn còn vấn đề môi trường chưa giải quyết được?
Thép là một trong số lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nhất, lại tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Hà cớ chi Hải Dương lại rước thêm gánh nặng ấy về?
Các quan chức tỉnh có tính bài toán cộng trừ số học đơn thuần giữa lợi nhuận thu được do doanh nghiệp đóng thuế với tổn thất do lấy đất của nông dân và ô nhiễm môi trường gây ra? Nếu nhân danh lợi ích chung và lâu dài của toàn tỉnh, việc lớn đó có được đưa ra bàn bạc dân chủ với dân, trước khi ra quyết sách không?
Cái ung nhọt ngăn cách chính quyền với dân, không sớm xử lý triệt để, sẽ có nguy cơ di căn sang các vùng khác của địa phương đang trong cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy. Có mổ xẻ ung nhọt ấy không, mổ thế nào để giúp thu hẹp khoảng cách giữa dân với doanh nghiệp và chính quyền, hay vẫn chỉ dựa trên áp đặt là chính? Câu trả lời tùy thuộc chính quyền tỉnh Hải Dương.
Quốc Dũng 


Nhà Máy thép Thái Hưng - Hải Dương : Cần sự đồng thuận từ người dân (09/12)

Nhà máy thép Thái Hưng (thôn Cổ Phục, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương) đang khẩn trương hoàn thiện để tiếp tục sản xuất thử sau 6 tháng không được sản xuất. Lý do nhà máy (nhà máy) bị ngăn trở là vì người dân khẳng định nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống của bà con.
Dự án nhà máy sản xuất phôi thép Thái Hưng do tỉnh Hải Dương cho phép xây dựng để sản xuất phôi thép từ phế liệu nhập khẩu và thu mua nội địa.
Nhà máy có gây ô nhiễm ?
Tháng 6/2009, nhà máy chạy thử dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi chạy thử, người dân sở tại khiếu nại đến các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương với nội dung: nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống bà con. Trong khi các cơ quan chức năng chưa kịp xem xét khiếu nại, người dân đã tổ chức treo băngrôn, biểu ngữ, cản không cho CBCNV vào nhà máy. Cao điểm, có tới gần 300 người, tụ tập căng lều bạt, làm tắc nghẽn đoạn đường trước cổng nhà máy. Và do vậy, nhà máy thép Thái Hưng buộc phải dừng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Toán – Chánh văn phòng UBND huyện Kim Thành: Căn cứ đơn kiến nghị của nhân dân và thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở TN-MT đã chủ trì phối hợp với UBND huyện và các ngành chức năng quan trắc môi trường tại nhà máy thép Thái Hưng. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại trực tiếp với nhân dân... về dự án và các chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có một số người dân không tự giác chấp hành giải tỏa khu vực cổng nhà máy. Do vậy, các cơ quan chức năng đã phải cưỡng chế giải toả, tháo dỡ lều bạt, biểu ngữ... vi phạm trước cổng nhà máy.
Nhưng theo kết quả hai đợt quan trắc của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Bộ TN-MT về dự án nhà máy thép Thái Hưng, thì: “nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho hoạt động sản xuất phôi thép, qua kết quả quan trắc các thông số đo về nước, khí thải và tiếng ồn cơ bản đảm bảo yêu cầu, chỉ còn tồn tại tiếng ồn về đêm và hai thông số của nước thải còn vượt tiêu chuẩn cho phép cần phải tiếp tục đầu tư xử lý”. Như vậy, kiến nghị của người dân là có cơ sở, và nhà máy thép Thái Hưng cần tiếp tục phải hoàn thiện yêu cầu về bảo đảm môi trường, trước khi đi vào sản xuất.
Hoàn thiện thế nào ?
Ông Nguyễn Văn Tuấn - GĐ nhà máy thép Thái Hưng khẳng định: “Đối với hai chỉ tiêu vượt chuẩn quy định, nhà máy sẽ tiếp tục khắc phục, khẩn trương xử lý để đạt các thông số kĩ thuật theo quy định của pháp luật về môi trường”. Mặt khác nhà máy đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý tiếng ồn. Quá trình sản xuất sẽ kết hợp với việc lựa chọn phân loại xử lý phế liệu đầu vào sao cho hợp lý, nhằm giảm bớt tiếng ồn. Đồng thời quy hoạch, sắp xếp lại vị trí bãi tập kết và sơ chế nguyên liệu cho phù hợp, di chuyển bãi xỉ lò. Các nhà xưởng sẽ lắp thêm các hệ thống thu hồi và xử lý các chất thải phát sinh.
Hiện nay, nhà máy thép Thái Hưng đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Quy hoạch trồng thêm dải cây xanh giáp khu vực tường rào nhà máy và tiếp tục xây cao các đoạn tường rào giáp dân... Mục tiêu nhằm hạn chế ảnh hưởng đến những người dân sống quanh khu vực nhà máy. Ông Tuấn nói: “Về phía DN, chúng tôi rất muốn được đầu tư tại địa phương, DN bao giờ cũng muốn được chính quyền địa phương, người dân sở tại tạo điều kiện để tiếp tục hoàn thiện phần việc còn lại và nhanh chóng đưa dự án đi vào sản xuất"...
Theo Báo cáo số 1318/BC - KHĐT - TĐĐT ngày 20/7/2009 của Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương, thì thủ tục chấp thuận và cho phép đầu tư xây dựng nhà máy thép Thái Hưng là đúng quy định. Cụ thể, việc xây dựng nhà máy là  “không thuộc lĩnh vực cấm đầu tư, không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện”..., và “dự án đã lắp đặt xong thiết bị máy móc, đang trong giai đoạn chạy thử để hiệu chỉnh máy móc và quan trắc môi trường”. Sở này kết luận: Đây là DA có tổng vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiến độ triển khai đầu tư xây dựng nhanh nhất từ trước đến nay, nhà đầu tư chứng tỏ có năng lực tài chính và kinh nghiệm để xây dựng dự án.
Như vậy, việc xây dựng dự án nhà máy thép Thái Hưng là chủ trương của tỉnh Hải Dương trong thu hút đầu tư vào tỉnh. Và thực sự, việc xây dựng nhà máy thép Thái Hưng đã đáp ứng đúng kỳ vọng và lựa chọn của tỉnh, tương lai khi nhà máy đã ổn định, đi vào sản xuất sẽ thu hút rất nhiều lao động tại địa phương. Và cùng với những nỗ lực mà dự án đang tiến hành để bảo đảm môi trường khi đi vào sản xuất, thì cũng cần nhiều hơn nữa sự đồng thuận cao từ phía người dân sở tại. nhà máy thép Thái Hưng đang rất cần đi vào hoạt động, vì lợi ích của nó với tỉnh Hải Dương và lợi ích của người dân, cũng như của DN.
Hoàng Xuâ

NM thép Thái Hưng bị ngăn trở hoạt động : “Vênh” thế nào ?
Nhà máy thép Thái Hưng bị người dân thôn Cổ Phục, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương ngăn trở, không cho nhà máy đi vào hoạt động. Vậy thì quan điểm của người dân và DN đã “vênh” nhau ở đâu, và cần phải như thế nào để có được tiếng nói đồng thuận ?


Điều đáng nói là, nếu chính quyền và người dân không đạt được sự đồng thuận thì DN lại là đối tượng chịu thiệt hại.
Liệu có... cảm tính ?
Bà Nguyễn Thị Gắng - người dân xóm 3, thôn Cổ Phục khăng khăng khẳng định:“Người dân yêu cầu nhà máy thép Thái Hưng dừng hoạt động. Mấy bữa nay chúng tôi ốm đau bệnh tật chỉ vì cái nhà máy thép đó. Có người còn phải đi bệnh viện cấp cứu vì hít khói bụi. Nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến đời sống của chúng tôi...”. Đồng tình với ý kiến của bà Gắng, ông Phạm Văn Hường cũng ở xóm 3 nói: “Nhà máy thép Thái Hưng trước đây sản xuất da giày, nhưng sau đó chuyển đổi thành nhà máy sản xuất phôi thép vuông. Đây là việc làm nhân dân chúng tôi không đồng tình, vì nhà máy thép trong tương lai sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”.
Tuy nhiên, theo một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, thì: Việc người dân thôn Cổ Phục khiếu nại đến các cơ quan chức năng chúng tôi ủng hộ. Nhưng về trình tự thì người dân cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người dân có quyền làm đơn kèm nhưng theo đó là các chứng cứ chứng minh được nhà máy này gây ô nhiễm. Sau đó gửi tới các cơ quan chức năng (căn cứ Điều 126 Luật bảo vệ môi trường năm 2005). Mặt khác, cơ quan chức năng đã hai lần đo quan trắc tại nhà máy. Kết luận các lần quan trắc này đã chỉ rõ “đa phần các thông số đối với môi trường không khí xung quanh vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Hơn nữa, nhà máy mới vận hành chạy thử trong thời gian quá ngắn, vì thế kiến nghị của một số bà có thể vẫn là nhận định theo cảm tính”.
Còn đại diện cho chính quyền xã Kim Lương thì phân trần: “Việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương trước hết là trách nhiệm của xã, sau là trách nhiệm của tất cả các cơ quan có liên quan. Để xảy ra tình trạng người dân tụ tập trước cổng nhà máy vừa qua là vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Vì từ trước tới giờ người dân nơi đây cũng thật thà chất phác, họ chỉ biết làm ăn thôi, chẳng qua họ bị kích động nhất thời nên mới như vậy”.
Nếu cứ theo những phát biểu trên, thì có thể thấy giữa quan điểm của người dân và cơ quan chính quyền vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Và đó thực sự là thách thức với khả năng hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng.
Cần gì để nhà máy hoạt động ?
Về nội dung kiến nghị của một số người dân xóm 3, thôn Cổ Phục, xã Kim Lương rằng, họ chỉ “ủng hộ nhà máy trước đây hoạt động trong lĩnh vực da giày, không ủng hộ Nhà máy sản xuất phôi thép vuông hiện tại”, ngày 20/7/2009, Sở KH-ĐT đã có Báo cáo số 1318/BC - KHĐT - TĐĐT trả lời những thắc mắc người dân theo yêu cầu của UBND tỉnh. Nội dung báo cáo thể hiện: “Căn cứ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ trương của tỉnh lúc này là hạn chế thu hút các DA đầu tư về may mặc, da giày vào một số huyện. Do đã bão hoà về tuyển dụng công nhân ngành da giày, và trên cơ sở hồ sơ DA đã chỉnh sửa của nhà máy thép Thái Hưng thuộc Cty CP B.C.H. UBND tỉnh hoàn toàn chấp thuận nhà máy sản xuất phôi thép Thái Hưng được hoạt động theo đúng trình tự và các quy định của Nhà nước”. Như vậy, các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, đến môi trường đều được nhà máy thép Thái Hưng tiến hành đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - GĐ nhà máy thép Thái Hưng cho biết: “Sau suốt 6 tháng bị dừng hoạt động nhà máy rơi vào cảnh dở khó, dở cười. Lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, rồi tính lương cho công nhân và nhiều chi phí khác. Trung bình, một ngày ước tính thiệt hại của nhà máy lên tới 300 triệu VND. Trước đây, nhà máy thu hút lực lượng lao động khá lớn tại địa phương. Nhưng giờ, sau những gì đã xảy ra, chúng tôi cần cân nhắc kỹ việc tuyển chọn công nhân do phải tính đến sự an toàn của nhà máy. Điều này DN không muốn nhưng thật không còn cách nào khác. Bản thân DN vẫn còn chưa hết lo lắng về sự hoạt động trở lại này”.
Hiện nay, DN đang rất lo ngại về an toàn khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động vì vẫn còn hiện tượng một số nhóm người thỉnh thoảng tụ tập ném đá vào cổng của nhà máy. Thiết nghĩ cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sát sao với việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ DN tối đa về vấn đề an ninh nhằm sớm đưa DN đi vào ổn định để sản xuất.
 Quan điểm của người dân và cơ quan chính quyền vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Đó thực sự là thách thức với khả năng hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng. Thiết nghĩ cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sát sao với việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhằm sớm đưa DN đi vào ổn định để sản xuất.
Hoàng Xuân


 ----

Vụ nhà máy thép Thái Hưng: Vì sao dân chưa tin chính quyền?
(VnMedia) - Để thu hút đầu tư, chính quyền không thể chỉ đứng ra bảo vệ doanh nghiệp. Điều quan trọng là chính quyền phải hiểu dân, là người đại diện cho quyền lợi chính đáng dân bởi dù sao, đó cũng là mảnh đất mà người dân đã sinh sống từ bao đời.... Đây là bài học từ câu chuyện lùng nhùng ở nhà máy Thép Thái Hưng (Hải Dương)...
Không phải không có lửa
Nhà máy thép Thái Hưng (thôn Cổ Phục, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương) là chủ trương của tỉnh Hải Dương trong thu hút đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đầu tư dự kiến là khoảng 900 tỷ đồng. Hiện nay, nhà máy đã đầu tư khoảng 700 tỷ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi nhà máy đi vào hoạt động thử nghiệm, người dân quanh khu vực đã cực lực phản đối vì cho rằng nhà máy này đang gây ô nhiễm môi trường.
Lúc đó, từ chính quyền cho đến thông tin đại chúng đều cho rằng người dân ở đây đã hành động quá khích, thậm chí còn vi phạm pháp luật khi phản ứng thái quá, bởi họ không hề có một bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh lo ngại của mình là có cơ sở. Thế nhưng, ngày 4/3/2010, một sự cố đã xảy ra. Đó là khi công nhân nhà máy này cắt phải bình chứa khí Clo, phát ra khí độc hại gây táp lá cây, hoa màu của người dân.
Giải thích cho việc này, nhà máy cho biết đây là do một “sơ xuất” từ phía công nhân nhà máy trong quá trình làm việc, chứ không phải là lỗi cố ý hoặc lỗi có hệ thống trong sản xuất.
Không biết chất khí này độc đến đâu, nhưng điều này đã đẩy sự lo lắng cũng như sự tức giận của người dân ở đây lên mức độ cao hơn. Nhiều người dân địa phương đã dựng lều trại quanh nhà máy, ngăn không cho công nhân của nhà máy vào làm việc.

Một trong hai chiếc xe đổ chấ thải ra ruộng bị người dân giữ gần 2 tháng nay

Chưa hết, ngày 16/7/2010, một “sự cố” ngoài ý muốn của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp lại xảy ra. Đó khi người dân phát hiện hai ô tô chở chất thải sinh hoạt của nhà máy được đem đổ xuống ruộng của dân. Lập tức, người dân kịch liệt phản đối và tự ý giữ hai chiếc ô tô này lại để “làm bằng chứng”. Lúc này, nhà máy lại giải thích rằng, việc xảy ra không liên quan đến nhà máy mà do lái xe của công ty môi trường tự ý đổ chất thải xuống ruộng theo yêu cầu của một người dân.

Đó mới chỉ là những gì người dân nhìn thấy bằng mắt thường. Còn về cơ sở khoa học thì sao? Theo kết quả hai đợt quan trắc của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Bộ TN-MT về dự án nhà máy thép Thái Hưng, thì: “qua kết quả quan trắc các thông số đo về nước, khí thải và tiếng ồn cơ bản đảm bảo yêu cầu, chỉ còn tồn tại tiếng ồn về đêm và hai thông số của nước thải còn vượt tiêu chuẩn cho phép cần phải tiếp tục đầu tư xử lý”.
Nhưng dập khói lại không khéo

Ông Lê Ngọc Sang - Phó chủ tịch UBND huyện Kim Thành
Như vậy có thể thấy, những nghi ngờ của người dân về việc gây ô nhiễm môi trưòng của doanh nghiệp không phải là không có cơ sở, mặc dù mức độ ảnh hưởng của nó có thể không như những gì mà người dân lo ngại.
Tình ngay lý gian. Cho dù doanh nghiệp không có lỗi, hoặc lỗi chỉ là do sơ xuất, do sự cố, nhưng người dân không phải là phản đối không có căn cứ. Lúc này, làm trung gian giữa ngươi dân và doanh nghiệp chính là chính quyền địa phương.
Thực tế thì chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp, như giải thích, vận động người dân, buộc doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại hoa màu, xây tường rào thêm cao, trồng nhiều cây xanh… Nhưng vì sao đến nay người dân vẫn phản ứng và không tin vào chính quyền, trong khi các kết quả quan trắc gần đây nhất cho thấy, các chỉ tiêu về chất thải, tiếng ồn đã đạt tiêu chuẩn cho phép?
Phóng viên VnMedia đã có cuộc tiếp xúc với ông Lê Ngọc Sang, phó chủ tịch UBND huyện Kim Thành, trưởng ban giải quyết vụ việc. Quá trình làm việc, ông Sang luôn luôn nhấn mạnh về việc đã cử người xuống giải thích, vận động bà con không o bế nhà máy. Đặc biệt, trong khi chính quyền chưa hề công khai các kết quả quan trắc môi trường xung quanh nhà máy và giải tích về các chỉ số, các tiêu chuẩn… cho bà con thì ông Sang lại luôn miệng thanh minh cho nhà máy.
Cụ thể, trong khi các kết quả quan trắc cho thấy nước thải và độ ồn của nhà máy chưa phải là hoàn toàn đạt chất lượng, và chính Tổng giám đốc nhà máy, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng thừa nhận điều đó thì ông Phó Chủ tịch lại khẳng định là “tất cả các kết quả quan trắc đều cho kết quả dưới mức cho phép”. Ông Sang cũng lại thanh minh cho sự cố cưa bình có chứa khí clo là: “nó (nhà máy - PV) cũng không muốn thế!”. Rồi chuyện hai xe chất thải đổ xuống ruộng, ông Sang cũng lại trần tình rất rạch ròi, rằng do một chị nông dân xin lái xe đổ xuống ruộng của chị chứ “nhà máy nó không liên quan”.

Hàng đống vật liệu để phơi mưa nắng trong khi nhà máy bị dừng hoạt động
Những điều ông Sang nói có thể là sự thật, tuy nhiên, cách mà ông giải quyết công việc, cũng như cách mà ông đứng ra bảo vệ cho doanh nghiệp một cách quá sốt sắng đã khiến cho người dân có cảm giác ông không đứng về phía họ, không bảo vệ cho quyền lợi của người dân. Và cũng vì thế, người dân đã không tin ông, không tin luôn các kết quả quan trắc môi trường của cả 3 cơ quan khác nhau đứng ra làm xét nghiệm.
Cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp bị thiệt
Có mặt tại nhà máy thép Thái Hưng, ai cũng cảm thấy xót xa khi thấy hàng đống sắt thép nằm phơi mưa phơi nắng từ lâu. Toàn bộ nhà xưởng rộng mênh mông đang nằm đắp chiếu. Giữa buổi chiều, mà công nhân không làm việc, một số người còn chơi thể thao để giết thời gian.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn buồn bã chia sẻ: “Từ khi đi vào hoạt động đến bây giờ, chúng tôi vận hành không nổi 4 tháng, trong khi gần 400 công nhân vẫn phải duy trì. Nếu sự việc không nhanh chóng được giải quyết thì cũng không biết phải thế nào”.


Người dân vẫn bức xúc, không tin vào các kết quả quan trắc cho dù nó được tới 3 cơ quan chuyên môn xét nghiệm

Có thể thấy, lẽ ra doanh nghiệp không phải chịu thiệt thòi đến như vậy, bởi thực tế, dù có những sơ suất hoặc chưa thực sự hoàn thiện, nhưng nhà máy thép Thái Hưng vẫn là nhà máy thép hiện đại nhất Việt Nam hiện nay - như lời nhận xét của tiến sĩ Vũ Đức Lợi (Viện Hoá học, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam).

Tổng giám đốc nhà máy thép Thái Hưng buồn rầu trước tình trạng nhà máy bị dừng hoạt động quá lâu và không biết tương lai sẽ thế nào
Xét một cách công bằng, mảnh đất mà doanh nghiệp hiện đang sử dụng để sản xuất là mảnh đất mà người dân đã sinh sống ở đó từ bao đời nay. Khi kêu gọi đầu tư, chính quyền không chỉ có nhiệm vụ thuyết phục người dân, mà quan trọng hơn, phải đại diện cho quyền lợi của người dân. Nếu để người dân nghĩ rằng chính quyền chỉ biết bảo vệ doanh nghiệp, thì sẽ không bao giờ người dân tin vào chính quyền. Và hậu quả như chúng ta đã thấy. Cho dù các kết quả cho đến nay chứng tỏ doanh nghiệp đã khắc phục toàn bộ những tồn tại và môi trường đã được đảm bảo, nhưng để chính quyền lấy lại được niềm tin của dân không phải là một sớm một chiều. Đến nay, nhiều người dân được phỏng vấn vẫn tiếp tục cho rằng, nhà máy vẫn gây ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí, họ còn nói rằng, nhiều bệnh tật mới đã phát sinh, khi mà thời gian hoạt động của nhà máy vẫn còn là quá ít.
Thông tin mới nhất là ngày 7/9/2010, công an huyện Kim Thành đã “giải cứu” được 2 chiếc xe ô tô mà người dân đã giam giữ suốt gần hai tháng qua, nhưng với cái giá là đã có cán bộ bị “sây sát”. Như vậy, cùng với sự thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp thì uy tín của chính quyền bị ảnh hưởng, và người dân có nguy cơ đối mặt với tội danh vi phạm pháp luật.

Tổng số lượt xem trang