Tim King Salem-News.com 24-10-2010
Hồi tưởng về thời điểm một cuộc chiến mà hầu hết người Mỹ không thấy quen thuộc.
(SALEM, Oregon) – Trung Quốc đã thất bại trong một cuộc chiến tranh quan trọng trong năm 1979 chống lại Việt Nam, dù rất nhiều người ở phương Tây không hiểu rõ lịch sử quan trọng của nó. Bên phía Việt Nam là việc công nhận hiếm hoi liên quan đến sự tình nguyện của nước này để đánh bại Khmer Đỏ tàn bạo ở quốc gia láng giềng Campuchia, sau chiến tranh của Mỹ tại Đông Nam Á. Còn với Trung Quốc, cuộc xâm lược Việt Nam, chỉ thất bại và rút lui sau 29 ngày, thì cuối cùng họ đã từ bỏ cuộc xâm lược của mình.
Hãy trở lại năm 1970, khi Mỹ đã có sáu năm bước vào cuộc Chiến tranh Việt Nam, là năm mà các lực lượng Mỹ xâm chiếm Campuchia, nước có biên giới giáp với phía bắc và nam Việt Nam. Các lực lượng cộng sản chiến đấu chống lại những đơn vị quân đội Mỹ; quân đội Bắc Việt và du kích Việt Cộng, sử dụng Campuchia như là một nơi ẩn náu và chu chuyển. Họ tiến vào nước này từ phía bắc và lộ diện ở những khu vực phía nam bị Mỹ kiểm soát.
Năm 1973, một lệnh ngừng bắn được kêu gọi ở Việt Nam. Năm 1975, các lực lượng Mỹ cuối cùng đã rút khỏi nước này, chỉ để lại phía sau POW và MIA (tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh).
Lúc đó, toàn bộ Việt Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản Hà Nội và vẫn như thế kể từ ấy.
Điều thú vị là, Việt Nam có được sự hỗ trợ chủ yếu từ Liên bang Xô Viết trong suốt cuộc chiến tranh với Mỹ, chứ không phải là láng giềng Trung Quốc như một điều hợp lý được mong đợi. Trung Quốc là một người ủng hộ chính quyền lợi của Việt Nam cho tới lúc bắt đầu chiến tranh với Mỹ, đó cũng là năm sự ủng hộ của Trung Quốc với Việt Nam chấm dứt.
Như các thông tin của Wikipedia, đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Minh có một lịch sử lâu đời. Khi Việt Nam chiến đấu chống Pháp năm 1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa thành lập và Việt Minh có được mối quan hệ gần gũi. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và “Nhóm tư vấn quân sự Trung Quốc” dưới sự chỉ đạo của Vi Quốc Thanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Việt Minh đánh bại quân đội Pháp.
Quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu tan rã sau cái chết của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin – người chịu trách nhiệm về việc sát hại hàng triệu người Nga. Mao Trạch Đông nói, Nikita Khrushchev đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong một “Bài phát biểu bí mật” lên án Stalin. Những gì thực sự khiến Chủ tịch Mao giận dữ là sự ủng hộ của Khrushchev về việc cùng tồn tại hoà bình với phương tây.
Sự thù địch gia tăng và dẫn tới cái gọi là “chia rẽ Trung – Xô”.
Thời điểm đó, mới chỉ bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ, Bắc Việt vẫn ủng hộ Trung Quốc, phần lớn do sự ủng hộ của Trung Quốc với chính sách tái thống nhất của Bắc Việt; điều mà Liên Xô khi đó vẫn không để tâm.
Trung Quốc rút khỏi sự ủng hộ từ Bắc Việt cùng năm cuộc chiến tranh Mỹ bắt đầu, năm 1964, khi đảng của Khrushchev sa thải ông và thay thế là Brezhnev ở cương vị Bí thư Thứ nhất và Alexei Kosygin đảm nhận ghế Thủ tướng.
Bắt đầu trong năm 1965, lòng trung thành của những người cộng sản Việt Nam chuyển hướng tới Liên Xô; khi đó cả Liên Xô và Trung Quốc đang ủng hộ vũ khí cho Bắc Việt trong cuộc chiến tranh chống lại Nam Việt Nam và Mỹ.
Kết cục bất ngờ với Khmer Đỏ
Cộng sản Việt Nam và Khmer Đỏ của Pol Pot từng làm việc với nhau thời kỳ đầu, nhưng mối quan hệ bắt đầu tách rời khi chế độ Campuchia yêu cầu Việt Nam trả lại những khoảnh đất cho Campuchia bị “mất” trong một số thế kỷ trước. Việt Nam không quan tâm và Pol Pot đã trả đũa bằng cách tàn phá tộc người Việt Nam trong một vụ thảm sát bên trong Campuchia.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng, Khmer Đỏ đã phạm tội diệt chủng chống lại người dân ở các chủng tộc khác nhau bao gồm tộc người Trung Quốc, Việt Nam và người Campuchia.
Liên Xô cuối cùng đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến đánh bại Pol Pot ở Campuchia, sau thời kỳ diệt chủng khét tiếng bi thảm. Sự ủng hộ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với Pol Pot đã khiến cho Liên bang Xô viết coi đây là một cơ hội. Họ hậu thuẫn các lực lượng chiến đấu dày dạn của quân đội Việt Nam để dễ dàng đánh bại Khmer Đỏ diệt chủng.
Người Việt Nam biết có thể có sự trả đũa từ Trung Quốc, nhưng họ chọn cách tiếp nhận ủng hộ của Xô Viết và hy vọng việc phô trương lực lượng sẽ kiềm chế được Trung Quốc. Về lâu dài, họ đã thất bại trong canh bạc của mình.
Cuộc xâm chiếm chính thức của Việt Nam tại Campuchia xảy ra vào cuối 1978. Khmer Đỏ thiếu kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm của họ là ức hiếp và giết hại dân thường, chứ không phải thực tế giao chiến quân đội.
Ngày 7/1/1979, các lực lượng Campuchia được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam đã chiếm giữ Thủ đô Phnom Penh, chấm dứt chế độ Khmer Đỏ. Pol Pot trốn vào rừng và sống ở đó trong nhiều năm. Tới năm 1997, ông và một người còn lại của Khmer Đỏ hoạt động ở khu vực biên giới Campuchia và Thái Lan.
Cuộc chiến 29 ngày
Thứ duy nhất thiếu vắng trong cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc ngày 17/2/1979 là máy bay. Trung Quốc đổ bộ vào các khu vực biên giới chính của Việt Nam với bộ binh, thiết giáp và pháo binh. 29 ngày chiến tranh của họ không đạt được thắng lợi đáng kể và thất bại trong việc phô trương lực lượng chống lại Xô Viết.
Theo Wikipedia:
Trong vòng một ngày, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến sâu vào Việt Nam khoảng 8km dọc theo một mặt trận rộng lớn. Sau đó họ đã chậm lại và gần như đình trệ vì sức kháng cự mạnh mẽ của Việt Nam và những khó khăn trong hệ thống hậu cần Trung Quốc. Ngày 21/2, cuộc tiến quân được phục hồi chống lại Cao Bằng ở cực bắc và chống lại trung tâm quan trọng nhất khu vực là Lạng Sơn. Quân đội Trung Quốc tiến vào Cao Bằng ngày 27/2,nhưng thành phố hoàn toàn không được bảo vệ cho tới ngày 2/3. Lạng Sơn thất thủ hai ngày sau đó. Ngày 5/3, Trung Quốc nói rằng, Việt Nam đã bị trừng phạt thích đáng, tuyên bố chiến dịch kết thúc. Bắc Kinh toàn bố “bài học” của họ đã hoàn thành và PLA hoàn tất việc rút quân vào ngày 16/3.
Quan điểm của Việt Nam trong sự trỗi dậy của các hoạt động chiến đấu là, Bắc Kinh đã nếm trải một thất bại quân sự nếu không phải là sự bại trận hoàn toàn.
Theo GlobalSecurity.org:
Cuộc tấn công 1979 đã xác định rõ nhận thức của Hà Nội về mối đe doạ Trung Quốc. Chỉ huy cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam (PAVN) từ nay trở đi phải giả định, lập kế hoạch mục tiêu rằng, Trung Quốc có thể trở lại và có thể không chỉ dừng lại ở các chân đồi mà có thể tiến tới Hà Nội. Chiến tranh biên giới đã tăng cường quan hệ Xô – Việt. Vai trò quân sự của Xô Viết tại Việt Nam đã gia tăng trong những năm 1980 khi Liên Xô cung cấp vũ khí cho Việt Nam; hơn thế nữa, các tàu Liên Xô được quyền tiếp cận các cảng ở Đà Nẵng và vịnh Cam Ranh, máy bay do thám Liên Xô được hoạt động ở các sân bay Việt Nam. Người Việt Nam đáp trả chiến dịch của Trung Quốc bằng cách biến các khu vực giáp với biên giới Trung Quốc thành “những pháo đài sắt” có người điều khiển, được trang bị tốt và lực lượng bán quân sự được đào tạo kỹ càng. Ước tính có 600.000 quân được chỉ định để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc và sẵn sàng cho một cuộc xâm lược khác của Trung Quốc. Kích cỡ chính xác của các hoạt động biên giới rất khó xác định, nhưng giá trị về tiền tệ với Việt Nam là đáng kể.
Theo trang web SinoVietnameseWar.com, di sản của chiến tranh là lâu dài, đặc biệt ở Việt Nam. Ở đất nước bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh, Trung Quốc với tất cả bản chất, đã thực thi một “chính sách tiêu thổ” khi rút lui về Trung Quốc, gây ra những tổn thất trên diện rộng với vùng nông thôn và cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Làng mạc điêu tàn, đường bộ và đường sắt thiệt hại trong tay của người Trung Quốc.
Trong cuốn Defending China (Bảo vệ Trung Quốc) phát hành năm 1985, Gerald Segal kết luận rằng, cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn: “Trung Quốc đã không thể buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, không chấm dứt được các cuộc đụng độ ở biên giới, không tạo được sự nghi ngờ về sức mạnh của Liên Xô, không xua đi được hình ảnh về Trung Quốc là một con hổ giấy, và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô”.
Tuy nhiên, như Wikipedia thuật lại, Bruce Elleman lập luận rằng “một trong những mục tiêu ngoại giao quan trọng nhất đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là nhằm phơi bày rằng, những đảm bảo hỗ trợ quân sự của Liên Xô với Việt Nam là lừa gạt. Phơi bày nó ra ánh sáng, chính sách của Bắc Kinh thực tế là một thành công ngoại giao, kể từ khi Moscow không tích cực can thiệp, vì vậy cũng cho thấy những hạn chế thực tế của hiệp ước quân sự Xô – Việt … Trung Quốc đã giành được một thắng lợi chiến lược bằng cách giảm thiểu khả năng tương lai của một cuộc chiến hai mặt trận chống lại Liên Xô và Việt Nam.
“Các cuộc đụng độ biên giới tiếp tục trong suốt những năm 1980, bao gồm một vụ chạm trán đáng kể vào tháng 4/1984; đây là lần đầu tiên chứng kiến việc Trung Quốc sử dụng súng trường tấn công kiểu 81”, theo trang web SinoVietnameseWar.com.
Sau nhiều năm đàm phán không thành công, một hiệp định biên giới cuối cùng đã được ký kết giữa hai nước năm 1999. Vị trí biên giới chính xác được giữ bí mật, các vấn đề còn tiếp tục, và Việt Nam cuối cùng đã từ bỏ đất đai lại cho Trung Quốc.
Có điểm lưu ý tích cực, đó là tuyên bố tháng 12/2007 về tuyến đường Hà Nội – Côn Minh; một bước ngoặt trong quan hệ Trung – Việt, sẽ được xây dựng. Con đường này sẽ đi qua vùng biên giới từng là một chiến trường giữa hai nước. Nó sẽ góp phần phi quân sự hoá khu vực biên giới, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và hợp tác công nghiệp giữa các bên, SinoVietnameseWar.com nhấn mạnh.
Nguồn cho bài viết:
Sino-Vietnamese War – From Wikipedia, the free encyclopedia
Chinese Invasion of VietnamFebruary 1979 – GlobalSecurity.org
SinoVietnameseWar.com
Người dịch: Phạm Hữu
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
Nguồn: salem-news.com----------
Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay (1nguoiviet)
Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lần lượt lấn chiếm hết khu vực này đến khu vực khác của Việt Nam, từ khu vực nhỏ hẹp đến khu vực to lớn, từ khu vực quan trọng về quân sự đến khu vực quan trọng về kinh tế. Họ đã dùng đủ loại thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn xấu xa mà các chế độ phản động của Trung Quốc trước kia không dùng. Dưới đây là một số thủ đoạn chính:
1- Từ xâm canh, xâm cư, đến xâm chiếm đất.
Lợi dụng đặc điểm là núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một giải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương rồi định cư. Những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng, nương, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thổ Trung Quốc.
Khu Vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một thí dụ điển hình cho kiểu lấn chiếm đó. Khu vực này được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc xác định rõ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người Trung Quốc sang quá canh ở Trình Tường đều đóng thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956, phía Trung Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang-Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến một vùng lãnh thổ Việt Nam dài 6 kí-lô-mét, sâu hơn 1300 kí-lô-mét thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vực này, đơn phương sửa lại đường biên giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam. Tiếp đó, họ đã gây ra rất nhiều vụ hành hung, bắt cóc công an vũ trang Việt Nam đi tuần tra theo đường biên giới lịch sử và họ phá hoại hoa màu của nhân dân địa phương. Trình Tường không phải là một trường hợp riêng lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự như xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc (mốc 25, 26, 27) ở Lạng Sơn, Khẳm Khau (mốc 17-19) ở Cao Bằng, Tả Lũng, Làn Phù Phìn, Minh Tân (mốc 14) ở Hà Tuyên, khu vực xã Nặm Chay (mốc 2-3) ở Hoàng Liên Sơn với chiều dài hơn 4 kí-lô-mét, sâu hơn 1 kí-lô-mét, diện tích hơn 300 héc-ta.
Có thể nói đây là một kiểu chiếm đất một cách êm lặng.
2- Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1955, tại khu vực Hữu nghị quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên, gần Hà Nội, lợi dụng long tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt-Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300 mét so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho nghành đường sắt hai bên điều chỉnh lại đường nối ray cho phù hợp đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay, họ vẫn trắng trợn ngụy biện rằng khu vực hơn 300 mét đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luần rằng “không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác”.
Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam quan 100 mét trên đuờng quốc lộ để xóa vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kí-lô-mét 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 mét, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.
Như vậy, họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam, dài 3100 kí-lô-mét và vào sâu đất Việt Nam 0,500 kí-lô-mét. Năm 1975, tại khu vực mốc 23 (xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), họ định diễn lại thủ đoạn tương tự khi hai bên phối hợp đặt đường ống dẫn dầu chạy qua biên giới: phía Việt Nam đề nghị đặt điểm nối ống dẫn dầu đúng đường biên giới, họ đã từ chối, do đó bỏ dở công trình này.
Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông, suối biên giới, phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật làm thay đổi dòng chảy của sông, suối về phía Việt Nam, để nhận đường biên giới có lợi cho phía Trung Quốc.
Cầu ngầm Hoành Mô thuộc tình Quảng Ninh được Trung Quốc giúp xây dựng vào năm 1968. Một thời gian dài sau khi cầu được xây dựng xong, hai bên vẫn tôn trọng đường biên giới ở giữa cầu ; vật liệu dự trữ để sửa chữa cầu sau này cũng được đặt ở mỗi bên với số lượng bằng nhau tính theo đường biên giới giữa cầu. Nhưng do Trung Quốc có sẵn ý đồ chỉ xây một cống nước chảy nằm sát bờ Việt Nam nên lưu lượng dòng chảy đã chuyển hẳn sang phía Việt Nam, từ đó phía Trung Quốc dịch đường biên giới trên cầu quá sang đất Việt Nam. Thủ đoạn như vậy cũng được thực hiện đối với cầu ngầm Pò Hèn (Quảng Ninh), đập Ái Cảnh (Cao Bằng), cầu Ba Nậm Cúm (Lai Châu)…
3- Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam.
Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất.
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2000 người, kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê-tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.
Các thị trấn Ái Điểm (đối diện với Chi Ma, Lạng Sơn), Bình Mãng (đối diện Sóc Giang, Cao Bằng) vốn đã nằm sát các mốc giới 43 và 114, lại ngày càng được phía Trung Quốc mở rộng ra lấn sang đất Việt Nam từ hang chục đến hàng trăm mét với Công trình nhà cửa, trường học, khu phố…
Bằng cách tổ chức lâm trường, trồng cây gây rừng, làm đường chắn lửa, đặt hệ thống điện cao thế, điện thoại lấn vào lãnh thổ Viêt Nam, Trng Quốc đã biến nhiều vùng đất khác của Việt Nam thành đất của Trung Quốc.
4- Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Ở một số địa phương, do địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt của dân cư Trung Quốc gặp khó khăn, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Việt Nam đã cho Trung Quốc mượn đường đi lại, cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy củi, đặt mồ mã… trên đất Việt Nam. Nhưng lợi dụng thiện chí đó của Việt Nam, họ đã dần dần mặc nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung Quốc. Khu vực Phia Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là điển hình cho kiểu lấn chiếm này. Tại đây, mới đầu phía Trung Quốc mượn con đường mòn, rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô-tô đi lại được vào khu vực mỏ của Trung Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập làng bản mới. Dựa vào “thực tế” đó, từ 1956 họ không thừa nhận đường biên giới lịch sử chạy trên đỉnh núi Phía Un mà đòi biên giới chạy xa về phía nam con đường, sâu vào đất Việt Nam trên 500 mét. Lý lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung Quốc sao họ lại có thể làm đường ô-tô, đặt đường điện thoại được… Nguyên nhân chủ yếu của việc lấn chiếm là vì khu vực Phía Un có mỏ măng-gan.
5- Xê dịch và xuyên tạc pháp lý các mốc quốc giới để sửa đổi đường biên giới.
Ngoài việc lợi dụng một số các mốc giới đã bị Trung Quốc xê dịch từ trước sai với nguyên trạng đường biên giới lịch sử để chiếm giữ trái phép đất Việt Nam, nay phía Trung Quốc cũng tự ý di chuyển mốc ở một số nơi, hoặc lén lút đập phá, thủ tiêu các mốc không có lợi cho họ như ở khu vực Chi Ma (Lạng Sơn), khu vực mốc 136 ở Cao Bằng… Đối với những trường hợp như vậy, họ đều khước từ đề nghị của phía Việt Nam về việc hai bên cùng điều tra và lập biên bản xác nhận. Ngay tại một số nơi mà vị trí mốc giới đặt đúng với đường biên giới đã rõ ràng chạy giữa hai mốc như khu cực Kùm Mu-Kim Ngân-Mẫu Sơn (mốc 41, 42, 43) ở Lạng Sơn dài trên 9 ki-lô-mét, sâu vào đất Việt Nam 2,5 ki-lô-mét, diện tích gần 1000 héc-ta, khu vục Nà Pảng – Kéo Trình (mốc 29, 30, 31) ở Cao Bằng, dài 6,450 ki-lô-mét, sâu vào đất Việt Nam 1,300 ki-lô-mét, diện tích gần 200 héc-ta.
6- Làm đường biên giới lấn sang đất Việt Nam.
Để chuẩn bị cho các cuộc tiến công xâm lược Việt Nam, liên tiếp trong nhiều năm trước, phía Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch làm đường biên giới quy mô lớn nấp dưới danh nghĩa là để “cơ giới hóa nông nghiệp”. Đặc biệt là từ năm 1974 lại đây, họ đã mở ồ ạt những chiến dịch làm đường có nơi huy động một lúc 8,000 người vào công việc này. Trong khi làm các đường đó, họ phá di tích về đường biên giới, lịch sử, nhiều nơi họ đã lấn vào lãnh thổ Việt Nam, chỉ tính từ tháng 10 năm 1976 đến năm 1977, bằng việc làm đường biên giới họ đã lấn vào đất Việt Nam tại hàng chục điểm, có điểm diện tích rộng trên 32 héc-ta, sâu vào đất Việt Nam trên 1 kí-lô-mét như khu vực giữa mốc 63-65 thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay khu vực giữa mốc 1-2 Cao Ma Pờ thuộc tỉnh Hà Tuyên dài 4 kí-lô-mét, sâu vào đất Việt Nam 2 kí-lô-mét.
7- Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới.
Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác-Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong.
8- Dùng lực lượng vũ trang uy hiếp và đóng chốt để chiếm đất.
Trên một số địa bàn quan trọng, phía Trung Quốc trắng trợn dùng lực lượng võ trang để cố đạt tới mục đích xâm lấn lãnh thổ. Tại khu vực Trà Mần-Suối Lũng (mốc 136-137) thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, năm 1953 Trung Quốc đã cho một số hộ dân Trung Quốc sang xâm cư ở cùng dân của Việt Nam, sau đó, họ tiếp tục đưa dân sang thêm hình thành ba xóm với 16 hộ, 100 nhân khẩu mà họ đặt tên Si Lũng theo tên một làng ở Trung Quốc gần đó. Tuy thế, cho đến năm 1957 phía Trung Quốc vẫn thừa nhận khu vực nầy là đất của Việt Nam. Từ năm 1957 trở đi, họ tiến hành việc dựng trường học, bắc dây truyền thanh đào hố khai thác than chì rồi ngang nhiên cắm cờ biểu thị chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng 6 năm 1976, họ đã trắng trợn đưa lực lượng vũ trang đến đóng chốt để đàn áp quần chúng đấu tranh và ngăn cản việc tuần tra của Việt Nam vào khu vực này, chiếm hẳn một vùng đất của Việt Nam trên 3,2 kí-lô-mét, có mỏ than chì.
Ở khu vực giữa mốc 2-3 thuộc xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng xảy ra tình hình như vậy. Năm 1967-1968, nhiều hộ người Mèo thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chạy sang định cư ở đây. Phía Việt Nam đã yêu cầu phiá Trung Quốc đưa số dân đó trở về Trung Quốc, nhưng họ đã làm ngơ, lại tiếp tục tăng số dân lên đến 36 hộ gồm 152 người, vào vùng nầy thu thuế, phát phiếu vải cho dân, đặt tên cho xóm dân Mèo này là “Sin Sài Thàng”, tên của một bản Trung Quốc ở bên kia biên giới cách khu vực này 3 ki-lô-mét. Mặc dù phía Việt Nam đã nhiều lần kháng nghị, họ vẫn không rút số dân đó đi, trái lại năm 1976 còn đưa lực lượng vũ trang vào đóng chốt chiếm giữ. Nay họ đã lập thêm đường dây điện thoại, loa phóng thanh, dựng trường học, tổ chức đội sản xuất, coi là lãnh thổ Trung Quốc.
9- Đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (3).
Quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) cách Đà Nẵng khoãng 120 hải lý về phía đông. Phía Việt Nam có đầy đủ tài liệu để chứng minh rằng quần đảo này, cũng như quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) ở phía nam, là lãnh thổ Việt Nam. Từ lâu, nhân dân Việt Nam đã phát hiện và khai thác quần đảo Hoàng Sa; nhà Nguyễn đã chính thức thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ nước Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, Pháp, nhân danh nước Việt Nam, đã lập trạm khí tượng mà các số liệu được cung cấp liên tục trong mấy chục năm cho Tổ Chức Khí tượng thế giới (OMM) dưới ký hiệu Hoàng Sa (Pattle). Việt Nam đã liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là rõ rang và không thể chối cãi được.
Nhưng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam theo quy định của Hiệp định Pa-ri ngày 27 tháng 1 năm 1973, và nhân lúc nhân dân Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền nam Việt Nam và ngụy quyền miền nam sắp sụp đổ, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã trắng trợn dùng lực lượng vũ trang chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Cách họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vẫn là cách họ đã dùng để lấn chiếm đất đai của các nước láng giềng, nhưng với một sự phản bội hèn hạ vì họ luôn luôn khoe khoang là “hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam anh em”. Đại để sự kiện diễn biến như sau:
Ngày 26 tháng 12 năm 1973, Bộ ngoại giao Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông báo cho Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa biết ý định của mình sẽ tiến hành thăm dò dầu lửa trong vịnh Bắc Bộ và đề nghị hai nước tiến hành đàm phán để xác định chính thức biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ
Ngày 11 tháng 1 nắm 1974, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đảo Tây Sa (tức là Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Nam Sa (tức là Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc và không cho ai xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc.
Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Trung Quốc trả lời phiá Việt Nam, đại ý nói: đồng ý đề nghị đàm phán về vịnh Bắc Bộ, nhưng không đồng ý cho nước thứ ba vào thăm dò, khai thác vịnh Bắc Bộ, thực tế là họ ngăn cản Việt Nam hợp tác với Nhật-bản, Pháp, Ý trong việc thăm dò, khai thác thềm lục địa Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, với một lực lượng lớn hải quân và không quân, Trung Quốc tiến hành đánh quân đội của chính quyền Sài Gòn đóng ở quần đảo Hoàng Sa và họ gọi cuộc hành quân xâm lược quần đảo này là “cuộc phản công tự vệ”.
Từ năm 1973 về trước, phía Trung Quốc đã lấn chiếm, gây khiêu khích ở nhiều nơi trên biên giới Việt-Trung. Từ khi họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, các sự kiện biên giới do họ gây ra, các vụ lấn chiếm đất đai Việt Nam ngày càng tăng:
Năm 1974: 179 vụ.
Năm 1975: 294 vụ.
Năm 1976: 812 vụ.
Năm 1977: 873 vụ.
Năm 1978: 2175 vụ.