TT - Một bạn đọc phản ảnh với Tuổi Trẻ về một nhóm người hành nghề xe ôm ở bến xe miền Tây chuyên dụ dỗ người tỉnh lẻ lên TP.HCM tìm việc. Chúng thường trấn lột tiền bạc và đem “bán sống” nạn nhân cho những tay giang hồ làm công không lương.
Nạn nhân N.C.K. vẫn còn hốt hoảng sau khi trốn thoát - Ảnh: S.Bình
Điều tra cho thấy không phải một nhóm người mà nhiều đường dây “buôn bán người” đang lộng hành ở bến xe miền Tây.
Bị bán và lao động khổ sai
Nạn nhân mới nhất là N.C.K., 18 tuổi, ngụ Châu Đốc, An Giang. Nhà khốn khó, K. đón xe lên Sài Gòn tìm anh trai và xin việc làm. Chiều 30-10 khi xe vừa cập bến, thấy “con mồi” lớ ngớ, một nhóm người hành nghề xe ôm bu lại giật túi xách, toàn bộ giấy tờ, tiền bạc, số điện thoại liên lạc bị mất sạch. K. mếu máo: “Xin mấy chú chở con về xóm Vải tìm anh con”, một gã đàn ông trong nhóm túm K. lên xe chở đi.
K. hốt hoảng kể lại: “Ổng chở em đi khoảng 20 phút thì đến một ngôi nhà toàn người xăm mình. Em sợ lắm. Lúc đó một phụ nữ xuất hiện, đưa cho ổng tiền rồi ổng đi luôn. Sau đó em bị người khác chở đi tiếp hơn một tiếng thì đến ngôi nhà lớn ngoài đồng. Ông chủ nhà đưa cho người chở 300.000 đồng rồi kéo em vào nhà khóa cửa lại”.
Trong ngôi nhà này còn có năm đứa trẻ khác cùng chung số phận. Những đứa trẻ quần quật phân loại phế liệu dưới sự la mắng của ông chủ. Thấy K. không làm việc, ông này to tiếng “bỏ đói cho mày chết” và rắn giọng: “Hôm qua có thằng bỏ trốn tao đang truy tìm, bắt được thì giết chết không tha”. Khuya 31-10, khi thấy mọi người đã ngủ, K. liều mạng chui qua khe cửa, nhằm hướng có ánh sáng đèn đường cách đó rất xa mà chạy rồi liều vào một nhà dân, giải thích sự việc và xin được giúp đỡ. May mắn đó là một gia đình tốt bụng.
Ngày 20-9, N.V.T., 26 tuổi, quê An Giang cũng bị những “cò mồi” ở bến xe miền Tây “bán sống” qua nhiều nơi và điểm cuối cùng là làm việc cho một xưởng gạo trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 6.
T. thuật lại: “Em bị lấy CMND, khuân gạo không công ngày đêm đến kiệt sức, năn nỉ xin giấy về quê thì bị dọa đánh. Lợi dụng sơ hở ra ngoài điện thoại cho người bạn cầu cứu thì được mọi người đến chuộc”. Cách đây hai tháng, ba thanh niên quê ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cũng trở thành nạn nhân. Các tay xe ôm môi giới qua một nhóm khác lấy CMND, tiền bạc và đẩy họ vào một xưởng giày da gần bến xe miền Tây. Tại đây, ba thanh niên này phải ăn ở và làm việc không công trong môi trường nhếch nhác, hôi thối. Một người trong nhóm than thở: “Em được người thân mang tiền chuộc, hai thằng bạn không tiền phải năn nỉ làm không lương một tuần để trả nợ, tụi nó còn bảo đã biết hết địa chỉ, ra ngoài thóc mách sẽ biết tay”.
Ngày 18-5, đôi bạn P. và H. ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng lên Sài Gòn lập nghiệp và được cánh xe ôm tư vấn việc làm lương cao. Cả P. và H. bị đưa vào một con hẻm vắng người, sáu người đàn ông bao vây dọa đánh, khám xét người, lấy hết giấy tờ tiền bạc và ép buộc đi nhặt rác cho một ông chủ ở Bình Dương. Mỗi giấy CMND giao cho ông chủ, bọn chúng nhận được 500.000 đồng tiền huê hồng. Hai bạn tâm sự phải làm từ sáng sớm đến tối mịt, xung quanh rác rưởi hôi thối, ăn uống tạm bợ mà lương bổng không thấy đâu. Ngày 20-5, nhân cơ hội ông chủ ra ngoài, cả hai tháo chạy và tìm cách trở về quê nhà.
Mỗi khi có xe trờ tới là cánh xe ôm ùa tới để môi giới tìm việc làm - Ảnh: Sơn Bình |
Những ngày nằm phục ở bến xe miền Tây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp các băng nhóm xe ôm bủa vây, đón những người lớ ngớ, giới thiệu việc làm rồi chở đi mất hút.
Trong vai người anh đi tìm em bị mất tích từ dưới quê lên Sài Gòn, chúng tôi nhờ cánh xe ôm này giúp đỡ, cuối cùng xác định được “người phụ nữ dẫn đi làm phế liệu”. Đó là chủ một quán café TT. Bà này chính là kẻ đã “bán sống” cho ông Tr. hai cô gái làm ở vựa ve chai thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, ngoài đường dây của ông Tr., nhiều năm qua nhắc đến dân đứng bến xe ai cũng biết những “ông trùm” chuyên gài bẫy việc làm cho người miệt quê. Đứng đầu phải kể đến nhóm của ông T. “chia”. Đàn em của T. hay tuyển người đi làm nhà hàng, karaoke, lương cao bao ăn ở, có tiền boa hậu hĩ. Nếu ai tin đi theo sẽ bị đưa về “lò huyết heo” ở huyện Bình Chánh. Đây là đoạn đường vắng vẻ, các “cò” sẽ khống chế lấy tiền bạc, CMND và ép vào làm để lấy hoa hồng. Ai không nghe sẽ bị đánh rồi bỏ đi hoặc đánh xong chuyển sang chỗ khác làm việc nặng nhọc hơn để dằn mặt.
“Luật bán sống” có ở các bến xe
Không chỉ bến xe miền Tây, các bến xe khác như miền Đông, Lam Hồng, Suối Tiên... cũng xảy ra những trường hợp “bán sống” người nhà quê thông qua cách dụ dỗ tìm việc làm. Để mở đường dây, các “trùm” phải có số má trong giới giang hồ, chung chi cho bến bãi và quản lý khu vực. Từ đó xây dựng hệ thống “cò mồi” và tìm quan hệ từ những đối tác cần cung ứng lao động nhà quê. Thường mỗi “cò” chiêu dụ sẽ nhận được 50.000-100.000 đồng tiền hoa hồng, sau đó các đàn em khác sẽ mang đi “bán sống” 300.000-500.000 đồng/người, chưa kể tiền trấn lột giữa đường. Nơi nhận lao động thì dọa nạt, bạo lực khống chế, nếu muốn đi phải trả đủ “tiền bán”.
Vô lương tâm, vô cảm hay vô trách nhiệm? (08/11)
TTO – Sau khi đăng tải bài Đường dây “bán sống” người nhà quê, ngay buổi sáng 8-11 hàng trăm bạn đọc đã phản hồi, bày tỏ thái độ và đặt nhiều vấn đề xoay quanh sự việc này.
Nạn nhân N.C.K. vẫn còn hốt hoảng sau khi trốn thoát - Ảnh: S.Bình |
Vô lương tâm
Sao trên dời này lại có những con người vô lương tâm để làm những điều thật là tàn nhẫn với những con người tội nghiệp, vì nghèo đói, vì khổ, thương cha mẹ.. mới rời quê lên thành phố kiếm miếng cơm manh áo như vậy?
Hi vọng các cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc sáng tỏ lấy lại sự công bằng cho họ và cứu thoát những người đang còn trong tay những kẻ lòng dạ lang sói đó.
NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Tôi là tài xế xe ôm ở Bến xe miền Tây Tôi làm việc trong bến xe miền Tây, tôi rất bức xúc chuyện này từ nhiều năm qua. Nói thật một số bác xe ôm thật tình chỉ biết dẫn người tìm đến chỗ việc làm để lấy tiền cò tăng thu nhập nuôi vợ con, họ cứ nghĩ như vậy là người khách có việc làm mà không biết đó là đường dây bán sống. Còn những ông trùm dụ các cò xe ôm thì dân sống ở bến xe ai cũng biết. Công an điều tra bắt là được. H.T |
Thật là vô lương tâm và xấu hổ khi những người không có lương tâm chỉ xem trọng đồng tiền, xem giá trị của con người chỉ có vài trăm ngàn đồng. Cần phải có sự can thiệp của cơ quan chức năng và có biện pháp mạnh tay đối với nhóm người vô lương tâm này.
LOAN TRAN
Tôi ở gần bến xe miền Đông nên biết chuyện này
Tôi ở gần bến xe, lúc trước khá lâu có một bài báo cũng viết về tệ nạn này nên quan sát thấy như vậy. Thủ đoạn của bọn chúng là yêu cầu mình đưa giấy tờ tùy thân cho chúng xem, sau đó chúng hứa đảm bảo công việc cho bạn. Từ khi lỡ tay đưa giấy tờ tùy thân cho chúng coi như bạn hết đường thoát rồi, trừ khi bạn bỏ giấy tờ và tìm cách đi ngay lúc đó. Mấy tên này nói chuyện rất ma cô. Nếu mình hỏi lung tung về chuyện làm thì bọn hắn nạt nộ. Mỗi ngày trôi qua sẽ còn có rất nhiều nạn nhân sụp bẫy.
Người xung quanh vô cảm? Tôi lên Sài Gòn đã được ba năm rồi mà vẫn còn khờ dại tin lời "cò" xe ôm. Hôm đó tôi có việc đột xuất cần đón xe qua Bình Phước. Một cò xe chạy lại hỏi và tư vấn cho tôi có xe chạy ngay đang đậu bên ngoài. Tôi vốn tin người nên đi theo. Tôi vừa lên xe là một chiếc ôtô cũ mèm thì bị kéo ra ghế sau, một gã to lớn với những hình xăm chằng chịt, một gã ốm nhách như bị nghiện. Bọn họ bắt tôi đưa điện thoại, ví tiền và chúng lấy hết TRƯỚC SỰ CHỨNG KIẾN CỦA CÁC HÀNH KHÁCH TRÊN XE MÀ KHÔNG AI LÊN TIẾNG mặc dù tôi cầu cứu. Tôi không bao giờ quên "ngày hôm đó". Nó đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về cuộc đời này vì trước kia tôi rất hiền lành, tin người và hay giúp đỡ người khác vì nếu hôm đó có một người thôi, một người đứng lên giúp tôi một lời nói thôi thì tôi đâu bị hai kẻ trong số hàng chục hành khách trấn lột. MIỀN ĐÔNG |
ORGRESH
Cơ quan chức năng đâu?
Thật ra các hiện tượng như thế này trong xã hội chúng ta không thiếu và cũng không riêng gì ở Bến xe miền Tây; chỉ có điều là nó núp dưới hình thức này hay hình thức khác thôi.
Bản thân tôi không đặt câu hỏi là tại sao những người thực hiện công việc này lại vô lương tâm như vậy? Điều tôi muốn đặt câu hỏi ở đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng? Việc này chắc chắn không phải mới xảy ra, vậy với trách nhiệm của mình các cơ quan chức năng đã làm được gì? Rất nhiều vấn đề thật ra để phát hiện và xử lý là không khó, tuy nhiên tại sao vẫn tồn tại thậm chí một cách ngang nhiên?
Chỉ đến khi báo chí đánh động, dư luận lên tiếng lúc đó mới can thiệp? Còn chất lượng của việc can thiệp này tôi cũng chưa dám chắc đạt hiệu quả như thế nào?
MAI TRẦN ĐIỆP
Lực lượng an ninh bến xe đâu?
Không thể tin nổi chuyện này đã xảy ra giữa một TP lớn nhất nước như vậy. Đúng là mất hết nhân tính, quá tàn ác, cần phải trừng trị bằng những bản án thật nghiêm khắc. Tuy nhiên, điầu đáng nói là lực lượng an ninh bến xe, bảo vệ bến xe, các anh lãnh lương để làm gì và đang ở đâu, đang bảo vệ ai mà không cứu lấy những người bất hạnh đó?
JINDO
Cần xử lý toàn bộ đường dây tội lỗi này
Bao nhiêu ý kiến của người dân tôi thấy quá đủ rồi. Đề nghị các ngành chức năng làm đến nơi đến chốn, xử lý thật nghiêm vì liên quan tội cướp của, bắt cóc rồi, xâm phạm thân thể người khác. Chưa nói tước mất quyền tự do, dân chủ của người khác. Cần nghiêm trị cả đường dây từ chủ cơ sở, đến anh chạy xe ôm có liên quan.
VÕ TUẤN
Sao lại có chuyện này?
Mình làm gần đấy thấy mấy anh công an hay bắt xe máy ngay cổng vào Bến xe miền Tây mà, sao có chuyện này xảy ra được nhỉ. Lạ quá!
LINH DONG
Chính quyền và ban quản lý bến xe ở đâu?
Tôi không thể tin nổi đây là câu chuyện có thật giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại TP.HCM như thế này!? Chẳng lẽ chính quyền địa phương và ban quản lý các bến xe chẳng biết chuyện gì đã và đang xảy ra hay sao? Chẳng lẽ họ và các cơ quan chức năng biết mà nhắm mắt làm ngơ?!
Rất mong các cơ quan và ngành chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.
NGUYEN VAN HIEP