Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Bốn nhận định sai lầm về Triều Tiên

Bên trong Triều Tiên
-Đi cùng phái đoàn của đặc sứ Mỹ Bill Richardson tuần trước đến Triều Tiên có hai nhà báo. Trong sáu ngày ở đó, họ đã tận mắt chứng kiến cuộc sống bên trong quốc gia nổi tiếng mà bí ẩn này.
 Khám phá Triều Tiên qua ảnh vệ tinh
Bài viết dưới đây đăng trên The New York Times, của nhà báo Sharon LaFraniere.
Một đội bóng đá nữ của học sinh thi đấu quyết liệt trong sân thể chất rộng mênh mông. Hai cô dâu trẻ, một cô váy trắng, cô kia váy hồng sẫm, làm lễ cưới trên quảng trường đầy tuyết. Cha mẹ kéo các em bé ngồi chơi trong những chiếc xe nhựa. Nhiều người xếp hàng trước các quầy bán khoai lang nướng.

6 ngày ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên, cho tôi cơ hội được nhìn ngắm - dù là dưới sự giám sát kỹ lưỡng - một cuộc sống như trong một thế giới khác. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ bất ổn chính trị hay sức khỏe yếu ốm của nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, tuy nhiên chuyến thăm ngắn ngủi và hiếm hoi cho tôi hiểu vì sao Triều Tiên đặc biệt cần thêm viện trợ và thương mại từ cộng đồng quốc tế.
Cảnh đám cưới trên một quảng trường ở Bình Nhưỡng. Ảnh: NYT.
Cảnh đám cưới trên một quảng trường ở Bình Nhưỡng. Ảnh: NYT.
Trong gần bốn năm qua, bộ máy tuyên truyền của chính phủ đã cam kết rằng Triều Tiên sẽ thịnh vượng và mạnh mẽ vào năm 2012, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà lãnh đạo khai quốc Kim Nhật Thành, cha của chủ tịch nước hiện nay, Kim Chính Nhật.
18 tháng đã trôi qua. Giờ đây khó mà dùng từ thịnh vượng để mô tả những nhà máy đóng cửa, những vụ mùa nghèo nàn và đám trẻ con còi cọc.
Có lẽ là đứng trước thời hạn đã đặt ra, các nhà lãnh đạo Triều Tiên mới đây đã đưa ra một nhượng bộ nhằm giảm bớt tình trạng bị cô lập của mình. Bình Nhưỡng tuyên bố cho phép cởi mở hơn thông tin về chương trình nguyên tử, cho các thanh sát viên trở lại nhà máy hạt nhân của họ.
Bên cạnh đó, dù thề rằng sẽ trả đũa mạnh mẽ cuộc tập trận bắn đạn pháo của Hàn Quốc gần vùng nước tranh chấp, thì cho đến nay đòn phản công của Bình Nhưỡng mới chỉ dừng lại ở những lời lẽ mà thôi.
Trong số dân 24 triệu, có 3 triệu người ở Bình Nhưỡng, phần lớn là thuộc tầng lớp tinh hoa. Ở Triều Tiên, bạn phải có giấy phép mới được ở Bình Nhưỡng. Tuy thế, những biểu hiện của sự khổ cực vẫn hiện diện ở thủ đô.
Trên những chiếc xe điện già lụ khụ, hành khách nêm chật cứng như cá hộp. Các khách bộ hành trên phố còng lưng cõng những gói to nhỏ trên lưng, trong đó có lẽ là các món hàng họ đưa ra chợ trời - nguồn cung hàng hóa quan trọng cho người dân thay cho những cửa hàng mậu dịch quốc doanh trống trơn. Họ hầu hết là phụ nữ, có người sụp xuống trên vỉa hè vì sức nặng của cái balo.
Các nhà kinh tế cho biết sản lượng than của Triều Tiên hiện chỉ bằng một nửa mức của 10 năm trước, và Bình Nhưỡng rơi vào cảnh thiếu điện thường xuyên. Tại trường chuyên ngoại ngữ mang tên Cách Mạng, học sinh sưởi ấm quanh các bếp than hoặc củi. Một phần lớn của thành phố chỉ có điện dùng 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
Một số tòa nhà cao tầng, có lẽ là công sở, mọc lên duyên dáng giữa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tòa khách sạn 105 tầng Ryugyong Hotel vẫn chỉ là một bộ khung xương suốt 25 năm qua kể từ khi nó được bắt đầu xây dựng. Chỉ đến gần đây nó mới được đắp lớp kính ở bên ngoài, nhưng trên những con đường ngoại ô vẫn còn nhiều công trình đang dang dở.
Nhiều người dân cho biết ở những nơi khác, nhất là các tỉnh phía bắc, nhiều trẻ em phải ăn xin ngoài đường, công nhân lĩnh những khoản lương rất khiêm tốn. Lương ở Bình Nhưỡng thì được cho là cao hơn.
Điều đó có lẽ là đúng nếu nhìn trên đường phố Bình Nhưỡng. Một số khách bộ hành vừa đi vừa nói chuyện qua điện thoại di động - thứ mà trước đây hai năm còn hầu như chưa được biết đến ở Triều Tiên. Koryolink, nhà cung cấp dịch cụ mạng điều hành bởi một hãng Ai Cập, hiện có 310.00 thuê bao Triều Tiên, và mạng lưới của họ đang ngày một mở rộng. Người dân Bình Nhưỡng cho biết gần đây có nhiều ô tô và đèn giao thông trên đường hơn, nhưng nhìn chung phố xá rất vắng.
Những người đi trên đường phố trông đều có vẻ đủ ăn. Tình trạng suy dinh dưỡng đã được cải thiện nhiều trong 10 năm qua, nhưng vẫn có một phần ba số trẻ em nước này còi cọc, một phần năm bị nhẹ cân, theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới. Khu vực Bình Nhưỡng là nơi có điều kiện dinh dưỡng tốt nhất Triều Tiên.
Sự cô lập của Triều Tiên có thể được nhận thấy ngay ở sân bay. Với phi đội 40 chiếc máy bay hầu hết do Liên Xô chế tạo, hãng hàng không quốc gia Air Koryo có hai chuyến xuất ngoại mỗi ngày, một đến Bắc Kinh và một đến Vladivostok thuộc Viễn Đông của Nga. Du khách được quyền mang laptop vào, nhưng điện thoại di động thì bị giữ.
Các nhà báo hiếm khi được cấp visa vào Triều Tiên, một trong những quốc gia bí mật nhất thế giới. Bình Nhưỡng cho phép hai nhà báo đi cùng đoàn của ông Bill Richardson trong chuyến công cán cá nhân của ngài. Ông là nhà ngoại giao kỳ cựu và từng nhiều lần giải quyết các khúc mắc làm giảm căng thẳng liên Triều, cũng như đã kiên trì kêu gọi Triều Tiên giải giáp hạt nhân. Ông có cuộc gặp với nhiều quan chức cấp cao ở Bình Nhưỡng.
Đến Bình Nhưỡng, người ta có cảm giác như một kẻ từ bên ngoài đến thăm một thế giới khác thực. Nhân viên theo dõi kè kè một bên. Quy định ở dây rất rõ ràng: không phỏng vấn nếu không được phép. Không ai được bén mảng ra ngoài khu vực đỗ xe của khách sạn.
Mỗi vị khách đều được theo dõi cẩn mật bằng những cách thức như từ thời Chiến tranh Lạnh. Đối diện mỗi căn phòng rộng thênh của mỗi phóng viên trong khách sạn Potonggang vắng hoe là những người đàn ông tay mang vali tài liệu, khóa phòng họ để đung đưa trong ổ, và họ thay ca thường xuyên. Một vài vị khách bảo nhau rằng các bàn phòng ăn đều có "bọ" và rằng tấm tường đá màu đen bóng loáng kia thực chất là chiếc gương hai chiều. Điện thoại đi Mỹ bị khóa. Điện thoại đi nước khác giá 8,27 USD mỗi phút.
Tuy thế Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng có lúc linh hoạt đến ngạc nhiên, cho phép các phóng viên đến thăm trường chuyên ngữ, đến một nhà ga điện ngầm đông đúc hay vào chơi trong nhà máy dệt sợi tơ. Những khách lâu năm của Bình Nhưỡng nói rằng họ ngày càng cởi mở với báo chí.
Trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, các kệ trống trơn cho thấy tình hình kinh tế khó khăn, và cũng cho thấy những người có tem phiếu chính phủ cấp đã nhanh chóng tận dụng lợi thế mua hết hàng giá rẻ. Chỉ được nhìn thôi đấy - các nhà báo được thông báo như vậy khi qua cửa hàng.
Những cái chợ trời, nơi hàng hóa phong phú hơn, cũng đang phát triển bành trướng ra. Hàng trăm cái chợ đã mọc lên khắp đất nước, nhưng giới chức phẩy tay cho rằng chúng không quan trọng, bởi chúng đi ngược lại cương lĩnh của một xã hội xã hội chủ nghĩa.
Có một cái chợ rất sôi động ở Bình Nhưỡng, đó là chợ mái vòm mang tên Thống Nhất, nơi có lớp lớp quầy hàng. Những người buôn bán ở đó cho biết ba phần tư lượng hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Với tình trạng mùa màng kém, giá lương thực tăng là bài toán kinh niên. Tháng trước, Chương trình Lương thực Thế giới cho biết giá một kg gạo ở chợ trời Bình Nhưỡng là 10 USD, cao gấp 10 lần ở Bắc Kinh. Theo tổ chức này, với mức thu nhập trung bình của hộ dân ở đây, mỗi người chỉ có thể ăn hai hoặc hai bát rưỡi cơm mỗi ngày, nếu anh ta không có thêm nguồn thu nào khác.
Người Triều Tiên tự hào với truyền thống juche, tức là tự lập, và các quan chức chính phủ chào đón ông Richardson với tuyên bố về một xã hội đang trên đà thịnh vượng.
"Mọi thứ đều tốt đẹp", Phó chủ tịch nước Kim Yong-dae khẳng định với vị thống đốc Mỹ và các phóng viên trong một cuộc gặp. "Nhờ có khả năng răn đe mạnh mẽ của quân đội, chúng tôi có thể yên tâm mà phát triển" và sẽ thịnh vượng vào năm 2012.
Nhưng theo ông Richardson, khi nói riêng với nhau thì các quan chức chủ nhà cho biết họ đang vô cùng thiếu nhiên liệu, lương thực và tha thiết muốn thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế mà Triều Tiên phải chịu sau khi thử hạt nhân và tên lửa. Những lệnh đó đã được áp dụng gần 5 năm trước. Một số nhà phân tích chuyên về Triều Tiên e rằng nếu không có tiền, nước này có thể sẽ chào bán công nghệ và nguyên liệu hạt nhân cho các nước khác.
Những cuộc phỏng vấn gần 20 người Triều Tiên chạy sang Trung Quốc cách đây 6 tháng cho thấy rằng nhiều người hy vọng nhà lãnh đạo đang lên Kim Jong-un, con trai của đương kim chủ tịch Jong-il, sẽ thay đổi chính sách. Tuy nhiên phần lớn người dân Triều Tiên vẫn ủng hộ chính sách 15 năm qua của ông Jong-il, "quân sự trước hết". Họ coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung và Hàn Quốc là công cụ của Mỹ và bị Washington cấm không cho thống nhất với Triều Tiên. Họ cho rằng với 35 năm bị Nhật Bản đô hộ, sau đó là cuộc chiến Triều Tiên, họ cần có lực lượng phòng vệ bất khả chiến bại.
Các bảng cổ động, những bài ca yêu nước, báo chí và phim ảnh liên tục củng cố ý nghĩ đó. Mỗi người đàn ông Triều Tiên dành khoảng 10 năm phục vụ quân đội. Tôi được chứng kiến những binh sĩ làm việc trên các công trình xây dựng, hoặc giúp dân chúng ở làng bản, trong khi loa phóng thanh treo trên cây cao phát rộn rã những bài ca ái quốc.
"Cho dù chúng tôi thiếu ăn, chúng tôi cũng đưa hết cho quân đội những gì tôi có", một cựu giáo sư ngành nhân văn học ở thành phố Chongjin ở miền bắc Triều Tiên, nói. Người này giờ làm giúp việc ở Trung Quốc và có kể hoạch trở vể nhà. "Có vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ không bị xâm lược. Tôi thực sự muốn nói thế đấy. Sẽ không ai dám động đến chúng tôi".
Tại một nhà ga điện ngầm ở Bình Nhưỡng, ga Thịnh Vượng, hành khách đọc tin tức về nguy cơ xung đột quân sự với Hàn Quốc trên báo dán trên tường. "Chúng ta muốn hòa bình", một người đàn ông hét lên đầy nhiệt thành. "Nhưng chúng ta không sợ chiến tranh. Chúng ta sẵn sàng cho mọi tình huống".
Ngoại trừ câu hét ấy, thái độ của người đàn ông và những hành khách khác đối với các nhà báo chúng tôi đều rất thân thiện. Các nhân viên hộ tống của chính phủ Triều Tiên cũng vậy. Sau sáu ngày, chúng tôi chia tay nhau bằng một tiệc nhỏ có cô-nhắc trong quán karaoke của khách sạn. Những ca khúc được hát gồm "You are my destiny" (Anh là định mệnh đời em) và nhiều tình khúc Triều Tiên.
Những ngày ở Triều Tiên, tôi chứng kiến người dân tụng ca Kim Jong-il. Anh Choi Hyok, 43 tuổi, gầy đét như que củi, quản đốc máy ở nhà máy dệt Kim Jong-suk, tên của mẹ nhà lãnh đạo, kể về chuyến thăm của nhà lãnh đạo tháng 1/2009. "Tôi cảm giác như mình vừa bước ra khỏi đêm đen, đến với ánh sáng chói lòa", Choi nói.
Nam Dae-yong, 20 tuổi, sinh viên địa lý trường đại học Kim Nhật Thành, sung sướng với 2.000 máy tính mới được lắp đặt ở trường. "Đây là quà tặng của Kim Chủ tịch", cô kể.
Nhà máy dệt nói trên hoạt động trơn tru với 2.000 nữ công nhân mặc đồng phục hồng và xanh lam, đội khăn xanh lục. Trong khi đó các chuyên gia kinh tế thì nói có đến ba phần tư số nhà máy ở Triều Tiên đang đắp chiếu do thiếu điện và nguyên liệu.
"Mọi người đều biết", cựu giáo sư ngành nhân văn ở thành phố Chongjin nói. "Không điện, không đèn, không sưởi. Chính phủ không cung cấp được mọi thứ, vì thế chúng tôi phải xin tiền bố mẹ".
"Mọi người nói về sự thịnh vượng vào năm 2012, khi chúng tôi thành một đất nước giàu có", một người bán hàng 45 tuổi ở tỉnh Hwanghae nói. "Nếu chúng tôi phát hiện được một mỏ vàng, tôi nghĩ điều đó có thể thành sự thực".
Mai Trang (lược dịch)


-Bốn nhận định sai lầm về Triều Tiên (Đất Việt)-
Triều Tiên từ lâu là một tâm điểm của giới truyền thông thế giới và mọi người tưởng biết rõ chân tơ kẽ tóc của họ. Tuy nhiên, tờ Washington Post khẳng định, dư luận thế giới đang có nhiều quan điểm sai lệch về Bình Nhưỡng.
>>  ‘Trung Quốc phát ngán với một Triều Tiên thơ dại’
Triều Tiên không “điên rồ”
Theo tờ báo này, giới chức Bình Nhưỡng có thế “khác người”, song họ không “điên rồ”. Không giống như những gì được miêu tả trong bộ phim “Team America” mà dân chúng Mỹ được xem, giới ngoại giao của Triều Tiên có kiến thức uyên thâm và được đào tạo bài bản. Họ am hiểu về nước Mỹ cũng như rất biết cách thưởng thức rượu vang đỏ của California.
Giới chức ngoại giao Triều Tiên có kiến thức rất uyên thâm.
“Trong nhiều cuộc đàm phán với họ với tư cách một quan chức dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, tôi luôn thấy những lập luận của họ có lý”, chuyên gia Victor D. Cha nhấn mạnh trên tờ Washington Post.
Theo chuyên gia này, không thể nói là “điên rồ” nếu một người vừa có những lập luận logic và vừa hiếu chiến. Trong trường hợp của Triều Tiên, khiêu khích là một phần trong các nỗ lực liên tiếp nhằm “hút” lương thực, nhiên liệu cũng như sự công nhận về chính trị.
Ông Victor D. Cha dẫn chứng nghiên cứu mới đây của ông tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế cho thấy, mỗi động thái khiêu khích của Triều Tiên đều dẫn đến một cuộc đàm phán mà ở đó, Bình Nhưỡng thu về được một khối lượng hàng viện trợ.
“Triều Tiên đang cư xử hoàn toàn logic. Việc một quốc gia không còn nhiều thứ để mất như Bình Nhưỡng sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm bằng cách gây bất ổn để đổi lấy những gói viện trợ quý giá là điều hoàn toàn dễ hiểu”, ông Victor D. Cha nhấn mạnh.
Ông Kim Jong-Un đủ năng lực để kế nhiệm cha
Không thể phủ nhận con trai út của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il còn quá trẻ bởi chỉ mới ở tuổi 27 nhưng nếu ai đó tin rằng, sự non trẻ này có thể khiến kế hoạch chuyển giao quyền lực của chính quyền Triều Tiên bị đổ vỡ thì người đó hoàn toàn sai lầm.
Thực tế cho thấy, nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên Kim Il-Sung lên nắm quyền khi mới 36 tuổi. Con trai ông là đương kim Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Il bắt đầu tiếp nhận quyền lực khi cũng chỉ ở tuổi 30.
Đối với chính quyền Triều Tiên, việc một đương kim lãnh đạo quyết định “truyền ngôi” cho một lãnh đạo trẻ là hoàn toàn có chủ ý bởi nếu như vậy, người kế nhiệm có thể nắm quyền trong một thời gian dài ổn định, khoảng 40 đến 50 năm.
Bên cạnh đó, ông Kim Jong-Un dường như cũng có một đội ngũ cận vệ dày dặn kinh nghiệm, sẵn sàng “dìu dắt” ông trên con đường lãnh đạo đất nước.
Ngoại giao không phải là lời giải chính xác cho bài toán hạt nhân Triều Tiên
Các vòng đàm phán chỉ có thể tạm thời “hạ nhiệt” chảo lửa Triều Tiên. Một số chuyên gia cho rằng, tất cả những gì Bình Nhưỡng mong muốn là quay trở lại vòng đàm phán 6 bên hoặc đàm phán song phương với Mỹ về các gói viện trợ lương thực, nhiên liệu và an ninh.
Ngoại giao không phải lời giải chính xác cho bài toán hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, câu chuyện khát vọng của Triều Tiên là muôn thưở. Nhìn lại thời kỳ nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush, không biết bao nhiêu vòng đàm phán diễn ra với kết quả Bình Nhưỡng thu về hơn 30 tỷ USD từ các gói viện trợ.
Mắt xích của vấn đề nằm ở chỗ, chính quyền của Tổng thống Obama hiểu rõ hơn ai hết, Triều Tiên luôn muốn sử dụng các vòng đàm phán để thu về các gói viện trợ kinh tế, song quốc gia này không bao giờ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Vì vậy, trước mỗi bàn đàm phán, giới chức ngoại giao Mỹ thường không mang nhiều hy vọng bởi họ biết, đàm phán có thể mang lại một thỏa thuận đáng giá “hạ nhiệt” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhưng đồng thời họ cũng tiên lượng được rằng, thỏa thuận đó có thể dễ dàng bị Bình Nhưỡng phá bỏ để bắt đầu một cuộc khủng hoảng mới.
Vậy nhiều người không khỏi ngạc nhiên, lý do gì khiến giới chức Mỹ phải hao công tốn của tiến hành các vòng đàm phán mà họ biết trước kết quả này. Thực tế là họ gần như không còn sự lựa chọn nào khác.
Nếu tính đến giải pháp quân sự, Washington sẽ phải chứng kiến thiệt hại rất lớn về người và của. Trong khi đó, một thực tế không thể chối cãi là Mỹ khó có thể “hạ gục” chính quyền Triều Tiên nếu không có sự trợ giúp từ phía Trung Quốc. Ngoài ra, chính quyền của ông Obama cũng không còn “mặn mà” với gói cấm vận Bình Nhưỡng bởi lâu nay giải pháp này không còn hữu dụng.
Trung Quốc không thể “tháo gỡ” vấn đề Triều Tiên
Mỗi chuyên gia lại có một nhân định riêng về cách tiếp cận Bình Nhưỡng của Bắc Kinh. Một số cho rằng, Trung Quốc chỉ muốn trợ giúp Triều Tiên “ở mức độ vừa phải”, trong khi một số khác đánh giá rằng, Bắc Kinh không thể tìm ra cách thức hợp lý để trừng phạt Bình Nhưỡng. Nhiều nhà phân tích khác lại nhận định, Trung Quốc muốn Triều Tiên tạm thời làm hao mòn sức mạnh của Mỹ trong thời gian Trung Quốc củng cố sức mạnh.
Dù mỗi nhận định đều có ý đúng nhưng thực tế, Bắc Kinh không có nhiều “quyền năng” như dư luận vẫn nghĩ bởi Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Thực tế Bắc Kinh có thể cắt nguồn cung dầu khí để gây sức ép lên Bình Nhưỡng nhưng nếu làm vậy, khả năng sụp đổ của chính quyền Triều Tiên là rất cao. Điều đó có nghĩa là hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc. Vấn đề khi đó sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, có thể nói, “chơi” với Triều Tiên là bài toán hóc búa nhất đối với giới chức Trung Quốc.

Bích Diệp


-Hàn Quốc “đổ dầu vào lửa“ bằng tập trận quy mô
(VnMedia) - Hàn Quốc vừa tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước đến nay ở gần biên giới Triều Tiên vào ngày mai. Hành động phô trương lực lượng này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang dịu đi.
(22/12/2010 11:24')
- 4 lý do khiến Triều Tiên thay đổi thái độ.tinmoi.vn/
Bài viết cập nhật lúc: 11:28 ngày 21/12/2010
Thế giới có phần ngạc nhiên khi Hàn Quốc bắn đạn thật tại vùng biển tranh chấp, Triều Tiên chỉ ra lời chỉ trích chứ không áp dụng hành động phản kích nào như đã tuyên bố trước đó. Theo giới phân tích, có 4 nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng thay đổi thái độ.
Thứ nhất, Triều Tiên biết động cơ tập trận: Hàn Quốc đã lựa chọn đảo Yeongpyeong để phô trương tiềm lực quân sự và vì vậy, cuộc tập trận lần này thực sự không phải là một vấn đề mang tính chiến thuật mà nó là một phần kế hoạch tái “vãn hồi thể diện của chính quyền Seoul” trong sự kiện đấu pháo giữa hai miền ngày 23/11, củng cố uy tín chính trị của Tổng thống Lee Myung Bak và nhằm ngăn chặn các hành động có thể xảy ra của Triều Tiên.
Trong cuộc tập trận kéo dài 94 phút ngày 20/12, Hàn Quốc đã bắn hơn 1.500 quả đạn pháo. Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc tập trận của Hàn Quốc, Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên tuyên bố quân đội Triều Tiên không tiến hành phản kích bởi cuộc tập trận này đã “giấu giếm thay đổi khu vực pháo kích và điểm rơi của đạn pháo”, và việc bắn đạn thật lần này “chẳng qua là bắn nốt những quả đạn chưa kịp bắn hết trong cuộc tập trận ngày 23/11”.
Thứ hai, Triều Tiên hiểu mối nguy hiểm nếu chiến sự bùng nổ: Rõ ràng, Hàn Quốc đã nhận được sự ủng hộ lớn từ phía Mỹ. Triều Tiên cũng biết Mỹ và Hàn Quốc đã chuẩn bị kỹ các hoạt động đối phó với sự phản kích của Bình Nhưỡng. Hơn ai hết, Triều Tiên cũng hiểu rằng một khi nổ ra chiến sự, với sự vượt chội về thực lực quân sự, Mỹ và Hàn Quốc sẽ giáng trả nước này mạnh mẽ. Hiện Mỹ có 28.000 quân đóng tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, nếu một cuộc đối đầu quân sự xảy ra, khu công nghiệp chung Kaesong chắc chắn lại đứng trước nguy cơ đóng cửa. Trong khi đó, Kaesong lại cung cấp cho chính quyền Triều Tiên nguồn ngoại tệ quan trọng để tăng cường khả năng quân sự.
Thứ ba, Triều Tiên đã có thỏa thuận với Mỹ: Đây mới là lý do chính khiến Triều Tiên thay đổi phản ứng.
Hôm nay, 21/12, Thống đốc bang New Mexico, Bill Richardson – đặc phái viên không chính thức của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, đã đến Bắc Kinh và ông tuyên bố “rất hài lòng” với kết quả đạt được trong chặng dừng chân trước đó ở Bình Nhưỡng. Ông Richardson khẳng định Triều Tiên đã đồng ý cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại cơ sở hạt nhân Yongbyon của nước này, đồng thời đồng ý thương lượng về việc bán 12.000 thanh nhiên liệu hạt nhân và chuyển chúng sang nước khác, có thể là Hàn Quốc. Ông Richardson cho rằng những đề nghị này có thể dọn đường cho nối lại đàm phán 6 bên.
Hàn Quốc tuyên bố vẫn chưa xác nhận được bất kỳ thỏa thuận nào, vì vậy nên chưa thể đánh giá. Còn Mỹ có vẻ hoài nghi vì cho rằng chuyến thăm của ông Richardson là “chuyến thăm cá nhân”. Nhưng theo các nhà phân tích Triều Tiên thay đổi thái độ là do trong chuyến thăm của ông Richardson, hai bên có thể đã đạt được sự hiểu biết nhất định, Richardson có thể đã bí mật truyền đạt ý kiến của Mỹ đến Bình Nhưỡng mà ý kiến này có thể là đã thỏa mãn các yêu cầu của Triều Tiên, có thể là khai thông đối thoại trực tiếp Mỹ - Triều.
Thứ tư, Triều Tiên giành thế chủ động ngoại giao: Triều Tiên thay đổi khiến cả thế giới, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc, thở phào nhẹ nhõm. Tình hình Bán đảo Triều Tiên chỉ vài phút trước đó dưới lời đặc phái viên Mỹ là “cực kỳ căng thẳng” và thậm chí có ý kiến còn đặt câu hỏi về khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc. Triều Tiên đã 6 lần cảnh báo hành động khiêu khích của quân đội Hàn Quốc sẽ vấp phải sự phản kích của miền Bắc, thậm chí là phản kích hạt nhân.
Đến giờ, mục đích của Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã đạt được. Tình hình Bán đảo Triều Tiên có hy vọng trở lại yên tĩnh. Mỹ cũng yên tâm bước vào những ngày đón Năm mới. Thậm chí có những dự báo lạc quan rằng Mỹ và Hàn Quốc có thể đợi 6 tháng cho các vấn đề hạ nhiệt và nối lại đàm phán, có thể là dưới hình thức đàm phán 6 bên hay một hình thức khác.
Như vậy, thái độ ôn hòa đã giúp Triều Tiên giành thế chủ động về ngoại giao – có nghĩa là Bình Nhưỡng đã giành điểm cuộc đấu trí lần này. Thế nên, trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc tập trận của Hàn Quốc, Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên đã kêu gọi thế giới nhận ra “ai thực sự là người cổ vũ cho hòa bình và ai là kẻ gây hấn chiến tranh”.
Nguyễn Viết
Tổng hợp
Theo dantri.com.vn

Tổng số lượt xem trang