Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Đảng viên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết đại hội 11 của Đảng

--Đảng viên tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết đại hội 11 của Đảng
LTS: Đàn Chim Việt vừa nhận được từ ông Nguyễn Thanh Giang kiến nghị của một đảng viên 70 tuổi đời, 40 tuổi đảng, ông Vũ Trí Tâm, về đại hội đảng lần 11. Bỏ qua những “viết phải lách” dưới chế độ lấy bạo lực để củng cố chế độ, kiến nghị của ông rất đáng trân trọng và phổ biến rộng rãi.
Kính gửi các đồng chí trong bộ chính trị, ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, các đồng chí đại biểu của đại hội Đảng Toàn quốc khoá 11


Thưa các đồng chí: Là một Đảng viên của cấp cơ sở, đang sinh hoạt ở một chi bộ hưu của đưòng phố. Vừa qua có được chi bộ tổ chức họp để nghe đọc thông qua toàn văn nội dung của bản dự thảo báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương Đảng khoá 10, chuẩn bị đưa ra trình đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng khoá 11 sắp tới, xin ý kiến tham gia đóng góp của toàn thể cán bộ đảng viên của Đảng.
Sau khi được nghe toàn văn nội dung bản dự thảo báo cáo, cả phần kiểm điểm đánh giá cũng như phần phương hướng nghị quyết cho đại hội 11, tôi thấy vẫn chưa có sự đổi mới. Tính bảo thủ trì trệ, duy ý chí vẫn còn nặng nề trong báo cáo, nhiều chỗ vẫn còn dùng những câu chữ rất tối nghĩa, tôi cảm thấy cứ như là nói đại, nói lấy được để viết thành nghị quyết. Vừa mang tính duy ý chí, vừa mang tính tham vọng.
Để làm rõ những nhận thức của tôi, bỏ qua phần kiểm điểm đánh giá, tôi chỉ xin được tham gia đóng góp ý kiến vào các phần dự thảo phương hướng nghị quyết như sau:
1. Phần quan điểm, tư tưởng của Đảng
Quan điểm của Đảng trong phương hướng nghị quyết của đại hội 11 lần này, Đảng vẫn lấy học thuyết Mac- Lênin làm kim chỉ nam, làm nền tảng tư tưởng của Đảng, tôi cho là không ổn, không phù hợp với tính thời sự của thời đại, bảo thủ, duy ý chí.
Nếu cứ bảo thủ duy ý chí như vậy nó sẽ dẫn dắt mọi hoạt động của Đảng ta đến sự xa rời quần chúng, đi ngược tiến trình phát triển của nhân loại, của thời đại. Bởi học thuyết Mac – Lênin bản chất đường hướng của nó là đường hữu, được gọi là Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản, coi nó như là thiên đường sống của nhân loại. Nhưng cái thiên đường sống đó chỉ có ở trong ý tưởng, trong hoài bão của cá nhân Mac. Nó chưa có đường hướng đi cụ thể nào, vì thế mà nó luôn luôn bị bế tắc, hoàn toàn trái ngược với bản chất gốc của nhân loại, chắc chắn nó sẽ là sự trái ngược, bất biến. Cho nên học thuyết của Mac dù Mac có viết được đến thiên kinh vạn quyển để lại cho đời, nó cũng vẫn chỉ là lí thuyết mà suy tư ước vọng của Mac chưa đủ để chứng minh là một học thuyết khoa học. Nếu đã là học thuyết khoa học thì phải có đường hướng cụ thể để cho loài người vươn tới cái đích của nó chứ đâu đến nỗi để cho các Đảng cộng sản các nước đi theo học thuyết của Mac tìm mãi không ra, mày mò, mày mò, sáng tạo, sáng tạo kết cục vẫn bế tắc.
Kiểm nghiệm lại tất cả các nước từ Âu đến Á suốt gần một thế kỉ qua đi theo học thuyết của Mac- Lênin để xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản đều là sự hoang tưởng, hậu quả đã bị sụp đổ hoàn toàn. Từ thành trì Liên bang Xô viết cho đến Việt Nam chúng ta.
Một vài tông đồ của Mac, sau Mac là Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, có thể là do ngộ nhận, có thể là do sẵn có bản tính ‘‘mạnh’’, đã nghĩ ra một thứ chủ nghĩa bạo lực, rồi đem pha trộn vào đó gọi gộp là chủ nghĩa Mac – Lênin. Lấy đấu tranh giai cấp, lấy quy chụp, lấy gò ép, lấy trấn áp làm động lực thúc đẩy để cải tạo con người, cải tạo xã hội nhằm biến con người, biến xã hội tư hữu thành xã hội công hữu hết sức quan liêu, chủ quan duy ý chí, phản khoa học. Hậu quả là gì? Chính cái chủ nghĩa bạo lực phi khoa học trên đã gây đau thương, nghèo đói cho tất cả các nước, các dân tộc đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản của học thuyết Mac – Lênin do Đảng cộng sản lãnh đạo. Hàng triệu, hàng chục triệu người bất kể là thành phần giai cấp nào, trong đó có cả cán bộ Đảng viên của Đảng cộng sản cũng bị đưa ra quy chụp, đấu tố, bắt tù đày, bị bắt giết rất bừa bãi, vô tội vạ. Đỉnh cao là cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản xảy ra ở Trung Quốc kéo dài suốt 10 năm từ 1965 -1975. Số người bị đưa ra truy bức, bị đưa ra đấu tố, quy chụp, bắt tù đày, bị bắn giết vô tội vạ lên tới 4-5 chục triệu người, trong đó có từ chủ tịch nước trở xuống đến các uỷ viên bộ chính trị, uỷ viên trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đây là một cuộc đại thanh trừng nội bộ hết sức dã man do chính Mao Trạch Đông – vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng cộng sản Trung Quốc gây ra. Thật hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.
Với Việt Nam ta thì sao? Sau ngày đất nước dành được độc lập năm 1945, tiếp đến là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, người dân miền Bắc tưởng như đã thoát được cảnh phải sống nô lệ đói nghèo cùng cực, để mọi người mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội cùng chung tay vào xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, thì ngay lập tức học thuyết Mac-Lênin được đưa vào thực thi ở miền Bắc, gọi là để xây dựng CNXH bằng cuộc cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt. Tiếp đến là gom nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp buộc nông dân phải đi vào làm ăn canh tác theo kiểu trang trại. Trong khu vực công thương nghiệp cũng dùng mọi biện pháp tước đoạt, gò ép gọi là cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh chẳng khác gì như là cải cách ruộng đất ở khu vực nông nghiệp. Với văn hoá xã hội: tập trung đánh vào đội ngũ trí thức hàng đầu của dân tộc, được quy gọi là bọn nhân văn giai phẩm, triệt phá đình chùa, miếu mạo, cấm đoán hội hè cúng bái, lễ lạt, tất cả đều bị cho là lạc hậu, mê tín dị đoan, dẫn tới phá vỡ cả một nền tảng đạo đức xã hội, gây li tán tình cảm giữa con người với con người. Triệt phá nhân tài, kìm hãm phát triển trí tuệ tạo nên mối quan hệ xã hội hoàn toàn sơ cứng làm cho cả đất nước đã nghèo lại nghèo thêm. Đó là những thực tế mà không ai có thể nói khác được.
Đúng vậy! Nếu không có học thuyết Mac-Lênin được đưa vào thực thi ở Việt Nam, không thể có xảy ra cuộc cải cách ruộng đất theo kiểu truy bức, quy chụp, đấu tố, bắn giết nhau bừa bãi. Không thể có cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh để triệt phá nhân tài, kìm hãm sự phát triển trí tuệ của đất nước. Không thể có đánh nhân văn giai phẩm là những người thuộc đội ngũ trí thức hàng đầu của nền văn hoá đất nước. Không thể có triệt phá đình chùa miếu mạo là những nơi thờ cúng tôn nghiêm, nơi quy tụ tinh thần tình cảm, đạo đức của cả một dân tộc đã có nghìn đời. Đó là những việc làm xúc phạm đến văn minh nhân loại của chủ nghĩa Mac-Lênin mà Đảng đã bắt cả dân tộc Việt Nam suốt mấy chục năm trời phải gánh chịu.
Khi mà cả dân tộc đã đứng trước bờ vực chết đói, lúc đó mới làm cho những người lãnh đạo đứng đầu của Đảng ta bừng tỉnh. Trước đại hội 6 toàn quốc của Đảng, cố tổng bí thư Trường Chinh đã phải lớn tiếng kêu lên, đổi mới hay là chết! Đúng là chua xót, một lời kêu gọi, xong cũng là một hơi thở hắt ra để báo hiệu cho một học thuyết, một cơ chế làm ăn phi khoa học, phi thực tế đã đến ngày phải tàn lụi. Đáp lại lời kêu gọi của cố Tổng bí thư Trường Chinh, biết là đau, nhưng Đảng vẫn phải thẳng tay vứt bỏ cái cơ chế làm ăn quan liêu, duy ý chí của học thuyết Mac-Lênin vào “sọt rác” chính trị để cho người dân được tự do trở lại làm ăn theo nếp cũ mà suốt mấy chục năm trời, cả dân tộc bị Đảng trói buộc chỉ vì cái học thuyết vô bổ của Đảng bắt dân phải theo đuổi.
Thật rất may cho cả dân tộc. Nếp làm ăn cũ nhưng lại được tái tạo vào thời điểm phát triển của nhân loại, nên nền kinh tế của đất nước cũng mau chóng được phục hồi, đời sống của người dân cũng mau được cải thiện, làm cho mỗi con người cũng mau quên đi nỗi đau đã bị trải nghiệm kéo dài suốt mấy chục năm do chính cơ chế quan liêu, duy ý chí gây lên. Một nỗi đau, một sự trải nghiệm phải được lịch sử ghi lại để lưu truyền cho muôn đời con cháu.
Đại hội đại biểu toàn quốc 11 lần này của Đảng, tôi đề nghị không lấy học thuyết Mac – Lênin làm kim chỉ nam, làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Kim chỉ nam nền tảng tư tưởng của Đảng, của Đại hội 11 lần này và mãi mãi về sau phải là : Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, xã hội dân chủ, công bằng dân chủ văn minh, đó mới là đổi mới, là đạo đức, là lí tưởng tốt đẹp của Đảng để phụng sự dân tộc.
2. Công cuộc chống tham nhũng
Tham nhũng ở nước ta nhiều năm nay đã trở thành quốc nạn. Đảng, nhà nước, chính phủ đã tốn bao công sức để ban hành ra đủ các loại chỉ thị nghị quyết, thành lập đủ các loại ban bệ từ Trung ương đến địa phương để chống tham nhũng. Nhưng buồn thay! Tham nhũng vẫn không giảm, càng chống nó càng phát triển mạnh, vụ sau đau hơn vụ trước. Tham nhũng đã và đang tha hoá, thao túng toàn bộ đời sống xã hội, từ trong bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền đến ngoài dân dã. Nó đã làm méo mó cả khuôn mẫu đạo đức từ người thầy đến người thợ. Sờ vào chỗ nào là chỗ đó có tham nhũng. Có người còn cho hành vi tham nhũng là sự khôn ngoan riêng của họ rồi đổ vấy đổ vá cho hành vi tham nhũng là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Phải chăng đây chỉ là sự suy nghĩ của những kẻ thiếu nhân cách. Cơ chế thị trường là đường đi chung của nhân loại, Việt Nam cũng đã cùng nhân loại đi chung con đường đó kể từ ngày dựng nước, nhưng làm gì có tham nhũng tràn lan như hiện nay?
Vì thế mà buộc chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra tận gốc cái để nẩy sinh ra tham nhũng đang lan tràn ở nước ta hiện nay, làm cho cả dân tộc cả cộng đồng tiến bộ quốc tế phải lo ngại. Vậy cái gốc đó ở đâu? Cái gốc đó chính là quyền lực, từ quyền lực nó sẽ nẩy sinh ra tham nhũng vật chất. Trong quản lí xã hội, quản lí nền kinh tế đất nước, Đảng ta đã dành độc quyền thâu tóm, nhưng trong số cán bộ Đảng viên của Đảng ở các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương được trực tiếp trao quyền lãnh đạo và quản lí, chẳng giỏi giang gì. Đã yếu về tài đức, yếu về kĩ năng, lại thiếu cả gương mẫu thì làm sao tham nhũng nó chả hoành hành, chả phát triển. Nó không chỉ phát triển ở ngoài mà nó còn phát triển ngay ở chính trong con người được trao quyền lãnh đạo, quyền quản lí cứ như vậy thì làm sao có thể chống được; có mà kế sách trời thì Đảng cũng phải bó tay.
Trong công cuộc xây dựng và quản lí nền kinh tế đất nước sau chiến tranh và hiện nay, giá như Đảng ta đừng quá tham, đừng quá kiêu ngạo, biết khiêm nhường, biết hoà đồng, biết tận dụng mọi tài năng của đất nước, biết tôn trọng quyền làm chủ đích thực của mọi tầng lớp nhân dân, đừng kéo dài sự kì thị dân tộc, kì thị giai cấp để cùng chung tay xây dựng, lãnh đạo, quản lí đất nước như trong thời kháng chiến. Đảng lãnh đạo dân, dân theo Đảng làm chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thì đâu đến nỗi để cho tham nhũng ngày nay nó trở thành quốc nạn. vậy muốn chống được tham nhũng có hiệu quả như mong muốn trong dự thảo nghị quyết của Đại hội 11, trước hết Đảng ta phải từ bỏ cái độc quyền thâu tóm quyền lực của dân của nước, đây chính là cái ung nhọt để phát sinh tham nhũng và cũng là cái lực cản lớn nhất để tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Để từ bỏ nó, Đảng phải đề nghị với Quốc hội, sửa đổi nội dung điều 4 của hiến pháp hiện hành, trao trả lại quyền lực của dân cho dân. Trong lãnh đạo quản lí đất nước, ai có đủ tài, đủ đức, đủ trí tuệ, được nhân dân tín nhiệm đều có quyền tham gia vào các bộ máy lãnh đạo và quản lí nhà nước ở các cấp.
Việc từ bỏ độc quyền thâu tóm quyền lực của dân của nước, một khi Đảng đã tự mình xác định Đảng không có quyền lợi riêng tư nào hết, Đảng chỉ có một lợi ích của dân, do dân, vì dân thì việc từ bỏ tôi nghĩ chắc chắn là không khó, rất hoà bình, rất hữu nghị (Đảng dân, dân Đảng).
Đảng thừa nhận sự nghiệp Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Thành quả Cách mạng có được cũng là thành quả của quần chúng nhân dân. Trong chiến tranh máu lửa là như thế, bom đạn sống chết là như thế mà quần chúng nhân dân vẫn bên cạnh Đảng, nuôi dưỡng Đảng, bảo vệ Đảng, cùng Đảng hi sinh chiến đấu đến cùng để dành thắng lợi. Tại sao trong công cuộc Cách mạng xây dựng đất nước ở thời bình, Đảng lại dùng thủ thuật để thẳng tay gạt dân ra ngoài, rồi thâu tóm toàn bộ quyền lực của dân của nước về tay Đảng? Phải chăng thâu tóm quyền lực trong thời bình nó không còn hi sinh đến xương máu, nó không còn cái sống cái chết liền kề, nhưng nó lại có cái quyền được dễ bề hưởng thụ tất cả quyền lợi của dân của nước nên Đảng ta phải “dũng cảm” dành lấy cả?
Đảng đã dùng thủ thuật để che đậy cái độc quyền thâu tóm quyền lực của dân của nước bằng cách nặn ra nội dung của điều 4 để đưa vào Hiến pháp. Rồi thông qua Quốc hội của Đảng để biểu quyết tán thành, giao quyền lãnh đạo quản lí toàn diện đất nước cho Đảng, đúng là một quy trình khép kín trọn gói từ A đến Z, thẳng tay gạt dân ra ngoài, thế là dân trắng tay. Đúng là mưu cao kế sâu. Một thủ thuật khôn khéo, đã dễ dàng biến hoá để lập lại chế độ phong kiến quân chủ tập quyền có một ông vua của thời xa xưa, thành một chế độ phong kiến quân chủ tập quyền có nhiều ông vua của thời hiện đại, núp dưới chiêu bài XHDC, đúng như vậy, không hơn, không kém.
Thế là các ông vua có cơ may được đặt vào ngồi ở các bệ của ngôi thứ quyền lực, bỗng nhiên ông nào ông nấy trở nên có sự thông thái khác thường, nói gì cũng đúng, làm gì cũng đúng, cứ như là các vị “thánh sống” của thời đại bất kể ở đâu, ngành nào, nghề nào, thôi thì tạp phế lù, các “thánh” cũng đều có thể phán được hết. Gần như trí tuệ của cả dân tộc đã được đặt nằm hết trong bộ não của các “thánh”. Chả thế mà hội nghị quốc dân luôn được mệnh danh là cơ quan quyền lực cao nhất, mỗi khi họp để bàn việc gì thông qua việc gì có tính trọng đại của đất nước cũng còn phải nghé xem ý tứ của các vị “thánh” ở trên ra sao rồi mới bàn, mới quyết. Thế đó!
Xu thế của thời đại cùng với sự phát triển KH- KT của đất nước đã đến lúc bắt Đảng ta phải đổi mới toàn diện, phải cải cách cơ chế, phải từ bỏ tư tưởng độc quyền thâu tóm quyền lực của dân, của nước, để mau chóng đưa xã hội, đất nước hoà cùng trào lưu phát triển tiến bộ của nhân loại, đó là một việc làm duy nhất đúng, để mau chóng làm trong sạch đội ngũ Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng mạnh về chất sạch về tâm, đảm bảo lòng tin vững chắc lâu dài của dân, của nước đối với Đảng.
Đảng không từ bỏ độc quyền thâu tóm quyền lực, không cải cách cơ chế triệt để, Đảng không bao giờ chống được tham nhũng, đó là điều khẳng định. Nhìn vào một vụ tham nhũng ở tập đoàn kinh tế VINASHIN đủ để khẳng định những điều tôi vừa nói.
VINASHIN là một tập đoàn kinh tế một thành viên của chính phủ. Toàn bộ vốn đầu tư là vốn của ngân sách, là tiền thuế của dân, của nước. Người chủ tịch hội đồng quản trị cao nhất, người Tổng giám đốc điều hành cao nhất ở tập đoàn này phải là chính phủ, phải là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng xuất phát từ độc quyền thâu tóm quyền lực nên đã nảy sinh ra quản lí điều hành chỉ bằng ý chí, chứ không bằng việc làm cụ thể. Vì thế mà hàng trăm nghìn tỉ đồng là tiền thuế của dân của nước cứ phóng tay vung ra theo kiểu vén tay áo đốt nhà táng giấy, trao cho một thằng vừa ngu, vừa tham, tiền đống đấy lại không có ai giám sát, không có ai quản lí, làm ăn thế nào là quyền chúng, thì làm sao chúng chả thoả thích thăng tiến, thoả thích vất đi vô tội vạ, hậu quả này là do đâu, do ai? Chính là do định hướng cơ chế, do thiếu tinh thần trách nhiệm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Số tiền bị thiệt hại ở tập đoàn kinh tế VINASHIN theo số liệu chất vấn của đại biểu Thuyết ở kì họp quốc hội vừa qua, không phải là 86 nghìn tỉ mà là 120 nghìn tỉ đồng. Theo tôi nghĩ chắc là chưa cộng số tiền lãi vay ở ngân hàng. Nhưng cứ thế cũng đã là một số tiền khổng lồ, chưa rõ kết cục điều tra của cơ quan điều tra kết quả ra sao. Song, người làm thiệt hại trực tiếp lại là chính phủ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể tránh khỏi ngoài vòng trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân cả nước.
Số tiền 86 nghìn tỉ đồng là tiền thuế của dân của nước, được chính phủ trực tiếp giao cho bọn Phạm Thanh Bình đưa vào sản xuất kinh doanh ở tập đoàn VINASHIN, không quản lí, không giám sát, hoàn toàn buông lỏng theo kiểu ném tiền qua cửa sổ, tạo điều kiện dễ dàng cho bọn Phạm Thanh Bình tham nhũng, dễ dàng ném tiền đi vô tội vạ, to lớn quá, đau xót quá. Nếu đem số tiền 86 nghìn tỉ đồng này so sánh với một số việc làm to lớn khác mà nhà nước đã và đang thực hiện mới thấy là to lớn biết nhường nào. Thiệt hại do mưa lũ lớn ở 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình theo số liệu của đài báo Nhà nước mới chi 7000 tỉ đồng để giúp cả 3 tỉnh, bằng 1/12 của một vụ tham nhũng ở VINASHIN. Nếu đem số tiền ấy mà làm những con cầu bắc qua sông Hồng, hiện đại như cầu đang thi công từ tỉnh Thái Bình sang tỉnh Hà Nam cũng làm được 14 con cầu, vẫn còn dư 2000 tỉ đồng để cứu trợ cho những tỉnh bị mưa lũ (86000 : 6000 = 14, dư 2). Còn nếu làm các cầu nửa hiện đại như cầu Khuể (Hải Phòng) số cầu làm được phải là 145 con (86000 : 850 = 145). Còn nếu đem làm cầu tạm để giúp cho trẻ ở vùng sâu vùng xa hàng ngày không phải đu dây vượt sông, vượt suối đi học, chắc phải làm được vô vàn cầu như thế. Đó mới là một vụ ở VINASHIN, tới đây còn hậu quả của các vụ bán rừng, bán đất đầu nguồn ở các tỉnh, vụ khai thác boxit ở Tây Nguyên còn đang mang tính thời sự cả ở trong và ngoài Đảng. Đó sẽ là thế nào?
3. Một số đề nghị cụ thể.
Từ 2 ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo phương hướng nghị quyết đại hội 11tôi đã trình bày ở trên, đề nghị đại hội đại biểu toàn quốc 11 của Đảng, cần phải đổi mới, cải cách những điểm không còn phù hợp như sau:
a. Lễ đài đại hội Đảng 11 lần này chỉ trang trí một ảnh hoặc một tượng Bác Hồ và treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, không treo ảnh Mac – Lênin.
Vì học thuyết không phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại, không nên tôn thờ hình tượng.
b. Trong phát triểnđể xây dựng nền kinh tế đất nước:
Đề nghị không dùng cụm từ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nó vừa tối nghĩa, vừa mang tính tham vọng hão. Bởi những cái gì của chủ nghĩa xã hội trước đây ta đã làm đều thấy phi thực tế, phi thực tiễn, Đảng đã phải thẳng tay vứt nó vào sọt rác rồi, vậy còn cố níu kéo nó để định hướng làm gì cho nặng tội? Tôi đề nghị thay vào cụm từ, xây dựng nền kinh thế thị trường định hướng quản lí theo quy chế tiên tiến của nhân loại. Tiếp thu tinh hoa pháp chế của các nước công nghiệp phát triển để tiến tới xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ của dân, do dân và vì dân
c. Tên nước.
Xã hội của nước ta hiện nay 1000 lần chưa phải là nước XHCN. Theo tôi nghĩ, hoài bão về cái chế độ xã hội chủ nghĩa của cụ Mac, chắc nó phải là tốt đẹp lắm, bác học lắm, chứ nó đâu lại tồi tệ như cái thứ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Cả xã hội còn đầy rẫy sự bất cập, kinh tế nghèo nàn, khao học kĩ thuật còn lạc hậu, văn hoá giáo dục thấp kém, đạo đức xã hội suy đồi, bộ máy nắm quyền lãnh đạo tham nhũng. Một xã hội như vậy mà Đảng đã tự vinh danh là nhà nước XHCN chẳng hoá ra Đảng ta chẳng hiểu nổi chế độ xã hội thật của cụ Mac ra sao, cứ dùng từ để nói đại, nói lấy được, ta đã phạm vào tội thoá mạ, coi thường chế độ xã hội của Mac, chửi Mac hơn là theo Mac. Tôi đề nghị lấy lại tên Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một đất nước không còn vua, dân làm chủ, tên đó mới đích thực là tư tưởng, là đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh, của quốc dân đồng bào có từ sau ngày dành được độc lập, đã được thể hiện trong văn bản hiến pháp năm 1946.
d. Tên Đảng :
Đảng cũng phải lấy lại tên là Đảng Lao động VN. Đảng ta là Đảng đại diện cho 2 tầng lớp giai cấp lao động, là công nhân, là nông dân. Biểu tượng trên lá cờ của Đảng là búa, liềm, chả có tí gì là Cộng sản và thực chất tất cả mọi con người của Đảng ta có ai thích cộng sản đâu?
Này nhá: Sau khi cơ chế làm ăn quan liêu bao cấp, duy ý chí của học thuyết Mac – Lênin do Đảng ta trói buộc, bắt nhân dân ta làm theo suốt mấy chục năm không thành, buộc Đảng ta phải vứt bỏ nó vào sọt rác để cho mọi người dân được tự do trở lại làm ăn theo nếp cũ, gọi là cơ chế thị trường. Những người vươn ra để làm giàu, vươn ra để lợi dụng đục nước béo cò, chiếm hữu đất đai nhà cửa, của cải của dân của nước để làm giàu cho gia đình mình, cho cá nhân mình nhanh nhất, nhạy nhất, lại là các vị Đảng cỡ bự cùng đám vợ con của các vị ấy ở tất cả các cấp, từ quận huyện, tỉnh, thành phố đến Trung ương, tiếp đến là số đảng viên đàn em có tí chút quyền lực ở trong tay cũng thả sức xoay sở vơ vét chẳng kém. Tự họ đã biến họ trở thành những nhà tư sản, tư bản của thời hoang dã. Vậy cộng sản hay không cộng sản, xã hội chủ nghĩa hay không xã hội chủ nghĩa nó ở chỗ đó. Một cách tốt nhất là bây giờ Đảng ta phải dám nhìn thẳng vào sự thật, đừng có lừa dối mãi ngay cả chính mình để tới đây, có phải lần lượt trở về với thế giới bên kia, khỏi phải kéo nhau đến tạ tội với các cụ Cac Mac – Lênin để nói rằng học thuyết của các cụ còn dở òm nên chúng cháu chỉ tôn thờ nó làm lí tưởng để xoay sở chuộc lợi cho mục đích cá nhân. Thực tế chúng cháu có theo đâu. Kính các cụ bỏ qua!
đ. Chào cờ:
Từ trước tới nay mỗi khi có hôi nghị lớn của Đảng từ cấp trung ương đến địa phương, thường có thủ tục chào cờ, trong đó có hát bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao, tiếp đến là bài Quốc tế ca lời thơ Pháp, nhạc sĩ Bỉ phổ nhạc, lời dịch tiếng Việt là của nhạc sĩ Đỗ Minh. Nội dung có tính chất kích động dân nghèo đoàn kết lại để đấu tranh với lớp người giàu có, độc tài, độc quyền bằng các câu: Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn. Tôi đề nghị bỏ hát bài hát Quốc tế ca vì nội dung không còn phù hợp. Ta phải xác nhận rằng thời nào cũng có người nô lệ, thời nào cũng còn người bần hàn. Ngay đất nước ta hiện nay số người nô lệ, số người còn đang phải sống một cuộc sống bần hàn cũng còn rất nhiều. Dĩ nhiên: Những người nô lệ, những người bần hàn của thế kỉ 21 này phải khác với những người nô lệ, những người bần hàn của những năm 30, 40 của thế kỉ trước. Nhìn vào sự chênh lệch giàu nghèo của nước ta hiện nay, nó đã là quá ghê gớm. Kẻ ăn không hết, người lần không ra đã là tột đỉnh. Tâm tư của số người nghèo này trong cả nước hiện nay họ cũng muốn vùng lên để đấu tranh với bọn tư bản đỏ, tư bản đen của thời hoang dã này lắm, nhưng chưa có ai dám đứng ra để làm ngọn cờ, liệu Đảng ta có dám một lần nữa đứng ra làm ngọn cờ để quy tụ họ, giúp họ vùng lên đấu tranh như thời Đảng làm cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đánh nhân văn giai phẩm nữa không? Chắc là không. Và xu thế thời đại cũng không cho phép thời đại làm vậy nữa. Đồng thời thực tế thì Đảng ta cũng đang sợ những việc biểu tình vùng lên của số đông dân nghèo này, nên nhiều năm nay Đảng đã ra sức dùng công an của dân đẻ làm công cụ khủng bố, đàn áp bất kể là họ biểu tình gì, thậm chí dân biểu tình để phản đối bọn giặc Tàu cướp đảo Hoàng Sa cũng bị đàn áp, bắt bớ, xử tù, từ đó mà bài hát quốc tế ca trở nên lạc lõng, vô nghĩa. Tôi đề nghị bỏ.
e. Về quan hệ quốc tế
Trong quan hệ quốc tế, quan hệ ban giao làm ăn với các nước trong đó có Trung Quốc, từ nay trở đi Đảng không thể gọi những người lãnh đạo của Đảng CS Trung Quốc là đồng chí. Gọi như vậy là nhầm, coi họ là đồng chí là có tội với dân tộc, với đất nước, vô tình Đảng đã công khai coi cả giặc là đồng chí. Làm gì có đồng chí cướp nước, cộng sản cướp nước?
AI? Năm 1974 cho quân ra đánh chiếm đảo Hoàng Sa của ta? (Mao Trạch Đông).
AI? Tháng 2-1979 đem hàng chục sư đoàn quân sang đánh chiếm, bắn giết đồng bào ta trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc? (Đặng Tiểu Bình).
AI? Đến mãi năm 1986 vẫn còn đem quân ra đánh chiếm các đảo ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của ta? (Giang Trạch Dân).
AI? ĐẾn nay vẫn còn cố tính để quân đóng chiếm đảo Hoàng Sa, bắn giết, bắt ngư dân của Thanh Hoá, của Quảng Ngãi, đang hành nghề đánh cá trên quần đảo của ta? (Hồ Cẩm Đào).
Những hành động trắng trợn độc ác như vậy, dù họ là cộng sản hay không cộng sản, họ cũng không thể là đồng chí của ta được. Nếu Đảng vô tình coi họ là đồng chí của Đảng, thì Đảng ta đã phạm vào tội phản bội lợi ích của dân tộc, của đất nước.
Trên đây là những ý kiến, những đề nghị thẳng thắn, chân thành, trung thực của tôi – Vũ Trí Tâm - một Đảng viên 70 tuổi đời, 40 tuổi Đảng gửi tới Đảng để tham gia đóng góp vào dự thảo nghị quyết 11 của Đảng. Rất mong được Đảng lắng nghe. Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ, sáng suốt. Xin chân thành cảm ơn!
Hải Phòng ngày 1.12.2010
Nơi gửi:
- Văn phòng Trung ương Đảng
- Báo Vietnamnet, nhờ chuyển tới các đại biểu của Đại hội.
------------

- - Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của Đảng (TVN) ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Trưởng ban tổ chức Trung ương: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN”.
 Những sự kiện trên cho thấy muốn có dân chủ và nhân quyền thực sự chúng ta phải bảo vệ và tự hoàn thiện chế độ xã hội của ta, không thể chờ đợi người khác đem lại dân chủ và nhân quyền cho mình, cũng không thể giản đơn sao chép những mô hình dân chủ, nhân quyền của nước khác. Để làm được điều đó trước hết phải giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
-Quyền giám sát của người dân (TT)-
Dân có quyền biết công việc của nhà chức trách
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà báo kỳ cựu Paul Iredale của Quỹ đào tạo Reuters cho rằng các nhân vật đại diện dân không có quyền được bảo vệ sự riêng tư liên quan tới các chính sách mà họ quyết định hay công việc hằng ngày mà họ thực hiện. Sự riêng tư của nhà chức trách là những gì họ làm cho cá nhân họ, chứ không phải những gì họ làm cho xã hội, cho cộng đồng mà họ đại diện.
“Người dân bầu họ vào vị trí, chức vụ đó thì người dân có mọi quyền được biết về công việc của nhà chức trách đó và người đó đang thực hiện công việc ra sao”.

Tổng số lượt xem trang