Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam nằm bến vì sợ ra khơi sẽ bị Trung Quốc bắt giữ hay đâm chìm. (Hình: AFP/Getty Images) |
Báo Dân Việt chỉ có một bản tin rất ngắn, thêm một câu nữa, nói rằng “Trong đó, ngư dân đã giúp phát hiện hơn 2,000 lượt tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam”.
Từ cuối năm 2009 sang đầu năm 2010, hàng trăm tàu đánh cá của Trung Quốc mà báo chí ở Việt Nam nêu đích danh, đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam để đánh cá.
“Nhiều khi các tàu thuyền này còn lấn sâu vào vùng biển Ðà Nẵng, chỉ còn cách bờ 35 hải lý về hướng Ðông Bắc.” Bản tin báo Tiền Phong và nhiều báo khác ngày 4 tháng 1, 2010 tường thuật sự việc đã xảy ra.
“Hầu như ngày nào cũng có tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam, có khi số lượng tàu xâm nhập trái phép lên tới hàng chục chiếc chia thành 3-4 tốp. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu năm 2010.” Ông Ðinh Tiến Dũng, trưởng ban tác chiến của Bộ Ðội Biên Phòng Ðà Nẵng nói với báo chí.
Các nước khác trong khu vực thì bắt giữ tàu ngoại quốc, bỏ tù thuyền viên, bắt đóng tiền phạt rồi mới thả. Trong khi đó, tờ Tiền Phong kể lại rằng “Từ cuối tháng 12 năm 2009, BÐBP TP Ðà Nẵng đã 3 lần cho tàu ra đẩy đuổi các tàu cá trên ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuy chưa có trường hợp nào phải dùng đến biện pháp lập biên bản tạm giữ phương tiện.”
Ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ hồi giữa tháng 6, 2009 khi đánh cá gần khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn xác định chủ quyền. (Hình: Báo mạng Trung Quốc) |
Nguồn tin vừa kể nói rằng “các lực lượng chức năng Việt Nam chưa lập biên bản xử lý hoặc tịch thu tang vật đối với một trường hợp nào mà chỉ hướng dẫn họ không được phép tái phạm.”
Chuyện từng đoàn tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển miền Trung Việt Nam bất chấp thời tiết không ngừng ở mấy tháng đầu năm.
Theo báo Người Lao Ðộng ngày 8 tháng 10/2010 “lợi dụng lúc thời tiết xấu (gió cấp 5-6), không có lực lượng tuần tra của Việt Nam, tàu thuyền Trung Quốc kéo đến từng đoàn, từ vài chục chiếc trở lên, ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam. Tàu thuyền Trung Quốc lớn lại nhiều nên ngư dân Việt Nam thường tránh né, không thể khai thác được hải sản”.
Trước tình hình như thế “Hội Nghề Cá tỉnh Quảng Ngãi vừa báo cáo và đề nghị Hội Nghề Cá Việt Nam kiến nghị chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan có biện pháp ngăn chặn tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản trái phép”, theo bản tin Bee.net.
Trái ngược với cách cư xử của Hà Nội, khi ngư dân Việt Nam đánh cá trên vịnh Bắc bộ gần khu vực đánh bắt chung hay gần quần đảo Hoàng Sa đều bị Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc hay đâm chìm tàu.
Ngoài những lần bắt giữ, ngày 19 tháng 5 năm 2009, tàu đánh cá số hiệu QNg-95348-TS của ngư dân Quảng Ngãi bị “tàu lạ” đâm chìm, 26 ngư dân trên tàu đã may mắn được một tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động ở cùng khu vực cứu sống.
Ngày 15 tháng 7 năm 2009, tàu đánh cá số hiệu QNg-2203-TS của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động tại tọa độ 13o45'N-110o32'E bị “tàu lạ” đâm chìm làm bị thương 9 người trong đó có 2 người bị thương rất nặng.
Báo chí ở Việt Nam được lệnh dùng từ “tàu lạ” thay vì chỉ đích danh tàu tuần Trung Quốc.
Hàng năm, Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên biển Ðông từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8 lấy cớ bảo vệ thủy sản ở ngay các vùng biển mà Việt Nam xác định chủ quyền, thời gian chính vụ của ngư dân miền Trung Việt Nam. Nhà cầm quyền Hà Nội chỉ phản đối suông và cũng không đưa ra biện pháp cụ thể nào để bảo vệ ngư dân.
Cuối tháng 3năm nay, thống kê ghi nhận trên báo chí trong nước cho thấy có 751 ngư dân Việt Nam còn đang bị bắt giữ ở nước ngoài vào thời điểm này. Ðây là con số do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn mới đưa ra tại hội nghị khẩn cấp bàn về tình hình ngư dân và tàu đánh cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Nếu chỉ kể từ đầu năm đến cuối tháng 3 đã có 18 vụ bắt giữ tàu đánh cá với 208 ngư dân Việt Nam; do các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, và Philippines. Các biện pháp áp chế đối với ngư dân Việt Nam khi bị bắt giữ là tịch thu tàu, xử phạt hành chính và phạt tù đối với thuyền trưởng. Ðịa phương có số tàu cá bị bắt giữ, xử phạt nhiều nhất là Kiên Giang, với tổng cộng khoảng 277 ngư dân bị bắt giữ từ năm 2009 đến nay.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Hà Nội chỉ áp dụng biện pháp “đẩy đuổi”.