Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Bố tôi và người tù Nguyễn Chí Thiện

-Bố tôi và người tù Nguyễn Chí Thiện
LTS: Có một dạo, tuần báo Sài Gòn Nhỏ (Little Sàigòn), Nam Cali có gây scandal người tù Nguyễn Chí Thiện đang ở Mỹ là “giả mạo”. Đã có 1 số đông bác bỏ lập luận này.
Trong bài viết “Bố tôi và người tù Nguyễn Chí Thiện”, tác giả Vũ Triều Nghi viết kể lại mọi chuyện rất mạch lạc và cảm động.
Đây cũng là thêm bằng cớ rằng, chỉ có một Nguyễn Chí Thiện mà thôi.
Chứ không phải theo luận cứ “Nguyễn Chí Thiện thật đã chết trong tù, còn Nguyễn Chí Thiện hiện tại là đội lốt giả danh”
————————————————-

Vận nước nổi trôi, dòng đời nào khác chi giông bão cùng với nghiệt ngã của chiến tranh, những bất hạnh dồn dập đến với gia đình chúng tôi.
1945, cậu em trai tôi chào đời vào năm đói Ất Dậu. Bố Vũ Thế Hùng bị Việt Minh bắt. Mẹ tôi, nào khác hạt bụi giữa cuồng phong, bỗng một sớm một chiều chấp nhận lầm than, tảo tần, buôn thúng bán bưng, vất vả đi theo nuôi bố qua bao nhiêu trại tù. Sau này bố tôi tâm sự “không có mẹ thì bố mất xác đã lâu, còn đâu tới ngày hôm nay mà gặp các con nữa”.
Không liên hệ gia đình, không là bạn tù, có lẽ mẹ tôi là người biết về Nguyễn Chí Thiện sớm nhất là vì vậy.
Ba anh em chúng tôi lớn lên bằng tài chánh eo hẹp, lần lượt cô dì này đến chú bác khác cưu mang. Ôi, những ngày vàng son thuở ấy, một “giấc Nam Kha khá bất bình…”. Năm người trong gia đình chúng tôi, mỗi người một ngả, thậm chí hơn cả nửa thế kỷ rồi mà cũng hiếm khi xum họp dưới một mái nhà kể từ khi “đất bằng dậy sóng” 1945. Ông anh huynh trưởng của tôi, năm 5 tuổi đã nhập học trường Dòng, anh lớn đi theo tiếng Chúa gọi, nay trở thành Linh mục Mathieu Vũ Khởi Phụng của biến cố Giáo Xứ Thái Hà, Hà Nội, mà gần đây báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực viết về anh.
Ngày em đi, anh niềm vui Chủng viện,
Buổi em về Linh mục đã phong sương!!

Nỗi đau còn hằn mãi trong tâm tưởng, tôi đâu ngờ rằng cậu em trai duy nhất của tôi, một ngày tháng Tư 1975, lại nối gót bố 30 năm xưa cùng với Sài Gòn hấp hối, em tôi trở thành người tù cải tạo với gần 8 năm dài bóc lịch!
Tôi ư? Một cánh bèo trôi dạt mãi trên sông, hay phận mình là áng mây phiêu bạt, để rồi, rời quê hương thật sớm, bỏ lại cậu em trai dãi nắng dầm sương trong quân ngũ, bỏ lại bố mẹ già ở miền Bắc xa xôi, tôi đâu còn nhớ mặt, ngày ly tan tôi mới hai tuổi đầu. Bấy giờ một mình vượt Thái Bình Dương :
Đất Mỹ,
Trời Âu xa lắm
Nơi rừng sâu
Người cha rầu rầu
Thường đem ảnh con mình ra ngắm

Thi sỹ Nguyễn Chí Thiện
Đó là những dòng thơ Nguyễn Chí Thiện diễn tả về tôi khi thấy bố già ngắm hình đứa con gái. Anh làm quen với tên T.N. từ đấy, bởi đó là niềm vui của bố và của một anh tù thuở “mắt trũng chân phù” trong trại tù Phong Quang.
Đất Mỹ, trời Âu xa lắm, nổi trôi mãi chẳng ngừng. Đây những ngày xuân xa xứ, hồn tả tơi tựa những cánh hoa đào rơi lả chả bên dòng Potomac đẫm rong rêu! Đây trời Arlington buốt giá, đôi bờ tuyết phủ. Từ mùa hạ Chicago nắng cháy đỏ da, tôi trôi dạt về chiều El Paso mưa buồn xót mắt. Cứ thế tôi đã đánh mất bao nhiêu mùa xuân trong đời, rồi tôi dừng lại đây với hơn 18 mùa sương phủ trên chiếc cầu lạnh giá Cựu Kim Sơn. Để rồi “xin nhận nơi này làm quê hương”. Một ngày tỉnh mộng nghe tim mình ray rứt thương về mảnh đất hình chữ S. Mùa xuân 1992, tôi trở về cố quận.
Lòng như cơn bão, giữa rừng người đứng ở phi trường Tân Sơn Nhất kia, có bố mẹ già còm cõi mà gần nửa thế kỷ tôi mới được tái ngộ. Có ông anh trịnh trọng trong bộ áo Dòng, có cậu em trai gầy gò răng rụng, với mái tóc bạc màu tù cải tạo.
Bố đón tôi bằng dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hom hem, bàn tay gầy guộc đặt trên vai tôi. Bố hỏi “Con có nghe câu thơ này chưa”? Rồi bố đọc chậm rãi :
Thân không trời đất mà mưa gió
Lòng chẳng gươm đao cũng chiến trường

Thế đó! Là phút giây hội ngộ của gia đình chúng tôi lần đầu tiên trong đời, đủ được 5 người.
Tôi xa Hà Nội không phải “năm em mười tám khi vừa biết yêu” mà là khi cô bé 11 tuổi phải rời trường Saint Paul, nay rất gần Tòa Khâm Sứ. Tuổi thơ tôi di cư vào Nam với bao nỗi nhọc nhằn. Bây giờ Hà Nội xưa của tôi hiện ra trước mắt, sao bỗng dưng tôi nghe vị mặn ở bờ môi. Một Hà Nội đưa tôi vào lạc lõng, một Hà Nội của Trịnh Công Sơn với cây cơm nguội vàng và hồn tôi ngỡ ngàng xa lạ. Tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi đặt chân lên thềm nhà của bố mẹ. Căn nhà nhỏ mốc meo rêu với mùi ẩm mốc khó chịu. Tất cả hiện ra cảnh nghèo khó tới rợn người. Thế mà bố mẹ tôi hân hoan ra mặt. Bố cười bảo tôi:
Con ở ngoại quốc về chắc thấy chỗ này ghê rợn lắm. Từ ở tù ra gần cả chục năm rồi, bố mẹ sống đạm bạc đã quen, nhà thờ Hàm Long ngay đầu phố, tiện lắm. Bố muốn con hiểu rằng, căn nhà nghèo khó này đã từng tiếp đón những người bạn trí thức tuyệt luân, lại đầy nhân ái và tình người. Bố mẹ yêu những người ấy như ruột thịt. Con sẽ lần lượt gặp họ, ai cũng muốn gặp con đấy, vì bố đã nói nhiều về con trong những năm tháng tù đày. Này nhé, nhiều tên tuổi lừng danh con nên kính phục -Phùng Cung, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Chí Thiện và còn nhiều nữa trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, con có nghe tên họ chưa”?
* Nghe thì nghe nhiều rồi đó, nhưng chả bao giờ tôi lại nghĩ rằng, mình may mắn gặp được những nhân tài này. Rồi bố giới thiệu: Nguyễn Chí Thiện, người bạn tù lâu năm, người bạn vong niên của bố.
Tôi quan sát anh, định cất tiếng chào “Thưa chú”… nhưng anh gạt đi -”Gọi bằng anh nhé. Chị quên là tôi gọi bác là bác kia mà, tôi không lớn hơn chị lắm đâu”. Tôi ngồi lắng nghe bố đọc thơ anh làu làu, rồi hai người say sưa luận bàn thơ phú. Tôi không quen với thể thơ của Nguyễn Chí Thiện, nên im lặng nghe bố kể:
Con chưa biết nó đâu, dáng dấp lừng khừng là thế, lại gầy ốm tong teo như cây sậy, mà can đảm không lường, bố phục nó, dám một mình vào sứ quán Anh bất chấp nguy hiểm, miễn sao thơ nó được lọt ra nước ngoài. Còn ở trong tù mà nó dám làm thơ có thể chết người con ạ. Trong tù, đứa nào cũng đói rã ruột, thế mà đứa nào cũng tử tế với bố, nhường từng miếng khoai sùng, sắn sượng cho bố vì thấy bố già nua. Chúng nó là những anh hùng bất chấp gian nan, bố phục lắm”.
Rồi bố cười: T.N. là đề tài cho Thiện nó làm thơ đấy. Tôi bắt đầu có chút cảm tình với anh, bỗng anh ngập ngừng hỏi tôi : “Muốn nhờ chị một điều, không biết chị có nhận lời không”? Tôi e ngại -”Anh cứ nói”.
Chị có thể đem tập thơ của tôi ra ngoại quốc được không ? Ít bài thôi”.
Tôi chưa biết trả lời ra sao thì anh lại tiếp: “Gặp bác và chị thế này, ngoài kia khối con mắt dòm ngó đấy, nhưng tôi ở tù quen rồi, nên cóc sợ”.
Câu nói của anh làm tôi hoảng vía, bởi năm 1992 nào phải như bây giờ, bất trắc nào cũng có thể xảy ra, nên tôi thẳng thắn từ chối :
“Thôi anh ạ, đừng buồn nhé. TN. không dám đem đâu. Xin cho em hai chữ bình an để trở về Mỹ trót lọt”.
Một thoáng thất vọng trong mắt anh : “Thôi, thế này, Trần Nhu chắc là có tập thơ của tôi đấy, chị hỏi hộ ông ấy nhận được chưa”?
- “Vâng, chuyện đó thì được”.
Người kế tiếp tôi gặp là Phùng Cung, tôi đọc được chút gì trìu mến cho tôi nơi anh. Bằng một mẩu giấy màu vàng nhàu nát, anh ứng khẩu rồi viết luôn:
Bé Triều Nghi, bé Triều Nghi,
Mắt cười, đọng vẻ phân kỳ ngày xưa.

Mẩu giấy đó tôi còn giữ mãi.
Người bạn kế tiếp của bố là Nguyễn Hữu Đang. Ông không làm thơ tặng tôi, chỉ bắt tay tôi cười khan rồi nằm dài chửi đổng chế độ.
Ngày từ biệt bố mẹ trở lại Mỹ, bố nhắn với theo:
Nguyễn Chí Thiện khá lắm. Thằng ấy khí khái anh hùng, con giúp được gì cho nó thì làm, nó hết lòng với bố trong tù đấy”.
Trở về Mỹ, cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại bắt đầu quyên góp để yểm trợ cho anh và tôi thường xuyên có mặt. Thời gian thấm thoắt, có lẽ thơ anh bắt đầu có tiếng vang bên trời Âu. Năm anh đến bến bờ tự do, cộng đồng Việt khắp nơi đón rước anh, tên anh nổi như cồn qua hàng loạt bài diễn văn. Tôi mừng thầm.
Nguyễn Chí Thiện nay đã nổi tiếng, và tôi tự nhủ: Chắc anh đã quên tôi. Thật cảm động, tôi nghĩ lầm về anh, cú điện thoại đầu tiên vồn vã: -“T.N. đấy ạ, Thiện đây ! Nhờ thưa với bác, Thiện tới Mỹ bằng an nhé”!
Một niềm vui lớn lao cho tôi khi thấy anh toại nguyện. Tôi cười, mừng anh, đồng thời nhắn rằng, T.N. sẽ không có mặt trong những buổi diễn thuyết của anh, bởi tôi không thích đám đông và không làm chính trị. Từ đó, mỗi lần về Bắc Cali, dù không gặp nhau thì vẫn là những lời thăm hỏi chí tình.
Nguyễn Chí Thiện, mỗi lần gặp anh là tôi mường tượng ra lần đầu hội ngộ với anh, với bố già trong căn nhà nghèo khó ở Hà Nội, và tôi đã từng khuyên anh “cẩn thận nhé. Nay anh làm dâu trăm họ rồi đấy”, vào năm 95 khi vừa đặt chân trên đất Mỹ.
Nay thì câu nói ấy đã hiệu nghiệm. Ở một nơi tự do ngôn luận, tự do báo chí trên mảnh đất quá nhiều tự do này. Tôi biết rằng anh đang gặp dữ nhiều, lành ít. Tôi từ chối không đọc những bài báo nói không trúng về anh. Hôm qua tình cờ gặp một nhà thơ cao tuổi, bác Hà Thượng Nhân, bác bảo: “Sao cô không lên tiếng cho Nguyễn Chí Thiện”. Tôi thiết nghĩ, tôi lên tiếng là đã quá thừa, bởi nhà văn Phan Nhật Nam, giáo sư Jean Leaby đã viết quá đầy đủ về anh rồi. Sự thật vẫn là sự thật. Anh Thiện ơi, càng cao danh vọng càng dày gian nan ! Thôi thì, đó cũng là định luật sống.
Viết những dòng này cho anh, bố già nay đã miên viễn, Nguyễn Hữu Đang cũng vô thường, mà Phùng Cung thì đã “hạt bụi nào hóa kiếp thân anh”. Chỉ còn lại một Nguyễn Chí Thiện ở tuổi hoàng hôn, thế mà cây muốn lặng sao gió không ngừng. T.N. nhớ mãi lời bố khi giới thiệu anh “Thằng ấy khí khái, anh hùng, con có dịp hãy đọc thơ nó, bố phục nó lắm”.
Đấy, lời một người bạn tù nằm xuống chắc đã làm anh vui. Viết những dòng này gửi tới anh khi ngọn gió đầu đông đón chào mùa xuân trên đất Mỹ, tôi thấy thương bố V.T.H. vô cùng, thương những người chiến sĩ chiến đấu bằng ngòi bút cho lý tưởng tự do, trong đó có anh Nguyễn Chí Thiện.
Ta đau trời Phong Quang
Ta giận tràn Vĩnh Phú
Oán hờn một thuở Lao Kai
Từ ta lưu lạc dấu giày
Lời thơ phẫn nộ vẫn say sắc thù
Thương ai ngưỡng cửa ngục tù
Xác thân nghiệt ngã đời hư ảo đời

Những dòng thơ này xuất phát tự đáy lòng tôi gửi tới bố V.T.H. và các anh cùng chung chí hướng. Tôi nợ anh một lời tạ lỗi năm nào đã không dám đưa thơ anh đi. Tôi nợ anh bao ân tình cho miếng khoai mẩu sắn anh nhường cho bố tôi dạo ấy. Mùa xuân này xin anh nhận nơi tôi một đóa hồng cho người tôi ngưỡng mộ : nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người bạn vong niên của bố tôi mà sinh thời, bố từng thán phục và mến thương.
Tác giả: Triều Nghi (bài do một thân hữu gửi tới)
————————————————
Và sau đây là bài thơ Nguyễn Chí Thiện viết tại trại tù Phong Quang: Bóng Hồng Dương Thế:
BÓNG HỒNG DƯƠNG THẾ
(Tặng Triều Nghi)
Có người thiếu nữ mắt bồ câu
Lưu lạc, ly hương từ độ xuân thì
Đất Mỹ, trời Âu xa lắm
Nơi rừng sâu
Người cha rầu rầu
Thường đem ảnh con mình ra ngắm
Đêm tù
Âm khí âm u
Những chàng trai mắt trũng chân phù
Thơ thẩn cầm nàng trong tay
Cầm cả mùa xuân hạnh phúc
Bóng hồng dương thế xa bay.
NGUYỄN CHÍ THIỆN

Tổng số lượt xem trang