Lực đẩy với nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục mạnh mẽ trong phiên thứ hai, kể từ khi tin giãn tiến độ tăng vốn chính thức công bố
Thị trường đang hồ hởi với thông tin giãn thời hạn tăng vốn cho các ngân hàng thêm một năm nữa. Cổ phiếu chứng khoán niêm yết liên tục căng trần với lực mua rất mạnh.
Từ đầu năm đến nay, “bóng ma” về áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng của các ngân hàng nhỏ là nỗi ám ảnh về hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ bị hút khỏi vòng chảy vốn trên thị trường chứng khoán. Thêm vào đó tình hình kinh tế khó khăn khiến các tổ chức, kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn quỹ đầu tư, cổ đông tổ chức không thu xếp được vốn cho việc mua thêm cổ phiếu.
Việc giãn tăng vốn đúng vào lúc thời hạn chót gần kề được xem như là “xả van” mối lo của thị trường. Khi gánh nặng tâm lý được cởi bỏ, sự hưng phấn đương nhiên bộc phát.
Về mặt tích cực, không thể phủ nhận quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước như một dòng nước mát vào cơ thể ngân hàng đang khát vốn và quay cuồng với các gánh nặng khác như lãi suất, đảm bảo hệ số an toàn vốn... Các ngân hàng cũng không phải tìm cách lách để “chạy” chính sách.
Đối với chứng khoán, tác động tích cực nhất là giải tỏa tâm lý. Những suy luận phổ biến là dòng tiền sẽ ở lại với thị trường, chưa bị hút vào cổ phiếu ngân hàng; Không gây áp lực cơ cấu danh mục với tổ chức (bán cổ phiếu khác) vì phải thu xếp vốn mua cổ phiếu ngân hàng phát hành thêm.
Tuy nhiên, sau những phản ứng ban đầu đó, thị trường có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn.
Câu hỏi đầu tiên là tại sao lại phải hoãn tăng vốn đúng vào thời điểm sắp hết thời hạn, khi trước đó không lâu, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đốc thúc thực hiện nghiêm lộ trình tăng vốn.
Lý giải việc lùi thời hạn, Ngân hàng Nhà nước cho biết 4 nguyên nhân chính: 1) Thị trường chứng khoán "nguội", ngân hàng tăng vốn ồ ạt cùng lúc khiến cổ phiếu ngân hàng không hấp dẫn nữa; 2) Các tổ chức đầu tư gặp khó khăn khi mở rộng đầu tư khiến nguồn tăng vốn qua phát hành cho cổ đông hiện hữu không thuận lợi; 3) Các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế dầu tư ngoài ngành khiến ngân hàng có cổ đông nhà nước dạng này gặp khó khăn; 4) Một số ngân hàng niêm yết vướng quy định về thời gian phát hành.
Trong số 4 nguyên nhân trên, nguyên nhân cuối cùng chủ yếu mang tính kỹ thuật. Cả 3 nguyên nhân còn lại đều có điểm cốt yếu chung là thiếu tiền. Áp lực tăng vốn dồn dập với nhiều ngân hàng chắc chắn hút cấp tập một lượng tiền lớn trong khi dòng vốn mới vào thị trường chứng khoán gặp khó khăn trong năm nay.
Như vậy, quyết định lùi thời hạn tăng vốn đã góp phần phản ánh một thực trạng, mà trước đó nhà đầu tư mới chỉ phán đoán.
Ngoài các cổ đông của ngân hàng là các doanh nghiệp, đa số các tổ chức đầu tư tài chính phải tìm kiếm lượng tiền để chuẩn bị cho việc mua thêm cổ phiếu ngân hàng nếu còn muốn làm cổ đông. Nếu không thể huy động được vốn mới, nguồn duy nhất là kiếm trực tiếp từ thị trường. Muốn vậy thị trường phải hấp dẫn hơn để thu hút thêm lượng vốn mới đang đứng ngoài hoặc ở các kênh đầu tư khác chảy vào.
Tóm lại thị trường cần có sóng, cần tăng giá. Suy luận này có thể là chủ quan nhưng không phải không có khả năng xảy ra. Sự thực thì sóng tăng lên sát 500 điểm vừa qua không xuất phát từ nền tảng vĩ mô mà chỉ được lý giải từ những kỳ vọng về tương lai ổn định tới đây.
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá cũng có thể tạo ra một hiệu ứng ngược: khả năng tổ chức sẽ bán bớt để cơ cấu danh mục. Với một lượng vốn hữu hạn, cơ cấu phân bổ vốn trong hoạt động đầu tư phải cân đối, thậm chí còn được xác định trước. Việc mua thêm cổ phiếu ngân hàng về lý thuyết sẽ làm tăng tỉ trọng cổ phiếu này trong danh mục. Để đảm bảo tỉ lệ được xác định, cách dễ làm nhất là hạ tỉ lệ nắm giữ xuống một mức mà khi mua thêm dưới dạng tăng vốn sẽ đảm bảo tỉ lệ cân bằng.
Kỳ vọng về lượng vốn thu xếp cho ngân hàng tăng vốn trở nên nhàn rỗi khi được giãn thời hạn sẽ “ủn” thị trường lên là có. Tuy nhiên nhu cầu vốn vẫn hiện hữu. Các tổ chức vẫn phải tìm cách kiếm tiền trên thị trường để chuẩn bị sẵn. Theo thông tin được công khai thì khoảng 19/23 ngân hàng đã được chấp thuận tăng vốn sẽ khó tăng đúng hạn 31/12/2010. Điều đó cũng có nghĩa là có tổ chức đã thu xếp được vốn, có tổ chức không, dù lộ trình tăng vốn đã có từ rất lâu.
Một điểm nữa là mặc dù thời hạn được thêm một năm nữa nhưng hầu như toàn bộ các ngân hàng cần tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán chấp thuận. Như vậy thời điểm quyết định tăng vốn chỉ còn phụ thuộc vào ngân hàng và khả năng của các cổ đông. Rất có thể hoạt động tăng vốn sẽ diễn ra khi thị trường thuận lợi.
Giá cổ phiếu ngân hàng đang biến chuyển rất tốt trên cả thị trường niêm yết lẫn OTC. Nhà đầu tư bắt đầu cảm giác cổ phiếu ngân hàng có giá hơn. Đây là điều kiện lý tưởng khi thực hiện phát hành cho cổ đông hiện hữu. Dù vậy thanh khoản của nhóm cổ phiếu này trên sàn niêm yết cũng rất cao, chứng tỏ có hoạt động cơ cấu danh mục. Thống kê riêng hai phiên hôm nay lượng chuyển nhượng tại 8 mã ngân hàng niêm yết đạt 83,2 triệu cổ phiếu. Nhu cầu vốn tăng được đáp ứng bởi số đông cũng sẽ dễ dàng hơn khi có thêm nhiều cổ đông mới, đồng nghĩa với có thêm lượng vốn mới bổ sung.
Tóm lại việc giãn thời hạn tăng tăng vốn của ngân hàng có thể chỉ là chuyển gánh nặng áp lực vốn năm 2010 sang năm 2011. Tuy nhiên cũng có điểm lợi là áp lực về nhu cầu vốn được giãn ra trong thời gian dàn trải hơn, thay vì cấp tập ở một thời điểm. Gánh nặng cũng được chia sẻ sang nhà đầu tư mới.