Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh

--Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh (phần 1)
Đôi dòng về  tác giả.
Lê Văn Bỉnh, cựu sinh viên Đốc sự khóa 10, Cao Hoc 2 Ban Kinh Tế Tài Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Saigon.  Du học Hoa Kỳ (1972-74), xong M.A. (Economics).Về nước, phục vụ tại Khu Chế Xuất Saigon và dạy học tại Đại Học Kinh Thương, Đại Học Cửu Long v.v…
Ông là tác giả một số bài viết kinh tế giá trị đã đăng trên các báo Việt ngữ và điện tử hải ngoại. Dưới đây là một bài viết công phu của ông  về kinh tế Trung Cộng.
(Trọng Đạt)
————————————————————
Trong mấy năm vừa qua, dư luận người Việt trong và ngoài nước vô cùng quan tâm về ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế của Hoa Lục đối với Việt Nam. Thực ra không những Việt Nam, mà cả những nước nước láng giềng châu Á, châu Âu, châu Mỹ — nói chung, cả thế giới — đều chú ý đến “yếu tố Trung Hoa”, vừa lo ngại vừa ngưỡng mộ.
Trung Quốc ngày nay
Thế giới lo ngại, thì không có gì đáng ngạc nhiên. Với quá khứ xâm lược, lịch sử xung đột biên giới, cùng thái độ trịch thượng và ngạo mạn gần đây đối với các cuộc cuộc tranh chấp về hải đảo, Hoa Lục càng ngày càng tỏ rõ ý chí bá quyền khu vực của mình. Đối với nhân dân mình, nhà cầm quyền Hoa Lục đã có không biết bao hành động dã man, đàn áp, sẵn sàng thách đố dư luận thế giới, nhất là qua cuộc đàn áp Thiên An Môn, Tây Tạng, việc cầm tù những nhà tranh đấu dân chủ, và gần đây nhất lại đe dọa các nước đang làm ăn với Hoa Lục là “phải chịu hậu quả” nếu cử đại diện dự lễ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 cho công dân Lưu Hiểu Ba, đang còn ở trong tù vì tranh đấu cho dân chủ, thì các nước láng giềng e dè, lo ngại là có lý do chính đáng.
Hoa Lục là một thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc; có chân trong mọi tổ chức quan trọng của LHQ; được G-20 xem như một trong vài quốc gia hàng đầu của các nước đang phát triển và cho thêm nhiều quyền hạn trong việc quyết định chính sách của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Điều sau này chứng tỏ vai trò của Bắc Kinh càng ngày càng quan trọng đối với cộng đồng thế giới.  Được chấp cánh kinh tế, Hoa Lục có tiềm năng là một bá quyền thế giới đang lên mà Hoa Kỳ ý thức là phải kiềm hãm và cạnh tranh ráo riết. Xưa kia, Hoàng đế Nã Phá Luân đã từng e ngại con rồng Trung Hoa bị đánh thức.
Về phương diện ngưỡng mộ, thì rõ ràng hầu như cả thế giới đều tự hỏi làm thế nào mà kinh tế Hoa Lục tiến nhanh và tiến mạnh như vậy. Ngày nay khi đi mua sắm, quả thật đâu đâu người ta cũng thấy hàng tiêu dùng “Made in China” do các công ty nổi tiếng trên thế giới đặt Hoa Lục gia công, cũng như sản phẩm từ các địa phương Hoa Lục được các công ty nước ngoài phân phối. Người viết còn nhớ là vào năm 1973 khi đang theo một chương trình tu nghiệp về kinh tế tại một đại học miền Nam California, đã xuống phố chợ (downtown)  Los Angeles xem một phòng trưng bày sản phẩm Hoa Lục. Ngoài đồ sứ, áo lụa, sơn mài, tức các sản phẩm “ruột”, và các sản phẩm đặc trưng khác như thuốc Bắc, đũa, quạt vv., sản phẩm “tiên tiến” nhất trong phòng là một chiếc máy ảnh, trông rất thô kệch, kém xa chiếc máy ảnh Canon Net 1.9 mang theo được người viết mua ở tiệm Long Biên đường Tự Do Saigon năm 1966. Người viết đã đi xe bus đến viếng phòng triển lãm chỉ vì tò mò muốn xem vị giáo sư kinh tế quốc tế của mình nói có đúng không: “Hoa Lục chẳng có gì để chúng tôi mua. Chúng tôi không dùng đũa, trong khi đó họ cần thuốc aspirin. Mỗi người dùng một viên mỗi ngày, chúng tôi cũng kiếm được khá nhiều lợi nhuận.”
Ngày nay, sự thật lại trái ngược hẳn: Năm 2009, Hoa Lục xuất cảng sang Mỹ trị giá 296.374 triệu đô la trong khi chỉ mua hàng Mỹ trị giá 69.497 triệu, tức Hoa Lục xuất siêu 226.877 triệu đô la.  Ký giả Sara Bonjiorni đã thú vị tường thuật lại những cảnh khó khăn vất vả mà gia đình 4 người của bà đã phải gặp trong suốt một năm dài, sau khi họ quyết định tẩy chay hàng hóa mang nhãn hiệu “Made in China.” Lý do: Hàng hóa Hoa Lục xuất hiện ở hầu hết mọi nơi mà gia đình bà định đến mua sắm! *(1)
Sức mạnh của Hoa Lục, cũng như sức mạnh của các cường quốc xưa nay đều bắt nguồn từ kinh tế. Đây là sự thực hiển nhiên, khó chối cãi được –Hoa Kỳ từ Thế Chiến thứ Nhất đến nay là trường hợp điển hình. Suất số tăng trưởng kinh tế trung bình gần10% mỗi năm trong ba thập niên vừa qua đã đưa Hoa Lục lên địa vị cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ, nghĩa là Hoa Lục đã lần lượt vượt qua Pháp và Anh (2005), Đức (2008) và Nhật (6/2010). Tuy nhiên theo tài liệu của World Bank, tổng sản lượng quốc nội theo đầu người (GDP per capita) của Hoa Lục vẫn còn quá thấp đối với nhiều nước trên thế giới: chỉ là 3.678 đô la (đứng hàng thứ 98) so với Hoa Kỳ (46.381 đô la, đứng hàng thứ 9) và Nhật (39.731 đô la, đứng hàng thứ 17). Theo lý luận Maxít, “nhiều lượng biến thành chất” (phẩm), thì vị thế kinh tế mới này cũng làm thỏa mãn phần nào tự ái của một dân tộc đã từng chịu “một thế kỷ nhục nhã” (Century of Humiliation) – do chính người Hoa đau đớn đặt ra để gợi nhớ sự xấu hổ vì bị xâu xé bởi các liệt cường Tây phương hồi thế kỷ 19 – và bị Nhật Bản tàn sát diệt chủng tại nhiều nơi (chỉ riêng ở Nanjing đã có 300.000 bị giết và 20.000 phụ nữ bị hãm hiếp, Nanjing Massacre) giữa  Đệ Nhị Thế Chiến.
BỐN YẾU TỐ PHÁT TRIỂN
Nói một cách  tổng quát, mô thức phát triển của Hoa Lục là tận dụng lao động; huy động tối đa tư bản qua đầu tư trong nước và đầu tư từ nước ngoài; đặt trọng tâm vào công nghiệp chế biến để ưu tiên xuất cảng lấy ngoại tệ mua máy móc nguyên liệu, cũng như dự trữ phòng thân, sau đó mới dành ra cho tiêu thụ nội địa; và nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh tế qua các kế hoạch ngũ niên, cũng như sự chỉ đạo hằng ngày của Đảng Cộng Sản qua các chương trình phát triển, dự án đầu tư địa phương cũng như tiền tệ ngân hàng, mặc dầu vẫn khuyến khích cạnh tranh để tăng phẩm chất và hạ giá thành sản xuất qua kỹ thuật chế biến tiên tiến hơn.
Hai câu hỏi thường được đặt ra là: Nhờ đâu mà kinh tế tăng trưởng nhanh như thế, và Hoa Lục có thể giữ mãi suất số tăng trưởng này hay không, và chính sách phát triển kinh tế của Hoa Lục sẽ ảnh hưởng thế nào đối với các nước đang phát triến về phương diện chính trị trong hoàn cảnh suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ và Tây Phương?
Dưới đây là 4 yếu tố thường được đưa ra phân tích để trả lời câu hỏi thứ nhất.
Lao Động Rẻ
Trả lời câu hỏi thứ nhất, nhiều người nghĩ ngay rằng kinh tế Hoa Lục tiến nhanh là nhờ lao động rẻ, được cung cấp bởi một dân số khổng lồ. Điều đó đúng. Diện tích tuy nhỏ hơn Hoa Kỳ chút ít, nhưng dân số Hoa Lục lại trên 4 lần nhiều hơn.  Theo CIA, dân số Hoa Lục năm 2009 ước tính là 1.339 triệu, trong đó 72,1% thuộc lứa tuổi 15-64, thường được xem là lứa tuổi làm việc, đặc biệt ở nông thôn.*(2) Theo một dự phóng, dân số Hoa Lục sẽ tiếp tục tăng trong 20 năm nữa, lên đến1.391 triệu người năm 2030; rồi sau đó mới xuống từ từ. Điều này có nghĩa là lao động Hoa Lục vẫn còn tiếp tục rẻ và nhờ đó hàng hóa Hoa Lục vẫn còn có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong thời kỳ những kế hoạch ngũ niên dưới thời Đặng Tiểu Bình, đại đa số dân chúng đều ít học, do ảnh hưởng cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao. Theo thống kê năm 2000, trong số dân tuổi từ 15 trở lên, có đến 15,6% chưa từng đến trường hay chưa xong tiểu học; 35,5% xong chương trình tiểu học; 34% xong một phần chương trình trung học; 11,1% xong trung học; xong hoặc chưa xong 3,6% hậu trung học. Từ 1986 trở đi, chính sách cưỡng bách giáo dục được áp dụng cho trẻ em. Ngân sách giáo dục năm 2004 lên đến 2,79% GDP. Cùng năm có 20 triệu sinh viên bậc đại học mà con số theo ngành kỹ sư nhiều hơn Hoa Kỳ 4 lần, tuy số theo học chương trình cao học và tiến sĩ chỉ bằng phân nửa. Trong thập niên 1980 đã có hằng chục ngàn sinh viên Hoa Lục du học Bắc Mỹ và trở về. Việc bãi bỏ chế độ hộ khẩu giúp cung ứng hàng trăm triệu lao động thiếu kỹ năng cho kỹ nghệ chế biến trong các khu công nghiệp đặc biệt và thành thị. Nói chung, người Hoa là một dân tộc cần cù — một đặc tính mà người Việt chúng ta cũng thường hãnh diện khi nói về mình. Khi Bắc Kinh mở cửa, đầu tư nước ngoài đổ xô vào kỹ nghệ chế biến sử dụng nhân công ít kỹ năng với giá rẻ. Trong hai thập niên sắp tới, tỷ lệ của số người trong hạn tuổi sản xuất sẽ sụt giảm chút ít, nhưng vẫn còn đông. Và số người có trình độ học vấn khá hơn sẽ tăng thêm, khiến cho năng suất nhân công cải tiến hơn hiện nay.
Trong hai năm vừa qua, xuất cảng không còn cao như trước vì nhu cầu nhập cảng của ngoại quốc giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh. Mặc dù chính quyền ra tay trợ giúp các ngành sản xuất để tăng cường tiêu thụ nội địa, nhưng hàng trăm ngàn xí nghiệp phải đóng cửa và hàng chục triệu công nhân phải trở về quê quán.  Với dân số càng ngày càng đông do tỷ lệ tử vong càng ngày càng nhỏ, nếu muốn duy trì mức sống như hiện nay thì trong những năm sắp tới, suất số tăng trưởng kinh tế hằng năm phải ít nhất là 7%. Đây quả là một thử thách lớn đối với Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã đi khắp cùng thế giới, dùng mọi phương cách và ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá vv. nhằm bảo đảm nguồn nhiên liệu và nguyên liệu, nhưng liệu Hoa Lục có còn duy trì được mức tăng trưởng hiện nay hay không? Trong việc đi mưu tìm nguồn nguyên và nhiên liệu này, Hoa Lục chắc khó tránh khỏi xung đột với các cường quốc kinh tế khác cũng như đối với các nước cung cấp, đặc biệt là các nước lân bang.
Bấy lâu nay, Hoa Lục chủ trương sản xuất để xuất khẩu, tiết kiệm rồi tái sản xuất, đè nén tiêu thụ. Khi cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới khởi đầu năm 2009, Hoa Lục tung một số tiết kiệm lớn tương đương 585 tỷ đô la để kích nền kinh tế. Con số này tuy nhỏ so với 700 tỷ đô la của Hoa Kỳ, nhưng lại là một con số to tát đối với kinh tế Hoa Lục, và được dùng vào các công trình tân tạo hay tái thiết hạ tầng cơ sở như đường xe lửa, đường bộ, cầu cống, hệ thống điện, nhà máy, vv. cũng chủ yếu dùng cho sản xuất. Nói chung, tiêu dùng chiếm một tỷ lệ càng ngày càng nhỏ đi: chỉ 35% nền kinh tế năm 2009 so với gần 50% hồi năm 2000; trong khi đó đầu tư tăng từ 35% lên 44%. Trong tương lai không xa, nếu không tiếp tục bị đè nén, thì tỷ lệ tiêu thụ sẽ tăng lên, đặ biệt về giáo dục, y tế và hưu trí: Hiện nay các chi phí này chỉ là 5 – 6% GDP, so với 25% ở các nước Tây phương. Trước áp lực của dân chúng và đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tỷ lệ này sẽ phải tăng nhanh, do đó và Hoa Lục khó có thể giữ lâu dài tỷ lệ đầu tư hiện nay.
Cũng cần nói thêm, với dân số lớn lao, Hoa Lục — cũng như 3 quốc gia đang lên khác trong nhóm BICS (Brazil, India, China, South Africa, được các kinh tế gia xem là 4 nền kinh tế lớn đang lên) — là thị trường tiêu thụ quốc nội rất thuận lợi cho việc phát triển của nhiều ngành công nghiệp nhẹ cũng như công nghiệp nặng trong nước. Không cần phải trông cậy vào xuất cảng, các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, máy công cụ, xe hơi, phi cơ vv. đã có sẵn thị trường tiêu thụ trong nước, để cho các nhà máy tiếp tục hoạt động bình thường trong nhiều thập niên. Đó là một trong những điều kiện phát triển lý tưởng mà các kinh tế gia thường mơ ước trước khi kinh tế toàn cầu hoá xuất hiện.
Khi nói tới dân số, nhiều người chỉ xem nó như một yếu tố sản xuất, hay số cầu tổng gộp như trên, nhưng chúng ta cũng đừng quên đó là cũng những miệng ăn, hoạt động nhiều lần một ngày! Hoa Lục có trên 1,3 tỷ miệng ăn, trong lúc đất khả canh lại hạn chế. Trong mấy năm vừa qua, chính quyền khuyến khích đa loại hóa thực phẩm, chẳng hạn luân canh trồng thêm nhiều khoai tây, bắp giữa các mùa lúa hầu tăng cường lương thực. Như chúng ta thường biết, tại hầu hết các nước nông nghiệp trên thế giới thực phẩm chiếm 30-35% lợi tức gia đình. Hoa Lục cũng là một xứ nông nghiệp (như sẽ phân tích sau), hằng trăm triệu người có lợi tức thấp phải dành 60-70% lợi tức gia đình cho thực phẩm, cho nên mỗi khi giá thực phẩm trong nước tăng trung bình 5% — nghĩa là 20-25% đối với hằng trăm triệu người này, thì cả nước sẽ không dễ gì yên. Hoa Lục không phải là một nước mưa thuận gió hòa; thiên tai vẫn thường xảy ra. Chỉ cần một khu vực nông nghiệp quan trọng nào đó bị thất mùa hay bị dịch gia cầm xảy ra như mấy năm trước, thì chính quyền chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn về phương diện cung cấp lương thực. Đó là mặt khá bất lợi của tình trạng đông dân của Hoa Lục.
Đầu Tư Ngoại Quốc
Với vô số mặt hàng Made in China, nhưng lại mang nhãn hiệu của các công ty nổi tiếng thế giới, người ta thường nghĩ rằng kinh tế Hoa Lục phát triển chủ yếu là nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (foreign direct investment, FDI). Điều đó chỉ đúng phần nào. Thật vậy, sau khi Hoa Lục mở cửa, đầu tư nước ngoài bước vào, tuy có tăng dần, nhưng với tốc độ dè dặt vì các nhà đầu tư chưa tin tưởng ở sự ổn định chính trị của Bắc Kinh, cũng như khá nản lòng về thủ tục rườm rà, bắt chẹt của nhà cầm quyền các cấp. Khởi đầu với 1,3 tỷ đô la năm 1984, mỗi năm FDI chỉ tăng lên vài trăm triệu. Phải đợi đến năm 1992, tức sau biến cố Thiên An Môn và cam kết tiếp tục cải cách của Bắc Kinh, FDI mới vọt lên 11 tỷ, tức hơn gấp đôi con số 4,4 tỷ năm truớc. Rồi sau khi Hoa Lục được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization) năm 2001, FDI tăng rất nhanh, lên đến 92,4 tỷ năm 2008. Từ nhiều năm qua, Hoa Lục vẫn là nước dẫn đầu thế giới trong việc thu hút FDI.*(3)
Tuy con số tuyệt đối lớn, nhưng trong những thập niên vừa qua FDI chỉ chiếm khoảng 5-7% tổng đầu tư tại Hoa Lục – cùng tỷ số như Thái Lan và Mã Lai. Phần đầu tư còn lại là do tiết kiệm quốc nội – tức từ các xí nghiệp quốc doanh và tư nhân. Theo truyền thống, trong các nước thiếu an sinh xã hội, khi hưu liễm không đủ nuôi tuổi già, thông thường người ta đành phải lo tiết kiệm. Vả chăng, với số tiêu thụ phẩm sản xuất quốc nội ít ỏi và chính quyền chỉ cho nhập cảng hạn chế, dân chúng không còn cách nào hơn là phải tiết kiệm vậy. Hoa Lục cũng ở trường hợp đó. Trong các thập niên 1970 và 1980, tỷ lệ tạo lập tư bản cố định (fixed capital formation) đã là 30% TSLQN; tăng lên 35% trong thập niên 1990 và 40% trong thập niên 2000. Khoảng 80% tiết kiệm của dân chúng nằm trong 4 ngân hàng quốc doanh lớn. Năm 2004, Hoa Lục tự đầu tư 1.500 tỷ đô la, tức 50% TSLQN. Như vậy, suất số tăng trưởng 9.5% mỗi năm không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nói chung, suất số tăng trưởng cao là nhờ đầu tư nhiều, chứ không phải do hiệu quả đầu tư cao. Lại một lần nữa, “nhiều lượng biến thành chất!” Hai nước Nhật và Nam Hàn cũng không trông cậy vào đầu tư ngoại quốc trong thời gian đầu phát triển, cũng như sau khi đã phát triển, nhưng hiệu quả đầu tư lại cao hơn. Trong trường kỳ, 10 năm nữa chẳng hạn, mức tiết kiệm của dân chúng sẽ không còn cao như hiện nay; và sự lệ thuộc vào tiết kiệm của các xí nghiệp quốc doanh và số ngân hàng quyền lực nói trên sẽ ảnh hưởng không tốt cho đầu tư và phát triển Hoa Lục, nhất là khi xảy ra khủng hoảng tài chánh tương tự như trường hợp ở Á châu thập niên 1990; và suy thoái kinh tế như trong hai năm vừa qua.
Năm 2007, ngoại quốc đầu tư vào Hoa Lục 75 tỷ đô la (84 tỷ theo CIA), trong khi Hoa Lục đầu tư ra ngoại quốc 118 tỷ. Đến cuối tháng 4/2009, Hoa Lục đã tích lũy 2.000 tỷ đô la (2 trillion), dùng một phần không nhỏ mua công khố phiếu Hoa Kỳ –gián tiếp tài trợ cho thị trường địa ốc Hoa Kỳ khiến cho giá nhà đất Hoa Kỳ rẻ hơn so với các nước khác trước khi nó bị suy sụp. Sự thặng dư đô la khổng lồ nhờ xuất cảng của Hoa Lục khiến chính giới Hoa Kỳ nhiều lần phản kháng, cho rằng Bắc Kinh đã sử dụng mánh lới (manipulate) để giữ cho đồng nhân dân tệ ở giá thấp so với đồng đô la. Thậm chí ngày 29/09/10 vừa qua, Hạ Viện đã ra dự luật “Currency Reform for Fair Trade Act” (với 348 phiếu thuận trong đó có 100 phiếu của dân biểu Cộng Hòa, và 79 phiếu chống) để nhằm thúc ép Bắc Kinh tăng giá đồng nhân dân tệ, nhưng lập trường Bắc Kinh vẫn không tỏ ra suy suyển mấy, với dẫn chứng là trong thời kỳ 2005-2008, đồng nhân dân tệ tăng giá 21%, mà cán cân mậu dịch vẫn nghiêng về Hoa Lục. Bắc Kinh lại còn lý luận rằng đồng nhân dân tệ mạnh sẽ giúp Hoa Lục tăng tiêu thụ, nâng cao đời sống nhân dân xứ này –có nghĩa là “chúng tôi” sẽ nhập cảng nhiều thêm từ khắp nơi trên thế giới kể cả từ Hoa Kỳ — và đẩy mạnh sản xuất toàn cầu. Một lý luận nghe có sức thu hút và có thể thuyết phục được nhiều người!
Trong những tháng gần đây trên Hoa Lục đã xảy ra nhiều cuộc đình công đòi tăng lương ở vài các công ty lớn ngoại quốc – dĩ nhiên với sự đồng ý của Đảng ủy và chính quyền — rồi có thể sẽ xảy ra tại các công ty ngoại quốc nhỏ, đồng thời với những đòi hỏi các công ty ngoại quốc phải chuyển nhượng kỹ thuật quan trọng, Bắc Kinh cho thấy đã đến lúc ngoại quốc cần Hoa Lục, chứ không còn cảnh Hoa Lục phải nài nỉ xin xỏ ngoại quốc nữa.
Tuy tỷ lệ giữa FDI và tổng đầu tư không cao, nhưng đầu tư nước ngoài đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng: nó kích thích sự canh tân và cải tiến kỹ thuật trong nước (kể cả việc bắt chước, giả mạo, ăn cắp bản quyền vv), đầu óc kinh doanh, cạnh tranh vốn có sẵn của người Hoa đã bị kiềm chế dưới thời Mao Trạch Đông. Hoa Lục còn được sự yểm trợ của Hoa Kiều rải rác khắp thế giới, một cái gạch nối hữu hiệu cho việc huy động vốn vào và phân phối sản phẩm ra ngoài nước.
Trình Độ Khoa Học Kỹ Thuật
Nếu tố thứ ba giúp kinh tế Hoa Lục tăng nhanh là trình độ khoa học kỹ thuật của mình. Hoa Lục sản xuất bom hạt nhân, vệ tinh, hỏa tiễn, phi cơ chiến đấu. Điều đó chứng tỏ họ có trình độ khoa học kỹ thuật quân sự cao. Dĩ nhiên trình độ khoa học kỹ thuật trong các pham vi khác cũng ở một mức độ nào đó, chứ không thể gọi là quá kém.  Điều may mắn cho họ là khi khoa học kỹ thuật được toàn cầu hóa, trình độ khoa học kỹ thuật của Hoa Lục đủ khả năng giúp họ tiếp thu và sử dụng khá tốt cho kỹ nghệ chế biến; bởi lẽ, nếu không thì không mấy công ty toàn cầu thuê mướn họ chế biến sản phẩm để sau đó không thể tiêu thụ trên thị trường thế giới do thiếu tiêu chuẩn.  Có thể nói về thời gian tính, Hoa Lục may mắn hơn Liên Xô trước khi tan rã ; và về trình độ khoa học kỹ thuật, Hoa Lục có đủ trình độ để chụp lấy cơ hội  hơn một số nước khác châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi. Mấy năm trước đây, Hoa Lục đã mua một bộ phận của IBM, định từ đó tung máy tính điện tử mang nhãn hiệu Lonovo của mình trên toàn thế giới, nhưng họ đã không thành công và đành rút lui ngược trở về lục địa. Nếu trước đây, Nhật thuyết phục được thế giới về trình độ kỹ thuật của mình bằng sản phẩm nhỏ đặc trưng Walkman, thì cho đến hôm nay, Hoa Lục vẫn chưa làm được việc đó. Mặc dầu đi đâu cũng gặp hàng “Made in China”, giá từ vài chục xu, tới vài ngàn đô la, nhưng đó chỉ là những mặt hàng Hoa Lục gia công cho các công ty lớn nhỏ Tây phương. Nhân tiện đây, nếu có độc giả nào thích bia Tsingtao và cho đó là “đặc sản” của Hoa Lục, thì xin nghĩ lại: hãng bia này được người Đức thành lập năm 1903; bị cách mạng vô sản tịch thu năm 1949 và được “chỉnh huấn” năm 1993 cùng với cuộc cách mạng toàn cầu hóa, nên mới được chút ít tiếng tăm như ngày nay!
Về phương diện chuyển nhượng kỹ thuật, ngay từ những năm đầu mở cửa đón đầu tư ngoại quốc, Hoa Lục đã đòi hỏi các công ty nước ngoài chuyển nhượng nhiều kỹ thuật tân tiến cho địa phương. Gần đây, sự thôi thúc lại càng mạnh mẽ quyết liệt hơn. Nhưng bù lại, các đối tác địa phương sẵn sàng ký hợp đồng liên doanh, hoặc chính quyền địa phương dành cho nhiều thuận lợi. Do đó nhiều công ty Tây phương, vì lợi nhuận hấp dẫn, đã thiết lập cơ xưởng sản xuất cũng như bộ phận nghiên cứu ở Hoa Lục. Nói cách khác, Tây phương vừa tạo công ăn việc làm cho dân Hoa Lục, vừa giúp Hoa Lục tiến bộ nhanh về khoa học kỹ thuật — tự đào huyệt chôn mình về phương diện cạnh tranh trong tương lai. Đại công ty Hoa Kỳ Intel có lẽ vì không đồng ý chuyển nhượng, hoặc không muốn kỹ thuật bị đánh cắp, nên mới xây dựng nhà máy sản xuất thứ 7 của mình tại Saigon với phí tổn 1 tỷ đô la, mở cửa vào cuối tháng 10 năm nay, dùng đến 4000 công nhân khi toàn dụng, trong đó có hàng chục kỹ sư Việt Nam mà Intel đài thọ du học tại Portland, vì ngay từ đầu giáo dục Việt Nam đã không cung cấp đủ vài chục kỹ sư có đủ trình độ chuyên môn cũng như về Anh ngữ. Trong khi đó, General Electric đã sản xuất tại Hoa Lục nhiều bộ phận của động cơ sử dụng sức gió, công ty Applied Materials nổi tiếng thế giới, chuyên cung cấp khí cụ làm các panel năng lượng mặt trời cũng đã di chuyển phòng nghiên cứu và thí nghiệm sang nước này vv. *(4)
Với đà chuyển nhượng kỹ thuật này, nhiều người lo ngại là không bao lâu nữa, Hoa Lục sẽ thành một nước công nghiệp tiên tiến. Hiện nay, mặc dầu là một cường quốc kinh tế, nhưng trình độ kỹ thuật cũng chưa thể so với Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật vv. Tuy tỷ lệ đóng góp của khu vực công nghiệp vào TSLQN càng ngày càng tăng, từ 32% năm 1990, lên 42% năm 1995 và sau đó càng ngày càng tăng dần, lên đến 46% năm 2004 – so với tỷ lệ đóng góp của khu vực nông nghiệp giảm dần, từ 29% năm 1990, xuống 13% năm 2004 – trong khi nông thôn chiếm 45% lực lượng lao động toàn quốc, nhưng sự đóng góp này chủ yếu do kỹ nghệ chế biến, 35% vào năm 2004 *(5)
Đối với sản xuất, người ta thường đề cập đến năng suất của các yếu tố sản xuất (factor productivity), tức mối quan hệ giữa sản phẩm hay dịch vụ và các yếu tố được dùng sản xuất ra chúng (đất đai, tư bản, lao động). Sự đo lường năng suất tổng gộp của các yếu tố sản xuất (total factor productivity, TFP) của một nền kinh tế được coi là khó trên thực tế, vì tỷ lệ đóng góp của các yếu tố sản xuất để sản xuất ra một sản phẩm hay dịch vụ thường thay đổi theo thời gian, và thành phần của mỗi yếu tố đối với sự thay đổi của xuất lượng cũng khó mà phân cách ra được. Theo GS Pranab Bardhan của UC Berkley, tuy TFP của kinh tế Hoa Lục tăng 3,1 % trong thời kỳ 1978-1993 và gấp đôi trong thời kỳ 1994-2004, nhưng phần lớn hàng chế biến lại là lắp ráp, chế biến vật liệu và các bộ phận. Theo ông, thì giá trị phụ thêm của khu vực chế biến của kinh tế Hoa Lục đối với toàn cầu chỉ là 9%, khá thấp so với Nhật (21%) và Hoa Kỳ (24%), và cũng luôn luôn thấp hơn Đài Loan và Đại Hàn trong suốt 26 năm từ ngày đổi mới. Cũng theo GS Bardhan, trong hơn 2 thập niên vừa qua, sự tăng trưởng của TFP, tức sự tiến bộ của kỹ thuật, là nhờ chuyển từ khu vực quốc doanh sang khu vực tư doanh, nơi mà TFP cao hơn nhiều *(6)
Từ nhiều năm nay, Hoa Lục không ngừng tăng cường công tác gián điệp công nghiệp và vi phạm quyền sáng chế phát minh nước ngoài để vừa làm vừa học. Nay đến lúc họ thấy cần phải đạt chú trọng nhiều hơn vào các công nghiệp với kỹ thuật cao (high tech).  Do đó, họ sẵn sàng trả lợi nhuận hấp dẫn để chiêu dụ các công ty kỹ thuật tiên tiến ngoại quốc như đã đề cập ở trên. Mặt khác, Hoa Lục buộc phải dành một khoản kinh phí cao cho công tác nghiên cứu và phát triển (Research & Development). Tương lai của kỹ thuật tiên tiến của Hoa Lục tùy thuộc không ít vào kết quả công tác của lãnh vực này, một lãnh vực tốn hao và nhiều rủi ro, dễ đưa đến thất bại. Nếu không thành công trong lãnh vực này, Hoa Lục –cũng như Ấn Độ– chỉ là “những anh khổng lồ thức tỉnh, chân bằng đất sét” (awakening giants, feet of clay) như GS Barhan phân tích.
Đường Lối Phát Triển
Yếu tố thứ tư giúp kinh tế Hoa Lục tăng trưởng nhanh là đường lối phát triển kinh tế của của Bắc Kinh mà nhiều người cho là thích nghi. Dĩ nhiên dù là kinh tế tư bản hay kinh tế chỉ huy thì nhà nước vẫn có vai trò của nó. Vấn đề đặt ra là qua đường lối chính trị độc đảng, suất số tăng trưởng cao còn có thể tiếp tục đến bao lâu, và nhất là đời sống của đại bộ phân dân số có được tốt đẹp hơn hay không? Trong mục này, người viết xin phép dài dòng hơn để cùng ôn lại một chút lịch sử cận đại của Hoa Lục.
Sau cái chết của Mao Trạch Đông, đảng Cộng Sản và nhân dân Hoa Lục cũng như thế giới vẫn không thể nào quên được những hậu quả kinh hoàng của 3 cuộc vận động chính trị, kinh tế và văn hóa mà Hoa Lục đã trải qua. Trước hết, là cuộc vận động “Trăm Hoa Đua Nở” (Let a Hundred Flowers Bloom and a Hundred Schools of Thought Contend, khởi đầu năm 1957) dụ dỗ những nhà trí thức tôn trọng tư tưởng truyền thống văn hóa Khổng giáo, Lão giáo vv. mạnh dạn phát biểu tư tưởng của mình hòng tranh thủ sự chú ý và nâng đỡ của chính quyền địa phương, cũng như cho phép giáo sư, sinh viên phát biểu ý kiến, hay viết ra cảm nghĩ ra giấy và dán trên tường.  Để rồi sau đó có bằng chứng về tư tưởng bị cho là hữu khuynh và bị thanh trừng (the Anti-Rightist Campaign). Kế đến là cuộc vận động “Bước Tiến Nhảy Vọt” (Great Leap Forward 1958-1961) mà mục tiêu của Mao là biến Hoa Lục thành một nước công nghiệp với những “lò luyện thép” từ thành thị đến xóm làng hẻo lánh. Hậu quả là nạn đói giết không dưới 20 triệu người, khiến ở một vài vùng thôn quê người ta đành trao đổi nhau con nhỏ của mình để cùng có thịt mà ăn! Rồi đến“Cuộc Cách Mạng Văn Hóa” (Cultural Revolution, 1966-1968), qua đó Mao dùng Hồng Vệ Binh để thanh toán, tù đày những đối thủ chính trị dám chống lại đường lối kinh tế của mình, trong đó có Đặng Tìểu Bình, một đảng viên kỳ cựu theo Mao từ thời kỳ chống Tưởng Giới Thạch, chỉ vì ông ta đã dám tuyên bố “Mèo trắng mèo đen chẳng có gì quan trọng, miễn bắt được chuột.” Cuộc vận động văn hoá này còn kéo dài dai dẳng tới 1975: tù đày trí thức, phá hủy hệ thống giáo dục (mở cửa lại trường học với chương trình “giáo dục cách mạng”, đào tạo “bác sĩ chân đất” cho vùng quê vv.) cũng như làm hỏng đi các tổ chức kinh tế hiện hữu (công nhân chia sẻ quyền điều hành nhà máy, tưởng thưởng vật chất bị bãi bỏ vv.). Giai đoạn 1966-1975 được người dân Hoa Lục gọi là “thế kỷ bị đánh mất” (the lost decade).*(7)
Tuy nhiên, bên cạnh những hậu quả tàn hại trên, Mao cũng để lại những đóng góp tích cực làm nền móng cho cuộc cải cách kinh tề sau này với các kế hoạch ngũ niên mà hiện nay Bắc Kinh vẫn còn chủ yếu sử dụng như công cụ phát triển.*(A) Sau cuộc cải cách ruộng đất (1950-52) nhằm tái phân ruộng đất cho nông dân nghèo, Mao đưa ra Kế Hoạch Ngũ Niên Thứ Nhất (1953-56) với sự trợ giúp của 6000 chuyên viên kinh tế và kỹ thuật Liên Xô nhằm xây dựng cơ sở cho kỹ nghệ nặng với những nhà máy luyện thép, nhà máy phát điện sử dụng than đá, nhà máy sản xuất xi măng, vv. Những kế hoạch sau đó nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở (đường hỏa xa, đường bộ, các nhà máy sản xuất phân bón, hàng tiêu dùng vv.). Nói chung, những công trình này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế về sau. Từ giữa thập niên 1970, Hoa Lục là một trong 10 nước sản xuất dầu hỏa hàng đầu thế giới, mỗi năm sản xuất đến 1 triệu barrels dầu thô, lúc đó dư dùng và xuất cảng lấy ngoại tệ để nhập cảng máy móc công cụ. Từ 1952 đến 1978, sản lượng nông nghiệp tăng trung bình 3, 2%/năm, trong đó sản lượng ngũ cốc tăng 2,4% trong khi dân số chỉ  tăng 2,2%/năm (từ 575 triệu lên 963 triệu), thặng dư chút ít để xuất cảng hầu nhập cảng máy móc yểm trợ khu vực công nghiệp. Có thể nói người nông dân trong giai đoạn này phải chịu nhiều thiệt thòi, không được phép tiêu dùng ở mức độ phải chăng và phải nuôi thành thị; phải thực hiện “các nghĩa vụ lao động xã hội chủ nghĩa” khác, như xây các đập nước, đường sá, cầu cống vv. vào những lúc giao mùa, ngay cả vào những mùa đông rét buốt chết người.
Khi nắm thực quyền, Đặng Tiểu Bình khôn khéo duy trì hình ảnh và những đóng góp tích cực của Mao để nhằm duy trì đoàn kết nội bộ đảng – 78 triệu đảng viên hiện nay – cũng như đối với dân chúng. Chủ trương này tương đối thành công. Đại Hội Đảng lần 3 (tháng 7/1978) ủng hộ chính sách của họ Đặng “tìm kiếm sự thật qua sự kiện” (“seeking truth form facts”).  Thủ Tướng Lý Quang Diệu, với hy vọng là các doanh gia Singapore sẽ được chấp nhận là những nhà đầu tư ngoại quốc tiền phong vào Hoa Lục, đã trải thảm đỏ mời họ Đặng, và sau đó lần lượt hàng trăm cán bộ Hoa Lục khác, đến viếng Singaopore để biết thế nào là kinh tế thị trường.Mãi đến Đại Hội Đảng lần thứ 11(tháng 7/1981), những sai lầm của Mao mới bị công khai phê phán. Hoa Quốc Phong tuyên bố chủ trương “Bốn Hiện Đại Hoá” (Four Modernizations, gồm 4 lãnh vực canh nông, kỹ nghê, quốc phòng và khoa học kỹ thuật); Hồ Diệu Bang thay Hoa kêu gọi “cải cách và cởi mở” (reform and opening up). Nhiều kinh tế gia Tây phương, trong đó có Giáo Sư Milton Friedmon của University of Chicago, giải Nobel Kinh Tế Học 1976, được mời sang diễn giảng về kinh tế thị trường. Sách của ông cũng như của Friedrich Von Hayek và nhiều kinh tế gia Tây Phương khác được dịch ra tiếng Hoa và bán rất chạy. (Trong khi đó, ở Việt Nam thì mãi đến 1989-90, Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch mới cho dịch quyển sách giáo khoa kinh tế nhập môn  Economics của Paul Samuelson xuất bản lần thứ 9 sang tiếng Việt. Hồi đầu thập niên 1960, GS Nguyễn Cao Hách và Nguyễn Ngọc Linh đã dịch ấn bản lần thứ 5).
Tiến trình cải cách kinh tế của Hoa Lục bắt đầu từ tháng 10/1978. Bước đầu là khu vực nông nghiệp, lúc đó chiếm 80% dân số. Nông sản được nhà nước thu mua với giá cao hơn hẳn. Các hợp tác xã và nông trường nông nghiệp lần lượt bị bãi bỏ. Các hộ dân được ký hợp đồng sử dụng ruộng đất tập thể ngắn hạn lúc ban đầu, và về sau thành hợp đồng dài hạn, thậm chí còn được phép cho người khác thuê lại, chỉ phải giao nộp một phần cho nhà nước, phần còn lại được cho phép bán trên thị trường tự do. Do sự cởi trói này và nhờ thời tiết thuận lợi đầu thập niên 1980, nông dân được trúng mùa và đời sống được cải tiến hơn.
Trong lãnh vực công nghiệp nhẹ, cũng từ đâu thập niên 1980, một số khu kinh tế đặc biệt (special economic zones) đã được thiết lập ở một vài tỉnh duyên hải phía Nam: Zhuahai và Shantou (tỉnh Quảng Đông, Guangdong), Xiamen (tỉnh Phúc Kiến, Jujian) và toàn bộ tỉnh đảo Hải Nam (Hainan). Đến năm 1984, thêm nhiều khu kinh tế đặc biệt cũng được phép mở cửa tại 14 thành phố duyên hải khác, trong đó có cả Thượng Hải (Shanghai), một thành phố được thế giới biết đến như là một trung tâm công nghiệp, thương mại và văn hóa lâu đời là nơi mà Bắc Kinh trước đó vì lý do uy tín chính trị cương quyết không mở cửa cho người ngọai quốc vào kinh doanh. Tại những nơi này, chính quyền địa phương ưu tiên cung cấp hạ tầng cơ sở: đường sá, cơ xưởng, điện nước, bến cảng vv. cũng như tạo các điều kiện dễ khác trong việc thu dụng nhân công từ thôn quê chẳng hạn bãi bỏ chế độ hộ khẩu (hukou), hay miễn giảm thuế trong những năm đầu kinh doanh. Tất cả đều nhằm mục đích thu hút các công ty nước ngoài hoặc tự mình hoặc liên doanh với các công ty địa phương để kinh doanh, chế biến sản phẩm, để chủ yếu xuất cảng lấy ngoại tệ.  Đó cũng là nơi hàng ngàn cán bộ chuyên viên trong nước đến học tập rút kinh nghiệm; chấm dứt thời kỳ tự lực cánh sinh do Mao chủ trương. *(B)
Kế đó là sự cải cách công nghiệp nội địa: các nhà máy quốc doanh được cung cấp nguyên liệu nhưng chỉ phải giao nộp cho nhà nước một tỷ lệ sản phẩm, số còn lại được phép bán ra thị trường tự do. Nhũng lạm xảy ra: sản phẩm giao nộp có phẩm chất tồi, còn sản phẩm bán ra thị trường thì tốt hơn nhiều để bán với giá cao, ban quản lý có nhiều tiền bỏ túi, ăn xài phung phí sau khi đã chia chác cho công nhân.  Đồng thời, khi chính quyền thả nổi giá cả để cho thị trường định đoạt, lạm phát lên đến 20% khiến cho đời sống thị dân trở nên khó khăn. Công nhân xí nghiệp và nông trường lo sợ mất việc cũng như những quyền lời kèm theo như nhà ở, y tế, giáo dục đã trở nên bất mãn, muốn quay về thời đại của Mao. Tham nhũng, bất công xảy ra đều khắp trong nước. Trí thức, sinh viên và dân chúng đòi cải cách và trừng trị tham nhũng. Chính phủ hứa sửa sai nhiều lần, nhưng đâu vẫn vào đấy. Nhân đám tang của Hồ Diệu Bang (Hu Yobang (4/1989), người đã kêu gọi Hoa Lục nghĩ lại chủ nghĩa Maxít (9/1985) và phải từ chức một tháng sau cuộc biểu tình của sinh viên (12/1986), sinh viên lại biểu tình ở Thiên An Môn. Ngày 4-5-1989 — đúng 70 năm trước đó, sinh viên Đại Học Bắc Kinh đã biểu tình đòi “khoa học và tự do”. Ban đầu cuộc biểu tình chỉ nhằm đòi hỏi cải tổ đời sống, trừng trị bất công, tham nhũng, nhưng sau đó với sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng, cuộc biểu tình chuyển hướng sang đòi hỏi dân chủ, với khẩu hiệu “Hello, Mr. Democracy” bằng tiếng Hoa và Anh. Cao điểm là khi bức tượng “Nữ Thần Dân Chủ” (Goddess of Democracy, phối hợp gương mặt hiền từ của nữ thần Guanyin mà người Việt gọi là Phật Bà Quan Âm, và Nữ Thần Tự Do của Mỹ) cao 10 mét làm bằng nhựa xốp (styrofoam) do sinh viên Học Viện Mỹ Thuật Trung Ương dựng lên. Bốn ngày sau, tức vào ngày 4/6/1989, xe tăng của “quân đội nhân dân” tiến vào. Bức tượng bị nghiền nát.  Hàng trăm sinh viên và người ủng hộ bị cán giết dã man. Địa điểm tốt của Học Viện tọa lạc nơi trung tâm thành phố sau đó được bán cho nhiều nhà thầu xây cất, và HọcViện phải dời ra ngoại ô. *(8) Nhiều tháng sau đó là những cuộc bắt bớ giam cầm âm thầm lặng lẽ tại nhiều đô thị, thành phố đã có biểu tình cùng lúc; những phần tử chống đối khác. Dĩ nhiên không có tin trên báo chí, truyền thông truyền hình. Đúng là chủ trương diệt tận gốc!
Đó là vì Bắc Kinh đã tuân theo Bốn Nguyên Tắc Hồng (Four Cardinal Principles) mà Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng từ 1979: (1) theo đường lối xã hội chủ nghĩa; (2) củng cố chuyên chính dân chủ nhân dân; (3) đảng cộng sản lãnh đạo; và (4) tư tưởng Mac-Lenin-Mao dẫn đường. Ai chống lại các nguyên tắc này được coi là phản động và phải bị trừng trị nhanh chóng và thẳng tay. Sự đàn áp đó là một chỉ dấu cho nhân dân trong nước biết rằng mọi người được quyền làm giàu, nhưng không được quyền phát biểu chính kiến trái với chủ trương của Đảng và Nhà Nước; và cho người nước ngoài biết rằng Hoa Lục theo “tư bản chủ nghĩa với các đặc trưng Tàu … Cộng (“capitalism with Chinese characteristics”) mà Đặng Tiểu Bình đã vừa hãnh diện vừa chống chế tuyên bố. Biến cố này khiến ngoại quốc phẫn nộ, cắt đứt giao thương với Hoa Lục trong một thời gian.
(Còn tiếp)
© Lê Văn Bỉnh
© Đàn Chim Việt
———————————————————–
Ghi Chú Liên Quan Đến Kinh Tế Việt Nam
*(A) Kế hoạch kinh tế ngũ niên là công cụ được các nước cộng sản xem là hữu hiệu sử dụng để phát triển kinh tế. Miền Bắc trruớc 1975 vẫn nói đến các kế hoạch ngũ niên mỗi lần có Đại Hội Đảng, nhưng thật ra không có một quyển kế hoạch ngũ niên nào được in ra thành sách cả, mà chỉ là các tài liệu phổ biến 2-3 số trên nhật báo Nhân Dân mà thôi.  Trước đây Ấn Độ cũng thích thú với các kế họach kinh tế của mình. Tại miền Nam, tuy có sự khuyến cáo của các cố vấn kinh tế Hoa Kỳ là nên sử dụng các dự án phát triển kinh tế vừa thực tiễn và vừa linh động hơn, Bộ Kế Hoạch và Phát Triển Quốc Gia sau khi thành lập, đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với các Phủ, Bộ khác (trong đó có nhiều cựu sinh viên HVQGHC phục vụ tại Tổng Nha Kế Hoạch) và một chuyên viên điện toán được USAID biệt phái giúp đỡ về số liệu. Hơn một năm sau, đã cho ra đời quyển Kế Hoạch 4 Năm (1972-1975) nhằm chứng tỏ với dư luận trong và ngoài nước ý chí cương quyết phát triển lâu dài của mình. Bản thảo đầu tiên của Kế Hoạch đã được Tổng Trưởng Lê Tuấn Anh (tiền nhiệm của TS Nguyễn Tiến Hưng) đệ trình trong một phiên họp của Hội Đồng Tổng Trưởng giữa tháng 9 năm 1972.
Nhân tiện cũng xin mở thêm dấu ngoặc: Sau khi Chương Trình Kinh Tế Hậu Chiến của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc – Lilienthal (một chuyên gia phát triển kinh tế nông nghiệp kỳ cựu xuất thân từ Tennessey Valley Authority, TVA,  thời kỳ Great Depression thập niên 1930) kết thúc, Hoa Kỳ đài thọ chương trình du học đào tạo chuyên viên kinh tế để làm việc cho thời kỳ hậu chiến: 8 trung hạn (6 tháng), 8 dài hạn (MA), tất cả đều trở về nước trước 4/75 – trong đó có gần phân nửa là cựu sinh viên QGHC– và 1 PhD lúc đó chưa kịp hoàn tất chương trình đã kẹt lại Hoa Kỳ (sau này trở thành political appointee của  Tổng Thống Bush 41 và Bush 43).
*(B) Đặc Khu Kinh Tế là một mô thức phát triển rất thành công trong công cuộc phát triển phát triển kỹ nghệ nhẹ. Ở Á châu, Đài Loan áp dụng đầu tiên, tăng cường xuất cảng vượt bực giúp đảo quốc này sở hữu một số ngoại tệ cao nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Tây Đức, hồi thập niên 1970.  Tại Miền Nam, Khu Chế Xuất tại Tân Thuận Đông (Nhà Bè, gần Kho 18 Thương Cảng Saigon) trong loạt Sắc Luật được ban hành năm 1973.  Chỉ tiếc là khi chuyến tàu chở nguyên liệu để gia công cho đơn đặt hàng đầu tiên của công  ty Sears Hoa Kỳ trên đường đến thương cảng Saigon thì Buôn Mê Thuột bị mất;  toán Cố Vấn thượng thặng của Các KCX Đài Loan phải lên đường về nước khá trễ (26/4/75). Và chúng ta không nhìn thấy được hiệu quả kinh tế của mô hình phát triển kinh tế này tại Miền Nam.
———————————————————–
Ghi Chú Tài Liệu Tham Khảo
*(1) Sara Bogiorni, A Year Without “Made in Chnia”, John Wiley & Sons, Inc.,  2007
*(2) Central Intelligence Agency, CIA, The CIA World FactBook 2010,
Skyhorse Publishing, 2009
*(3) Chinabilty, FDI inflows into China 1984-2009,
http://www.chinabilty.com/FDI.htm)
*(4) Rana Mitter, Modern China: A Very Short Introduction, Oxford Univerity Press, 2008
*(5) Barry Naughton, The Chinese Economy: Transitions and Growth, MIT
Press, 2007
*(6) Pranb Bardhan, Awakening Giants, Feet of Clay: Assessing the
Economic Rise of China and India, Princeton University Press, 2010).
*(7) Christopher Hudson, The China Handbook, Fitzroy Dearborn  Publishers, 1997)
*(8) Michal Sullivan, The Arts of China 5th ed.,University of California Press, 2008

---------------------Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh (phần 2)


Đến năm 1992, họ Đặng, lúc đó 88 tuổi, thấy không thể bỏ đi công cuộc đổi mới, bèn “nam du” (nanxun) đến Shenzen, một thành phố thương mại đang lên nằm sát biên giới Hong Kong, để cổ vũ cải cách kinh tế. Đại Hội Đảng lần thứ 14 (tháng10/92) đưa Hoa Lục theo kinh tế thị trường theo đường lối xã hội chủ nghĩa (socialist market economy). Jiang Zemen, Thị Trưởng Thượng
Cơ xưởng Trung Quốc thải đầy khí thải độc hại tàn phá môi trường sống. Ảnh: earthobserver.org
Hải, trước đây cũng đã giải tán biểu tình của sinh viên địa phương nhưng không đổ máu, và rất thành công trong việc phát triển kinh tế thành phố này, được bầu làm Tổng Bí Thư tiếp tục sự nghiệp mà họ Đặng đề xướng. Các doanh nhân ngoại quốc chỉ chờ chính quyền mình bật đèn xanh. Và chính quyền các nước tư bản vì quyền lợi kinh tế đành“quên” chuyện cũ “nhân quyền”, cho phép các doanh nhân tư bản lục tục trở lại Hoa Lục làm ăn, khiến kinh tế Hoa Lục phát triển đến ngày nay. Quả thật hơi đồng làm cho máu mau khô! Mỉa mai thay, cũng chính quyền các nước đó, ngày nay lại lo sợ trước sự lớn mạnh của kinh tế Hoa Lục. Tháng 2/1997, Đặng mất; xe tăng của Hồng quân thị uy trên các đường phố Bắc Kinh và các thành phố lớn khác, không có biểu tình như thường có nhân cái chết của các nhân vật lớn. Năm tháng sau đó, Hong Kong được Anh quốc trao trả lại Hoa Lục, giúp thêm cho Hoa Lục phát triển và tăng cường sức mạnh kinh tế của mình. Hoa Lục ban đầu giương cao khẩu hiệu “thăng tiến với hòa bình” (peaceful rise, heping jueqi) sau đó nghe có vẻ quá khích bèn đổi sang “phát triển với hòa bình” (peaceful development) mà nội dung cũng không có gì khác biệt, nghĩa là nhằm trở lại vị trí đã mất giữa thế kỷ 19.
TSLQN tăng lên 11%/năm sau Kế Hoạch Ngũ Niên Thứ 8 (1991-95), nhưng lại giảm đi sau đó (9.8% năm 1996; 8.6% năm 1997; 7.2% năm 1998; 8.4% năm 1999; 7.2% năm 2001; 10.% năm 2002; 9.5% năm 2004; 9.3% năm 2005) phần lớn do cuộc khủng hoảng tài chánh ở các nước Á châu; *(9) phần khác do yếu tố nội tại của bất cứ một nền kinh tế đang phát triển: có những khu vực bão hòa không thể phát triển nhanh hơn trước được. Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 11(2006-2010) đưa ra chỉ tiêu khiêm tốn hơn (7.5%/năm), nhưng đến nay đã đạt tới mức 11.1%. Đối với dư luận quốc tế cũng như quốc nội, đây không phải là điều đáng được tuyên dương cổ vũ. Lý do: Các cấp chỉ huy chính quyền địa phương cũng như các xí nghiệp quốc doanh vì muốn được tưởng thưởng đã dùng mọi phương tiện để vượt chỉ tiêu, sẵn sàng hy sinh môi trường và sự an lạc của công nhân viên của mình và của cộng đồng. Các kinh tế gia và truyền thông thế giới hy vọng trong Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 12 (2011-15), Hoa Lục sẽ chú trọng nhiều hơn vấn đề an sinh xã hội, cải tổ đời sống thị dân, nhất là nông dân, và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi sinh. Cũng cần nói thêm là nhiều công ty ngoại quốc qua các chỉ tiêu trong các kế hoạch ngũ niên của chính quyền Hoa Lục đã điều chỉnh chiến thuật sản xuất của công ty mình về sản phẩm cũng như về thị trường; và mạnh dạn đầu tư vào nền kinh tế chỉ huy này.
Như trình bày ở trên, sự cải tổ sang kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo sau hậu trường của Đặng Tiểu Bình mặc dù vẫn giữ một số đặc trưng của kinh tế chỉ huy đã không thể thực hiện suông sẻ, bởi lẽ Cộng Đảng Hoa Lục không thể khắc phục được sự mâu thuẩn giữa cơ chế thị trường và quyền bính đã ăn sâu trong não trạng nhất là của các đảng viên kỳ cựu.  Họ lo sợ mâu thuẫn về quan điểm sẽ đưa đến xung đột trong nội bộ Đảng rồi sẽ lan truyền nhanh chóng sang dân chúng, đưa đến tình trạng tan vỡ như đã xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu. Cho nên Đảng chủ trương phải đàn áp để chấm dứt. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi vì khó có thể nhanh chóng tiến tới “nhất trí” về lập trường với một số đảng viên đông đảo (khoảng 70 triệu lúc bấy giờ) và một dân số khổng lồ (1,3 tỷ lúc đó) trước một biến cố khá trọng đại của lịch sử. Giải pháp được đưa ra kế tiếp là hội nhập nền kinh tế Hoa Lục vào kinh tế toàn cầu, vừa cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là Hoa Lục cởi mở; vừa hy vọng là toàn cầu hoá sẽ đem lại  nhiều lợi hơn hại, nhất là có thể nâng cao mức sống của dân chúng.
Mặc dầu về phương diện chính trị, vẫn chủ trương “sử dụng các phương tiện hữu hiệu để duy trì sự ổn định xã hội và chính trị” (take forceful measures to maintain social and political stability), nhưng Jiang Zemen vẫn bị giới bảo thủ công kích.  Thêm vào đó những cải cách kinh tế tuy đẩy sản lượng lên nhanh, chẳng hạn năm 1993 TSLQN tăng 13.4%, tức gần 50% hơn chỉ tiêu 9%, nhưng lạm phát lại tăng 14%; hoặc năm sau TSLQN tăng 12%, nhưng lạm phát lại tăng lên 21.4% theo thống kê chính thức, quá cao so với chỉ tiêu 10%, khiến đời sống dân chúng thành thị lẫn thôn quê chịu thêm nhiều khó khăn. Theo Bộ Lao Động, trong năm 1994 đã xảy ra hơn 12000 cuộc tranh chấp lớn về lao động, trong đó có khoảng 2500 trường hợp công nhân bao vây nhà máy, đình công, đốt kho xưởng, cầm giữ chủ nhân hoặc ban lãnh đạo. Bản thân Tổng Bí Thư Jiang Zemin khi đi thăm nơi sinh của họ Mao cũng bị nông dân bất mãn vây quanh gần cả tiếng đồng hồ để chất vấn và trao kiến nghị.
Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Jiang Zemin (tháng 10/97) và cuộc viếng thăm trả lễ của Tổng Thống Bill Clinton (tháng 6/98) giúp cho công cuộc cải cách kinh tế theo hướng toàn cầu hóa của Hoa Lục thêm nhiều thuận lợi hơn.
Trong 2 thập niên giữa 1980 và 2000, lợi tức thật từng đầu người (real income per capita) của Hoa Lục tăng 4 lần, và số người sống dưới mức nghèo đói (1 đô la/ngày) giảm 27%. Hiện nay Hoa Lục còn độ 100 triệu người sống dưới mức nghèo đói — tức dưới 1 đô la mỗi ngày. (Trong khi du khách đến Washington DC trông thấy tận mắt dân homeless, nhưng có mấy ai trong những chuyến du lịch theo tour đến Hoa Lục đã mục kích được sinh hoạt của những kẻ cơ hàn này?).
Với hàng hóa Made in China xuất hiện đều khắp thế giới (ngay từ giữa thập niên 2000, phân nửa tống trị giá quần jeans, hàng vải sợi, giày dép, đồ gỗ, máy lạnh nhỏ trên thế giới, vv. đều nhập cảng từ nước này), Hoa Lục cũng chỉ là “một nhà máy chế biến khổng lồ, một nước phát triển đang lên, chứ chưa được xem là một nước công nghiệp. Theo thống kê của The Economist, cơ cấu nhân dụng trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của Hoa Lục lần lượt là 41%, 25% và 34%; trong khi của Nhật Bản là 4%, 27% và 69%; và của Hoa Kỳ là 2%, 22% và 76%. *(10) Công bằng hơn, chỉ cần so sánh cơ cấu kinh tế Hoa Lục với các nước khác trong nhóm BICS, chúng ta cũng thấy rằng kinh tế Hoa Lục hiện nay vẫn mang đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp. Thật vậy, các tỷ lệ trên của Brazil lần lượt là: 21%, 19% và 60%; của Ấn Độ là: 18,1%, 29.5% và 52.4%; của Nam Phi là 3,2%, 50,3% và 64,9%.
Hoa Lục xuất cảng nhiều nhất sang Châu Âu Thống Nhất (20,1%), kế đến sang Hoa Kỳ (19,1%), Hong Kong (15,1%),), Nhật (8,4%); Nam Hàn (4.6%). Trong khi đó, nhập cảng nhiều nhất từ Nhật (14%), kế đó từ Châu Âu Thống Nhất (11.6%)), Nam Triều Tiên (10.9%), Đài Loan (10.6%), Hoa Kỳ (7.3%). Hàng hóa Hoa Lục chiếm cao nhất trong trị giá nhập cảng của Việt Nam (20.4%), trong khi đó VN chỉ xuất cảng 5.9% sang Hoa Lục — và 21.5% sang Hoa Kỳ, có thể xem như gián tiếp xuất cảng hộ cho Hoa Lục!
Một khía cạnh đáng chú ý khác của ngoại thương của Hoa Lục là: Hầu hết các công ty Hoa Lục làm ăn ở hải ngoại đều là những công ty quốc doanh, cho nên tuy vốn liếng có thể dồi dào và điều kiện đôi khi dễ dãi, nhưng khả năng thụ đắc (acquisition) hay sát nhập (merge) để thành những đại công ty có uy tín và bề thế, nhất là trong những lãnh vực liên hệ đến an ninh quốc phòng, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các công ty Tây phương thuần túy tư nhân. Lý do: một mặt tiến trình quyết định thương mại chậm chạp dễ làm mất thời gian tính; mặt khác, chính quyền ngoại quốc có quyền nghi ngờ hậu ý của Bắc Kinh về chính trị và quân sự, và dễ đưa đến sự can thiệp của lập pháp, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Bắc Kinh có thể qua một đêm “tư hữu hóa” một số công ty quốc doanh để giúp chúng đạt mục tiêu thủ đắc hay sát nhập, nhưng thế giới bên ngoài đến bao giờ mới nghĩ đó là những công ty tư doanh? Nói khác đi, việc Bắc Kinh tiếp tục sử dụng các công ty quốc doanh để đẩy mạnh kinh tế sang lãnh vực phát triển toàn cầu hóa cũng gặp những bất lợi của nó.
VIỄN CẢNH
Dẫn Đầu Thế Giới Năm 2040?
Trước suất số tăng trưởng kinh tế cao khác thường và trị giá xuất cảng càng ngày càng gia tăng của Hoa Lục trong lúc Tây phương chưa thoát ra tình trạng khủng hoảng tài chánh, thì bài báo ngắn của Robert Fogel đăng trên báo Foreign Policy tháng Giêng/Tháng Hai Năm 2010 càng làm cho nhiều người lo nghĩ và không vui.*(11) Theo kinh tế gia được giải Nobel năm 2003 này, thì
Cá chết đầy sông ngòi Trung Quốc do không kiểm soát môi trường. Ảnh: tree hugger.com
đến năm 2040, kinh tế Hoa Lục sẽ tới mức 123 trillion, tức gần 3 lần hơn kinh tế toàn cầu năm 2000, tức chiếm 40% Tổng Sản Lượng Thế Giới, trong khi Hoa Kỳ chỉ chia sẻ 14% và Châu Âu Thống Nhất ở vị thế khiêm tốn hơn nữa, tức 5% mà thôi, trong khi đó cơ quan nghiên cứu Carnegie Endownment for International Peace cho rằng kinh tế Hoa Lục chỉ 20% hơn kinh tế Hoa Kỳ năm 2050. Bài báo không mấy quân bình vì chỉ đưa ra những lý do khiến cho kinh tế Hoa Lục tiến nhanh và kinh tế Châu Âu Thống Nhất lùi lại mà không đá động vì sao Hoa Kỳ lại xuống cấp như vậy. Tuy nhiên, theo thiển kiến của người viết, những lý do ông đưa ra để giải thích tầm vóc kinh tế Hoa Lục cũng không có sức thuyết phục mấy.
Theo Fogel, sau đây là những yếu tố đóng góp cho tỷ lệ tăng 40% nói trên:
- Giáo dục: nhà nước đầu tư khổng lồ vào giáo dục đã làm cho năng suất
 lao động tăng nhiều; Chủ Tịch Jiang Zemen kêu gọi một sự ghi danh tăng vọt vào đại học. Ông tiên liệu trong thế hệ tới, học sinh trung học sẽ tăng 100%, sinh viên đại học tăng 50%.
- Khu vực nông thôn với 55% dân số, đóng góp 1/3 TSLQN cho nền kinh tế (năm 2009) và sẽ “không biến mất trong 30 năm sắp tới.”
- “Các nhà thống kê Hoa Lục có thể ước tính quá thấp tiến bộ kinh tế”, đặc biệt là trong lãnh vực dịch vụ vì không kể những cải tiến về giáo dục và y tế.
- Người ta thường nghĩ Bắc Kinh là đầu tàu cho cải tổ kinh tế, nhưng những cải tiến quan trọng là từ “địa phương.” ( Người viết nghĩ là ông ám chỉ các cấp làng xã và thị trấn, tức những đơn vị hành chánh được cho quyền tuyển cử tự do, không hạn chế số ứng cử viên, cũng không cần là người do Đảng giới thiệu; bầu trực tiếp; và được quyền kinh doanh, thành lập các công ty xí nghiệp vv.) Ông còn khen ngợi tinh thần dân chủ, cởi mở và trách nhiệm của các nhà kinh tế, qui hoạch Hoa Lục trong Hiệp Hội Kinh Tế Gia Hoa Lục mà ông thường được mời dự. *(C)
- Theo ông, “Người ta không ghi nhận đầy đủ khuynh hướng tiêu thụ từ lâu bị đè nén. Nhìn từ nhiều khía cạnh, Hoa Lục ngày nay là nước tư bản nhất hoàn cầu”; “mức sống và lợi tức theo đầu người đã cao hơn mức “high middle income” mà Ngân Hàng Thế Giới xếp loại.” Dân chúng càng ngày càng mua sắm thêm quần áo, đồ điện tử, thức ăn nhanh, xe cộ. Chính quyền lâu nay đã biết rằng sự gia tăng tiêu thụ nội địa là cần thiết cho nền kinh tế và có chính sách khuyến khích.
Người viết xin đưa ra vài con số và sự kiện duới đây để giúp độc giả suy ngẫm về khả năng thuyết phục của các dự phóng nói trên:
- Tiêu thụ nội địa (cả 2 khu vực công và tư) của Hoa Lục chiếm 51,8% TSLQN năm 2005, xuống còn 48,7% năm 2008, và 35.1% năm 2009. Tỷ lệ cùng năm 2008 ở các nước phát triển khác cao hơn nhiều: Brazil (80,7%); Ấn Độ (65,1%); Nam Phi 81,1%; Nga (66%). Nói khác đi, Hoa Lục chủ trương tiếp tục con đường của Mao, tức bức ép dân chúng hạn chế tiêu thụ để dành tiền đầu tư. Thật vậy, tỷ lệ đầu tư đối với TSLQN năm 2008 ở Hoa Lục là 42,3%, cao hơn của các nước kể trên khá nhiều, theo thứ tự là 17,7%; 37,6%; 21,9%; 24,3%. Trừ Nga ra, các nước còn lại đều nằm ở Nam Bán Cầu (Brazil, India, China và South Africa, viết tắt là BICS; tất cả được các kinh tế gia xem là những nền kinh tế đang lên).
- Năm 2009, 55% dân số, tức 700 triệu người vẫn còn sống ở nông thôn.
 Sau cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới, hàng trăm ngàn nhà máy Hoa Lục phải đóng cửa (trong đó có hằng trăm công ty do Hoa kiều làm chủ lẳng lặng đóng cửa bỏ về nước, công nhân không được trả lương) và hằng chục triệu công nhân phải trở về quê quán, khiến con số này có thể lên đến 800 triệu vào cuối năm 2010. Vậy mà, theo Nhân Dân Nhật Báo phổ biến qua website GOV.cn ngày 8/3/2006), Kế Hoạch Ngũ Niên thứ 11 (2006-2010) dự trù lợi tức khả dụng theo từng người sẽ tăng lên trong thời kỳ này sẽ tăng từ 10.493 Nhân Dân Tệ lên 13.390, tức 26.7% ở đô thị; trong khi đó ở nông thôn chỉ từ 3.255 NDT lên 4.110, tức 26,3%.  Trước và sau kế hoạch này, mức sống nông dân vẫn chỉ bằng 31% mức sống thị dân! Chủ trương của Mao khẩn trương tăng dân số từ 540 triệu năm 1950 lên 930 triệu năm 1976 hầu “lấy thịt đè người” đến nay vẫn chưa gỡ rối nổi. “Chính sách một con”, chủ trương “một xã hội hài hòa” (xiaokang society), cũng như những phương thức đề ra trong những kế hoạch ngũ niên sau đó khó có thể san bằng mức cách biệt giữa nông thôn và thành thị, ít nhất trong 3 thập niên nữa. Xin nhắc lại, hiện nay tại Hoa Lục vẫn còn hơn 100 triệu người sống dưới mức nghèo đói, tức với dưới 1 đô la mỗi ngày.
- Khi giáo dục không còn bao cấp nữa, thì qua khỏi chương trình cưỡng bách giáo dục (xong lớp 9), con cái những gia đình với lợi tức thấp sẽ thiếu cơ hội để tiến xa hơn. Thủ Tướng Wen Jiabo từng tuyên bố là 80% bạn cùng lớp với ông ở Đại Học Tsinghua đến từ nông thôn. Ngày nay tỷ lệ đó chỉ là 17% ở Đại Học Tsinghua. Ở Đại Học Peking, tỷ lệ này l à 16%.  Hai đại học này được xem là MIT và Harvard của Hoa Lục. (Newsweek Sept. 6, 2010). Nhân tiện, nhân vật đang lên Xi Jinping mà tuần báo The Economist (October 23rd – 29th 2010) gọi là “vị Hoàng Đế kếp tiếp” cũng xuất thân từ ĐH Tsinghua. Điều đó có nghĩa là những người xuất thân từ nông thôn trong tương lai khó có thể trở thành những nhà lãnh đạo cao cấp.
- Tham nhũng ngày nay xảy ra đều khắp. Trong số 3000 doanh nhân giàu nhất Hoa Lục, 90% có mối quan hệ chặt chẽ với những nhân vật quan trọng trong Đảng. Thật ra Hoa Lục cũng có luật lệ trừng phạt tham nhũng, nhưng chỉ có không tới phân nửa số vụ việc được đưa ra tòa, và chỉ trừng phạt nghiêm nhặt để “thị uy” và “phô trương” khi có áp lực chính trị quốc nội hay quốc tế.
- Theo Mark Anielski, hiện là cố vấn kinh tế cho Hoa Lục thì “khoảng 15% TSLQN của Hoa Lục gắn liền với sự hủy hoại môi trường” *(12). Nếu ngày xưa, trong thời kỳ “Bước Tiến Nhảy Vọt”, người dân được lệnh săn đuổi bắn giết với ý định tận diệt chim chóc phá hại mùa màng đã vô tình đưa đến cảnh côn trùng sâu bọ sinh sôi nẩy nở tàn hại nhiều lần hơn; chính quyền xây dựng nhà máy bừa bãi không cần đếm xỉa gì đến môi sinh, thì ngày nay để tăng cường sản xuất xuất khẩu vượt chỉ tiêu thức đẩy Hoa Lục trở thành mãnh hổ, nhà chức trách — nhất là nhà chức trách làng xã thị trấn tự trị nói trên đã làm ngơ hoặc nhận tiền hối lộ sẵn sàng để cho các nhà máy thải chất dơ ra sông suối, phóng chất độc hại vào không khí; cho khai thác gỗ một cách bừa bãi làm trụi rừng gây lụt lũ; xây dựng bừa bãi các nhà máy thủy điện gây hay lụt lội các vùng lân cận, hoặc khô hạn cho khu vực hạ lưu — trường hợp sông Mekong và Việt Nam. Không biết bao nhiêu sông rạch nhỏ, kể cả một vài con sông lớn có tên trên bản đồ thế giới, chẳng hạn sông Huai River– đổ vào sông Dương Tử (Yangtzi River) và thung lũng của nó bao trùm một vùng rộng lớn gồm các tỉnh Ahui, Jiangsu, Sahngdong va Henan) với cư dân 150 triệu– từ bao năm nay đã trở thành những con sông chứa đầy độc tố.*(13)
Từ thập niên 1980, thỉnh thoảng một số thành phố hoàn toàn biến mất trên không ảnh do vệ tinh chụp vì bị bụi khói (haze) bao trùm. Năm 1991, các nhà máy Hoa Lục đã phóng vào không khí 11 tỷ (trillion) mét khối khí thừa (waste gas) và 16 triệu tấn bụi than (soot) đóng đầy trong mũi người đi đường. Trong 3 năm, trọng lượng than bụi than này bằng trọng lượng của toàn dân Hoa Lục cộng lại! Chất lưu hùynh từ than đá bay qua biên giới tàn hại rừng Siberia và bán đảo Triêu Tiên. Đến  năm 2010, theo tính toán của nhiều chuyên viên thì Hoa Lục sẽ là nguồn gốc mưa acít lớn nhất thế giới.*(14)
Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới, mỗi năm ở Hoa Lục có 750.000 ngàn người chết yểu vì môi sinh nhiễm độc; và cái giá y tế phải trả do sự tàn hại môi sinh lên đến 5% TSLQN; trong 20 thành phố nhiễm nhiều nhất khí carbon thải ra có đến 16 thành phố Hoa Lục. *(15)  
- Rất nhiều nhà máy được thiết lập cũng như nhiều công cụ, máy móc do chính Hoa Lục thiết kế và chế tạo hoạt đông kém hiệu năng không tiết kiệm được nhiên liệu; đường sá, cầu cống trong mấy thập niên vừa qua được xây dựng nhiều, nhưng hầu hết cũng đều kém hiệu năng kinh tế, phí phạm tài nguyên mà đáng lẽ có thể sử dụng vào việc chống nghèo đói vv. *(16)
Cũng khá mỉa mai là theo Fogel, tất cả những khó khăn của kinh tế Hoa Lục như “thêm bất bình đẳng về lợi tức, bất ổn xã hội tiềm ẩn, tranh chấp lãnh thổ, khan hiếm nguyên liệu, thiếu nước, ô nhiễm môi sinh, và hệ thống ngân hàng còn non yếu” vv. mà những người nghiên cứu nền kinh tế Hoa Lục thường đưa ra thì “không có gì bí mật đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cả”. Nhưng chỉ mỗi chuyện con sông Huai River biến thành con sông đen mà gần cả chục năm nay chính quyền trung ương và địa phương vẫn chưa giải quyết giúp nó xanh trở lại. Như chúng ta đã biết, từ chỗ quan tâm, tới việc đưa ra giải pháp khả thi và thực hiện thành công mang lại kết quả như ý muốn, không phải lúc nào cũng là một tiến trình trơn tru và suông sẻ. Các chương trình, dự án kinh tế lắm khi phải gặp những yếu tố nội sinh, và cũng như những yếu tố ngọai sinh từ trong cũng như ngoài nước – kinh tế tài chánh, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong thời đại kinh tế toàn cầu — khiến cho nhiều khi đành phải bỏ dở vì không thể điều chỉnh nổi khiến kế hoạch kinh tế không thể đạt được chỉ tiêu, cũng như dễ đi chệch hướng!
(Còn tiếp)
© Lê Văn Bỉnh
© Đàn Chim Việt
———————————————————–
Ghi Chú Liên Quan Đến Kinh Tế Việt Nam
*(C) Người viết không nghĩ là kinh tế gia Fogel, với não trạng Mỹ, đã hiểu  thế nào là dân chủ trong nội bộ Đảng.Trong lúc hội họp, có khi đến hằng trăm đảng viên, họ được quyền tranh luận rất bình đẳng dân chủ, nhưng một khi vấn đề (đường lối, chính sách, nhân sự, kỷ luật vv.) đã được xem là “kín” và đã được giải quyết trong phiên họp rồi, thì không ai được phép bàn cãi nữa, đặc biệt không được phép tiết lộ ra ngoài. Nhưng hầu hết các vấn đề đã được đem ra thảo luận đều được coi là “kín”.  Chắc chúng ta không quên khi ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ Tướng, hay khi ông Lê Đăng Doanh nắm Viện Nghiên Cứu Kinh Tế ở Hà Nội, có bao giờ dám tuyên bố điều gì nghe “lạ tai” như sau khi họ không còn tại chức. Ông Nguyễn Hộ, sau 2 lần họp nội bộ được “khuyên” đừng tuyên bố gì nữa”, vẫn tiếp tục làm, liền bị vào tù vv.  Đối với dân chúng, dĩ nhiên Đảng luôn luôn khóa chặt bình dưỡng khí dân chủ, như mọi người chúng ta đều biết.
 Ghi Chú Tài Liệu Tham Khảo
*(9)  Greogory Chow, Interpreting China‘s  Economy,World Scentific, 2010
*10)  The Economist, Pocket World in Figures: 2010 Edition
*(11) Robert Fogel, $123,000,000,000,000: China’s Estimated
 Economy by the Year 2040. Be Warned, The Foreign Policy Centre, 2004
*(12) Mark Anielski, The Economics of Happiness, New Society Publishers,
 2007
*(13) Elizabeth C. Economy, The River Runs Black, Cornell University Press,
 2004
*(14) Nicholas D. Kristof & Sheryl Wudunn, China Wakes: The Struggle for
 the Soul of a Rising Power, Random House, 1994
*(15) John Kamfner, Freedom for Sale: Why the World Is Trading Democracy
 for Security, Basic Books, 2010
*(16) Shenggen Fan & Connie Chan-Kang, Road Development, Economic
 Growth, and Poverty Reduction in China, IFPRI, 2005

---------

Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh (phần 3)


Từ “Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn” Đến “Thỏa Hiệp Bắc Kinh”
Với những ưu và khuyết điểm, phần nào được trình bày trên đây, sự lớn mạnh của kinh tế Hoa Lục đưa đến một đề tài thú vị cho các nhà kinh tế: Mô thức phát triển kinh tế theo đường lối chỉ huy của Bắc Kinh có thể áp dụng thành công ở các nước được coi là kém mở mang  nhất, hay hiện đang mở mang với suất số tăng trưởng thấp?

Ảnh: dailymail.co.uk
Lịch sử phát triển kinh tế trong hơn nửa thế kỷ vừa qua tuy chưa vạch ra một phương thức rạch ròi sớm xóa bỏ nghèo đói và làm cho mọi người được no ấm, nhưng cũng rọi chiếu khá nhiều ánh sáng cho thấy lợi ích cuả kinh tế thị trường.   Sự tan rã của Liên Xô và các nước Đông Âu 1989-1991 cho thấy sự thất bại thảm hại của nền kinh tế chỉ huy. Người ta tưởng thế giới đã đến cuối đường lịch sử, và ngọn cờ “tư bản và dân chủ” sẽ sừng sững phất phới, và mọi con đường sẽ hướng về thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Nhưng nào ngờ! Các cô gái trong chiếc áo xường xám, tay cầm điện thoại di động Made in China xuất hiện dưới ngọn cờ ngũ tinh lại có sức thu hút ngầm đặc biệt làm ngơ ngẩn nhiều người.
Như chúng ta vẫn còn nhớ, sau Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, mở đầu cho chiến tranh lạnh, Liên Xô tiến nhanh trong lãnh vực khoa học kỹ thuật qua những kế  hoạch ngũ niên. Trong thập niên 1960 và 1970, qui hoạch kinh tế qua các kế họach trung hạn 4 năm, 5 năm  hay dài hạn 10 năm, 20 năm vv. được xem như là công cụ chủ yếu để phát triển kinh tế. Thời thượng, được ưa chuộng cùng khắp: kinh tế gia, chính trị gia, các trường đại học, các tổ chức thế giới! Sau khi vệ tinh nhân tạo Sputnik của Liên Xô được phóng lên, cả nước Mỹ rung động. Giáo dục nước Mỹ cải tổ: khuyến khích sinh viên theo các chương trình khoa học kỹ thuật, cung cấp học bổng, cho vay mượn nhẹ lãi để đi học, chính phủ ký hợp đồng với các đại học và trung tâm nghiên cứu để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (Research & Development) vv. Cũng là một loại kinh tế hướng dẫn, chứ không muốn cho … tự do phát triển nữa. Nhưng chỉ vì bị Hoa Kỳ thúc ép thi đua vũ trang, tài nguyên của Liên Xô hao mòn dần trong lãnh vực này, không còn đủ để cải tiến đời sống nhân dân.
Trong khi đó, thì chủ nghĩa tư bản hiên ngang trở lại, đẩy kinh tế Keysian lùi về quá khứ. Trang bị với tư tưởng tự do kinh doanh, đặc biệt của Milton Friedman, rất được ngưỡng mộ thời đó, cặp bài trùng chính trị Ronald Reagan-Margaret Thatcher cải tổ kinh tế Mỹ-Anh thêm mạnh bạo theo đường lối tư bản, tháo gỡ mọi ách tắc nhằm tạo mọi điều kiện dễ dàng cho tự do kinh doanh: Vì chính quyền không hữu hiệu, sự can thiệp của nó chỉ làm tổn hại guồng máy kinh tế; cho nên cần giới hạn vai trò của nó qua thuế vụ tối thiểu, giảm chi, giảm thiếu hụt ngân sách; bãi bỏ luật lệ qui định nhằm ngăn sự cạnh tranh nhằm giới hạn vùng kinh doanh, ấn định giá tối đa, hạn chế sát nhập công ty, tư hữu hóa hầu hết các công ty quốc doanh vv.
Rồi lần lần bị áp đặt bởi Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Bộ Ngân Khố, Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, cùng những tổ chức kinh tế tài chánh quốc tế khác và bộ não tư duy (think tanks) trụ sở đóng tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, những nước đang phát triển không làm gì khác hơn là đành phải chấp nhận một số nguyên tắc chung để sử dụng trong việc điều hướng họat động kinh tế của mình mỗi khi phải cầu cạnh các tổ chức này hay các nước tây phương. Các nguyên tắc đó được kinh tế gia tán dương kinh tế thị trường John Williamson, năm 1989, đặt cho cái tên là “Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn” (Washington Consensus) gồm 10 điểm chủ yếu sau đây: (1) kỷ luật trong chính sách tài chánh, kiềm chế  thiếu hụt ngân sách;(2) giảm công chi, đặc biệt trong lãnh vực quốc phòng và hành chánh; (3) cải cách thuế vụ bằng cách mở rộng căn bản thuế và hữu hiệu hoá việc hành thâu; (4) tài chánh cởi mở để cho thị trường định đoạt lãi suất; (5) hối suất cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng qua xuất khẩu; (6) giải toả ngoại thương qua việc bãi bỏ giấy phép nhập cảng và hạ giảm thuế quan; (7) cổ động đầu tư ngoại quốc trực tiếp; (8) tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh; (9) bãi bỏ luật lệ quy định kiềm chế (deregulation); (10) bảo vệ quyền sở hữu. *(17)
Các quốc gia đang phát triển muốn vay mượn đều phải nuốt viên thuốc đắng điều chỉnh cơ cấu (structural adjustments) dựa trên các nguyên tắc này, lắm khi đưa nền kinh tế tế từ tình trạng xấu sang xấu hơn, khiến cho chính quyền địa phương thêm khốn đốn về phương diện chính trị.
Khuynh hướng tân tự do kinh tế (neoliberalism) này ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo khắp thế giới, trong đó có cả Jiang Zemin và Hu Jintao của Hoa Lục. Nhờ đó mà kinh tế Hoa Lục đã tăng trưởng với suất số cao khác thường trong mấy chục năm qua.
Cùng với sự chinh phục toàn cầu hóa qua các sản phẩm Made in China, Bắc Kinh còn được ban tặng những cơ hội lớn để biểu dương lực lượng khi đứng ra tổ chức Thế Vận Hội 2008, Hội Chợ Thế Giới 2010; được mời và có tiếng nói trong các Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Tế G-20 sau cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới mấy năm nay.
Trong thập niên vừa qua, trong khi Hoa Kỳ khá điên đảo với 2 cuộc chiến tranh Afghanistan và Irak, bận rộn và tốn kém với những hoạt động chống khủng bố khác, lại lâm vào cuộc suy thoái kinh tế 2 năm nay chưa thấy con đường ra, thì nhiều nước phát triển trên thế giới đưa mắt nhìn sang Bắc Kinh với ít nhiều cảm tình hay ngưỡng mộ. Một cuộc nghiên cứu năm 2007 cho thấy Hoa Lục được nhiều cảm tình hơn Hoa Kỳ tại nhiều nước Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Chẳng hạn, theo dư luận Tanzania, 78% những việc làm của Hoa Lục được coi là tốt, trong khi đó của Hoa Kỳ chỉ là 36%, tức Hoa Lục hơn 42 điểm; ở Senegal, các con số này là 86% và 56%, tức Hoa Lục hơn 30 điểm; ở Ethiopia, Hoa Lục hơn 27 điểm (61% – 34%); ở Nigeria, Hoa Lục hơn 21 điểm (79% – 58%); ở Mali, Hoa Lục cũng hơn 21 điểm (84% – 63%). Riêng ở Nam Phi, Hoa Lục ít được cảm tình hơn Hoa Kỳ (55% – 49% = – 6 điểm). Tại các nước Châu Mỹ La Tinh, Hoa Lục cũng được ngưỡng mộ hơn Hoa Kỳ: Ở Bolivia, Hoa Lục hơn 28 điểm (42% – 14%); ở Chile, Hoa Lục hơn 27 điểm (55% – 28%); ở Venezuela, Hoa Lục hơn 22 điểm (58% – 36%); ở Argentina, Hoa Lục hơn 16 điểm (21% – 5%). Riêng ở Mexico, Hoa Lục ít được cảm tình hơn, nhưng khoảng cách lại không xa mấy (20% – 22% = – 2 điểm). *(18)
Tình trạng trên sở dĩ xảy ra vì hai lý do chính. Một mặt, từ lâu Hoa Kỳ đã là bá quyền thế giới, hành xử theo lối kẻ cả — nhất là sau khi không còn địch thủ Liên Xô– đường lối lại thay đổi bất thường; lắm lúc trong khi đảng đa số cho, thì đảng thiểu số lại chỉ trích gay gắt và giới truyền thông tiếp tay ồn ào chê bai, khiến dư luận, đặc biệt giới nhà cầm quyền của các quốc gia đang phát triển nhận viện trợ hay làm ăn với Hoa Kỳ cảm thấy bẽ bàng, mất mặt hoặc không an tâm.  Ngày nay, uy tín chính trị của Hoa Kỳ lại có khuynh hướng đi xuống trong khi kinh tế cũng không thể giúp Hoa Kỳ hào phóng như trước. Trong khi Hoa Kỳ bận rộn với các cuộc chiến tranh nói trên, cũng như tất bật ngược xuôi với cuộc xung đột Trung Đông giữa khối Á Rập và đồng minh đơn chiếc Do Thái! Xứ Do Thái thì nhỏ, nhưng mỗi năm nuốt đến 9% ngân sách viện trợ của USAID, giành giựt khá nhiều thời giờ, và nghị lực của chính khách và trí tuệ Hoa Kỳ, bởi vì người Mỹ gốc Do Thái ở Washington, DC là những người vận động hành lang kiên nhẫn, đã đang và sẽ sẵn sàng chi tiền rộng rãi cho các cuộc vận đông Tuyển cử cho các chính trị gia ủng hộ Do Thái. Cứng rắn như Tổng Thống George W. Bush, mà chỉ được một năm sau khi bước vào Toà Bạch Ốc, cũng đành noi gương theo tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton vuốt ve chìu chuộng Do Thái, chỉ vì tương lai chính trị của mình và của Đảng Cộng Hoà.
Mặt khác, cùng với xu thế toàn cầu hóa là sự xuất hiện càng ngày càng nhiều hơn của các nền kinh tế đang lên cùng với nhu cầu cần đối tác làm ăn cũng như liên minh chính trị quân sự của mình. Kinh tế Hoa Lục nổi bật hơn do tầm vóc và bước đi nhanh của nó. Cung cách làm ăn của Hoa Lục khác biệt ít nhiều so với cung cách làm ăn của các nhà đầu tư Tây phương. Như chúng ta đã biết, đàng sau các nhà đầu tư –các công ty lớn nhỏ cũng như cá nhân—đều có sự yểm trợ ít nhiều của chính phủ mình.  Đối với Hoa Lục, hầu hết các công ty  ra nước ngoài làm ăn, đều là quốc doanh thuộc cấp trung ương, chẳng hạn China National Offshore Oil Corporation (CNOOC), China Mobil; hoặc cấp tỉnh thành hoặc các công ty liên doanh, tất cả đều dưới sự chỉ đạo của đảng ủy hoặc đảng viên được tín nhiệm. Về phương diện tài chánh, các công ty này được sự yểm trợ của các ngân hàng quốc doanh như Export-Import Bank of China, China Construction Bank (CCB).
Nói chung, phương thức đầu tư của Bắc Kinh tại các nước đang phát triển thường theo diễn tiến như sau:
- Ra Thông Cáo Chung đề cao sự hợp tác, tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.
Nước nhận viện trợ (qua hình thức đầu tư, chứ chẳng mấy khi tặng không) công nhận chính sách một Trung Quốc– tức gồm cả Đài Loan–của Hoa Lục và ủng hộ việc thống nhất; hoặc ủng hộ đường lối của Bắc Kinh đối với Đài Loan và Tây Tạng; hoặc ủng hộ Hoa Lục trong công tác duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương nhằm bảo đảm quyền lợi của các nước đang phát triển.  Nhiều người trong chúng ta đã nhàm tai với công thức “vô tội vạ” này; nhưng đối với Bắc Kinh, và các nước châu Phi và châu Mỹ La Tinh, thì đó lại là công thức quan trọng, không thể thiếu được, nhất là khi phổ biến truyền hình báo chí có hình ảnh 2 đại biểu tay bắt mặt mừng! *(D)
- Các công ty Hoa Lục, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước, lần lượt bước vào, điều nghiên thiết kế như các công ty Tây phương, nhưng thường mau lẹ hơn, và sớm bắt tay ngay vào việc thi công hơn, tuy đôi khi quá trình quyết định làm cho người đối tác khó hiểu, sốt ruột vì ách tắc không được giải quyết tại phòng họp, mà là từ xa, tận Bắc Kinh hay các tỉnh đối tác bên Hoa Lục. Các nước đang phát triển thường có nhiều nhu cầu mà Bắc Kinh có thể dễ thoả mãn. Phát triển nông nghiệp để chống nghèo đói? Hoa Lục có thừa kinh nghiệm này, trong khi các nước Tây phương trong mấy thập niên vừa qua hầu như không còn chú tâm tới viện trợ nông nghiệp nữa vì nhiều kinh tế gia lỗi lạc của bắc bán cầu cho rằng viện trợ của Tây phương không thể thay đưọc bộ mặt nông thôn của các nước chủ nhà. Cần thêm trường học để phát triển giáo dục? Hoa Lục trong hai thập niên vừa qua đã xây không biết bao nhiêu trường học; tuy nhiều khi dối trá trong nước, nhưng có thể họ sẽ phải cẩn thận hơn khi ra nước ngoài vì còn hy vọng có thêm các hợp đồng khác.  Tân tạo hay tái thiết đường sá, cầu cống, bến cảng? Đội ngũ công nhân Hoa Lục không thiếu kinh nghiệm trong lãnh vực này. Thậm chí kẻ cựu thù Ấn Độ còn phải nhờ Hoa Lục tiếp tay xây dựng nhà máy luyện thép, bởi lẽ trên thế giới này không có nước nào có nhiều công nhân có kinh nghiệp xây dựng các nhà máy luyện thép bằng Hoa Lục, từ tận thời kỳ “Những Bước Tiến Nhảy Vọt.”
- Đa số dự án đầu tư Hoa Lục lấy công rẻ, thường chỉ bằng 1-2% giá trị của dự án, chứ không cao 10-15% như các công ty ngoại quốc khác. Quan trọng hơn đối với Hoa Lục là họ mang dụng cụ máy móc do Hoa Lục chế tạo, đem công nhân vào, được càng nhiều càng tốt. Tức là tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân mình ở trong nước lẫn ngoài nước. Đối với một số dự án do chính mình tài trợ, Ngân Hàng Thế Giới cũng mong cho các công ty Hoa Lục trúng thầu, lý do là vì giá cả phải chăng.
- Đối với những nhiều dự án kinh tế, đặc biệt là ở châu Phi, không có nguồn tài trợ từ các cơ quan tài chánh quốc tế, cũng như từ nước chủ nhà, Bắc Kinh sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để cho các công ty Hoa Lục đến điều nghiên và thi công. Các nước chủ nhà thường sẽ trả vốn và lãi bằng tài nguyên đang được khai thác (dầu hỏa, bauxite) hoặc tài nguyên tiềm ẩn mà các đội nghiên cứu địa chất tin tưởng sẽ phát hiện ra, hoặc bằng sản phẩm có được từ các dự án (lúa gạo, bông vải). Ngoài ra, trong các thoả ước hợp tác với Bắc Kinh, và các hợp đồng với các công ty Hoa Lục thường không có những ràng buộc như trong các hợp đồng với các công ty Tây phương.  Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thương mại các nước châu Phi, tuy tốt nghiệp từ các trường lớp Âu Mỹ vẫn không cảm thấy quen với những ràng buộc trên giấy trắng mực đen này. Đó cũng là một lý do Hoa Lục được chuộng hơn.
Năm 2006, Bộ Thương Mại của chính quyền Bắc Kinh (Ministry of Commerce, MOPCOM) yểm trợ thiết lập 8 Khu Hợp Tác Kinh Tế và Thương Mại Hải Ngoại (Overseas Economic and Trade Cooperation Zones) tại Pakistan, Zambia, Thailand, Cambodia, Nigeria, Mauritius, Nga (2 khu). Năm sau, thêm 11 khu khác tại Venezuela, Nigeria, Vietnam (2 khu), Mexico, Ethiopia, Egypt, Algeria, Nam Triều Tiên, Indonesia và  Nga. *(19)
Theo tài liệu chính thức của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam, đến cuối tháng 7 năm 2010, Hoa Lục đã đầu tư vào Việt Nam 743 dự án, trị giá 3,1 tỷ đô la — một sự tràn ngập khó có thể tưởng tượng nổi nếu so sánh với con số 196 dự án và trị giá 362,79 triệu đô la năm 2002! *(E)
- Ngoài việc hợp tác kinh tế thương mại nói trên, trong thời gian 1991- 2008, Thủ Đô Bắc Kinh và 22 tỉnh của Hoa Lục còn cộng tác với 23 quốc gia để thành lập  những  đoàn kinh tế hỗn hợp để công tác, huấn luyện cho các nuớc này. (The Dragon’s Gift).
- Năm 2005, Bắc Kinh còn tỏ ra “hào phóng” hơn nữa khi Chủ Tịch Hu Jintao đưa ra tuyên bố 5 điểm: (1) Hoàn toàn miễn quan thuế cho nhiều mặt hàng từ 39 nước ít phát triển nhất (least developed countries, LDCs) có quan hệ ngoại giao với Hoa Lục (nghĩa là không công nhận Đài Loan như một quốc gia); (2) Tăng cường viện trợ và làm việc với các nước nghèo nợ nần chồng chất (heavily indebted poor countries, HIPCs) để 2 năm sau đó hủy hay giảm nợ; (3) Hứa cấp tín dụng 10 tỷ đô la cho các nước phát triển để các nước này nhập cảng và xây dựng hạ tầng cơ sở (dĩ nhiên hàng hóa, máy móc, công trình chủ yếu do Hoa Lục cung cấp); (4) Tăng trợ giúp các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, cung cấp thuốc trị bệnh sốt rét và một số bệnh khác, giúp thiết lập các cơ sở y tế và huấn luyện nhân viên y tế; (5) Huấn luyện trong vòng 3 năm sắp tới 30.000 chuyên viên để đẩy mạnh việc tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên (phát triển cũng như để hoàn nợ cho Hoa Lục như đã đề cập).
Đường lối phát triển kinh tế của Hoa Lục cũng như những hình thức viện trợ kinh tế của Bắc Kinh đã khiến cho nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo chính trị, nhất là tại các nước đang phát triển suy nghĩ và tự hỏi có phải chăng những nguyên tắc chi phối “Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn” đã trở nên lỗi thời.
Năm 2004, The Foreign Policy Centre, một cơ quan nghiên cứu Anh quốc dưới sự bảo trợ của Thủ Tướng Tony Blair đã công bố tài liệu có tựa đề là Thỏa Hiệp Bắc Kinh (The Beijing Consensus) được soạn thảo bởi Joshua Cooper Ramo, một chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực kinh tế tài chánh quốc tế và cũng là giáo sư của Đại Học Tsinghua đã đề cập ở trên. Theo Ramo, “Đo lường sức mạnh của Hoa Lục dựa trên những nguyên tắc nhàm chán là Hoa Lục có bao nhiêu chiếc hàng không mẫu hạm hay dựa trên TSLQN từng đầu người sẽ đưa đến việc đo lường sai lạc thảm hại. Hoa Lục đang trên đường kiến tạo thành siêu cường không cân đối hài hòa vĩ đại nhất (the greatest a symmetric superpower) mà thế giới chưa từng thấy, một quốc gia ít dựa trên những công cụ truyền thống để dự phóng về sức mạnh hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử, và thay vào đó, lãnh đạo bằng sức mạnh đáng kinh ngạc qua tấm gương của mình và bằng ảnh hưởng thẳng thừng cục mịch qua bề thế.” (bluff impact of size).
Trái với Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn tự mãn với những nguyên tắc hướng dẫn cứng nhắc buộc các quốc gia đang phát triển cứ thế mà làm theo, nguyên tắc thứ nhất của Thỏa Hiệp Bắc Kinh đề cao giá trị của phương thức canh tân (the value of innovation), khuyến khích các quốc gia đang phát triển tìm tòi mọi cách để hạn chế những vấn đề có thể xảy ra mỗi khi đổi mới chủ trương.  Nguyên tắc thứ hai đề cao phẩm chất của đời sống (quality-of- life), không đo lường mức sống dân chúng bằng TSLQN từng đầu người, mà phải chú trọng trước nhất đến yếu tố bền vững (sustainability, tức phúc lợi mà thế hệ này được hưởng không làm phương hại đến phúc lợi của thế hệ sau) và sự công bằng; để đạt mục tiêu này, Hoa Lục nhấn mạnh phương thức quản lý hỗn loạn (chaos management) bởi vì xã hội Hoa Lục là một xã hội giao thời pha trộn hy vọng, háo hức, tham vọng, lo âu, sợ hãi. Nguyên tắc hướng dẫn thứ ba là lý thuyết về quyền tự quyết (theory of self-determination), chủ trương các quốc gia đang phát triển phải tự đẩy mình lên, đừng để các siêu cường đạp lên chân mình bằng các phương tiện chính trị và tài chánh. *(20)
Những nguyên tắc trên của Thỏa Hiệp Bắc Kinh vừa có khả năng vuốt ve tinh thần dân tộc của các nước đang phát triển và nhược tiểu, lại vừa thích hợp với não trạng (mindset) của các nhà lãnh đạo và quan chức cầm quyền vốn chuộng tập trung quyền lực ở các nước cộng sản và các nước thiếu dân chủ khác. Thêm vào đó, trong những quốc gia này, các giới trí thức, trung lưu và giàu có không muốn mất đi những đặc quyền vật chất lẫn tinh thần mà chế độ và thời thế ban phát cho bản thân và gia đình, họ sẵn sàng bỏ ngoài tai những tiếng kêu gào thê thảm của đồng bào bất hạnh; tệ hại hơn, họ còn đồng lõa với tội phạm. Tác hại xoáy ốc của Thỏa Hiệp Bắc Kinh là ở chỗ đó.
Hoa Lục từng là một nền kinh tế đang phát triển, nay trở thành một nền kinh tế đang lên với phương thức riêng của mình, cũng là một yếu tố thu hút khác. Trong đoản kỳ, phương thức vừa học + vừa làm + vừa truyền dạy, qua các hình thức viện trợ cho các nước khác có lợi cho cả đôi bên, ít nhất về phương diện lý thuyết. Nhưng trong trường kỳ,“kỹ thuật và quỷ thuật” của người cho bá quyền và “tinh thần sẵn sàng tiếp thu”của những kẻ nhận vọng ngoại sẽ đưa đến nhiều thiệt hại nặng nề và những cảm nhận cay đắng cho kẻ nhận.
Trước sự thu hút của Hoa Lục, Hoa Kỳ muốn bắt đầu điều chỉnh lại phương thức hợp tác với các nước phát triển. Trong chuyến công du sang Á Châu 10 ngày vừa qua chủ yếu thương lượng nhằm cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama thêm yếu tố “dân chủ” vào lập trường ngoại giao 3 điểm của Hoa Kỳ  do Ngoại Trưởng Hillary Clintton đưa ra, để nhắn khéo với Bắc Kinh. Tại Indonesia, ngày 14/11/10, ông tuyên bố: “Phát triển không thể tách rời khỏi vai trò dân chủ. Phồn vinh mà không có dân chủ thì chỉ là một hình thức nghèo đói khác mà thôi.” Ông giải thích: “Tự do báo chí và hệ thống tư pháp độc lập sẽ dẹp bỏ mọi lạm quyền và thặng quyền, và nhấn mạnh đến trách nhiệm. Một xã hội cởi mở và những công dân chủ động bác bỏ bất bình đẳng.” (The Washington Post, Thursday 11/11/10).
Khách quan mà nói, lập trường 4-D (Diplomacy + Development + Defense + Democracy) này không còn nặng ký nữa, nhất là đối với các nước nghèo châu Phi và châu Mỹ La Tinh, chỉ vì túi tiền của Hoa Thịnh Đốn nay đã nhẹ tênh, và ngọn cờ dân chủ do người tiền nhiệm của ông cắm ở Irak cũng không phất phới nổi. Thảm hại hơn, nó lại còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh 4-D mà giáo sư Aaron Beck cuả University of Pennsylvania School of Medicine mô tả người bị bệnh trầm cảm (depression): anh ta cảm thấy bị đánh bại (Defeated), kém cỏi (Defective), bị ruồng bỏ (Diserted) và bị tước đoạt (Deprived)! *(21)
Thật ra, nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay vẫn còn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Nó đã và đang là thị trường tiêu thụ rộng lớn nhất trên 40 năm nay, giúp cho nhiều nền kinh tế khác lớn mạnh nhanh, trong đó có Nhật, các nước kỹ nghệ hoá mới (newly industrialized countries, NICs như Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Thái Lan), và gần đây nhất là 4 nước BICS. Nếu có hồi phục sớm đi nữa — nhờ chính phủ giảm chi, nhờ dân chúng giảm tiêu thụ phần nào hàng nhập cảng, hay nhờ những phát minh về khoa học kỹ thuật như đã  từng xảy ra — thì nền kinh tế Hoa Kỳ cũng chỉ có thể tăng trưởng với suất số thấp, 2-3% mỗi năm trong nhiều năm sắp tới. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế với kích thước to lớn lại tăng trưởng nhanh; cho nên khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và nền kinh tế của các nước nói trên càng ngày càng gần lại, sẽ kéo theo sự thay đổi về mối tương quan lực lượng trên những lãnh vực khác, đặc biệt về chính trị và quân sự.
XXX
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra những nhận định sau đây. Trước hết, nền kinh tế Hoa Lục sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất là trong 3-4 kế hoạch ngũ niên sắp tới, nhưng với suất số thấp hơn. Kế đến, Bắc Kinh tuy rất tích cực trong việc tìm kiếm tài nguyên phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, nhưng nói chung, sẽ tuân theo các phương thức do các tổ chức kinh tế tài chánh quốc tế đề ra và sẽ tránh không cho xảy ra những xung đột lớn về chính trị và quân sự với các cường quốc kinh tế khác cũng như với các nước láng giềng và các nước đang phát triển mà Hoa Lục đang có giao thương, để tiếp tục hưởng những thành tựu phát triến kinh tế, như quá khứ đã cho thấy. Thêm vào đó, Bắc Kinh sẽ linh động cân bằng giữa những ước vọng đang lên của nhân dân, nhất là về phương diện thỏa mãn những nhu cầu vật chất càng ngày càng cao, và sử dụng có lợi cho chính trị lòng tự  ái và tinh thần dân tộc — dễ bị kích động bởi giới quân phiệt sẵn sàng muốn thử sức mạnh Hồng quân, và của những nhóm Chauvin nước lớn — của một dân tộc đã từng bị ngoại bang làm nhục. Sau cùng, Bắc Kinh sẽ phải dung hòa quyền bính của Đảng với ước mơ dân chủ do giới trí thức và quảng đại quần chúng đòi hỏi, bởi vì qua lịch sử cận đại Hoa Lục, giới trí thức và nhân dân Hoa Lục không phải là những người dễ bị sai khiến và đè nén. Trong bối cảnh mới (new paradigm), người ta có quyền hy vọng giới trí thức Bắc Kinh sẽ là những người đóng vai trò quan trọng nhằm phát triển trong hoà bình với bên ngoài, và hài hoà, bình đẳng bên trong Hoa Lục. Tuy nhiên, những tia hy vọng này có thể dễ bị phụt tắt nếu họ chỉ đi chệch bản chỉ đường của Đảng một tí. Bởi lẽ “những người quan sát” của nhà tù Panopticon (nhà tù kiểu mẫu do triết gia Jeremy Bentham vẽ năm 1791, nơi những tù nhân không thể biết là mình đang bị quan sát) khổng lồ Hoa Lục là những người có đầy kinh nghiệm và sẵn sàng dùng bàn tay sắt. Và họ lại rất nhiều (chỉ đảng viên đã lên đến 78 triệu, trong đó không duới 5% chỉ làm công tác Đảng), rình rập khắp mọi nơi, trong công vụ lẫn bên ngoài đời sống riêng tư. Đến nỗi một vị giáo sư của Đại Học Bắc Kinh đã than thở: “Đảng giống như là ông Trời, ông ấy hiện diện khắp nơi. Chỉ có điều là mình không nhìn thấy được ông ấy.” *(22)
Đối với một số vấn đề khác, như ô nhiễm môi sinh và cạn kiệt nguồn nước ảnh hưởng đến các nước láng giềng; cuộc tranh chấp các hải đảo, và rồi đây sẽ tới hải phận và đường qua lại của tàu biển vv., thì Hoa Lục đã, đang và sẽ tiếp tục xử sự như một bá quyền khu vực; không mấy người dân Hoa Lục — kể cả giới trí thức —cùng các nước bên kia trời châu Phi và châu Mỹ đứng ra bênh vực cho các nước lân bang bị ức hiếp. Bởi lẽ ý niệm về công bằng và công lý đều là những ý niệm được định nghĩa rất chủ quan và giới hạn tùy theo quyền lợi chính trị và kinh tế. Phải chăng kinh tế có thể toàn cầu hóa, còn chân lý thì không?
© Lê Văn Bỉnh
Virgina
Thanksgiving 2010
© Đàn Chim Việt
—————————————————————–
Ghi Chú Liên Quan Đến Kinh Tế Việt Nam
*(D) Trong Thông Cáo Chung ra ngày 25/10/2008 tại Bắc Kinh giữa 2 Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiaobao) và Nguyễn Tấn Dũng để áp đặt sự hợp tác toàn diện gồm ngoại giao, quốc phòng, an ninh, hợp tác khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch – lại ít đuợc bàn tới trong nước cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại – điểm thứ 7 cương quyết phủ nhận sự độc lập của Đài Loan, và Hà Nội hứa không liên lạc chính thức với hòn đảo này. Việc thiết lập đường dây điện thoại hotline giữa 2 lãnh đạo đuợc kín đáo lồng vào điểm thứ 9! Xin truy cập   http://www.chinaconsulatesf.org/eng/xw/t520438.htm để biết thêm chi tiết. Người viết vẫn tò mò muốn tìm hiểu về số phận của trên 300.000 người Việt gốc Hoa, trong đó có không ít người Việt chính gốc, mà chỉ 5 năm trước Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) còn liệt kê như là những người tị nạn chạy từ VN sang và còn được LHQ giúp đỡ. Lâu nay, không thấy Bắc Kinh và Hà Nội đề cập đến. Bao nhiêu người được cho vào quốc tịch ? Hay Hoa Lục vẫn còn tiếp tục giữ họ vừa để nhận trợ cấp của LHQ, vừa xem như những con tin để mặc cả với Hà Nội?
*(E) Ngoài ra, cũng theo Thông Cáo trên, giao thương giữa hai nước năm 2010 dự trù sẽ lên đến 25 tỷ đô la. Hà Nội vừa chính thức cho biết trong 6 tháng đầu năm 2010, giao thương giữa 2 nước đã lên 12, 8 tỷ đô la, tức tăng 50% so với cùng thời kỳ năm trước, nghĩa là chắc chắn sẽ đạt hay vượt chỉ tiêu. Và không cần số liệu chính thức, người ta cũng đoán được Hoa Lục xuất sang Việt Nam không dưới 70% con số dự trù đó, nghĩa là VN nhập siêu và mang nợ nần!
——————————————————————-
Ghi Chú Tài Liệu Tham Khảo
*(17) Manfred B. Steger & Ravi Roy, Neoliberalism: A Very Short
Introduction, Oxford University Press, 2010
*(18) Stephan Halper, The Beijing Consensus: How China’s Authoritarian
Model Will Dominate the Twenty- first Century, Basic Books, 2010
*(19) Deborah Brautugam, The Dragon’s Gift: The Real Story of China in
Africa, Oxford University Press, 2009 –Người viết chỉ thấy trong Thông
Cáo Chung nói trên, một Khu Hợp Tác toạ lạc ở Hải Phòng.
*(20) Joshua Cooper Ramo, The Beijing Consensus, The Forein Policy Centre,
2004
*(21) Roberta Roesch, The Encyclopedia to Depression, 2nd ed., Facts and File,
2001
*(22) Richard McGregor, The Party: The Secret World of China‘s Communist
Rulers, HarperCollins, 2010

Tổng số lượt xem trang