31-12 là ngày cuối cùng mà tổng thanh tra Chính phủ “gia hạn” cho sáu đơn vị:
Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, NN&PTNT và UBND TP Hà Nội gửi báo cáo xử lý sau thanh tra đối với những vụ việc đã được kết luận mà các đơn vị này “nợ” kết quả xử lý.Cụ thể, Bộ NN&PTNT phải báo cáo về xử lý sai phạm ở Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp; Bộ Giao thông vận tải phải báo cáo về xử lý sai phạm ở dự án cải tạo nâng cấp Cảng Hải Phòng; các bộ, đơn vị còn lại phải báo cáo về xử lý sai phạm tại Vinaconex… Đáng lưu ý ở chỗ, các kết luận của Thanh tra Chính phủ về những vụ việc này đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo xử lý nhưng đến nay đã quá trễ các đơn vị trên, với tư cách cơ quan chủ quản hoặc quản lý ngành, vẫn không báo cáo kết quả thực hiện. Vì lẽ đó, một lần nữa Thanh tra Chính phủ phải có văn bản nhắc lại trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Cũng cần nói thêm, đối với dư luận xã hội, các vụ việc trên chẳng còn xa lạ gì. Bởi ngay sau khi tổng thanh tra ký kết luận, các sai phạm đã được công khai. Theo Luật Thanh tra, khâu báo cáo Thủ tướng chỉ là một thủ tục hành chính chứ khi bản kết luận được ký, đóng dấu Thanh tra Chính phủ là đã mang hiệu lực pháp lý, bắt buộc các đối tượng liên quan thực hiện. Việc cấp trên có thêm ý kiến chỉ đạo cũng chỉ nhằm tăng cường hiệu lực xử lý sau thanh tra chứ không phải là “kết luận lại” vụ việc như một số người nhầm lẫn.
Lấy vụ việc ở Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp làm ví dụ. Ngày 1-9-2010, Thanh tra Chính phủ đã có bản kết luận (số 2613) tống đạt cho đương sự, đồng thời thông báo cho chủ quản là Bộ NN&PTNT; sau đó ngày 18-10-2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu Bộ NN&PTNT và các bên liên quan thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 11. Trước đó, bản thân Thanh tra Bộ cũng từng có kiến nghị đình chỉ công tác tổng giám đốc đơn vị này, song đến gần hết tháng 12 Bộ NN&PTNT vẫn… im lặng!
Phải thay mặt tổng thanh tra ký văn bản “nhắc” các đồng cấp của mình thực hiện phận sự, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản chẳng vui vẻ gì, bởi quan hệ công tác vẫn phải gặp gỡ nhau. Nhưng với kỷ cương một đất nước thì điều đó là bắt buộc, bởi khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” không phải chỉ dành cho người dân.
-Khởi tố bí thư thành ủy Vĩnh Yên (29/12/2010)Nguồn tin ban đầu cho biết, ông Quyền bị khởi tố vì hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng khi còn làm chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc có liên quan đến việc phê duyệt dự án “trang trại biến thành dự án bất động sản” ở phường Đồng Tâm. Trước đó, liên quan đến vụ án này, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, cho tại ngoại đối với ông Lại Hữu Lân, 61 tuổi, cựu bí thư thành ủy thành phố Vĩnh Yên và ông Nguyễn Xuân Liễn, 49 tuổi, phó chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, nguyên phó trưởng phòng công nghiệp - xây dựng của văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Hai người này cũng bị khởi tố về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có liên quan đến dự án trang trại trở thành dự án bất động sản ở phường Đồng Tâm.