Khi mới dừng, truy cập vào trang này thấy hiện dòng chữ thông báo bằng tiếng Anh: “Diễn đàn tạm thời không thể truy cập”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dòng chữ ấy cũng mất luôn mà thay vào đó là thông báo: “Không thể tìm thấy địa chỉ.” Như vậy, dù chưa có thông tin từ phía ngành giáo dục, người ta cũng có thể đoán được sự ra đi lặng lẽ chưa biết ngày trở lại của diễn đàn edu.net.vn.
Tạp chí Times đã bình chọn khoa học người Anh Tim Berner-Lee là một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ XX. Bởi vì chính ông là người đã góp phần “làm phẳng” thế giới khi phát triển mạng toàn cầu - một hệ thống tạo ra, sắp xếp và liên kết các tài liệu để có thể dễ dàng truy nhập qua internet.
Và ngày 6/8/1991 - ngày mà địa chỉ web đầu tiên đã được Berner-Lee tạo ra và đưa vào hoạt động - đánh dấu mốc quan trọng của quá trình “làm phẳng” thế giới.(*)
forum trên trang mạng edu.net.vn không thể truy cập |
Thật nhanh chóng, chỉ hơn 10 năm sau, ngành giáo dục Việt Nam cũng đã triển khai hệ thống trang mạng giáo dục edu.net.vn, trong đó có mục diễn đàn.
Tuy nhiên, như đã nói, mục này vừa ngưng hoạt động mà không có bất kỳ lý do nào từ phía nhà quản lý. Phải chăng sự việc này không có gì to tát so với hồi chuông cảnh tỉnh về đào tạo tại chức của Đà Nẵng? Dẫu vậy, cư dân mạng giáo dục vẫn cứ thấy hụt hẫng. Phần đông thành viên của diễn đàn trên edu.net.vn đều là giáo viên. Khi hỏi tại sao mất diễn đàn? Tất cả thành viên chỉ láng máng đoán rằng: Nhiều thông tin quá nhạy cảm, cách phổ biến thông tin chưa thực sự nhã nhặn, khiên tốn…
Tuy nhiên, mọi người ngầm ý hiểu đã có một số nội dung tiêu cực được đăng tải trên diễn đàn. Hình như các nhà quản lý không vừa lòng nên yêu cầu Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, ngưng hoạt động diễn đàn?
Với mạng thông tin toàn cầu, con người có thể tiếp cận gần như mọi thông tin qua mạng mà không cần lệ thuộc truyền thông truyền thống Nhà nước như trước. Hơn thế, mọi người còn tham gia phổ biến thông tin. Những thành viên của diễn đàn edu.net.vn như những đứa con mất “nhà”. Họ đang lang thang và dự định dựng một “ngôi nhà” mới cho mình.
Thành viên của diễn đàn hầu hết là những người mà công việc của họ ít nhiều liên quan đến giáo dục. Bởi thế tiếng nói của họ đáng để xem xét lắm chứ. Nếu Bộ GD&ĐT nhận thức sâu sắc hơn điều này thì chắc hẳn, sẽ thận trọng hơn khi quyết định “đóng cửa” diễn đàn.
Trong kỷ nguyên thông tin, thời đại của internet, việc che dấu, bưng bít thông tin là việc làm khó khăn. Ngay cả những thư tín ngoại giao thuộc hàng tối mật còn bị trang Wikileaks phá bung và tung lên mạng.
Một ví dụ cụ thể là Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 lần thứ 25, vừa lấy ý kiến, sắp sửa trình Chính phủ cũng vậy. Trên các trang dự thảo đều in đậm dòng chữ tài liệu lưu hành nội bộ - không phổ biến. Nhưng với các phương tiện hiện nay thì dòng chữ đó đâu có nghĩa lý gì. Hơn nữa, đã là dự thảo, tức là nên có ý kiến đóng góp của xã hội, vậy hà cớ gì lại “không phổ biến”?
Trang diễn đàn trên mạng edu.net.vn thời gian qua đã có những tác dụng tích cực trong việc minh bạch thông tin, là diễn đàn để mọi người chia sẻ, thảo luận những vấn đề nóng bỏng của giáo dục. Mặt tiêu cực như vi phạm quyền con người, kích động nhằm mục đích xấu, ở những mức độ khác nhau, không phải là không có. Song, những vấn đề này người quản lý mạng hoàn toàn có thể xử lý. Không quản lý được thì cấm không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Quyền tự do thông tin là một quyền cơ bản của con người đã được nhân loại thừa nhận. Thậm chí, có ý kiến khẳng định nó là quyền để thực hiện mọi quyền vì không có thông tin thì người dân không thể biết, không thể bàn, không thể làm và không thể kiểm tra bất cứ vấn đề gì; và tất cả các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân đều chỉ có thể đảm bảo thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền tự do thông tin(**).
Vì thế người ta hy vọng việc đóng cửa diễn đàn trang mạng giáo dục chỉ là tạm thời. Một ngày nào đó, diễn đàn sẽ quay trở lại. Điều đó là cần thiết và là cái tất yếu trong thế giới phẳng. Nếu làm tốt, diễn đàn này chỉ có lợi cho nền giáo dục nước nhà./.
(*)(**)PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Quyền tiếp cận thông tin - Điều kiện thực hiện các quyền con người và quyền công dân.
Ngô Thiệu Phong