“… khi bị phản đối nhiều quá chúa Nguyễn đã đổ ngay cho cung vua. Chúa nói: ‘Đây là chủ trương lớn của Đảng’, thế là mọi phản đối xẹp xuống …”
Đại hội Đảng lần thứ 11 đã được ấn định vào ngày 11/1/11. Hình như Đảng cũng mê tín hoặc là muốn lấy may nên chọn ngày khai mạc là một dãy số 1. Ngày này chắc chắn sẽ được ghi nhớ và đi vào lịch sử vì rất ‘dễ nhớ’. Tốt hay xấu, hung hay cát thì phải nhờ đến các nhà tử vi hay chiêm tinh học lý giải, chúng ta không có ‘chuyên môn’ nên đành nhìn nhận sự việc theo quan điểm ‘duy vật’ vậy.
Trước khi Hội nghị trung ương 14 kết thúc thì danh sách ‘bộ tứ’ đã được đưa tin rộng rãi trên truyền thông đại chúng. Ông Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, dự kiến sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang, 61 tuổi, sẽ là Chủ tịch nước, và ông Phạm Quang Nghị, 61 tuổi, sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, sẽ tiếp tục là Thủ tướng.
Danh sách này đã được rò rỉ sớm (do tờ Hồng Kỳ - Asahi Shimbun – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Nhật Bản) nhằm mục đích ‘chốt hạ’ các nhân vật lãnh đạo chóp bu của Đảng và tôi tin rằng danh sách này là chính xác chứ không phải nhằm mục đích "thăm dò" như một vài người nhận định. Như chúng ta đã biết, 15 vị Ủy viên Bộ Chính trị đều đã già nua và không có ai là vượt trội so với người khác nên rất khó chọn ‘bó đũa lấy cột cờ’, dư luận thì tha hồ đoán già đoán non và ngay cả trong nội bộ Đảng cũng phân vân không biết chọn ai vì vậy việt chốt danh sách là cần thiết để tạo sự đồng thuận trong nội bộ Đảng vì ngày Đại hội chỉ còn hai tuần nữa là khai mạc.
Điều bất hạnh cho người dân Việt Nam là họ không thể lựa chọn và biết rõ về người sẽ nắm giữ vận mệnh của dân tộc và đất nước, tất cả đều phải đoán mò vì mọi việc ‘sắp xếp nhân sự’ đều được bàn bạc, quyết định ở hậu trường và giữ bí mật đến phút cuối. Không hiểu câu ‘Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra’ là người Dân được biết cái gì và bàn cái gì đây? Nếu danh sách này không thay đổi vào phút cuối thì chúng ta sẽ thấy được gì? Hai chức vụ quan trọng nhất là Tổng Bí thư và Thủ tướng thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng nói lên điều gì?
Việc chọn ông Nguyễn Phú Trọng vào ghế Tổng Bí thư là một chọn lựa có tính toán vì hệ số an toàn của nó. Ông Trọng là người từng đứng đầu Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản do vậy ông sẽ làm an lòng người anh Phương Bắc và sẽ phất cao ngọn cờ “Kiên định tiến lên CNXH, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, kiên quyết duy trì chế độ "Đảng Chủ" mà Đảng đã tận lực bảo vệ từ hơn nửa thế kỷ, cho dù Đảng Chủ là hình thức tổ chức xã hội phản dân chủ chỉ còn tồn tại ở Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba và một số nước Châu Phi lạc hậu. Ông Nguyễn Văn An đã gọi tên một cách vô cùng chính xác bản chất của nhà nước Việt Nam : đó là chế độ "Đảng Chủ", nối tiếp xã hội ‘Quân chủ’ tức chế độ phong kiến trước đây, không phải là xã hội “Dân Chủ’ mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới chọn lựa.
Ông Nguyễn Phú Trọng được chọn làm vua trong chế độ Đảng Chủ vì trông ông cũng "lành", cổ lỗ sĩ và thiếu quyết đoán vì tư duy cũ kỹ. Mọi quyền hành và sức mạnh ở Việt Nam sẽ nằm trong tay Thủ tướng, tức ông Nguyễn Tấn Dũng. Bao nhiêu phong ba bão táp thời gian vừa đây đã không làm gì được ông Dũng và ông vẫn yên vị. Sau Đại hội XI này thì quyền lực của ông phải chăng sẽ là ‘vô biên’? Văn phòng chính phủ như thế sẽ trở thành “Phủ Chúa” do chúa Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo, còn Văn phòng trung ương Đảng sẽ là “Cung Vua” với tân vương Nguyễn Phú Trọng.
Chế độ ‘Quân Chủ’ thì Vua là thiên tử, là con trời nên quyền lực là tuyệt đối. Dưới chế độ ‘Dân Chủ’ thì người dân là trên hết, ý dân là ý trời, chính phủ chỉ là những người "làm công" – công bộc - cho dân. Dưới chế độ “Đảng Chủ’ thì Đảng sẽ là to nhất, bao trùm lên tất cả mọi thứ; Tổng Bí thư Đảng tất nhiên là vua, như trường hợp Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn. Việt Nam trước đây cũng vậy nhưng bây giờ đã có sự chuyển dịch quyền lực. Vua, tức chúa Đảng đã mất quyền lực, nay về tay Thủ tướng.
Một người đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển giao quyền lực từ ‘Cung Vua’ sang ‘Phủ Chúa’ : đó là người sắp trở thành cựu vương : Nông Đức Mạnh. Người con không được thừa nhận của Tiên Đế. Trong 8 năm ngồi ở ngôi cao, vua họ Nông đã không làm được bất cứ một việc gì để khẳng định giá trị của mình. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua cũng không thấy vua Nông có hành động nào, tất cả đều một tay chúa Nguyễn xoay xở. Bao nhiêu chỉ trích chúa Nguyễn đều phải giơ đầu chịu báng, nhưng vì vua bất lực, cho nên dù nhiều tai tiếng thì uy quyền của chúa Nguyễn vẫn khiến quần thần là những kẻ thực dụng phải quay sang cầu cạnh phủ chúa.
Nếu nhận định này là đúng thì cựu vương Nông Đức Mạnh đã đặt dấu chấm hết cho triều đại ‘Đảng Chủ’ mà "Tiên Đế" - phụ vương - đã dày công gây dựng. Việt nam sau Đại hội XI sẽ chuyển sang chế độ vừa có ‘Cung Vua’ vừa có ‘Phủ Chúa’. Khi đó Việt Nam sẽ như thế nào? Có lẽ lịch sử đang lặp lại, thời xưa ở Việt Nam đã từng tồn tại một chế độ vừa có vua, vừa có chúa, đó là thời "Vua Lê, Chúa Trịnh". Cung Vua sẽ mang tính hình thức, không có thực quyền, tất cả mọi quyết sách đều do Phủ Chúa ban ra nhưng dưới danh nghĩa nhà vua.
|
cạnh tranh giữa cung vua, phủ chúa |
Việt Nam phải duy trì chế độ Đảng Chủ bằng mọi giá vì nó mang lại tính "chính danh" cho chế độ. Nếu chúa phế bỏ vua (điều mà chúa hoàn toàn làm được) thì Việt Nam phải đi theo mô hình nào? Chế độ ‘Dân Chủ’ là điều mà chúa không muốn vì phải cạnh tranh, chế độ ‘Quân Chủ’ thì không thể quay lại vì chính Tiên Đế đã khai tử chế độ đó năm 1945. Cho nên muốn "ăn oản" thì không được "phá chùa" như lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm 500 năm về trước.
Duy trì tình trạng “Cung Vua, Phủ Chúa’ là có lợi cho chúa Nguyễn. Sau Đại hội này quyền lực sẽ về hết tay chúa và chúa tha hồ ban hành các quyết sách có lợi cho chúa và các cận thần của chúa. Nếu dự án nào bị dân chúng chỉ trích mạnh thì chúa sẽ đổ lỗi cho bên cung vua. Ví dụ vụ Bô-xít Tây Nguyên, khi bị phản đối nhiều quá chúa Nguyễn đã đổ ngay cho cung vua. Chúa nói : “Đây là chủ trương lớn của Đảng’, thế là mọi phản đối xẹp xuống. Vụ đường sắt cao tốc sẽ được tiếp tục và chúa cũng sẽ đổ tội cho bên cung vua. Trước đây, cung vua đã phản pháo bằng cách giật dây Quốc hội bỏ phiếu phản đối, nhưng vì vua đã thất thế nên việc tiếp tục phải "đổ vỏ” sau khi phủ chúa "ăn ốc" là chuyện sẽ còn diễn ra dài dài.
Trước Đại hội Đảng đã có ý kiến của các cựu đại thần là phải ‘luật hóa sự lãnh đạo của Đảng’, hay ‘nhất thể hóa hai chức danh Tổng bí thư với Chủ tịch nước, để tăng cường vị thế cho Tổng bí thư’… nhưng chắc chắn các đề nghị này sẽ không được đề cập đến trong kỳ Đại hội XI. Duy trì tình trạng mù mờ của Đảng với một ông vua hữu danh vô thực là có lợi cho chúa và các cận thần.
Tình trạng cạnh tranh giữa "cung vua phủ chúa" sẽ diễn ra gay gắt vì một bên "ăn ốc", một bên chuyên đi ‘đổ vỏ’, như vậy khó mà đồng thuận với nhau mãi được. Đồng thời việc chuyển dịch quyền lực từ cung vua sang phủ chúa đã khiến một số lớn các quan đại thần và các đảng viên trung thành với vua bị ra rìa. Những miếng bánh lớn không thể chia đều cho mọi người mà chỉ thuộc về một số nhỏ thân cận với phủ chúa. Các quyết sách của nhà nước cũng sẽ được soạn thảo bởi một nhóm đại thần của phủ chúa, các quan bên cung vua sẽ không được tham gia. Sự hụt hẫng và bất mãn của đám quan lại trung thành với cung vua sẽ tăng lên và người dân Việt Nam sẽ được chứng kiến những vụ "ăn miếng, trả miếng" ngày càng công khai giữa hai phe.
Ông Trương Tấn Sang, người khi trước được xem có thể cạnh tranh với chúa Nguyễn, sẽ chỉ ngồi vào ghế Chủ tịch nước, một chức danh mang tính nghi lễ, ngoại giao chứ không có thực quyền. Ông Sang lép vế với chúa vì ông không có hậu thuẫn mạnh của lực lượng kiêu binh, tức là công an và quân đội.
Ông Phạm Quang Nghị, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ là người thân cận với phủ chúa hơn là bên cung vua. Vụ đường sắt cao tốc đã bị quốc hội bác bỏ nên lần này chúa Nguyễn phải thận trọng để Quốc hội không đứng về phe cung vua. Có thể kỳ bầu cử Quốc hội tới đây những kẻ đứng về phía cung vua mà phản đối chúa sẽ phải ra đi.
Chức Bộ trưởng Công an của Lê Hồng Anh có thể giữ nguyên nhưng Tướng Phùng Quang Thanh sẽ phải về vườn để nhường ghế cho tay chân thân tín của chúa. Kẻ thay thế có thể là Nguyễn Chí Vịnh, người em cùng cha khác mẹ với chúa.
Ngoài ra sự tranh giành giữa cung vua và phủ chúa sẽ rất gay cấn vì có sự tham gia của một số trí thức lầm lạc, những mưu sĩ thiếu nhân cách nhưng thừa mưu mẹo. Tầng lớp trí thức thật sự, những ai muốn thay đổi hiện tại tồi tệ bằng một tương lai tốt đẹp phải nhanh chóng tách rời ra khỏi cung vua lẫn phủ chúa. Tầng lớp này phải tập hợp lại với nhau, thành lập một lực lượng độc lập, kiên quyết và dứt khoát đòi lại quyền làm chủ đất nước, quyền lãnh đạo nhân dân.
Bi kịch của Việt Nam suốt 65 năm qua là tầng lớp trí thức bị lãnh đạo bởi tầng lớp lưu manh, cơ hội. Khi nào đất nước được sự dẫn dắt của tầng lớp trí thức chân chính thì khi đó đất nước sẽ hồi sinh. Trí thức Việt Nam phải suy nghĩ và có những hành động dứt khoát để cứu nguy dân tộc. Thời cơ đang rất gần bởi chế độ "Đảng Chủ" đã thực sự cáo chung.
Nguyễn Văn
(Kosovo)
© Thông Luận2010
(Kosovo)