Mỹ và Trung Quốc đứng đâu trong thế kỷ 21?
Tương lai quyền lực Mỹ (Một cái nhìn toàn cảnh về sức mạnh khống chế và sự suy yếu của Hoa Kỳ)Joseph S. Nye Jr.
JOSEPH S. NYE, JR. là giáo sư đại học Harvard. Nhiều phần trong bài tiểu luận này được rút ra từ sách sắp xuất bản, Tương lai quyền lực (The Future of Power) do nhà xuất bản Public Affairs, năm 2011.
Thế kỷ 21 bắt đầu với sự phân bố không đồng đều các nguồn lực. Với năm phần trăm dân số thế giới, Hoa Kỳ tạo ra khoảng một phần tư sản lượng kinh tế thế giới, có ngân sách quốc phòng gần bằng một nửa chi phí quân sự toàn cầu, và nắm các nguồn quyền lực mềm về văn hóa và giáo dục rộng lớn nhất. Tất cả điều này vẫn còn đúng, nhưng tương lai quyền lực của Hoa Kỳ đang được tranh luận sôi nổi. Nhiều nhà quan sát thời cuộc lý giải rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đánh dấu bước khởi đầu cho sự xuống dốc của Hoa Kỳ. Hội đồng Tình báo Quốc gia [của chính phủ Hoa Kỳ] dự kiến rằng vào năm 2025, "Hoa Kỳ vẫn còn là siêu cường, nhưng sức mạnh khống chế của Hoa Kỳ sẽ suy giảm nhiều".
Quyền lực là khả năng đạt được những thành quả mong muốn, và các tài nguyên tạo ra quyền lực thay đổi trong những bối cảnh khác nhau. Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 lợi dụng quyền kiểm soát các thuộc địa và vàng nén, Hoà Lan trong thế kỷ 17 hưởng được lợi thế thương mại và tài chính, Pháp trong thế kỷ 18 nhờ vào dân số đông và các đội quân hùng mạnh, và Vương quốc Anh trong thế kỷ 19 xây dựng quyền lực từ ưu thế của mình trong cuộc Cách mạng công nghiệp và lực lượng hải quân. Thế kỷ này được đánh dấu bằng một cuộc cách mạng bùng phát trong công nghệ thông tin và toàn cầu hóa, và để hiểu rõ cuộc cách mạng này, ta cần phải tránh một số cạm bẫy lý luận.
Trước hết, ta phải cảnh giác những ẩn dụ lệch lạc về một cuộc thoái hóa hữu cơ (organic decline). Các quốc gia không giống như những con người, với tuổi thọ có thể tiên đoán được. Đế quốc La Mã vẫn còn giữ được ưu thế suốt hơn ba thế kỷ sau khi kinh qua đỉnh cao quyền lực, và kể cả lúc đó họ cũng không chịu khuất phục trước sự vươn dậy của một quốc gia khác. Dù có những tiên đoán thời thượng về khả năng Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil có thể vượt qua Hoa Kỳ trong thập niên tới, nhưng một mối đe dọa lớn hơn có thể đến từ bọn man rợ hiện đại (modern barbarians) và các tác nhân phi nhà nước. [vụ Wikileaks gần đây là một trường hợp điển hình, ND.] Trong một thế giới dựa trên sức mạnh thông tin, sự phân tán quyền lực (power diffusion) có thể đặt ra một nguy cơ lớn hơn sự chuyển dịch quyền lực (power transition). Cứ lẽ thường, quốc gia nào có đội quân mạnh nhất thì sẽ chiến thắng, nhưng trong thời đại thông tin, quốc gia nào (hoặc tác nhân phi nhà nước nào) có thông tin hấp dẫn nhất đôi khi lại chiến thắng.
Quyền lực ngày nay được phân bố theo một mô hình giống như một ván cờ diễn ra trên ba chiều phức tạp. Ở bàn cờ cao nhất, quyền lực quân sự chủ yếu là đơn cực (unipolar), và Hoa Kỳ có khả năng giữ được địa vị siêu cường quân sự trong một thời gian khá dài. Ở bàn cờ chính giữa, quyền lực kinh tế đã trở nên đa cực trong hơn một thập niên qua, với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc thủ các vai chính và các nước khác đang trở nên quan trọng hơn. Bàn cờ thấp nhất là lãnh vực của các quan hệ xuyên quốc gia. Nó bao gồm các tác nhân phi nhà nước đa dạng như các chủ ngân hàng chuyển ngân khoản bằng điện tử, bọn khủng bố buôn lậu vũ khí, bọn tin tặc đe dọa an ninh mạng và các thách thức như dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Trên bàn cờ thấp nhất này, quyền lực được phân tán rộng rãi và thật là vô nghĩa khi ta nói đến đơn cực, đa cực hay bá quyền.
Trong lãnh vực chính trị giữa các quốc gia, yếu tố quan trọng nhất sẽ là sự phục hồi địa của châu Á trên sân khấu thế giới. Năm 1750, châu Á đã chiếm hơn một nửa dân số thế giới và sản lượng kinh tế thế giới. Khoảng trước năm 1900, tiếp theo sau cuộc Cách mạng công nghiệp ở châu Âu và Hoa Kỳ, sản lượng kinh tế của châu Á giảm xuống còn một phần năm của thế giới. Đến năm 2050, châu Á sẽ vững bước trên con đường khôi phục lại sản lượng mà nó từng đạt được trong lịch sử. Sự vươn dậy của Trung Quốc và Ấn Độ có thể tạo ra bất ổn, nhưng đây là một vấn đề đã có tiền lệ, và lịch sử cho thấy các chính sách có thể ảnh hưởng tới thành quả.
Sự suy yếu của bá quyền?
Đem sức mạnh của Hoa Kỳ ra ví với sức mạnh của Vương quốc Anh một thế kỷ trước để rồi tiên đoán một sự suy tàn bá quyền tương tự là cách nói thời thượng hiện nay. Một số người Mỹ đang phản ứng đầy cảm tính trước ý niệm về một sự xuống dốc của đất nước mình. Nhưng nếu tin rằng Hoa Kỳ sẽ mãi mãi sở đắc vượt trỗi các nguồn lực, thì đó là một quan điểm vừa phi lý vừa phi lịch sử. Từ "suy yếu" (decline) làm lẫn lộn hai ý niệm khác nhau: suy yếu tuyệt đối, theo nghĩa tan rã (decay), và suy yếu tương đối, theo nghĩa là các tài nguyên tạo ra quyền lực của các nước khác tăng lên hoặc được sử dụng hiệu quả hơn.
Đem so sự suy yếu của Hoa Kỳ với sự xuống dốc của Anh là sai lầm. Vương quốc Anh đã là một siêu cường hải quân và là một đế quốc trên đó mặt trời không bao giờ lặn, nhưng trong khoảng Thế chiến thứ nhất, nước này chỉ đứng thứ tư trong các đại cường về quân số, đứng thứ tư về GDP, và thứ ba về chi tiêu quốc phòng. Với sự vùng lên của chủ nghĩa dân tộc, việc bảo vệ một đế quốc rộng lớn đã trở thành một gánh nặng hơn là một sản nghiệp. Dù người ta có nói về một đế quốc Mỹ chăng nữa, Hoa Kỳ vẫn có nhiều tự do hành động hơn Vương quốc Anh trước đây. Và trong khi Anh phải đối phó với các nước láng giềng đang trổi dậy, đó là Đức và Nga, thì Hoa Kỳ có lợi thế được hai đại dương bao bọc và những nước láng giềng yếu kém hơn.
Dù có những khác biệt như vậy, người Mỹ vẫn trải qua những chu kỳ trong đó họ đã tin rằng sự xuống dốc của Hoa Kỳ đã gần kề. Những vị cha già lập quốc (the Founding Fathers) đã từng lo lắng vì những đặc tính tương đồng với cộng hòa La Mã. Một thế kỷ rưỡi về trước, Charles Dickens đã nhận xét: “Nếu lời của từng cá nhân người Mỹ đáng để cho ta tin, thì Hoa Kỳ luôn luôn bị trầm cảm, luôn luôn bế tắc, luôn luôn ở trong một cuộc khủng hoảng đáng báo động, và chẳng bao giờ khác hơn”. Trong nửa thế kỷ qua, có thêm nhiều người Mỹ đã tin vào sự xuống dốc của Hoa Kỳ sau khi Liên Xô phóng tàu vũ trụ Sputnik năm 1957, sau những điều chỉnh chính sách kinh tế của tổng thống Richard Nixon và các cú sốc dầu lửa trong thập niên 70 của thế kỷ trước, và sau loạt đóng cửa nhiều công nghiệp ở vùng đông và đông bắc Hoa Kỳ (the rust belt) và tình trạng thâm thủng ngân sách dưới thời Reagan. Nhưng 10 năm sau đó, người Mỹ lại tin rằng nước Mỹ là siêu cường duy nhất, và bây giờ các cuộc thăm dò lại cho biết nhiều người Mỹ nghĩ rằng Hoa Kỳ đang suy yếu trở lại.
Giới học giả than phiền việc chính quyền Washington không kiểm soát được những quốc gia như Afghanistan hay Iran. Nhưng họ đã để ánh hào quang của dĩ vãng chi phối sự đánh giá tình hình hiện nay. Sức mạnh của Hoa Kỳ không còn như trước, nhưng thực sự sức mạnh đó chẳng bao giờ vĩ đại như người ta tưởng. Sau Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ có vũ khí hạt nhân và một ưu thế khống chế bằng sức mạnh kinh tế nhưng lại không thể ngăn cản được “sự mất” nước Trung Hoa vào tay cộng sản, không thể đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, không thể vượt qua bế tắc trong chiến tranh Triều Tiên, không thể ngăn chặn “sự mất” Miền Bắc Việt Nam, hay lật đổ chế độ Castro ở Cuba. Quyền lực được đo bằng tài nguyên hiếm khi tương đồng với quyền lực được đo bằng những thành quả mong muốn, và các chu kỳ của niềm tin tưởng cho rằng một quốc gia đang xuống dốc nói lên một sự kiện tâm lý hơn là các biến đổi thực sự trong các nguồn tài nguyên tạo ra quyền lực. Đáng tiếc là, những tin tưởng lệch lạc về sự xuống dốc này – cả trong nước và ngoài nước – có thể dẫn tới những sai lầm nguy hiểm trong chính sách.
Trung Quốc đang trổi dậy
Hơn một thập niên nay, nhiều người đã coi Trung Quốc là địch thủ có khả năng nhất để quân bình lực lượng với Hoa Kỳ hay vượt qua Hoa Kỳ. Một số người đã rút ra những tương đồng với sự thách thức mà đế chế Đức đã đặt ra cho Vương quốc Anh vào đầu thế kỷ trước. Một cuốn sách mới xuất bản (của Martin Jacques) thậm chí lấy tựa đề Khi Trung Quốc cai trị thế giới: Sự kết thúc của thế giới phương Tây và sự ra đời của một trật tự toàn cầu mới. Goldman Sachs đã tiên đoán rằng toàn bộ kinh tế Trung Quốc sẽ vượt trổi hơn toàn bộ kinh tế Hoa Kỳ vào năm 2027.
Tuy nhiên, còn lâu Trung Quốc mới có được các nguồn lực ngang hàng với Hoa Kỳ, và Trung Quốc vẫn còn đối diện với nhiều chướng ngại trên con đường phát triển. Cho dù toàn bộ GDP của Trung Quốc có vượt qua GDP của Hoa Kỳ vào năm 2030 chăng nữa, thì hai nền kinh tế, mặc dù tương đương về tầm cỡ, cũng không hề tương đương về cấu trúc. Trung Quốc vẫn còn một vùng nông thôn rộng lớn kém phát triển và còn phải bắt đầu đối diện với các vấn đề dân số do hậu quả đến chậm của chính sách một con. Chỉ có lợi tức đầu người (per capita income) mới cung cấp được một thước đo về sự tinh vi của một nền kinh tế. Cứ giả định mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6 phần trăm và của Hoa Kỳ là 2 phần trăm sau năm 2030, thì mãi đến khoảng giữa thế kỷ này Trung Quốc mới ngang hàng với Hoa Kỳ về lợi tức đầu người. Nói thế khác, mức tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng và sự gia tăng dân số của Trung Quốc có khả năng giúp kinh tế Trung Quốc qua mặt kinh tế Hoa Kỳ về tổng sản lượng trong vài thập niên tới, nhưng điều này không đồng nghĩa với một sự bình đẳng.
Ngoài ra, những đự doán về một sự tăng trưởng đều đặn là có thể sai lầm, vì tốc độ tăng trưởng thường chậm lại khi một nền kinh tế đạt được mức phát triển cao hơn. Hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc đã chứng tỏ một khả năng ấn tượng trong việc sử dụng quyền lực quốc gia, nhưng liệu chính phủ có duy trì được khả năng này trong trường kỳ hay không thì vẫn còn là một điều bí ẩn đối với thế giới bên ngoài và với cả giới lãnh đạo Trung Quốc. Khác hẳn với Ấn Độ, một quốc gia được khai sinh với một bản hiến pháp dân chủ, Trung Quốc vẫn chưa tìm ra đường lối để giải quyết vần đề liên quan đến những đòi hỏi tham gia chính chị của người dân (nếu không muốn nói đến vấn đề dân chủ), những đòi hỏi này thường đi theo với lợi tức đầu người đang gia tăng. Liệu Trung Quốc có thể phát triển được một công thức để quản lý giai cấp trung lưu thành thị đang trở nên đông đảo, tình trạng bất quân bình giữa các vùng, nạn nghèo đói ở nông thôn, và sự bất mãn của các dân tộc ít người là một vấn đề cần phải chờ xem.
Một số người tranh luận rằng Trung Quốc quyết thách thức địa vị của Hoa Kỳ ở châu Á và, sau cùng, ở khắp thế giới. Cho dù đây là một đánh giá chính xác về các ý định của Trung Quốc đi nữa (và với sự kiện người Trung Quốc không biết được quan điểm của các thế hệ tương lai), thì vẫn không mấy ai tin được được rằng Trung Quốc có đủ khả năng quân sự để thực hiện ý định này trong một tương lai gần. Hơn nữa, lãnh đạo Trung Quốc còn phải đương đầu với phản ứng của những nước khác và với những hạn chế được đặt ra do nhu cầu của Trung Quốc cần phải tìm thị trường và nguồn lực ở nước ngoài. Một lập trường quân sự quá hung hăng của Trung Quốc có thể dẫn đến một liên minh gồm các nước láng giềng chống lại Trung Quốc, một liên minh có thể làm suy yếu cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của quyền lực Trung Quốc tại châu Á bị cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản (cũng như nhiều quốc gia khác) phản ứng lại, và bản thân việc này đã tạo cho Hoa Kỳ một lợi thế quyền lực quan trọng ở trong vùng. Liên minh Mỹ-Nhật và sự cải thiện quan hệ Mỹ-Ấn có nghĩa là Trung Quốc không thể trục xuất người Mỹ ra khỏi châu Á dễ dàng. Từ thế mạnh đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, cùng nhiều quốc gia khác, có thể đối thoại với Trung Quốc và đưa ra những quyền lợi nhằm khuyến khích Trung Quốc đóng một vai trò có trách nhiệm, đồng thời đề phòng khả năng Trung Quốc trở nên hung hăng khi thấy quyền lực của mình đủ mạnh.
Sự mục rã từ bên trong?
Một số người cho rằng Hoa Kỳ bị suy yếu vì “bành trướng đế quốc quá rộng”, nhưng cho đến nay, các sự thật diễn ra không chứng minh được lý thuyết này. Trái lại, trong nhiều thập niên qua, các chi phí quốc phòng và ngoại giao đã giảm bớt nếu xét như một tỉ lệ [phần trăm] của GDP. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể suy yếu không phải vì bành trướng đế quốc quá rộng lớn, nhưng vì những bất cập nội bộ. Đế quốc La Mã bị mục nát từ bên trong, và một số nhà quan sát, vì nhận thấy tình trạng tồi tệ trong chính trị nội bội của Hoa Kỳ hiện nay, đã tiên đoán rằng Hoa Kỳ có thể mất khả năng ảnh hưởng lên các biến cố thế giới chỉ vì những tranh chấp về văn hóa, vì sự sụp đổ của các định chế chính trị và nạn đình đốn kinh tế. Người ta không thể loại trừ khả năng này, nhưng các chiều hướng của tình hình hiện nay không diễn ra rõ nét như tâm trạng u buồn của người dân cho thấy. Mặc dù Hoa Kỳ có nhiều vấn đề xã hội – và luôn luôn có vấn đề xã hội – nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy chúng luôn luôn trở nên tồi tệ theo một trình tự đường thẳng. Thậm chí một số vấn đề còn được cải thiện, như các tỉ lệ tội phạm, ly dị và thanh thiếu niên mang thai. Mặc dù có những tranh chấp văn hóa về các vấn đề như hôn nhân đồng giới tính và phá thai, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy, nói chung, xã hội đang trở nên bao dung hơn. Xã hội dân sự sinh hoạt mạnh mẽ, và số người đi nhà thờ vẫn đông đảo, đến những 42 phần trăm. Những trận chiến văn hoá trong lịch sử Hoa Kỳ về các vấn đề như di dân, chế độ nô lệ, thuyết tiến hoá, cấm rượu, chủ nghĩa chống cộng cực đoan (McCarthyism), và các vấn đề dân quyền còn nghiêm trọng hơn các vấn đề hiện nay rất nhiều.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện nếu quốc gia này bắt đầu có thái độ hướng nội và nghiêm khắc hạn chế số người nhập cư. Với mức độ di dân hiện nay, Hoa Kỳ là một trong vài quốc gia phát triển có thể tránh được nạn suy thoái dân số và duy trì được tỉ lệ so với dân số thế giới, nhưng điều này có thể thay đổi nếu thái độ bài ngoại hay những phản ứng chống lại chủ nghĩa khủng bố đưa đến việc đóng cửa biên giới. Tỉ lệ dân số sinh ở nước ngoài tại Hoa Kỳ đạt đỉnh cao của thế kỷ 20, vào năm 1910, là 14,7 phần trăm. Ngày nay, 11,7 phần trăm dân số Hoa Kỳ được sinh ra ở nước ngoài. Nhưng điều đáng nói là, vào năm 2009 có đến 50 phần trăm dân Mỹ ủng hộ việc cắt giảm số người nhập cư, nhảy lên từ con số 39 phần trăm năm 2008.
Mặc dầu một tốc độ nhập cư quá ào ạt có thể tạo ra nhiều vấn đề xã hội, nhưng qua trường kỳ, việc nhận người nhập cư lại tăng thêm quyền lực của Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ là nước có dân số lớn thứ ba thế giới; 50 năm sau, rất có thể dân số Hoa Kỳ vẫn đứng thứ ba (sau Ấn Độ và Trung Quốc). Không những điều này liên quan tới sức mạnh kinh tế, nhưng trong bối cảnh hầu hết các quốc gia phát triển đều có dân số đang già nua và sẽ đối phó gánh nặng cấp dưỡng cho thế hệ già, thì việc thu nhận thêm người nhập cư lại có thể giảm bớt những gai góc trong vấn đề chính sách liên hệ. Ngoài ra, người ta thấy có một tương quan mật thiết giữ con số thị thực nhập cảnh H-1B [dành cho chuyên viên nước ngoài, ND] và số bằng sáng chế được đăng ký tại Hoa Kỳ. Năm 1998, các kỹ sư gốc Trung Hoa và Ấn Độ điều hành một phần tư số doanh nghiệp công nghệ cao tại Silicon Valley (Thung lũng điện tử), và năm 2005, tư liệu cho thấy một phần tư số hãng công nghệ mới khai trương tại Hoa Kỳ trong thập niên qua là do sự đóng góp của người di dân.
Những lợi điểm của chính sách nhập cư cũng quan trọng không kém đối với việc xây dựng quyền lực mềm của Hoa Kỳ. Được thu hút vì nhìn thấy sự thăng tiến xã hội của những người nhập cư tại Mỹ, nhiều người khác cũng muốn đến sinh sống tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một tảng nam châm, và nhiều người có dự định trở thành công dân Mỹ. Nhiều người Mỹ thành công cũng có diện mạo giống như người của các nước khác. Thay vì làm suy giảm quyền lực cứng và quyền lực mềm, chính sách nhập cư tại Hoa Kỳ đã tăng cường cả hai. Khi Lý Quang Diệu của Singapore kết luận rằng Trung Quốc không thể vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc lãnh đạo thế kỷ 21, ông ta đã dẫn chứng khả năng của Hoa Kỳ trong việc thu hút những người giỏi nhất và thông minh nhất từ những nơi khác trên thế giới và giúp họ hội nhập vào một nền văn hóa đa dạng đầy tính sáng tạo. Trung Quốc có một dân số lớn hơn, nhờ đó có thể tuyển mộ nhân tài từ trong nước, nhưng theo ông Lý Quang Diệu, cái văn hóa lấy Trung Quốc làm rốn của vũ trụ này sẽ làm cho Trung Quốc kém sáng tạo hơn Hoa Kỳ, một quốc gia thu hút nhân tài từ mọi nơi trên thế giới.
Mặt khác, một sự tê liệt trong sinh hoạt kinh tế Hoa Kỳ sẽ chấm dứt luôn sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Nên nhớ rằng những dự báo kinh tế vĩ mô (cũng như dự báo thời tiết) là không đáng tin cậy, theo đó tiến độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong thập niên tiếp theo sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 có vẻ là chậm chạp hơn. Quĩ tiền tế quốc tế (IMF) dự kiến Hoa Kỳ có mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 2 phần trăm vào năm 2014. Mức tăng trưởng này là thấp hơn tỉ lệ tăng trưởng trung bình trong nhiều thập niên qua nhưng suýt soát với tỉ lệ tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua.
Trong thập niên 1980, nhiều nhà quan sát cho rằng kinh tế Hoa Kỳ đã hết năng lực và rằng Đức và Nhật Bản đang vượt qua Hoa Kỳ. Vào lúc đó, nước Mỹ có vẻ như đã mất lợi thế cạnh tranh. Ngày nay, Diễn đàn kinh tế thế giới (the World Economic Forum) đã xếp Hoa Kỳ đứng hạng tư (sau Thụy Sĩ, Thụy Điển, và Singapore) về khả năng cạnh tranh toàn cầu. (Trung Quốc, trong bản so sánh, được xếp hạng 27). Hoa Kỳ dẫn đầu nhiều khu vực phát triển mới mẻ, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và công nghệ nano (nanotechnology). Và cho dù những người lạc quan thường viện dẫn ưu thế của Hoa Kỳ trong việc sản xuất và sử dụng công nghệ thông tin, nhưng ngành này không phải là khu vực duy nhất tạo ra năng suất của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã có những sáng kiến nông nghiệp rất ý nghĩa, và thái độ cởi mở của Hoa Kỳ đối với tiến trình toàn cầu hóa, nếu tiến trình này còn tiếp tục, cũng sẽ đẩy mạnh năng suất cao hơn nữa. Các chuyên gia kinh tế tiên đoán rằng mức độ gia tăng năng suất của Hoa Kỳ sẽ nằm trong khoảng 1,5 đến 2,25 phần trăm trong thập niên tới.
Xét về nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, Hoa Kỳ là nước đứng đầu thế giới năm 2007, với ngân khoản 369 tỉ đôla, tiếp đến là toàn bộ châu Á (338 tỉ đôla) và Liên minh châu Âu (263 tỉ đôla). Hoa Kỳ chi tiêu 2,7 phần trăm GDP vào nghiên cứu và phát triển, gần gấp đôi tỉ lệ phần trăm GDP mà Trung Quốc đã chi tiêu (nhưng hơi ở dưới tỉ lệ 3 phần trăm GDP của Nhật Bản và Nam Hàn). Năm 2007, giới đầu tư Mỹ đăng ký khoảng 80.000 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, tức nhiều hơn tổng số của phần thế giới còn lại. Một số tin tức bày tỏ mối lo ngại về những những vấn đề như thuế suất đánh vào các công ty quá cao, nạn thất thoát vốn nhân lực, và số bằng sáng chế ở nước ngoài đang tăng lên, nhưng các hãng quản lý vốn kinh doanh (venture capital firms) đầu tư 70 phần trăm tiền của mình vào các công ty mới thành lập trong nước. Một nghiên cứu của Tổ chức theo dõi doanh nhân toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor) đã xếp Hoa Kỳ đứng trước các nước khác về cơ hội phát triển doanh nghiệp bởi vì Hoa Kỳ có một văn hoá doanh nghiệp thuận lợi, có công nghiệp vốn kinh doanh (venture capital industry) trưởng thành, quan hệ thiết thân giữa đại học và công nghiệp, và một chính sách nhập cư cởi mở.
Những quan ngại khác về tương lai kinh tế Hoa Kỳ tập trung vào nạn thâm thủng tài khoản hiện nay (mức thâm thủng hiện nay cho thấy dân Mỹ ngày càng thiếu nợ người nước ngoài) và nợ chính phủ đang gia tăng. Theo lời của sử gia Niall Ferguson: “Đây là cách các đế quốc trở nên suy yếu. Nó bắt đầu bằng sự bùng nổ nợ nần”. Không những gói cứu nguy ngân hàng và kích cầu kinh tế gần đây làm tăng thêm quốc trái của Hoa Kỳ, mà những chi phí ngày càng lên cao về y tế và các chương trình lợi ích công dân như An sinh xã hội, cùng với chi phí ngày càng lên cao của việc vay mượn và trả tiền lời, sẽ lấy mất những ngân khoản lớn trong lợi tức quốc gia tương lai. Những nhà quan sát khác thì ít báo động hơn. Họ cho rằng trường hợp Hoa Kỳ không giống như trường hợp Hy Lạp.
Phòng ngân sách quốc hội Hoa Kỳ tính rằng toàn bộ nợ chính phủ sẽ lên đến100 phần trăm GDP khoảng năm 2023. Cứ lẽ thường, nhiều nhà kinh tế bắt đầu lo lắng khi những mức nợ tại các nước giàu vượt quá 90 phần trăm GDP. Nhưng như tờ The Economist vạch ra vào tháng Sáu vừa qua, “Hoa Kỳ có hai lợi thế rất to lớn so với các nước khác, những lợi thế đã cho phép quốc gia này đối diện nợ nần tương đối bình thản: vừa sở hữu trữ kim thế giới [tức đồng đôla] vừa sở hữu thị trường tài sản có khả năng thanh toán nhất, dưới dạng thức trái phiếu của Bộ tài chính”. Và trái với những lo lắng về sự mất lòng tin vào đồng đôla, ngay trong cuộc khủng hoảng tài chính, giá trị đồng đôla lại lên cao và tiền lời của trái phiếu lại xuống thấp. Một cuộc khủng hoảng lòng tin đột xuất vẫn ít có vấn đề hơn sự kiện là một sự tăng dần trong các chi phí vay nợ có thể ảnh hưởng lên sự ổn định kinh tế lâu dài.
Chính trong ý nghĩa này, vấn đề nợ nần trở thành quan trọng, và các nghiên cứu cho thấy rằng lãi suất tăng 0,03 phần trăm cho mỗi gia tăng 1 phần trăm của tỉ số nợ-trên-GDP (debt-to-GDP ratio) qua trường kỳ. Lãi suất gia tăng có nghĩa là việc đầu tư trong khu vực tư doanh giảm thiểu và mức tăng trưởng kinh tế trở nên chậm hơn. Những hậu quả này có thể được cải thiện nhờ những chính sách đúng đắn nhưng cũng có thể trở thành xấu hơn do những chính sách tồi dở. Nợ gia tăng không nhất thiết dẫn đến sự suy yếu của Hoa Kỳ, nhưng chắc chắn nó sẽ nâng cao mức rủi ro trong trường kỳ.
Một lực lượng lao động có trình độ học vấn là một chìa khóa khác đưa đến thành công kinh tế trong thời đại thông tin. Thoạt nhìn, Hoa Kỳ có vẻ thành công trong lãnh vực này. Hoa Kỳ chi phí cho giáo dục đại học một tỉ lệ GDP gấp đôi tỉ lệ GDP mà Pháp, Đức, Nhật Bản, và Vương quốc Anh đã dành cho giáo dục đại học của họ. Bản liệt kê gồm 10 đại học đứng đầu thế giới năm 2009 của tạp chí Times Higher Education, xuất bản tại Luân Đôn, có đến 6 đại học Hoa Kỳ; và một nghiên cứu của đại học Shanghai Jiao Tong đã liệt kê 17 đại học Hoa Kỳ – không có đại học nào của Trung Quốc – vào danh sách 20 đại học hàng đầu thế giới. Người Mỹ được trao nhiều giải Nobel hơn và xuất bản nhiều bài nghiên cứu khoa học trong các tạp chí được chuyên gia cùng trình độ đánh giá (peer-reviewed journals) hơn công dân của bất cứ nước nào khác – và nhiều gấp ba lần người Trung Quốc. Những thành tựu này gia tăng cả quyền lực kinh tế lẫn quyền lực mềm của Hoa Kỳ.
Giáo dục Mỹ trong khả năng tốt nhất – được biểu hiện ở nhiều trường đại học và một số ít trường ưu tú trong hệ thống giáo dục trung học – hội đủ hoặc đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu. Nhưng giáo dục Mỹ trong khả năng xấu nhất – được biểu hiện ở quá nhiều trường tiểu học và trung học, đặc biệt trong các khu nghèo – lại tụt hậu nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là phẩm chất của lực lượng lao động sẽ không đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao được áp dụng trong một nền kinh tế được lèo lái bằng công nghệ thông tin. Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy học sinh Mỹ ngày nay kém hơn ngày trước, nhưng ưu thế giáo dục của Hoa Kỳ đang bị xói mòn chỉ vì các quốc gia khác đang tiến bộ hơn bao giờ cả. Cải thiện hệ thống giáo dục quốc gia từ trường mầm non đến hết lớp 12 sẽ là một nỗ lực rất cần thiết nếu Hoa Kỳ muốn đáp ứng những tiêu chuẩn cần đến trong một nên kinh tế đặt cơ sở trên công nghệ thông tin.
Chính trị và các định chế chính trị
Bất chấp những vấn đề và những khả năng bấp bênh này, một điều gần như chắc chắn là, nếu có được những chính sách đúng đắn, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp tục tạo ra quyền lực cứng cho quốc gia. Nhưng các định chế chính trị của Hoa Kỳ thì sao? Nhà báo James Fallows, qua nhiều năm sống ở Trung Quốc, khi về lại quê hương đã lo lắng về khả năng kinh tế của Hoa Kỳ thì ít, mà lo về bế tắc trong hệ thống chính trị thì nhiều. Theo quan điểm của ông: “Hoa Kỳ vẫn có đủ phương tiện để sửa đổi gần như bất cứ yếu kém nào trong cơ cấu…Đấy mới là bi kịch của Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 21: một mặt, Hoa Kỳ có một nền văn hóa sinh động, luôn luôn tự đổi mới, có sức hấp dẫn tài năng của thế giới; nhưng mặt khác là một hệ thống cai trị ngày càng trông giống như một trò đùa”. Mặc dù bế tắc chính trị trong một giai đoạn suy thoái kinh tế trông có vẻ tồi tệ, nhưng khó mà quả quyết tình hình ngày nay có tồi tệ hơn trong quá khứ hay không.
Chuyển đổi quyền lực – từ nguồn lực ra thành quả mong muốn – là một vấn đề lâu đời của nước Mỹ. Hiến pháp Hoa Kỳ dựa trên quan niệm tự do của thế kỷ 18, một quan niệm cho rằng quyền lực được kiểm soát hữu hiệu nhất bằng cách chia ra nhiều bộ phận khác nhau (phân quyền) và những bộ phận này kiểm soát và quân bình lẫn nhau. Trong chính sách đối ngoại, Hiến pháp luôn luôn khuyến khích Tổng thống và Quốc hội tranh nhau quyền kiểm soát. Các nhóm áp lực kinh tế và chủng tộc có thế lực thì tranh nhau để định nghĩa lợi ích quốc gia sao cho phù hợp với quyền lợi của nhóm mình, còn Quốc hội thì được thiết kế để chú ý đến nhóm nào đòi quyền lợi to tiếng nhất.
Một lý do khác để phải lo ngại là sự suy giảm lòng tin của dân chúng đối với các định chế chính phủ. Năm 2010, một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew tổ chức đã cho thấy rằng có đến 61 phần trăm người được phỏng vấn đã trả lời rằng Hoa Kỳ đang suy yếu, và chỉ 19 phần trăm tin tưởng chính phủ làm điều hợp lý trong hầu hết mọi trường hợp. Năm 1964, trái lại, có đến ba phần tư công chúng Hoa Kỳ nói rằng họ tin tưởng chính phủ liên bang làm điều phải trong hầu hết mọi trường hợp. Những con số này đã thay đổi phần nào qua thời gian, gia tăng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để rồi dần dần suy giảm trở lại.
Nước Mỹ được thành lập một phần nào dựa vào thái độ ngờ vực đối với chính phủ, và hiến pháp được thiết kế nhằm chống lại việc tập trung quyền hành. Hơn nữa, khi được hỏi, không phải về hoạt động thường ngày của chính phủ nhưng về sườn cốt cơ bản của hiến pháp, người Mỹ có thái độ rất lạc quan. Khi được hỏi nơi nào là nơi tốt đẹp nhất để sống, tuyệt đại đa số trả lời đó là Hoa Kỳ. Nếu được hỏi họ có thích hệ thống chính phủ dân chủ của họ hay không, gần như mọi người đều trả lời có. Ít ai thấy hệ thống chính trị này là mục nát, cần phải lật đổ.
Vài khí cạnh trong tâm lý dân chúng hiện nay có lẽ tiêu biểu cho sự bất mãn của họ đối với tình trạng đôi co và bế tắc trong tiến trình chính trị. So với quá khứ gần đây, chính trị đảng phái đã trở nên phân cực hơn trước, nhưng những thô bỉ của chính trị thì thì thời nào cũng có – như [những vị cha già lập quốc] John Adams, Alexander Hamilton, và Thomas Jefferson có thể chứng minh. Một phần khó khăn cho việc đánh giá không khí chính trị hiện nay là, sự tin tưởng đặt vào chính phủ đã tăng cao một cách bất thường ở thế hệ của những người từng sống qua cuộc Đại khủng hoảng kinh tế và từng giành được chiến thắng trong cuộc Đại chiến thứ hai. Nếu nhìn qua phối cảnh lâu dài của lịch sử Hoa Kỳ, thì thế hệ đó có lẽ là một hiện tượng bất thường (anomaly). Phần lớn bằng chứng nói lên sự mất tin tưởng ở chính phủ phát xuất từ phưong pháp thăm dò ý kiến hiện đại, trong đó những câu trả lời lại rất tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi. Sự suy giảm lòng tin của người dân đối với chính phủ xuống mức thấp nhất dưới hai chính quyền Johnson và Nixon, cách nay đã bốn thập niên.
Điều này không có nghĩa là chúng ta không có vấn đề trong việc mất lòng tin ở chính phủ. Nếu dân chúng không còn muốn đóng thuế hay tuân theo pháp luật, hay nếu những thanh niên ưu tú không chịu tham gia phục vụ công ích hay công quyền thì khả năng của chính phủ sẽ bị suy yếu rất nhiều, và khi đó dân chúng lại càng bất mãn với chính phủ. Hơn nữa, một không khí nghi kỵ chính quyền có thể nảy sinh những hành động cực đoan do những phần tử bất bình thường trong xã hội, chẳng hạn vụ đặt bom đánh sập bin-đinh của chính phủ liên bang tại Oklahoma city năm 1995. Những hậu quả như thế có thể làm suy yếu cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cho đến nay, những lo sợ này gần như không trở thành hiện thực. Sở thuế vụ liên bang vẫn chưa thấy có sự gia tăng nào trong việc gian lận thuế má. Có nhiều bằng chứng cho thấy, quan chức chính phủ trở nên ít tham nhũng hơn những thập niên trước, và Ngân hàng Thế giới cho Hoa Kỳ điểm số khá cao (trên 90/100) về nỗ lực “kiềm chế tham nhũng”. Việc người dân tự nguyện điền và nộp lại các mẩu kiểm tra dân số đã lên đến 67 phần trăm năm 2000 và còn cao hơn chút đỉnh vào năm 2010, đảo ngược chiều hướng suy giảm trong 30 năm liền. Các tỉ lệ đi bầu giảm từ 62 phần trăm xuống 50 phần trăm trong suốt bốn thập niên sau năm 1960, nhưng sự suy giảm đã ngừng lại ở năm 2000 và tăng lên 58 phần trăm năm 2008. Nói thế khác, thái độ của dân chúng không thay đổi một cách đầy kịch tính như các câu trả lời trong các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy.
Những biến đổi trong vốn xã hội (social capital) đã nghiêm trọng đến mức nào nếu xét đến hiệu năng của những định chế Hoa Kỳ? Nhà nghiên cứu chính trị Robert Putnam nhận xét rằng những sợi dây ràng buộc với cộng đồng (community bonds) không luôn luôn suy yếu trong thế kỷ vừa qua. Trái lại, nếu nghiên cứu kỹ chúng ta sẽ thấy rằng lịch sử Hoa Kỳ là một lịch sử có những thăng trầm trong nỗ lực tham gia cộng đồng của người dân. Theo Pew Partnership for Civic Change, một nhóm nghiên cứu và tư vấn các tổ chức cộng đồng, ba phần tư dân Mỹ cảm thấy có liên hệ với cộng đồng của mình và cho rằng phẩm chất cuộc sống ở đó là tuyệt vời hay tốt đẹp (excellent or good). Một cuộc thăm dò khác của nhóm này cho biết rằng có đến 111 triệu người Mỹ đã tự nguyện đóng góp thì giờ để giúp giải quyết các vấn đề cộng đồng trong 12 tháng vừa qua và có đến 60 triệu người làm việc tình nguyện một cách thường xuyên. Bốn mươi phần trăm cho biết sinh hoạt cùng với người khác trong cộng đồng là việc quan trọng nhất mà họ có thể tham gia.
Trong những năm gần đây, chính trị và các định chế chính trị Hoa Kỳ đã trở nên phân cực hơn là dư luận thực sự của nhiều giới cho biết. Tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn do cuộc suy thoái kinh tế gần đây. Tờ The Economist nhận xét: “Hệ thống chính trị Hoa Kỳ được thiết kế để việc làm luật ở cấp liên bang trở nên khó khăn, chứ không dễ dàng… Như vậy trên cơ bản hệ thống này vẫn hoạt động; nhưng đấy không phải là lý do để bỏ qua các lãnh vực mà hệ thống này có thể được cải tổ”. Một số cải tổ quan trọng – như cần chia lại các đơn vị bầu cử để tránh các ghế chắc nịch (safe seats) trong Hạ viện hoặc thay đổi nội qui liên quan đến việc nói dông dài (filibusters) để giết chết các dự luật trong Thượng viện – sẽ không cần đến việc tu chính hiến pháp. Chúng ta phải chờ xem là liệu hệ thống chính trị Hoa Kỳ có thể tự cải tổ chính mình và đối phó với những vấn đề mô tả ở trên hay không, nhưng hệ thống chính trị này không hề đổ vỡ như một số nhà phê bình ám chỉ bằng cách so sánh với sự tan rã nội bộ của đế quốc La Mã hay các đế quốc khác.
Tranh luận về sự suy tàn
Bất cứ một đánh giá thực sự nào về quyền lực Mỹ trong những thập niên tới vẫn không có gì chắc chắn, nhưng dùng những ẩn dụ sai lầm về sự suy tàn để phân tích tình hình thì cũng chẳng có ích lợi gì. Những người tiên đoán sự suy tàn của Hoa Kỳ (declinists) cần phải được sửa sai bằng cách nhắc họ nhớ lại những đánh giá quá cường điệu từ phía Mỹ về sức mạnh quân sự của Liên Xô trong thập niên 1970 và về sức mạnh kinh tế của Nhật Bản trong thập niên 1980. Cũng sai lầm không kém là những vị tiên tri nói về một thế giới đơn cực (unipolarity) cách đây một thập niên, khi họ cho rằng Hoa Kỳ hùng mạnh đến nỗi muốn làm gì thì làm và các nước khác không còn lựa chọn nào khác hơn là phải chịu sự lãnh đạo của siêu cường này. Ngày nay, một số người lại tiên đoán chắc nịch rằng thế kỷ 21 sẽ chứng kiến Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới, trong khi đó một số nhà phân tích khác lại tranh luận không kém phần tự tin rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của người Mỹ. Tuy nhiên, trong thực tế, những biến cố không ai thấy trước được thường đảo lộn những tiên đoán như thế. Trước mắt chúng ta, luôn luôn có một dãy tương lai có thể xảy ra, chứ không phải chỉ một.
Còn về tương quan lực lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, rất nhiều điều sẽ tùy thuộc vào tình trạng bấp bênh của những thay đổi chính trị trong tương lai tại Trung Quốc. Trừ trường hợp có xáo trộn chính trị to lớn, mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ gia tăng quyền lực của nước này khi đối diện (vis-à-vis) với Hoa Kỳ. Việc này sẽ đưa Trung Quốc gần hơn với Hoa Kỳ về nguồn lực, nhưng không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ để trở thành quốc gia hùng mạnh nhất – cho dù Trung Quốc không trải qua những tổn thất chính trị nội bộ quan trọng nào. Những tiên đoán dựa vào mức tăng trưởng GDP không thôi là phiến diện, một chiều. Chúng bỏ qua những lợi thế về quân sự và quyền lực mềm của Hoa Kỳ, cũng như những bất lợi địa chính trị của Trung Quốc trong cán cân lực lượng tại châu Á.
Trong dãy tương lai có thể xảy ra, những tương lai có khả năng hơn cả là những tương lai trong đó Trung Quốc sẽ cạnh tranh ngang ngữa với Hoa Kỳ nhưng không thể qua mặt Hoa Kỳ về quyền lực nói chung trong nửa phần đầu của thế kỷ này. Nhìn lại lịch sử, nhà nghiên cứu chiến lược Anh Lawrence Freedman đã nhận xét rằng Hoa Kỳ có “hai đặc điểm khác hẳn với những cường quốc thống trị thế giới trong quá khứ: Quyền lực Mỹ dựa vào liên minh chứ không dựa vào thuộc địa và quyền lực này gắn liền với một ý thức hệ mềm dẻo…Hai đặc tính này cùng nhau cung ứng một cốt lõi gồm có các tương quan và các giá trị mà Hoa Kỳ có thể trở về để cố thủ, ngay cả sau khi đã phân tán lực luợng quá mỏng”. Và nhìn về tương lai, học giả Anne-Marie Slaughter lý luận rằng văn hóa đầy tính cởi mở và óc sáng tạo của Hoa Kỳ sẽ đặt quốc gia này ở vị trí trung tâm trong một thế giới mà các mạng lưới quan hệ quốc tế bổ sung cho, nếu không hoàn toàn thay thế, quyền lực có đẳng cấp giữa nước lớn và nước bé (hierarchical power).
Hoa Kỳ ở vào tư thế thuận lợi để hưởng sự hợp tác của các mạng lưới quan hệ quốc tế và các liên minh, nếu cường quốc này chịu theo đuổi những chiến lược khôn khéo. Trong bối cảnh Nhật Bản đang lo ngại về sự trổi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản muốn tìm hậu thuẫn của Hoa Kỳ để duy trì nền độc lập hơn là liên minh với Trung Quốc. Điều này tăng cường thế đứng của Hoa Kỳ. Trừ phi người Mỹ có hành động ngu xuẩn đối với Nhật Bản, một liên minh châu Á không phải là một trường hợp có thể xảy ra nhằm trục xuất Hoa Kỳ. Điều quan trọng là, cả hai thực thể có lợi tức đầu người và nền kinh tế tinh vi tương tự như Hoa Kỳ – Liên minh châu Âu và Nhật Bản – là đồng minh của Hoa Kỳ. Theo ý nghĩa thực tế truyền thống về tương quan lực lượng, sự liên minh này rất quan trọng cho địa vị thực sự của Hoa Kỳ. Và trên quan điểm quyền lực mọi bên đều có lợi (positive-sum view of power) – tức quan niệm nắm giữ quyền lực cùng với các nước khác, chứ không phải để khống chế họ – châu Âu và Nhật Bản sẽ cung ứng những nguồn tài nguyên to lớn nhất để đối phó với những vấn đề xuyên quốc gia thường xảy ra. Mặc dù lợi ích của những nước này không đồng nhất với lợi ích của Hoa Kỳ, nhưng họ cùng chia sẻ những mạng lưới xã hội và chính quyền trùng hợp với Hoa Kỳ, điều này cung ứng thêm cơ hội cho sự hợp tác.
Về vấn đề suy yếu tuyệt đối, chứ không phải tương đối, Hoa Kỳ đang đối diện những vấn đề nghiêm trọng như nợ nần, giáo dục bậc trung học, và bế tắc chính trị. Nhưng chúng chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Trong dãy tương lai có thể xảy ra, những tranh cãi hùng hồn vẫn nghiêng về các tương lai lạc quan hơn nghiêng về các tương lai bi quan. Nhưng trong số những tương lai bi quan này, điều có khả năng xảy ra nhất là một tương lai trong đó Hoa Kỳ phản ứng quá đà trước những vụ tấn công khủng bố bằng cách chỉ hướng về nội bộ và do đó tách mình ra khỏi ưu thế mà từ lâu Hoa Kỳ có được nhờ sự cởi mở đối với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, ngoại trừ những sai lầm chiến lược như thế, người dân Hoa Kỳ luôn luôn có giải pháp cho các vấn đề quan trọng của đất nước hôm nay. (Ví dụ, vấn đề nợ dài hạn có thể giải quyết bằng cách đưa lên kế hoạch, sau khi kinh tế đã phục hồi, các chương trình cắt giảm chi tiêu và thu thuế tiêu thụ để chi trả cho các quyền lợi của người dân). Dĩ nhiên, các giải pháp như thế cũng có thể mãi mãi nằm ngoài tầm vói. Nhưng điều quan trọng là, phải biết phân biệt những tình trạng vô vọng không tìm ra giải pháp với những tình trạng mà trên nguyên tắc có thể tìm ra giải pháp. Dẫu sao, những cải tổ do sự hợp tác lưỡng đảng trong thời Tiến bộ (the Progressive era) cách đây một thế kỷ đã đổi mới một quốc gia có vấn đề nghiêm trọng.
Một quan niệm mới
Đã đến lúc cần phải có một quan niệm mới về tương lai quyền lực của Hoa Kỳ. Mô tả sự chuyển dịch quyền lực trong thế kỷ 21 như một trường hợp cổ điển về sự suy yếu của một bá quyền là thiếu chính xác, và việc này có thể dẫn đến những ngụ ý nguy hiểm trong chính sách nếu nó khuyến khích Trung Quốc lao vào những chính sách phiêu lưu hay thúc đẩy Hoa Kỳ phản ứng quá đà vì sợ hãi. Hoa Kỳ không nằm trong tình trạng suy yếu tuyệt đối, nhưng trong ý nghĩa tương đối, vẫn có sát xuất hợp lý là Hoa Kỳ sẽ còn mạnh hơn bất cứ một quốc gia nào trong nhiều thập niên sắp tới.
Đồng thời, quốc gia này chắc chắn sẽ đối diện một sự gia tăng nguồn lực của nhiều thực thể khác – gồm cả các quốc gia lẫn các tác nhân phi nhà nước. Vì tiến trình toàn cầu hóa sẽ phổ biến các khả năng công nghệ và công nghệ thông tin sẽ cho phép một số người đông đảo hơn liên lạc với nhau, văn hóa Hoa Kỳ và kinh tế Hoa Kỳ không còn khống chế toàn cầu như vào lúc bắt đầu thế kỷ này. Tuy nhiên không có chuyện Hoa Kỳ sẽ mục nát như La Mã ngày xưa, hay thậm chí bị một nước khác qua mặt, kể cả Trung Quốc.
Như vậy, vấn đề quyền lực Mỹ trong thế kỷ 21 không phải là một vấn đề về sự suy yếu, nhưng là Hoa Kỳ cần phải làm gì khi nhận thức được rằng thậm chí một quốc gia hùng mạnh nhất cũng không dễ gì đạt được các thành quả mong muốn nếu không có sự giúp đỡ của các quốc gia khác. Những thách thức ngày một gia tăng sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ cần phải sử dụng quyền lực cùng với các quốc gia khác cũng như đối với các quốc gia khác. Điều này, do đó, sẽ đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc hơn về quyền lực, quyền lực biến đổi như thế nào, và làm thế nào xây dựng các chiến lược “quyền lực thông minh” (smart power) nhằm kết hợp các nguồn lực cứng và mềm trong thời đại thông tin. Khả năng của Hoa Kỳ trong việc duy trì liên minh và kiến tạo các mạng lưới quan hệ quốc tế sẽ là một chiều hướng quan trọng của quyền lực cứng và quyền lực mềm.
Quyền lực tự nó không tốt mà cũng không xâu. Nó như ca-lô-ri trong chế độ dinh dưỡng: nhiều hơn chưa chắc là tốt hơn. Nếu một quốc gia có quá ít nguồn lực, nó không có cơ may đạt được những thành quả mong muốn. Nhưng nắm quá nhiều quyền lực (bằng cách nắm giữ các nguồn lực) lắm lúc lại chỉ giống như chịu một sự trù yểm (a curse) nếu quyền lực đó dẫn đến một sự tự tin quá đáng đến độ vạch ra những chiến lược không thích hợp. Cậu bé Đa-vít giết được tên khổng lồ Gô-li-a bởi vì sức mạnh phi thường của Gô-li-a đã khiến hắn theo đuổi một chiến lược thấp kém, điều này tiếp đó đã đưa hắn đến thất bại và cái chết. Một quan niệm quyền lực thông minh cho thế kỷ 21 không có mục đích gia tăng quyền lực đến mức tối đa hay duy trì bá quyền. Quan niệm này có mục đích tìm kiếm những đường lối kết hợp nguồn lực trong những chiến lược có thể thành công trong bối cảnh của sự phân tán quyền lực và “sự vươn dậy của phần thế giới còn lại”.
Là cường quốc mạnh nhất thế giới, Hoa Kỳ vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, nhưng quan niệm phát xuất từ thế kỷ 20 về một thế kỷ Mỹ hay bá quyền Mỹ – cũng như những quan niệm về sự suy yếu của Mỹ – là sai lầm khi quan niệm đó được sử dụng như như một cẩm nang để tìm kiếm loại chiến lược cần thiết trong thế kỷ 21. Những thập niên sắp tới chắc chưa chứng kiến một thế giới hậu-Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ sẽ cần một chiến lược thông minh để kết hợp nguồn lực cứng và nguồn lực mềm thích ứng được với bối cảnh mới của một thời đại thông tin.
J. S. N.
Túy Vân phỏng dịch từ Foreign Affairs, số tháng 11 và tháng 12 năm 2010.
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN