Đông đảo người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã phản ứng trước cách vị phó chủ tịch thường trực VASEP trả lời báo giới về việc cá tra VN bị cho là không sạch
Cả người nuôi cá tra và doanh nghiệp xuất khẩu tỏ ra không hài lòng trước việc những người đứng đầu ngành thủy sản của VN đang cổ xúy cho bộ quy chuẩn ASC của WWF. Nếu nhượng bộ và hạ mình như thế sẽ còn nhiều tổ chức “đẻ” ra những quy chuẩn khác áp lên con cá tra của VN.
Cá tra VN đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng tại 124 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới mà không cần phải có ASC
Trong những ngày qua, hàng trăm hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL đã bày tỏ bức xúc với Báo NLĐ trước phát biểu của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, cho là cá tra VN dơ bẩn. Ông Võ Văn Đệ, hơn 10 năm nuôi cá tra thương phẩm ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, giận dữ: “Ông Dũng đã bêu xấu con cá tra của VN thêm lần nữa sau mấy ông WWF. Hơn 10 năm nay, mỗi năm, tôi bán gần 200 tấn cá mà có ai cho rằng cá bẩn đâu”. Rồi ông Đệ còn lôi ra cho chúng tôi xem giấy chứng nhận BMP (Quy phạm Thực hành nuôi cá tra tốt) do đại diện 3 nước: VN (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 và Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ) cùng với đại diện của 2 tổ chức Úc và Thái Lan cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết ông được WWF VN mời tham dự hội thảo để đóng góp cho bộ quy chuẩn về nuôi cá tra mà họ xây dựng đến 5 lần. “Trong đó có những vấn đề WWF VN đưa ra như yêu cầu phải xây rào chắn quanh bờ ao, hầm nuôi cá tra để tránh cho cá tra nuôi thoát ra môi trường ảnh hưởng đến cá tự nhiên... Điều này chứng tỏ họ không hiểu biết gì về cá tra vì đây là loài cá bản địa chứ không phải sinh vật ngoại lai, xâm hại đến nguồn cá tra trong tự nhiên”- ông Hải nói. Ông Hải cho rằng VASEP là tổ chức của những nhà chế biến xuất khẩu, không hiểu được việc nuôi cá nên không thể đại diện cho người nuôi cá tra VN được.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hải, hiện nay có quá nhiều quy chuẩn được các tổ chức áp đặt lên con cá tra VN. Để đạt được những chứng nhận đó, người nuôi cá tốn rất nhiều chi phí, trong khi những chứng nhận loại đó không có giá trị pháp lý. Ông Hải dẫn chứng muốn được đánh giá thực hiện quy chuẩn đó, trước hết phải mời đơn vị tư vấn với chi phí rất cao. “Để được cấp chứng nhận, chứng chỉ, bất kỳ hộ nuôi cá tra phải tốn thêm tối thiểu 200 triệu đồng. Song, họ cứ tới lui đánh giá mỗi năm sẽ còn tốn phí dài dài. Không phải người nuôi cá tra nào cũng đủ tiền để chạy theo các tiêu chuẩn ngày càng nhiều, càng vô lý”- ông Hải bày tỏ.
Đã khẳng định chất lượng và thương hiệu Ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy hải sản Hiệp Thanh, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, cũng khẳng định việc các tổ chức trên thế giới liên tiếp “đẻ” hết loại chứng nhận này đến quy chuẩn khác là gánh nặng chi phí cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VN. Chi phí cho việc đạt chứng nhận bất kỳ của một doanh nghiệp không dưới 10.000 USD, thậm chí đến hàng chục ngàn USD. Nay lại thêm ASC, mà “mặt mũi” của quy chuẩn này chưa ai biết. “Thời gian qua, khi WWF đưa con cá tra vào danh sách đỏ tại 6 nước châu Âu thì khu vực này vẫn nhập khẩu cá tra của VN, bởi thương hiệu và chất lượng đã được khẳng định với người tiêu dùng trên thế giới”- ông Phấn nói. |
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG